Bút ký - Tản văn
Tiếng gọi trắng ngần bên sông Hương
10:03 | 22/07/2025

HẢI HẠC PHAN

Nguyệt Biều, ngôi làng cổ nép mình bên dòng Hương giang, tựa như một nét vẽ phác thảo của Huế - thành phố vườn xanh ngát bóng cây và dịu dàng sông nước.

Tiếng gọi trắng ngần bên sông Hương
Ảnh: tư liệu

Nơi đây không chỉ có những rặng hoa biếc xanh, những vườn thanh trà mát bóng, mà còn có cả những cánh đồng loa kèn mơ màng, trắng ngần ướp đậm thêm nỗi nhớ về xứ Huế. Sau mùa hoa thanh trà trắng muốt tàn để tái sinh mình cho mùa quả mọng là lúc loa kèn gọi về một miền thương nhớ chẳng thể nào quên.

Sáng tinh mơ, khi ánh bình minh vừa lấp ló qua tán lá, chị dâu đã đến đầu ngõ, giọng vang gọi tôi dậy: “Đã mua được loa kèn cho chị chưa mà còn ở đây thế?”. Câu hỏi như một tia nắng ấm thả vào cơn mưa đầu hạ, làm chính lòng người hỏi là chị bâng khuâng.

Bây giờ hoa thanh trà đã tàn. Loa kèn mới bắt đầu trắng ngần giữa lối ruộng, chẳng cần rực rỡ như phượng vĩ hay kiêu sa như hoàng mai, chỉ lặng lẽ nở, như một lời thì thầm dịu dàng. Ở Huế, người ta cảm nhận thời gian qua những loài hoa. Mỗi nụ hoa hé, mỗi cánh hoa tàn đều như một nhịp thở mới của tâm hồn, khơi dậy rung động thẳm sâu.

Chị dâu tôi vừa cắm hoa vừa kể, có những buổi trưa, chị thiếp đi trong giấc mơ về bữa cơm gia đình ngày xưa. Bàn ăn giản dị mà ấm áp, có đủ bố mẹ, bảy anh chị em quây quần. Tiếng cười như gió reo trên đồng. Ở đó những mảng tường vôi phai màu thời gian nổi bật bình hoa đứng lặng lẽ trên bàn ăn trong chiếc bình gốm Phước Tích nâu sòng đã cũ, chẳng cầu kỳ hoa văn khẽ ôm lấy những cành hoa loa kèn trắng muốt, nụ xanh e ấp xen lẫn vài bông nở rộ. Có ánh nắng chiều lọt qua cửa gỗ, rọi lên từng cánh hoa mỏng vẻ thuần khiết ngỡ làn sương sớm chưa tan trên đồng làng như đọng lại ký ức qua biết bao tháng bao năm.

Hương thơm mát thoảng nhẹ tưởng chừng vừa phà vào từ phía sông, thanh thoát len lỏi hòa cùng mùi cơm vừa nấu… làm ấm thêm tiếng cười của mấy anh chị em, làm đẹp cho khoảnh khắc sum họp.

Giờ đây, những ngày sum họp chỉ còn đủ người bên nhà chồng, còn gia đình chị người vào Nam, kẻ ra Bắc, người bôn ba nước ngoài mưu sinh. Chị bảo, ước mơ của chị chẳng nhiều nhặn gì, chỉ là một bữa cơm đủ mặt, đủ tình thân, đủ những câu chuyện rôm rả ngày thường.

Ngày xưa ấy, mùa này, chị dâu ngoài giờ lên trường dạy học thường kiếm thêm đồng ra đồng vào khi cùng mẹ chồng gánh loa kèn ra chợ bán. Mỗi ngày một phiên, trên đôi dép mòn lẹt xẹt, vai chị gánh những bó hoa trắng, hương thơm ngòn ngọt thoáng vào trong gió còn dài và rõ hơn những lời rao. Chị dâu đùa rằng hoa của chị là “những bông hoa biết gọi”, bởi thế mà gánh loa kèn của chị bao giờ cũng hết sớm nhất.

Hoa bán xong, còn một hai bó có khi chị đổi cho bác nông xóm bên lấy rổ dưa ngọt mát hay gói kẹo làm quà cho cháu, cho em. Những trưa ấy, mẹ chồng đem dưa gang muối chua hoặc nấu bát canh giải nhiệt thanh mát, vừa chan húp vừa kể chuyện chị dâu gánh hoa, dáng nhỏ nhắn mà kiên gan lạ. “Người uống nước sông Hương, cây tưới nước sông Hương, đều tỏa hương thơm cả,” chị dâu bỗng cho mình lãng mạn đôi phút giây tạm quên đi sự tằn tiện bởi đời sống chật vật thời gạo châu củi quế mà nói như một người xuất thân từ một đại gia đình đều theo nghề giáo.

Hơn hai mươi năm có lẻ về sau, chị dâu còn không ít lần đứng lặng trước sạp hàng nhỏ ở chợ Đông Ba, mắt dừng lại trên một bó loa kèn vừa chớm nụ mà nhớ gánh loa kèn chị gánh ngày xưa. Chị nhớ hồi nào chưa lấy chồng xa, mẹ chị mỗi lần ngắm loa kèn lại kể chuyện tình đầu với ba, giọng đều rưng rưng. Chị cúi xuống chọn một bó loa kèn, buộc lên chiếc xe đạp cũ, thong dong dạo chợ. Người qua đường thấy chị, ai cũng hỏi: “Bó loa kèn bao nhiêu?”. Hỏi để biết, hỏi vì hoa tươi quá, đẹp quá, chứ chẳng ai màng chuyện đắt rẻ. Khoảnh khắc ấy, bó hoa trên tay chị như đánh thức trong lòng bao người ký ức về thời mực tím, trong trẻo như thanh xuân đang là. Có người thấy hình ảnh ấy mà sực nhớ một bóng hình xưa lắc lơ ôm bó loa kèn to lấp ngực thẹn thùng, nụ hoa như nụ hôn đầu biếc xanh, bỏ quên đâu đó giữa chợ đời hối hả.

Bông loa kèn trắng tinh chị đem về cho tôi chưng trong phòng sách, giản dị mà tao nhã, như thú vui thầm lặng của người Huế với hoa. Chị rằng, em biết không có những mối tình ấp ủ từ một bó loa kèn ai tặng năm nào, mấy mươi năm sau vẫn là câu chuyện người ta vui hoài nhắc mãi chẳng cần phải quà vàng, quà bạc chi. Có lần, chị rủ tôi lội ruộng loa kèn chụp ảnh vào buổi chiều in như thời thiếu nữ mỉm môi khi cười để tạo dáng, chị thúc vào eo nhủ tôi lấy chồng đi kẻo như hoa em cũng có thì.

Tôi nào đâu đã hiểu cái thì ấy quý giá thế nào với đời người, đời hoa, tôi nâng nụ loa kèn xanh non, cười khúc khích: “Lỡ thì thì em ở với mẹ”. Nghe chị đọc những câu thơ vụng về tôi giấu trong trang đầu nhật ký khi lần đầu biết yêu: “Dáng hoa vấn vít in trên tường/ Ngày qua chẳng gặp hoa đã rơi/ Cánh hoa xao xác nơi hò hẹn/ Hương hoa đi tìm người thương rồi.”

Chị làm tôi cũng mơ ngôi nhà phố của mình về sau sẽ có một mảnh vườn trên sân thượng nhỏ xinh trồng hoa lòa xòa tràn lối đi, cánh tàn kế búp trắng nõn nà, cho tôi mãi sống những ngày sáng trong của tuổi trẻ. Chỉ nghĩ đến hoa dành dành thơm dịu, trà mi thanh tao, dạ hương nồng nàn mỗi tối cùng những khóm loa kèn nghiêng nghiêng nụ như dấu hỏi ngày mai tôi chợt nao nao. Khi lớn thêm, tôi biết làm duyên, thành thiếu nữ và có biết buồn vì sự dang dở, tôi cũng không quên mối tình thơ chị kể từ trưa nào, ai thầm thương đặt trước cửa những bông loa kèn biết gọi để thầm nói với mình nếu sáng trong trong tâm hồn thì chẳng có thì, chẳng có mùa.

Cuộc đời không bao giờ yên ả, luôn có đến và rời đi. Vợ chồng chị xin chuyển việc về lại quê chị làng hoa Tây Tựu, Hà Nội để lo phần hiếu vẹn tròn. Ngày ra bến xe, lọ loa kèn vừa cắm còn tươi bỏ đi không nỡ, hai vợ chồng chị lỉnh kỉnh bao thứ vẫn ôm theo như sợ phụ hương sắc hoa dẫu biết làng hoa mà thiếu chi hoa. Một người bạn học cũ tình cờ gặp chị, thấy bó hoa trên tay, bước lại gần, hỏi: “Loa kèn bó bao nhiêu, vẫn ở Huế chứ?” Câu hỏi như níu chân người lại. Chị đứng lặng, tay ôm bó loa kèn biết gọi, lòng nghe tình Huế đáp lời qua mỗi mùa hoa. Loa kèn bó một xuân xanh, chẳng đong đếm được bằng tiền.

Giờ mẹ chồng già yếu cần con cháu hơn, vợ chồng chị lo tròn bên ngoại, con cái đều đã lớn nên giờ trở về làng hẳn. Ngày hội nào chị cũng chọn chiếc áo dài thêu bông loa kèn trên tà, bước đi khẽ khàng như thuở vẫn còn gánh hoa ra chợ, sợ đóa kèn rơi nếu vội chân bước mau.

Nguyệt Biều vẫn xanh, sông Hương vẫn trôi, và loa kèn vẫn nở, trắng tinh khôi trên đồng và trong lòng. Có khi, chẳng một tiếng gọi nào nôn nao hơn tiếng gọi của một mùi hương đã bện chặt ký ức.

H.H.P
(TCSH57SDB/06-2025)

 

 

Các bài đã đăng
Huế và Paris (21/02/2025)