Bút ký - Tản văn
Chú cọp nghĩa tình
10:48 | 10/02/2010
NINH GIANG THU CÚC                         Ghi chép Thuở còn bé tí tẹo tôi thường được người lớn kể cho nghe chuyện một anh chồng Cọp đi rước Cô mụ (nữ hộ sinh) cho chị vợ đang đau bụng đẻ.
Chú cọp nghĩa tình
Tác phẩm Đền thiêng của họa sĩ Nguyễn Duy Hiền

Tôi vừa sợ lại vừa thích nghe, hồi hộp theo từng diễn biến của câu chuyện, đến khi lớn hơn một chút bắt đầu biết suy luận tôi bán tín bán nghi - bởi cốt chuyện mang đậm tính hoang đường cũng như những chi tiết nghe có vẻ như được cường điệu quá đáng, nhưng dù thực hay hư tôi vẫn thấy hay bởi nó vừa mang nặng bản sắc truyền thuyết dân gian vừa hàm chứa một tình cảm cao đẹp giữa người và vật. Vì vậy, nhân xuân về Tết đến tôi xin viết lại để chúng ta cùng đọc và chiêm nghiệm trong không khí ấm cúng đầu năm mới:

Dưới chân núi Chầm thuộc xã Hương Hồ, huyện Hương Trà (TTH) có một người đà bà làm nghề đỡ đẻ rất có uy tín trong vùng. Bà sống êm ấm với hai con trai trong một ngôi nhà kiên cố có tường thành bao bọc sát cạnh con đường dẫn lên ngọn núi cao chất ngất với cây cối điệp trùng.

Hằng ngày khi các con bà lo việc đồng áng thì bà lo chăm sóc cho các thai phụ và sản phụ - bà là một bà mụ “mát tay” và đầy nhân đức nên nhân dân trong làng những vùng lân cận không một ai không nhờ đến tay bà mỗi khi “vượt cạn”. Ai cũng yêu quí, kính phục chuyên môn và đạo đức của bà.

Thường lệ cứ ăn cơm tối xong là ba mẹ con lại quây quần chuyện trò một lát mới chia tay đi ngủ. Đêm ấy sau khi dặn dò các con những công việc phải làm cho ngày hôm sau, bà lên giường sớm hơn lệ thường - bà cần ngủ lấy sức để ngày mai còn phải đi bộ hơn 10 cây số thăm một thai phụ ở xã bên. Nằm mãi không ngủ được bà trở dậy mở cửa nhè nhẹ đi ra vườn để hái vài thứ lá thuốc, trăng sáng vằng vặc bà say sưa nhìn ngắm vườn thuốc nam do công sức của ba mẹ con chăm bón, đang đưa tay định bẻ một nhánh “ngải cứu” bỗng soạt… soạt… kèm theo mùi hôi hám nồng nặc, một bóng đen to lớn phủ chụp lên người bà - cứng cả lưỡi bà ú ớ mấy tiếng rồi ngất lịm… Lúc mở mắt ra thấy mình đang ngồi trên tảng đá giữa rừng bà kinh hoàng kêu thét và sợ hãi đến… ướt cả quần, bởi đập vào mắt bà là 2 con cọp to như hai con bò mộng, một con đang lăn lộn rên la, vật vã tấm thân đồ sộ khiến một khoảng cây cối quanh đó ngã rạp, còn một con đang nằm phủ phục trước chỗ bà ngồi, nó nhìn bà như van lơn cầu khẩn điều gì. Cơn sợ hãi dần qua bà định thần nhớ lại từ khi ra vườn… suy nghĩ thật nhanh và nhìn con cọp kia đang quằn quại bà có ngay kết luận. Hết cả sợ hãi, bà bình tĩnh nói lớn từng tiếng một:

- Có phải hai ông ba mươi là hai vợ chồng - vợ bị đẻ khó nên ông xuống núi vác tui lên đỡ đẻ cho vợ ông?

Con cọp quì trước mặt bà gật đầu và cất hai chân trước lạy bà ba lạy - xong nó bước qua một bên, bà Dậu đứng lên bước đến chỗ cọp cái đang nằm rên rỉ, nó nhìn bà hiền lành như một chú mèo con và hai mắt ngân ngấn nước. Lương tâm, máu nghề nghiệp chiến thắng nỗi sợ sệt - bà quì xuống xắn cao tay áo - xoay trở toát mồ hôi, rất khó khăn trong thao tác bởi đây là trường hợp quá đặc biệt. “Sản phụ” vừa vụng về vừa đồ sộ như một trái núi trong khi bà đỡ lại quá nhỏ bé và yếu đuối. Chị mặt trăng như cũng hỗ trợ bà nên thả xuống “nhà hộ sinh” vầng sáng bạc, khó nhọc với mọi thủ thuật mãi đến lúc mặt trời lên rực rỡ cả một cánh rừng - bà mới đem được từng đứa, từng đứa cọp con ra khỏi bụng mẹ. Bốn con cả thảy, con cuối cùng ra khỏi bụng cùng lúc với lượng máu ào ạt từ tử cung cọp mẹ chảy vọt ra bắn lên ướt đẫm cả vạt áo và mặt mày bà Dậu, phần đầu óc căng thẳng bởi lo sợ, phần quá mệt mỏi với ca đẻ khó bà ngã vật xuống tảng đá bên cạnh nằm bất động.

Bà Dậu cựa mình mở mắt sau một giấc ngủ dài, vươn vai hít thở bầu không khí thanh sạch giữa chốn rừng già và đưa mắt nhìn quanh, một cảnh tượng đầm ấm làm bà cảm động - Cọp mẹ đã lại sức sau chuyến vượt cạn khó khăn, đang nằm đưa mắt nhìn bầy con với vẻ mặt sung sướng và tự hào, cạnh đó Cọp cha đang ngồi phía dưới chỗ bà nằm với một đống hoa quả đủ loại, chắc là “chú chàng” chạy đi lùng sục đem về làm lương thực cứu đói cho “bà mụ”. Sau một đêm và một ngày đói khát bà Dậu ăn ngon lành mọi thứ trái cây. Đợi bà ăn xong, vợ chồng nhà cọp quì sụp xuống trước mặt bà gật gật đầu như muốn nói lời cảm tạ. Bây giờ bà Dậu chẳng thấy sợ sệt loài thú dữ nầy chút nào bà bước tới vuốt ve mấy chú cọp con và nói lớn:

- Thôi, mẹ tròn con vuông rồi - trời sắp tối ông trả tui về làng…

Về phần các con bà Dậu suốt ngày lao động vất vả nên nằm xuống là ngủ như chết, đến sáng trở dậy không thấy mẹ đâu - đâm bổ đi tìm lúc ra vườn thấy toàn dấu chân cọp mới la khóc vang trời, xóm làng tập trung lại lần theo dấu vết từ vườn bà Dậu, họ kết luận là bà đã bị cọp vồ đi mất xác, làng xóm ai ai cũng quay quắt tiếc thương con người nhân đức, lại vừa lo sợ - nên mới chạng vạng tối là nhà nhà đã đóng kín cửa nẻo, chẳng ai dám ra ngoài, không khí khiếp sợ tràn ngập mọi nẻo đường thôn xóm…

Chia tay với mẹ con nhà cọp xong bà Dậu ung dung leo lên lưng cọp chồng, ôm chặt cổ nó, bà nhắm mắt nghe gió rào rào sau mỗi bước chân của mãnh thú, chập trùng ngóc ngách, lên cao xuống thấp qua bao thác ghềnh hiểm trở đến lúc nó dừng bước nằm thụp xuống, bà mới dám hé mắt ra nhìn và suýt la lên mừng rỡ bởi trước mắt bà là ngôi nhà thân yêu. Cùng lúc ấy tiếng chuông từ chùa “Thiên Mụ” vọng đến, bà trụt xuống khỏi mình cọp, bảo nhỏ: mọi người sắp dậy “ông” về núi mau đi kẻo trời sáng nguy hiểm. Cọp nhìn bà quyến luyến rồi gật đầu lao vội vào bóng đêm… Bà Dậu đến cổng nhà gọi con, từ trong nhà, hai người con bà đang ngồi bên bàn thờ thương khóc mẹ vội lao ra, ba mẹ con ôm nhau khóc như mưa, xóm giềng nghe tiếng ồn chạy đến và họ vô cùng mừng rỡ khi nghe bà kể lại mọi chuyện. Họ phụ cùng hai người con bà dẹp bàn thờ soạn lễ cảm tạ trời đất và mừng cho bà Dậu an toàn sau chuyến đi vô tiền khoáng hậu. Một vị bô lão say ngà ngà nhìn lên trời cười ha hả bảo:

- Ôi! Ông bà ta nói không sai “Đạo cao Long hổ phục đức trọng quỷ thần kinh”.

Cuộc sống của bà Dậu trở lại bình thường sau biến cố “long trời lở đất” ấy. Nhưng có một sự kiện lạ là đến mồng năm tháng năm (Tết Đoan Ngọ) và Tết Nguyên Đán hằng năm, cứ sáng ra là các con bà lại thấy trước vườn thuốc nam của gia đình xác một con thú rừng còn nóng hôi hổi. Ban đầu dân làng và bà Dậu còn thắc mắc, lâu dần người ta quen và ngầm hiểu đó là lễ vật của vợ chồng nhà cọp “đi Tết” bà mụ. Ác thú cũng trọng tình trọng nghĩa như vậy đó!

N.G.T.C

(252/02-2010)



 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Năm rừng động (10/02/2010)