Bút ký - Tản văn
Ký ức ngày trở về
14:26 | 25/03/2011
NGUYỄN CƯƠNGKỷ niệm 36 năm ngày giải phóng Huế 26/3/1975 - 26/3/2011
Ký ức ngày trở về
Ảnh: Internet

B
ây giờ tôi mới có dịp ngồi nhớ lại những kỷ niệm không thể phai mờ trong ký ức ngày trở về quê hương rộn rã niềm vui chiến thắng. Tôi nghĩ cần ghi lại đây những cảm xúc của một thời đã qua, nhưng rất đáng nhớ và chưa phải xa lắm.

Nhớ lại cách đây gần 40 năm, lúc mà cuộc chiến đấu chống Mỹ ở cả hai miền Nam Bắc đang diễn ra quyết liệt. Giữa lúc đó, chiến trường B kêu gọi giục giã những người con quê hương miền Nam trở về tham gia chiến đấu chống Mỹ cứu nước, dù ở bất kỳ cương vị công tác gì cũng đều có cơ hội đóng góp. Với tinh thần xung phong và được lệnh điều động của Bộ Y tế và Ban thống nhất Trung ương, tôi rời gia đình ở gian phòng của phố cổ Mã Mây Hà Nội để vào Nam. Với chiếc ba lô trên vai, đầu đội mũ tai bèo, bộ áo quần quân phục mới thơm mùi lính, tôi chuẩn bị chia tay vợ con lên đường. Lúc đó nhiều cảm xúc buồn vui lẫn lộn dâng trào, bùi ngùi thương nhớ trong khoé mắt người thân, tôi vẫn tâm niệm sẽ gặp lại nhau, nhưng chưa biết khi nào…

Vào đến nơi, tôi được phân công về bộ phận nghiệp vụ y của Ty Y tế Thừa Thiên Huế. Trụ sở cơ quan được dấu kín dưới tán cây rừng nằm sát bờ con sông A Sáp (A Lưới) nước trong xanh lững lờ chảy hiền hoà thơ mộng chẳng khác gì những đoạn hẹp của sông Hương mà sau này tôi đã có nhiều dịp đi qua.

Công việc chủ yếu của chúng tôi - đội ngũ y tá, y sĩ, bác sĩ, dược sĩ - là sản xuất tự túc chờ điều động tham gia phục vụ chiến đấu ở tuyến trước đang cần tăng cường chi viện. Hàng ngày có bộ phận trực làm chuyên môn (Bệnh viện dã chiến gần đấy), có bộ phận đi làm nương rẫy chủ yếu là trồng và thu hoạch bắp, khoai, sắn. Công cụ sản xuất là dao rựa, cuốc, liềm với “phương thức” là “phát, cốt, đốt, trỉa” cùng làm rẫy với đồng bào Pakô, Tà ôi.

Thời gian cứ trôi đi. Tin vui chiến thắng ở tuyến trước vang vọng về làm nức lòng mọi người. Tôi có một chuyến công tác và sau chuyến công tác đó về, tình thế thay đổi quá nhanh, bất ngờ. Đó là tôi được phân công đi làm nhiệm vụ bảo vệ sức khoẻ cho 2 đồng chí cán bộ lãnh đạo cấp Bộ đang tham gia Hội đồng hương Huế ở Hà Nội: Bác Phan Sung(*) - thân sinh của Bs Phan Thị Liên bạn học cùng khoá với tôi hiện là Chủ tịch Hội kế hoạch hoá gia đình - quê ở Phú Lộc và Bác Tôn Thất Lương(*) quê ở Huế. Nhiệm vụ của hai bác là vào nắm tình hình chiến sự ở Thừa Thiên Huế, báo cáo lại với Ban thống nhất T.W và bà con đồng hương đang nức lòng chờ tin chiến thắng từng ngày… Chặng công tác cuối cùng là ở huyện Hương Trà, lúc đó đ/c Hường Thọ làm Bí thư Huyện ủy tiếp sau là huyện Phong Điền, lúc ấy đ/c Lê Tư Sơn(*) làm Bí thư Huyện ủy. Một chi tiết tôi còn nhớ mãi là tại căn cứ Phong Điền, bên này khe nước nóng Thanh Tân là cơ quan Huyện ủy đóng, bên kia núi là địch kiểm soát. Đ/c Tư Sơn đã đưa chúng tôi ra thăm khe suối nước nóng chảy thành dòng bên chân núi thật thơ mộng, nhưng cũng phải cảnh giác vì địch có thể câu pháo sang bất cứ lúc nào, nếu chúng phát hiện được. (Sau này khi về tiếp quản Huế chưa được bao lâu, một đoàn cán bộ y tế đã đến khảo sát rất sớm suối nước nóng Thanh Tân gồm Bs Nguyễn Đức Khiển, D.S Phan Trung Ký, BS Nguyễn Văn Lập(*) Bs Phan Hoàng và tôi. Có thể nói đây là những dấu chân đầu tiên sơ khai trên vùng đất này để hình thành ý tưởng khai thác sản xuất nước khoáng và đến bây giờ đã hình thành khu du lịch suối khoáng nước nóng Thanh Tân thu hút nhiều du khách đã có sự đóng góp ban đầu như thế đấy).

Chuyến đi an toàn, đoàn thu được nhiều thông tin sốt dẻo về tình hình chiến sự và đời sống sinh hoạt của quân dân vùng giải phóng Trị Thiên. Sau chuyến công tác là thời gian giáp Tết. Không hiểu sao trên lại lệnh về cho các đơn vị, cơ quan được ăn Tết sớm hơn mọi năm ít ngày. Chúng tôi túm tụm đoán già, đoán non … Không khí Tết 1975 rộn rã, có thịt heo, thịt gà, bánh tét, mứt gừng, cành hoa mai vàng, hoa đào đỏ thắm (tự làm bằng giấy), những cành hoa rừng thì rất giống cành mai cành đào, có cả trà Bắc Thái, thuốc lá Tam Đảo, Điện Biên mới được tiếp tế. Chúng tôi được ăn một cái tết đủ đầy và thật ý nghĩa.!.

Sau khi ăn Tết sớm, một thông tin bất ngờ đến ngỡ ngàng: Chuẩn bị tiếp quản Huế. Rồi những cuộc họp đột xuất, nhanh chóng diễn ra rộn rã. Các cơ quan đơn vị tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ của mình để phân công công việc theo từng bộ phận. Ngành y tế được giao nhiệm vụ thành lập Đoàn cán bộ về tiếp quản các cơ sở y tế của các huyện và thành Phố Huế. Tôi vinh dự được chọn trong đoàn Cán bộ tiếp quản do BS Lê Minh Toại lúc đó là Quyền tưởng Ty Y tế làm trưởng đoàn. Đoàn khoảng 15 người là BS, DS, cán bộ Chính trị mỗi người được đo may gấp 1 bộ quần áo mới (sơ mi trắng Pô-pơ-lin Trung Quốc, quần màu xám xi-mi-li Tiệp khắc). Hành trang lên đường của mỗi người chỉ là một chiếc ba lô gọn nhẹ. Nhiều đêm trước lúc lên đường chúng tôi đều thao thức với nhiều ý nghĩ miên man hình dung về công việc, rồi gặp lại gia đình, bè bạn người thân. Đêm giữa núi rừng Trường Sơn mưa xuân rơi nặng hạt, giá buốt. Nhưng hình như ai cũng thấy ấm lòng bởi niềm vui lớn lao: Ngày giải phóng Huế đang cận kề! Khúc khải hoàn ca đang đến gần.

Chúng tôi được lệnh lên đường về tiếp quản Huế khoảng 10 ngày trước khi Huế được giải phóng vào ngày 26/3/1975. Cuộc chia tay chớp nhoáng với anh em bạn bè ở lại bịn rịn và hẹn gặp lại một ngày không xa nữa. Hành quân bằng xe “Zin” 2 cầu của Liên Xô. Mỗi người đều mặc quân phục, mũ tai bèo, ba lô trên vai. Lương thực, thực phẩm gồm gạo, cá hộp, thịt hộp, muối, bột ngọt… Đường xấu, xóc nhiều, chuyện trò trên xe nở rôm rả, nhưng cũng có lúc tất cả đều yên lặng. Trong sâu thẳm mỗi người đều đang theo đuổi ý nghĩ riêng của mình. Ngày hành quân đầu tiên kết thúc tại lăng Tự Đức như đã dự kiến và đoàn sẽ trụ lại đây chờ ngày về tiếp quản Huế. Lúc đó. đây là vùng khá an toàn vì đã sát ngày giải phóng, nhưng vẫn phải bí mật và cảnh giác cao. Những đơn vị khác cùng về, đóng ở đâu chúng tôi cũng không rõ, ai tự biết đoàn mình mà thôi. Thỉnh thoảng chỉ nghe một vài loạt đạn rời rạc xa xa vọng lại. Tôi nhớ rõ, trông coi lăng Tự Đức lúc đó chỉ có một bà già ăn mặc theo theo kiểu tu hành. Bà già khá cởi mở và tốt bụng, nhưng không hiểu nhiều lắm về cuộc chiến, chỉ biết rằng chiến tranh sắp kết thúc, quân ngụy đang tháo chạy, mặt trận giải phóng đang tiến về. Chúng tôi xin phép bà được nấu ăn và tìm cách mắc võng ngủ trong khuôn viên lăng, có cử người canh gác (Trong đoàn được phép mang theo vũ khí tự vệ). Trong một lần lân la trò chuyện với bà già trông giữ lăng, tôi mạnh dạn hỏi thăm bà về một người thân của tôi mà chắc là bà có thể biết. Đó là bà dì - Sư Bà Diệu Không(*) - Quả vậy, bà biết khá rõ về người nữ tu danh tiếng khắp miền lâu nay. Bà nói: “…Nhưng hiện Sư Bà không còn ở chùa Hồng Ân mà đã vào TP.HCM”. Kỷ luật đóng quân không cho phép ra khỏi khuôn viên của lăng, nên chúng tôi không biết tình hình bên ngoài thế nào cả, thỉnh thoảng chỉ nghe tiếng xe chạy qua. Ai ai cũng náo nức trông chờ ngày về tiếp quản.

Rồi giờ phút vào trung tâm thành phố đã đến. Xe các cơ quan đơn vị dân chính đều tập trung trước lăng. Chúng tôi lại ngồi trên xe ôtô từ từ lăn bánh trên đường về Huế. Trên mỗi đầu xe đều có cắm cờ Mặt trận dân tộc giải phóng nửa đỏ nửa xanh bay phần phật rất đỗi tự hào. Chúng tôi tâm trạng hồi hộp, rộn ràng xen lẫn ngạc nhiên khi quan sát con người và cảnh vật hai bên đường. Mọi người kéo ra đường xem đoàn xe đi qua và vỗ tay hoan hô. Đã thấy xuất hiện trên phố nhiều cờ giải phóng. Người không đông lắm, có một số nhà khoá cửa đi vắng, vẫn có xe ôtô và xe Hon da qua lại ngược xuôi (lần đầu tiên tôi thấy xe Hon da). Có người dẫn đường theo xe, cho nên chúng tôi không gặp khó khăn gì khi đến Ty Y tế cũ. Mọi thứ gần như còn nguyên vẹn của một cơ quan hành chính ngụy quyền. Đến bây giờ tôi vẫn còn giữ lại được hai gạt tàn thuốc lá của phòng Trưởng Ty làm việc trên tầng 2 trụ sở (28 Lê Lợi - Hiện nay là Sở Y tế Thừa Thiên Huế). Chúng tôi ăn, ở, làm việc luôn trong trụ sở. Những ngày nhân viên y tế cũ đến trình diện, trên nét mặt họ chúng tôi như thấy được vẻ yên tâm xen lẫn nét âu lo! Những ngày này đường phố hoàn toàn im tiếng súng và không hề có sự lộn xộn. Chỉ một thời gian rất ngắn sau ngày 26/3, Bộ Y tế có quyết định chính thức BS Thái Tuấn(*) từ Hà Nội vào làm Trưởng Ty (Trước đó BS Thái Tuấn ở chiến trường được ra miền Bắc chữa bệnh). Nhờ sự giúp đỡ của số nhân viên cũ, bộ phận Dược bắt đầu kiểm kê kho thuốc và thuốc phòng dịch. Sau đó chúng tôi gồm BS Lê Đức Đại, BS Nguyễn Văn Tài, BS Nguyễn Tấn Bảo, DS Phan Văn Chúng, DS Phan Trung Ký, DS Nguyễn Văn Đẩu và tôi qua làm việc với Bệnh viện Huế (bây giờ là Bệnh viện Trung ương Huế) lúc đó đã có đoàn BS từ Quảng Trị vào tiếp quản do BS Lê Văn Hào là Trưởng Ban điều hành. Chúng tôi đã gặp và trao đổi với số BS vẫn ở lại làm việc như BS Bách(*)BS Châu, BS Bửu, BS Tự, BS Bàng… Bệnh nhân không nhiều lắm, vào thời điểm đó tạm thời có gặp khó khăn về thuốc men và phương tiện chữa trị. Nhưng sau đó đã có sự chi viện kịp thời từ Bộ Y tế. Cũng ở Bệnh viện Huế, tại phòng làm việc của BS Lê Văn Hào tôi biết được chính xác tin tức gia đình ở Huế qua nữ tu Diệu Tấn đang làm công quả ở Bệnh viện, hiện nay là Sư Bà Diệu Tấn (Trụ trì chùa Diệu Đức) chị ruột của bà Tôn Nữ Xuân Thảo, Tôn Nữ Kim Oanh cũng là cán bộ y tế từ miền Bắc vào tiếp quản chi viện. Sau đó chính Sư Bà Diệu Tấn đã đưa tôi cùng BS Bích Đào lên thăm gia đình tại Nam Giao. Bữa cơm trưa hôm đó quá ngon lành với canh cá bống, tôm kho thịt, rau muống luộc… mà lâu lắm tôi mới được ăn lại. Chính ngôi nhà vườn đó qua 36 năm đến nay qua nhiều lần thay đổi chủ đã trở thành “Nam Giao Hoài Cổ” nhưng ngôi nhà rường cổ thì được cô Phạm Như Anh (người yêu của Nguyễn Văn Thạc) là cháu trong gia đình đưa sang Đức đặt ở Thành Phố Hanover và đã trở thành một kỷ vật gia đình. Cũng cần nói thêm trong những năm tháng ở Trường Sơn, anh Nguyễn Hữu Vấn nguyên Phó chủ tịch UBMTTQVN tỉnh và anh Nguyễn Đắc Xuân hoạt động Nội thành đã chuyển được thư của tôi về gia đình qua sư cô Tịnh Giải ở chùa Kiều Đàm (là chị ruột của bà Trương Bích Thủy (Nghĩa) hiện là thường trực Ban liên lạc đồng hương Hà Nội - Thừa Thiên Huế).

Thăm được gia đình bên ngoại ở Nam Giao sau đó ít ngày tôi đã tranh thủ về thăm làng nội ở Chợ Nọ - Phú Dương - Phú Vang. Cũng thật linh thiêng, tôi về nhà thờ ông bà nội đúng vào ngày kỵ. Anh em bà con chú bác sau bao năm xa cách vì chiến tranh gặp lại nhau vui mừng khôn xiết, những giọt nước mắt lăn dài trên má. Lúc rời ngôi nhà này ra đi tôi chỉ mới vừa tròn 12 tuổi! Một chuyện tình cờ khác cũng như bao nhiêu chuyện của nhiều người trở về sau ngày giải phóng. Đó là về Huế được chừng dăm hôm, tôi tìm về lại nhà ông chú ở đường Phan Chu Trinh mà hồi nhỏ tôi đã từng sống và đi học, tôi nhớ đường, nhớ đúng ngôi nhà. Tôi thấy cổng mở, không có người trong nhà, một chút phân vân rồi tôi vẫn mạnh dạn bước vào. Quang cảnh trong nhà hết sức lộn xộn, đèn nêông vẫn nhấp nháy không biết đã bao nhiêu ngày rồi, chắc chắn là có kẻ xấu vào lục lọi khi cả nhà đi di tản (sau này tôi được biết là đi vào Sài Gòn). Một điều hết sức ngạc nhiên và bất ngờ khi tôi cúi nhìn xuống đất nhặt lên một tấm ảnh thì đó là ảnh của ba mẹ con tôi chụp cách đây 20 năm trước khi ra Bắc! Tôi bỏ tấm ảnh vào túi áo ngực và bước ra khỏi nhà với bao kỷ niệm thuở thiếu thời ùa về.

Công việc tiếp quản y tế cơ sở đã tạm ổn. Một hôm, BS Thái Tuấn gọi tôi đi cùng sang làm việc với Trường đại học Y Huế. Chúng tôi đã gặp Ban điều hành trường có BS Đoàn Văn Quýnh, BS Xuân Quế, cùng với các BS Bộ Y tế chi viện. Sau khi làm việc, nắm tình hình, BS Thái Tuấn đã gặp gỡ nói chuyện hết sức chân tình cởi mở với số BS và sinh viên vẫn bám lớp bám trường.

Chỉ một thời gian ngắn sau ngày 26/3/1975, Bộ Y tế đã cử một đoàn cán bộ y tế vào chi viện và một số cán bộ công tác ở chiến trường ra miền Bắc chữa bệnh trở về lại quê hương như BS Trần Hữu Hy, BS Nguyễn Đức Khiển, BS Trần Xuân Sáu, BS Lê Kim Anh…, công tác ở văn phòng Ty; BS Hồ Văn Cung(*) Giám đốc Bệnh viện Huế thay BS Lê Văn Hào được điều động về làm Trưởng phòng y tế TP rồi Trạm trưởng Trạm Chống lao và sau này trước khi nghỉ hưu là Giám đốc sở y tế Quảng Trị. BS Nguyễn Tấn Viên (chủ nhiệm khoa Nhi), y sĩ Thanh Tâm (vợ nhà thơ Thanh Hải)… Khi có các đoàn chi viện vào, công việc thật tất bật, tăng cường cán bộ ngay cho tuyến cơ sở để công việc phòng bệnh, chữa bệnh sớm trở lại bình thường. Số anh chị em nhân viên ytế cũ ở lại đều được sử dụng hết. Tất cả bắt tay vào nhiệm vụ mới theo phân công.

Giữa lúc đó, tôi lại được lệnh của Tỉnh tham gia đoàn công tác về các huyện để nắm tình hình giải quyết cứu đói, tìm người thất lạc khi di tản và phòng bệnh, phòng dịch có nguy cơ xảy ra. Thời gian không lâu bộ máy tiếp quản của các huyện đã sớm hoạt động bình thường, tự lo được các công việc hàng ngày cho dân, chúng tôi lại trở về cơ quan cũ tiếp tục với bao việc ngổn ngang bộn bề phải lo toan trong thời gian đầu tiếp quản.

Khoảng chừng 20 hôm sau giải phóng, ngành Y tế lại được đón đoàn của Bệnh viện Việt Đức do Giáo sư Tôn Thất Tùng(*) - Người con của quê hương - cùng với phu nhân - Bà Vi Thị Nguyệt Hồ - vào thăm và làm việc. Tôi được tháp tùng đi cùng giáo sư lên thăm lại nhà xưa của gia đình tại Bầu Vá (Phường Đúc) sau mấy chục năm xa cách để đi theo Cách mạng.

Và nhiều, nhiều kỷ niệm đáng nhớ khác không thể viết hết. Nhưng có một chuyện cần kể thêm. Do mải tất bật với công việc, mấy ngày sau tiếp quản, một buổi tối, tôi mới tranh thủ được ngồi viết thư cho cha mẹ đang ở Thanh Hoá và vợ con ở Hà Nội. Rồi khoảng gần cuối tháng 4/1975, tôi được đi công tác Hà Nội - cùng với một số BS, DS để lo thuốc men, phương tiện kỹ thuật y tế cho vùng mới giải phóng. Tôi thực sự vui mừng, náo nức xen lẫn hồi hộp. Xe dừng lại ở Thanh Hoá, tôi đã gặp được ba mẹ và cô em gái trong nỗi mừng vui. Ra đến Hà Nội, cũng tại căn phòng Phố cổ Mã Mây lúc chia tay, ông bà ngoại, các cháu, vợ tôi và hai con gặp lại nhau xúc động không nói nên lời, niềm vui và hạnh phúc dâng trào sau ngày chiến thắng.

N.C
(265/3-11)



-----------
(*) Các vị này đều đã qua đời.          




Các bài mới
Lập công (24/07/2023)
Hoa ở Huế (23/06/2023)
Các bài đã đăng
Xuân tinh khôi (28/01/2011)
Xuân không mùa (25/01/2011)
Hoa Kim Anh (08/10/2010)