Bút ký - Tản văn
Bà ơi...
08:08 | 12/03/2010
PHẠM NGỌC CẢNH                        Bút ký Sau này tôi mới biết cụ Đỗ Tất Lợi. Dành dụm mãi tiền sinh hoạt phí của một anh lính, tôi ra cửa hàng sách quốc văn. Mua một cuốn Nam dược... về đặt đầu giường như cái gối. Gối lên những kỷ niệm về cây, về lá để nhớ thương bà. Những trang viết về cây ngải cứu, cây thạch xương bồ, cây bồ công anh hay như những bài thơ. Những trang viết về củ nghệ, củ gừng, quả mướp đắng, trái me chua phúc dày như kinh Phật.

Bà tôi không viết thành trang. Bà cấy trồng vào tuổi thơ cháu một rừng cây lá. Tôi mang hết vào cuộc đời khi tuổi mới mười ba. Đó là mùa xuân năm 1947. Tôi đi làm liên lạc cho bộ đội Vệ quốc của Trung đoàn “ Trăm lẻ ba”. Bà tôi lặng lẽ chờ ngoài cổng. Dúi vào túi áo cháu đích tôn một miếng gừng, một nhúm hành hoa. Cái thứ hành hoa mà nửa thế kỷ nay tôi nghiệm ra là đặc sản của miền Trung nắng gió. Củ hành chỉ nhỉnh hơn hạt ngô lai. Thanh Hóa gọi là hành dăm. Hà Tĩnh quê tôi gọi hành tăm. Qua Đèo Ngang gọi là củ ném. Rồi cái tên cứ kéo dài dằng dặc với miền Trung. Với bà tôi, củ hành hoa ấy là thần dược.

Mùa đông năm 1946, Tây cai trị bị cơn bão Cách mạng Tháng 8 của ta quét giạt sang Lào. Chúng tự vẽ vời ra một thời cơ. túm tụm nhau lại phía Lạc Xao của Lào rồi theo quốc lộ 8 lấn về Hà Tĩnh. Chú tôi bị thương vào tay phải ở mặt trận Na Pê. Chữa lành vết thương ở Vinh nhưng sót một mảnh đạn ria bằng cái vẩy ốc vặn. Vẩy đạn nằm ở phần mềm giữa ngón tay cái và ngón trỏ. Về nhà ít hôm, chú tôi kêu nhức. Cả nhà bàn tính đưa ra Vinh. Bà tôi bảo “ Để đó cho tau”. Một thứ mệnh lệnh dứt khoát và nghiêm túc như bác sĩ chủ nhiệm khoa ngoại bây giờ.

Bà tôi giã nhỏ một nắm hành hoa. Âp vào chỗ ngón tay chú tôi có dấu cộm của vật rắn muốn tìm đường thoát ra. Sau một đêm, tháo băng ra. Quả là thần diệu. Cái vẩy đạn màu đồng được nắm hành kia lôi ra thật. Đó là ca phẫu thuật vết thương chiến tranh lần đầu tiên tôi thấy. Rồi tôi đi lính Vệ quốc. Rồi cuộc đời binh nghiệp dắt qua bao trạm phẫu tiền phương, qua các phòng mổ lớn ở bệnh viện tuyến cuối. Một chiến dịch như Tết Mậu Thân ở Huế, mắt tôi đã thấy hàng trăm mảnh kim loại được gắp ra từ trăm cơ thể của người lính. Vẫn không quên cái vẩy đạn được bà tôi rút ra bằng “ sức hút” của nắm hành hoa.


Cả đời người, chưa thấy ai gọi bà tôi là “bà lang” cả. Nhưng rõ ràng bà tôi và mảnh vườn mọc đầy cây lá là một trạm xá cơ sở. một bệnh viện tuyến đầu như đời nay vẫn gọi. Tôi không rõ xuất xứ cái nghề tâm phúc trong tay bà tôi. Tôi lớn lên sau Cách mạng Tháng 8, sớm bị nhiễm cái thói đi tìm xuất xứ mỗi cuộc đời ở chỗ tham gia phong trào cách mạng này, khởi nghĩa nọ mà quên tìm xuất xứ cái “ mát tay hay thuốc” của bà.

Bà tôi chỉ cho ông tôi trồng mấy khóm hoa hồng bạch trước cổng. Bà bảo “đó là thuốc”. Ba đời nhà tôi lớn lên ở vùng nắng gió bất kỳ. Lại nhờ bà mà coi khinh thứ khí trời khắc nghiệt ấy. Đứa nào hơi ho hắng vài tiếng, thấy đau cộm ở cuống họng là báo ngay với “bác sĩ bà”. Bà ngắt mấy cánh hoa. Bà mở hũ lấy vài cục đường phèn. Bà vắt kiệt nước một quả chanh vào. Cái chén thuốc ấy được hấp trên nồi cơm vừa cạn nước. Rồi uống, rồi khỏi. Nhưng tệ hại hơn cả là rồi quên bà. Rồi lớn lên thành người, rồi đi đó về đây. Chỉ chú mục vào thuốc viên, thuốc nước, tiêm chích đủ loại biệt dược mà quên dần thứ biệt dược nguyên sơ ở vườn nhà và bà tôi là người tế độ.

Vườn nhà tôi có dăm thước đất. Bà tôi trồng lên đó không chỉ là cây xanh mà trồng cả “ tâm thức giúp người”. Ông tôi là tay chơi và hay rượu. Bà tôi dành cho cả một khoảnh gia vị lá, củ để ngăn ngừa mọi thứ độc hại theo cái vui mà lẩn vào cơ thể. Bố tôi, các chú tôi là dân đá cầu, đá bóng. Bà tôi dành cho một cụm cây náng, một vạt hành hoa, một đám củ ấu Tàu. Mẹ tôi và các cô, dì được bà tôi dành cho nửa vườn. Này là bồ công anh, ích mẫu, ngải cứu... Và những tai họa bất thường không kiêng dè lứa tuổi nào là bà tôi trồng sẵn, cho mọc sẵn búi cỏ mần trầu, búi cỏ nhọ nồi, khóm dâu. Đặc biệt là phần thần tiên của cây, của lá dành cho cháu chắt, chút chít của bà. Bởi thứ gì mọc trên đất của bà đều dôn dốt chua, thoang thoảng bùi, phơn phớt ngọt. Đó là quà dỗ dành. Đó là thứ mà qua chuyện kể của bà, hoa quả trong vườn là cổ tích “ Ăn vào rồi mọc cánh bay lên”, “ Ăn vào rồi mạnh hơn Võ Tòng đả hổ”.

Tôi không sao quên được mùi vị, ước mơ trong chùm quả “ lồng đèn” của bà tôi mọc ở bờ rào. Trời ơi, lớn lên tôi mới biết trong thứ quả ấy có tố dược an thần, nuôi dưỡng thần kinh. Tôi ăn thứ quả ấy suốt tuổi thơ được ở cạnh bà, Và hơn sáu mươi năm nay, qua rất nhiều “mưa nắng” của khí trời, của nhân thế. Tôi ơn bà sâu nặng. Bởi tôi luôn biết vượt qua ngang trái bằng những bước bình tâm.

Bà tôi chăm sóc cả nhà, nuôi dạy con cháu bằng công việc siêng năng của một tài nội trợ. Trừ việc cúng giỗ trong nhà tôi không thấy bà tôi đi chùa, lễ Phật. Chỉ thi thoảng thấy bà tôi hướng về mặt trời. Nhà tôi ngoảnh về hướng đông và mặt trời lúc rạng đông còn dịu dàng tia nắng.

Tôi thấy bà tôi nhìn thẳng vào vầng sáng ấy mà lẩm bẩm điều gì. Không có hương khói, lễ vật gì. Chỉ như một cuộc đối thoại ngắn. Hay bà tôi cầu khẩn, van xin mặt trời một thứ gì. Nào tôi có rõ. Điều tôi tin chắc là không có ma thuật gì trong việc làm này. Vì đến cuối năm 1966, tôi cúi xuống vái lạy vĩnh biệt bà. Bà tôi vẫn lặng lẽ hiền từ như ngày dắt tôi đi hái thuốc dưới chân thành cổ của tỉnh Hà Tĩnh quê hương.


Chỉ một lần trong đời tôi. Tết Đoan Ngọ năm Bính Tuất. Sau những phong tục nhuộm móng, giết sâu bọ, gội lá thơm, bà tôi “ tuyên bố” dõng dạc:

- Năm ni (nay) thằng Cảnh tròn giáp, (tôi sinh năm Giáp Tuất) cho đi với bà.

Đúng ngọ, hai bà cháu lên đường. Giữa trưa tết mồng năm tháng năm âm lịch đố ai tìm ra con rắn trong bụi, con thạch sùng trên tường. Nắng khu Bốn vượt kết ngưỡng khắc bạc. Tưởng không còn cái vạch nào nữa của nhiệt độ để nắng leo lên. Bà tôi trao tôi cái nón.

- Đội cái ni (này) con.

Tôi chụp cái nón thay cái mũ và hấp hửng lên đường. Nhà tôi cách thành cổ một lạch nước phòng ngự của triều Nguyễn. Đã năm 1946, cổng thành mở rộng và cái bóng ông lính khố vàng đứng canh in vào nền trời đã bị xóa mất.

Cây lá quanh thành cổ mênh mông hơn vườn nhà tôi. Cây mọc từ mạch xây gạch đá. Cây mọc chật lối đi. Cành vướng tầm tay hái. Cứ ngan ngát một thứ hương hoa trong truyện kể hơn là sự hiện hữu trong đời. Bà tôi cúi xuống ngắt hái và gọi tên từng loài. Này thiên niên kiện, hoắc hương. Nghe như âm vang từ pho sách chữ nho mà ông tôi vẫn đọc. Này cam thảo đất. cỏ đĩ, núc nác. Nghe như cối xay, chày giã dân gian, mộc mạc trong xóm, trong phường. Như một thứ ví giặm Nghệ Tĩnh, bà tôi hát trầm trầm lời cảm tạ đất trời cho lộc trong đất, cho phúc trên tay.

Qua chỗ cỏ mọc lúp xúp, bà tôi ngồi xuống vuốt ve.

- “ Năm ni mọc tốt hè (Năm nay mọc tốt nhỉ). Nói với cây như với người. Bà tôi là vậy. Tôi chạy đến

- Cây gì đó bà ơi?

- Cây lọ nghẹ (Tiếng quê tôi lọ nghẹ là nhọ nồi. Đó là cây nhọ nồi).

Bà tôi giảng về cây. Có lẽ ở Đại học Dược cũng vậy thôi. Bà tôi bảo “ hái về, rửa sạch, giã nhỏ, vắt nước, uống. Cầm máu nhanh chóng mà vô hại”.

Sách của cụ Đỗ Tất Lợi dạy: “ Là loại thảo, mọc hoang. Thu hái, giã, uống, cầm máu. Không có tác dụng phụ...”

Chỉ khác nhau ở chữ dùng. Và khác nữa ở chỗ cụ Đỗ Tất Lợi là dược sĩ, là học giả. Và bà tôi là bà của tôi. Nhưng giống nhau như hai giọt nước. Đó là phát hiện ra báu vật trên đất đai nước mình.

Tôi hỏi:

- Sao lại gọi là lọ nghẹ hở bà?

Bà tôi ngắt lá, vò trên đầu ngón tay. Nước trong lá tứa ra, đen dần như một thứ nhọ nồi.

- Sao bà không hái lá này?

- Thứ ni dùng lá tươi. Thứ ni dễ mọc. Mùa nào cũng sẵn.

Tôi mới mười hai tuổi. Chưa thể nào cảm nhận hết sự chảy máu, cầm máu tai họa của kiếp người. Nhưng cây nhọ nồi thì tôi nhớ. Tôi mang theo cuộc đời đầy nắng mưa.


Tôi vào chiến trường năm 1967. Cài băng tang bà nội lên mép áo mà vượt Trường Sơn. Sống mấy năm trời trong căn cứ cấp quân khu. Sâu khuất mịt mù từng dặm núi.

Có một lần, đoàn văn công Quân khu đóng quân gần một chòm dân. Đó là mấy gia đình người Tà Ôi lên núi cao tránh bom đạn của giặc Mỹ. Mùa nắng năm ấy nghiệt ngã. Nhưng nghiệt ngã hơn là tự dưng trời đổ ập mưa rừng. Mưa cho đá suối bốc khói rồi nắng vụt trở lại. Cái nắng trở lại như than lửa rang giòn. Cả chòm dân đổ bệnh.

Tôi sang thăm bà con. Tôi dắt theo cô y sĩ của đoàn văn công và hai thầy trò lặc lè hai túi thuốc. Tôi hỏi cô y sĩ.

- Bà con bị bệnh gì?

- Chắc là sốt.

- Thầy thuốc sao lại nói “ chắc là!”

- Dạ...

Chắc nhà trường chưa kịp dạy đến bài này. Ngày ấy học lái xe có ba tuần là ra trận, là vào binh trạm, là vào Trường Sơn ngay. Giáo trình dạy cô y sĩ này chắc cũng rút gọn. Tôi vạch áo một chú bé. Lấm tấm trên da những chấm hồng. Ngỡ là muỗi đốt. Nhưng dày quá. Tôi hỏi cô y sĩ:

- Có phải sởi không?

- Dạ...

Cô y sĩ trẻ quá. Chưa yêu. Chưa chồng. Trường chưa kịp dạy bài vỡ lòng về khoa nhi trước khi thành cô quân y sĩ của bộ đội Trường Sơn. Đành dạ... dạ... ậm ừ.

Tôi cầm tay cô gái Tà Ôi có tên là Areng. Cánh tay trên đỏ bầm vì nốt đỏ mọc như kê vãi.

- Có thuốc cho bà con không? Tôi hỏi cô y sĩ.

- Dạ...

Lại dạ! Và lần này cô y sĩ thân mến của tôi hành nghề. Có đun nước tiêm. Có phát từng gói thuốc viên vàng, viên trắng.

Tôi lẩm bẩm “lá nhọ nồi”, “lá nhọ nồi” và da diết nhớ bà tôi.

- Nhọ nồi để làm gì ạ? Cô y sĩ hỏi lại.

- Không phải nhọ nồi trên bếp. Anh đang nói lá nhọ nồi. Có lá ấy chữa được bệnh cho bà con.

Tôi đã miêu tả tỉ mỉ thứ lá cỏ, thứ cây cỏ mà trong một lần Tết Đoan Ngọ tôi đã học được ở bà tôi. Cô y sĩ lần ra rẫy, lội về nương. Đi năm bảy suối về năm bảy rừng mà tìm không ra cây cỏ nhọ nồi. Tôi nói vui “Thuở bọc trứng trăm con của bà Âu Cơ. Năm mươi người con về biển có mang theo cây nhọ nồi để phòng khi mưa nắng. Năm mươi người con lên rừng, ỷ rừng muôn lá chẳng mang theo”.

Trận sốt xuất huyết ở chòm dân Tà Ôi có người chết. Xót xa vô cùng mà tôi bất lực. Tôi tìm không ra lá nhọ nồi.


Trong một chuyến về đồng bằng Thừa Thiên, tôi tìm ra “thần dược” ấy. Như có bà tôi từ cõi âm dẫn đường. Tôi hỏi dân “Có trồng được không?”. Dân trả lời “Ai dư hơi mà trồng cỏ!”. Dân lại nói “Chỗ mô mà nó không mọc được, cỏ hoang, cỏ dại mà chú”. Tôi toan đỡ lời “Vậy mà có nơi không mọc. Đó là chòm dân Tà Ôi, ở gần doanh trại văn công”. Dân nói “Chú cứ mang cả cây, cả già. Chú ném đại ra rìa suối”

Tôi làm theo lời dân chỉ bảo. Rồi chiến trận ào lên thành cái Tết Mậu Thân. Sau chiến dịch. Tôi rời chiến trường. Cứ mang máng ở rìa suối Ut, Ut gì đấy trên Trường Sơn cây tôi trồng đã mọc.

Một thứ tốt tươi như phúc lộc của bà tôi.

Năm cuối thế kỷ XX
P.N.C
(132/02-2000)


 

 

Các bài mới
Lập công (24/07/2023)
Hoa ở Huế (23/06/2023)
Các bài đã đăng
Năm rừng động (10/02/2010)