Bút ký - Tản văn
Nhớ con sông quê nhà
08:56 | 04/01/2023

NGUYỄN VĂN DŨNG
                      
                    Bút ký

Nhớ con sông quê nhà
Ảnh: internet

Hơn mươi năm trở lại đây, tôi có may mắn đi qua nhiều những con sông nổi tiếng trên thế giới: Yarlung Tsangpo, Hoàng Hà, Dương Tử, Saint Laurent, Mississippi, Danuble, Murray, Irtush, Moskva, Neva, Tiber, Spree, Kamo, sông Nile, sông Hằng, sông Seine, sông Thames, v.v… trừ Amazon. Năm 2008, có dịp trở lại Mỹ, tôi quyết tâm đi thăm cho được con sông huyền thoại này.

Nhìn trên bản đồ, đường từ Mỹ về Brazil chỉ bằng gang  tay,  vậy  mà phải bay hơn một ngày: Sáng California, chiều Florida, 0g30 đêm mới đến Manaus.

Manaus là thủ phủ của Tiểu bang Amazonas, là bang rộng nhất trong 26 tiểu bang của Brazil - rộng hơn diện tích của cả nước Anh, Đức, Pháp, Ý cộng lại. Thảo nào, Amazonas ôm vào lòng nó khu rừng Amazon rộng nhất thế giới, và con sông Amazon dài nhất thế giới (6.800km), dài hơn sông Nile những 105 km.

Ngay ngày đầu tiên tôi đã chọn Tours Meeting of the Waters. Buổi sáng, chiếc du thuyền rời cảng Manaus, dọc theo nhánh sông Rio Negro, đổ vào Amazon. Không ngờ Amazon rộng đến thế. Trước chuyến đi, tôi đọc nhiều tư liệu về Amazon, nhưng từ con số vô hồn trên giấy đến hiện thực lai láng trước mắt không khỏi làm tôi sửng sốt. Tàu chạy giữa dòng, ngó qua bên tê sông mênh mông bát ngát, ngó về bên ni sông bát ngát mênh mông; người ta nói, mùa mưa có nơi rộng đến 45km. Nhưng cửa sông Amazon mới thật khủng khiếp, rộng hơn 300km. Do khái niệm sông không còn phù hợp với Amazon nên người ta đặt cho nó cái tên “Biển nước ngọt”. Tuy rộng thế nhưng nước sông chảy xiết. Tận cuối chân trời, mây trắng lớp lớp xây thành như ngăn không cho nước sông pha nhạt vị mặn của biển.

Nơi hợp lưu của hai con sông lớn Rio Negro (sông Đen) và Rio Solimoes (sông Nâu), nước không chịu hòa tan. Amazon như bị xẻ làm đôi, một bên đen một bên nâu, rồi cứ thế mà song hành hàng chục cây số trước khi đổi ý, hòa làm một, chung sức chung lòng tạo nên con sông Amazon mênh mông, dào dạt. Sách hướng dẫn du lịch ghi, nơi quãng sông này, người ta sẽ trang bị áo phao cho du khách mặc sức bơi lội. Tôi đề nghị anh hướng dẫn viên cho tôi tắm. Anh ta nhún vai, lắc đầu. Tôi ức lắm. Năm năm trước, cũng xuôi thuyền trên sông Nile, tôi được tắm một trận thỏa thích. Không chỉ lúc lặn xuống dòng sông mà cả sau này mỗi lần nhớ lại, trái tim tôi vẫn còn lâng lâng niềm cảm khái. Sông Amazon có đến 2.000 loài cá, không ai chết đói trên dòng sông này; nhưng người ta có thể chết vì một loài cá chuyên ăn thịt người - cá piranha, sát thủ nổi tiếng. Chắc anh hướng dẫn viên không cho tôi tắm là vì vậy. Eo ơi, thế thì chẳng tiếc.

Xuôi theo Amazon, chiếc du thuyền khi dạt sang phía nửa sông Nâu, khi dạt sang phía nửa sông Đen. Gió mát lành, nắng trong veo, mênh mông sông núi, tít tắp bãi bờ. Du khách lay hoay ghi hình, chụp ảnh, phấn khích, nhộn nhạo chẳng khác chi sân chơi của đám trẻ mẫu giáo. Cho đến lúc biết chắc du khách đã thỏa thuê chiêm ngưỡng hiện tượng thiên nhiên vô cùng kỳ ảo ấy, chiếc du thuyền mới quay trở lại, men  theo bờ tả ngạn, rồi rẽ vào một con sông nhỏ, lại rẽ vào một con sông nhỏ, thêm một con sông nhỏ nữa; rất nhiều những con sông như từ trong rừng tuôn ra; nói là sông nhỏ, nhưng xem ra nó mênh mông chẳng thua kém chi mấy con sông lớn bên mình. Cuối cùng, chiếc du thuyền cập bến một trong những nhà hàng nổi dọc bờ sông. Tại đây, du khách được chia thành hai nhóm, cho vừa hai chiếc ca nô, rồi bắt đầu cuộc mênh mang với khu rừng Amazon huyền bí.

Bên mình, rừng núi gắn liền với ý niệm cao thấp, khe suối, vực sâu, bên này không thế; một phần diện tích của rừng Amazon hoàn toàn chìm trong nước. Chẳng hạn như  khu rừng tôi đang ngẩn ngơ đây, bốn bề lênh láng, sâu đến 3 - 4m. Tôi cứ băn khoăn hoài, nếu cứ chìm mãi trong nước thế thì rừng Amazon tồn tại và phát triển bằng cách nào. Sau này tìm hiểu qua internet, tôi có dịp xem cuốn phim 52 phút về đời sống của khu rừng nổi tiếng này. Nhưng để được sinh tồn một cách kỳ quái thế, nó phải mất cả hàng vạn năm thích ứng. Chiếc ca nô ra vẻ ta đây đã tỏ đường đi lối về, lăm lăm lòn lách qua các ngõ ngách đủ thứ cây lớn cây nhỏ - nhiều cây vào hàng đại thụ, phải mấy người ôm. Có lúc nhóm chúng tôi phải dừng lại đợi chiếc ca nô tắt máy phía sau. Khu rừng bỗng  rơi vào vực sâu im lặng, thứ im lặng rợn người. Tiếng tru của một con thú, tôi không biết tên, âm vang và xa vắng. Chà, phải chi về đêm, dưới ánh trăng, khu rừng này may ra mới phô hết vẻ huyền bí của nó.

Kết thúc một ngày ngất ngây với khu rừng trứ danh và con sông huyền thoại là bữa tiệc buffet nơi một nhà hàng ven sông, với những món đặc sản cá sông Amazon, độc đáo trái cây rừng Amazon, nhóm phục vụ toàn những thiếu nữ thổ dân mặn mà và cực kỳ nhã nhặn. Tôi thừa nhận rằng đó là một trong những kỷ niệm sâu đậm nhất của chuyến lãng du không thể nào quên.

Những ngày còn lại, tôi một mình lang thang qua các ngõ phố Manaus,  những  công  trình  di  sản, v.v. Manaus nằm bên bờ sông Amazon, được bao bọc bởi khu rừng nguyên sinh, diện tích 11.401km2, gần 2 triệu dân; là trung tâm  văn hóa của bắc Brazil, với nhiều những công trình lịch sử và nghệ thuật, nhiều biệt thự kiểu Pháp, phi trường quốc tế, cảng quốc tế, nhiều khách sạn sang trọng, nhiều trung  tâm  mua sắm hiện đại, những con đường nhỏ  nhắn  rợp  bóng  cây,  và   nhiều viện bảo tàng: Viện bảo tàng Người Indian, với bộ sưu tập cổ xưa và quý hiếm, phản ảnh lịch sử và đời sống của người da đỏ. Bảo tàng  Khoa  học tự nhiên, với bộ sưu tập về thú vật và côn trùng đặc trưng của vùng rừng nhiệt đới Amazon. Bảo tàng của Người phương Bắc, với bộ sưu tập về đời sống, phong tục, sắc thái văn hóa của người dân địa phương. Bảo tàng về hải cảng, với những số liệu về sông Amazon. Bộ sưu tập về tư liệu và vật dụng của những người Anh tham gia xây dựng khu  cảng nổi năm 1901, v.v. Manaus cũng còn là thành phố lễ hội, với những hoạt động văn hóa nhộn nhịp quanh năm: Các liên hoan ca nhạc, phim ảnh, và lễ hội Boi Manaus - là đỉnh cao của các lễ hội.

Mấy ngày ngắn ngủi với Manaus, tôi có dịp tiếp xúc với một số nhân viên khách sạn, nhà hàng, học sinh, sinh viên, người lao động. Tuy vị trí khác nhau nhưng họ cùng giống nhau một điểm: Hiền hòa, thân thiện, thật thà, hiếu khách. Rõ ràng, non xanh nước biếc, núi rộng sông dài, đã hun đúc nên cốt cách và tâm hồn cư dân Manaus trong veo  như  lọc;  nghĩa  là không giống như, không lai tạp, không cà chớn.

Trên chuyến bay rời Manaus, từ độ cao 6.000m nhìn qua cửa sổ, sông Amazon với hàng ngàn chi lưu lả lướt uốn lượn giữa bạt ngàn khu rừng Amazon xanh thẳm. Bỗng nao nao nhớ con sông quê nhà.

Sông Amazon, hùng vĩ thật đấy nhưng sao dềnh dàng quá. Thì cũng như nhan sắc ở đời, phải thon thon một tí, phải thanh thanh một tí, thậm chí gầy gầy một tí; chứ bồ lương tấn gió như Mụ Liếc thì sao gọi là giai nhân. Về điểm này, Amazon thua xa sông Hương bên mình. Sông Hương không hẹp quá để thành hói thành hào, không rộng quá để thành biển nước ngọt; không ngắn quá để thiếu câu mái nhì mái đẩy, không dài quá đến mưa đầu sông cuối sông nắng cháy. Sông Hương cân đối, hài hòa, đạt tỉ lệ vàng của một dung nhan người mẫu.

Mấy năm trước thăm đền Edfu, ngôi đền đồ sộ thế mà từng bị phù sa sông Nile vùi lấp đến cả ngàn năm. Vậy mà nói về sự khốc liệt và tàn phá, sông Amazon còn ghê gớm hơn nhiều so với sông Nile của Ai Cập, sông Hằng của Ấn Độ, hay Hoàng Hà của Trung Quốc. Người đời ví con sông như lòng mẹ, mà mẹ thì phải dịu hiền chớ, mẹ mà dữ dằn thế hóa ra là mẹ ghẻ à? Với lại, sông đâu cần dữ dằn cuồn cuộn, sông cốt ở trầm lắng và sâu thẳm. Sông không nhất thiết phải làm người ta sợ, sông cần giúp người ta bình tâm và suy tưởng. Đó là chưa kể, dọc theo sông Hương, có đến hơn 100 ngôi chùa. Nói cho cùng, sứ mệnh của sông đâu chỉ chuyên chở phù sa, mà còn phải chở cả thơ, cả nhạc, cả minh triết, và làm đẹp cuộc đời nữa chứ. Về điểm này, đừng nói Amazon mà ngay cả sông Thames, sông Seine, sông Danuble lừng danh e cũng không thể sánh nổi với sông Hương quê mình.

Sông Amazon sao mà mênh mông bát ngát, chẳng biết đâu là bến là bờ. Phàm đã sông thì phải có đôi bờ chớ. Sông mà không có đôi bờ thì làm sao có nhịp cầu nối liền bên ni bên tê, làm sao có những chuyến đò ngang cho đôi lứa hẹn hò, làm sao có bến sông vấn vương buổi biệt ly, làm sao có bến đò Kim Long, Kim Ngọc để thương để nhớ. Thảo nào, tuy mang tiếng là dài nhất thế giới, nhưng sông Amazon, từ đầu sông đến cuối sông, chẳng có chiếc cầu nào bắc qua.

Mà ngay cả nhiều những con sông nổi tiếng thế giới, tuy có đôi bờ hẳn hoi nhưng chúng đều bị kẹp chặt bởi hai hàng kè đá dựng đứng; sông như bị nhấn chìm xuống dưới, trông vừa xa cách vừa tội nghiệp. Ví dụ như sông Seine của Paris, hay sông Thames của Luân Đôn, sông Spree của Berlin, sông Tiber của Roma, sông Moscow của Moskva, sông Neva của Saint Peterbourg, sông Kamo của Kyoto,... Vậy mà nhiều người cứ khen sông Seine lãng mạn, thơ mộng, hiền hòa, duyên dáng. Sao thế nhỉ! Đáng ra những mỹ từ ấy phải dành cho sông Hương cơ chứ. Hay là vì họ chưa bao giờ được chiêm ngắm con sông Hương quê mình?

Sông Hương, thời Nguyễn, không một công trình nào được phép tiếp cận dòng sông. Đến thời Pháp, chắc rút kinh nghiệm từ sông Seine, cũng không một công trình nào được tiếp cận dòng sông. Ngày nay, tuy  có vài nơi bị lấn chiếm, nhưng nhìn chung sông Hương vẫn thế, vẫn dào dạt đôi bờ; vẫn chiều chiều dọc theo dòng sông, các cháu nhỏ chạy nhảy nô đùa, các cụ già ngồi ôn chuyện cũ, đôi tình nhân mộng ước mai sau; và chỉ cần nghiêng mình chút thôi là có thể vốc nước dòng sông vuột mặt phong trần.

Thêm điều này, rằng trên thế giới con sông nổi tiếng nào rồi cũng lăng nhăng với hết thành phố nọ đến thành phố kia, chỉ sông Hương là chung tình với một. Thế mới hay, sông Hương không chỉ lãng mạn, thơ mộng, hiền hòa, duyên dáng, mà còn gần gũi và rất đỗi nồng nàn.

Xin đừng quên, hoàng hôn trên sông Hương là kỳ quan chẳng nơi nào có được. Mặt trời, trước khi khuất hẳn sau dãy Trường Sơn hùng vĩ đã phả ra những tia sáng diệu kỳ, vàng hơm, lung linh, và mộng mị. Có lần ngang qua cầu Trường Tiền, tôi bắt gặp một du khách người Nhật sững sờ với hoàng hôn trước mắt. Và rồi ông ta cúi đầu lạy - hẳn ông chưa bao giờ được gặp một buổi hoàng hôn như thế trong đời.

Nhưng chưa chi, vào những buổi chiều sau cơn mưa giông, con sông được nhuộm tím bởi một trời tim tím - một chút tâm Huế u hoài, một chút sương khói lâng lâng, màu lục của rêu phong thành cổ, màu chàm của núi rừng Trường Sơn, màu hổ phách của hoàng hôn, màu thanh thanh da trời, màu lam khói hương trầm, màu bảng lảng của sông, màu chiều trong đôi mắt thiếu nữ… đã pha sắc mà tạo nên cái màu tím da diết ấy. Người Huế tự hào gọi đó là “hoàng hôn tím”.

Mấy năm trước có dịp xuôi thuyền dọc sông Nile, quãng từ Louxor đến Assouan, cả đi và về gần 750km. Chiều xuống, một bên sa mạc châu Phi, một bên ruộng đồng vườn tược, phía trước dòng Nil như được dát vàng lung linh giữa mênh mông thiên địa. Thế là tôi được thưởng thức một bữa tiệc hoàng hôn cũng cao sang, cũng diệu vợi, cũng mê ly chẳng thua chi hoàng hôn trên sông Hương. Nhưng riêng khoản hoàng hôn tím thì không - không nơi đâu trên thế giới có hoàng hôn tím như hoàng hôn tím trên sông Hương quê mình.

Bỗng nhớ, trong “Lời tự tình của một dòng sông”, Hương giang kể: “Có một ngày Huyền Trân Công chúa đến đây, đêm cuối cùng trước khi sang Chiêm quốc, đêm ấy họ không ngủ. Trần Khắc Chung cùng nàng trên lưng ngựa, lỏng buông tay khấu, dọc theo phía thượng nguồn. Họ không nói gì. Tuyệt nhiên không nói gì. Nàng chỉ khóc. Lặng lẽ khóc. Nước mắt nàng chan chứa dòng tôi. Tôi chưa biết gì về tình yêu, nhưng qua Huyền Trân tôi thấy tình yêu đẹp quá. Tôi thừa nhận rằng từ ngày đó tôi khác nhiều với tôi xưa - mênh mông hơn và man mác buồn; nhiều người còn nhận ra cả mùi hương thầm từ dòng sông những đêm khuya khoắt. Con người thật tinh tế khi đặt tên cho sông Hồng theo màu, cho Cửu Long theo hình, còn Hương giang theo mùi - tình yêu, nếu thật  sự là tình yêu thì bao giờ cũng tỏa hương”. Ôi sông Hương, con sông đẫm nước mắt cuộc tình Huyền Trân, hèn chi lúc nào trông cũng mênh mông và man mác buồn.

Có người giải thích: Sông Hương bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, nơi dưới những con suối có loài cỏ thơm tên là thạch-xương-bồ. Từ khởi nguồn, do đã được tẩm hương nên con sông luôn tỏa hương, thế là người ta bèn đặt tên cho nó là sông Hương. Tôi hoàn toàn bị thuyết phục bởi cách giải thích ấy, cho đến một ngày, tình cờ đi qua bến đò Kim Ngọc, gặp lúc đám con gái mười lăm mười bảy tắm sông; buổi chiều hắt nắng, cô mô cô nấy được nạm ngọc, trông như bầy tiên nữ trên thiên đình. Bỗng “bừng ngộ”: Té ra gọi là sông Hương còn bởi, đơn giản thôi, vì dọc theo con sông có vô số bến sông, với vô số những giai nhân tắm gội mỗi ngày. Ôi sông Hương, ngào ngạt và sang trọng, đố tìm thấy đâu trên trái đất này có con sông như thế!

Trên chuyến bay từ Manaus đi Rio de Janeiro, tuy đã cất cánh gần hai giờ mà vẫn chưa ra khỏi khu rừng Amazon rộng lớn; còn sông Amazon thì vẫn với vô số những phụ lưu trông như những chiếc vòi bạch tuộc chấp chới giữa cánh rừng. Bỗng nhớ có lần tôi hỏi nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, không biết thuở xưa Cao Bá Quát đứng ở đâu mà thấy sông Hương “như kiếm lập thanh thiên”. Anh nói “đỉnh Kim Phụng”.

Năm sau, tôi cùng hai đệ tử quyết đăng sơn. Kim Phụng cao 427m, là một trong những danh thắng của  Huế được khắc tên lên Cửu Đỉnh. Từ cầu Phú Xuân nhìn lên phía thượng nguồn, vượt lên dãy Trường Sơn trùng điệp, có một ngọn núi cao hình chóp nón, đó là Kim Phụng.

Từ 4 giờ sáng thầy trò đã thức dậy chờ đón bình minh. Khi  mặt  trời nhô lên từ phía đàng đông, dòng Hương sáng loáng giữa đôi bờ xanh thẳm, uy nghi và đẹp đến bồi hồi. Giờ thì tôi đã hiểu ra, rằng ở đâu và cả   vì sao Cao Bá Quát thấy sông Hương như lưỡi kiếm dựng giữa trời xanh (Trường giang như kiếm lập thanh thiên), trong lúc với Nguyễn Du thì sông Hương như vầng trăng xưa nay vốn đa cảm (Hương giang nhất phiến nguyệt, kim cổ hứa đa sầu).

Bắt nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vĩ, sông Hương mang khí sắc của rừng đại ngàn: Ngang tàng, dữ dội, phóng khoáng, tự do. Từ Bằng Lãng trở về, sông lặng lờ chảy qua kinh thành Huế với những khu vườn ngát xanh, tiếng chuông chùa, và  giai điệu trầm lắng của một kinh đô Phật giáo; con sông trở nên dịu dàng, sâu thẳm, man mác thiền vị. Để rồi hai nét tính cách ấy hòa vào nhau  tạo nên thần thái của một con sông chẳng nơi nào có được: Lai láng mà cuộn trào, lạnh lùng mà nồng cháy, hờ hững mà da diết, dịu dàng mà dữ dội. Đó cũng còn là hai nét của tính cách Huế, của con người Huế. Bởi thế, không lạ gì khi người Huế yêu con sông và chiến đấu bảo vệ con sông như bảo vệ chính mình.

Đến đây thì tôi xin dừng lại thôi, bởi người ta vừa thông báo máy bay sắp đáp xuống phi trường Galeao của Jio de Janeiro.

Giờ thì bạn biết rồi đấy: với người Huế, đi xa nhớ Huế, nói hoài không hết chuyện. Đi xa nhớ Huế, con sông luôn là niềm hoài vọng khôn nguôi.

N.V.D
(TCSH406/12-2022)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng