[if gte mso 9]>
Normal
0
false
false
false
MicrosoftInternetExplorer4
Gần hết giờ học bài đêm, có thể ngồi lặng lẽ làm thơ mà không ai biết. Lên buồng ngủ, khuya thắp ngọn nến trắng góc giường, đủ ánh sáng để trầm tư và viết. Đọc sách liên miên, cũng dưới ngọn đèn leo lét trong màn.
Tìm sách báo thì có thư viện thầy Trịnh Xuân Dương. Nhưng hay nhất, thích nhất vẫn là quán sách Hương Giang của anh chị Hải Triều.
Nó ở bên kia sông Hương, qua cầu Tràng Tiền, ngoặt một tý bên tay trái là đến. Đi ra dạo chơi dưới gốc mấy cây thùy liễu gần bến đò Thừa Phủ cũng nghĩ đến sách, báo Hương Giang. Gần gà gáy sáng, nằm trằn trọc nghe đò chở cát ngoài sông hò mái nhì mái đẩy, cũng nhớ sách, báo Hương Giang...
...Đối với tôi và Huy Cận, yêu quán sách Hương Giang là một tình cảm sâu sắc đến nỗi cho mãi đến bây giờ vẫn không quên được. Một chủ nhật rảnh lang thang vào hồ Tịnh Tâm ngắm sen, hai chúng tôi tạt vào thăm quán sách. Anh Hai Triều vỗ vai bảo : Thứ sáu tuần này, tập truyện Kép Tư Bền của nhà văn Nguyễn Công Hoan vào Huế. Đến thứ tư tuần sau, nhà văn Nguyễn Công Hoan sẽ vào thăm sông Hương núi Ngự và chiều thứ năm sẽ ký tên vào Kép Tư Bền cho độc giả.
Huy Cận và tôi mừng lắm. Sách sẽ vào Huế với chúng ta. Nhà văn tác giả sẽ vào Huế gặp chúng ta là bạn đọc. Vào Tịnh Tâm, không nói chuyện hoa sen nở nữa, chỉ ngồi trên cầu và trên lan can nhà lục giác nói chuyện Kép Tư Bền, nói chuyện làm sao để được gặp nhà văn tên tuổi Nguyễn Công Hoan ngay trên đất Huế của chúng mình, được nhìn mặt nhà văn, xin một chữ ký. Nhà văn tiếng tăm như vậy, tên ký hẳn là những nét mực vạm vỡ, phóng lên.
Chiều thứ sáu ngay sau đó...
Tàu hỏa xình xịch qua cầu Bạch Hổ. Tiếng còi dài rít lên. Tàu sắp vào ga. Sao bụng chúng tôi rạo rực, tâm hồn chúng tôi thao thức đến thế khi nghe những tiếng còi chiều vọng vào hiên trường lớp. Mắt chúng tôi quay nhẹ nhìn ra màu xanh trời đất. Tìm gì trong đó, suy nghĩ những gì trong đó, tự mình im lặng đến nỗi tưởng như một tý sóng gạn trên mặt sông Hương phẳng lặng cũng nghe được tận trong ngôi trường sở trang nghiêm này.
Ấy là chuyến tàu mà chúng tôi biết trong một góc toa nào đó, nhiều bó sách Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan đã được chất chồng, đưa vào cho bạn đọc sông Hương. Trong bạn đọc ấy có Huy Cận và tôi và bao nhiêu bạn chúng tôi ở trường Quốc Học này nữa. Thế rồi là một đêm vui khó ngủ với Kép Tư Bền.
Dăm ngày sau, một buổi chiều giờ địa lý, lại tiếng tàu rung vang cầu sắt và một tiếng còi tàu xem chừng như có ý huýt dài hơn.
Nhà văn lớn Nguyễn Công Hoan mà chúng ta chưa biết mặt lại đến với chúng ta trên đất Huế. Chúng tôi muốn ngủ chậm lại hơn những đêm trước. Ngồi trên bục cửa sổ nhìn trời mây xứ Huế lấp lánh một vành mỏng trăng non, nói chuyện văn thơ đất nước.
Suốt ngày hôm sau cứ ở hai lớp khác nhau ra giờ chơi gặp nhau, Huy Cận và tôi đều mách với nhau việc trên bàn học của mình chúng tôi trông ngóng những giờ phút cuối chiều. Cả hai anh em ai cũng nhớ lời anh Hải Triều : nhà văn hiện thực Nguyễn Công Hoan sẽ ký tên vào tác phẩm Kép Tư Bền cho độc giả ngay ở hiệu sách Hương Giang. Nhớ lại trước đây đã bao ngày đêm nghĩ ngợi về Ngựa người , người ngựa, về bộ Xã hội ba đào ký của Nguyễn Công Hoan đọc nhiều kỳ trong phụ trương một tờ báo Hà Nội.
Ăn cơm chiều xong, Huy Cận và tôi và một bạn thân nữa của chúng tôi rủ nhau lặng lẽ vượt cổng ra đường. Trời đang con nắng nhỏ. Hơi mát của lòng sông Hương tỏa rộng lên đường, trùm cả dãy cây long não xanh um lá. Chúng tôi đi nhanh, không ai nghe bước ai. Qua cầu Tràng Tiền, thường thế nào cũng đứng lại ngắm đò chiều lên khói nấu cơm và nhìn bóng mờ Cồn Hến, hôm nay ba anh em đi thẳng như có một tiếng gọi thắm thiết lạ lùng đâu từ bên kia sông, chứ không ôm lưng nhau tâm sự hay cao giọng đồng thanh hát những bài hát như học sinh thường hát chơi lúc bấy giờ.
Hiệu sách Hương Giang còn đông người xếp hàng mua sách và xin chữ ký nhà văn Nguyễn Công Hoan. Gió dịu hình như thổi từ bến Phu Văn Lâu vào. Tác phẩm Kép Tư Bền xếp thẳng hàng trên hai ngăn tủ kính trước. Bìa màu nhạt, kín đáo mà ấm.
Chúng tôi hưởng cái vui của những người độc giả bạn mình. Hẳn đều là những người muốn đến với văn học bằng cuộc sống và lòng tin. Huy Cận và tôi chen chân đứng với nhiều bạn trẻ khác ở ngay ngưỡng cửa. Tay có lúc nắm tay nhau, có lúc một tay để lên ngực. Xem chừng muốn tự nghe lòng mình và tự do lòng mình cả đây.
Anh Hải Triều bước ra. Cái cười của anh bao giờ cũng cởi mở, nhanh, để chan hòa. Tôi nghĩ : cả chan chứa lòng tin. Anh vẫn thường truyền thẳng lòng tin cho những người trai như chúng tôi bằng một cái bắt tay chắc và cái nhìn sáng. Anh bảo: các cậu cứ vào mua sách và đứng chờ ở cuối bàn.
Huy Cận và tôi thường làm gì cũng muốn có nhau, muốn không mất nhau, lúc ấy kéo nhau vào đứng ở cuối bàn và lấy sách.
Hai ba chúng tôi hay mua sách chung nên chỉ mua một cuốn Kép Tư Bền. Anh Hải Triều mở mấy trang đầu trao sách cho chúng tôi. Chữ in sắc nét, thẫm màu. Giấy dày như có những đường gân thẳng, nhưng bốc thoảng lên một mùi thơm rất thương. Bỗng nhớ câu anh Hải Triều nhắc nhở hai chúng tôi: tác phẩm hiện thực Kép Tư Bền của nhà văn hiện thực Nguyễn Công Hoan ra bây giờ là đúng lúc.
Mua chỉ một cuốn sách, nhưng đứng thì cùng đứng với nhau hai người. Trong lòng phấp phỏng. Nhà văn Nguyễn Công Hoan tóc đen lắm, húi hơi ngắn. Tay cầm bút, mắt nhìn ngòi bút, nhưng ký xong lại quay nhìn người đưa sách ký. Đọc văn nhiều trang thấy đậm đà lối văn hài hước, nhưng gặp người không thấy nét dáng hài hước chút nào. Nhà văn có vẻ như cười với Huy Cận, vì Huy Cận là người đã cầm cuốn Kép Tư Bền xin chữ ký của anh. Tâm trạng tôi là cũng phải góp vào phút nghiêm nghị mà thân tình này cái cười rất con trẻ của mình. Vì yêu Nguyễn Công Hoan là cái yêu chung từ ngày được đọc các truyện ngắn khỏe và thực của nhà văn nổi tiếng và vì chúng tôi hẹn nhau cùng mua chung một cuốn Kép Tư Bền để đọc ở đời và học văn học.
Nhà văn Nguyễn Công Hoan bắt tay tạm biệt hai chúng tôi khi ngọn đèn điện trong quán sách anh Hải Triều vừa bật sáng. Tôi nhìn kỹ chữ ký anh : từng chữ cái một đứng chệch nhau hàng dọc tỏa xuống. Tôi cứ ngẫm nghĩ: vì sao? Sau này đã gần anh Nguyễn Công Hoan, tôi thấy đó là cái rắn đậm của con người, cái thực của sự sống. Tôi bắt tay anh, kính mến nhìn mắt anh và nhìn nét môi anh cười.
Chúng tôi đi đò ngang về, mừng trẻ nhỏ như mình mà được đến với nhà văn lớn Nguyễn Công Hoan. Cũng mừng nữa, là học trò nhỏ mà được làm bạn với quán sách anh Hải Triều: thấy chúng tôi có ít tiền lại ham đọc, hàng tuần anh vui vẻ bán chịu cho khá nhiều sách, báo, còn hứa cho Huy Cận và tôi mượn đọc cuốn sách bàn về Hiện thực xã hội chủ nghĩa bằng tiếng Pháp.
Năm năm sau Cách mạng tháng Tám thành công, trong kháng chiến chống Pháp trụ sở Hội văn nghệ Việt Nam Trung ương lúc bấy giờ dọn sang ở Thượng Yên bên sông Lô Việt Bắc. Nguyễn Huy Tưởng và tôi hai anh em mang ba-lô đi họp phía Tân Trào, chân bước xăm xăm trên đường trèo đèo leo dốc từ bến Bình Ca sang Sơn Dương. Trên một ngọn cao chót vót nhìn xa vẫn thấy mênh mông chằng chịt rừng lim, mưa lúc sáng còn đọng ứ nước ở mặt đường lầy, chúng tôi gặp anh Nguyễn Công Hoan cùng hai đồng sự của anh trong cơ quan tờ Quân nhân học báo của quân đội nhân dân đi sang Tuyên Quang đang ngồi ghé chân lại nơi đây.
Lần đầu tiên gặp lại anh trong kháng chiến. Quân phục anh gọn gàng, quần xắn lên đầu gối để tránh mưa lầy, nhưng dáng mặt anh và nét cười anh vẫn mang thấm thía sự đúng đắn của nhà văn hiện thực cách mạng và nhà giáo đi thẳng vào đời sống và sứ mạng chiến đấu vì độc lập, tự do dân tộc.
Gặp anh Nguyễn Công Hoan trên đường, Nguyễn Huy Tưởng và tôi trong một tiếng đồng hồ buổi trưa đèo núi lại kể những hồi tưởng về anh. Mưa nhỏ đang lay chuyển lá lim trên đầu chúng tôi. Tôi kể anh Hoan nghe những kỷ niệm ngày Huy Cận và tôi xin anh chữ ký vào tập truyện Kép Tư Bền ở hiệu sách Hương Giang. Anh lặng nghe, chắc là cảm động, ít cười. Khi chia tay nhau, anh lên đường sang phía tây. Tưởng và tôi lên đường sang phía đông, anh lay mạnh vai hai chúng tôi nói: Thơ văn cách mạng gặp nhau trên núi rừng kháng chiến, rồi bọn mình sẽ còn gặp nhau trong chiến thắng.
Có nhiều nỗi cảm động sâu xa, mà thấy nó sâu xa hơn nếu có đôi lần mình chịu khó giữ kín khoan nhắc lại.
Trước đây trong cuộc gặp gỡ thân tình kỷ niệm anh Nguyễn Công Hoan bảy mươi tuổi ở Hội nhà văn Việt Nam, tôi rất vui nhưng không nói gì, vì lẽ đó. Tôi chỉ thích ngồi lắng nghe tâm tình của các bạn tôi.
Hai hôm sau, anh Hoan đến nhà tôi chơi vào buổi sáng. Anh đem tới biếu tôi mấy gốc cây hoa leo ăng-ti-gôn bụ rễ của nhà anh để tôi trồng dặm cho đẹp trong cái bồn bé tý của tôi giữa cầu thang ngoài trời dẫn xuống đường cái. Chúng tôi lại chân thành tâm sự với nhau câu chuyện gặp gỡ cũ bên sông Hương ở quán sách anh chị Hải Triều. Anh Hoan bảo: Tiếc hôm kia tôi không ghi âm được mẫu hồi tưởng của anh.
Tôi chỉ trả lời anh: chúng tôi mến yêu các anh trong mọi lúc, anh cho tôi ghi lại mãi mãi trong đời tôi mẫu kỷ niệm đậm đà này của anh và anh Hải Triều.
Thế mà đến nay bốn mươi năm, năm mươi năm đã qua...
N.X.S
(18/4-86)