Bút ký - Tản văn
Đám cưới giả
10:24 | 14/08/2009
VÕ MẠNH LẬP            Ghi chépTrong những ngày tháng ba, hai lẻ sáu trời Hà Nội đẹp và dễ chịu. Cái nắng vàng phủ tràn thành phố, tôn màu của cây thêm xanh biếc, ngói trên các mái nhà như thắm thêm lên, đường phố đi lại thanh thoát và đặc biệt có chút se lạnh vào sáng sớm như sợi tơ vương của hơi thở cuối mùa đông còn lưu sót lại.
Đám cưới giả
Chín hầm (Ảnh: Internet)

Ra Hà Nội lần này cốt tìm gặp những chiến sĩ cách mạng đã sống sót, vượt qua nhà tù Chín Hầm do chế độ Ngô Đình Diệm mà trực tiếp là tên đầu sỏ Ngô Đình Cẩn dựng nên.

Ôn cố tri tâm chăng? Tưởng niệm những tấm lòng quả cảm hy sinh chăng? Cả hai! Thời gian trôi qua 40 năm rồi mới cất công xây dựng tượng đài, khu tưởng niệm. Dù muộn màng còn hơn không!

Hà Nội có ba tù nhân Chín Hầm còn sống sót: Minh Vân số 6 Nguyễn Huy Tự, Bạch Ngọc Phách A7 phường 12 khu tập thể Nghĩa Tân Hà Nội và Nguyễn Văn Quý 2A Lê Quý Đôn, phường Nguyễn Trãi, Hà Đông. Ba người đều là tình báo. Ôi! Cái nghề ly kỳ hấp dẫn bao nhiêu thế hệ trẻ như một Blooc Hôm, ông cố vấn Nguyễn Ngọc Nhạ trong tiểu thuyết và trên phim ảnh với những hình ảnh và lung linh như cuốn hút vào cuộc hành trình huyền thoại.

Tôi tìm đến số nhà A7 phòng 12 khu tập thể Nghĩa Tân Hà Nội để được tiếp cận vợ chồng nhà tình báo Bạch Ngọc Phách. Ông đã chuyển về quận Long Biên, miệt Gia Lâm, ngõ 234 ngách 4 số nhà 12 Ngô Gia Tự từ lâu rồi. Lung linh tưởng tượng trước mặt sẽ là con người lạ thường nhưng rồi một ông già nhỏ nhắn trong bộ áo quần màu lính đon đả dẫn tôi vào phòng khách.

- Tìm được nhà tôi có khó không? Bác Phách vừa pha trà vừa hỏi.

- Kiếm ở Nghĩa Tân không có mới lần đến quận Long Biên. Tôi thoáng nhìn toàn không gian ngôi nhà. Hữu xạ tự nhiên hương, phú tại sơn lâm mà bác! Tôi đùa.

- Anh xem, có gì đâu mà gọi là...

- Ôi! Bác giàu theo kiểu đặc biệt. Tôi cười và bác Phách cũng cười ròn, trong veo. Tôi ngước nhìn! Linh nghiệm của nghề nghiệp hay sự thông minh vốn có, bác Phách trả lời luôn khi tôi chưa kịp hỏi.

- Nhà tôi đi Sài Gòn rồi!

Ngắm nghía thượng tá Bạch Ngọc Phách mãi mới nhận ra ông là một ông già bình thường, bước đi hơi chậm song đôi mắt còn long lanh, nhạy cảm theo từng cử chỉ, lời nói thanh thoát và sắc sảo:

... Hồi trẻ, tuổi 15 tôi hăng hái nhiệt tình với công việc cách mạng lắm. 17 tuổi tôi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; 18 tuổi là Bí thư Huyện ủy Từ Sơn (1946) và vài năm sau trở thành Phó Ban tổ chức Tỉnh ủy Bắc Giang. Đầu 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, hòa bình được lập lại nhưng đất nước phải chia cắt, thanh niên Bạch Ngọc Phách tôi đã ở tuổi 25 được nhận nhiệm vụ đặc biệt xa gia đình quê hương, lên máy bay từ Hải Phòng vào Sài Gòn hòa nhập vào dòng người di cư. Bạch Ngọc Phách được giao nhiệm vụ phụ trách đường dây tình báo từ Sài Gòn đến Gia Định xuống Cần Thơ, Cà Mau. Bạch Ngọc Phách lần đầu tiên trong đời phải nói dối gia đình là cấp trên cử ra nước ngoài học 5 năm. Gần bảy năm ở văn phòng Tỉnh ủy Bắc Giang, thanh niên Bạch Ngọc Phách đã ôm gọn trong lòng âm vang tiếng sét ái tình với cô Thu. Nhiệm vụ mới đầy khích lệ tôi và cô Thu phải tạm chia tay. Tên bí danh Ba Thu theo nghề nghiệp lại ra đời vừa để kỷ niệm mối tình đầu vừa để cài khóa tung tích lý lịch trước vòng vây quây tỏa của kẻ thù. Mối tình tinh khôi theo suốt Bạch Ngọc Phách tôi như một luồng sinh khí nóng hổi hòa trong ngọn lửa nhiệt tình cách mạng để thôi thúc, nhắn thầm với tôi rằng phải thận trọng mưu trí trong từng động tác, bước đi vì cách mạng.

Để kiếm sống nuôi bản thân, lại phải che mắt địch, Ba Thu thuê một nhà trọ cùng dân di cư, làm nghề gia sư dạy tiếng Pháp, đêm đêm phải học thêm tiếng Anh. Để rồi từ đó Ba Thu gây dựng cơ sở, tạo đường dây, lân la bắt mối với những quan chức, lính tráng trong hàng ngũ địch. Cuối 1955 mạng lưới tình báo của Ba Thu được tổ chức tăng cường thêm cô Hiền (tên thật là Hoàng Thị Cát) ở Quảng Ngãi vào. Cô Hiền là vợ một liệt sĩ, sinh hạ ba con còn nhỏ, đứa lớn mới chín tuổi, đã được tổ chức đưa ba cháu ra miền Bắc học tập.

Xuất hiện một cô gái mạnh khỏe, nhanh nhẹn, hầu như hàng ngày sát cánh bên tôi, làm cho tôi càng như da diết về mối tình đầu của mình. Thử hỏi, với người đồng chí, người bạn chiến đấu, sát cánh như hình với bóng tôi làm sao khỏi xốn xang gợn lên một cái gì đó vô cùng khó tả. Nhiều lần Ba Thu tôi muốn viết thư cho người yêu nhưng thời bấy giờ lại trong lòng địch làm sao gửi được thư, có phải như bây giờ điện thoại bàn, điện thoại cầm tay, internet phôn để chuyển tải nỗi lòng đến với người yêu xa.

Cô Hiền bận rộn kiếm sống khi thì mớ rau, khi lại buôn hoa quả trà trộn trong đám người di cư. Nhớ người yêu nhưng ngày ngày phải gần kề bên người nữ đồng chí cùng chí hướng thú thật đôi lúc trong mắt tôi lại tròng trành lúng liếng hình bóng của cả hai con người. Thời điểm này mạng lưới tình báo của tôi cũng đã đóng góp gởi về TW những nguồn tin quan trọng. Tình hình địch, đàn áp vây ráp những người kháng chiến cũ mỗi ngày một căng thẳng. Ba Thu tôi được tổ chức chuyển đến một cơ sở mới trên đường Đồng Khởi với tên mới Nguyễn Ninh - làm nghề dạy học. Người em ruột của cơ sở mới được chọn đặt hòm thư liên lạc.

Oái oăm thay hòm thư hoạt động chưa được bao lâu, chủ hòm thư Nguyễn Văn T em một nhà tư sản, cơ sở mới của tôi bị lộ và bị bắt, T bị tra tấn dã man, vẫn không khai Nguyễn Ninh (Ba Thu). Có lẽ anh ta đã nghĩ nhiều đến tính mạng người anh ruột nên Nguyễn Văn T chỉ lộ tên người phụ trách đường dây liên lạc tên là Thuỳ. Địch bắt Thùy.

Nguyễn Văn T chủ hòm thư bị bắt, chưa hết băn khoăn lo lắng. Thùy phụ trách đường dây cũng bị bắt. Lúc này quả thực tôi đứng ngồi không yên. Lại thêm Hiền, người nữ đồng đội thân cận cũng đã bị lộ và bị bắt giam ở Sài Gòn, Thủ Đức.

Là một đảng viên, có cấp bậc trong đường dây nhưng trước các ngón đòn tra tấn, Thùy đã đầu hàng khai những cơ sở trong đó có tôi. May mắn thay Thùy tuy là cấp dưới hồi ở Hà Nội nhưng Thùy không biết rõ lai lịch của tôi ở Bắc Giang và công việc phụ trách cụm tình báo ở Sài Gòn nên ngón đòn tra khảo Thùy cũng chỉ vỏn vẹn: Nguyễn Ninh, Giáo viên dạy tiếng Pháp. Tháng 6-1968 tôi không tránh khỏi con mắt rình rập của chúng và tôi bị bắt. Sau đó ít lâu chúng đưa tôi ra Huế và nhốt ở Lao Xá Ty công an Thừa Thiên. Nguyễn Ninh là tình báo, hạng người đầu bò đầu bướu không khai thác được gì, chúng vẫn giam lỏng không kêu án, để chờ thời cơ sử dụng Nguyễn Ninh theo một kiểu khác.

Buổi chiều ngày 13-12-1968 bất thình lình, chúng lôi tôi ra, bịt mắt, đẩy lên xe zeep, dí nằm sấp xuống sàn xe, hai chân một tên lính chận đầu, hai chân tên lính phía sau đạp dí hai chân tôi ép sát sàn xe. Xe chạy một hồi lâu, tôi cứ nghĩ thế là hết! Xe dừng lại chúng nó đẩy tôi vào một gian hầm tối om, mở vải bịt mắt, khóa chặt cửa lại. Sờ soạng chung quanh chỉ thấy một xô tôn, phía dưới là tấm ván cửa gồ ghề. Một lúc sau tôi cố lắng nghe có gì động tĩnh chung quanh: Tiếng la hét sát phạt cờ bạc phía trên đầu chếch về hướng cửa hầm và tiếng đằng hắng, ho sát nách khoang hầm giam tôi...

Mãi sau này khi trở về cuộc sống đời thường tôi mới biết đó là nhà lao Chín Hầm của chế độ Diệm - Cẩn.

Dăm ba hôm sau tôi mới có điều kiện liên lạc với những tù nhân xung quanh. Chúng tôi phải tránh giờ đưa cơm, tránh giờ đột xuất kiểm tra và tránh va đập, tiếng nói to. Ở cái nhà lao khốn nạn này hễ có tiếng động là chúng ập đến. Các khoang cạnh kề bên tôi có anh Đạt Phó Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên đang ốm nặng - Lê Văn Hoàng Phó Ban tình báo khu 5 - anh Quang thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị - Lý Văn Liễn (Bảo) Phó Ban tình báo khu 5 quê Hải Phòng - Nguyễn Văn Mại (Tư hoặc Tư Đăng) Tổ trưởng giao thông địch hậu quê ở Hải Hưng - và xen kẽ Trần Trọng Sanh xứ ủy trong Đảng của Phan Quang Đán (làm đảo chính bất thành) và chủ hiệu vàng Rồng Vàng đường Trần Hưng Đạo, Huế.

Hai người giam xen kẽ với chúng tôi cũng đã bị nhốt trước đó mấy ngày. Khi có mặt tôi trong hầm giam trưa ngày hôm sau nó lôi Rồng Vàng và Trần Trọng Sanh ra giữa hành lang (trước mặt cửa hầm giam tôi) đánh đập, tra tấn với các ngón đòn hiểm độc. Hai con người ấy kêu la, rống lên vang cả hầm số 7. Hành hạ hai cơ thể con người đó xong chúng nó lại kéo cả hai ra khỏi hầm, và đưa đi đâu không biết.

Mãi sau này tôi mới rõ đó là cách “xử sự” nhằm hai mục đích: dằn mặt tôi và những chiến sĩ cách mạng kiên trung đang có mặt trong hầm và là động thái muôn thuở của bọn tay sai Ngô Đình Cẩn dồn ép kẻ có tiền nôn ra tiền, càng nhiều càng tốt.

Không biết tâm tư các đồng chí khác ra sao nhưng tôi vẫn trong tâm trạng bình thản, giữ vững thần kinh cho tốt để trước sau như một là Nguyễn Ninh, làm nghề dạy tiếng Pháp, đêm đêm lại phải đi học tiếng Anh. Và qua nhiều lần chuyển tù từ Sài Gòn ra Lao Xá công an Thừa Thiên, đẩy vào Chín Hầm tôi luôn ám ảnh những công việc đang bỏ dở ở Sài Gòn, nhớ và thương cảm đến nữ đồng chí Hiền (Hoàng Thị Cát) nay sống chết ra sao? Rồi cũng nhiều đêm hình dung lại gương mặt của Thu ở quê... và luôn luôn hy vọng làm sao có ngày đoàn viên hội ngộ với những con người thân yêu không khác gì người thân ruột thịt.

Anh Đạt, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên mỗi ngày một ốm nặng. Không nuốt được cháo và rên rỉ trong từng cơn sốt... Hình như bọn chúng thấy nhân vật này quan trọng nằm trong ý đồ chuyển hướng nên buổi sáng ngày đầu tháng 2 - 1961 chúng đưa xe chở anh Đạt về nhà lao Mang Cá. Cũng không hiểu ra làm sao chúng cũng kéo tôi ra khỏi hầm giam tống lên theo xe chở anh Đạt. Chúng nó tập trung thuốc thang, đặc biệt đổ nhiều sâm, hòng mong anh chóng bình phục. Nhưng anh Đạt đã qua đời tại nhà lao Mang Cá sau vài ngày.

Anh Đạt mất, chúng nó bảo tôi đến gặp mặt chị Châu. Thế là tôi biết chị Châu một cơ sở giao liên của tôi đã bị bắt. Chị biết tôi cũng khá rõ. Tôi vội nhắn tin mật cho chị Châu: “Chị không nên nghe những lời tôi nói trước mặt bọn chúng mà phải nhớ kỹ những gì tôi đã dặn trước đây”.

Tôi biết chúng nó kéo tôi ra khỏi Chín Hầm là để đối chất, làm rõ tung tích trước mặt cơ sở giao liên của tôi. Chị Châu vẫn một mực khai ra những gì cần thiết đã quy ước. Hoàn toàn thất bại, đầu tháng 3-1961 chúng nó lại đẩy tôi vô Chín Hầm lần thứ hai.

Hàng ngày chúng khóa chặt cửa buồng giam và chỉ mở vào cơm sáng và cơm chiều. Có lúc chúng nó dồn hai bữa ăn làm một, thỉnh thoảng vài ba lần trong tuần, tám chín giờ đêm mới cho ăn. Thời gian tôi bị giam lần hai này kéo dài gần sáu tháng. Mà cơm đâu có ra cơm, ghé mũi sát đĩa cơm có lúc buồn nôn đến dốc cả ruột. Toàn là cơm thiu, cơm thừa ở đâu đó thí cho tù nhân ăn. Thậm chí có khi cả tháng ròng cơm trộn muối mặn chát nhai lâu không được. Tai ác hơn là chúng trộn cơm với đất không tài nào nuốt trôi.

Mùa hè gian hầm chật hẹp nóng ran như lửa, ở góc hầm lại thêm xô tôn phân đầy, hôi thối, dăm ba ngày vẫn không chịu đổ. Nhiều lúc muốn tắm không biết lấy nước đâu ra. Chúng tôi dùng 1 lon sữa bò nước, một phần để nhấp môi cho đỡ khát, một phần nhúng tay vào lon xoa xoa lên ngực, lên mặt cho dịu cơn nóng hầm hập như thiêu. Mùa đông những lúc trời mưa to, nước ngập vào hầm, rét run bần bật có lúc tưởng như không qua nổi sau vài đêm. Trên thân chỉ vẻn vẹn có áo, một manh quần rách bươm, đeo đẳng suốt bảy tháng ròng. Có lúc áo quần tã ra, đụng đến đâu rụng ra từng mảng đến đấy.

Ai đã từng ở trong chăn mới biết có rận. Chúng tôi so sánh nhiều nơi bị giam mới khẳng định rằng Chín Hầm của Ngô Đình Cẩn quả là nhà mồ chôn sống chúng tôi.

Cuối tháng 9 - 1961 trong những tháng ngày dài ở ngục tù tôi đang miên man nhiều suy nghĩ thì bỗng chúng nó lại lôi tôi ra khỏi Chín Hầm. Lần này chúng nó bắt tôi phải đối chất với anh Nam, cán bộ mà tôi đã từng quản lý ở Hà Nội. Anh vào hoạt động miền Nam lúc nào tôi hoàn toàn không biết.

Một tù nhân đã chuyển hướng dẫn Nam đến. Lấy làm lạ người tù chuyển hướng lại lảng đi ra phía cầu tiêu. Tôi tranh thủ thời cơ nói nhanh với Nam “Đã trót khai đến đâu thì dừng đến đó để phản cung dần dần. Chú ý lảng tránh xa phía có đặt ghi âm...”

Chúng nó thấy tôi gan lì sắt đá, người tù muốn tôi tác động chuyển hướng cũng bất thành, chúng nó nhốt tôi vào Chín Hầm lần thứ 3 (10-61). Tôi tiếp tục ăn cơm thiu, thối, trộn đất, trộn muối; lại phải nghe những lời tục tằn quát tháo ở một nhóm cờ bạc trên đầu. Tôi khẳng định chúng nó nhốt tôi vào chỗ cũ lần trước.

Cố chịu đựng mọi khổ ải, cố mà sống như một tiêu chí duy nhất mà mỗi người cộng sản, mỗi một người làm tình báo như chúng tôi phải bình thản nắm giữ. Ròng rã thêm gần sáu mươi ngày dần dà trôi qua. Chúng nó lại bịt mắt lôi tôi ra khỏi buồng giam, đẩy lên xe, mở mắt ra mới biết mình đã trở lại Nha công an của giám đốc Lê Khắc Duyệt.

Qua nhiều sự kiện, sau này tôi mới ngẫm ra chúng tôi ra khỏi Chín Hầm không phải là vô cớ. Thứ nhất là không khai thác thêm những gì về tôi mà lại muốn không cho tôi chết sớm. Ít ra cũng lợi dụng tôi để chuyển hướng thêm vài trường hợp có thể. Thứ hai là trong khi tôi ở tù vẫn làm được đôi việc trong đó có chuyện dịch tiếng Anh cho Dương Văn Hiếu về những gì của tù nhân chuyển hướng gởi đến mật vụ Mỹ. Và cũng từ đó tôi biết được nhiều về những người đồng đội của mình tốt xấu, hàng hay không hàng. Thứ ba là bác sĩ Trần Kim Tuyến mật vụ Phủ Tổng thống Diệm liên kết với Dương Văn Hiếu Trưởng Ty công an Thừa Thiên để ăn tiền hối lộ từ chủ nhà tư sản nuôi tôi. Mỗi lần vài ba cho đến vài chục cây vàng chứ ít ỏi đâu. Mỗi lần hối lộ, chủ nhà, cơ sở tôi đều tha thiết: “cho ông giáo ra tù đi để còn dạy dỗ đám con nhỏ tôi chứ...”. Thấy bở cứ đào nên vài lần Trần Kim Tuyến bảo thả tôi ra nhưng Dương Văn Hiếu lại ấm ờ không muốn. Cái bọn quan lại có quyền phần lớn ăn tham như thế đó. Có giời mới ngăn chặn được tụi nó.

Ra Chín Hầm lần này chúng nó đưa tôi về ở một phòng bên cạnh anh Mười Hương. Khi biết anh Mười có mặt ở Huế trong tình trạng như thế, lòng tôi có phần nao núng. Một vị cao cấp của ngành tình báo mà cũng bị bắt thử hỏi tình hình cách mạng miền Nam xấu đi biết chừng nào! Vùng Quảng Trị, Thừa Thiên những năm (1967 - 1969) khốc liệt đến tận cùng; gần như là vùng trắng 100% không còn cơ sở. Cán bộ, lãnh đạo bị bắt, bị dạt lên núi, ra Bắc hoặc vào Nam... Từ Đà Nẵng trở vào cũng không tốt bao nhiêu, nhiều vùng mất trắng hơn 90% v.v...

Nhưng cận kề vị lãnh đạo cao cấp, tinh thần của tôi vững vàng tăng lên rất nhiều. Tôi còn nhớ một lần chớp nhoáng tiếp cận anh Mười, tôi báo cáo tình hình tù nhân và xin ý kiến. Anh Mười hẹn tôi tối trả lời.

Tối hôm đó anh Mười ra ngồi ở gốc cây trước phòng giam. Nó nhốt tôi cạnh anh Mười với ý đồ tiếp tục tranh thủ thời cơ chuyển hướng tôi. Hôm ấy mùa hè trời oi bức lắm.

Xung quanh anh Mười có năm bảy lính coi tù ngồi nghe. Anh Mười kể chuyện Quan Công đầu hàng Tào Tháo. Khi kể đến Quan Công xin hàng Tào anh Mười Hương vỗ tay vào đùi đánh đét. Bọn lính cười ồ lên. Anh Mười kết rằng: “Thực chất là đầu hàng rồi còn gì. Hán và Tào cũng là hai thằng địch. Hàng Tào cũng là hàng Hán…

Từ câu chuyện ấy tôi liên hệ đến Mỹ và Diệm, đầu hàng chuyển hướng với quốc gia cũng là đầu hàng Mỹ.

Tôi đem ý tưởng chỉ đạo ấy truyền đạt lại cho những đồng chí đang còn trong giai đoạn lừng khừng. Tôi nói chúng ta cần phải suy nghĩ lại và dứt khoát phải sống, phải tiếp tục chiến đấu. Bọn chúng thường xuyên lặp đi lặp lại với nhiều đồng chí bằng câu hỏi: “Có chi mới chưa?” và đặt ra trước mặt từng người ba thứ: một gói thuốc độc, một lưỡi dao lam và một dây vải. Dụng ý của chúng nếu không muốn chuyển hướng theo quốc gia thì tự xử bằng ba cách: uống thuốc độc, dùng dao lam cứa vào động mạch cổ tay và thắt cổ bằng dây vải có sẵn.

Những đồng chí được tôi truyền đạt ý tứ của anh Mười đều khá lên rất nhiều. Các anh không khai gì thêm, ba thứ đe đến sự tự sát vẫn phơi bày ra không ai thèm quan tâm...


ĐỐI THOẠI

- Sau đảo chính lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm (1963) bác ở đâu? Tôi hỏi:

- Tôi và hơn 30 tù nhân chuyển từ Huế vào Sài Gòn và sau đó lần lượt ra tù.

- Bác giải nghệ?

- Không bao giờ. Tôi bắt liên lạc và tiếp tục nghề nghiệp.

- Cô Hiền? (Hoàng Thị Cát)?

- Cô ấy cũng ra tù. Chúng tôi, vui mừng lắm, suýt nữa ôm choàng vào nhau.

- Có còn trong một tổ chức với nhau nữa hay không?

- Tổ chức giao nhiệm vụ kiếm một địa điểm bí mật làm kho vũ khí chuẩn bị tổng tiến công Mậu Thân 1968. Tổ chức đề nghị tôi và Hoàng Thị Cát đóng giả vợ chồng để đánh lừa tai mắt của địch.

- Thuận buồm xuôi gió chứ?

- Không! Làm thế dễ bị lộ.

- Vì sao?

- Hai chúng tôi chấp hành cấp trên nhưng bất tiện vì cả hai đều là tù mới về, tụi nó biết tỏng cả rồi.

- Thế có hướng gì hay không?

- Đóng giả không tiện chúng tôi được Tổ chức cho cưới giả.

- Thế bác có vướng víu gì không?

- Con người mà anh! Tuy là giả nhưng người bạn gái trong mối tình đầu của tôi làm sao quên được. Tôi nhớ đến cô Thu, trong cái tên kỷ niệm Ba Thu đầy ấn tượng, khó quên. Khuôn mặt thon, đôi mắt sáng quắc, một gái quê thuần phác dễ thương. Nhưng thời điểm cưới giả, cô Thu cũng trên ba mươi rồi. Không tin tức bẵng đi khá lâu. Sự chờ đợi của người con gái có hạn phải không anh?

- Chỉ thế thôi à? Bao nhiêu năm sống miết đất Sài Gòn, là người có học, đẹp trai mà cô đơn mãi sao?

- Có chứ! Thật lòng tôi còn vướng cô sinh viên còn rất trẻ, tiếng thỏ thẻ Nam bộ dễ cuốn hút lắm lắm.

- Một người tình báo như anh thì phải xử lý ra sao?

- Ấy, cái chữ tình báo, cái nghề lý thú mà rất mạo hiểm ấy tôi không bao giờ xa cách nó được. Tôi phải nghe Tổ chức, tôi phải làm được việc. Đặt vị trí các mối tình vào hàng thứ hai, kể cũng băn khoăn, thổn thức lướng vướng nhiều phen.

- Trút bỏ gánh nặng ấy khó không?

- Khó lắm lắm nhưng có thể dứt khoát. Nhưng...

- Bác muốn nói gì?

- Khó nói lắm!

- Đám cưới giả có tổ chức được không?

- Tổ chức và chúng tôi chọn ngày 22-12-1967 làm lễ cưới ở một địa điểm trên đường Kỳ Đồng quận ba thành phố Hồ Chí Minh bây giờ. Bà con quen biết, sĩ quan chính quyền thời đó đến dự cưới đông lắm.

- Cưới giả nhưng tình có thật không?

- Vì nhiệm vụ tôi muốn thật luôn, tuổi tôi ngấp nghé 39 rồi, không thật sẽ là trăm thứ khó! Nhưng “nhà tôi" băn khoăn hoài. “Nhà tôi” lúc đó đã 43 hơn tôi những 4 tuổi, đã có chồng, và ba con... nên muốn giả đúng nghĩa của nó để hoạt động. Cái từ “nhưng” ở trên là tôi linh cảm nhận ra được điều này từ lúc chuẩn bị cưới.

- Thuê nhà mới hay vẫn cứ…

- Muốn bịt mắt kẻ thù, việc đầu tiên phải chọn thuê một nhà mới, sơn quét lại, mua sắm một giường đôi, nệm, ra, một cặp gối. Thậm chí hai cái khăn mặt cũng sắm mới cho đồng bộ.

- Cưới giả mà chu đáo thế ạ?

- Cái công thức làm giả nhưng phải “thật” từ nét mặt, cử chỉ cho đến mọi chi tiết, tuyệt đối không được để lộ ra là giả.

- Đêm tân hôn, ranh giới giữa giả và thật có gì tròng trành không?

- Sau tiệc cưới mệt nhoài, tôi lên giường và vào giấc ngủ say lúc nào không biết. Quá hơn nửa đêm, khi tỉnh giấc tôi quay qua trở về chỉ thấy cô đơn một mình trên chiếc giường rộng, mặt ra trắng và một chiếc gối còn lẻ loi bên cạnh. Nhìn quanh mới hiểu “nhà tôi” đang ngủ ngon lành trên một chiếc chiếu trải sát chân giường, giữa nền gạch hoa sáng bóng hắt lên màu vàng óng từ chiếc đèn ngủ phía đầu giường.

- Có bất ngờ không?

- Tính cách “nhà tôi” là thế.

- Cái cảnh trớ trêu ấy kéo dài bao lâu?

- Không! Không! Đêm thứ hai “vận động” mãi, một phần sợ nhà bên bất chợt bắt gặp nên “nhà tôi” đồng ý cùng lên giường.

- Mãi mãi là phía đông và phía tây Trường Sơn sao?

- Thời gian cứ kéo dài hình ảnh ở chung một nhà, cùng nấu, cùng ăn, hàng ngày sát cánh bên nhau, thậm chí cùng chung một giường... nhiều đêm Bạch Ngọc Phách tôi cũng đã thao thức chờ đợi… Nhưng rồi số phận nghề nghiệp dần dần cũng hoà nhập được trong số phận cuộc đời của nhau và giả đã thành thật. Có thật như thế vừa hợp lý để yên tâm công tác. Trong tình vợ chồng đầu đời của tôi đã làm chất xúc tác cho tôi hoàn thành một số công việc suất sắc. Kho vũ khí của vợ chồng tôi xây dựng hồi đó đã góp một phần trong tiếng súng vang dội tổng tấn công mùa xuân 1968. Sống với nhau chưa được bao lâu tổ chức cho biết địch có lệnh bắt tôi, Vũ Ngọc Nhạ và một tình báo khác. Tổ chức báo tin và chuyển tôi về cứ. Thời gian chia ly chưa được bao lâu “nhà tôi” chuyển công tác về Quảng Ngãi. Sau đó trở về Sài Gòn và bị bắt.

- Câu chuyện của hai bác chỉ ngang đấy thôi sao?

- Nhà tôi được trao trả vào tháng 5 - 1973 ở sông Thạch Hãn Quảng Trị. Sau 1975 tôi mới được chuyển ra chữa bệnh ở trại an dưỡng quân đội Lý Nhân, Hà Nam.

- Thời khắc tuyệt vời để đoàn tụ?

- Được tin, nhà tôi tìm đến gặp tôi. Hai chúng tôi, hai thương binh ôm chầm lấy nhau một hồi lâu trong những dòng nước mắt tuôn trào và nói không ra tiếng.

Vài hôm sau là một cuộc đối thoại ngắn nhưng vô cùng quan trọng.

Nhà tôi nhìn thẳng vào tôi ấp úng một hồi lâu mới phát ra âm thanh đồng hành cùng hai dòng nước mắt chảy dài trên má. “Trước đây vì nhiệm vụ cách mạng mà xây dựng với nhau. Bây giờ em đã được gần con, gần anh nhưng tuổi đã cao không sinh nở được nữa, em thành thật cầu xin anh nên đi tìm thêm một người khác trẻ hơn em và ít ra sinh cho anh một đứa con...” Anh lau nước mắt cho chị bằng bàn tay đã dắt chị đi hiên ngang trong lễ cưới 1967 ở đường Kỳ Đồng, Quận ba thành phố Sài Gòn rồi anh ôm chị vào lòng cũng dàn dụa hai dòng nước mắt: “Ăn ở với nhau một ngày cũng là đạo vợ chồng. Em thấy đấy bao nhiêu năm qua chúng mình vẫn sống hạnh phúc. Việc công và việc riêng trọn vẹn đôi đường. Nghĩ mà xem chúng mình còn hạnh phúc hơn rất nhiều đồng đội đã không còn có mặt trong ngày hôm nay”.


Trong gian nhà tập thể gọn gàng khiêm tốn ở ngõ 234, ngách 4, số nhà 12, Ngô Gia Tự, Quận Long Biên, Hà Nội. Thượng tá Bạch Ngọc Phách (Ba Thu - Nguyễn Ninh) đang ở tuổi 78 và thượng úy Hoàng Thị Cát (Hiền) ở tuổi 82 là đôi vợ chồng tình báo đã từng cưới giả vì nhiệm vụ và bây giờ họ chung sống thật một cách hạnh phúc đáng được học tập và trân trọng.

V.M.L
(245/07-09)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Miền cỏ thơm (07/07/2009)