LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Tùy bút
Cái không khí Tết đến, xuân về đã kề cận thật rồi, chợt nghe ai đó đọc câu thơ cũ: “Một chén xuân đưa vạn dặm tình/ Cỏ thơm đứt ruột nát lòng oanh.
Tôi lắng nghe nhịp đập của thực tại, biết thời gian làm cho ta dễ lãng quên nhưng thời gian cũng là bạn vì thời gian chẳng xa lạ gì. Làm sao quên được mùa đông lạnh giá và những đợt mưa triền miên kéo về cơn say ngủ của đất trời Cố đô. Mỗi mùa đông về, trên cành long não, con chim già cô độc nhìn hàng đàn mây xám qua dòng sông tưởng chừng mơ ngủ. Con đường dọc bờ sông Hương luống tuổi, lá rụng nhuộm vàng, mục rã dưới mưa, trở màu xám xịt. Đường nhận ra tuổi lá phai, như bao con người của xứ sở này nhận ra tuổi mình phai theo năm già tháng muộn. Mưa thổi nỗi buồn trong trong vào những đôi mắt u hoài. Mưa thầm thĩ kể chuyện cho dòng sông nghe, về những đại dương phía đông, những ngôi làng sẽ rực rỡ mỗi độ xuân, về những cánh đồng xanh mướt, yên bình. Mùa đông đến, những người già tựa bậu cửa nhìn ra mù khơi, rồi mang những nỗi buồn sâu kín của mình ra đo đếm.
Những ngày đi học dưới mưa đông là những ngày yên ả, tôi bé thơ đeo chéo cặp lên vai, mẹ khoác áo mưa rồi bước ra đường. Mưa lay bay. Con đường nhuốm lạnh. Những ngày mưa tôi chỉ nhớ đến nhà thơ già ở cuối đường về đình làng thuở nọ, một người yêu mưa và bóng tối. Có lần ba dẫn tôi gặp người, bấy giờ tóc đã dài chấm lưng, mặc tấm áo chùng màu nâu chấm gót, chân mang giày cỏ. Ông bảo từng đứng ngắm mưa bên sông, sông một bờ, còn mưa chỉ nửa dòng nước. Mưa ấy thế nhân này không chứa vào bể được, chỉ để ngắm tiêu sầu. Từ nhỏ ông thèm ngủ trong lều cỏ, bên dòng sông vắng để chờ mưa đầu mùa phôi pha. Ông trầm trồ với mùi đất bốc mưa mới đầu mùa làm ấm các mạch máu, se tròn lại từng ký ức đã nhàu nhĩ. Mùi đất bốc mưa ấy da diết như mùi của dòng sông thuở nọ. Rồi con đường ấy vào xuân, những bờ đá hoa cỏ hoang dại chen chúc nhau mọc. Rêu xanh mênh mông, xanh đá, xanh đường bước êm. Nhà thơ già cứ nói luôn về mưa, mưa đông và mưa xuân. Mưa xuân hoa rụng ven sông, đó là mưa của tri kỉ. Còn đâu bước chân hoa của những người thôn nữ làng bên hồn nhiên. Rồi một ngày nào đó, ông sẽ về lại bờ sông kia để nói về thứ siêu hình tình yêu đã mắc cạn trong trí nhớ. Ông chợt cất tiếng hát từ vạn cổ sầu. Mưa ngả nghiêng theo tiếng hát trong như suối reo của nhà thơ già. Đôi mắt người thơ trong trẻo, hồn nhiên như cây cỏ. “Nhà ta ở dưới gốc cây dương... a ha, nhà ta ở dưới gốc cây dương... Thiên Thai chốn đây hoa xuân chưa gặp bướm trần gian... Có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần... a ha ha a a a a a...”. Ông ngửa mặt nhìn trời. “Kìa đường lên tiên... kìa nguồn hương duyên... hương duyên chi mà hương duyên... Cánh đào rơi... đời...”.
Hôm nay cận Tết Giáp Thìn trở lại chốn xưa, mái nhà tranh ngày nào đắp tạc vào lũy tre giờ biến mất. Xa rồi chốn tiêu sơ lạ lẫm trong làn mù dày đặc của mưa của gió của hoa ngày xưa. Những con đường trải nhựa, phố thị, những nhà cao tầng đã thay đổi tất cả. Tôi đứng trân mình trong làn sương nhìn cảnh cũ tiêu điều trong trí tưởng. Cái bàn uống nước làm bằng năm hòn đá tổ ong, lá cây rụng đóng một thảm lớn, dăm ba cỏ dại mọc lưa thưa, chồi xanh mởn. Một ấm trà nóng, một bông hoa dại... Đã xưa rồi như ông đồ mực Tàu giấy đỏ của Vũ Đình Liên.
*
Phút giao thừa, là đêm Thành nội im lìm, chừng nghe được tiếng thở của bao nhiêu viên gạch cũ nhuộm màu rêu xám. Trời se se lạnh, dòng người tấp nập hướng về Kỳ đài đợi pháo hoa giữa đêm giao thừa. Mới buổi chiều nay, ba mươi Tết, tôi chộn rộn chở em qua cầu Trường Tiền ngắm sông Hương, ngắm muôn người đi chúc Tết. Hàng trăm chậu hoa được bày bán hai đầu cầu, bên chợ Đông Ba. Em nâng niu những bông cúc vàng trong tay, hôn nhẹ lên nụ hoàng mai chúm chím. Trời cuối năm hãy còn giá lạnh, gió sông thổi buốt. Một màu nắng hiếm hoi buông nhẹ phía đầu nguồn. Em từng bảo đứng trên bao lơn, nhìn về phía Kim Phụng sẽ thấy được màu tím Huế. Điều này có thật không? Em thấy hàng trăm lần rồi, những chiều nắng nhạt, sương mờ giăng xa, tím Huế hiện lên rìn rịn. Đây màu tím ảo diệu ấy nhuốm tràn qua mây, núi, sông và cả cánh chim về tổ đón xuân.
Chúng tôi ngồi trong quán cũ với những người bạn thân, khói thuốc bay mù bên hiên rồi lẫn trong màn mưa. Người ta tán gẫu chuyện ngày mai sẽ đi đâu trước nhất, lên chùa, thăm mộ tổ tiên hay đến từ đường nội ngoại và ai sẽ xông đất đầu tiên trong năm mới. Những mâm cúng đã bày biện trước mọi nhà. Một bộ đồ giấy cúng tất niên, xôi chè, bánh chưng, nhang đèn rực rỡ trên những chiếc bàn được thiết trí rất trang nghiêm. Tôi hít thật sâu vị năm mới đang tràn qua phố, phổi căng chực mùi hương của mứt Tết, của bánh chưng thơm bùi. Nhớ đêm qua ngồi bên bếp lửa thưởng trà, canh nồi bánh chưng, nghe tiếng mệ nội tụng kinh cầu an cho cả nhà. Đêm cuối năm bao giờ cũng có nhiều dư vị, ngấm một lần rồi nhớ mãi tháng ngày. Cơn mưa cuối năm tỉ tê mặt phố. Nhớ lời mệ nội tôi hát một bài dân ca kể về chuyện tình của hai người ngày mới yêu nhau. Bài hát của đồng xanh, của mưa, của ngàn gió.
“Ơ hờ... Gió vầm vập mưa
lưng chừng nơi bể Bắc
Hạt mưa rơi tinh tang tích tắc
rỉ rắc trước hàng hiên.
Muốn lơ đi mà ngủ,
e sợ ngủ không yên
Sợ mai kia mưa già nước ngập không biết dựa con thuyền vào đâu
Hơ hơ hơ... ờ... ơ...
Ơ... non nước ơ non ờ....... ơ ờ”.
Mùa mưa dần qua, chiếc thuyền tình sử của người xưa lênh đênh giữa vùng nước quạnh hiu. Xứ Huế nặng tình, người yêu Huế nặng nghĩa. Tình yêu nảy nở trong lòng non nước Hương Bình khó quên đến vạn cổ. Yêu Huế đi vào lòng Huế như những người bạn vong niên chúng tôi rủ nhau đi du xuân sớm. Qua những con đường rợp bóng tre, về những đồng quê đã xanh màu mạ của vụ mới, khắp nơi hối hả vào xuân. Về phố thì trời đã tối hẳn. Nhưng cái không khí tất bật cuối năm nhà nhà sắm Tết, người người sắm Tết khiến thành Huế trở nên sôi động hẳn. Tất cả tranh thủ mấy ngày còn lại để đem về những thứ tốt nhất, cần thiết nhất cho gia đình chuẩn bị đón năm mới sang. Chúng tôi ăn cháo gà ở chợ Bến Ngự ngắm dòng người qua lại đoạn chạng vạng của đêm tháng Chạp. Uống trà, hút thuốc lào ở ga nhìn bao người hân hoan xuống ga Huế về nhà, bao người nặng trĩu hành trang rời Huế về quê đón Tết cận kề. Đi bộ giữa mênh mông phố.
Có ai đó ru con. Ru em em théc cho muồi. Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu. Ngày Tết rộn ràng nhiều cảnh, nhiều tình. Ngoài đường ít người hơn mọi khi, nhưng ai cũng áo quần là lượt, xe cộ bóng mới, mặt mày tươi vui đi chơi Tết. Tất cả bước ra ngụp lặn trong hơi thở xuân, tạm quên những não nề, day dứt của năm cũ. Hành trang còn lại là những nụ cười chân thành, mãn nguyện chào đón một năm mới bình yên, hạnh phúc. Và chắc ai cũng sẽ nhìn tấm lịch, một năm mới bắt đầu, một tuổi mới đang dần trôi. Thời gian đang trôi và chúng ta thường mặc kệ, không quan tâm, cứ để nó biến chuyển và mãn nguyện đón nhận. Năm mới, tôi nghĩ về thái độ sống vội, sống vội vàng, vội vàng kiếm tiền, vội vàng hưởng thụ, bất chấp mọi quy luật, mọi chân lí, để rồi bị thời gian đẩy về cánh cửa cuối cùng. Nuối tiếc và cả nỗi lo sợ thời gian, sợ rồi sẽ lớn, sẽ già, sẽ còn lại gì. Thời gian là bí mật lớn và mấy người trong chúng ta nghĩ đến điều này, cái hữu hạn của tồn tại. Nhớ những năm 1980, ông Bris Bhusan Vij, một Trung úy quân đội Ấn Độ đã phát minh ra một loại lịch mới gọi là “metric calendar”. Theo cách tính của lịch này, một ngày chia làm 20 giờ, một giờ có 100 phút, một phút có 100 giây. Và một tuần lễ có 10 ngày, 73 tuần lễ mới tính là một năm. Bris Bhusan Vij nói rằng: “Tôi hy vọng giới phụ nữ đặc biệt tán đồng lối tính thời gian theo cuốn lịch mới do tôi phát minh, vì một lẽ các năm sẽ dài thêm và tuổi sẽ tăng lên một cách chậm hơn”. Hay nói cách khác, người ta cảm giác mình cứ trẻ mãi vì năm qua rất chậm. Ai trong chúng ta cũng có cái lịch của riêng mình như vậy, dành riêng cho ta để mỗi cá nhân làm tròn phận sự mình trong đó. Mỗi ngày 24 tiếng đồng hồ, mỗi năm 365 ngày và hãy nghĩ những điều tích cực, làm những điều tốt đẹp cho gia đình, quê hương, đất nước.
Pháo hoa! Pháo hoa! Tiếng những cậu bé hớn hở reo lên khi ánh sáng rực rỡ trùm lên một góc Kỳ đài. Cả quán cà phê nháo nhác. Rồi lần lượt từng nhóm đi ra phía bờ sông, ngước mắt nhìn lên bầu trời lập lòe ánh sáng và bụi mưa. Tôi nắm tay em đứng dưới tán cây ngô đồng, nghe gió vi vu, thấy pháo hoa nở mộng giữa bầu trời đêm sũng nước.
*
Mồng một Tết, mặt trời ban mai rọi những tia nắng ấm xuống trước sân nhà. Bóng nắng vẽ những thảm tranh sâu kín lên thảm xanh. Tôi ngửa tay ra đón nắng. Nắng đậu trên bàn tay, vỡ vô hồn trên những bông cúc vạn thọ. Gió buổi sáng ngày mới chạy vờn qua mái tóc điểm sương của mệ nội. Mệ dậy sớm, bánh mứt đã để sẵn. Hương khói trên ban thờ tổ tiên đã được thắp. Cả nhà tụ họp, ai cũng áo quần mới. Như lệ thường năm, anh em chúng tôi thắp hương tại từ đường rồi sau đó vào nghĩa trang quê nhà viếng mộ tổ tiên. Vườn nhà buổi sớm, cây bông hồng cổ thụ nở đỏ một góc vườn. Những chậu cúc, lay ơn, thược dược xếp ngay ngắn ở hai bên lối đi, cả chậu hải đường với những nụ đỏ tròn trịa cũng khoe sắc. Tâm tưởng bị đánh thức và đừng quên rằng, mỗi một mùa xuân đến mình đã bước đi trong sự vô thường, trong bình yên vô nhiễm của những men đời thơm ngọt. Mùa xuân ban phát những giấc mơ, làm cho bất kỳ ai có điều gì đó để chờ đợi, mong cầu. Mọi ước muốn sâu xa nhất bừng khởi và nguyện cầu cho tất cả sẽ là sự thật. Một năm mới đang nở tươi nụ cười, bạn và tôi say giấc với ước mơ, với bao điều khang ninh, mới mẻ cất cánh trong veo như hơi thở xuân tràn trề của thi sĩ mùa xuân Nguyễn Bính:
“Đã thấy xuân về với gió đông
Với trên màu má gái chưa chồng”
Những chiều xuân đó, tôi lang thang trên đường Lê Lợi, dưới những tán long não dầm mình trong mưa đông. Rồi chồi non nhú lên, xanh mướt kỳ diệu chờ đón khoảnh khắc giao mùa. Nhớ những ngôi nhà đậm chất kiến trúc Pháp ẩn tàng bóng cây gợi nhớ bao lời ca sương khói. Màu vôi vàng truyền thống, những phần họa tiết tinh xảo, những mái ngói đỏ, những ô cửa vòm mộng mơ, thu hút sự hiếu kỳ tuổi trẻ. Nhớ ngôi nhà 26 Lê Lợi nơi anh em văn nghệ Huế một thời đến về, gửi gắm bao nhiêu ý tưởng sáng tạo, chứng kiến bao nhiêu chuyện vui buồn. Những ngày Tết về, đường Lê Lợi vốn sầm uất chợt vắng hoe, chỉ có công viên và phố đi bộ dập dìu giai nhân tài tử du xuân. Những người bạn xưa đi về cùng nhau, trú mưa dưới những mái hiên dài ủ rũ, nhạt nhòa theo năm tháng. Nhưng một ý nghĩ lạ nảy mầm trong tôi rằng những con người phương xa ấy bây giờ sống thế nào thật sự như thế nào, tôi mong mỏi. Đêm giao thừa, pháo hoa sáng chói, rực rỡ trên Kỳ đài, vén màn đêm thành Huế yên tĩnh. Huế như lung linh trong sắc màu thần thoại. Đó là những khoảnh khắc Huế sống, với gương mặt hân hoan, rạng ngời.
*
Xuân hãy còn dài lắm, ba ngày tết, bảy ngày xuân, lại kéo dài ra tận tiết Nguyên tiêu. Ngày Nguyên tiêu, nhóm bạn trẻ chúng tôi cùng bác Trần Phú Trác, một trí thức lớn tuổi sở hữu một gia tài sách quý bậc nhất thành phố Huế, rủ nhau lên chùa Thiên Mụ ngắm trăng. Khi ánh trăng dọi những ánh sáng lạnh lẽo xuống thảm lá, nhỏ xuống dòng sông chầm chậm chảy giữa đêm. Trước mắt chúng tôi ngập màu hoa đăng lung linh thả trôi trên sông từ những chiếc thuyền làm lễ đêm rằm của một ngôi chùa. Vẻ cổ kính của chùa Thiên Mụ, hoa đăng và ánh trăng thắp sáng phút chốc đã biến sông Hương thành dòng sông sử thi. Chúng tôi ngồi bên bến nước cứ ngỡ mình đã xuyên không về một thời đại xa xôi nào đó, khi sông Hương tự trần những lời mộng cổ. Bác Trác đọc Phong kiều dạ bạc tặng tôi vì tình cờ chữ giang phong có tôi trong đó: “Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên/ Giang phong ngư hoả đối sầu miên”. Trăng tà, tiếng quạ, sương phủ đầy trời trong đêm họ Trương cảm tác. Cả hàng cây phong bên sông và ngọn đèn thuyền chài vương giấc hồ cũng giống như hàng thông reo bên chùa Thiên Mụ. Chao ôi, Trương Kế mà có sống lại trong khung cảnh này cũng phải cảm tác một tuyệt phẩm thôi. Trăng khi đó mắc qua cành thông già kĩu kịt. Tôi mắc ý nghĩ cụ Tố Như ngắm trăng trên sông Hương mà nhớ mối sầu: “Hương giang nhất phiến nguyệt/ Kim cổ hứa đa sầu”. Quả là một mảnh trăng trên sông Hương thôi, mà xưa tới nay đã gợi không biết bao nhiêu mối sầu. Cao, một sinh viên triết mới ra trường, đương đắm say trong tình, trong ý ước được một lần bơi qua sông Hương giữa mùa trăng thế này. Cũng cảm mến Chu Thần Cao Bá Quát đã “Hiểu quá Hương giang” chỉ bằng một câu để đời: “Vạn chướng như bôn nhiễu lục điền/ Trường giang như kiếm lập thanh thiên”. Trời xanh gươm dựng một dòng sông, chỉ có kẻ sĩ lòng dạ như trúc, như tùng mới viết nên một câu đầy chí khí như vậy. Mải mê đi trong đường trần dằng dặc, có lúc nào kịp nhớ để trở về. Nâng chén rượu gạo làng Chuồn, vẫn là rượu gạo làng Chuồn giữa Nguyên tiêu bao trắc ẩn. Mắt vùi trong đêm, đêm như trăng, chân nhúng dòng huyền thoại.
Ai đó đem chuyện chàng thi sĩ ca dao ra kể. Về những ruộng đồng, sông hồ chàng đã đi qua. Một thanh niên sống già trước tuổi, chán đời trước tuổi, không có gì để theo đuổi, không có gì để học hỏi. Chàng thi sĩ ca dao có đôi mắt của một vực thẳm đen ngòm, mộng mị ngồi uống rượu bên bến sông như chúng tôi hôm nay. Nước sông là rượu, rượu là nước sông. Thanh niên uống cạn, uống say, ngày như ngày. Mưa, mưa sông trát buốt mặt mày điên loạn. Khi cơn say vơi, họ khát nước, những người bạn của thi sĩ ca dao dùng tay hứng những giọt nước mưa mát trong như ngọc. Và đêm hiền lành theo mưa về ngủ trong lều cỏ dựng tạm bên bờ sông thơm. Mưa đêm đó rơi tí tách, mặt sông buồn thăm thẳm. Vầng trán người trai trẻ cũng mưa, mưa nhăn nếp trán và chìm mãi vào cơn mộng không có lối ra. Chén rượu bên bến rêu, nghe nước non kể chuyện đời xửa đời xưa. Tôi nhớ bài ca dao của mệ hát mỗi đêm rằm:
“Thiếp xa chàng như vàng sa xuống đất
Như đôi đũa ngọc xa chén kiểu chén ngà
Bạn vàng ơi, nhớ lại cho ta,
Đêm năm canh thiếp ăn sầu uống thảm
Ngày sáu khắc xương bọc lấy da gầy mòn”.
Bài ca dao buồn môi bao thế hệ những đêm trường mỏi mòn thương nhớ. Trăng lên cao quá, trời bỗng rộng ra, dòng sông chợt bừng sáng. Chén rượu nói về ngày mai, về những ước mơ của tuổi trẻ. Chuyện sách vở, chuyện viết lách có bao giờ cũ. Trăng cũng tàn, đêm cũng tàn. Nhưng có những đêm trăng trở thành bất hủ trong văn học sử về sông Hương.
Đó là đêm trăng trên sông Hương gắn với tiếng đàn Đẩu Nương, thơ Tuy Lý Vương. Tuy Lý Vương (1820 -1897) là một ông hoàng làm thơ nổi tiếng của xứ Huế. Ở Kinh đô Huế xưa, trong hàng vương tử, nếu nói ông hoàng làm thơ, không ai qua được hai anh em Tuy Lý Vương và Tùng Thiện Vương. Họ được mệnh danh là “Thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường”, nghĩa là thơ của Tùng, Tuy thì thời Thịnh Đường phải nhường. Một đêm trăng sáng năm 1850, Tuy Lý Vương được anh mình là Tùng Thiện Vương mời đến dự tiệc tiễn bạn thơ về Bắc trên một con thuyền lênh đênh dòng Hương. Trong tiệc rượu, Tùng Thiện Vương có mời Đẩu Nương, một nữ danh cầm thời ấy xuống thuyền gảy đàn, tiễn khách. Cây đàn Nam Cầm của Đẩu Nương có một không hai, do Nguyễn Phước Dục sáng chế vào thời chúa Định Vương (1765 - 1777). Cây đàn có 8 dây, thùng đàn dày và vuông, cần dài đến ba thước mộc (tương đương 1,2m). Đàn Nam cầm là loại đàn tổng hợp của 3 loại đàn cầm, đàn sắt và đàn tỳ bà. Âm thanh vô cùng tuyệt diệu. Nghe giới thiệu cây đàn bao thi nhân trên thuyền đều đã thấy cuốn hút.
Đoạn Tùng Thiện Vương giới thiệu người đánh đàn Đẩu Nương. Nàng vốn là học trò của người thiếp của Vương tên là Tiều Bạch nương. Người thiếp này được Tùng Thiện Vương đích thân dạy đàn, sau nàng truyền nghề lại cho Đẩu Nương. Nàng nổi danh tài sắc một thời, tiếng đàn làm bao chàng trai mê mẩn. Đẩu Nương kết duyên với một ông Tham tán cũng là người mê và sành âm nhạc. Tiếng đàn của nàng và sự thưởng thức, tán vịnh của chồng được ví như tri âm, tri kỷ. Tiếc rằng, chồng mất sớm, bỏ nàng một mình bơ vơ, từ đó sống ẩn dật ở An Cựu. Trong tiệc hôm nay, đích thân Tùng Thiện Vương, cũng chính là tổ sư của Đẩu Nương có lời mời dự, mong muốn được nghe khúc Nam cầm tuyệt kỹ tiễn bạn đêm trăng. Nàng phá lệ mới đến và nói rằng:
- Đêm nay là đêm cuối cùng thiếp gửi lại ngón đàn xưa dành cho tổ sư và quý quan khách. Từ nay, tiếng đàn Đẩu Nương không còn nữa!
Nàng cất lên tiếng đàn, khúc Nam cầm trong trẻo, sầu bi tuôn trong đêm trăng, trên mặt nước. Tuy Lý Vương ngây người cảm nhận ngón đàn điêu luyện, thần tiên. Ngay trong đêm, bài Nam cầm khúc đã được ông đồng cảm sáng tác, là thi phẩm để đời qua bao thời gian dâu bể.
“Bốn dây to nhỏ châu sa
Thoắt như trời đổ một vài hạt mưa
Lạnh nghe hạc nói năm xưa
Thảm nghe thục đế khóc đưa xuân về
Muỗng sen giọt nước đầy ve
Nghê vàng lửa đốt khói che hơi trầm
Gió mai bờ quạnh ve ngâm
Cồn phơi bông trắng, lau dầm màn sương”
Không gian của sông Hương, ánh trăng, chiếc đò, bạn thơ và đặc biệt hình ảnh Đẩu Nương, câu chuyện cảm động về số phận của nàng là nguồn cảm hứng và chất liệu đặc biệt. Đây là một thi phẩm trác tuyệt trong thời bấy giờ, khi ngôn ngữ và hình ảnh hòa quyện thành một vẻ đẹp mịn màng và đầy trắc ẩn. Tiếng đàn của Đẩu Nương đã được đặc tả bằng những ngôn từ bay bổng, đầy điển tích. Tuy Lý Vương đã làm nên kiệt tác của đời mình nhưng nào hay biết, Nam cầm khúc đã cho ra một công thức của nguồn cảm hứng, sự rung động, chân thành và một tài năng ngôn ngữ.
*
Quả là du xuân, lướt trên sóng xuân, trôi cùng sông xuân, ngắm mảnh trăng xuân, nghe thơ xuân... đậm đà kiểu Huế. Tôi vẫn háo hức với những cuộc lữ cùng xuân. Năm kia tôi chọn Bạch Mã làm cuộc du xuân cho thỏa chí. Mỗi độ xuân về, đỗ quyên trên Bạch Mã nở thu hút biết bao người, thấy xuân đã tràn ứa mật khắp cây cỏ, trong thung lũng và trên mặt hồ sương khói. Tôi và Ly lên núi sớm để kịp qua sườn Đông ngắm mặt trời. Chúng tôi ngồi trên tảng đá hình quả trứng nhìn một biển mây trắng đang ửng hồng. Mặt trời tỏa ánh sáng sắc như lưỡi gươm mới rút ra từ bể rèn đỏ nóng. Gió thổi bay tóc em, váy trắng tung bay giữa bình nguyên mây. Mùi hương đỗ quyên phảng phất trong làn gió. Tóc em thả lướt đưa thuyền mộng tôi chèo qua ngàn mây. Bây giờ tôi ngửi thấy hương của mây, của nắng và đỗ quyên mông mênh. Một đàn chim bay qua véo von trên bầu trời năm mới. Đâu đó, trên đỉnh núi, tiếng khứu bách thanh hót vang động núi rừng. Tiếng hót va vào vách núi và một dàn đồng ca lảnh lót xa xăm. Buổi sáng qua thật nhanh khi bước chân đi bộ trong rừng nguyên sinh, qua con đường xuống Ngũ Hồ hoa nở kín lối đi. Mùi thơm của rừng theo những cơn gió thật tinh khôi. Buổi chiều, mây từ đỉnh Bạch Mã ùa xuống trắng cả rừng nguyên sinh. Mây mang theo một cơn mưa ban đầu lộp bộp trên hoa lá. Những bông hoa tím rơi ướt trên tóc em. Nước mưa và cánh hoa bủa vây hai chúng tôi. Mưa nặng hạt, xối xả tuôn lên rừng trắng xóa. Tôi ngửa mặt nhìn lên, mưa như thác trời đổ xuống. Mưa to đến độ nước đổ thành dòng, chảy từ những chỗ cao xuống thành những dòng suối nhỏ. Gương mặt chúng tôi chan hòa mưa. Mưa núi Bạch Mã thầm thì mùa xuân. Năm mới đến, chúng tôi đương trôi trên dòng sông của ước mơ không ngừng cuộn chảy.
*
Huế của tôi mươi năm trở lại đây giờ đã đổi khác nhiều lắm. Huế muôn đời đẹp và thơ. Huế hôm nay còn xanh, sạch, sáng đến nỗi bạn ở xa về nói mừng: “Huế cổ kính, mà luôn luôn mới mẻ, bất ngờ”. Ai đã từng dành trọn buổi sớm mai sương khói hay buổi chiều tà mát mẻ đi một vòng dọc hai bờ sông Hương mới cảm nhận được sức sống kỳ diệu của thành Huế bây giờ. Những con đường đi bộ lát đá phẳng phiu, sạch sẽ, những ghế công viên êm đềm trong bóng cây và đây đó những bồn hoa rực rỡ sắc màu, những tác phẩm điêu khắc gửi ta bao thông điệp với cuộc sống thường ngày. Đi xa một chút về những khu đô thị mới ở phía Đông, Đông Nam thành phố, Huế dường như là một đô thị nào khác của hiện đại, của phồn hoa. Một góc thành Huế mới mẻ, xứng tầm quy mô của đô thị trẻ đương thay da đổi thịt từng ngày với những tòa building cao ngất, những khu chung cư đông đúc, những khu đô thị chất lượng cao… Huế đi lên từng ngày, dần xứng tầm là một đô thị di sản, một trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu tương lai của nước nhà, của khu vực.
Chiều nay, đứng trước bến Nghinh Lương Đình ngắm sông Hương đang chảy màu xuân, nhớ chuyện ái quốc của người xưa trăn trở. Bên kia đường, vườn mai cổ thụ đã bung 5 cánh lụa là, theo gió mà vương áo ai qua chiều. Xuân hôm nay cũng sẽ là ký ức, một ký ức lặng lẽ, dịu dàng. Cả không gian thành Huế chợt bừng lên, cháy mãi sức sống của vùng đất “văn mạch một phương” như lời của nhà bác học Lê Quý Đôn. Tôi hát theo mệ “Ơ... non nước ơ non ờ...... ơ ờ… thanh bình”. Nhiều lúc tôi nhớ đến mùa xuân chỉ đơn giản một bông mai vàng lụa là năm cánh trước hiên nhà. Mùa xuân là đồi cỏ hoa đầy màu sắc trong ký ức ấu thơ mỗi lần theo ba đi chạp mộ tổ tiên. Mùa xuân là con đường quê đất đỏ, những hàng chè tàu lấm tấm màu đen của tro tàn giấy vàng mã được đốt những ngày Tết. Và mùa xuân sẽ đến sớm nếu bật những bài hát ngày xuân đong đầy kỷ niệm trong một chiều mưa xứ Huế nhạt nhòa. Xuân ôm lấy tôi khi qua cầu Trường Tiền, đi dọc bờ sông và nhờ ân điển của gió để ngửi những mùi vị trầm lãng của những mùa xuân từ vạn cổ.
L.V.T.G
(TCSH420/02-2024)