Bút ký - Tản văn
Ngày ấy, Trường Sơn...
10:00 | 01/12/2009
HÀ KHÁNH LINH            Trích Hồi ký… Mùa xuân 1967, địch tăng cường đánh phá suốt ngày đêm, ngày một ác liệt hơn. Các trạm khách dọc tuyến đường 559 không ngày nào không bị đánh trúng hoặc B52 hoặc bom tọa độ, hoặc pháo tầm xa. Ngày nào cũng có thương vong. Có những đơn vị trên đường hành quân vào Nam chưa đến địa điểm tập kết đã bị đánh tơi tả, chỉ còn sót lại vài người. Các cơ quan đơn vị đóng chung quanh khu vực phần nhiều đã bị đánh trúng.
Ngày ấy, Trường Sơn...
Nhà văn Hà Khánh Linh - Ảnh: Internet

Trong điều kiện đó nhà trường kiến nghị cho chuyển các em học sinh ra miền Bắc. Đề nghị đó đã được trên chấp thuận, chuẩn bị cho các em lên đường. Đó là con em của nhân dân và cán bộ ở vùng giải phóng, một số ở thành thị theo cha anh đi thoát ly, và con em các dân tộc miền Tây Trị Thiên Huế. Một số em trên 16 tuổi viết đơn đề nghị được ở lại tham gia quân giải phóng liền được chấp thuận. Các em dưới 16 tuổi đều được chuyển đi hết. Chuyển  các em đi chừng vài tháng thì các thầy cô lần lượt nhận được quyết định điều động về các đơn vị công tác khác... Còn lại một số thầy cô giáo khác đang chờ lệnh điều động, trong đó có tôi, là một trong hai nữ giáo viên của nhà trường, cô kia là Kăn Xanh, có tên Kinh là Xinh.

Một hôm trong lúc ăn sáng, bác Huế - bí thư chi bộ cơ quan nói:

- Một lần nữa tôi nhắc các đồng chí là phải xuống hầm mà ngủ. Kể từ hôm nay đồng chí nào không chấp hành lệnh ngủ hầm là phải thi hành kỷ luật...

Mọi người im lặng lắng nghe không ai nói một lời nào. Bởi vì không ai muốn ngủ dưới hầm cả. Bom đạn thì bom đạn chứ nó đánh cho trúng được cũng khó lắm! Nghĩ vậy nên mặc dầu ông hiệu trưởng và bác Huế nhắc nhở nhiều lần nhưng không mấy ai làm theo. Chỉ có ông hiệu trưởng là gương mẫu nhất. Trời vừa chập choạng tối ông đã ôm chăn gối chui xuống một chiếc hầm con tại căn nhà trước đây làm chỗ ở vừa là phòng học cho các em học sinh lớp 6.

Trên đường  đi lên rẫy chị Kăn Xanh nói:

- Bác Huế đã nói vậy chắc tối nay chị em mình phải xuống ngủ hầm thôi Như Ý ạ.

- Ngủ thì ngủ, nhưng... chỉ đầu hôm mà thôi!

Tôi láu lỉnh trả lời Kăn Xanh, Kăn Xanh nhìn tôi cười ngặt nghẽo.

Kăn Xanh và tôi ở trong một căn lán nhỏ, chính giữa có một cái hầm vừa đủ cho cả hai mắc võng ngủ. Tất nhiên là chật chội, nhớp nháp, đất cát rơi xuống đầu xuống mặt là thường. Đúng như đã có chủ định từ trước, tối hôm ấy hai chị em ngoan ngoãn ôm ba lô chui xuống hầm. 9 giờ tối bác Huế cầm đèn pin đi qua các nhà để kiểm tra. Chỗ của hai chị em được bác kiểm tra sau cùng. Yên trí rằng mọi người đã chấp hành mệnh lệnh tốt, bác Huế theo những bậc cấp nhỏ men xuống chỗ của bác ở gần suối. Một lát sau cả hai chị em chui ra khỏi hầm, treo võng ở những chiếc kèo chiếc cột, nằm cạnh nhau, đung đưa, chuyện trò to nhỏ rồi đi vào giấc ngủ. Đêm bị thức giấc ba bốn lần vì tiếng bom nổ gần, tiếng gầm rú của máy bay phản lực F 105 rà sát ngọn cây rừng. Liên tiếp mấy buổi tối bác Huế đều đi kiểm tra theo kiểu đó, và chúng tôi đều hành động trót lọt cả. Tưởng vậy đã yên. Một hôm trong bữa cơm trưa bác Huế nói:

- Cái hầm của Kăn Xanh và Như Ý không tốt. Vừa chật, vừa mỏng, không đảm bảo. Tối nay hai cô lên chiếc hầm kiên cố trên kia mà ngủ nhé!

Mệnh lệnh nầy giáng xuống thấy rất khó cưỡng lại. "Hầm kiên cố" chúng tôi hiểu ngay đó là một căn hầm rộng, được đục xuyên một quả núi, trước đây dành làm chỗ trú ẩn cho học sinh. Hai chị em bảo nhau thôi thì chuyến nầy đành phải ngủ hầm, phải nghe lời "ông già" cho yên chuyện.

Buổi chiều các thầy cô giáo đi sản xuất về thấy bộ đội ở trong cơ quan mình rất đông. Từ lối rẽ vào trường đã thấy nhiều anh treo võng nằm rải rác dưới các tán cây, có mấy anh đang hì hục đào công sự, có anh đang đi kiếm rau rừng. Cảnh nầy không lạ gì với chúng tôi. Các anh bộ đội trên đường hành quân không muốn nghỉ lại ở các trạm khách, nhất là từ khi các binh trạm bị đánh tới tâp, các anh muốn vào khu vực cơ quan, trường học, ở nhờ qua đêm và nấu nhờ cơm ở bếp của cơ quan. Một vài lần như vậy thì được. Nhiều lần quá chúng tôi cũng hơi ngán! Cơ quan mình không khác gì một binh trạm, chúng tôi hay nói đùa như vậy. Như thường lệ, vừa đi về, vừa nóng nực, mệt mỏi, nhớp nháp, Kăn Xanh và tôi vội lấy áo xống rồi chạy ùa xuống khúc suối tương đối yên tĩnh và kín đáo ở phía sau nhà bếp để tắm. Nhưng vừa đến nơi chúng tôi khựng lại. Chỗ tắm quen thuộc của chúng tôi giờ đây có mấy anh bộ đội đang treo võng nằm cạnh nhau. Chúng tôi xấu hổ quá bèn lội ngược, ngược mãi lên, cố tìm một đoạn suối khác tương đối "an toàn" để tắm. Nhưng đi đến đâu cũng gặp các anh đang mắc võng nằm khắp chung quanh, lại còn thả lời trêu ghẹo hai chúng tôi. Hai chị em thất vọng lội ngược con suối trở về. Một lần nữa các chàng trai cứ nháo nhào lên... Chúng tôi không quan tâm đến những lời bông lơn chọc ghẹo của họ. Hai chị em cứ vốc nước rửa mặt qua quýt rồi trở lên lán của mình, lòng đầy "oán hận" bác Huế, lúc nào cũng "rước" khách vô nhà, để đến nỗi đi làm về không có được một chỗ tắm!...

Khi nhìn lên mỏm đồi có căn hầm đục xuyên núi tôi nói như reo :

- Chị Kăn Xanh ơi! Như vậy mà lại hay! vì bộ đội đang ở chật cả trong cả ngoài căn hầm đục xuyên núi kia. Tối nay chúng ta khỏi phải vào ngủ trong đó, mà khỏi bị bác Huế quở trách gì.

Chị Kăn Xanh nheo mắt nhìn tôi cười. Tôi đọc được cái nhìn và nụ cười ấy, là Kăn Xanh bảo: Như Ý trong hoàn cảnh nào cũng cố tìm cho ra một nhân tố thuận lợi hoặc mây mắn nào đó, để mà vui tươi, để mà bình tâm chấp nhận hoàn cảnh, Như Ý là như thế, như thế...

Đêm hôm đó khoảng ba giờ sáng thì B52 đánh trúng vào trường học. Loạt bom đầu tiên rơi một vệt chéo qua lán trại của tôi và Kăn Xanh. Tiếng nổ chát chúa sát bên mình kéo cả hai ra khỏi giấc ngủ, lăn ra khỏi võng, lủi xuống chiếc hầm chật chội mỏng manh ngay giữa nền nhà. Một loạt bom nữa, rồi một loạt bom nữa... trời đất rung chuyển như muốn sụp đổ tất cả. Tiếng những cây cổ thụ bị đổ ầm ầm, cùng với núi lở, cùng với mùi dầu bom hăng hắc khét lẹt... Đầu đau đớn và choáng váng, tai điếc, đất đá phủ đầy mặt, nghẹn cổ họng và tức ngực, biết mình hãy còn sống tôi đưa tay tìm Kăn Xanh, gặp tay Kăn Xanh cũng đang quờ quạng tìm tôi, cả hai biết mình còn sống.

Đợi cho tiếng máy bay phản lực hộ tống máy bay B52 rít qua đầu xong, chúng tôi đội đất, lần tìm miệng hầm, cố dẫy dụa bò thoát ra. Trời tối đen như mực, ngửa bàn tay không trông thấy, nhưng qua sờ soạng chúng tôi biết chung quanh mình là đất đá và những thân cây cổ thụ bị băm vằm, bị đốn ngã chằng chịt, ngổn ngang. Tại cái nơi mà cách nửa giờ trước còn là nền nhà, là cửa, là bậc cấp lên xuống... Bây giờ chúng tôi đặt bước chân lên không lọt! Cây cành, đất đá cản lấy bước chân của chúng tôi. Cùng lúc tôi nghe thấy tiếng kêu cứu, tiếng rên rẩm khắp chung quanh. Tiếng gọi : "cứu chúng tôi với các đồng chí ơi" - Tôi sực nhớ lúc loạt bom đầu, tiếng nổ sát bên mình xong tôi đã nghe tiếng kêu rên tương tự như vậy. Sau loạt bom thứ hai tôi không còn nghe tiếng kêu rên ấy nữa, có thể là các đồng chí bị thương ấy đã chết, cũng có thể vì tai tôi bị điếc ngay sau đó. Bây giờ đây tai đã dần dần nghe lại được nên tôi nhận ra tiếng kêu rên, hoặc tiếng kêu rên này là của những người bị thương do loạt bom sau cùng...

- Có những người bị thương cần cứu, làm thế nào bây giờ? Tôi nói.

- Hãy sờ khắp người mình xem có bị thương không đã! Chị Kăn Xanh nói.

Tôi làm theo lời Kăn Xanh và thấy có một dòng nước ri rỉ chảy từ mũi ra. Về sau, lúc trời sáng, tôi mới biết đó là máu, còn lúc bấy giờ tôi tưởng là nước mắt, nước mũi. Tôi nói với chị Kăn Xanh là tôi không bị thương ở đâu cả, chỉ váng đầu, đau tai, tức ngực một tý mà thôi. Đi không được, tôi nhoài người trườn qua cây cành đất đá. Trong bóng đêm nhờ nhợ tôi nhận ra những hố sâu hoắm chung quanh mình, tôi lần đến nơi có tiếng kêu rên gần nhất. Kăn Xanh cũng làm như tôi, dùng hai bàn tay bới đất, bới mãi, tìm mãi mới sờ thấy được một cái đầu. Bới tiếp đào tiếp cho lớp đất vơi dần đi, bằng bàn tay mình tôi đã sờ được mặt mũi của người bị nạn, tôi moi đất ra khỏi mũi người đó xong, lại mau mau lần tìm đến những tiếng rên rỉ khác trong lòng đất. Cũng với bốn bàn tay của hai người con gái vừa đào bới lia lịa vừa khóc vì bất lực, vì nghĩ rằng có lẽ mọi người đã chết hết rồi, những người bị thương rất cần được cấp cứu mà chỉ có cậy nhờ vào bốn bàn tay  yếu đuối này thôi! Bốn bàn tay phải làm việc hối hả cật lực, vì chậm là không thể cứu sống được. Nghĩ vậy nên chúng tôi vận dụng hết sức của mình bới nhanh tay, nhanh hơn nữa. Đã lòi ra một cái đầu nữa. Cũng với động tác như lúc nảy, vuốt mặt mũi để may ra người đó có thể thở được, chúng tôi lần bò đến tiếng rên rỉ khác. Chung quanh nhiều tiếng rên quá, không biết dừng lại với tiếng rên nào. Lại bới, lại đào. Khi trời đã mờ sáng, có lẽ lúc bấy giờ khoảng 4 giờ rưỡi sáng, chúng tôi ước tính mình đã bới được năm cái đầu cho trồi lên khỏi mặt đất. Lúc này đây những tiếng rên rỉ trong lòng đất đang lịm tắt dần rồi tắt hẳn. Chúng tôi hiểu là các đồng chí đã chết. Tôi nước mắt ràn rụa cố nuốt nỗi đau nhưng nỗi đau cứ lớn dần lên. Cùng lúc đó, những chiếc võng cứu thương của đơn vị phẫu dã chiến đóng gần đó đã tìm đến. Trạm phẫu thuật tiền phương này có thói quen hễ nghe bom đánh trúng ở đâu xong là họ chạy đi tìm người bị nạn để cứu. Từ chỗ họ đóng quân đến đây chừng 5 cây số. Trong khoảng thời gian hơn một tiếng đồng hồ trong đêm tối vừa nhận định phương hướng, vừa vạch đường rừng đi được tới đây là không nhanh, không chậm. Tôi thầm lý giải như vậy để xua tan sự oán hận họ đã không kịp đến để cứu những nạn nhân lẽ ra có thể cứu sống được! Tôi lại tiếp tục biện minh cho họ, khi nghĩ rằng họ đâu có biết một đơn vị bộ đội vào nghỉ đêm ở cơ quan chúng tôi và đã lâm nạn... Tôi chỉ cho đơn vị cứu thương thấy 5 cái đầu chung quanh chỗ chúng tôi đứng. Họ tập trung đào bới mãi mới đưa được toàn thân những người bị nạn nầy lên khỏi mặt đất. Làm hô hấp nhân tạo, thấy máu trào ra mũi, ra miệng, họ vội vàng cáng những người lính nầy về trạm phẫu. Không biết trong số 5 người đó có ai được sống sót?! Các giáo viên khác ở những mái lán rải rác cách xa nhau hãy còn sống. Họ đã vạch đường đến quây cụm quanh chị Kăn Xanh và tôi. Họ không tin là hai chúng tôi còn sống. Từ những vị trí của họ, họ thấy chỗ của Kăn Xanh và tôi lọt thỏm giữa những quả bom tấn. Hố bom gần nhất cách chỗ chúng tôi có vài mét. Các thầy giáo nhìn thấy hai chúng tôi mà không tin vào mắt mình! Lại còn bò dậy đi cứu thương binh nữa chứ! Nhưng có cứu được bao nhiêu đâu?! Tôi thầm nhủ, tất cả đều đã chết! Đau đớn hơn, trong chiếc hầm đục xuyên quả núi mà tôi đã nói trên có bảy anh bộ đội treo võng nằm bên trong bị bom đánh sập núi. Đào bới mãi mới kéo được xác các anh ra. Tôi nói :

- Hay hớm gì, hai chúng tôi không nằm trong đó, không chết, thì có cả thảy bảy đồng chí của mình chết!

Công việc đào bới nhặt nhạnh thân xác của bộ đội phải làm gấp rút vội vàng để rút đi trước lúc trời sáng hẳn. Bởi theo quy luật, sau khi đánh bom xong là máy bay trinh sát L19 sẽ hoạt động ráo riết, nó sẽ lượn rất thấp, rà đi, rà lại, ngó nghiêng xem xét toàn trận địa để đánh giá kết quả của trận oanh tạc, và để phát hiện những hoạt động sau đó của đối phương. Chỉ cần chúng phát hiện một dấu hiệu khả nghi rằng trong khu vực vừa mới oanh tạc xong hãy còn sự sống, lập tức L19 sẽ thông báo cho những chiếc khu trục loại AD6 kịp có mặt ngay với bom, với súng máy liên thanh gắn bên mạn sườn, còn L19 thì sẽ bắn những loạt rốc két phối hợp cùng với AD6, hoặc trong lúc đợi AD6 chưa đến thì L19 sẽ dùng rốc két làm lợi thế uy hiếp đến cùng. Và khi AD6 cùng L19 rút đi rồi lập tức có pháo 175 ly từ hạm đội VII giọt vào!

Biết quy luật của địch rồi nhưng công việc tìm kiếm và chuyển tải thương binh tử sĩ quá nặng nề, quá ngổn ngang, nên khi những người cuối cùng chưa kịp rời khỏi trận địa thì các loại phi pháo kể trên đã bắt đầu hoạt động. Trong số những người cuối cùng chưa kịp rời khỏi trận địa ấy có chúng tôi. Những thầy cô giáo cố góp nhặt mang vác trên lưng mình những tư trang đồ dùng còn sót lại đi đến một khu rừng khác, cách xa trận địa ít nhất là 15 cây số, tìm chỗ trú đóng. Tôi ra đi mà lòng thắc thỏm vì chưa tìm thấy được chiếc ba lô của mình trong đó có bản thảo tiểu thuyết "Thúy", có thư và ảnh của cha tôi, những đồ dùng cá nhân và một ít tiền. Tôi dùng dằng không muốn cất bước, nhưng các thầy cô giáo hét bên tai tôi, bảo phải mau mau ra khỏi tầm bom pháo của kẻ địch. Tôi bước đi lòng nặng trĩu nỗi buồn đau mất mát.

Lại đào hầm, lại làm nhà. Chúng tôi hì hục đào đất, chặt cây, chẻ lạt... Chúng tôi đang làm việc thì bác Huế nói:

- Việc ở đây để anh em làm. Như Ý hãy trở về chỗ cũ cố tìm nhặt những gì còn nhặt được để đưa về đây. Và điều quan trọng là phải tìm cho được cái ba lô của chính mình. Bây giờ là hai giờ chiều. Trời đang nắng đẹp, cố gắng đi nhanh về nhanh kẻo không kịp. Nhớ đừng chủ quan, giờ này bọn chúng đang hoạt động ráo riết ở khu vực ấy!

Tôi nhận lệnh, quàng vội tấm dù hoa. Thầy giáo Khâm trao cây Carbine lên đạn sẵn khoác chéo vai cho tôi và nói:

- Bom đạn thì không đáng sợ bằng sợ gặp bọn biệt kích!

Bác Huế phá tan bầu không khí lo lắng, ảm đạm bằng câu nói đùa:

- Một con voi đứng cách Như Ý mười lăm mét Như Ý bắn chưa chắc đã trúng...

Mấy thầy cô cười nói với theo:

- Vì cự ly mười lăm mét gần quá, làm sao bắn trúng được, chừng mười sáu mét thì có thể...

Tôi cười theo. Tuy cố cười đùa nhưng lòng ai nấy dễ gì xua tan được nỗi buồn đau tan nát chết chóc còn quá mới mẻ kia!

Tôi lầm lũi vạch đường rừng nhắm hướng cũ của cơ quan. Hết đồi dốc thấp cao lại đến sông suối. Ở những quãng rừng tương đối bằng phẳng tôi đi như chạy, sợ không kịp thời gian. Đúng 5 giờ chiều tôi đặt chân lên khu rừng cũ, nơi mới chiều hôm trước còn nguyên vẹn những cây cổ thụ tỏa bóng râm mát bên vô vàn cây lớn nhỏ mọc chen chúc. Dưới những bóng cây ấy là những lối mòn đan chéo nhau dẫn về các ngôi nhà nhỏ, các mái lán nằm rải rác, cái làm chỗ ở, cái làm lớp học. Những bậc cấp nhỏ dẫn lên đỉnh đồi kia có ngôi nhà của các em nữ sinh, bên cạnh nhà là căn hầm đục xuyên từ bên này sang bên kia núi. Tất cả không còn nữa. Mấy chục hố bom nối tiếp nhau ken dày đặc cả một vùng rộng lớn trống hoang, đất mịn đỏ tơi, đỏ như máu. Tôi bước đi trên những miệng hố bom nối tiếp nhau chằng chịt với cây cành. Một lát sau tôi bị mất phương hướng. Đứng nhìn mãi tôi mới định hướng trở lại được nhờ con suối. Con suối trước đây chảy viền chân đồi gần chỗ nhà bếp, nơi chiều hôm trước tôi và Kăn Xanh lội ngược mãi lên rồi lội xuống, phía nào cũng gặp các anh bộ đội đang treo võng nằm, đang đào công sự, có anh đang che chắn khói để nấu một món gì đó trong chiếc soong nhỏ, có anh đang tắm giặt, anh nào cũng khỏe mạnh, trẻ trung, tươi tắn... nay dọc suối là những miệng hố bom sâu hoắm, đất đá bị san ủi, bị đào chỗ nọ lấp sang chỗ kia, địa hình thay đổi, nhưng con nước thì cứ tìm đường mà bò qua để gặp lại chính mình. Tôi đã nhờ con nước mà định được phương, và tìm lại được chỗ hôm qua mình mắc võng nằm, chiếc ba lô treo phía trên đầu... Chiếc L19 đang lượn vòng vèo trên đầu tôi dòm ngó. Tôi vừa đào bới tìm kiếm vừa ngó nghiêng chiếc L19. Chiếc ba lô của tôi không tìm thấy. Ở chỗ nhà bếp tôi tìm thấy cái ca bằng inox, một cái bi đông, cái dao găm, cái dần, cái sàng, hai ống bương đựng đầy muối. Tôi nhặt vội tất cả các thứ buộc thành gùi mang lên vai. Đã 5 giờ 45 phút. Mặt trời đã ngả về tây. Bóng nắng chiều nhạt dần trải trên trận địa ngút một màu đất mịn đỏ tơi. Tôi ngậm ngùi nhìn trận địa một lần cuối trước lúc quay gót. Tôi bước đi trên những miệng hố bom. Ruồi đồng, ruồi xanh bay vù lên theo từng bước chân tôi. Tôi bước đến đâu ruồi đồng bay vù lên đến đấy, khi tôi đi qua rồi chúng liền đáp xuống chỗ cũ. Không biết cơ man nào là ruồi xanh, ruồi đồng đang đậu kín khắp nơi nơi, màu đỏ của đất vừa bị cày xới lên với màu xanh của cánh ruồi làm mặt đất như hóa gấm... Tôi không hiểu sao ruồi lại tập trung ở đây nhiều như thế. Lúc tôi đến đã thấy lác đác đây đó mấy con, sao giờ nầy chúng bu tới mỗi lúc một nhiều hơn thế này? Trong phút chốc tôi bỗng hiểu ra tất cả. Là trong những thớ đất mịn đỏ loét trên khắp trận địa kia đã trộn lẫn xương máu thịt của các đồng chí tôi! Những phần thân thể nhỏ bé bằng mắt thường con người không thể nhìn thấy, nhưng ruồi nhặng đánh hơi được nên chúng nó rủ nhau tìm đến. Còn vì sao lúc tôi đến thì ít mà bây giờ thì nhiều, bởi vì lúc đó trời còn nắng to, mặt đất bỏng rát ruồi không thể đến. Bây giờ đây bóng xế chiều tà, trời dịu dần chúng mới thả sức. Tôi đứng như chôn chân trên miệng hố, đau đớn gạt nước mắt vĩnh biệt những đồng đội tôi chưa hề quen biết... Tôi bước ra khỏi miệng hố bom lầm lũi cúi gầm mặt. Rời khỏi trận địa chừng vài chục mét, chỗ con suối khô tôi bắt gặp một con heo rừng bị trúng bom nằm chết trong bụi rậm. Con heo to nặng chừng 8 đến 10 kg, theo cách ước tính lúc bấy giờ là khoảng độ ba gang tay (đơn vị đo lường của đồng bào dân tộc thiểu số).

Thói thường sau những trận bom, các loại thú rừng chết còn nguyên thây, chúng tôi đi tìm nhặt về làm thịt ăn. Những lúc như thế thường cười đùa nói với nhau rằng thằng Mỹ thế mà biết điều ra phết(!) Biết chúng ta đang cần thực phẩm nên mặc dầu đêm hôm khuya khoắt mà hắn cũng cố đi giết con thịt cho bằng được để giờ đây có thịt cho chúng ta ăn... Nhưng không phải lúc nào địch đánh bom cũng có con thịt. Nhiều lúc lặn lội tìm mãi chẳng có gì. lần nầy không tìm mà bỗng dưng lại gặp. Một con heo rừng cỡ nầy tôi có thể tóm gọn nó cho vào gùi của mình, chịu khó mang về cơ quan mọi người sẽ có thịt ăn. Nghĩ vậy nhưng tôi không dừng lại trước con vật. Tôi lặng lẽ bước qua, đi liền một mạch. Lội suối trèo đèo đến hơn 8 giờ tối tôi đã tìm về chỗ mới của đơn vị. Anh chị em chạy ùa ra đỡ những thứ lỉnh kỉnh trên vai tôi xuống. Anh Vui mừng rỡ kêu lên:

- Muối! Có muối rồi!

Anh Vui mở ống bương vốc một nhúm muối bỏ vào chiếc ca nhôm với mấy trái ớt rừng, rồi dùng cán rựa giã nhỏ. Chị Kăn Xanh và bác Huế đang cố che chắn để thắp ngọn đèn dầu vặn nhỏ ngọn.

- Thôi vào ăn cơm!

- Sao bác Huế và các anh chị không dùng bữa trước đi?

- Phải đợi Như Ý về cùng ăn chứ - anh Khâm nói - Với lại cũng vừa lợp xong cái lán, đắp xong cái hầm. Đang định đợi cho đến tám giờ rưỡi mà chưa thấy Như Ý trở về thì anh em sẽ chia nhau người một ngả, đi tìm. Vì từ đây về chỗ cũ chưa có đường mòn, cứ phải đạp rừng mà đi, sợ Như Ý bị lạc. Hóa ra không lạc tí nào cả, lại đem được khối thứ về, quan trọng nhất là muối, Như Ý cừ thế!

Mọi người đứng quây quần bên chiếc "bàn" được các anh tạo vội bằng những khúc cây nhỏ ghép vào nhau bện thành mặt bàn đóng trên hai cọc chéo. Gọi là "cơm" nhưng thực chất là sắn khô nấu chín với chút muối ớt anh Vui vừa giã nhỏ. Làm mệt, đi mệt, đói và khát nước, ai cũng bận không đi kiếm được rau rừng như mọi khi nên rất khó nuốt. Tôi bất chợt nói:

- Lúc chiều ở trận địa B52 em thấy một con heo rừng chừng ba gang, thủng ruột, nằm chết ở một bụi rậm gần con suối khô.

Anh Khâm ngừng ăn, ngửa cổ kêu:

- Ôi trời ơi!... cái đồ... cái đồ...

Tôi biết anh định nói tôi là cái đồ ngu, nhưng anh đã kịp ghìm tiếng "ngu" lại trong cổ họng. Mọi người hướng cái nhìn ngơ ngác về phía tôi dò hỏi.

Anh Khâm vẫn không ngớt tiếc rẻ:

- Ôi chao, em thừa biết cả cơ quan mình đang không có cái gì để ăn mà sống, em gặp heo chết vì trúng bom sao em không đem về? Hay là em sợ nặng? Nếu sợ nặng thì em bỏ hết các thứ lại, chỉ đem con heo về cũng giá trị lắm rồi, sao thế hở em? Em Như Ý ơi!... Thôi được rồi, để anh đi lấy! Chỗ con suối khô hả? Cách chỗ đánh bom chừng vài chục mét chứ gì? Vì nó ở xa nên chỉ bị thương mà chết, chứ nó mà ở gần thì đã banh thây nát thịt ra rồi. Có khi cả một bầy mẹ con heo rừng đã tan xác, chỉ còn lại mỗi con ấy. Anh phải đi lấy thịt về ăn thôi! Bây giờ tối quá không đi được. Đợi đến sáng sớm mai anh sẽ đi lấy.

Nghe anh Khâm nói vậy bác Huế liền can ngăn:

- Việc ở đây chưa xong, sáng mai đi ngần ấy đường rừng để lấy thịt sao được?

Anh Vui nói:

- Cất công đi từ đây đến đó để lấy con thịt, thà rằng đi săn một con thịt khác còn nhanh hơn.

Chị Kăn Xanh nói:

- Biết đâu trong đêm nay có con thú nào đi qua gặp và xơi hết cả rồi...

Anh Khâm lặng người đi một lát rồi buông đũa kết thúc bữa cơm. Anh nhìn tôi nở nụ cười bao dung và nói:

- Anh vẫn không hiểu tại sao Như Ý không đưa con heo về...

Tôi im lặng không trả lời. Cho đến giờ phút nầy đây khi tôi ngồi viết những dòng chữ nầy hẳn anh Khâm còn sống và đang công tác tại một miền nào đó trên thân hình của tổ quốc cũng không hiểu tại sao tôi không chịu nhặt con heo thịt đem về ăn... Là vì tôi đang một mình đứng giữa trận địa, bóng chiều thoi thóp, nắng nhạt dần và bất ngờ cảm nhận được một sự thật đau lòng là ruồi nhặng đang ăn thịt đồng đội, đồng chí của mình. Con heo nầy cũng bị tử nạn cùng lúc với những đồng đội, đồng chí ấy. Mình không thể ăn, không thể ăn...

H.K.L
(125/07-99)


 

Các bài mới
Các bài đã đăng