Bút ký - Tản văn
Lần ấy chúng tôi được gặp Bác
14:30 | 07/03/2011
TRƯƠNG THỊ KHUÊ(Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân)                                Hồi ký
Lần ấy chúng tôi được gặp Bác
Ảnh: tintuc.xalo.vn

Tháng 8 năm 1968, tôi được đi dự đại hội Thanh niên - sinh viên thế giới tại Xô-phi-a (Bun-ga-ri). Sau gần hai tháng xa tổ quốc, được trở về lại thủ đô, tôi cảm thấy ấm cúng vô cùng. Đại biểu của Quân khu 4 có ba nữ: đồng chí Trần Thị Bưởi quê ở Vĩnh Linh, đồng chí Nguyễn Thị Xuân ở Quảng Bình và tôi. Ba chúng tôi được bố trí ăn, nghỉ tại nhà khách của Bộ Quốc phòng, chúng tôi sống gắn bó, thân thiết như chị em ruột.

Ngày 11-9 năm ấy, chúng tôi được đồng chí Minh cán bộ Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam báo tin: chúng tôi sẽ được đến thăm Bác Hồ. Tin vui đến với chúng tôi quá đột ngột. Tôi đứng ngồi không yên.

Mùa thu, trời Hà Nội trong sáng mát mẻ, dễ chịu… thế mà trong người tôi cứ nóng ran lên. Tôi vừa mừng, vừa lo: Mừng sắp được gặp Bác; lo vì đây là lần đầu được gặp Bác, mình nên thưa với Bác những gì? Nếu Bác hỏi, mình có bình tĩnh để thưa lại với Bác thật cặn kẽ không…?

9 giờ sáng, xe ô tô đưa chúng tôi đến phủ Chủ tịch! Chúng tôi đang lúng túng khi gặp Bác nên đứng nghiêm chào theo điều lệnh quân đội, hay là vòng tay trước ngực rồi thưa: “Dạ, kính thưa Bác”? Chưa biết nên như thế nào, thì rất may, chú Vũ Kỳ bảo: “Các cháu là dân quân, chào Bác theo lối quân sự nhé!”. Tôi thở phào nhẹ nhõm, nhưng chưa kịp trấn tĩnh, đã thấy Bác ngồi bên cạnh chiếc bàn tròn và đang chăm chú đọc báo. Ba chúng tôi xếp thành hàng, trước thềm nhà.

Thưa Bác, ba cháu dân quân gái quân khu 4 được Bác cho vào gặp đã đến. Chú Vũ Kỳ nói.

Bác ngẩng đầu lên, chúng tôi đưa tay lên vành mũ chào Bác. Bác cười rất vui và mời chúng tôi ngồi.

Trên bàn, đã để sẵn một đĩa kẹo và một đĩa bánh. Tôi chăm chú ngắm Bác, thấy Bác khỏe mạnh nước da hồng hào, mắt Bác sáng và nhanh nhẹn, râu và tóc bạc phơ như một ông tiên. Bác đội chiếc mũ vải màu xanh công nhân đã bạc màu, áo cộc tay ba túi, chân đi dép cao su quai to, gót đã mòn. Càng ngắm, tôi càng thấy Bác quá giản dị, gần gũi và thân thiết lạ lùng.

Chú Vũ Kỳ giới thiệu với Bác về tên tuổi, quê quán… của từng người trong chúng tôi.

Nghe xong, Bác cười rất hiền hậu:

- Các cháu ăn kẹo, ăn bánh đi. Vừa nói, Bác vừa bưng đĩa kẹo lên đưa cho mỗi chúng tôi. Ăn kẹo chưa hết, Bác lại đưa tiếp cho chúng tôi mỗi người một chiếc bánh. Bác nhìn tôi âu yếm và hỏi:

- Cháu ở Vĩnh Linh có bị máy bay B52 đánh nhiều không? Câu hỏi của Bác làm tôi rất xúc động. Bác trăm công nghìn việc mà vẫn dành thời giờ quan tâm theo dõi đến một vùng quê nhỏ hẹp của tôi. Rất xúc động, nhưng tôi cố hết sức bình tĩnh để thưa với Bác:

- Dạ, thưa Bác: Máy bay B52 đánh xuống Vĩnh Linh nhiều lắm, riêng xã cháu đã năm lần bị đánh B52, còn bom “tọa độ”, pháo địch từ bờ nam bắn sang và tàu biển địch bắn vào thì không kể hết được ạ.

Một nét buồn hiện lên cặp mắt hiền từ của Bác. Tôi băn khoăn tự trách mình sao lại kể cái ác liệt ra để làm Bác phải đau lòng. Bác hỏi tiếp:

- Địch đánh như thế bà con ta ăn ở ra sao?

- Thưa Bác, bà con vẫn tìm cách ăn ở được ạ. Ăn ở đều dưới hầm, đi lại từ nhà này sang nhà khác, từ xóm này sang xóm khác đều có giao thông hào ạ.

- Ăn ở dưới hầm như vậy, sức khỏe của bà con có bảo đảm không?

- Dạ, thưa Bác, hầm rộng rãi, tối ngủ vẫn mắc được màn. Nhà nào cũng có hầm ngủ, hầm nấu ăn, hầm chăn nuôi gia súc. Đội sản xuất và hợp tác xã có hầm để hội họp và thỉnh thoảng có tổ chức chiếu phim, diễn văn nghệ cho bà con xem.

- Thế có sản xuất được không? Bà con ăn có no không?

- Thưa Bác, bà con làm hầm ở ngoài đồng ruộng để cày cấy, gặt hái, sản xuất được nên ăn no, bình quân đầu người ăn mười sáu ký thóc một tháng, còn khoai sắn muốn ăn lúc nào cũng có ạ.

Bác cười rất vui và gật gật đầu: “Bà con ta ăn no, đánh Mỹ giỏi, sản xuất được thế là tốt”. Nói xong Bác lại cười vui hơn.

Thấy Bác vui, Bác cười thoải mái, chúng tôi mừng lắm.

Riêng tôi cảm thấy mình thưa với Bác chưa đầy đủ, tôi tự trách tại sao lúc nãy mình lại không thưa với Bác rằng: Hầm ở Vĩnh Linh rất chắc chắn thành một thế trận hẳn hoi, nhiều lúc bom địch nổ trên hầm mà bà con ở dưới hầm vẫn an toàn. Rằng có những hợp tác xã như Vĩnh Kim là vùng bị đánh phá ác liệt nhất, năng suất lúa vẫn đạt 5 tấn/ha. Có cả bộ đội pháo binh của ta thường xuyên đánh trả máy bay, tàu chiến Mỹ để bảo vệ nhân dân gặt mùa…

Sau khi đồng chí Xuân thưa chuyện với Bác xong. Bác đưa kẹo tiếp cho mỗi chúng tôi và Bác khen: “Các cháu giỏi lắm”. Số kẹo còn lại Bác chia ba rồi lấy báo gói lại, phát cho mỗi chúng tôi. Bác dặn:

- Các cháu ăn không hết thì đưa về nhà mà ăn.

Tôi cầm gói kẹo Bác cho mà cảm động, muốn khóc.

- Ra Hà Nội, các cháu đã được đi tham quan ở đâu chưa? Đến Hà Nội các cháu nhớ được những tên phố nào rồi? Kể cho Bác nghe đi.

Tôi thưa với Bác:

- Chúng cháu chưa đi đâu cả ạ.

Bác cười:

- Bác sẽ nói với các chú bên Tổng cục chính trị đưa các cháu đi xem để sau này còn về kể lại cho bà con cô bác nghe nữa chứ.

Nói xong, Bác đứng dậy, xốc lại áo và dẫn chúng tôi ra sân chụp ảnh. Ra đến sân, Bác bảo:

- Nghe nói dân quân Quảng Bình, Vĩnh Linh hát hay lắm, ba cháu hát cho Bác nghe ba bài nhé.

Chúng tôi bẽn lẽn nhìn nhau, nhưng rồi tôi mạnh dạn xung phong trước. Khi tôi vừa cất giọng thì Bác khoát tay với các chú đang đứng trong sân “đến nhanh lên để nghe các cháu hát”. Tôi hò một câu mái nhì do đội văn nghệ xã Vĩnh Thủy sáng tác:

Rừng Thủy ba nhiều cây gỗ quý

Người Vĩnh Thủy ý chí kiên cường,

Quê hương ơi vời vợi mến thương

Càng qua lửa đạn càng thêm trưởng thành


Tiếp đó đồng chí Xuân ngâm bài thơ về “Quảng Bình” và đồng chí Bưởi hát bài “Ai đã tới miền quê em Quảng Trị Thừa Thiên”.

Bác khen:

- Các cháu hát hay lắm.

- Các cháu gái hát rồi, giờ đến lượt các chú hát cho các cháu nghe.

Các chú nhìn nhau cười.

- Sao lại cười? Hát đi chứ.

Một chú thưa:

- Thưa Bác các cháu không biết hát xin nghe các cháu gái hát thôi ạ.

Cả mấy Bác cháu cùng cười to, rất vui, lúc này đồng chí nhiếp ảnh đang tìm chọn một vị trí đứng chụp cho thích hợp.

Bác thân mật hỏi:

- Cháu nào muốn đứng gần Bác? Cả ba chúng tôi reo lên:

- Cháu ạ.

- Cháu.

- Cháu ạ.

- Vậy thì cho mỗi cháu đứng gần Bác một lần, ta chụp ba lần.

Chụp ảnh xong, Bác dẫn chúng tôi đến trước nhà Bác. Cây phong lan nở những chùm hoa trắng mịn tỏa một mùi thơm dịu dàng. Bác đưa tay ngắt ba chùm phong lan tặng cho mỗi chúng tôi. Bác ân cần bảo:

- Hoa phong lan của Bác rất đẹp, nhưng thành tích của các cháu còn đẹp hơn hoa. Các cháu hãy giữ gìn và phát huy thành tích để tươi mãi như hoa. Trở về Quảng Bình, Vĩnh Linh, Bác gửi lời thăm bà con cô bác trong đó. Bác chúc bà con cô bác chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi. Riêng ba cháu phải chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi hơn nữa, phải khiêm tốn học tập nhiều hơn nữa.

Bác khoan thai bước vào nhà, chúng tôi tần ngần đứng ngắm theo, mãi đến khi bóng Bác khuất sau khung cửa, ba chúng tôi mới theo chú Vũ Kỳ ra xe.

Mấy ngày hôm sau, chúng tôi được đi tham quan một số danh lam thắng cảnh ở Hà Nội.

Ngày 16-9-1968, một tin vui bất ngờ nữa lại đến với chúng tôi: Bác gọi cho ba chúng tôi được vào ăn cơm với Bác.

Xe chở chúng tôi đến phủ Chủ tịch vừa dừng lại, tôi đã nhìn thấy Bác và thủ tướng Phạm Văn Đồng đứng đợi ở cửa. Thủ tướng ân cần hỏi thăm chúng tôi rồi dẫn vào nhà. Thấy chúng tôi đang lúng túng cởi giày, Bác hỏi:

- Ở nhà các cháu đi giày à?

- Thưa Bác, ở nhà chúng cháu đi dép cao su ạ.

- Ừ, đi dép cao su tiện lắm, đi giày không tiện bằng đi dép đâu.

Bác mời chúng tôi ngồi vào bàn ăn và Bác giới thiệu:

- Hôm nay chú Đồng đãi cơm các cháu đó.

Thủ tướng nói:

- Không phải cơm của cháu đâu, của Bác đó, Bác có cho chú mới đãi, Bác không cho thì chú không dám.

Cả mấy Bác cháu cười vui ấm cúng.

Bữa cơm trưa hôm đó những món thức ăn thật bình dị và đều là những “món ăn khu 4”: Cá trê kho, rau muống luộc chấm nước mắm ớt, cà “pháo” muối, khoai sọ nấu canh, thịt gà luộc.

Bác tự tay xới cơm cho mỗi chúng tôi, rồi Bác gắp đầu gà lên và hỏi:

- Cháu nào nhỏ nhất?

Đồng chí Bưởi đứng dậy. Bác cho đầu gà vào bát cơm của đồng chí Bưởi.

- Cháu nào lớn nhất?

Tôi đứng dậy:

- Dạ thưa Bác, cháu ạ.

Bác gắp lên bát tôi một cái phao câu và Bác gắp tiếp vào bát của đồng chí Xuân cái cánh.

Tôi vốn mồ côi từ khi lên tám tuổi, ở với bố, cảnh “gà trống nuôi con”. Nhưng rồi giặc Mỹ đã cướp mất bố tôi trong một trận B52. Tôi phải sống cảnh mồ côi cả mẹ lẫn bố… Giờ đây được bưng bát cơm tự tay Bác xới cho, tôi nghẹn ngào xúc động không sao ăn được.

Hình như thấu hiểu nỗi lòng của mỗi chúng tôi lúc này, Bác cười, giọng nhỏ nhẹ trìu mến.

- Các cháu ăn đi. Hồi còn trẻ, cả liễn cơm này Bác ăn một lúc là xong. Bây giờ, các cháu phải ăn thật khỏe để còn chiến đấu chứ!

Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng nói nhỏ nhẹ:

- Các con ăn đi. Gắng ăn đi.

Vâng lời Bác và thủ tướng, chúng tôi nén xúc động, ăn tiếp.

Sau bữa cơm, không dám làm mất nhiều thì giờ ảnh hưởng đến sức khỏe của Bác, chúng tôi luyến tiếc đứng dậy xin phép Bác và Thủ tướng ra về.

Bác và Thủ tướng gật đầu, và Bác dặn:

- Nếu các cháu còn ở đây, khi nào Bác với chú gọi thì vào kể chuyện cho Bác và chú nghe. Nếu ngày mai các cháu về, Bác gửi lời thăm quân và dân khu 4 nói chung, Quảng Bình và Vĩnh Linh nói riêng chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi, nhất là bảo đảm giao thông vận tải thông suốt là Bác khỏe, Bác vui.

Tối ngày 20-9-1968, chúng tôi lại được Bác cho phép vào xem văn công. Bác cho ba chúng tôi được ngồi gần Bác rồi Bác giới thiệu với các chú về tên tuổi, quê quán, học hành, về thành tích chiến đấu… của mỗi chúng tôi, rất đầy đủ, chính xác.

Trời, Bác nghe chú Vũ Kỳ giới thiệu về ba chúng tôi mới chỉ một lần, thế mà Bác còn nhớ rất chi tiết. Bác của mình đang rất minh mẫn, trí nhớ của Bác tuyệt diệu… Tôi mừng trong bụng.

Trong quá trình xem văn công cứ biểu diễn xong một tiết mục Bác gọi đến với đến và thưởng một chiếc kẹo, tiết mục hay được người xem vỗ tay nhiệt liệt thì được Bác thưởng hai chiếc kẹo, cứ thế cho đến lúc kết thúc buổi biểu diễn.

Xem văn công xong, ba chúng tôi theo Bác ra cửa. Xuống đến bậc thang thứ tư Bác quay lại hỏi:

- Các cháu muốn nói gì với Bác nữa không?

Chao ôi! Đã đến lúc phải chia tay Bác rồi, biết khi nào mới được gặp lại Bác nữa? Mấy lần được gặp Bác. Tôi càng thấy Bác giản dị, gần gũi và thân thiết như một người ông với đàn cháu nhỏ trong nhà. Tôi muốn thưa với Bác biết bao nhiêu chuyện nữa, nhưng không sao nói được thành lời. Đồng chí Xuân và đồng chí Bưởi đứng yên lặng, tần ngần, rơm rớm nước mắt.

Tôi cố nén xúc động và thưa với Bác:

- Dạ, thưa Bác xin phép Bác cho chúng cháu được hôn lên má Bác ạ.

Thú thật, không biết sao lúc đó tôi lại mạnh dạn thưa với Bác điều đó.

Bác cười đôn hậu.

- Các cháu hôn vừa, không thì sọp má Bác mất.

Bác đồng ý cho ba chúng tôi được hôn lên má Bác. Đồng chí Xuân hôn Bác trước, rồi đồng chí Bưởi, đến lượt tôi, trong lòng rạo rực, tôi mang tất cả tấm lòng thành kính và biết ơn sâu sắc của một đứa cháu mồ côi ở miền đất lửa Vĩnh Linh kính cẩn hôn lên má vị cha già vô vàn kính yêu…

Tôi vừa hôn Bác xong, Bác cười:

- Cháu đi quốc tế về mà hôn không kêu gì cả ; kể cả ba cháu. Đi quốc tế hôn phải kêu, không thì họ cười cho đấy! Bác cháu cùng cười.

Chúng tôi phải chia tay Bác. Về đến nhà, đêm đó không sao ngủ được chúng tôi thao thức ôn lại từng cử chỉ, giọng nói, tiếng cười của Bác; nhớ lại hình ảnh Bác cho kẹo, cho chụp ảnh chung với Bác, Bác cho ăn cơm, cho xem văn công, cho được hôn lên má Bác… Những lời dạy bảo ân cần của Bác “Các cháu phải chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi, phải khiêm tốn, học tập giỏi” và “Các cháu về Quảng Bình Vĩnh Linh, Bác gửi lời thăm bà con cô bác trong đó…” Tất cả đã đi vào ký ức của mỗi chúng tôi…

T.T.K.
(13/6-85)


 




Các bài mới
Lập công (24/07/2023)
Hoa ở Huế (23/06/2023)
Các bài đã đăng
Xuân tinh khôi (28/01/2011)
Xuân không mùa (25/01/2011)
Hoa Kim Anh (08/10/2010)