Bút ký - Tản văn
Bà mẹ phường sắn
09:14 | 01/12/2010
NGUYỄN KHOA BỘI LANChúng tôi đi theo anh Hoan, bí thư huyện ủy Triệu Hải, về kiểm tra vụ đông xuân. Anh có thói quen mỗi lần về đây thế nào cũng tranh thủ ghé Phường Sắn thăm bà mẹ Mít.
Bà mẹ phường sắn
Diễn tập đêm - sơn mài của Đỗ Kỳ Hoàng
Anh nói: “Không những đó là nhiệm vụ của chúng tôi, mà còn là một vấn đề tình cảm sâu sắc giữa gia đình ấy với tôi cũng như với một số đông anh chị em hoạt động bí mật ở Quảng Trị trong thời kỳ chống Pháp rồi chống Mỹ”.

Thấy anh Hoan, mẹ Mít mừng rỡ quên cả những người đi theo anh. Còn anh, mặc dầu năm bảy tháng lại đến đây, nhưng khi ôm bà mẹ vào lòng, cố nói đùa cho vui, vẫn không giấu nổi xúc động.

Nhìn một loạt bằng “Tổ quốc ghi công” treo trên vách của ngôi nhà tranh đơn sơ, lòng chúng tôi thắt lại - chồng, bảy con trai, một con gái, một con dâu, một cháu nội. Ai chưa từng mất chồng, mất con, ai chưa từng có người ruột thịt bị địch tàn sát thì có giàu trí tưởng tượng đến đâu cũng khó mà tưởng tượng nổi, nỗi đau thương của bà mẹ Mít.

Anh Hoan nói: mỗi lần bị vật ngã vì một cái tang bất ngờ, lại cố gắng đứng dậy, tiếp tục làm ăn nuôi con, nuôi cán bộ, bộ đội cho đến cái tang bất ngờ khác quật ngã ít lâu sau. Đứa con này hy sinh thì đứa con khác lại lên đường bảo vệ tổ quốc. Không khóc lóc ầm ĩ, không thở than. O Mít là như vậy đó!

Mẹ Mít ở một mình, nuôi hai cháu nội còn nhỏ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cha các cháu là một trong bảy dũng sĩ đã đánh nhau với một tiểu đoàn địch cho đến viên đạn cuối cùng. Mẹ các cháu, chị Phạm Thị Tuyết, đường dây của tỉnh ủy Quảng Trị cũng đã hy sinh vì pháo địch.

“Hoàn cảnh của tôi cũng là hoàn cảnh của biết bao nhiêu bà mẹ Việt Nam khác”. Mẹ Mít thường nói như thế với bà con xa gần đến thăm. Bà cũng thường nói như thế với mình trong những đêm không ngủ.

Chồng bà là Nguyễn Năng Hải, công nhân đường sắt, tham gia phong trào bí mật từ năm 1939 và là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Trước ngày cách mạng tháng Tám ông là cán bộ xã, giữ đường dây của huyện, đã tích cực góp phần vào cuộc khởi nghĩa của địa phương. Năm 1955, ông bị địch bắt, bị tra tấn nặng nề. Khi ông bị ốm nặng, địch gọi gia đình lên nhà lao Quảng Trị nhận về. Ông nằm liệt cho đến khi chết.

Mỗi lần nhắc đến chồng, bà Mít hay thở dài “Cái ông chi lạ. hay làm mà không hay nói. Ông thường dạy vợ con, khuyên hàng xóm rằng người không lao động là người bỏ đi.” Với truyền thống cần cù của người dân Quảng Trị, với sự thúc đẩy và gương mẫu của ông, những đồi trọc chung quanh thôn xóm phủ đầy khoai sắn, vì vậy mới có tên Phường Sắn. Rồi ông lại bảo: “đánh giặc mà chỉ có lương thực chưa đủ. Phải có bao nhiêu thứ khác và trước hết là phải có con người, người cầm súng. Con người ấy không phải trên trời rơi xuống, ở xa lại, mà phải là con, em của thôn xóm”. Thế là ông động viên con cái trong nhà, bà con nội ngoại đi đánh giặc.

Mẹ Mít nói: “Có một lần, tôi giận ông nhà tôi quá. Khi thằng con lớn của tôi khăn gói chuẩn bị lên đường, cả nhà rối rít mà ông vẫn điềm nhiên ngồi chẻ lạt. Tôi gắt: “Con đi ông không dặn gì ư?”. Ông ngừng tay, nhìn nó, nhìn lũ con: “Đi đánh giặc thì gặp giặc là đánh có chi mà phải dặn!” Nếu mẹ mày muốn cha dặn thì cha chỉ dặn như thế này: “gặp giặc mà chạy thì xin con cứ chạy luôn, đừng chạy về nhà”. Lúc đó tôi thầm trách ông tim sắt đá nhưng các con tôi thì bảo khi ra đi cho đến khi ngã xuống vẫn ghi sâu lời cha”.

Thế rồi, cũng như biết bao nhiêu thanh niên trong thôn xã, các con tôi lần lượt, đứa lớn đi rồi, đứa nhỏ lớn lên lại đi. Lâu lâu có người về cho biết mọi tin tức. Thỉnh thoảng nói về một người nào đó: “anh ấy đã anh dũng hy sinh. Cứ mỗi lần nghe như thế tim tôi muốn ngừng hẳn lại. Tôi nghĩ rằng họ sẽ nói như thế về một đứa con nào đó của tôi. Thế rồi việc đó đã đến, không phải một lần mà không biết bao nhiêu lần…”.

Bỏ dỡ câu chuyện, mẹ Mít đứng dậy đi tìm trầu, giỏ trầu để trên bộ ván mà bà lục lọi khắp nhà vẫn không tìm ra. Chúng tôi lặng lẽ nhìn nhau và lặng lẽ theo anh Hoan ra xem vườn sắn. Anh Hoan đã kể cái chết của anh Nguyễn Năng Phàn.

Anh Phàn là cán bộ thông tin xã. Pháp trở lại chiếm đóng Quảng Trị. Cả nhà tản cư lên chiến khu Ba Lòng. Phàn ở lại. Trong xã địch đóng đồn gần nhà thờ La Vang. Ở đây mọi tin tức bị bưng bít và cuộc kháng chiến chống Pháp đã bị xuyên tạc. Địch khủng bố, dân khiếp sợ và tiếng chuông cầu nguyện cho ngày mai ở trên trời cũng làm cho một số khá đông người quên mất những chuyện đang xảy ra dưới đất. Anh Phàn và đồng đội khác đi tuyên truyền, giải thích, khi rỉ rã với từng người, khi giữa đám đông. Một đêm, sau cuộc mít tinh chỗ ngủ của anh bị bao vây. Anh và đồng đội bị sa vào tay giặc. Chúng chặt đến bảy người, vứt xác xuống hố, đem đầu đóng vào các cột tre, bêu ở chợ Diên Sanh ngày 10 tháng 5 năm 1948.

Lần đầu tiên nhận được tin một đứa con hy sinh, bà mẹ hoảng hốt và lo lắng. Đau xót tiếc thương đứa vừa ngã xuống, lo lắng thêm cho những đứa còn lại. Nhưng có một điều khiến bà mẹ sửng sốt. Nếu hành động dã man, tàn bạo ấy là của thằng thực dân Pháp, từ xa lắc xa lơ đến đây giết người để cướp nước thì bà còn có thể hiểu được chứ bọn ngụy quân cũng là “người mình” không thương nhau thì thôi, lòng dạ nào mà đi làm cái việc trời không dung, đất không tha ấy. Nhờ xương máu của người con, bà mẹ, một nông dân chất phác, hiền lành chưa từng cắp sách đến trường, cay đắng học được bài học chính trị: ai là ta và ai là địch.

Cái chết bi thảm của anh Phàn đã để cho bà mẹ một ấn tượng sâu sắc và nung cho bà mẹ lòng căm thù không những đối với bọn cướp nước mà còn đối với bọn “người mình” nhưng lại là tay sai của giặc, đem thân người làm thân trâu ngựa.

Chiến tranh kéo dài - Cuối năm 1952 đầu năm 1953 bà mẹ lại mất thêm hai người con trai nữa.

Đuổi được thằng Pháp đi rồi thì thằng Mỹ kéo đến. Chiến tranh lại tiếp diễn. Chiến tranh kéo dài với vũ khí tối tân. Mảnh đất nhỏ hẹp của Quảng Trị, bờ bên này Bến Hải là bãi chiến trường ác liệt nhất của miền Nam nước ta, ngày đêm ngột mùi thuốc súng. Địch từ các cứ điểm bắn ra, trên trời bắn xuống ngoài biển bắn vào, càn đi quét lại.

Ở Phường Sắn dường như không cần ai an ủi ai vì không có một gia đình nào mà không có chồng hay con hy sinh vì tổ quốc. Bà mẹ Mít lại phải khóc thêm bốn đứa con trai, một con dâu và đứa con gái độc nhất của mình.

Nỗi đau xót, bàng hoàng về tin đứa con thứ bảy Nguyễn Năng Kế, xã đội trưởng Hải Phú, hy sinh trong cuộc tấn công nổi dậy đầu năm 1968 đang còn nóng bỏng thì một tiếng sét nữa nổ ra làm tan nát lòng người mẹ. Người con trai út của bà, đứa con cưng nhất của bà đã hy sinh trên rừng, sau ngày anh Kế hy sinh chỉ có bốn hôm.

Chuyện xảy ra đã mười mấy năm, nhưng khi nhắc đến, anh Hoan vẫn thấy nghẹn ngào. Im lặng hồi lâu anh thở dài bảo tôi: “Biết nói làm sao với chị đây để chị có thể hiểu được tâm trạng của tôi khi nghe tin ấy: sửng sốt, hốt hoảng, đau xót, căm giận, ân hận, lo lắng… Tôi lo không biết ăn làm sao, nói làm sao với bà mẹ. Đầu đuôi câu chuyện là như thế này:

“Năm 1966, một đêm đi qua Hải Phú tôi ghé thăm O Mít. Vừa thấy tôi, một thanh niên reo lên: “Ôi chú Hoan đây rồi! Trông chú mãi!” Tôi ngạc nhiên nhìn cậu con trai cao lớn, khỏe mạnh đang sung sướng lao đến, ôm chầm lấy tôi. Tôi nhận ra thằng con út của O Mít.

- Mày ăn gì mà mau lớn vậy, hở Thành? - Tôi hỏi.

Nó toét miệng cười: “Phải mau lớn để đi với chú chứ!”

Nó năn nỉ: “Lần này thì chú phải cho cháu đi, nhất định phải cho cháu đi với chú nghe!”

- Đi mô! Các anh chị đi hết rồi, mày cũng đi nốt thì mẹ ở với ai?

Nó xịu mặt: “Không được đi với chú thì cháu đi tìm mấy anh du kích, ở nhà để cầm súng cho địch hay sao?

O Mít nãy giờ lặng lẽ đứng nghe hai chú cháu nói qua lại bây giờ thêm chen vô: “Nó nói cũng phải, anh Hoan ạ. Tôi đã trăn trở nhiều đêm để nghĩ về nó. Nó đi thì tôi cô đơn quá nhưng ở với tôi không sớm thì muộn cũng bị bắt lính thôi. Thà chết mà bảo vệ tổ quốc còn hơn sống mà đi làm bia đỡ đạn cho giặc, đi đốt phá xóm làng, giết hại bà con. Và chắc chi cầm súng cho địch mà không chết! Thấy nó đòi đi tôi có hẹn: chờ chú Hoan về mẹ dặn điều này, rồi mầy đi đâu thì đi”.

O nắm chặt tay tôi, nói nhỏ với tôi: “Nói anh đừng cười, đừng cho con mẹ già này lẩm cẩm. Ai chứ anh thì quá biết hoàn cảnh của tôi. Bây giờ thì tôi giao nốt đứa con còn sót lại của tôi cho cách mạng, chỉ yêu cầu anh một điều. Anh đem nó lên cho nó làm bất cứ công việc gì mà cách mạng cần miễn sao nó đừng chết!”

Tôi ôm O vào lòng, không sao tìm được một lời nói nào để nói với bà mẹ đau thương và cao cả ấy. Khuya hôm đó Thành đi với tôi lên chiến khu. Tôi bố trí cho nó ở tổ điện đài, căn dặn anh em không được cho nó về đồng bằng. Trở về vùng bị chiếm tôi an tâm mỗi lần nghĩ đến nó, nghĩ đến O Mít. Đùng một cái tôi được tin nó chết. Một bầy pháo chùm của địch rơi trúng cơ quan điện đài. Tất cả anh em đều hy sinh.

Dẫu biết rằng trước sự đau thương cùng cực của bà mẹ tất cả những lời an ủi đều vô nghĩa nhưng tôi quyết định thế nào cũng phải về thăm O Mít. Tôi đến Hải Phú ở nhà một cơ sở định bàn bạc xong một vài công việc với các đồng chí ở xã rồi sẽ qua Phường Sắn. Anh chị em cho biết khi được tin Thành chết bà mẹ ngất đi, nằm liệt giường liệt chiếu, không rên rĩ, không khóc lóc và cũng không ăn uống. Bà con láng giềng thay nhau ở bên cạnh bà. Ai cũng lo nếu không chết thì bà mẹ cũng hóa điên thôi. Thế mà O tỉnh dần. Có lẽ hai đứa cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ, còn bé dại, đã đưa bà trở lại với cuộc sống.

Tôi chưa kịp đến Phường Sắn thì O Mít đã đến tìm tôi. Thấy O tôi lặng người đi. Thương O quá. O phờ phạc. Đôi mắt khô héo. O bình tĩnh, một sự bình tĩnh đáng sợ. O bảo tôi: “Họp xong anh về nhà ăn cơm. Tôi ngồi đây chơi, chờ anh”.

Trên đường về tôi lặng lẽ đi bên cạnh O. O nói: “Anh cứ về nhà tôi mà ở, đừng ngại mà cũng đừng buồn”. Rồi O thở dài: “Thằng Thành tôi chết đâu phải tại anh. Anh lo cho nó thế là chí tình lắm rồi. Tại thằng địch cả. Còn thằng địch thì còn chết chóc đau thương và những người mẹ như tôi còn đứt ruột, đứt gan. Anh xem, ở cái thôn của mình đây có nhà nào mà không có liệt sĩ đâu. Nếu bà con cũng đông con như tôi thì sự mất mát đau khổ của họ cũng nhiều như tôi thôi. Thằng giặc đến cướp nước, giết hại dân ta, thanh niên khỏe mạnh không cầm súng giết giặc cứu nước thì còn ra cái thứ gì. Có đứa nào chịu ngồi yên đâu. Giữ làm sao nổi. Cấm làm sao được. Tôi tức không còn đứa nào nữa chứ còn thì tôi cũng giao nốt cho anh. Còn tôi, anh Hoan ạ, anh cứ giao việc cho tôi như trước. Tôi tuy già yếu nhưng chưa đến nỗi nào. Anh đừng để tôi ra ngoài”.

“O Mít là như vậy đó!” Anh Hoan lại nói như thế về bà mẹ Phường Sắn.

N.K.B.L.
(8/8-84)





Các bài mới
Các bài đã đăng
Hoa Kim Anh (08/10/2010)