Bút ký - Tản văn
Người đàn bà không hóa đá
09:20 | 25/02/2010
NGUYỄN THẾ TƯỜNG                               Bút ký Dải đất Việt khi chạy dài vào tới miền Trung thì xép lại trong một khúc eo. Một bên là dãy Trường Sơn hùng vĩ che chắn. Một bên là biển rộng sóng vỗ bờ.
Người đàn bà không hóa đá
Nhà văn Nguyễn Thế Tường - Ảnh: vanhocquenha.vn

Sách địa lý có nói rằng đoạn hẹp nhất từ bờ biển lên đến biên giới Việt Lào vẻn vẹn bốn mươi ki- lô- mét. Từ Bắc vào, du khách đi hết đất Kỳ Anh (Hà Tĩnh) bỗng gặp một dãy núi chắn ngang đó là dãy Hoành Sơn, nghĩa Hán tự là “ núi nằm ngang”. Đoạn đường xuyên Việt vượt qua dãy núi ấy gọi là Đèo Ngang. Nơi đây, hơn thế kỷ qua đã vang vọng những vần thơ tuyệt bút của Bà Huyện Thanh Quan:

Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá lá chen hoa
Lom khom dưới núi TIỀU vài chú
Lác đác bên sông RỢ mấy nhà...”


Ngay dưới chân Đèo Ngang, nơi Bà Huyện Thanh Quan trên đường theo chồng vào kinh thành Huế ghìm cương ngựa, có một cụm làng mạc hiu hắt, khô cằn. Cái vùng dân “rợ mấy nhà” này là xã đầu tiên của phủ Quảng Trạch tiếp giáp với sông Gianh, dòng sông mà cậu cháu Trịnh- Nguyễn phân tranh đánh nhau chí chết gần hai trăm năm, là xã Quảng Đông. Quảng Đông vào thời điểm này có năm thôn, dân số kể khoảng gần năm ngàn người. Trong năm thôn có một thôn kinh tế mới ra đời cách đây chừng ba mươi năm lấy ngày sinh Bác Hồ đặt tên quai nôi: Làng 19 tháng 5. Trong làng này có một người đàn bà suốt bốn mươi năm qua mòn mỏi chờ đợi một người đàn ông. Một người đàn ông gặp bà được vài mười ngày rồi bỗng biến mất. Nỗi chờ đợi của bà còn sâu hơn cả lịch sử lập làng.

Bà Bùi Thị Khê sinh năm Bính Tý (1936) người làng Cảnh Dương, cách Quảng Đông gần chục cây số. Năm 1958 chị Khê 22 tuổi. Những năm ấy cán bộ, bộ đội miền tập kết nhiều. Có đơn vị về đóng quân hoặc về giúp dân làm thủy lợi, làm mùa... Tuổi 22, chị Khê quen anh Nguyễn Văn Dò quê Quảng Ngãi, sinh năm 1930, bộ đội tập kết. Thư qua từ lại, kịp khi anh Dò được nghỉ phép bèn về Cảnh Dương cưới chị Khê làm vợ. Sau đúng một “tuần” trăng mật (10 ngày) anh Dò từ biệt vợ theo đơn vị chuyển tuốt lên Tuyên Quang. Năm sau, 1959 anh Dò lại được về phép mười ngày nữa. (Các vị cựu quân nhân hoặc cán bộ cũ hẵng còn nhớ cái suất phép mười ngày không kể thời gian đi đường của những năm sáu mươi!). Dịp này hai người gặp may. Chị Khê có mang để đến năm sau, năm Canh Tý (1960) chị sinh hạ cháu gái, cháu Nguyễn Thị Bê.

Sau năm 1960, như chúng ta đều biết, tình hình cách mạng miền diễn biến mau lẹ. Sau luật 10/ 59 đẫm máu của Mỹ- Diệm là cuộc đồng khởi Bến Tre, lan ra cao trào cách mạng cả nước. Anh Nguyễn Văn Dò lên đường về quê hương miền chiến đấu và... mất tích. Không một lá thư, một dòng tin, một lời nhắn gửi. Chị Khê một mình nuôi con một năm, mười năm, mười lăm năm. Đến năm 1975, miền hoàn toàn giải phóng. Nhiều chiến sĩ ra đi trong suốt hai cuộc kháng chiến lục tục trở về. Nhiều người da xanh màu lá, người tóc bạc muối tiêu, người chống gậy, kẻ cụt tay. Nhưng tất cả những ai sống sót đều rạng rỡ trong niềm hân hoan ngày chiến thắng. Còn những ai không về thì coi như không còn sống, được tôn vinh liệt sĩ, gia đình được kính trọng, được hưởng chính sách ưu đãi mọi bề.

Cần nhớ rằng, anh Dò miền . Thậm chí đến tên huyện, xã của anh, chị Khê cũng chưa kịp hỏi. Đến tên tỉnh Quảng Ngãi cũng nghe rất xa lạ và nhiều lúc chị cũng quên luôn. Anh chỉ về quê chị hai lần, mỗi lần mười ngày, chưa một lần đăng ký nhân khẩu thường trú, tạm trú. Anh biến mất như một con chim lạc đàn trong đêm mưa bão dạt vào một vòm mái rạ rồi sáng bay đi vào cõi trời rộng vô cùng.

Không ai công nhận chị Khê là vợ liệt sĩ, cháu Bê là con liệt sĩ.

Cũng sau năm bảy lăm, theo tiếng gọi của tổ chức, chị Khê bồng con lên vùng gò đồi khai hoang lập làng mới ở thôn Mười chín Tháng năm bây giờ. Chị dựng lều lập bàn thờ chồng theo đúng phong tục Việt . Cháu Bê đến tuổi, xây dựng với một thanh niên làng, sinh con đầu lòng: Cháu Võ Thị Lê. Những năm lớn lên thành thiếu nữ, cả những khi đã có chồng con, chị Bê nhiều lần trông vọng, ước mơ đi tìm cha, tìm về quê cha nhưng không thực hiện được vì một nỗi... nghèo quá. Vả lại, biết tìm nơi đâu. Đất nước mình dài rộng, loạn ly bao năm, quê cha vời vợi miền ! Đến những năm chín mươi, bà Khê không còn hy vọng gì tin tức chồng. Bà dồn tình thương cho con gái và đàn cháu ngoại. Cả mấy mẹ con, bà cháu ở chung trong một túp lều chật. Kinh tế vùng Quảng Đông rất khó khăn. Ngoài nghề nông trồng lúa, trồng vừng một vụ trên đất bạc màu, không có nghề ngỗng gì có thể có tiền. Những đứa trẻ bảy tám tuổi thất học đã phải lên đồi chặt củi, xuống ruộng mò ốc. Sau cháu Lê, chị Bê lần lượt đẻ thêm ba cháu nữa. Rồi, như những phụ nữa nông thôn khác, chị Bê mang thai lần thứ năm. Năm 1996 (năm Bính Tý định mệnh, năm tuổi của bà Khê) chị Bê trở dạ sinh đôi trong tình trạng suy kiệt nghiêm trọng. Hai ngày sau, chị qua đời để lại hai đứa con nhỏ tí đỏ hỏn như hai con chuột. Thế là, họa vô đơn chí, chôn cất người con gái, bà Khê, tuổi sáu mươi, ngày ngày hai nách hai cháu nhỏ đi lang thang xin sữa cùng với bốn đứa cháu lớn rền rĩ đòi cơm. Vài tháng sau, một cháu trong cặp song sinh qua đời. Rồi “cơm cháo qua dần chuyện xót đau”, còn may là bà Khê có được người con rể chăm làm, theo bạn phụ nề kiếm tiền đắp đổi. Tình làng nghĩa xóm cũng giúp bà nguôi ngoai.

Một buổi chiều giữa tháng 10/1998, một người dân họ Bùi ngụ tại xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) lên văn phòng UBND xã. Trong khi chờ đợi nhà chức trách chứng thực giấy tờ, ông vô tình nhìn người cán bộ văn thư soạn đống công văn. Ông để ý đến một tờ công văn có liên quan đến một người trong dòng họ ông. Và, khi mà đã gần ba mươi năm ở quê cũ không còn hộ khẩu, hộ tịch của người trong giấy, sự tò mò của người đàn ông họ Bùi có một ý nghĩa như thế nào đến số phận những người liên quan.

Xin trích nội dung công văn:

"Bộ Lao động
Trung tâm PHCN (Phục hồi chức năng) tâm thần Hoàng Long; về việc tìm thân nhân bị bệnh tâm thần.

  Nho quan, ngày 10 tháng 9 năm 1998
Kính gửi: UBND xã Bình Đông, Bình Sơn, Quảng Ngãi
            UBND xã Cảnh Dương, Quảng Trạch, Quảng Bình
            Bà Bùi Thị Khê

Trung tâm... đề nghị với các quý cơ quan về việc tìm thân nhân đồng chí Nguyễn Văn Dò: Đ/c Nguyễn Văn Dò sinh năm 1930 về Trung tâm tháng 8/1965, bệnh binh 1/3, mất sức 81%, quê Bình Đông, Bình Sơn, Quảng Ngãi, nhập ngũ tháng 6/1952, đơn vị Công trường 14... Tháng 4/1962 điều trị tại Quân y viện 103. Về Trung tâm 8/1965 với căn bệnh "tâm thần phân liệt, mất trí hoàn toàn". Từ ngày về trung tâm không liên hệ gì với gia đình. Hiện nay đồng chí Dò tuổi cao sức yếu, đề nghị địa phương tìm ai là thân nhân...
Mọi thông tin xin liên hệ điện thoại...

                        Thủ trưởng đơn vị
       Giám đốc: Nguyễn Ngọc Tĩnh"


Tờ công văn đi thêm mười ki- lô- mét nữa bằng xe đạp để đến với người nhận. Thông tin đã được chờ đợi 39 năm 6 tháng bởi một người đàn bà.

... Xuống ga Ninh Bình, đi ô tô từ Nho Quan, đi xe ôm mươi cây số thì đến Hoàng Long. Các bác sỹ, nhân viên y tế Trung tâm phục hồi chức năng xúc động đón vợ một thương binh mất trí. Và, trong khi ông Dò, người đàn ông 69 tuổi ngơ ngác trong thế giới của người điên thì bà Khê khuỵu xuống...

- Chị nhận ra ngay à?

- Ra ngay, tui quên anh ấy khi mô mà không nhận được! Tui còn soát lại hai ngón tay cụt. Duy cái răng vàng ở hàm trên đạn bắn văng đâu mất...

Bạn hãy hình dung ở một nhà thương điên, tất cả mọi người, từ người tỉnh đến người điên đều ồ ồ khóc, quây quanh một người đàn ông ngơ ngác, một người đàn bà héo quắt, khô cằn như tàu lá chuối mùa gió Lào luôn tay kéo vạt áo lau nước mắt.

Nhưng dù sao thì họ đã gặp nhau dù hai người vẫn đang ở hai thế giới khác nhau của tư duy, ngôn ngữ. Điều may mắn trên đây là kết quả của một sự tình cờ khi một buổi sáng đẹp trời ông Dò bỗng tỉnh lại và thốt lên rằng ông từng có một người vợ tên là... quê ở... Và người y tá đã mau tay ghi chép được trước khi ông lại chìm vào giấc ngủ.

Ngày 10/7/1999 nắng miền Trung 38 độ, chúng tôi tìm đến nhà bà Khê. Xe chạy từ Đồng Hới. Gió Lào thổi ràn rạt. Đường quốc lộ 1 A bụi cuốn mịt mù. Người ta đang thi công các hạng mục trong dự án nâng cấp quốc lộ đoạn Vinh- Đông Hà. Quảng Đông hiện ra thật tiêu sơ, thê lương. Có ba thứ cây còn sống: bạch đàn, dương liễu và... cỏ. Bà Khê ở trong căn nhà nhỏ cùng đàn cháu ngoại lít nhít. Người con rể đi làm nề vắng nhà. Cháu Võ Thị Lê, mười lăm tuổi, bỏ học từ năm lớp bốn, tóc cháy nắng, quần ống xắn ống xổ mang về một giỏ ốc dính đầy bùn. Ông Dò vẫn chưa thể về lại cái nơi bốn mươi năm trước, tuổi ba mươi cường tráng đã đẹp duyên cùng cô gái biển Cảnh Dương hiền thục. Cách đó 2 ki- lô- mét, lưng chừng Đèo Ngang, có một hồ nước, hồ Đồng Mười, trên một triệu mét khối nước treo lơ lửng đã gần mười lăm năm nay. Dân làng 19 tháng 5 không sao đóng góp đủ tiền làm kênh dẫn về đồng. Cách vài trăm mét về phía Đông là vũng Hòn La. Nơi đây, năm năm trước, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã về thị sát và thiếu chút nữa cảng Hòn La đã được xây dựng. Trên dọc dải đất miền Trung cứ vài mươi ki- lô- mét lại có một dãy núi nối từ Trường Sơn, cắt ngang địa hình ăn lan ra biển. Ở những nơi “trời- non- nước” gặp nhau ấy, sóng biển hàng triệu năm vỗ bờ bào mòn đá tạo thành những hang hốc, những hình khối như cánh nhạn, như ông sư, như người đàn bà ôm con ngóng chồng hóa thân vào sự tích “hòn Vọng Phu”. Truyện cổ tích kể rằng: Người vợ chờ mãi, chờ mãi tới một ngày hóa đá. Bao nhiêu năm?!

Ở thôn 19 tháng 5 thuộc xã Quảng Đông dưới chân Đèo Ngang có người đàn bà chờ chồng non nửa thế kỷ. Nhưng bà đã thắng.

N.T.T
(131/01-2000)



 

Các bài mới
Lập công (24/07/2023)
Hoa ở Huế (23/06/2023)
Các bài đã đăng
Năm rừng động (10/02/2010)