Tôi là anh liên lạc viên đại đội. Hằng ngày ngoài công việc đưa thư, báo họp tôi vẫn phải làm nhiệm vụ của một người lính bộ binh, như đi bám địch, chốt gác quanh hậu cứ và đi kiếm rau, măng nấu ăn. Đêm đến, tôi cùng với đồng đội đi đồng bằng đánh địch... Nếu không gặp địch vào được làng, chúng tôi theo các anh chị cán bộ, du kích địa phương mua gạo, đậu phộng, thực phẩm. Buổi sáng hôm ấy, tôi mới dứt sốt, được ưu tiên ở nhà đi kiếm môn vót, về nấu canh. Tôi đi dọc theo suối Đá dưới chân Đồi Tranh hàng cây số nhưng cũng chỉ hái được một nắm rau nhỏ. Ở vùng giáp ranh, đến môn vót cũng hiếm, cây lại nhỏ, èo ọt. May lắm ở lèn đá nào còn sót lại một vài khóm, thân cây cũng chỉ cao chừng gang tay. Cùng với việc hái môn, tôi còn bắt được vài con cua đá. Giữa lúc tôi đang hứng khởi rút cây dao găm ra chặt một cây giang để bẻ đọt măng, bất chợt đầu tôi đau điếng. Tôi đã bị một cái cốc rất mạnh của ai đó bổ vào đỉnh đầu. Tôi buông dao, tròn mắt nhận ra đứng trước mặt tôi là một cô gái trẻ. Cô ta có gương mặt tròn, tóc tết đuôi sam, đôi mắt xám nâu đang nhìn tôi giận dữ. "Ngu chi ngu rứa. Đồng chí không biết địch đóng quân ở đồi Chóp Nón hử". "Chị...". "Chị chị cái chi? Đồng chí là quân của anh Hồng, anh Để hử... Tôi. .. Tôi sẽ về báo cáo với Ban chỉ huy đại đội 3 để trị cho đồng chí một trận". Tôi đã trở thành anh bộ đội giải phóng được dăm tháng. Kể cả lúc huấn luyện đi cho đến khi vào chiến trường, những anh lính học trò chúng tôi, xưng hô với nhau chả mấy khi bằng hai từ "đồng chí". Nó xa lạ và có vẻ nghiêm trọng thế nào ấy. Nghe cô gái dọa sẽ mách tội với anh Hồng, anh Để tôi hơi lo, quên cả cái đau của cú cốc, quên cả giận chị du kích. Ngay từ ngày được bổ sung cho K10, ông Bậu – tiểu đoàn trưởng, một người quê gốc Huế đã từng cặn dặn chúng tôi rằng: "Tụi bay về giáp ranh việc thứ nhất là phải vứt đi cái mũ cối, áo quần dài chỉ cần giữ một bộ. Việc thứ hai đi đường chỉ được mặc quần đùi, tay áo xắn cao... Việc thứ ba, phải học thuộc lòng câu ni "đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng...", có vậy mới trụ được ở giáp ranh. "Thế thì tôi rõ là anh mắc khuyết điểm rồi. Có bị xơi cái cốc của chị Hoa cũng đáng. Nhưng bất ngờ gặp chị, tôi lại thấy vui. Đã lâu lắm rồi tôi mới được tiếp xúc với cánh đàn bà, con gái. Loáng thoáng tôi có được nhìn thấy các chị trên đường giao liên nhưng để được tiếp xúc, trò chuyện thì không. "Xin lỗi chị – tôi nói ấp úng – tôi không biết có địch...". "Lính mới hử – chị du kích đã hạ cùi xuống một tảng đá. Hình như chị cũng có vẻ ân hận vì đã quá tay với tôi. Đồng chí thông cảm, tôi cũng nóng. Ở đây gần địch. Nó phát hiện được, gọi pháo Tứ Hạ, gọi trực thăng lên, lộ hết hậu cứ. "Đồng chí tên chi hè? "Tôi nói tên cho chị và còn nói rõ tôi là liên lạc của đại đội 3 hay đi với anh Để, anh Hồng. "Còn tên chị?". "Tôi là Hoa, ở Hương Thạnh. Chị nói thêm – anh tôi mới gặp lần đầu, chớ anh Hồng, anh Để, chú Bậu, chú Duy tôi gặp hoài à! Thôi nhé, đồng chí bộ đội, có chi đừng giận tôi nghe...". Biết tôi đang đi kiếm rau, chị Hoa đã san cho tôi cả nửa cùi măng giang... Chị Hoa còn đưa tôi lên một sườn đồi. Qua một bãi tráng bị pháo bắn, chị chỉ cho tôi coi đâu là đỉnh Chóp Núi, đâu là đồi Chổi, đâu là Hòn Vượn... và chị dặn: "Bữa mô đưa đại đội 3 đi đồng bằng, nếu có dịp chị sẽ đưa em về quê chị – xóm Bầu". Chị gọi tên bằng em, xưng chị. Hiển nhiên rồi, vì chị hơn tôi những hai tuổi, từng trải, dày dạn kinh nghiệm sống ở vùng ranh ác liệt, cái chết và sự sống luôn kề cận nhau trong gang tấc.
Mùa mưa ở Huế thật dài và buồn. Có thể đấy chỉ là nhận xét của riêng tôi hoặc của những anh lính xa nhà vào chiến trường. Những cơn mưa xối xả đêm ngày trắng rừng, trắng núi. Hoặc những trận mưa rỉ rả kéo dài. Lâu lâu trời hửng lên một chút rồi mây xám ập tới. Lại mưa. Đồng bằng Huế đang lụt to. Nước sông Bồ, sông Hương dâng cao. Những con suối trong rừng cũng trở thành những con sông nhỏ hung dữ. Bộ đội vẫn phải đi bám địch, chốt gác. Ở cửa rừng trên những dãy đồi trọc, trung đoàn 54 ngụy cắm trại. Bộ đội, cán bộ, du kích huyện xã không về bám được dân đã nửa tháng nay. Mấy lần bộ đội ra bám đường trục về đồng bằng, qua ngã dốc Đu đều bị vấp phục kích. Đạp đường qua ngã dốc Cát, địch cũng chốt chặt. Căn cứ Hòn Vượn, Chóp Nón, các đơn vị công binh của ngụy từ đầu mùa xuân đã chiếm giữ và đưa máy ủi mở đường, đào công sự, hầm ngầm, biến nơi đây thành một căn cứ mạnh, trấn giữ cả một vùng bắc Huế rộng lớn. Và cái đói ập đến. Mỗi ngày, bộ đội K10 chỉ còn được tiêu chuẩn một người một lon gạo, rồi rút xuống nửa lon... rồi một phần tư lon, nghĩa là đủ cho mỗi người một ngày vài ba bát cháo loãng, nấu với dọc môn ngứa hái ở Khe Điên. Giữa lúc ấy hậu cứ của huyện và đại đội 3 bị lộ. Những toán lính thám báo của ngụy suốt ngày luồn rừng đã phát hiện ra nơi trú quân của VC ở dưới chân đồi Tranh. Chúng đã bất ngờ đưa quân tập kích. Vào lúc tảng sáng của một ngày tháng mười (1970), một đại đội địch nằm phục kích từ sườn đồi đã nhất loạt nổ súng, ném lựu đạn đánh vào khu cứ. Tiếng đạn AR15, đạn cối cá nhân nổ như xé vải... Sau một hồi đánh trả, trong cái thế tiến thoái lưỡng nan, bộ đội C3 và các đội công tác Hương Thạnh, Hương Thái, An Ninh thành phố buộc phải rút để tránh cuộc chà xát bằng pháo cối của địch từ đỉnh Chóp Nón bắn xuống chặn đường. Bộ đội, du kích về trú quân tạm trong khu cứ cũ hồi Mậu Thân còn sót lại. Ban chỉ huy đại đội 3 ở chung một khu vực hầm với cán bộ huyện, xã. Lần đầu tiên tôi được ở gần để quan sát những o Hoa, o Tâm, o Lành, chị Đắng, o Nguyệt, o Chồn, o Cúc, o Huê... những người con gái của các xã vùng ven Huế từng nổi tiếng về lòng gan dạ và dũng cảm. Và khi nhìn thấy nồi cháo loãng của bếp ăn đại đội bộ, các chị mới hiểu bộ đội đang bị đói. Buổi chiều, o Hoa và chị Tâm mang sang giao cho Ban chỉ huy đại đội 3 hai bao cát gạo, mắt của các cô gái đỏ hoe. Chị Tâm bảo: "Chú Sáu Thọ nghe chuyện buồn lắm. Chú biểu tụi em mang sang cho mấy eng chút gạo ăn đỡ. Bên xã huyện cũng gặp khó khăn. Chú cho mời anh Để, anh Hồng sang bên huyện ủy họp gấp, bàn cách mở đường về đồng bằng. Chị Tâm nói thêm – em sẽ đi cùng với các anh đạp đường. Vào được làng gặp dân, anh em mình không còn lo đói nữa. Hai ngày sau, bộ đội C3 và du kích Hương Thạnh, Hương Thái đã vượt qua được các chốt của địch về được Liễu Thượng, Văn Xá, Phú Ổ. Đồng bằng Huế đang lụt to. Lính bảo an, dân vệ chạy lên đường 1 và các điểm cao tránh lụt. Bộ đội, du kích, đi giữa đồng nước mênh mông, trăng rằm sáng vằng vặc, người nào người nấy cùi nặng gạo, đậu phộng...
Mùa hè năm 1972, đại đội của tôi phối thuộc cùng các đơn vị của sư đoàn 324 đánh Động Tranh, Bình Điền. Đơn vị của tôi chốt giữ khu vực Khe Trái, Địa đạo 310 vùng sông Bồ. Tôi nhận được tin có một tổ cán thương của huyện Hương Trà xin nghỉ nhờ qua đêm để mai sớm đưa thương binh vượt sông. Tôi xuống chốt, tình cờ gặp lại chị Huê cùng với những người lính đường dây của huyện. Người thương binh nặng đang nằm trên cáng chính là Hoa. Chị bị trúng mìn trong lúc đi công tác. Vết thương nặng, máu ra thấm đỏ chiếc võng cáng. Chị Hoa gần như bất tỉnh. Nhiều người không tin rằng chị sẽ qua cơn nguy biến. Cả đêm tôi không ngủ nghe những người con của đất Hương Trà kể chuyện đồng bằng. Những người cũ mà tôi quen biết đã hy sinh vãng. Số đông các chị, các o cũng thay nhau ngã xuống trên những con đường đêm đêm về làng bám dân, giữ đất... Vài tháng sau, có tin đưa về chị Hoa đã hy sinh ở Viện. Như thể số phận đùa cợt với cô du kích vùng ven. Sau ngày giải phóng tôi lại được gặp chị Hoa ở Huế. Vết thương năm 72 đã không giết được chị. Chị đã là một thương binh nặng và đang theo học ở Hà Nội. Tôi nghĩ, dù sao chị Hoa vẫn còn là người hạnh phúc hơn bao cô gái khác đã từng sống ở giáp ranh Hương Trà những năm ác liệt. Chị còn được nhìn thấy Huế ngày rợp màu cờ đỏ trên dọc hai bờ sông Hương và các ngã phố phường. Rồi chị Hoa lấy chồng, một người đồng đội cũ đã từng gắn bó với chị những năm tháng trên rừng. Bẵng đi nhiều năm, tôi không còn có dịp về Huế và nhận được tin tức của những người bạn chiến đấu một thời xa lắc. Nhưng lần này, chị Hoa đã ra đi thật rồi. Một anh bạn nhà văn ở Huế bảo với tôi như vậy. Những di chứng chất độc màu da cam của Mỹ đã từng thiêu trụi các cánh rừng dọc Đông Trường Sơn, thấm sâu vào trong đất, hòa tan trong nước đã trở thành kẻ thù tiềm ẩn trong mỗi người lính từng trụ bám vùng ranh... Trên bàn thờ, đôi mắt của chị Hoa vẫn mở to, nhìn tôi như thủa nào mỗi đêm đi đồng bằng trở về. Bộ đội du kích ngồi chờ trời sáng ở Miếu Trâu.
Tay
chân ai cũng lấm lem bùn đất. Chị chia cho tôi khúc cá kho khô, ớt cay xé cổ. Suốt một buổi trưa, Ngọc Anh đã chở tôi đi dọc ngang những con đường đất để về làng Liễu Thượng, Phú Ổ, La Chữ. Làng quê ven đô xứ Huế như ngàn đời nay vẫn vậy. Rặng tre xanh vây lấy quanh làng. Con hói chảy qua các làng Văn Xá, về tới Bồn Trì, Hương Mai vẫn quanh co uốn lượn giữa đồng lúa đang lên xanh. Ở các chân ruộng cao người dân vẫn trồng nưa, trồng kiệu, đậu phộng... Mưa phùn giăng giăng che mờ những dãy núi phía Tây. Vài năm nay, những con đường đất ở Hương Trà đang được bê tông hóa. Những ngôi nhà mái tôn đang được ngói hóa. Căn cứ Tứ Hạ xưa kia với hàng chục lớp rào kẽm gai nay là nhà máy xi măng, cận kề bên một thị trấn mọc lên vô số nhà hai ba tầng cùng các quán xá đông đúc. Chúng tôi vào thăm má Tám, bà mẹ Việt Nam anh hùng ở làng Liễu Thượng. Bà có hai người con, trong đó có chị Tâm đều hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Tôi và Ngọc Anh đứng thững thờ bên cây cầu xi măng nơi đầu làng La Chữ, nhớ lại những đêm trăng sáng liều chết chạy qua cầu vào làng. Ngọc Anh – người chiến sĩ an ninh nổi tiếng của huyện Hương Trà năm xưa nay cũng đã nghỉ hưu. Hai mươi năm có lẻ, tôi mới lại được gặp anh. Anh đã già đi nhưng lòng tốt với bạn bè, sự ngay thẳng trung thực của một người lính luôn khắc khoải nỗi nhớ rừng thì vẫn còn đó... Gió đưa xào xạc trong những cánh ruộng mía. Lanh lảnh đâu đây như có tiếng cười, tiếng trò chuyện rầm rì của chị Tâm, chị Cúc, chị Nguyệt, chị Đắng, chị Chồn... mỗi lần đi đồng bằng lên lại gặp nhau ở dốc Ồ Ồ. Họ trêu ông Bởu – tiểu đoàn trưởng K10. Thủ trưởng của tôi chẳng nói năng chi, ông ngồi xuống một tảng đá, một tay chống ba toong, tay kia bình thản rút bi đông rượu...
Đ.K.C (nguồn: TCSH số 161 - 07 - 2002) |