Bút ký - Tản văn
Nụ cười trong sắc màu lý tưởng
14:55 | 20/10/2023

HƯƠNG GIANG

           Ghi chép

Nụ cười trong sắc màu lý tưởng
Tác phẩm "Giờ cao điểm" của NSNA Trương Vững

1.

Lý tưởng và ước mơ là ngọn lửa hun đúc khát vọng, gieo niềm tin vào cuộc sống. Tôi tin thế. Những ký ức trong veo về một màu xanh áo lính mang hy vọng, một màu vàng tín nhiệm nơi các sắc phục thuở thiếu thời đã từng gieo vào tôi một khát vọng được trở thành một phần của các lực lượng ấy. Đó là hình ảnh của những con người đại diện cho công lý, cho tinh thần chiến đấu, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ những người yếu thế. Tôi xem đó là ước mơ. Chẳng phải ước mơ vẫn luôn là liều thuốc tinh thần để chúng ta bớt ưu tư khi hướng về tương lai và duy trì một niềm tin nào đấy? Ý thức về ước mơ thực sự đã nuôi dưỡng hy vọng của tôi trong mỗi bước đường trưởng thành.

Nhưng giữa ước mơ và hiện thực luôn có một khoảng cách. Ai là người sẽ bắc nhịp cầu và gìn giữ những ước mơ kia, nuôi dưỡng và nếu có thể, biến chúng thành hiện thực? Tôi nghĩ tới các thầy cô giáo, các bác sĩ, và tôi nghĩ tới những con người mang sắc phục kia nơi đầu sóng ngọn gió hay mỗi khi nắng tắt, khi có khói súng, lúc tù và rầm vang...để sớm mai mỗi ngả đường làng thanh bình thức dậy, để ngoài kia đêm khuya người ta có thể tự tin đi thưởng lãm bầu trời đêm, hoặc ai đó góc phố kia an tâm giấc lành…

Muốn thực hiện được những công việc cao đẹp ấy, các anh chị trong ngành phải tự xác định mục tiêu và chinh phục nó với tình yêu nghề bằng cả trái tim cùng sự khổ luyện về thể xác lẫn tinh thần. Những con người mang sắc phục kia phải thật sự dũng cảm, phi thường. Một phần nào đó sắc màu của bộ quân phục đã tỏ lộ tất cả mọi hàm nghĩa cao đẹp vốn dĩ của công việc mà người mang nó đảm nhiệm. Chúng mang theo hy vọng của cộng đồng về hòa bình, nơi mỗi người dân gửi gắm lý tưởng và khát vọng về sự công bằng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người luôn dành sự quan tâm cho mọi tầng lớp, giai cấp nhân dân, mọi ngành nghề trong đó có những con người khoác lên mình màu xanh của sự bình yên, vì Nhân dân phục vụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh xem đó là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn cho xã hội. Trong lá thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an Khu XII trong thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra năm 1948, Người đã nhắcđến những phẩm chất đạo đức và tư cách người Công an cách mạng cần phải có:

Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.
Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.
Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.
Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.
Đối với công việc, phải tận tụy.
Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”.

2.

Huế là vùng đất cố đô với lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời cùng những giá trị và bản sắc độc đáo. Huế cũng là nơi lưu giữ nhiều lớp trầm tích, cùng với các di sản đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Chính vì lẽ đó, các hoạt động, sự kiện liên quan đến việc quảng bá, bảo tồn di tích, di sản của Huế cũng diễn ra thường xuyên. Đặc biệt sau khi có mục tiêu hướng đến việc phát triển Huế thành thành phố xanh sạch đẹp, thành phố du lịch, thành phố trực thuộc Trung ương thì những hoạt động và sự kiện như các lễ hội, Festival bốn mùa được tổ chức nhiều hơn trong năm. Lẽ dĩ nhiên, công việc và sự hiện diện của những người chiến sĩ bảo vệ an ninh chính trị nội bộ càng thêm phần đặc biệt.

Có lẽ, do tôi vẫn quen với việc được tự do tận hưởng sự bình an vốn không “miễn phí” ấy như một điều bình thường mà ít chú ý tới những người đã tận tâm hy sinh, cất công âm thầm đảm bảo an ninh trật tự cho các sự kiện như thế được diễn ra tốt đẹp. Khi để tâm đến, tôi mới biết rằng, mỗi một sự kiện, một mùa lễ hội diễn ra, hoặc tất cả các ngày lễ, Tết khác, nếu không có sự hiện diện của họ, hẳn là sẽ bất ổn ngay lập tức.

Tôi bắt đầu quan sát và dành sự chú ý nhiều hơn tới những người vẫn âm thầm làm việc ở các sự kiện văn hóa gần đây nhất của thành phố như Festival làng nghề truyền thống, lễ hội diều, lễ hội sen Huế tôn vinh giá trị của sen trong đời sống tinh thần, những lễ kỷ niệm lớn của các ban ngành liên quan đến văn hóa, nghệ thuật như kỷ niệm 30 năm Quần thể di tích Cố đô Huế và 20 năm Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO vinh danh là di sản thế giới, v.v. Dù là các sự kiện lớn hay nhỏ, sự có mặt của các chiến sĩ an ninh chính trị nội bộ, bảo đảm trật tự an toàn cho các hoạt động này được diễn ra thành công tốt đẹp luôn là việc cần kíp. Nhưng cũng như mọi khi, thầm lặng và bền bỉ.

Nhiệm vụ quan trọng khác của các chiến sĩ an ninh chính trị nội bộ là tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh ban hành kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng của địa phương, bảo vệ tuyệt đối an toàn các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và khách quốc tế; đảm bảo an ninh các kỳ thi tuyển sinh diễn ra trên địa bàn.

Đó chỉ mới là một khía cạnh, một phương diện trong việc bảo đảm an ninh trật tự chung trong các sự kiện về văn hóa, du lịch, thể thao của Huế. Chúng ta có thể nhận biết thêm về công việc, chức năng, nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, các cơ quan cấp tỉnh, bảo vệ bí mật Nhà nước. Ngoài ra, với nghĩa vụ và trách nhiệm công việc, không chỉ có một vài phương diện như thế. Chẳng hạn trong các kỳ thi tuyển sinh vào trung học phổ thông vừa qua hoặc các kỳ thi khác như thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia, các kỳ thi liên quan đến giáo dục đào tạo cũng đều có sự hiện diện của các chiến sĩ an ninh chính trị nội bộ.

Tôi rất ấn tượng với cách mô tả của TRT về các chiến sĩ PA03 ở Huế, họ là những người “đảm bảo an ninh văn hóa du lịch” (Chương trình “Vì an ninh tổ quốc” trên Đài TRT ngày 25/5/2023). Huế là điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế, nhất là khi nhu cầu du lịch tinh thần, du lịch trải nghiệm văn hóa bản địa đang nở rộ. Việc đảm bảo tình hình an ninh trật tự, tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao hình ảnh đẹp về con người và văn hóa Huế, chẳng hạn như việc phối hợp với các cơ quan chức năng, thanh tra các hoạt động nghệ thuật như chương trình Ca Huế trên sông Hương, tránh tình trạng chủ thuyền tổ chức tự phát, khiến chất lượng nghệ thuật bị ảnh hưởng cần sự phối hợp của nhiều lực lượng, trong đó có Phòng An ninh chính trị nội bộ. Các chiến sĩ cũng là người trực tiếp phối hợp với Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế để xây dựng các phương án bảo vệ hiện vật, công trình kiến trúc nhằm tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo sự an toàn cho du khách đến tham quan.

Các chiến sĩ cũng góp một phần sức lực quan trọng vào sự nghiệp phát triển giáo dục. Trong các đợt thi tuyển sinh, vượt cấp, hẳn các thí sinh, thầy cô giám thị và bậc phụ huynh sẽ an tâm hơn rất nhiều khi thấy sự có mặt của những lực lượng mang sắc áo xanh. Cũng như ở tất cả các sự kiện quan trọng khác, Ban Giám đốc Công an Thừa Thiên Huế luôn luôn chủ động xây dựng kế hoạch triển khai lực lượng, biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi. Ngoài nghiệp vụ đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc, Công an tỉnh cũng bố trí lực lượng bảo đảm an toàn giao thông và phòng, chống cháy, nổ tại các khu vực diễn ra kỳ thi trên địa bàn; chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý những tình huống đột xuất, phức tạp.

Trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng An ninh chính trị nội bộ luônra sức bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, phát huy bản chất cách mạng và truyền thống vẻ vang của lực lượng An ninh nhân dân. Với trách nhiệm nặng nề đó, các chiến sĩ an ninh chính trị nội bộ luôn luôn phải duy trì tinh thần chủ động trong công tác, tinh thông nghiệp vụ, hiểu biết sâu rộng về kiến thức chính trị, pháp luật, xã hội và kiến thức chuyên ngành. Chính vì thế, khối lượng công việc của họ sẽ rất nhiều áp lực.

Tôi vẫn nghĩ, chẳng phải vô cớ mà các chiến sĩ mặc trên người chiếc áo mang sắc màu xanh tươi của mẹ cỏ cây, bởi đó là biểu tượng và lý tưởng mang đến sự công bằng. Chẳng phải vô cớ mà họ được gọi là “chiến sĩ công an nhân dân”. Tôi vẫn hiểu và diễn giải một cách đơn giản, họ là những người mà nhân dân dựa vào, đúng như truyền thống quân và dân như “cá với nước”. Tôi cũng vì thế, chọn hình ảnh của nụ cười và muốn tìm về ý nghĩa thực sự của hai từ “lý tưởng”.

Nụ cười sẽ là một sợi dây kết nối khiến con người ta gần nhau hơn. Tôi là người thích cười. Tôi đã nhìn thấy một vài nụ cười rất thân thiện, rất chân tình, rất gần gũi của một số anh chị ở Phòng An ninh chính trị nội bộ, kể cả những chàng trai trẻ mới vào ngành trong vài lần gặp gỡ. Ưu điểm này, có lẽ đã phần nào kết nối lại những cảm giác cho chính tôi, cho cả giấc mơ thời thơ bé của tôi về sắc màu lý tưởng mang lại sự công bằng, tình yêu thương, sự bình yên cho xã hội này.

Lý tưởng đó, không phải đơn thuần mà xuất hiện như một giấc mơ trong tôi. Nó chính là sự trải nghiệm, sự mong chờ, mỗi lần gặp phải các hoạt cảnh bế tắc về cuộc sống, về sự bất công, thì chắc chắn không chỉ có tôi mà rất nhiều những con người thân cô thế cô khác trong xã hội phức tạp này sẽ luôn nghĩ đến, tìm kiếm sự cứu giúp hỗ trợ. Chẳng dám nói đâu xa xôi, trong những tháng năm từ thuở ấu thơ, tôi đã từng chứng kiến khá nhiều câu chuyện đau lòng liên quan đến bạo hành gia đình, cả thể xác lẫn tinh thần, mà những thân phận trong vai kẻ yếu như phụ nữ, trẻ em luôn phải gánh chịu rất nhiều tổn thương, ẩn ức. Những cảm giác đó đôi khi trở thành một vết đau ám ảnh những đứa trẻ gần như cả phần đời còn lại. Tôi đã chứng kiến, và thực lòng vào những khoảnh khắc như vậy, thứ mong mỏi ao ước duy nhất của tôi là nhìn thấy sự xuất hiện của những chiếc áo màu xanh để được giúp đỡ, được giải thoát. Đó là một hình ảnh rất lý tưởng, một hình ảnh mang tính chất cứu rỗi những số phận con người, hòng có thể giúp họ thoát khỏi sự khó khăn, đau khổ trong hoàn cảnh bất trắc của đời sống hàng ngày.

Trở về với gia đình, bạn bè thân quyến, các chiến sĩ mặc trên mình bộ sắc phục nghiêm trang kia cũng chỉ là những con người bình thường giàu cảm xúc, biết rung động và yêu thương. Nhiều khi, tôi biết rằng, chỉ vì tính chất công việc cần phải giữ được sự điềm tĩnh của lý trí, đôi lúc họ đã quên đi cách thể hiện cảm xúc, cách để mỉm cười. Và có lẽ, đó cũng là một sự thiệt thòi đối với họ, bởi lẽ, chính điểm này vô tình sẽ khiến các anh chị tạo nên cảm giác e ngại với người dân. Nhưng chẳng phải bình yên nào cũng luôn được đánh đổi bởi rất nhiều hy sinh thầm lặng đó sao? Giữ một cái đầu lạnh và phong kín những cảm xúc riêng tư để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao cũng là một sự hy sinh. Tôi nghĩ thế.

Hai chục năm trước, khi lần đầu đặt chân đến Huế học, tôi đã ngay lập tức cảm nhận được một Huế rất khác biệt, một cảm giác yên tâm, rằng mình luôn có thể cậy nhờ vào bất kỳ một con người nào khác ở mảnh đất này. Vì Huế là quê hương của tôi. Trong một vài lần vác ba lô tự đi chơi xa, đến những thành phố lớn hơn, xa hoa hơn, tôi lại rất khó để có được cái cảm giác thong dong, bình yên, luôn luôn lo lắng về sự cố bất trắc nào đó, luôn không có cảm giác an toàn, mỗi lần bước chân ra phố. Nhịp sống của xã hội vốn dĩ khá phức tạp trong mọi hoạt động thường ngày diễn ra. Nếu không có bóng dáng của những chiến sĩ an ninh, thật khó để duy trì trật tự, cân bằng lại sự phức tạp trong đời sống của con người hàng ngày.

Giờ tôi đang sống ở Huế, mỗi lần ra phố, ngồi sau xe của một ai đó, tôi có thể thoải mái cầm chiếc điện thoại trên tay mà không lo bị cướp giật. Một vài người bạn của tôi từ các thành phố lớn đến Huế lần đầu, câu đầu tiên là cô ta/ anh ta sẽ hỏi, ở Huế có tình trạng cướp giật giữa phố không? Tôi dám trả lời chắc nịch rằng: “Không, vì công an luôn gần gũi với người dân và luôn bám sát địa bàn, quản lý tốt các loại đối tượng rồi”. Nói với bạn cho vui vậy, nhưng thực tình tôi muốn khẳng định rằng, bạn hãy cứ yên tâm mà du ngoạn thưởng thức chuyến đi và những cuộc lang thang của mình tại thành phố Huế. Đó là một điểm cộng cho việc đảm bảo an ninh trật tự chính trị xã hội của những người chiến sĩ an ninh chính trị nội bộ mà bây giờ tôi mới được hiểu rõ hơn.

3.

Nhưng, Huế đã bao giờ hết “gió chướng”?

“Thế bao nhiêu một tài khoản đó bạn?”,

“Cũng 1k đó…”, màn hình xanh nhấp nháy, thêm dòng chữ góc phải phần mềm: “Đối tượng is typing a message”.

“Nhưng bạn sẽ chỉ được thanh toán khi đạt 100 nghìn thui”... Tin nhắn tiếp tục nhấp nháy trên màn hình điện thoại người chiến sĩ.

“Được rồi, thế bạn cho mình thông tin liên lạc để mình chuyển dữ liệu. Qua Zalo hay Messenger này luôn? Có vẻ cũng ra tiền đây… Mình sẽ nhận job này nhé. Có thể đi uống cà phê bàn việc hay không?”.

“Zalo bạn nhé, cho tiện nhưng làm online thôi, không cần.", rõ là viết sai chính tả, người chiến sĩ nghĩ thầm.

Đó là lần tiếp xúc đầu tiên của các chiến sĩ công an tỉnh Thừa Thiên Huế với các đối tượng nghi vấn, khi Huế - vốn dĩ bình yên - đang bị xới tung, nháo nhào trên mạng khi rất nhiều người dân kêu cứu vì dữ liệu cá nhân quan trọng của mình bị rao bán online với giá rẻ mạt.

Sau quá trình triển khai vây ráp với nhiều biện pháp nghiệp vụ, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã triệt phá thành công vụ án với chuyên án “Đấu tranh với hành vi mua bán dữ liệu, thông tin cá nhân trái phép trên không gian mạng”, vào cuối 2020, với 6,2 triệu dữ liệu, thông tin trái phép trên cả nước, trong đó có tới 75 ngàn dữ liệu thuộc về dân cư trên địa bàn tỉnh. Đây là một vụ án lớn có tầm quốc gia vì trong thời đại công nghệ, việc dữ liệu cá nhân bị rò rỉ sẽ dẫn tới rất nhiều hệ lụy, mở đường cho các loại tội phạm công nghệ cao khác tấn công người dùng.

Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Thừa Thiên Huế được thành lập vào ngày cuối 2020. Đây là đơn vị trực tiếp tham mưu cho Ban Giám đốc Công an tỉnh trên lĩnh vực an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, trực tiếp đấu tranh, phòng, chống các loại tội phạm sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nghiên cứu các giải pháp và phục hồi dữ liệu, chứng cứ điện tử phục hồi dữ liệu, chứng cứ điện tử phục vụ trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Cũng như trên nhiều mặt trận, chưa bao giờ là dễ dàng để bắt được tội phạm, nhất là đối tượng sử dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, giống như “Thủy Tinh dâng nước cao bao nhiêu, Sơn Tinh làm núi cao lên bấy nhiêu”, với đối tượng có trình độ cao, các chiến sĩ công an phải dày công vây ráp với trình độ nghiệp vụ nhanh nhạy và vượt trội, mới hòng “giăng lưới bắt chim”, triệt phá tội phạm. Thực tế sự việc trong chuyên án trên đã chứng tỏ, chưa bao giờ là đơn giản trước mưu ma chước quỷ ngón nghề của tội phạm, nhưng đồng thời, kết quả tốt đẹp thu được từ chuyên án càng cho thấy trình độ và năng lực nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ chiến sĩ công an tỉnh nhà.

Trước khi có thể một lượt tóm gọn hang ổ của nhóm đối tượng “chăn dắt” người dùng cả tin và đánh cắp dữ liệu, các chiến sĩ của Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phải vừa một cánh quân đóng vai “đối tác”, một cánh quân kia đóng vai “nạn nhân”, để rồi trước món hời mà các chiến sĩ giăng ra, nhóm đối tượng tội phạm đã dính đòn chí mạng trước năng lực khai thác công nghệ cao của các chiến sĩ.

Sau khi chúng đăng tải quảng cáo việc thu thập dữ liệu trên các nhóm kín, trong vai “đối tác”, một nhóm chiến sĩ đã liên lạc với các đối tượng và bày tỏ nguyện vọng được trở thành “người làm ăn” với chúng. Một “hồ sơ” người dùng bình thường đã được tạo lập từ lâu. Tất nhiên, là những tên tội phạm có ít nhiều năng lực, chúng luôn cảnh giác trước các mũi trinh sát của các chiến sĩ. Nhưng dù vậy, cuối cùng, chúng cũng đã sa lưới. Cho dù, đó là cả một quá trình dài phải tìm cách khai thác điểm yếu của chúng - lòng tham - để tiếp cận.

Cùng trở lại với cuộc trò chuyện ở trên.

Các đối tượng tiếp tục sử dụng Zalo để nhắn tin, nhưng chúng liên tục từ chối gặp mặt trực tiếp, cho dù sau khi đã được “đối tác” chiến sĩ “tặng” cho một khối lượng lớn dữ liệu giả làm “quà”. Chúng yêu cầu các chiến sĩ cung cấp tài khoản ngân hàng để chuyển tiền “công việc” và tất nhiên, từ chối tất cả các hình thức liên lạc trao đổi khác nhằm cố tình “cắt đuôi” khả năng bị đeo bám, trinh sát.

Quan sát nhóm thành viên “Group mua bán data mới 2020” trên Facebook với hơn 300 thành viên, các chiến sĩ nhận thấy hầu hết đối tượng bị lôi kéo tham gia vào đường dây mua bán dữ liệu đều cư trú trên địa bàn Thừa Thiên Huế, nhưng thông tin về các thành viên quản trị lại bị giấu nhẹm, hoặc có xu hướng làm giả.

Sau rất nhiều lần tiếp xúc và tạo dựng được ít nhiều “uy tín” với các đối tượng, các chiến sĩ vừa trong vai “đối tác”, lại có tài khoản vào vai “seeder” (người tung hứng), cuối cùng, dựa vào nghiệp vụ chuyên môn, phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, danh tính của nhóm đối tượng và kẻ chủ mưu đã bị bại lộ. Chúng đã bỏ túi gần 2 tỉ đồng khi công khai rao bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân.

Khi đến làm việc với các anh Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, tôi đã được các anh nhiệt tình đón tiếp, chia sẻ những khó khăn trong các chuyên án, nhất là khi làm việc trong điều kiện, thời đoạn dịch Covid-19 còn phức tạp. Những vấn đề còn tồn đọng trong đời sống thời đại số hóa, thực vẫn khiến cho người dân bị rơi vào các loại bẫy công nghệ, lừa đảo trên không gian mạng, tiền mất tật mang, thiệt hại về kinh tế rất nhiều. Vì thế, vai trò và nhiệm vụ của họ cũng tăng lên gấp bội trong việc bảo đảm sự an toàn của người dân trên không gian mạng, như góp phần cảnh báo các chiêu trò liên quan đến lừa đảo công nghệ.

4.

Người chiến sĩ Công an Nhân dân bảo vệ cho pháp luật của Nhà nước, khiến pháp luật đảm bảo được thực thi trong đời sống của xã hội. Họ chính là những người âm thầm làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự an ninh, ngăn chặn tội phạm, tiêu diệt cái ác, ngăn ngừa các đối tượng gây rối, tội phạm trên nhiều lĩnh vực, đảm bảo cuộc sống bình yên của người dân trong nước.

Tôi lựa chọn cho mình một góc nhìn khác về những hình ảnh của màu sắc bộ cảnh phục mà các chiến sĩ An ninh Nhân dân đang mặc trên người. Bởi lẽ, nó chính là biểu tượng mang lại sự bình an, là lý tưởng và trọng trách khá nặng nề đòi hỏi phải luôn sẵn sàng tinh thần phụng sự, hy sinh. Tuy nhiên, bên cạnh đó, đôi khi tôi nghĩ, người dân chúng tôi cũng cần nhìn nhận thêm một góc đời thường khác của các chiến sĩ. Dù chỉ là một nụ cười. Tôi đã nhìn thấy rất nhiều nụ cười của các chiến sĩ an ninh chính trị nội bộ, hay cả các chiến sĩ an ninh mạng. Điều mà tôi nhận thấy rõ rệt nhất, họ là một lớp người trẻ năng động, có hiểu biết rộng, đối nhân xử thế rất đúng mực. Hy vọng đó cũng là một tín hiệu mừng để người dân nhìn nhận rõ hơn về hình ảnh của những con người mà nụ cười hay cảm xúc cá nhân đôi khi đã phải giấu che đi để lý trí được sáng suốt hơn trong quá trình xử lý công việc mang tính đặc thù riêng của ngành an ninh.

Người chiến sĩ Công an Nhân dân Việt Nam nói chung và các chiến sĩ Công an Thừa Thiên Huế nói riêng - vùng đất có nhiều giá trị về di sản, di tích lịch sử, văn hóa, nhiệm vụ của họ lại càng nặng nề và nhiều hơn nữa. Thế nhưng, trên hết những phẩm chất đạo đức trí tuệ, hết lòng vì nước vì dân, khiến họ luôn luôn phải nhận ra rằng, sự gần gũi với dân, yêu dân là điều kiện tiên quyết để làm tròn nghĩa vụ phụng sự Tổ quốc đem đến sự bình yên trong cuộc sống. Mối quan hệ giữa lực lượng an ninh nhân dân với người dân cũng chính là nguồn động lực để lực lượng an ninh làm việc và chiến đấu, bởi lẽ, tôi nghĩ đến lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân với dân như cá với nước”.

Tôi biết ơn cuộc sống, vì mỗi ngày tôi tồn tại, được nhìn thấy ánh sáng, thấy thế giới thiên nhiên cỏ hoa xinh đẹp, thấy con sông Hương trầm tư mặc tưởng lắng lại khi đêm xuống, thấy nhịp sống của con người sôi động hay bình lặng ở Huế. Hoặc có thể là một nơi nào đó khác. Sự bình yên luôn là cảm giác mà tôi hoặc bất kỳ ai khác đều mong mỏi.

Tôi hiểu, dù rằng thế giới này có phức tạp, và còn nhiều khổ đau, nhiều hoàn cảnh ngang trái, nhiều số mệnh nổi trôi, bất hạnh. Mỗi con người từ khi sinh ra, hẳn đã được gắn cho một nghĩa vụ đối với cuộc đời này, cũng như các chiến sĩ an ninh nhân dân, họ đã được gắn sẵn một ngôi sao của niềm tin và hy vọng, mang đến đời sống bình an. Chính vì lẽ đó, khi cảm nhận được những khoảnh khắc bình an mỗi ngày trôi qua trên chính quê hương mình, có nghĩa rằng, tôi hay bất kỳ ai khác ở đây cũng cần phải học cách mỉm cười và biết nói lời cảm ơn.

Là một người cầm bút, tôi thường xuyên nghĩ tới vẻ đẹp của nhân sinh trong thế giới mà tôi nhìn thấy, tôi cảm nhận được. Mục đích của văn chương nghệ thuật, là hướng con người đến cái đẹp, cái thiện. Phóng chiếu ở nhiều góc độ, nhiều khía cạnh trong mối quan hệ phức tạp của con người và xã hội, của các giai tầng, tôi nghĩ, nếu cùng hướng tới vẻ đẹp của cái thiện, vì bình yên cuộc sống như mục tiêu của công việc mà các chiến sĩ an ninh chính trị nội bộ (PA03) hay (PA05) của Công an Thừa Thiên Huế đều là những mục đích tô điểm thêm cho nét đẹp của lý tưởng. Mỗi chiến sĩ phải tự hoàn thiện bản thân mình để những nụ cười của họ, những ngôi sao trên vai họ được tỏa sáng hơn nữa trong lòng người dân.

H.G
Trại sáng tác “Công an Thừa Thiên Huế - Vì bình yên cuộc sống”.
(TCSH50SDB/09-2023)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Lập công (24/07/2023)
Hoa ở Huế (23/06/2023)
Thư cuối năm (31/03/2023)