Bút ký - Tản văn
Tôi sẽ trở lại thành phố này
10:41 | 08/07/2010
VĨNH QUYỀNXe vượt qua một khúc quanh, màu lúa xanh rờn đột ngột hiện ra phía trước. Chúng tôi vừa để lại đằng sau thành phố Huế cổ kính. Hai ngày qua, chúng tôi đã đi thăm và làm việc ở đấy.
- Anh không buồn ngủ đấy chứ? - Chị Mônica chợt quay sang tôi.

- Không, thưa chị… - Trên kính chiếu hậu của xe, tôi kịp nhận ra đôi mắt bắt đầu đỏ hườm của mình. Bữa cơm trưa kéo dài với một ít rượu mùi, gió từ đồng trống phả lại, tiếng bánh xe lướt êm trên mặt đường nhựa… Tôi muốn đánh một giấc cho tới Đà Nẵng.

Chị Mônica tiếp tục ngắm phong cảnh hai bên đường. Xe đang băng qua vùng ven thành phố. Cánh đồng quốc lộ đều vắng vẻ. Có lẽ mọi người đang nghỉ trưa.

- Cám ơn các bạn - chị Mônica nói, mắt vẫn không rời mảnh màu xanh thiên nhiên, như thể nói với chính mình. Điều ấy khiến tôi tỉnh hẳn, im lặng nhìn chị - chị Mônica Vácnênxca, nhà văn, phó chủ tịch Hội hữu nghị Ba Lan - Việt Nam.

Đi công tác về, tôi đọc thấy trên bản thông báo của tòa soạn: Chiều 25-1-83, 14 giờ, tiếp đoàn nhà văn Ba Lan. Và tôi đã dửng dưng.

Nhưng tôi đã vô cùng ngạc nhiên và thú vị khi nghe anh Vũ Quần Phương, người đi theo đoàn, giới thiệu về chị. Điều ấy cũng dễ hiểu, tôi vốn làm việc trong vùng địch tạm chiếm trước đây. Thì ra, lần này là lần thứ mười chị Mônica sang thăm và công tác tại Việt Nam. Cũng chưa lạ bằng chuyện chị từng len lỏi vào tận tòa Quốc hội Sài Gòn thời Diệm với tư cách một phóng viên Pháp. Càng khó tưởng tượng hơn về chuyện chị từng đi B, từng vượt Trường Sơn, vượt bom pháo, trải qua bao gian nguy thử thách, vào công tác tận chiến trường sôi động miền Nam! Số thành của những chuyến đi như thế của chị là, cho đến nay, mười lăm tập truyện ký viết về Việt Nam đã được xuất bản. Vì vậy, khi được phân công đưa chị Mônica đi thăm Huế, quê hương của tôi, tôi rất sốt sắng.

Nhớ lại tâm trạng mình khi được biết quá trình hoạt động ủng hộ Việt Nam trong chiến tranh cũng như trong hòa bình của chị, tôi buột miệng:

- Chúng tôi cảm ơn chị mới phải.

- Hử? - Chị Mônica quay lại, không hiểu đầu đuôi gì cả.

- Không… - Tôi mỉm cười lãng chuyện, tránh phân bua dài dòng. Chị cũng cười.

- Các bạn Huế cho tôi một bữa ăn đặc biệt quá.

- Vâng, các món ăn trưa nay rất Huế - Tôi gật đầu xác nhận và buồn cười nhớ lại cảnh chị Mônica thưởng thức các món ăn Huế. Chị ngần ngại nhìn bát nước lèo bốc hơi nóng thơm lừng, đĩa rau sống xanh mơn mởn. Cuối cùng, chị xin muối tiêu và ăn bánh khoái chấm muối tiêu. Đến món bánh cuốn cũng thế.

- Các bạn quý tôi, nhưng hơi khó dùng… - Chị Mônica vừa nói vừa cười ở đôi mắt.

- Xin lỗi chị, chị Mônica Vácnênxca thân mến! Tôi đã không kịp báo nhà ăn rằng chị kiêng các món biển như tôm, cua…

- Ồ! Thế ra vừa rồi tôi có dùng các thứ ấy à? - Chị kêu lên, ngạc nhiên nhiều hơn là lo ngại.

- Vâng, tất cả đều được chế biến, pha phách… - Tôi không biết cách nói cho chị Mônica hiểu thêm nghệ thuật nấu ăn của phụ nữ Huế. Và để chị quên đi phần nào ấn tượng đã ăn phải các món kiêng cử, tôi kể chị nghe một kỷ niệm. Hồi đó, ở đại học Huế, tôi có quen với một giáo sư ngôn ngữ học người Đức. Ông ta học tiếng Việt rất nhanh. Về nước, ông gửi sang cho tôi một bức thư bằng tiếng Việt. Trong đó, ông cám ơn tôi đã giới thiệu cho ông những món ăn rất Huế, rất Việt Nam như cháo ruột, cháo máu! Thật ra, người Việt gọi là cháo lòng, cháo huyết, Ruộtmáu thì ai còn dám đụng đến?!

Chị Mônica hiểu và cười bằng thích. Chị lại liên hệ chuyện học tiếng Việt của mình:

- Tôi viết nhiều sách về Việt Nam, đến nỗi ở Ba Lan người ta gọi tôi là một nhà văn Việt Nam viết bằng tiếng Ba Lan, Pháp, Anh. Nhưng tôi lại không biết tiếng Việt. Người dạy tôi học tiếng Việt đầu tiên là nhà văn Nguyễn Công Hoan. Tôi đã cố gắng học thuộc lòng một số mẫu câu. Một hôm, ở Hà Nội, trước đám đông, tôi trổ tài nói tiếng Việt: - Tôi hân hạnh được quen biết ông Nguyễn Công Hoan, một nhà văn lớn! Dứt câu, tôi thấy mọi người im phăng phắc, trố mắt nhìn nhau còn anh Nguyễn thì trán toát mồ hôi lạnh! Về sau, tôi mới biết rằng mình phát âm nhầm lẫn. Thay vì lớn tôi nói thành lợn! Tôi trả ơn thầy như thế đấy. Từ ấy, tôi giả từ luôn giấc mơ học giỏi tiếng Việt.

Vâng, phong tục tập quán khác xa nhau nhưng chị đã sát cánh cùng nhân dân Việt Nam trong mọi hoàn cảnh. Ngôn ngữ bất đồng nhưng chị xứng đáng được nhân dân Việt Nam xem như một nhà văn của mình. Không chỉ ủng hộ Việt Nam bằng tác phẩm văn học, chị còn diễn thuyết, kêu gọi mọi người, mọi đoàn thể tiến bộ đứng về phía Việt Nam, giúp Việt Nam chống kẻ thù chung của loài người: chủ nghĩa đế quốc. Chị đã đi khắp nơi để quyên góp, chuyển thuốc kháng sinh cho bệnh nhân, ra-đi-ô cho bộ đội, kính hiển vi cho trường học ở Việt Nam… Và cũng vì vậy, chị Mônica Vácnênxca có nhiều kẻ thù. Chúng là ai, ta thừa hiểu. Có lần, chị nói đùa: “Vừa rồi, nếu những người cộng sản Ba Lan thất bại, không biết tôi đã như thế nào. Nhưng dù thế nào chăng nữa thì tôi cũng đã chọn”.

Rất tiếc, sách của chị còn chưa được biết nhiều ở Việt Nam. Hầu hết tác phẩm của chị đều viết về chiến tranh Việt Nam. Điều đáng chú ý là chị đã liên tục theo dõi số phận của những nhân vật. Mỗi lần trở lại Việt Nam, gặp lại những nhân vật - nguyên hình xã hội, chị lại nhận ra dấu ấn của thời gian, của cuộc sống đầy những chuyển biến sôi động trên đất nước trẻ trung này. Chị Mônica tâm sự: “Mơ ước lớn nhất của tôi là được viết về hòa bình và xây dựng. Lần này, tôi quan tâm đến các vấn đề văn hoá, lịch sử, nghệ thuật của Việt Nam. Sau 1975, tôi tưởng mình đã có thể thể hiện ước mơ của mình. Nhưng ngay sau đó tôi phải viết những cuốn sách phản ảnh kịp thời, trung thực về cuộc chiến tranh chống Pôn-pốt, chống bành trướng Bắc Kinh của Việt Nam. Sách của tôi góp phần đánh bại âm mưu bôi nhọ Việt Nam của bọn phản động quốc tế. Tôi lại viết những bài báo về hậu quả chiến tranh hóa học của Mỹ ở Việt Nam. Tôi còn diễn thuyết về đề tài này tại Tây Đức, nước đang sản xuất chất độc màu da cam cho Mỹ!

- Anh vui lòng phát âm mấy chữ này - Chị Mônica đã mở sổ tay từ lúc nào.

- Di Lạc.

- Phật?

- Vâng. - Tôi gật đầu và hiểu chị đang nghĩ đến tượng Phật đặt ở tiền đường chùa Thiên Mụ.

- Thời nào?

- Vị lai.

- Vị lai? Theo kinh Phật thì bao giờ Di Lạc giáng sinh?

- Tôi chịu bí, đành đùa: không phải băn khoăn chuyện ấy lắm. Vì có đúng vậy chăng nữa, ngài cũng không sinh vào các nước xã hội chủ nghĩa đâu!

Chị Mônica cười ngặt nghẻo. Khi cười, trông chị rất trẻ.

- Không ngờ đến Huế tôi được gặp nhiều đồng chí quen biết trong thời chiến tranh đến thế. - Vừa nói, chị Mônica vừa mân mê tấm ảnh đã tróc nước thuốc mà anh Xuân Hoàng vừa biếu chị. Đó là bức hình chị chụp chung với anh Xuân Hoàng ở Quảng Bình. Và, tôi còn được biết chị Mônica là hội viên danh dự của Hội văn nghệ Quảng Bình ngay trong thời chiến tranh.

- Thật xúc động khi gặp lại các đồng chí ấy - chị nói tiếp.

Tôi cũng đã xúc động khi chứng kiến cảnh chị Mônica vừa bước xuống xe, trước cổng nhà khách tỉnh ủy, lập tức có nhiều người nhận ra chị chạy lại bắt tay chị, ôm chầm lấy chị, kêu lên mừng rỡ: “Chị Ba!”, “Chị Ba!”. Rồi bất chấp ngôn ngữ bất đồng, họ nhiệt tình hỏi thăm sức khỏe, hỏi thăm Ba Lan mà không cần đến sự giúp sức của đồng chí thông dịch. Lúc ấy, tôi thấy mắt chị long lanh, miệng hé ra như cười, gật đầu với tất cả mọi người. Bất giác, tôi biết chị hiểu các bạn Việt Nam, chiến hữu của chị, đang nói gì với chị, nghĩ gì về chị. Chị hiểu rất sâu. Tôi tin thế.

- Lăng tẩm được xây dựng ngay khi nhà vua còn sống? - Chị trở lại với cuốn sổ tay, bút đặt trên những niên đại.

- Vâng. Lên ngôi, nhà vua có hai việc lớn: tu sửa cung điện và xây lăng tẩm. Nhân dân chúng tôi vẫn bảo nhau như vậy để chê trách chế độ phong kiến.

- Đang sống đã lo cái chết! Những năm qua, người Việt Nam kề bên cái chết, đối diện cái chết lại chỉ nghĩ đến sự sống.

Mở tập bưu ảnh thắng cảnh Huế, chị Mônica xem một cách trân trọng, nói thật khẽ:

- Một thành phố tuyệt diệu! Ba Lan là quê hương của các lâu đài cổ nhưng tôi vẫn bàng hoàng trước Huế. Chiến tranh! Ôi, chiến tranh đã cướp đi của loài người biết bao giá trị…

- Hiện đang có những kiến trúc sư Ba Lan giúp chúng tôi trùng tu các di tích văn hoá, lịch sử. Và tôi tin rằng, trong số ấy, có người đến phục vụ tại Việt Nam vì đã đọc được những cuốn sách của chị.

- Anh quá lời rồi đó! - Chị Mônica lắc đầu cười, nhìn tôi bằng ánh mắt chế giễu.

Tôi cãi:

- Chính những khách du lịch người Ba Lan cùng nói như vậy - Những người đã tìm đến thăm chị khi hay tin chị đang có mặt ở cùng một khách sạn đó mà, chị nhớ chứ?

- Thế thì tôi vĩ đại quá! Chị Mônica che miệng cười khúc khích.

- Vâng, chị vĩ đại như một đầu máy xe lửa! - Tôi cũng cười và nhại nguyên văn lời ca tụng chân tình, thô thiển, méo mó nghề nghiệp của anh em công nhân đường sắt Ba Lan đã dành cho chị sau một buổi diễn thuyết.

Xe đã lên tới đỉnh đèo Hải Vân. Từ điểm cao này, chúng tôi có thể nhìn thấy thành phố cảng Đà Nẵng. Bỗng nhiên, chị Mônica ngoảnh lại phía Bắc đèo, hướng về thành phố cổ kính mờ nhạt sau lớp sương núi buổi chiều, vẫy tay:

- Tôi sẽ trở lại thành phố này. - Chị Mônica khẽ nói rồi mãi miết ghi chép gì đó trong sổ tay.

Còn tôi, tôi sẽ đợi chờ chị, đợi chờ cuốn sách chị viết về thành phố tuổi thơ của tôi.

Đà Nẵng, tháng 2-83.
V.Q.
(1/5&6-83)





Các bài mới
Các bài đã đăng
Bà ơi... (12/03/2010)