Bút ký - Tản văn
Giữa “điểm nóng” dioxin
10:09 | 01/10/2009
TRẦN HOÀI                  Ghi chépThung lũng A Lưới chạy dài theo hướng Bắc Nam đến vài chục km. Đó là một thung lũng đẹp, là một vị trí quân sự chiến lược, là nơi giao tranh ác liệt giữa ta và địch trong cuộc kháng chiến vừa qua...
Giữa “điểm nóng” dioxin
Các nhà khoa học đang xác định toạ độ điểm nóng Dioxin tại A Lưới - Ảnh: vietnam.vnanet.vn

Trước mắt tôi, cỏ cây A Lưới sau gần ba mươi năm hết chiến tranh, đã bắt đầu xanh trở lại. Nhưng vẫn còn nhận thấy xác những cây cổ thụ bị chất độc da cam tiêu diệt, trơ trọi, đen đủi chĩa lên giữa bầu trời xanh đến không cùng... Chiếc u oát của Đoàn kinh tế - quốc phòng 92 (Quân khu 4) chở chúng tôi trên đường Hồ Chí Minh rải nhựa phẳng lỳ, dọc theo thung lũng, phóng nhanh. Thượng tá Nguyễn Hữu Tùng - đoàn trưởng Đoàn 92 kể: "Năm 1999, chúng tôi thành lập đoàn khảo sát tìm vị trí đóng quân, nơi đây là cánh rừng um tùm. Mùa mưa, nước dâng ngập mênh mông, anh em bị "giam" bên này hàng tháng trời, không liên lạc, không tiếp tế lương thực được. Đành phải dựa vào dân. Anh em băng rừng, men theo đường mòn ra thị trấn A Lưới có khi mất mấy ngày trời. Từ Huế, cán bộ đơn vị đi công tác trở về gặp lũ, thuê xe ôm theo đường 49 vấp phà Tuần bị lũ cuốn, đành quay lại, vòng ra Đông Hà ngược lên Đakrông theo đường 15 vào cũng bị chặn lại, tổng số tiền đi xe ôm, xe đò lên tới 800.000 đồng và thời gian gần nửa tháng cho quãng đường 70 km Huế - A Lưới!".

Nhưng bây giờ, đường Hồ Chí Minh đã thông suốt, hầm đường bộ A Roàng 1, A Roàng 2 đã thông suốt. Và bên con đường huyền thoại, doanh trại Đoàn 92 đã mọc lên khang trang, đàng hoàng từ bàn tay cán bộ, chiến sỹ đơn vị. Bây giờ, vẫn theo lời thượng tá đoàn trưởng, là đã qua thời "vạn sự khởi đầu nan"... Từ tháng 12/2001, dự án Khu kinh tế - quốc phòng A-Sho được thủ trưởng Bộ Quốc phòng thông qua và cấp vốn đầu tư. Đến nay, trong tay cán bộ chiến sỹ đơn vị là 625,6 ha rừng trồng mới, 2500 ha được khoanh nuôi, tái sinh và bảo vệ. Từ dự án này, Đoàn đã thu hút, tạo việc làm và thu nhập cho hơn 2000 hộ dân trên địa bàn, góp phần xoá đói giảm nghèo. Đặc biệt, bằng nguồn vốn tự tích luỹ và công sức lao động của bộ đội, Đoàn đã đầu tư xây dựng hệ thống điện thắp sáng, hệ thống nước sạch sử dụng trong doanh trại và giúp bà con thôn A Đớt...

 A Roàng, A Đớt, Đông Sơn, Hương Phong, Hương Lâm là  5 xã thuộc vùng dự án Khu KT-QP. Đây là một vùng dân cư thưa thớt, phân bố không đều (mật độ 28,5 người/km2), đất đai bạc màu, nhiễm nặng chất độc màu da cam trong chiến tranh. Chúng tôi đọc được trên bảng khuyến cáo cắm ở sân bay A-Sho thuộc xã Đông Sơn: "Trong chiến dịch Hand (1961-1971), Mỹ đã rải xuống khu vực A Lưới một lượng lớn bom đạn và chất độc hoá học với hơn 300 phi vụ, gần 500.000 ga lông chất diệt cỏ. Trong đó, trên 50% là chất da cam có chứa DIOXIN. Sân bay A-Sho - căn cứ quân sự của Mỹ (1960) được ta giải phóng năm 1966 là khu vực Mỹ rải chất da cam nặng nề nhất với nồng độ trên 70 ga lông/km2. Theo kết quả nghiên cứu từ 1994 - 2000 của tổ chức Hatfield consultants Co. LTD Canada, khu vực trung tâm sân bay A-Sho là "Điểm nóng DIOXIN", với lượng tồn dư DIOXIN trong đất và một số loại thực phẩm như cá, gà, vịt vv... còn cao rất nhiều so với mức cho phép. Để phòng tái diễn DIOXIN: Không sống, canh tác, nuôi trồng, đánh bắt trong khu vực sân bay A-Sho; Không ăn mỡ và gan của các loài cá, gà, vịt nuôi ở khu vực ở xã Đông Sơn..."

Sân bay A-Sho: một màu cỏ vàng úa, cằn cỗi, hoang vu! Gió cuốn từng đợt hun hút, tê người. Tôi nhìn thấy hai mẹ con người Tà Ôi dắt nhau từ trong sân bay cũ men theo con đường mòn nhỏ bước ra con đường đất sỏi đỏ ngầu về bản Mới. Đứa bé trai chừng 9 tuổi, chỉ khoác một manh áo cũ nhàu, và trong chiếc gùi của người mẹ là những củ sắn gầy guộc, còn lấm đất màu vàng cháy. Tôi nghĩ, trong những củ sắn kia, tỷ lệ chất độc DIOXIN sẽ là bao nhiêu trên hàm lượng tinh bột của chính nó? Cũng theo các nghiên cứu của tổ chức Hatfield consultants Co. LTD Canada, nồng độ DIOXIN trong máu người dân nơi đây cao gấp 15 lần so với bình thường. Trong 5 xã thuộc vùng dự án kinh tế - quốc phòng do Đoàn 92 đảm nhiệm, mỗi x• có từ 50 - 150 người tàn tật với các triệu chứng liệt, dị dạng, điếc, câm, mù, tâm thần... do nhiễm cái thứ "chất diệt cỏ" tàn ác ấy, ở xã A- Đớt, người bệnh DIOXIN chiếm đến 7,5% dân số toàn xã - cái tỷ lệ mà có lẽ trên trái đất này không nơi nào có?

Chúng tôi theo chân hai mẹ con người Tà Ôi về bản Mới thuộc xã Đông Sơn. Bản gồm 30 hộ vốn trước nằm trong khu vực sân bay A-Sho vừa được các cấp, các ngành của huyện A - Lưới vận động, giúp đỡ di dời đến nơi an toàn. Bản mới thành lập chưa được đặt tên, nên bà con gọi luôn là bản Mới. Bản Mới nhà cửa tuy chưa đẹp nhưng đã khang trang, chắc chắn, có nước sạch, có hệ thống kênh mương bằng bê tông tưới tiêu lúa nước. Trường tiểu học đang được gấp rút xây dựng, đường sá đi lại thuận lợi, có tính quy hoạch cao... Chúng tôi được biết, với mỗi hộ di dời tái định cư, huyện hỗ trợ 800.000 đồng/ hộ, bà con láng giềng giúp đỡ, ủng hộ nhà thì tấm tôn lợp, vác tre, thanh gỗ; bộ đội Đoàn kinh tế - quốc phòng 92 giúp ngày công, vận chuyển, nên chỉ trong thời gian ngắn, 30 hộ ở bản Mới và 33 hộ ở xã A-Đớt đã ổn định cuộc sống và sản xuất.

Thượng tá Nguyễn Hữu Tùng dẫn chúng tôi vào trụ sở xã Đông Sơn - một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện. Bí thư Đảng uỷ Ngọc Hữu Đang và Chủ tịch xã Hồ Xuân Phong đang đợi anh tới để bàn về việc sắp tới Đoàn 92 sẽ xây tặng bản Mới một công trình cơ sở hạ tầng dân sinh thật có ý nghĩa. Nhưng công trình gì? Điện hay đường? Cả hai đều cấp thiết như nhau, nhưng đồng vốn có hạn, còn phải dùng cho bao nhiêu việc khác, vậy thì phải tính toán kỹ, xem cái gì dân cần hơn? Tất cả đều phải dựa vào dân. Bí thư Đảng uỷ Ngọc Hữu Đang nói, có lẽ phải tổ chức một cuộc họp dân để nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, rồi sau đó, bàn tiếp phương án thực hiện... Đồng bào dân tộc ít người ở Đông Sơn và A Lưới đã chịu nhiều hi sinh mất mát trong chiến tranh, đến hôm nay vẫn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ vốn không hề đòi hỏi, tính toán... nhưng có thêm một con đường tốt thì có nghĩa trẻ con đến trường không còn phải vượt qua một con suối dữ; có thêm một bóng đèn điện là có nghĩa là một mái nhà đêm đêm được sáng lên...

- Năm 2002, Đảng bộ xã Đông Sơn không đạt trong sạch vững mạnh, vì sao? - Tôi hỏi và Bí thư Đảng uỷ Ngọc Hữu Đang trả lời ngay:

- Vì xã mình còn nghèo quá, còn đến hơn 40% hộ đói nghèo, hàng năm đói giáp hạt từ 3 đến 4 tháng... vậy thì đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ, Đảng bộ không hoàn thành nhiệm vụ. 

- Tôi thấy ở nhiều địa phương đã thực hiện thành công mô hình "Một đảng viên giúp một hộ nghèo", liệu đảng bộ ta có thể áp dụng kinh nghiệm đó được không?

- ồ, nhiều đảng viên ở xã mình cũng nghèo lắm, nghèo hơn quần chúng nhân dân nữa chớ. Cả đời theo cách mạng, đến khi hoà bình thì bệnh tật, đau ốm, đông con, không làm ăn được, chỉ trông vào lương hưu, vào phụ cấp Nhà nước nên nghèo mãi thôi. Mình nghèo thì nói cách làm giàu bà con không nghe...

Vòng luẩn quẩn nghèo đói ở vùng cao, vùng sâu nhiều nơi tôi đã đến, đã thấy có lẽ không nơi nào nghiệt ngã như ở Đông Sơn - A-Sho. Chắc chỉ còn cách duy nhất, các đảng viên trước hết phải tự giúp nhau thoát khỏi nghèo đói, rồi nhân dân nhìn thấy đó mà làm theo... Có thế, đảng viên mới phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, đầu tàu, đảng bộ mới hoàn thành nhiệm vụ, mới đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh... Song để làm được thế, sự giúp đỡ, đầu tư của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương cần phải thực sự đồng bộ và có hiệu quả thiết thực. Đầu tư phải có nghĩa là đạt đến mục tiêu tạo cho bà con cách thức làm ăn mới, làm chuyển biến, tiến bộ hoá  từ nền sản xuất vốn lạc hậu, manh mún, tự cung tự cấp đến tư duy là kinh tế của đồng bào... Được như vậy, thì không chỉ là sự đầu tư tiền bạc, vật chất, mà quan trọng hơn, chính là sự đầu tư vào con người...

Một trong những mục tiêu của dự án Khu kinh tế - quốc phòng A-Sho do Đoàn 92 đảm nhiệm là khai thác tối đa điều kiện tiềm năng đất đai để đẩy mạnh phát triển kinh tế, từng bước chuyển dần sang sản xuất hàng hoá với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích hợp, bảo đảm thu nhập ổn định cho các hộ gia đình. Đại tá, Bí thư Đảng uỷ, Phó đoàn trưởng về chính trị Nguyễn Hữu Ban tâm sự với chúng tôi: "Thay đổi nhanh tập quán và phương thức canh tác của đồng bào các dân tộc theo hướng lập vườn, đa dạng hoá vật nuôi, cây trồng là giải pháp trung tâm hàng đầu; vận động, hướng dẫn nhân dân biết kỹ thuật canh tác, biết cày bừa bằng trâu bò, tiến tới cơ giới hoá trong sản xuất, trước hết là đối với cây lúa nước và các loại hoa màu ở những vùng đất tương đối bằng phẳng, biết bón phân, phòng trừ sâu bệnh, thực hiện thâm canh, chuyển diện tích trồng cây hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn như măng tre xuất khẩu, sắn có hàm lượng tinh bột cao, cà phê, cao su, tiêu, gừng, tràm hoa vàng, keo tai tượng... là những việc "cần làm ngay"...

Tôi đã được nghe trung tá Nguyễn Xuân Thiện - chủ nhiệm hậu cần kể về việc anh và anh em trong đơn vị mày mò, nghiên cứu tự chế ra chiếc "cày cải tiến - 92" - các anh tạm đặt tên như vậy -  để thay thế cái a-vins của đồng bào dùng để cuốc đất, dũi cỏ, năng suất rất thấp. Đồng bào được sử dụng "công cụ sản xuất" mới, hiện đại hơn, năng suất hơn, vui mừng mà nói rằng: " Mình nhiều tuổi rồi, dùng mòn hết không biết bao nhiêu cái a-vins rồi mà không nghĩ ra được, bộ đội 92 ở dưới xuôi mới lên mà đã làm được cái cày cải tiến giúp bà con mình... Giỏi thiệt!...". Chiếc cày cải tiến 92 giờ đã được bà con học tập, phổ biến trong vùng, chưa ai đặt con tính nhờ nó mà đồng bào đã giảm được bao nhiêu sức lao động, đã tăng được bao nhiêu phần trăm năng suất lao động trong một mùa nương, chỉ biết nhờ nó mà cái lưng bớt còng, bớt mỏi vì cúi gằm mặt với cái a - vins của một thời. Rồi đồng bào đi làm rẫy ngang qua những vườn bầu bí tăng gia quanh bếp, quanh vườn của đơn vị, thấy giàn quả to lúc la lúc lỉu, đồng bào thấy lạ đứng lại xem. Bộ đội 92 thấy đồng bào dừng lại tụ tập đông quá, tưởng có việc gì, chạy ra hỏi mới biết nguyên do... Hôm sau, anh em phân công nhau mang hạt giống đến từng nhà trong bản hướng dẫn đồng bào cách bắc giàn, ươm hạt, chăm bón cho bầu, bí, rau quả. Bà con làm theo ngay, nhưng lại gặp sự cố, có giàn bầu được chủ nhà chăm tốt quá, thấy hàng xóm đã ra hoa, trổ quả rồi mà nhà mình vẫn chưa thấy gì, liền chạy vào hỏi bộ đội 92. Đích thân trung tá chủ nhiệm hậu cần Nguyễn Xuân Thiện giở sách nông lâm tra cứu, rồi anh cầm một mảnh sành vỡ cứa nhẹ vài nhát vào gốc cây. Bà con tưởng anh đang làm phép, đuổi con ma cho bầu ra quả, anh cười, giải thích: "Không phải vì con ma đâu, mà vì cây tốt quá, không ra hoa được, phải làm thế này để cho cây nó đau, nó gầy đi mới ra hoa được"... Tuần sau ra thăm, quả nhiên giàn bầu xanh tốt kia đã đậu những quả đầu tiên. Anh lại được nhận những lời khen và sự tin yêu của  đồng bào.

Qua 4 năm cán bộ, chiến sỹ Đoàn kinh tế - quốc phòng 92 hành quân lên vùng cao A Lưới  nhận nhiệm vụ mới, đã có biết bao nhiêu câu chuyện cảm động nồng ấm nghĩa tình quân dân như những câu chuyện tôi vừa chép trên đây. Đoàn trưởng Nguyễn Hữu Tùng đã có ý tưởng viết một bài báo, kể lại chuyện một cụ già vượt hàng chục cây số đường rừng về đơn vị để trao cho chỉ huy Đoàn một chiếc kìm: "Mình nhặt được dưới cột điện, mình biết là của bộ đội 92 bỏ quên nên mang về cho bộ đội". Anh nói rằng, hãy học ở đồng bào đức tính thật thà, trung thực, đã nói là làm, đã tin là tin tới cùng không gì lay chuyển nổi... Đó là những câu chuyện không bao giờ được ghi vào bất cứ bản báo cáo thành tích nào, những câu chuyện càng nghe, càng muốn được gặp gỡ những con người tưởng như rất đỗi bình thường mà giàu đức hi sinh và tâm hồn vô tư trong sáng ấy...

Những đêm tôi ngủ ở A-Sho, A Lưới gió lùa như bão. Gió từ bên kia dãy núi vượt sang, lạnh khô, giật đùng đùng ngoài cửa. Gió rít qua những thân cây cháy trọc, chết khô trên đồi bởi chất độc DIOXIN cách đây hơn ba mươi năm rồi mà vẫn không thể nào hồi sinh được... Cây không thể hồi sinh, nhưng con người thì đã hồi sinh. Tôi đã đến thăm gia đình của vợ chồng chuẩn uý Thế Tài - cô giáo Thanh Hương ở Đội chăn nuôi 4, một trong 8 đôi vợ chồng là cán bộ đơn vị đã chọn nơi này lập nghiệp, sinh con đẻ cái, xây dựng gia đình... Hai vợ chồng vừa sinh cháu trai đầu lòng 4 tháng tuổi, được Đội cho mượn một ngôi nhà cũ phía sau để ở. Cô giáo Thanh Hương quê Quảng Trị cùng gia đình lên vùng kinh tế mới từ năm 1975, bén duyên anh bộ đội Đoàn 92... Cô giáo Hương có hộ khẩu ở A Lưới nhưng lại được phân công về dạy tận huyện vùng biển Phú Vang, Tài và Hương đang mong các cơ quan chức năng quan tâm giải quyết cho cô được ở lại vùng cao A Lưới dạy học, để hợp lý hoá gia đình... Dù đang nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn nhìn thấy niềm hạnh phúc ấm áp đang dâng tràn trong ngôi nhà nhỏ của họ... Chúng tôi ngồi trò chuyện trong ánh chiều dần tắt, trong tiếng lục lạc của chú bò đầu đàn từ trên sườn núi về chuồng. Trung tá Nguyễn Kim Chất - Đội trưởng vội đứng dậy, bước ra ngoài xách một xô muối trắng. Anh gọi: "Muối ơi!... Muối ơi!...". Tiếng núi vọng lại: "Muối ơi...". Tức thì cả đàn bò béo tròn đứng lại, ghếch mõm rồi ùa đến vây quanh người đội trưởng đã mấy chục năm quân ngũ. Anh rải đều muối trắng trên những phiến đá phẳng cho đàn bò ăn, số còn lại, tự tay anh bón cho những chú bê con...

Bóng người sỹ quan tóc đã bạc nghiêng nghiêng trong nắng chiều vàng dịu Trường Sơn vốc từng nắm muối trắng tinh mớm cho những chú bê con lông vàng mượt thân yêu, đã in vào trí nhớ của tôi một dấu khắc không mờ. Nơi đây, phía cuối sân bay A-Sho, giữa "điểm nóng DIOXIN", cuộc sống đã hồi sinh! Âm thanh của cuộc sống ấy là tiếng khóc của chú bé bốn tháng tuổi, là tiếng lục lạc và tiếng gọi "muối ơi... muối ơi" của người sỹ quan quân phục bạc màu đã chứng minh cho sự sống đang hiện hữu... Và những ai còn chần chừ, còn ngại ngần khi lên A Lưới, khi vào A-Sho dù chỉ đi thoáng qua một chốc, hãy lắng nghe... Đấy là tiếng của sự sống, đấy cũng chính là tiếng gọi hồi sinh...

T.H
(189/11-04)



 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Khởi nghĩa (01/09/2009)
Đám cưới giả (14/08/2009)