Ngày lễ, một mình rong ruổi hơn 60km từ Huế theo Quốc lộ 1A, men chân đèo Phước Tượng đi thẳng. Qua cầu Tư Hiền là tới nơi. Nhìn từ xa, núi Túy Vân không cao, tròn trịa dáng tựa chim Phụng, chỉ 57m nằm lẻ loi giữa vùng Tam Giang - Cầu Hai mênh mông đầm phá. Sát đó là núi Linh Thái cao 142m giống linh quy. Hình dạng 2 núi anh em được miêu tả qua câu: Linh Thái rùa chầu chầu biển Bắc Túy Vân phụng múa múa sông
Qua cổng tam quan, ngay chân núi là chùa Thánh Duyên nguồn gốc rất xưa. Sử sách không nói rõ chùa được xây dựng từ bao giờ. Duy có Đại Nam Thực Lục Tiền Biên ghi nhận, năm Nhâm Thân 1692 chúa Nguyễn Phúc Chu đã cho sửa chữa lại chùa. Đến đời Minh Mạng với ý thức “Danh sơn thắng tích không nên để vùi lấp mất đi, huống chi đây là nơi đức Hoàng Tổ ta đã vì dân cầu phúc”. Vua phong Quốc tự và cho đại trùng tu Chùa vào 1836, đồng thời xây thêm gác Đại Từ, tháp Điều Ngự. Chính điều này làm nên một bố cục “Ba” độc đáo: Chùa - Gác - Tháp, khác với các chùa thông thường là Tháp - Chùa. Tôi hình dung ra tư tưởng phong kiến Nho Giáo về Thiên - Địa - Nhân đã được vị vua giỏi nhất nước Việt thời Nguyễn khéo léo lồng vào nơi đây. Đi hết từ chánh điện ra sau hậu điện mới thấy chùa thừa hưởng đậm nét kiến trúc Nguyễn ở lối nhà rường 3 gian 2 chái, trùng thiềm điệp ốc. Nóc nhà sau cao hơn nóc nhà trước tạo thế cao thấp cho 2 bộ mái cùng nằm trên 1 nền. Chính bộ mái trùng thiềm làm không gian trong chùa mở rộng và tạo một khoảng phía trên nhiều ô hộc. Nơi đó đôi bàn tay tài hoa người thợ thả sức tung hoành với nhiều hoạ tiết Mai - Hạc, Mai - Điểu, Trúc - Yến, Nho - Sóc… theo lối nhất thi - nhất hoạ (mỗi bài thơ đều có một bức tranh minh hoạ). Trong cảnh bình yên nhà Phật có thêm màu vàng son quý phái Hoàng tộc, tạo thị giác thân quen nhưng ngạc nhiên cho du khách. Trong chùa, các tượng Phật đều đúc bằng đồng. Đặc biệt là bộ sưu tập 18 vị La Hán tiêu biểu ở thế kỷ XIX, mỗi vị một vẻ: oai phong, trầm tư, hùng dũng, nhân ái. Tất cả cùng làm bằng đồng. Điều này hiếm thấy ở các chùa Huế hiện nay. Bước qua nhiều bậc cấp bằng đá tảng lớn, nhìn quanh chùa, hệ thống cửa vòm rất nhiều. Nó gợi lên một sự tiếp nối từ văn hoá Chămpa xa xưa. Ở núi Túy Vân có nhiều miếu cổ thờ Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi đến những vị thần sông, thần núi mang tín ngưỡng cư dân nông nghiệp, sông nước. Tôi đi tiếp, khoảng lưng chừng núi thì gặp một tường gạch xưa có cửa Nghi Môn đổ nát phần trên khá nhiều, bao quanh khuôn viên gác Đại Từ 2 tầng với lối kiến trúc tương tự chùa Thánh Duyên. Hình tượng “Nhân” hoà vào gác, làm cầu nối Địa - Nhân một cách vững chãi, từ bi đứng giữa Trời - Đất với bóng Tùng, dáng Thông cổ thụ toả bóng xanh mát. Tháp Điều Ngự Chặng cuối, hướng mọi tò mò lên cả phía trước. Nhiều tiếng chim cuốc, chích choè, sơn ca và cả… ve mùa hạ. Tôi bỗng thấy một tháp cổ màu xám 3 tầng sừng sững “trơ gan cùng tuế nguyệt” trên đỉnh núi cao, chính là tháp Điều Ngự xưa. Bốn bề lau lách, cỏ dại mọc um tùm, hoang vắng và im lặng. Trèo lên cầu thang gỗ lắc lư cảm giác hơi run rồi cũng qua khi lên tầng 2, rồi tầng 3 - tầng cuối cùng. Gió thổi lồng lộng nâng tấm lòng và con người lên cao. Chợt nhớ vua Minh Mạng, Thiệu Trị cùng bao tao nhân mặc khách đã lên đây thưởng cảnh núi sông, thả hồn bay theo mây trời. Lòng tôi bồi hồi nghĩ về một quá khứ bi tráng dân tộc đã qua đi theo năm tháng. Ngọn đèn miền duyên hải Trên tầng tháp cao 15m này nhìn ra 3 phía (tháp chỉ trổ 3 cửa), tầm mắt tôi được no căng, thoả mãn bởi bán kính rộng hơn 10 km trong buổi trưa nắng quang mây. Thấy hết mọi thứ. Hệ núi Bạch Mã cao 1500m nối từ màu xanh bạt ngàn hùng vĩ cho đến điểm cuối cùng là… cát trắng. Bên hàng vạn con sóng ngày đêm xô bờ, cửa Tư Hiền đã chứng kiến bao lần xuất quân đời Trần, Lê chinh phạt Chiêm quốc cũng như khúc hồi cố hương Gia Long năm 1801 tiến đánh Phú Xuân, giành lại đất tổ tiên từ tay Cảnh Thịnh triều Tây Sơn. Cửa biển đã bao lần mở, đóng do lũ lụt như bước thăng trầm hàng thế kỷ của con người nơi vùng đất duyên hải. Dài ra, rộng ra chính là hệ đầm phá Cầu Hai lớn nhất Đông Nam Á, 104km2. Nơi nguồn lợi thuỷ hải sản cá tôm nước lợ nuôi sống cả một mảnh đất Thừa Thiên nghèo khốn khó. Sát đó “thánh địa lăng” An Bằng nổi tiếng vì cái ngông đầu tư hàng tỷ đồng cho mỗi một lăng mộ. Lô nhô đầy các “khu nhà người quá cố” với màu sặc sỡ nhìn xa như một vùng đất thật nhiều hoa. Cạnh chiều dọc hùng vĩ non sông, nhiều làng quê phía dưới vẫn bình lặng như một trăn trở. Tháp không có cửa nhìn ra biển Đông mặc dù núi gần biển. Âu là dụng ý của vua: HƯỚNG nhìn về quê hương; Nhìn - Nhận ra chính mình! Tôi như hiểu ra ý nghĩa thâm sâu ở “Ba”: Từ bố cục chùa, phân tầng tháp đến 3 hướng
Bắc,
, Tây. Con người là chủ nhân trời đất. Họ ra đi để quay về, họ sống và chết, họ muốn nhìn tất cả rồi lại nhìn chính bản thân mình. Như đôi mắt, bóng tháp canh giữ hình ảnh con người nơi tận cùng miền duyên hải. Là ngọn đèn thắp ánh sáng quê hương. 04-2008
TÔN THẤT ĐẠI DƯƠNG (nguồn: TCSH số 232 - 06 - 2008) |