LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Ghi chép
A Lưới là một huyện phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế, có biên giới giáp nước bạn Lào.
Trong kháng chiến, A Lưới là địa bàn có tầm chiến lược quan trọng, là nơi án ngữ hành lang phía Tây, nơi trung chuyển vận tải sức người, sức của từ miền Bắc vào miền Nam chi viện cho chiến trường. Đây là vùng địa bàn hiểm trở, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống. Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tháng 3/1976 huyện A Lưới chính thức được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 quận: quận 1, quận 3, quận 4. Từ những ngày đầu xây dựng, A Lưới đối mặt với muôn vàn khó khăn, phức tạp, vừa hàn gắn vết thương chiến tranh vừa khôi phục phát triển kinh tế. Đến nay, người dân A Lưới đã ổn định cuộc sống, đạt được nhiều thành tựu xây dựng quê hương đổi mới giữa đại ngàn Trường Sơn.
Ghi nhận những thành tích của huyện A Lưới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho Đảng bộ và Nhân dân huyện A Lưới và 18 tập thể, 8 cá nhân; phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho 26 mẹ và nhiều danh hiệu, huân, huy chương cao quý. 800 liệt sĩ và 500 thương binh đã nằm lại, bỏ lại một phần thân thể ở chiến trường vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chúng tôi tìm về những anh hùng đã lưu danh sử sách, để hiểu về những năm tháng hào hùng, oanh liệt ấy. Người đầu tiên chúng tôi gặp là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đức Vai. Nơi đến là căn nhà nhỏ trên đồi yên tĩnh, nép mình sau dãy nhà ở thị trấn A Lưới, từ đây có thể phóng tầm mắt nhìn mây phủ trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Tiếp chúng tôi là một cụ già đã bước qua tuổi bát tuần, tóc bạc trắng, ăn vận giản dị và luôn tươi cười trong mỗi câu chuyện. Ít ai nghĩ rằng đó là anh hùng Hồ Đức Vai lừng lẫy năm nào trong khói lửa chiến trận với bao chiến công hiển hách khiến kẻ địch phải khiếp sợ. Ông chính là “linh hồn” của đội du kích A Lưới, vừa là chiến sĩ đánh địch giỏi, vừa là người chỉ huy gan dạ, mưu trí, chỉ bày đồng đội lối đánh du kích hiệu quả.
Trong cuộc đời của ông, giây phút thiêng liêng đáng nhớ nhất đó là lúc được gặp Bác Hồ, vào 16 giờ ngày 15/10/1965. Trước mắt ông, là một cụ già mặc bộ quần áo ka ki trắng, chân đi dép cao su, Bác Hồ, lãnh tụ kính yêu của dân tộc lại giản dị đến thế. Ông hồi tưởng: “Gặp Bác, mình chỉ khóc thôi”. Ông được ôm Bác, được Bác ôm vào lòng. Mừng mừng tủi tủi vì “Lúc đó, ai cũng khóc, cũng hạnh phúc. Cái đời của mình chưa bao giờ có cảm giác sung sướng như vậy”.
Trước đó, vào những năm 1960, Hồ Vai lúc ấy đang là anh du kích của xã, nghe trên Đài Tiếng nói Việt Nam giọng của Bác động viên đồng bào, chiến sĩ đánh Mỹ, cứu nước. Những câu chuyện về Bác, đức hy sinh cao cả và lòng yêu nước, thương dân, cống hiến cả cuộc đời vì độc lập tự do của Bác đã khiến anh du kích Hồ Vai ngưỡng vọng thành kính. Khi lao động sản xuất, lúc chiến đấu anh đều lấy tấm gương của Bác và những lời nhắc nhở của Người làm kim chỉ nam hành động. Hồ Vai đã tự nguyện lấy họ Bác Hồ làm họ của mình để thể hiện một lòng son sắt theo cách mạng. Năm 1965, anh du kích Hồ Vai lúc đó mới 25 tuổi vinh dự được đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ nhất tổ chức tại Tây Ninh, là một trong số 32 cán bộ chiến sĩ được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm đó. Năm 1965, anh hùng Hồ Đức Vai trong đoàn 5 người được ra Bắc gặp Bác Hồ, cùng với các anh hùng Tạ Thị Kiều, Huỳnh Văn Đảnh, Trần Dưỡng và Lê Chí Nguyện.
Anh hùng Hồ Đức Vai nhớ lại, đó là thời khắc vinh dự gặp Bác Hồ, được Bác đón tiếp rất tình cảm, chu đáo. Một phần vì chúng tôi là người miền Nam ra và nhất là tôi là người đồng bào dân tộc thiểu số. Bác hỏi thăm về tình hình mặt trận, đời sống quê hương lúc bấy giờ. “Điều mà Bác hỏi tôi nhiều nhất là về cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số. Tôi trình bày đầy đủ, mạch lạc và được Bác ngợi khen”. Anh hùng Hồ Đức Vai không bao giờ quên câu nói của Bác: “Cháu ra Hà Nội rồi lại về Nam chiến đấu. Ở đâu cũng vậy, cháu phải cố gắng giữ gìn sức khỏe, có khỏe mới làm được nhiều việc, mới đánh thắng giặc Mỹ. Nhất là cháu phải xây dựng tình đoàn kết với các đồng chí anh em, với nhân dân, tuyệt đối không phân biệt dân tộc này với dân tộc khác”.
Tôi được biết, ngày hôm đó, đoàn chúng tôi được Bác tiếp lâu nhất và khi hết giờ câu chuyện vẫn còn chưa kết thúc. Cũng từ lần đầu tiên đó, Bác chính thức đặt tên họ Hồ cho chàng du kích người dân tộc Pa Cô là Hồ Đức Vai. Danh xưng ấy đã gắn bó với cuộc đời ông. Và ông cũng chính là người đồng bào dân tộc thiểu số đầu tiên mang họ Hồ. Anh hùng Hồ Đức Vai có đến 4 lần được gặp Bác. Lần cuối cùng, trước khi vào lại miền Nam chiến đấu, ông nhớ như in lời Bác dặn:“Cháu giờ là cán bộ lãnh đạo rồi, cháu vào trong đó phải làm gương nhé. Trong công việc hằng ngày, cái gì trái, dù nhỏ nhất cũng phải tránh. Cái gì phải, khó khăn mấy cũng phải làm...”. Lời dặn ấy ông khắc cốt ghi tâm, việc trái không làm, việc phải phải làm đến cùng. Về lại A Lưới, Hồ Đức Vai cùng đồng chí, đồng đội kề vai sát cánh đánh Mỹ. Trong những lời Bác Hồ dạy, ông tâm đắc: “Mình học theo Bác tính cách “Nói đi đôi với làm”. Mình đã nói cái gì mình làm cái đó, làm cho bằng được. Vì thế, luôn được anh em hết sức tin tưởng”. Ông cũng truyền thông điệp từ trái tim mình đến đồng bào: “Bác quá vĩ đại. Lời Bác nói thấm sâu vào tâm can tuổi trẻ. Khi tôi về đã mang họ Hồ, tôi phát động trong đồng đội và bà con mình cùng đổi sang họ Bác”.
Anh hùng Hồ Đức Vai trầm tư nói về ngày buồn nhất, đó là khi nghe tin Bác mất. Ông nhớ lại, vào ngày 5/9/1969, khi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần đến với đồng bào, chiến sĩ miền Tây tỉnh Thừa Thiên Huế, Hồ Đức Vai và nhiều đồng đội đã tiếc thương, khóc. Ông đã nhịn đói 5 ngày để tưởng nhớ Bác. “Lúc đó, thương Bác quá, nhưng không biết phải làm sao. Chỉ biết nhịn đói để nói cái chí của mình, để nhớ thương Bác” - Người anh hùng thật thà đã trải lòng mình với hiện thực của nỗi đau khi đất nước mất đi người lãnh tụ kính yêu. Trong bức thư gửi Bác năm 1969 hiện được Bảo tàng Hồ Chí Minh lưu giữ trong Kho tư liệu, Hồ Đức Vai đã viết: “Bài học chính trong đạo đức và đời hoạt động của Bác rất cao cả, đẹp đẽ nhưng cũng rất gần gũi dễ thấy. Do đó, cháu hết sức làm theo lời Bác dạy, cống hiến toàn bộ bản thân cháu cho sự nghiệp cách mạng, lấy lợi ích của Đảng, của Nhân dân làm mục đích duy nhất của cuộc sống, làm hạnh phúc cho toàn dân”.
Sau năm 1975, Hồ Đức Vai có hai nhiệm kỳ là đại biểu Quốc hội và là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Người anh hùng đem tâm huyết, sự hiểu biết của mình đóng góp nhiều ý kiến để xây dựng chính sách, đặc biệt là chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, đưa tiếng nói, tâm tư nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số đến với Đảng, với Nhà nước, với Quốc hội và đặc biệt xây dựng và phát triển tinh thần đoàn kết dân tộc ngày một vững chắc. Sau khi về hưu, Hồ Đức Vai lấy công tác từ thiện làm lẽ sống. Khi làm Chủ tịch Quỹ Bảo trợ Trẻ em huyện A Lưới, Hồ Đức Vai đi tìm hiểu và đến với từng số phận, những nạn nhân chất độc da cam, những người có hoàn cảnh đặc biệt. Ông là một tấm gương ngời sáng những phẩm chất của bộ đội Cụ Hồ, kiên cường và tận tụy trong bất kỳ mọi hoàn cảnh và luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ.
*
Rời nhà anh hùng Hồ Đức Vai, chúng tôi đến nhà anh hùng Hồ Kan Lịch, Hồ A Nun, hai người gọi anh hùng Hồ Đức Vai bằng chú ruột. Đó là một gia đình có 3 người được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, rất hiếm thấy trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Mưa vẫn rơi nặng hạt, cả thị trấn nhòa đi trong bụi nước. Nhà anh hùng Hồ Kan Lịch ở ngay trên trục đường Hồ Chí Minh nên rất dễ tìm. Đập vào mắt chúng tôi khi vào nhà là gian thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được thiết kế rất trang trọng. Theo truyền thống gia đình, Tết năm nào cũng làm cơm cúng Bác Hồ và nói như tâm nguyện của Hồ Kan Lịch là “mời Bác về ăn Tết với gia đình”. Người anh hùng ấy bây giờ đã là người bà của một đại gia đình hạnh phúc. Bà bắt đầu kể về những năm tháng gian khó trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thời bấy giờ, Hồ Kan Lịch đã lãnh đạo đội du kích Hồng Bắc gồm 160 người trực tiếp đánh 49 trận lớn nhỏ. Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, tháng 7/1967, bà được Đảng và Nhà nước phong tặng Huân chương Quân công giải phóng hạng Ba và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Chiến công ấn tượng nhất của bà đó chính là dùng súng trường bắn hạ một máy bay Dakota chở nhiều lính Mỹ, là chiếc máy bay đầu tiên bị quân ta bắn rơi ở chiến trường miền Tây Thừa Thiên Huế. Vào tháng 5/1968, Quân khu Trị Thiên đã tổ chức đưa Hồ Kan Lịch ra Hà Nội để được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vừa nói chuyện, bà Kan Lịch vừa chỉ cho chúng tôi xem những bức hình chụp chung với đồng đội và Bác Hồ. Những bức hình đen trắng đã ngả màu theo thời gian nhưng vẫn được bà nâng niu, giữ gìn như báu vật. Bà vinh dự được gặp Bác Hồ đến 7 lần, trong đó có 4 lần được Bác mời ăn cơm tại Phủ Chủ tịch. Bà bắt đầu kể về những lần gặp Bác. Lần đầu tiên, Bác rất mừng khi được gặp các chiến sĩ từ miền Nam ra. Sự ân cần của Bác làm cô gái Kan Lịch cảm động. Bác hỏi những câu gần gũi về hoàn cảnh bản thân bà lúc đó như: “Cháu có chồng chưa?”, hay “Cha mẹ cháu còn không?” như một người thân quan tâm chu đáo đến đời sống của bà. Bác đánh giá cao những thành tích chiến đấu của Kan Lịch, góp phần trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bác bảo: “Làm ra anh hùng thì khó nhưng không khó lắm, giữ anh hùng mới thật là rất khó”. Câu nói của Bác khiến Kan Lịch phải suy nghĩ thật nhiều, là một lời vừa động viên, vừa nhắc nhở chân tình, khéo léo. Kan Lịch liền lễ phép trả lời: “Thưa Bác, cháu sẽ cố gắng. Bông hoa đó không phải do một mình cháu hái được, mà còn có xương máu của đồng chí, anh em. Cháu sẽ cố gắng giữ mãi mãi danh hiệu mà Đảng và Nhà nước đã phong tặng ạ”. Bác mỉm cười nói rằng: “Rất tốt. Cháu hãy cố gắng làm tốt mọi công việc của mình để phát huy tác dụng của một nữ anh hùng, đừng thỏa mãn và dừng tại chỗ nhé”. Những lời đó đến nay bà vẫn còn ghi lòng tạc dạ, thực hiện như những gì Bác chỉ dạy.
Kan Lịch nhớ nhất là những lần được Bác mời ăn cơm tại Phủ Chủ tịch. Bữa cơm hôm đó có đồng chí Phạm Văn Đồng, đồng chí Trường Chinh, đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí Tố Hữu... là những vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Bữa cơm được nấu các món Huế. Bác nói: “Biết cháu từ Huế ra nên hôm nay chúng ta ăn cơm món Huế”. Kan Lịch nói: “Thưa Bác đúng là người Huế nhưng cháu người dân tộc thiểu số, không biết món Huế là thế nào, chỉ chặt to kho mặn thôi ạ. Cháu ăn gì cũng được, không cần cầu kỳ đâu Bác ạ!”. Nghe thế Bác cười: “Bác rất thích món Huế. Một phần cuộc đời Bác từng sống ở Huế. Ăn món Huế để nhớ Huế. Nào, Bác mời các đồng chí và cháu, chúng ta cùng ăn cơm”. Nhưng hôm đó Kan Lịch không ăn được vì bà quá xúc động. Cả cuộc đời Kan Lịch không ngờ ngày hôm nay, được gặp Bác và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Trong đó có đồng chí Tố Hữu, một người con xứ Huế, một nhà thơ cách mạng mà bà yêu mến.
Có lần gặp khác, Bác nhẹ nhàng nói: “Cháu nên nhớ rằng tình đoàn kết Kinh - Thượng là một. Không phân biệt người Kinh hay người Thượng. Không phân biệt người miền ngược hay người miền xuôi. Tất cả đều là anh em”. Kan Lịch nói: “Thưa Bác, cháu cũng nghĩ như thế... Kinh Thượng là một, giống như cùng một cha một mẹ sinh ra ạ”.
Bác nhắc nhở phải giữ gìn sức khỏe và Bác tặng ít quà cho đồng đội ở A Lưới. Đó là một hộp bút nước ngoài để gửi về đồng đội, đơn vị. Bác còn tặng cả đồng hồ. Kan Lịch đưa Tổng cục Chính trị nhờ gửi về đơn vị, anh em ai cũng quý món quà nhỏ đó.
Đặc biệt, Kan Lịch còn vinh dự được đi Liên Xô, đoàn do đồng chí Võ Nguyên Giáp dẫn đầu trong thời gian 4 tháng để dự lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng 10 Nga. Đợt đó, bà bị ốm nặng ở Liên Xô. Về nước, nghe tin, Bác lại mời bà dùng cơm. Bác hỏi: “Cháu thấy nước ngoài thế nào?”. Kan Lịch thưa: “Từ trước đến giờ, cháu chưa lần nào đi nước ngoài. Cái gì cũng có cái gì cũng đẹp. Thấy mọi thứ đều đẹp. Được đi thăm nhiều thắng cảnh Liên Xô. Lăng Lê-nin, chiến hạm Rạng Đông”... Bác Hồ bảo: “Phải đi ra nước ngoài, cháu mới biết thế giới như thế nào. Có thế ta mới mở mang tầm mắt của mình. Học hỏi họ để về xây dựng đất nước cháu ạ”.
Nhưng rồi, thời gian ở bên Bác không còn nhiều. Năm 1969, sức khỏe Bác dần yếu. Đến đầu tháng 9, Bác hôn mê. Nghe tin, Kan Lịch rất buồn. Khi Bác tỉnh, cán bộ cho người gọi hai nữ anh hùng là Kan Lịch, Tạ Thị Kiều nhanh chóng về Hà Nội gặp mặt Bác. Lúc đó Kan Lịch đang học tại Vĩnh Phúc. Kan Lịch đứng ngoài hành lang, nghe tin Bác tỉnh lại một tí và rồi từ đó không bao giờ còn được gặp lại Bác nữa. Bà và đồng đội đã khóc như mưa, khóc đến sưng cả mắt trước nỗi mất mát to lớn này của dân tộc và riêng Kan Lịch, là hình ảnh một người cha ân cần dìu dắt trong những năm tháng ở bên Người.
Anh hùng Hồ Kan Lịch đã đi qua những năm tháng chiến tranh gian khó và những trắc trở vào thời bình. Bà nuôi con, chăm chồng đau ốm và còn cưu mang nuôi thêm 6 đứa cháu mồ côi cha mẹ. Nữ anh hùng vừa làm việc Nhà nước vừa lên rừng đi mây, tăng gia sản xuất. Bà còn giúp đỡ, tạo điều kiện cho bà con trong vùng có điều kiện làm ăn, học hành. Nay, nhà cửa ấm êm, con cái thành đạt, các cháu đã trưởng thành, ai cũng ra riêng và được Kan Lịch làm cho căn nhà để bắt đầu xây dựng cuộc sống riêng. Hồ Kan Lịch nói: “Tôi luôn ghi nhớ những lời dặn dò của Bác: giữ anh hùng là rất khó. Anh hùng phải luôn cố gắng ở mọi công việc, mọi nơi, phải xứng đáng là tấm gương cho mọi người học tập”. Anh hùng Kan Lịch là tấm gương tiêu biểu của người phụ nữ vùng cao giàu bản lĩnh, ý chí.
Với những anh hùng đã gặp được Bác, nhiều câu chuyện ân tình đáng nhớ. Và với những anh hùng ở vùng đất này chưa được gặp Bác, đã được Bác dành cho những sự ưu ái đặc biệt bằng những lá thư thăm hỏi, những món quà động viên đầy ý nghĩa như: gửi cho anh hùng Hồ A Nun, anh hùng Cu Tríp những lá thư tay. Bác còn tặng cho anh hùng A Nun một chiếc đồng hồ, một chiếc đài và nhiều vật dụng quan trọng khác. Anh hùng Hồ A Nun là em ruột của anh hùng Kan Lịch, người đã tạo nên kỷ lục trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ về việc gùi đạn dược, lương thực cho chiến trường. Từ năm 1961 đến 1969, Hồ A Nun gùi hàng trăm tấn vũ khí, lương thực (tương đương một đoàn xe chiến lược). Với những chiến công đó, ông Hồ A Nun được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1969. Tiếc thay, khi chúng tôi đến nhà thăm hỏi, anh hùng Hồ A Nun sức khỏe đã yếu đi nhiều, lại bị di chứng bệnh tai biến nên không thể nói chuyện được. Mọi câu chuyện chỉ để ngôi nhà xanh bóng cây và những con cháu hiền hòa bên ông trả lời. Những tấm ảnh, huân chương, bằng khen, giấy khen đã nói lên tất cả. Chiến tranh đã lùi xa, chỉ còn bình yên ở lại dựng xây ngày mới.
Chúng tôi lại lên đường thăm hỏi Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Thị Đơm. Người nữ anh hùng này trong những năm kháng chiến chống Mỹ được ví như “Nữ tướng của rừng xanh”, đã cống hiến sức mình phục vụ cho kháng chiến. Bà đã tham gia hàng trăm trận chiến đấu, diệt nhiều tên địch, bắt sống tám tên, bắn rơi hai máy bay, thu 25 súng các loại... Bà cũng đã vận động nhân dân vót hàng vạn cây chông, đào được hàng nghìn mét đường hầm, tham gia rải truyền đơn, tuyên truyền vận động binh lính địch bỏ ngũ trở về. Ngoài nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu, bà đã góp hàng trăm thùng gạo và rất nhiều nhu yếu phẩm khác phục vụ đắc lực cho kháng chiến. Năm 1994, bà được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cùng nhiều giấy khen, bằng khen và huân huy chương. Bà không có được may mắn ra Bắc gặp Bác Hồ như những anh hùng khác. Trong ký ức của cô du kích Hồ Thị Đơm lúc ấy: “Tôi ấn tượng về hình ảnh chân thật, giản dị của Bác với đồng bào. Giặc Mỹ đến, tôi cùng gia đình nơi đây quyết tâm theo Bác, theo Đảng. Người đồng bào miền Tây theo Bác cả. Lời Bác nói chúng tôi đều lắng nghe, đều cố gắng thực hiện. Bác luôn có mặt trong đời sống và chiến đấu của chúng tôi”. Năm Bác mất, bà khóc rất nhiều và tự hứa với mình cố gắng lập nên nhiều chiến công dâng lên Bác. Bà nhớ lại: “Năm 1969, Bác mất, tôi vẫn còn đang đánh giặc cùng đồng đội. Hết trận, anh em trở về nhưng không biết gì cả. Tôi mở đài mới biết Bác đã ra đi. Thật sự quá đau lòng. Tất cả mọi người đều khóc. Nước mắt rơi, không còn thiết ăn uống gì nữa”. Sau khi hòa bình lập lại, bà ước được một lần ra thăm Lăng Bác. Năm 1996, sau khi được tuyên dương anh hùng, Nhà nước đã tạo điều kiện cho chuyến đi đó. Trước khi đi, bà ốm nặng. Mọi người khuyên bà ở lại A Lưới, nhưng bà đã nói. “Nếu tôi chết hãy cho tôi chết ở cạnh Bác, tôi không thể trở về được”. “Bác thương đồng bào Việt Nam. Bác chính là người cha bao dung, lo lắng tất cả vì đồng bào, vì đất nước. Tôi chỉ biết nói rằng rất thương Bác” - Bà nói.
Chính vì thế, ngay trong tháng 9/1969, sau khi được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, 5 tộc người dân tộc thiểu số bao gồm Cơ Tu, Tà Ôi, Pa Cô, Pa Hy, Bru - Vân Kiều ở miền Tây tỉnh Thừa Thiên Huế đã đổi sang họ Bác Hồ. Giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ ngày ấy có các già làng, bô lão, đại diện Mặt trận, trưởng bản cùng toàn thể đồng bào các dân tộc A Lưới, họ cùng hướng ra miền Bắc, hướng về Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Họ hứa trọn đời đi theo Đảng, theo cách mạng và quyết định mang họ Hồ. Đây là niềm vinh dự. Một sự kiện lịch sử đặc biệt về cộng đồng tộc người và tên gọi, phả hệ, là tình cảm lớn lao của 5 dân tộc anh em dành riêng cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lên A Lưới, gió tràn về lồng lộng, mưa thấm ướt đại ngàn. Một khúc hát ru xa vắng từ trong Veel theo con gió bay đi. Tôi chợt nhớ bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm:
“Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng
Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi
Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối
Lưng đưa nôi và tim hát thành lời:
Ngủ ngoan A Kay ơi, ngủ ngoan A Kay hỡi”
Bài thơ kể về người mẹ dân tộc Tà Ôi vừa địu con trên lưng vừa giã gạo, tỉa bắp, góp phần sản xuất lương thực cho kháng chiến và mơ ước con mình khôn lớn được sống trong đất nước tự do. Tình yêu con thiết tha, đằm thắm và tình yêu nước sâu nặng của bà mẹ đã làm lay động biết bao tâm hồn yêu miền sơn cước.
“Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng”.
Và hiển hiện ở đó là mặt trời Hồ Chí Minh trong lòng những người con A Lưới vẫn luôn sống mãi, luôn rực sáng.
S.K
(TCSH398/04-2022)