Bút ký - Tản văn
Năm năm rồi không gặp… Phương Xích Lô
08:40 | 16/07/2008
PHẠM NGUYÊN TƯỜNGCái tin anh Phương mất đột ngột đến với tôi lúc 11 giờ đêm, qua giọng rã rời nghẹn ngào của nhà thơ Lương Ngọc An báo Văn nghệ, lúc tôi đang “dùi mài kinh sử” ở khu ký túc xá trường Đại học Y Hà Nội để lấy cho xong cái bằng Thạc sỹ.
Năm năm rồi không gặp… Phương Xích Lô
Chân dung nhà thơ Phương xích lô

Một cảm giác rất lạ trong tôi. Thật tình, tôi cảm thấy bình thản khi nhận tin, như thể đó là một điều bình thường. Trước giờ tôi chưa dám thú nhận điều này với ai, kể cả trước vong linh Phương, nhưng tôi biết trong bạn bè không ít người cũng có cùng cảm nhận ấy như tôi. Phương đang chết mỗi ngày, và đây là một ngày. Chúng tôi, trong đó có cả Phương, dường như đã chuẩn bị cho “ngày này” từ lâu. Có lần ngồi uống rượu với nhau, Phương vò đến nát nhàu một cái túi ni lông to, rồi bảo: “Em làm bác sĩ, khám coi cái lá gan của anh nó ra thế ni chưa Tường?”, nhưng rồi lại xòe tay ra nói: “Mấy thầy tử vi nói mạng anh thọ lắm, chưa chết được mô!” Bạn bè kể rằng, Phương ra thị xã Quảng Trị thăm nhà thơ Nhất Lâm đang chăm mẹ già ở đấy, nơi ngôi làng An Tiêm xinh đẹp, nhân buổi trưa trời nắng nóng liền nhảy xuống dòng kênh Vĩnh Định xanh trong tắm một trận đã đời, rồi đi luôn. Thật buồn tôi không thể có mặt trong đám tang anh Phương, nhưng thật ấm lòng vì bạn bè văn nghệ ở Huế và Quảng Trị đã mỗi người một tay lo chu toàn cho anh Phương, từ đám-tang-thơ cho đến miếng đất mặt tiền trên núi Tam Thai. Anh Võ Thìn, một trang hảo hán đất Thành cổ Quảng Trị đã dành luôn cho người bạn thân cật ruột bộ áo quần nâu sồng mà anh vừa mới may chưa kịp mặc, để cho Phương tử tế về với đất. Tôi chỉ kịp tạ lỗi với Phương bằng tập thơ Chở gió và một đêm thơ tưởng nhớ nhân ngày giỗ đầu của anh. Vậy mà đã năm năm rồi! Tưởng Phương chỉ đang giang hồ đâu đó. Đang làm trò đâu đó. Mỗi lần về ngôi nhà nhỏ, ẩm thấp trong con hẻm chật chội ở đầu phường Phú Hiệp (Tôi tên là Nguyễn Văn Phương, 8B kiệt 1 trên đường Chi Lăng…) thắp cho Phương nén nhang, tôi thì thầm trước di ảnh Phương đang vui đời cười rộng miệng: “Phương ơi, lâu ngày không gặp!” Trò này, Phương làm hơi lâu.
Với riêng tôi, Phương là người anh thân tình, người mà tôi chịu ơn. Phương là người đã nắm lấy tay tôi, dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp, đường làng văn nghệ. Những kỷ niệm trong veo của những ngày đầu tôi đến với thơ, chính là ở bên cạnh Phương. Một buổi sáng nọ, Phương dẫn tôi ghé thăm một người bạn âu sầu, họa sĩ Tôn Thất Ấn, đang trông coi những giấc mơ của mình trong một ngôi nhà cỏ tĩnh lặng trong Thành Nội. Hai câu thơ của Ấn viết theo lối thư pháp treo trên vách gây ấn tượng mạnh mẽ trong tôi:
Một sớm mùa xuân vang tiếng khánh
Khách dừng chân ngỡ tháng ngày xanh
Tôi còn nhớ niềm xúc động sâu xa từ những câu thơ đẹp mê hồn như một làn gió lan tỏa khắp da thịt tôi, sau này tôi đã ghi lại khoảnh khắc thần diệu ấy bằng câu thơ “ớn rung nguồn khởi động”. Tôi nhìn Phương, nhìn Ấn, váng vất quanh những bức tranh sơn dầu với những đốm máu vỡ trên nền vải căng mộng da trời, nhìn ra khu vườn nhỏ, mái hiên cũ kỹ,… cảnh vật và người ẩm ướt, bàng bạc xa xăm như ở vào một cảnh giới khác. Đó chỉ có thể là cảnh giới của Thơ! Và nguyên cớ nào đã cho tôi dự phần? Đó là vào những năm 90 của thế kỷ trước, khi tôi chỉ mới có vài bài thơ cỏn con đăng báo, và Phương thì đã nổi đình nổi đám với bút danh Phương Xích Lô trong những Đêm thơ tự chọn lẫy lừng của Tạp chí Sông Hương. Tôi đeo Phương suốt ngày đêm, từ những buổi cà phê Cây Si, Thành Nội cho đến những đêm trà ga Huế. Tôi tập nhiễm ở Phương cái máu thi sĩ. Phương đọc thơ không biết mệt, nhất là khi có rượu vào. Cái kiểu Phương say thơ khiến cho người nghe ngây ngất, sướng đã đời, đau đã đời, để rồi lại ngẩn ngơ vì sao thế! Vì sao, Thơ? Không có người đối ẩm thì Phương đọc một mình, hát ngâm một mình, dưới tán cây bên đường, dưới gầm cầu tối, dưới mái cổ tự, trong lòng phố chợ đông người. Rất lâu sau này tôi mới hiểu, chính là Phương đang cố lấp đầy đời mình bằng thơ. Nếu thơ vơi một phút giây nào, Phương sẽ chết rỗng mất!
Đời Phương nhàu nát và xộc xệch. Từ khi ly dị vợ - người mà suốt một thời gian dài dĩ nhiên là nàng thơ của anh, Phương trở thành tha nhân của chính mình. Gia đình tan đàn xẻ nghé. Hai cô con gái sinh đôi xinh đẹp và thông minh vào chùa tu (đôi khi Phương kể về điều này với một niềm hạnh phước lớn lao). Phương cũng bỏ đạp xích lô. Bắt đầu từ đây, Phương sống trong những lời đàm tiếu thị phi. Nhiều người trách Phương chỉ mới có vài bài thơ trên báo đã tưởng mình là nhà thơ lớn rồi, không màng đến đời xích lô áo cơm vụn vặt nữa! Thật oan cho Phương. Mấy ai biết được là Phương đã nhường chiếc xích lô ấy cho người em trai út đi bộ đội về, túng quẫn không nghề nghiệp, lại còn vợ con! Mặc ai nghĩ gì, nói gì, Phương chỉ lấy niềm vui đùm đuề của gia đình vợ chồng người em trai làm chút vui trong cô độc đời mình. Điều này tưởng bé mọn, nhưng thật sự cái tình người trong Phương rất lớn. Tôi không tưởng tượng được là các nhà văn, nhà thơ lớn của chúng ta yêu thương đồng loại đến đâu và họ thể hiện tình yêu đó trên ngàn vạn trang viết hay ho đẹp đẽ đến mức nào, tôi chỉ thấy điều đó giản dị nơi Phương. Hãy đọc những bài thơ dù hay dù dở của Phương về những người bán vé số, trứng vịt lộn, em bé miền cao gùi thông ra chợ bán, những người phu quét đường trong đêm lạnh, những người cùng cảnh ngộ xích lô… sẽ thấy chúng thật như thế nào! Đối với Phương, chỉ có tình người là thật, còn lại chỉ là trò đùa thôi! Và vì thế, ngoài lòng trắc ẩn riêng mang, Phương có thể đùa rỡn tất cả, mọi chốn mọi nơi. Tôi không có ý so sánh, nhưng ở điểm này, Phương giống Cố lão Trung Niên Thi Sĩ Bùi Giáng! Phương đùa rỡn với quan nhân “Mấy lời nhắn gửi anh Phi/ Lăng xăng chính trị còn chi chính mình!”, đùa rỡn với muôn người đẹp (điều này chị em tiểu thương chợ Đông Ba không ai không biết), và rất thường xuyên… Phương đùa rỡn với chính đời mình (nằm thẳng cẳng giữa đường chờ xe cán chết). Có một dạo, dọc đường Chi Lăng nhiều người thấy Phương quay lưng và thủng thẳng… đi ngược về nhà! Hỏi thì Phương nói tỉnh bơ: “Đời ai cũng đi tới nhiều rồi, mệt mỏi lắm, chừ chỉ thích đi lui!” Hàng xóm láng giềng của tôi nhiều đêm hôm khuya khoắt bỗng bị đánh thức vì tiếng hô khẩu hiệu rất to và rất… “phản động” của Phương: “Phạm Nguyên Tường muôn năm!” mỗi lúc say khướt về ngang cổng nhà tôi. Tôi lựa lời nặng nhẹ với Phương, thậm chí… dọa nghỉ chơi (!), nhưng đâu vẫn hoàn đấy, bó tay chấm com! (Giờ đây Phương sống khôn thác thiêng, phù hộ độ trì cho bà con hàng xóm của tôi đêm nào cũng được yên ấm giấc nồng, đêm nào cũng thế cả, Phương nhé!)
Giống như nhiều người gặp hoạn nạn trong đời sống, Phương ngày càng lún sâu vào rượu chè. Phương uống suốt ngày, bất kỳ ở đâu, với ai. Không có nhuận bút thơ thì Phương ngửa tay xin tiền của bạn bè, người quen… chỉ để uống rượu! Đến một lúc rồi không ai có thể can ngăn Phương được nữa. Thậm chí, Phương với Rượu đã là một, Phương và Rượu, không biết ai dìm ai trong vòng hệ lụy, như những câu thơ xuất thần ngơ ngác lung linh trong rượu của Phương!
Khi say tôi cứ ngỡ
Hạt rượu là hạt mưa
Hạt mưa là hạt rượu
Mưa rượu là rượu mưa…
Cùng với rượu, chân nam đá chân chiêu Phương đi vào buổi “Chạng vạng” của đời mình, như chính tên bài thơ cuối cùng của anh mà bạn bè tìm thấy trong xắc cốt bỏ lại bên bờ kênh.
…Mắt nhìn
Chạng vạng hơi men
Miệng đời chạng vạng
Chê khen tiếng lời
Tuổi tên chạng vạng
Quên rồi
Đường đi chạng vạng
Biết nơi mô về…
Không hiểu sao tôi luôn nhớ về Phương rõ nhất chỉ vào hai thời khắc ấy, từ buổi sớm mai tinh khôi trong ngôi nhà cỏ sầu mộng của họa sĩ Ấn cho đến buổi chạng vạng của đất trời, của người… trong một tửu quán chật hẹp, ngập ngụa tha nhân, và Phương xiêu vẹo bước ra, bấy giờ cô độc. Cô độc hoàn toàn. Rất, rất cô độc. Ôi, đã bao lâu từ cảnh giới đầu tiên cho đến cảnh giới cuối cùng, trong trò đi lui xúi quẩy của Phương, đẹp và buồn đến nao lòng. Đó chỉ có thể là những cảnh giới của Thơ hay sao? Đó chỉ có thể là những cảnh giới đích thực của lũ chúng tôi hay sao?
…Vừa rồi, nhà thơ đầu bạc Nhất Lâm, người bạn vong niên trong chặng đời cuối của Phương, đã tự bỏ tiền túi ra in một tập sách “Nguyễn Văn Phương - Thơ và Đời” nhân năm năm ngày mất của Phương. Mới xem qua đầu đề cuốn sách, có vẻ như sách danh nhân, có người dèm pha: “Phương không phải cái gì ghê gớm lắm để được tôn vinh như vậy!” Lại có người xấu miệng bảo: “Nhất Lâm ăn theo Phương!” Thật là! Những lời thị phi đến giờ vẫn không buông tha! Lần này với cả Nhất Lâm, một người đáng kính! Bởi lẽ nhiều người không hiểu, Nhất Lâm và Phương Xích Lô, hai người hai tính nết khác nhau, hai chỗ đứng khác nhau sao lại có thể gần gũi thân thiết được đến vậy. Nhất Lâm là người “ra đường gặp chuyện bất bình chẳng tha”, là người phản kháng mạnh mẽ với cái xấu, cái ác; và luôn biết cách thể hiện điều đó trên các diễn đàn. Ở Nhất Lâm, là sự phản kháng của lý trí. Còn ở Phương Xích Lô, là sự bạo loạn tâm can bộc phát. Khởi đầu từ sự khốn nạn và quẫn bách của đời sống. Họ đến để làm một, để làm nên một loài, gọi là Thi Sĩ.
Huế, 21/6/2006
Singapore, 5/4/2008
P.N.T

(nguồn: TCSH số 233 - 07 - 2008)

Các bài mới
Các bài đã đăng