Bút ký - Tản văn
Chú cọp thích nghe đài
10:07 | 10/02/2010
TRÍ NHÂN       Truyện kýNăm 1954, đa số cán bộ, đảng viên ở chiến trường miền đều tập kết ra Bắc theo Hiệp định Giơ-ne-vơ. Chỉ có một số ít cán bộ, đảng viên cốt cán được bố trí ở lại trong vùng tạm chiếm để xây dựng cơ sở cách mạng, tổ chức lực lượng đề phòng địch phá hoại Hiệp định đình chiến.
Chú cọp thích nghe đài
Tác phẩm Cọp của họa sĩ Lê Bá Đảng

Chiến và Thắng được tổ chức bố trí ở lại vùng rừng núi Khánh Vĩnh, Khánh Hòa. Hai anh được cấp một cái đài SONY, 2 súng ru-lô, 2 dao găm, 2 rựa, 2 cuốc và 60 viên đạn. Đó là vũ khí và dụng cụ sản xuất duy nhất để cho hai cán bộ sống và chiến đấu.

Hai anh em phải cà răng, căng tai, học tiếng dân tộc thiểu số, đóng khố, ngày ngày trà trộn vào các buôn làng trỉa bắp, trồng sắn, xây dựng lực lượng cách mạng.

Để tự túc lương thực, Chiến và Thắng đã phát một cái rẫy ở Hòn Dữ trồng mì, trỉa lúa… và làm một cái chòi để đề phòng bọn thám báo, biệt kích truy lùng. Đêm đêm hai anh em mở đài Bắc Kinh, Mát-xcơ-va, Hà Nội nghe tin tức, nghe ca nhạc, tiếng thơ và đọc truyện đêm khuya…

Mấy đêm nay, đêm nào hai anh em cũng có cảm giác hình như có thú dữ đang luẩn quẩn đâu đây? Nhưng hai anh không biết là con gì? Cọp? Beo? Hay gấu? Nhưng có một điều rất lạ là mỗi khi hai anh mở đài thì nghe bên ngoài có tiếng sột soạt, khi tắt đài một lúc thì không nghe gì nữa.

Đêm nay là đêm rằm tháng tám, trăng rất sáng. Có thể nhìn rõ từng gốc cây, mỏm đá… Chiến và Thắng mắc võng cạnh nhau và mở radio nghe tin tức. Chừng một lúc, hai anh em thấy một con thú to từ trong rừng đi đến, khi cách chòi chừng bảy, tám mét, nó đi quanh chòi một vòng rồi nằm im. Hình dáng như con hổ, dài chừng hai mét. Chiến và Thắng biết đó là thú dữ nhưng chẳng làm sao được. Vì hai anh không có súng trường. Còn súng ngắn của các anh chỉ chọc tức nó mà thôi. Biết thế nhưng hai anh em vẫn lên đạn đề phòng bị cọp tấn công sẽ bắn vào đầu, vào mắt nó để tự vệ.

Nhưng con cọp vẫn nằm im. Ban đầu hai anh em thấy sợ, hồi hộp, lo và nghĩ cách đối phó. Nhưng thấy con cọp không làm gì nên vẫn tiếp tục nằm nghe đài, mắt theo dõi qua kẽ liếp. Khi hết chương trình văn nghệ, hai anh tắt đài thì con cọp đứng dậy ngoắt đuôi và đi vào rừng…

Đêm sau cũng đúng vào lúc hai anh mở đài thì con cọp lại xuất hiện. Nó cũng đi quanh chòi một vòng rồi đến nằm ở chỗ cũ, khi đài tắt, nó lại vào rừng. Suốt năm, sáu đêm liền tình hình vẫn diễn ra như cũ. Chiến và Thắng biết là chú cọp chỉ đến nghe đài chứ không định ăn thịt mình nên cũng hết lo, hết sợ.

Từ đó, đêm đêm hai anh em ngồi bên bếp lửa nướng bắp, nướng sắn vừa ăn vừa nghe đài mặc cho chúa sơn lâm nằm cách họ chỉ năm, sáu mét.

Một buổi sáng, khi hai anh ngủ dậy, tụt xuống đất thì thấy một con mang đã chết nằm dưới chòi, ở cổ nó có dấu răng cắn. Biết đây là món quà của chú bạn cọp nên hai anh em kéo ra suối xẻ thịt. Cái thì phơi khô để dành, cái đem nấu chén một bữa đã đời. Chỉ tiếc là không có tiêu, hành, mắm, bột ngọt nên món thịt rất ngon này đã kém phần hấp dẫn.

Chừng một tuần sau, sáng ra hai anh em lại thấy một chú heo rừng nằm ở cạnh chòi, mũi còn thoi thóp thở, máu ở cổ và miệng chảy ra còn nóng. Biết đây là “lệ phí” nghe đài mà chú bạn cọp đã trả, hai anh em lại kéo ra suối xẻ thịt. Họ dành hai cái đùi sau và cái đầu đem tặng già làng và cơ sở trong buôn đã từng cho họ gạo, mì, bắp khi họ chưa tự túc lương thực được.

Từ đó hai cán bộ nằm vùng không thiếu thực phẩm nữa. Chú bạn cọp đã tiếp tế đều đều, không lúc nào thiếu. Trước đây, khi chưa xuất hiện chú cọp, để có thịt ăn, hai anh em đã làm bẫy bẫy chồn, cheo, sóc, gà rừng chứ không dám bắn khỉ, dộc mặc dù hai loại đó ngày nào cũng có cả bầy, cả lũ trên những cây xay to, cao gần chỗ hai anh làm chòi. Nhiều khi lũ khỉ hái trái cây ném xuống rồi “khọt… khọt”… dọa hai anh nhưng hai anh chỉ nằm xem hoặc lấy súng ngắn ra lên đạn rốp rốp nhứ nhứ giả bộ bắn để dọa chúng nhưng chúng chẳng sợ. Có con còn lấy tay vẩy vẩy chim như trêu chọc hai anh làm cho Chiến và Thắng chỉ cười trừ chứ không nỡ bắn.

Cuối năm 1959, khi luật 10/59 của Ngô Đình Diệm được ban hành, địch kéo lê máy chém đi khắp các tỉnh ở miền Nam giết hại những người yêu nước. Ở Hòn Dữ, Khánh Hòa xuất hiện những tên mật vụ người dân tộc. Hai cán bộ nằm vùng tử hình được ba tên mật vụ ác ôn thì bị lộ, tổ chức phải điều cả hai về vùng Hòn Lớn, Ninh Hòa để xây dựng cơ sở ở các xã đồng bằng vùng Nam Ninh Hòa như Ninh Bình, Ninh Quang, Ninh Hưng, Ninh Lộc, Ninh Ích. Ra Hòn Lớn, hai anh cũng làm chòi, phát rẫy như hồi ở Hòn Dữ. Đêm đêm hai anh em mở đài nghe tin tức, thời sự, ca nhạc… hai anh vừa nghe đài vừa lắng tai xem chung quanh có tiếng động của chú bạn cọp không nhưng vẫn bặt vô âm tín. Nhiều ngày không có thịt ăn, hai anh em lại ước: “Giá có chú bạn cọp theo mình thì hay quá!”. Chiến và Thắng bám trụ ở Hòn Lớn, Hòn Một cả năm trời nhưng bóng dáng chú bạn cọp vẫn mất tăm. Nhiều khi đi đường, buổi tối hai anh em mở đài ra nghe với mục đích may ra gặp lại chú bạn cọp. Nhưng chúa sơn lâm vẫn không xuất hiện.

Một hôm, theo lệnh của khu V, hai cán bộ phải trở lại Hòn Dữ công tác thì được biết du kích ở đó vừa mới bắn được một con cọp dài hai mét. Người du kích bắn được cọp kể lại với hai anh:

- Con cọp nầy rất là lạ! Ban đêm, ở đâu mở đài thì nó xuất hiện. Mình rình hai đêm thì bắn được nó.

Biết đây là chú bạn cọp, hai cán bộ hội ý nhau một lúc rồi vào nói với anh du kích:

- Đồng chí đổi con cọp nầy cho tụi mình đi. Tụi mình có hai cái võng Trung Quốc và một cái đài SONY. Mình muốn đổi hai cái võng lấy con cọp được không?

Nói xong, hai cán bộ mở ba lô lấy ra hai cái võng còn khá mới, có cả dây dù, bọc dù chống muỗi. Nhưng cậu du kích lắc đầu nói:

- Mình thích cái đài, mình không thích cái võng.

Chiến nhìn Thắng dò hỏi. Thắng lục ba lô lấy cái radio SONY mà tiếc đứt ruột.

Cậu du kích nhìn cái đài rất thích. Bao năm nay cậu ao ước có một cái để nghe đài Hà Nội mà không thể nào có được. Nhưng cậu nghĩ thầm: “Cán bộ mà thiếu đài nghe tin tức thì làm sao lãnh đạo quần chúng?”. Cậu nhìn hai cán bộ:

- Cán bộ đổi con cọp làm gì?

- Để chôn.

Người du kích trố mắt:

- Cọp là để ăn thịt, nấu cao sao lại chôn?

- Vì nó có công với cách mạng.

Nói xong, Chiến kể lại chuyện cọp nghe đài và cung cấp thịt rừng cho hai anh.

Cậu du kích nhìn cái đài có vẻ tiếc rồi nói:

- Mình không đổi đâu. Xẻ thịt, nấu cao nó là có tội với cách mạng. Thôi! Hai đồng chí cất cái đài đi, mình với hai đồng chí sẽ đi chôn nó.

Chiến và Thắng hết sức bất ngờ trước thái độ của người du kích trẻ tuổi. Họ cùng với người du kích khiêng con cọp lên bìa rẫy đào huyệt để chôn như chôn một đồng đội vừa hy sinh.

Chôn xong chú bạn cọp, hai cán bộ đứng im trước mộ nó như mặt niệm.

Người du kích cũng đứng im lặng và ân hận vì bắn chết một chú cọp đã có công như vậy. Anh nói với hai cán bộ:

- Từ nay mình sẽ không bắn cọp để ăn thịt nữa…

Chiến lấy cái võng của anh ra đưa cho cậu du kích nhưng cậu ta lắc đầu, nói:

- Cán bộ để mà nằm, mình nằm sạp cũng được.

Chiến năn nỉ:

- Đây là vật kỷ niệm của mình cho cậu chứ không phải vật đổi chác con cọp mà ngại. Cầm đi cho mình vui!

Nhưng cậu du kích vẫn lắc đầu không nhận.

Hai cán bộ chăm sóc ngôi mộ như chăm sóc mồ mả của người thân trong các nhà mồ của gia đình mình. Nhất là cậu du kích. Có lẽ vì ân hận và vì thương chú cọp đã có công mà mỗi lần nhà cậu có thịt heo, thịt trâu, thịt nai, thịt mang thì thế nào cậu cũng xách một đùi đến để trước mộ như cúng cho chú bạn cọp thích nghe đài vậy.

T.N

(252/02-2010)



 

 

Các bài mới
Lập công (24/07/2023)
Hoa ở Huế (23/06/2023)
Các bài đã đăng
Năm rừng động (10/02/2010)