1. …“Trong số bốn anh em thuộc chi đoàn thanh niên cứu quốc ngày ấy: “Chớp, Dông, Sấm, Sét” (Sảng, Thái, Tùng, Khải), giờ chỉ còn lại một mình tôi, là Chớp!” Ông Lê Quý Mỹ (tên thật Lê Phước Sảng) tựa lưng vào thành ghế, thoáng bần thần khi nhớ về đồng đội ngày xưa. Trong buổi chiều yên bình ở thôn 4 làng Mỹ Lợi (Vinh Mỹ - Phú Lộc) người cán bộ già trông vẫn còn quắc thước và minh mẫn, như không biết cái tuổi ngoài tám mươi đang đọng muối trên mái đầu bạc trắng. Trong đôi mắt còn đầy nét tinh anh của “một anh chàng đi kháng chiến lâu năm” như ông tự nhận, những ngày tháng thanh xuân đầy nhiệt huyết tham gia cách mạng lại được dịp trở về, tưởng chừng như mới đây thôi. Ông bắt đầu buổi chiều bằng câu chuyện gian khó của cách mạng Mỹ Lợi những ngày bị tạm chiếm… …Đầu năm 1947 mặt trận thành Huế vỡ, thực dân Pháp trở lại chiếm cứ các vùng nông thôn, quay lại Mỹ Lợi. Chúng đưa hai đại đội Âu - Phi cùng một số lính tề ngụy về đóng tại đồn ngay cạnh chợ Mỹ Lợi, khống chế toàn bộ vùng ốc đảo khu Ba Phú Lộc (tháng 2/1947), truy lùng và bắn giết cán bộ cách mạng một cách dã man, tàn bạo. Ngay trận càn đầu tiên, chúng bắt giữ 11 người của ta đem bắn ngay tại ngã ba giáp giới 3 làng Nghi Giang, Mỹ Lợi và Đơn Chế. Thời gian sau đó hầu hết đảng viên Mỹ Lợi đều lần lượt bị bắt và giết chết. Bấy giờ tên công an tổng Lê Kiếm là một tay đại ác ôn, hắn cho bắt bốn cán bộ của ta gồm: Phan Tuệ (công an - Bí thư chi bộ), Phan Tùng (chỉ huy du kích), Trần Mót (cảnh giới) và Đoàn Nguyện (trung đội trưởng trung đội chiến đấu). Chúng giết bốn cán bộ bằng bộ đồ nghề dao và thớt chặt heo của ông Cháu “bò” rồi đem chôn ngược ngay chợ Mỹ Lợi. Đồng chí Lê Cam, ủy viên Thường vụ huyện ủy cũng bị chúng bắt, chặt đầu, cắm phập cọc tre vào cổ, bêu đầu ngay giữa chợ Mỹ Lợi ba ngày ba đêm hòng đe dọa, khủng bố tinh thần nhân dân. Những tổn thất lớn lao của cách mạng đã làm đau lòng cán bộ và nhân dân Vinh Mỹ. Tháng 5/1947, Thường vụ huyện ủy đề ra chủ trương “phá tề trừ gian”. Một nhân vật mà cách mạng nhắm đến trước tiên là Cửu Hân (tức Nguyễn Hân), vốn là một tên lý trưởng cũ, sau tổng khởi nghĩa có chân trong hội đồng nhân dân. Ông Nguyễn Văn bấy giờ là Bí thư chi bộ Vinh Mỹ chỉ đạo bàn phương án tiêu diệt Cửu Hân. Anh em trinh sát được phân công điều nghiên kỹ lưỡng đường đi nước bước của Cửu Hân. Một buổi chiều hai anh em chiến sĩ đóng giả làm người bán thịt heo dạo đi rao trước nhà Cửu Hân ở thôn 1. Khi Cửu Hân từ trong nhà đi ra gọi mua thịt heo, hắn thấy khả nghi liền bỏ chạy. Hai người liền rượt đuổi hắn chạy ngoài vườn rồi vung dao đâm chết tại chỗ. Ông Mỹ khẳng định, trận ra tay với Cửu Hân chính là trận trừ gian đầu tiên của vùng khu Ba Phú Lộc! Cái chết của Cửu Hân đã làm bọn tề ngụy rúng động. Chúng điên cuồng đòi nổi lửa đốt cháy cả xóm, để trả thù cho Cửu Hân! Tuy vậy, thật lạ lùng, âm mưu thâm độc này lại bị chính Nguyễn Đàm con trai trưởng của Cửu Hân phản đối! Ông Đàm nói: “Người giết cha tôi không phải là người làng này, cớ sao các ông bắt người làng phải chịu? Hơn nữa, chính các ông rêu rao về đây để bảo vệ cho dân, bảo vệ không được lại còn đòi đốt nhà đốt cửa của dân là cớ làm sao!” Âm mưu đốt làng không thành, bọn tề ngụy phục kích bắt sáu cán bộ của ta trong đó có Phan Nhỏ, Đoàn Kiều, Lê Chuẩn… trên đường đi công tác về. Chúng bắn chết cả sáu người, gọi là để “tế” Cửu Hân, trả thù cho Cửu Hân! Tổn thất lớn lao chồng chất của cách mạng đã nuôi thêm lòng căm phẫn trong nhân dân đối với những bọn xâm lược, tề ngụy. Tối hôm sau, chi bộ tổ chức truy điệu sáu đồng chí ngay tại chỗ bị bắn. Ba ngày sau, trong dân lan truyền một bài thơ “Khen cây thuốc lá”: Khá khen cây thuốc lạ lùng thay Chặt trôốc ni rồi nó mọc ngay Mất một trôốc lên năm bảy trôốc Trôốc nào trôốc nấy vững vàng thay! Sau khi Cửu Hân chết, anh em đồng chí không còn phải ăn bờ ngủ bụi nữa mà đã được thoải mái tự tin ở trong nhà dân. Cán bộ cách mạng được dân bảo vệ tốt hơn, có hầm bí mật che giấu, có cảnh giới, có hệ thống giao liên hợp pháp… Đó chính là “căn cứ lõm” kiểu da báo trong dân. Dựa vào lòng dân chở che, phong trào cách mạng được khôi phục. Nhiều tên tề ngụy sợ hãi ra đầu hàng. Ta chi phối bọn tề ngụy, tạo thành “bức bình phong” cho ta, còn gọi là “tề hai mặt”: bắt chúng chuyển một phần công quỹ của làng, giao sổ thu thuế cho ủy ban, cấp khống chỉ cho người của ta đi lại… Đồng thời ta cũng giao nhiệm vụ cho chúng trì hoãn, bỏ bê, dây dưa những công việc quan trên giao. Chính sách “cô lập đồn Tây” bước đầu thành công, tạo đà cho những bước phát triển mới của phong trào theo kiểu “vết dầu loang”, từ ba nhà thành một xóm, ba xóm thành một thôn… 2. Tôi bần thần đứng trước ngôi nhà bỏ hoang phế lâu năm phía sau lưng ngôi chợ quê sầm uất Mỹ Lợi. Ở đây không ai là không biết đến chủ nhân của ngôi nhà đã một thời vang bóng, ông Hoàng Mạnh Biên. Khi Tây đến, chúng đóng đồn ngay tại ngôi nhà này. Theo ông Lê Quý Mỹ: Hoàng Mạnh Biên vốn là một nhà thầu khoán tư chất thông minh, nhạy bén trong kinh doanh. Sau Cách mạng tháng Tám, dựa vào chính sách mở rộng mặt trận đoàn kết của Việt Minh, ta đưa Hoàng Mạnh Biên tham gia Ủy ban kháng chiến hành chính, thậm chí giữ chức Chủ tịch ủy ban (ông Lê Quý Mỹ bấy giờ là bí thư, phó chủ tịch). Trong phong trào “kiến thiết hương thôn” Hoàng Mạnh Biên cũng có một số đóng góp, sáng kiến nhất định trong việc xây nhà hộ sinh, khôi phục chợ Mỹ Lợi, trường trung học Mỹ Lợi (để con em trong vùng có điều kiện được học tiếp tại chỗ sau khi hoàn thành tiểu học, không phải mất công lên Huế) và rước thầy giỏi trên Huế về dạy như thầy Thái Thúc Hoành (dạy Sử, Lý, Hóa), cụ Hường Nghị (Hoàng Trọng Suyền) dạy chữ Hán, ông Chương (cháu cụ Hường Nghị) dạy Văn, Pháp văn và toán, cha đạo Lê Chí Hiền dạy luân lý, nhạc, v.v… Hoàng Mạnh Biên cũng cho khôi phục rạp hát Mỹ Lợi vốn trước đây do ông Trước Hưu (Hoàng Trọng Hưu) cất, lại cho mời đoàn Kim Sanh trên Huế về hát. Trong thời gian đó, ông Mỹ kể, trong chi bộ cũng có ý kiến đề nghị “xử” Hoàng Mạnh Biên vì hắn chính là bí thư Quốc Dân Đảng tổng Diêm Trường, có nhiều biểu hiện nghi vấn. Ông Mỹ không đồng ý, chủ trương để theo dõi thêm và chỉ cử người canh gác, đề phòng. Ý ông Mỹ là trong khi chưa có chứng cứ rõ ràng, nếu ta giết Hoàng Mạnh Biên thì ăn nói ra sao với dân, ảnh hưởng đến chính sách mở rộng mặt trận đoàn kết? Chính vì điều này mà về sau ông Mỹ bị phê bình. Ông trầm ngâm, nếu ngày đó Hoàng Mạnh Biên bị xử lý sớm thì cách mạng không phải chịu nhiều tổn thất về sau. Ông cay đắng nhớ lại những ngày đen tối của cách mạng Mỹ Lợi khi cán bộ đảng viên của ta liên tục bị truy lùng và bắn giết. “Chúng ta mất sạch 22 đảng viên!” Ông Mỹ chua xót. Một số đồng chí phải chuyển vùng vào Lộc Thủy hoạt động. Cách mạng tại chỗ thì được trang bị hết sức thô sơ, chủ yếu là gươm với giáo. Bản thân ông Mỹ hồi đó cũng chưa biết khẩu súng là gì, chỉ loe ngoe vài thế võ. Trung đội xã có vẻn vẹn mười hai quả lựu đạn, ném mười quả thì đến sáu quả thối, không nổ. Giáp trận mà đạn không nổ thì bị bắt, bị bắt thì bị giết. Nói chung cách mạng Mỹ Lợi lâm vào tình cảnh bi đát, mất phương hướng. Ngày đó ông cùng với đồng chí Phan Sung (Bí thư huyện ủy) và một số đồng chí cán bộ huyện ủy, các chi bộ Mỹ Lộc, Thế Lộc… khăn gói lên đường “đi tìm tỉnh”, tìm cách gỡ phong trào. Một số ít cán bộ ở lại theo kiểu “lộn nước cáu”, im ắng chờ đợi thời cơ. Cả đoàn vượt quốc lộ ra đến Hương Cần (Hương Trà), gặp đồng chí Nguyễn Chí Thanh, báo cáo tình hình khó khăn của Mỹ Lợi nói riêng và cả vùng khu Ba Phú Lộc nói chung. Bấy giờ toàn mặt trận cũng gặp vô vàn khó khăn. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh nắm tình hình, rồi chỉ đạo phương án đối phó. Chỉ có thế thôi rồi tất cả quay về. Ông Mỹ nhớ mãi lời căn dặn mà như một chỉ thị của đồng chí Nguyễn Chí Thanh lúc chia tay. Câu nói ấy về sau trở thành khẩu lệnh nổi tiếng tại hội nghị Nam Dương: “Còn Đảng là còn dân. Còn Đảng còn dân là còn tất cả. Cán bộ Đảng viên phải sống chết với dân, không được cầu an, bảo mạng, lưu vong!” Ông Mỹ trở về, tập họp tất cả anh em đồng chí tại nhà ông Đoàn San, một cơ sở của cách mạng để nắm tình hình, bàn phương án khôi phục phong trào. Chính lúc này Hoàng Mạnh Biên đã lộ mặt theo Tây mà mọi người vẫn chưa biết nên vẫn mời hắn đến dự họp. Hoàng Mạnh Biên không đến. Biết đây là cuộc họp quan trọng của Việt Minh, tối hôm đó Hoàng Mạnh Biên dẫn một tiểu đội lính Tây đến bao vây nhà ông Đoàn San. May là cuộc họp đã tan từ chiều. Hoàng Mạnh Biên hất hàm hỏi: - Thằng Sảng, thằng Du, thằng Giáo đâu? Ông San trả lời: - Thưa mấy ông tôi mới đi biển về, có biết mấy ông ấy ở đâu? Hoàng Mạnh Biên cười khẩy, chỉ mặt Đoàn San: - Mấy thằng đó đâu rồi, không chỉ tao bắn! Đoàn San cũng không vừa, ông cởi phăng áo lộ bộ ngực căng nồng vị biển: - Ngực tui đây các ông có bắn thì bắn chớ các ông ấy ở đâu thì tui chịu! Cả bọn tiu nghỉu. Đoạn tên quan Tây chỉ vào một cậu bé nằm ở góc nhà hất hàm hỏi: “Thằng nào nằm kia?” Thầy giáo Thái Doãn Từ dạy Pháp văn vốn là một người có cảm tình với cách mạng, bị bắt đi theo phiên dịch cho quan Tây, biết đó là học trò của mình, giả bộ hỏi vài câu với ông Đoàn San, rồi nhanh miệng nói: “Thằng nhỏ đó là con trai của ông ta, nó đang bị kiết lị, các ông không nên đến gần”. Cả bọn nghe vậy sợ hãi bỏ đi. Thằng nhỏ bị kiết lị nằm ở góc nhà đó chính là cậu bé liên lạc Phan Công, sau này là đại tá QĐND Việt Nam (đã hy sinh). Ông Mỹ nhấp một ngụm trà chiều, trong dòng suy tưởng về lòng dân, ông nói chính là ông Đoàn San đã trở thành tấm gương bất khuất đầu tiên của nhân dân Mỹ Lợi! Tháng 6/1948, hai tháng sau khi tiêu diệt Cửu Hân, chi bộ Đảng lên kế hoạch xử lý Hoàng Mạnh Biên, tránh hậu họa cho cách mạng. Bấy giờ Hoàng Mạnh Biên đấu thầu và trực tiếp chỉ huy làm cầu Bến Đò. Hắn huy động toàn bộ dân ba làng ra làm cầu, vót tre, đóng cọc. Cầu Bến Đò cách đồn Cường Huyên 30 mét. Chi bộ họp và giao cho đồng chí Lương Hoác (bí danh là Trừ), trung đội trưởng trực tiếp ra tay. Bảo vệ cho Lương Hoác là một đồng chí công an có trang bị súng lục. Đồng chí Nguyễn Văn, Bí thư Vinh Mỹ trú tại một nhà cơ sở cách vị trí làm cầu 70 mét, trực tiếp chỉ huy. Lương Hoác về nhà, bảy ngày bảy đêm mài cây mác dài, mặt mày lầm lì, đăm chiêu. Đúng ngày đã định, Lương Hoác giả làm dân công xây cầu, tiếp cận Hoàng Mạnh Biên. Đến một vị trí thích hợp, Lương Hoác chém mạnh cây mác đứt luôn một cánh tay của hắn. Sau khi giết Hoàng Mạnh Biên, Lương Hoác đặt tờ cáo trạng lên bàn, nhảy xuống nước trốn thoát. Bơi được một đoạn, ngoảnh lại thấy tờ cáo trạng bị gió thổi bay, Lương Hoác quay lại, nhặt lấy tờ cáo trạng, đoạn lấy cánh tay bị đứt lìa của Hoàng Mạnh Biên đè lên. Đến gần hai giờ đồng hồ sau, bọn lính Tây mới có mặt tại hiện trường, không còn một bóng người ở đó. Chúng xả trung liên loạn xạ, cho người sục sạo khắp nơi, một hồi chẳng có kết quả gì thì bỏ đi. Sau vụ tiêu diệt Cửu Hân và Hoàng Mạnh Biên, tinh thần của bọn tề ngụy bị lung lay cực độ. Phong trào cách mạng Mỹ Lợi làm đòn bẩy phát triển ra toàn vùng khu Ba Phú Lộc, từ vùng bị tạm chiếm trở thành vùng “tranh chấp mạnh”. “Làng da báo” thực tế đã được giải phóng. Phong trào cách mạng từ thế phòng ngự chuyển sang thế cầm cự, chuẩn bị lực lượng cho tổng phản công… 3. Ông Lê Quý Mỹ nói điều mà ông tâm đắc trong những câu chuyện kháng chiến ráp nối chiều nay, chính là đại nghĩa cách mạng có thể làm thay đổi cả một phận người. Đến giờ ông Lê Quý Mỹ vẫn không thể nào quên được Trần Mót, mà như ông nói, chính cách mạng đã cảm hóa một tay “trộm cắp chuyên nghiệp” trở thành một cảm tình kiên trung của cách mạng. Trần Mót vốn là một tay trộm cắp nhuốm chút màu giang hồ nghĩa khí, lấy của người giàu chia cho người nghèo. Đấy là khi ông Mỹ lôi kéo Trần Mót đi theo cách mạng. Trần Mót nói rành rọt, dứt khoát: - Cụ Hồ đứng lên kêu gọi toàn dân kháng chiến là thiệt đúng bụng tôi. Chú cho tôi đi theo chú! - Chú muốn đi theo cách mạng, thế có còn trộm cắp nữa không? - Tôi bỏ trộm cắp mấy năm rồi! Trần Mót dẫn ông Mỹ ghé thăm nhà. Ăn xong bữa cơm và sau một hồi hàn huyên, Trần Mót nói với vợ: - Bay ở lại lo coi ngó nhà cửa. Từ nay tao đi với chú Sảng! Ông Mỹ giao cho Trần Mót làm công việc cảnh giới, diệt tề trừ gian. Bộ đồ nghề ăn trộm ngày xưa hóa ra lại có tác dụng vào lúc này. Chúng gồm một cái kềm răng cưa, một xà beng nạy cửa, một cái mác, chùm chìa khóa vạn năng “không có ổ khóa nào là không mở được”. Đặc biệt phát huy tác dụng hơn cả là “nghệ thuật thuốc chó” có thể làm tê liệt tiếng sủa của bất kỳ con chó hung hăng nào chỉ trong vòng hai đến ba ngày! Nhờ tài nghệ của Trần Mót mà cán bộ của ta có thể đi sâu vào làng hoạt động mà không bị phát hiện. Một ngày nọ, Trần Mót được giao nhiệm vụ đem lá thơ cảnh cáo đột nhập nhà Cửu Hân. Việc này đối với Trần Mót không khó. Sau hai ngày khuất phục lũ chó nhà Cửu Hân, tối hôm đó, Trần Mót đột nhập vào vườn, gỡ ngói thả tờ cáo trạng của cách mạng xuống nhà rồi nhanh chóng thoát ra ngoài… Từ ngày lên đường “đi với chú Sảng”, dứt khoát bỏ lại “quá khứ hư hỏng” sau lưng, ông đã một lòng kiên trung cách mạng, sống và hoạt động can trường cho đến ngày hy sinh và được công nhận là liệt sĩ. Một buổi sáng thật yên bình của miền quê cát trắng Mỹ Lợi. Anh Lê Phước Thái - cán bộ văn hóa xã dẫn chúng tôi đi thăm nhà thờ họ Lê. Đây là một ngôi nhà cổ năm gian nằm giữa lòng thôn 4. Ngôi nhà thờ này có một bảng thành tích nổi bật trong hai cuộc kháng chiến. Nhờ có lợi thế về địa hình, nhà thờ có thể bao quát cả vùng Mỹ Lợi rộng lớn, công thủ đều lợi hại. Một đặc điểm nhân tâm vô giá nữa là các thế hệ ông từ của nhà thờ họ, cũng như chú bác bà con sống chung quanh nhà thờ đều là những cơ sở cách mạng tin cẩn. Sau tổng khởi nghĩa, nhà thờ họ Lê trở thành trụ sở thôn 4, nơi dạy bình dân học vụ, hội họp. Đặc biệt tại đây ngày 1/11/1945 đã diễn ra sự kiện thành lập chi bộ Đảng Cộng Sản Đông Dương đầu tiên của xã Đại Lợi (tức Vinh Mỹ) do ông Phan Sung, Bí thư huyện ủy chủ trì. Ông Lê Quý Mỹ được chỉ định làm bí thư, Đoàn Giáo làm phó bí thư(1). Trong những ngày quân Pháp đóng đồn Mỹ Lợi, nhà thờ họ Lê cùng với khu vực ba cây trâm và miếu đỏ trở thành thế kiềng ba chân vững chắc bảo vệ cách mạng, bảo vệ cán bộ. Nhà thờ họ Lê là nơi ẩn náu của các cán bộ chủ chốt của tỉnh, huyện và xã. Bệ thờ hậu tẩm được xây kín tứ phía, trên lót tấm đoanh để đại phổ hệ và lư hương, cũng như cái rương 2 ngăn để từ khí và tầng thượng (tấm tra) đã trở thành nơi trú ẩn kín đáo khi địch lùng sục. Khu vực miếu đỏ linh thiêng ít người lui tới là nơi đặt hòm thư bí mật lý tưởng, chưa bao giờ bị lộ. Dưới tán lá ba cây trâm xanh mát, các chị em trong làng miệt mài chằm nón, thực tế là canh gác, nếu có dấu hiệu khả nghi, bất thường sẽ báo động về ngay nhà thờ họ Lê là “cơ quan đầu não”. Chúng tôi đã ghé thăm những nơi này. Ba cây trâm giờ chỉ còn một. Ngôi miếu đỏ vẫn còn nguyên vẻ linh thiêng, dù thời gian đã để lại những dấu mốc rêu trên mái ngói đỏ. Anh Trương Hòa, một người dân sống gần ngôi miếu nói năm nào lễ tết gia đình anh cũng ra hương khói ở đây... Từ tháng 2/1949 - 4/1952, địch rút khỏi đồn Mỹ Lợi và khu Ba trở thành vùng căn cứ du kích - mà nói như ông Lê Quý Mỹ, đây là thời kỳ huy hoàng của cách mạng vùng Mỹ Lợi - các đơn vị vũ trang tỉnh, đặc biệt các cơ quan đầu não của huyện, tỉnh trong năm 1950 đã từ chiến khu chuyển về đóng ở Mỹ Lợi và thường trực UBND tỉnh do ông Hoàng Anh làm chủ tịch cùng nhiều ngành đóng rải rác trong nhà dân thôn 4. Trung đoàn 101 về đây rèn cán chỉnh quân. Mỹ Lợi cũng trở thành trại an dưỡng cho thương binh. Nhà thờ họ Lê được chú bác thu gọn việc thờ phụng vào hậu tẩm nhường toàn bộ phía trước cho xã, huyện, tỉnh làm hội trường mở các lớp chi ủy viên, huyện ủy viên, hội nghị cán bộ lãnh đạo toàn tỉnh...(2) Đặc biệt, vào tháng 10/1950 một sự kiện quan trọng liên quan đến giới văn nghệ sĩ tỉnh Thừa Thiên - Huế là chính tại ngôi nhà thờ họ Lê này đã diễn ra Hội nghị văn nghệ sĩ toàn tỉnh hay còn gọi là cuộc “Họp bạn văn nghệ”, “đánh dấu sự ra mắt của Phân Hội Văn Nghệ Thừa Thiên. Lúc đầu dự kiến khoảng 150 người về dự, nhưng vì bị địch càn nên số văn nghệ sĩ phía bắc tỉnh không vào dự được, hội nghị chỉ còn 50 người. Trong cuộc “Họp bạn” có trình diễn các tiết mục văn nghệ, diễn vở “Nhật xuất” của Tào Ngu. Hội nghị đã tranh luận, trao đổi về thơ văn, nhạc, kịch, trao giải thưởng cho những tiết mục xuất sắc. Hội nghị đã tổng kết đánh giá và bầu Ban Chấp Hành Phân Hội Văn Nghệ Thừa Thiên - Huế. Nhà văn Trịnh Xuân An được cử làm Phân hội trưởng(2). Trong hồi ký của cố nhà văn Bùi Hiển, lúc bấy giờ là ủy viên kiểm tra của Sở Thông tin tuyên truyền Liên khu 4, đươc cử vào xây dựng phong trào văn nghệ cũng có nhắc đến sự kiện này: “…Ngay hôm khai mạc cũng có tiếng đại bác nổ đùng đùng quanh vùng, chúng tôi phải đề phòng địch càn. Vừa nghe Trịnh Xuân An đọc báo cáo, chúng tôi vừa chú ý theo dõi hướng nổ của đại bác địch. Nhìn ra ngoài đường, thấy một số đồng bào chạy nháo nhác. Sau đó yên lặng trở lại. Chúng tôi họp trong năm ngày, cũng có tranh luận, thảo luận về đủ các bộ môn văn thơ nhạc kịch; có phát giải thưởng, có tổ chức một đêm kịch (diễn cả “Nhật xuất”) và sau đó có tổng kết và bầu ban chấp hành Phân hội Văn nghệ Thừa Thiên…”(3). Như vậy, quê hương Mỹ Lợi những ngày ấy vinh dự trở thành vùng căn cứ của kháng chiến, không những là nơi các đồng chí lãnh đạo tỉnh về đây bám trụ và chỉ đạo phong trào, nơi rèn cán chỉnh quân, bồi dưỡng lý luận chính trị mà còn là cái nôi cung cấp nhân tài vật lực cho kháng chiến toàn tỉnh. Để có được những ngày huy hoàng ấy của cách mạng vùng khu Ba Phú Lộc (như cách nói của ông Lê Quý Mỹ), cán bộ và nhân dân nơi vùng chân sóng này đã trải qua biết bao mất mát đau thương. Biết bao là máu chảy đầu rơi cho những ngày Họp bạn văn nghệ! Lòng dân đùm bọc chở che cán bộ cách mạng. Trong những ngày họp bạn ấy, dân đào hầm bí mật che giấu văn nghệ sĩ, chăm lo từng bữa ăn giấc ngủ, cảnh giới những trận càn quét, truy lùng của địch... Sáu mươi năm đã trôi qua, giờ đây các văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế lại tìm về nơi đã hình thành nên đội ngũ của mình. Tôi cảm nhận trong buổi chiều yên bình trò chuyện cùng người cán bộ lão thành cách mạng đáng kính, cái sức nặng trong từng hơi thở, từng câu chuyện nhớ quên tên đất tên người, từng sợi tóc bạc trắng khói sương..., chỉ một câu thôi, là sống mà nhớ lấy... Trại sáng tác Vinh Mỹ, Phú Lộc tháng 8/2010 P.N.T (262/12-10) ------------------- (*) Ghi theo lời kể của ông Lê Quý Mỹ (còn có bí danh Lê Thái Tâm, nguyên Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy trong kháng chiến chống Pháp và Trưởng ban kinh tế Tỉnh ủy trong kháng chiến chống Mỹ); cán bộ lão thành cách mạng. (1) Tài liệu của nhà thờ Lê Phước Tộc (xã Vinh Mỹ- huyện Phú Lộc). (2) Võ Quê, “Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế hình thành và phát triển”. (3) Bùi Hiển, “Thừa Thiên một thuở” (hồi ký). |