Hai ông đã sưu tầm, tìm hiểu qua nhiều sách vở, tranh ảnh nhất là qua bác sĩ Piorre Roussel et Blanc Chủ tịch câu lạc bộ mèo ở Paris (Cat Club de Paris). Những điều cần thiết về giống mèo qua ghi chép ở sổ tay, nay chờ đến năm con mèo mới có dịp mở ra để bạn đọc vui xuân.
Có truyền thuyết cho rằng vào một thời kỳ rất xa xưa, thời kỳ của những trận đại hồng thủy mà sau này chỉ thấy ghi trong kinh thánh: Trong cơn giận dữ thượng đế không để một ai thoát khỏi cảnh lụt lội trừ một tộc trưởng duy nhất là Noé.
Một mình đơn độc trên tàu suốt 40 ngày đêm giữa mưa bão khủng khiếp, ngay lúc đó Noé lại phải chống với tai ương đáng sợ: đó là loài chuột cắn phá dưới tàu. Đầy vẻ thất vọng ông đi tìm sư tử, chưa tể các loài vật và yêu cầu giúp đỡ. Xúc động trước cảnh khốn cùng của Noé, Sư tử nhìn ông và hắt hơi từ lỗ mũi khổng lồ chui ra hai con sư tử thu nhỏ. Đó là hai con mèo đầu tiên dưới trần thế. Chuyện về Noé có nhiều trong thi ca, trong sách vở: ở Trung Đông và nhất là ở Ai Cập là nơi đầu tiên xuất hiện về mèo.
Mèo là con vật rất đẹp đẽ, hiền hậu được nhiều người ưa thích. Từ vua cho đến thứ dân, từ nhà nghệ sĩ, nhà thơ, diễn viên múa hát đến các tiểu thơ cả nhà chính trị, mọi người ở các tầng lớp đều ngưỡng mộ và yêu mến con vật bé nhỏ và xinh đẹp, coi nó như người bạn thân trong nhà.
Vào thế kỷ thứ VI, nhà tiên tri vĩ đại Mahomet đã rất coi trọng và vô cùng thương yêu con mèo cái Muezza của mình. Khi con Muezza của ông ngủ trên tay áo rộng, ông ngồi dậy không muốn làm mất giấc ngủ của con vật yêu mến, nên ông đã tự cắt tay áo trong bộ y phục đắt tiền của mình. Và chính con mèo Muezza đã trả ơn chủ bằng tấm lòng tôn kính đặc biệt với sự âu yếm của đôi chân vuốt nhẹ nhẹ. Đức Hồng Y giáo chủ
Richelieu
(1585 - 1642), một con người đầy quyền uy, thượng thư, người sáng lập ra Hàn Lâm viện Pháp đã dành một căn phòng rộng lớn trong triều đình để nuôi mèo. Bà Rita ái thiếp của ông có được đặc quyền trông nom những "tác phẩm" sống này. Và người ta còn xì xào to nhỏ rằng không có thú vui nào hơn làm cho giáo chủ thỏa mãn bằng xem những con mèo của ông đã vờn các bộ tóc giả của các vị trong viện Hàn Lâm khi đến gặp Richelieu. Sau ông ta nhà văn Chateaubriand(1768 - 1848) cũng đã dành những tình cảm mãnh liệt của mình cho con vật bé nhỏ thân yêu này. Bạn bè của ông cho biết rõ sở thích của ông và giáo hoàng Léon XII (1760 - 1829) cũng rất mực thương yêu giống mèo. Nhà văn Victor Hugo đã đóng một cái ngai nhỏ cho con mèo đực Chanoine. Và Alexandre (1762 - 1866) đã cho xây ở Mote Criste một vườn bách thú và trong đó còn nuôi thêm 12 con chó và một triều đại mèo lấy tên là "Mysouff".
Gần với thời chúng ta hơn Jean Costeau (1889 - 1963), nhà văn của thiếu nhi, nữ văn sĩ Gabile Collete (1873-1954), Paul Leautand (1872-1956). Marcel Jouhandeau 1888 - nhà văn thứ nhất chuyên viết chuyện thần bí và châm biếm Pháp đều đã yêu mến và viết về giống mèo để lại cho hậu thế những trang sách hay về con vật nhỏ nhắn dễ thương này.
Dĩ nhiên giống vật nhỏ bé này không chỉ đem đến cho người những tình cảm mến yêu mà còn có khi phẫn nộ ví như hoàng đế Charle IX và vua Henri đệ tam chỉ cần thấy mèo là ngất xỉu. Ngay Ronsard đã diễn tả lòng căm ghét ghê tởm trong thơ ông về loài mèo. La Fontaine đã gắn cho mèo những vai trò hết sức xấu vào trong truyện ngụ ngôn của ông. Những chàng Tatuffes nịnh hót tượng trưng cho thói đạo đức giả và bản chất bản thỉu, xấu xa cũng được đội lốt mèo.
Nhà danh họa Nhật Foujita đã trả lời, khi có người hỏi ông tại sao ông chỉ vẽ phụ nữ vào mèo, Foujita đã nói: "Đó chẳng phải là một sao? Khác chăng chỉ có cái đuôi và bộ ria". Bởi vì các vũ nữ dịu dàng ở Nhật đều có tên gọi rất dễ thương là "Necho". Necho có nghĩa là loài mèo. Vì phụ nữ và mèo đều rất dễ yêu - nhưng cũng rất dễ sợ vì móng nhọn - ý của người viết.
Hơn hai thế kỷ qua dân Huron - Huron là hồ lớn ở Bắc Mỹ 60.000 km giữa Mỹ và Ca-na-da - đã rất ngạc nhiên khi thấy từ bến sông người Pháp dỡ hàng lên với món quà rất lạ lùng: Cha Sagard tặng thủ lĩnh người Huron một đôi mèo giống bình thường, một loài thú lạ lúc bấy giờ hoàn toàn không được biết đến ở Châu Mỹ - lục địa mới này - được biết viên chức Pháp tội nghiệp đó bị dân bản xứ đón tiếp rất lạnh nhạt và đầy vẻ khinh bỉ. Họ không biết lợi ích của giống vật nhỏ nhắn này, đã để chúng chết. Sau đó người Huron đâu có ngờ vào năm 1749 ở bang Pensy Ivanli bị nạn chuột hoành hành dữ dội và bị đẩy lùi nhờ giống mèo, nên người Mỹ đã phải trao giải thưởng vàng cho loài mèo, con vật trước đây bị khinh rẻ.
Nhiều nhà văn nước ta đã viết nhiều truyện về mèo; Tô Hoài: "Con mèo lười", Nguyễn Đình Thi: "Cái tết của con mèo", Nguyễn Quang Sáng: "Con mèo và anh học trò lười"... Chuyện tốt gán cho mèo, chuyện xấu cũng đổ cho mèo, như chuyện khỉ và mèo của La Fontaine mô tả thói xấu ăn vụng của mèo. Trong truyện Kiều, Nguyễn Du đã viết: Ra tuồng mèo mả gà đồng - mèo ở mả, gà ở đồng không về nhà, chỉ những hạng người vô lại không có căn cứ vì đó là những kẻ trốn chúa, lộn chồng.
Chắc các bạn đã từng nghe qua giống mèo Pells Mamut hoặc mèo Pallas tên của một nhà tự nhiên học người Đức đã khám phá ra vào năm 1778 có lẽ một trong loài mèo rừng cổ ở Châu Á. Người ta vẫn thường khi gặp nó ở Iran, Mông Cổ, Trung Quốc... nó tự nuôi sống bằng chim, chuột và các loài gậm nhấm. Màu vàng đậm gần như nâu, mắt được viền trắng và đen, đuôi có một túm lông màu sậm, sống hoang dã. Có lẽ đó là tổ tiên loài mèo Châu Á.
Trong các đền chùa, miếu cổ ở ta, ít có tượng mèo, chỉ có ở Ba Tư,Ai Cập có tượng đồng cổ vào những thời đại xa xưa.
Félis Sylyestris mèo rừng Châu Âu, dẫu rằng sắp bị tiêu diệt người ta thỉnh thoảng vẫn gặp trong các khu rừng ở Pháp. Cũng đừng lẫm lẫn nó với loài harét đơn thuần là giống gia súc đã trở về cuộc sống tự do. Loài Felis Sylestris mập hơn mèo nhà nhiều, cân nặng trung bình khoảng từ 10 - 12 kg. Đôi mắt rất xa nhau và gần như nằm ngang trên cái đầu to tướng nặng nề. Đuôi ngắn hơn mèo thường lông rất xù xì, trên lưng dọc cột sống có vệt đen dài. Người ta thường gặp rất nhiều mèo hoang ở rừng Sologne, trong thung lũng cao Auvergne và vùng núi Alpes, chúng tự sống bằng cách bắt chim bắt cá, bắt loài bò sát, côn trùng, bắt cả rắn, thằn lằn. Vào năm 1945 một bộ trưởng Pháp bị chết vì loài mèo hoang nên đã kiến nghị Hội đồng tối cao về săn bắn quyết định những con mèo được tìm thấy ngoài khu vực dân cư 200 mét thì coi là mèo hoang và có thể bị bắn chết. Hội bảo vệ súc vật cho rằng kết quả của kiến nghị này coi như là giả tạo, vì nó có mục đích bảo vệ loài chim. Sau cuộc thảo luận sôi nổi Hội đồng nhà nước Pháp bác bỏ kiến nghị trên và vẫn bảo vệ giống mèo hoang.
Có một chuyện vui: Trong một chương trình truyền hình ở Pháp Abdre Malraux đã kể về trận đánh Azineourt giữa quân Anh và Pháp ngày xưa, vai trò giữa mèo và chuột vẫn quan trọng. Hồi ấy, người ta vẫn tin rằng trong trận Azineourt quân Pháp thất bại bởi vì mưa bão làm ướt hết bản đồ chiến sự. Trong khi đó quân Anh đã giữ được bản đồ tiến công của họ trong chiếc hộp không thấm nước, nên đã chủ động và chiến thắng. Nhưng gần đây một số tài liệu của Anh đã khám phá kể rằng, khi quân đội vào vị trí chiến đấu, trời mưa cả đám chuột dồn lên mặt đất. Lúc bấy giờ quân Anh có cả mèo đi theo, lũ chuột thấy hơi mèo quay trở lại quân Pháp. Thời ấy vũ khí chính là cung tên. Những dây cung của Pháp vừa được bôi mỡ, được dịp chuột cắn nát cả dây cung, thế là quân Pháp thua trận. Các bạn có biết
Paris
có bao nhiêu mèo không? Số mèo là 12 triệu con, nhiều hơn người dân sống ở thủ đô này. Tôi cũng có người bạn gái tuổi Mẹo rất sợ mèo, mỗi lần đến nhà ai có mèo là bạn ấy co cả hai chân lên bàn. Trái lại tôi lại rất thích nuôi mèo, cả đời tôi, chỉ riêng từ năm ẤT MÃO 1975 đến nay đã nuôi ít nhất là 20 con mèo. Nó bỏ đi theo tiếng gọi của "tình yêu" hoặc các quán "tiểu hổ" "bắt cóc"... tội nghiệp!
Chuyện về mèo - của năm con mèo - gợi ta nhớ chuyện mèo năm nào tháng 4 - 1975 - năm giải phóng miền
. Năm Ất Mão năm 1975 đã đi vào lịch sử dân tộc một cách chói lọi. Và các nhà điện ảnh Cu Ba đã cho ra đời bộ phim tài liệu "Tháng Tư năm Ất Mão" nổi tiếng. Năm nay Kỷ Mão 1999 năm cuối của thế kỷ 20, năm mà nước ta đã bước vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ta tin rằng nó sẽ đi vào lịch sử xây dụng đất nước giàu đẹp của ta một cách rực sáng.
Mùa xuân năm Kỷ Mão - 1999 nầy là chẵn 10 năm ngày mất của Đoàn Giỏi. Nhớ anh ghi lại chuyện Mèo coi như một nén hương tưởng niệm một nhà văn sinh thời rất quý yêu thiên nhiên, cây cỏ súc vật nhất là Mèo!
Bến Nghé năm Kỷ Mão Đ.M.T (120/02-99)
|