Hồi đó tôi công tác ở Hà Nội được dự lớp ngắn ngày để tiếp thu Nghị quyết của Thành ủy bồi dưỡng cho cán bộ tham gia công tác Đoàn. Một buổi chiều lớp trưởng hớn hở báo tin “Chiều nay tất cả ăn cơm sớm rồi chờ ở Hội trường!” Tôi thắc mắc: “Chờ làm gì vậy, anh nói cho tôi biết đi!”. Lớp trưởng cứ ngần ngại! Tôi nói: “Nếu bí mật thì nói nhỏ thôi!” Lớp trưởng ghé vào tai tôi nói: “Bác đến thăm!” Tôi mừng quá, vội vàng ăn cơm, thay áo quần chỉnh tề. Tôi không lên ngồi trong lớp mà tìm một chỗ đứng chờ ở tầng trệt gần cổng nhất. Tôi tưởng tượng sẽ có một đoàn xe đen bóng loáng lao vô cổng cơ quan. Bác ngồi ở xe nào? Tôi sẽ nhìn thật kỹ để rồi chạy ra đón Bác.
Tôi bắt đầu hồi hộp, xao xuyến, mừng vui. Ai cũng mong gặp Bác, một nguyện vọng cực kỳ nóng bỏng. Tôi chờ một lúc lâu. Có hai xe nhỏ vào cơ quan, mọi người không có ai để ý thấy một người xuống xe, ba, bốn người theo sau. Chợt mọi người đã nhận ra Bác Hồ đang đi tới. Bác thật giản dị. Thế là tất cả đều chạy ùa ra gần Bác. Tôi chen vô được, đi sau lưng Bác để lên hội trường ở lầu một. Bác đi thật lẹ vào hội trường, đứng trên bục Bác bắt đầu nói ngay. Đám con gái chúng tôi không ngồi trên ghế sợ xa Bác, mà ngồi dưới đất sát cái bục của hội trường. Mọi người im phăng phắc, tập trung cao để tiếp thu lời Bác dạy. Còn tôi ham ngắm Bác từ mái đầu bạc hoa râm, đôi mắt Bác cười, bộ áo quần đại cán màu vàng nhạt, đến đôi dép ba quai của Bác. Tôi vui mừng mà nước mắt cứ lưng tròng, vừa nghe, vừa hồi hộp xao xuyến.
Bỗng chỉ vào đám nữ chúng tôi, Bác hỏi: “Các cháu trả lời Bác, vậy đất có mấy phương?” Một cô gái trẻ nói: “Dạ thưa Bác, đất có bốn phương ạ, là phương Đông, phương Tây, phương Nam, phương Bắc ạ!” Bác nói: “Đúng rồi. Bác lại gọi: “Cháu này!” Và chỉ vào tôi, Bác hỏi: “Cháu trả lời Bác, trời có mấy mùa?” Ôi! Chao ôi! Tôi run và cuống cuồng khi Bác nhìn tôi để hỏi vậy. Tôi cố trấn tĩnh lấy hết sự can đảm. Tôi nói: “Dạ thưa... dạ thưa Bác, trời có bốn mùa, là mùa xuân, mùa hạ, mùa thu, mùa đông ạ”. “Bác nói: “Đúng rồi, vậy Bác hỏi, vừa rồi Bác dặn các cháu bốn điều gì?” Bác chỉ vào hàng ghế thanh niên ngồi hàng ghế trước. Một tiếng trả lời: “Thưa Bác, Bác đã dặn bốn điều là phải cần, kiệm, liêm, chính ạ!” Bác nói: “Còn gì nữa!” Một anh nói: “Dạ thưa, Bác còn dặn làm cán bộ thì phải chí công vô tư ạ”. Bác hài lòng rồi căn dặn đại ý: Hôm nay Bác dặn quy tụ lại là hai câu mà một câu có bốn chữ. Chúng ta là con người đang sống trên trái đất mà trên đầu thì trời có bốn mùa, dưới đất của ta thì có bốn phương, mình sống ở giữa thì có bốn điều là cần kiệm liêm chính và chí công vô tư. Con người sống phải gắn với đất trời để làm cho tròn, cho tốt lời Bác dặn thì dân sẽ yêu quý, nể trọng mình, để mình mới giúp đất nước không thua kém người ta, mà sánh vai với năm châu, bốn bể. Các cháu đã nghe rõ chưa?
Cả hội trường vỗ tay và hô thật to: “Dạ chúng cháu nghe rõ hết rồi ạ!” Vừa nói xong, Bác lập tức quay ra phía cửa để xuống tầng dưới. Tất cả ùa ra cố chen để được đi gần Bác. Tôi cố hết sức chạy xuống tầng dưới gần Bác để tiễn Bác. Nhưng chú bảo vệ ngăn lại. Tôi đứng nhìn Bác lên xe, Bác vẫy tay, hai mắt tôi ướt đẫm... 22 tuổi tôi chập chững bước vào ngành y tế, được về công tác ở Thủ Đô, rồi được gặp Bác, quả thật tôi rất may mắn và mãn nguyện. Được gặp Bác, được nghe Bác dạy, được nghe Bác hỏi, được trả lời câu hỏi của Bác. Tôi thấy ánh mắt Bác như một luồng sáng rọi vào lòng tôi, cho tôi một niềm tin tuyệt đối về người lãnh tụ vĩ đại. Tôi cứ giữ mãi, in sâu vào tim, vào óc suốt cả đời về lời Bác dạy, rất giản dị mà rất sâu sắc, phong phú ý nghĩa. Lời dạy đó tôi mang theo cả đời người, giúp tôi vượt qua những gian khổ, phấn đấu, tôi luôn nhớ lời Bác để góp phần nhỏ bé của mình xây dựng ngành và đất nước. Nhớ lời Bác để bản thân tôi giữ gìn phẩm chất người cách mạng, tránh những vấp váp trong khi làm nhiệm vụ vốn rất nhiều khó khăn trong những năm dài kháng chiến, cho đến khi đất nước được hòa bình.
P.T.T.Q (251/01-2010)
|