Bút ký - Tản văn
Tìm tới một ông "vua"
14:58 | 11/11/2011
VĨNH NGUYÊN Biết sở Ngoại thương có đến năm ông vua, tôi tặc lưỡi - chà, thời buổi này tiếng vua quan nghe có vẻ mai mỉa làm sao ấy? Nhưng lên được ngôi vua đâu phải đơn giản? Dẫu vua ác, vua hiền, vua tài ba hay bất lực, vẫn là vua một thời và khối kẻ mong ước được "một ngày tựa mạn thuyền rồng"...
Tìm tới một ông
Cây trầm hương - Ảnh: internet
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Tôi rời Sở Ngoại thương và tất nhiên tôi nhẩm đúng năm ông vua ấy là ai, đóng đô ở đâu: vua trầm - Lệ Ninh, vua mặt mây - Quảng Trạch, vua ớt - Triệu Hải và Hương phú, vua chổi đót - Huế, vua lạc - Bố Trạch.

Trầm! Ngậm ngãi tìm trầm. Biết bao chuyện kể về trầm kỳ? và tôi quyết định đi Lệ Ninh.

Đôi bờ Kiến Giang - một vùng chiêm trũng rộng lớn bao đời đường đi ao tù nước động nay thị trấn mọc lên từng khu nhà hai tầng cao rộng mái ngói, mái tồn sáng rực. Có phải nhờ trầm mà có? Xưa ai đến chơi đây, chưa tối, vội giục nhau về bởi sợ nhỡ chuyến đò ngang. Nay hai cây cầu cốt thép bê tông, cái vắt từ Đại Phong sang Chợ Tréo, cái vắt từ Mũi Viết sang Xuân Thủy. Quanh ngã ba sông, ba phía mọc lên đình chợ, quán hàng, bệnh viện và nhiều cơ quan cấp huyện. Chắc là cũng có trầm góp vào đó?

Tôi đến Công ty Ngoại thương.

Huyện nhà giàu nhanh lên là phải kể đến Ngoại thương. Nơi thu đổi trầm hương mang về bằng đô-la. Và, ông vua trầm thì tất nhiên phải là ông giám đốc. Tôi giản ước. Tôi phải quy về đầu mối như vậy chứ sao?

Tôi trình giấy tờ ở phòng tổ chức và đề nghị muốn gặp đồng chí giám đốc.

Đồng chí giám đốc đang bận tiếp khách. Sau đó, tôi được báo tin thêm - đồng chí giám đốc mấy phút nữa sẽ đi Huế.

- Ủa, hay người ta không muốn tiếp mình? Và tôi nhớ nhà văn Ôvetskin viết trong cuốn "Chuyện thường ngày ở huyện" có đoạn nói - Martưnốp trước khi giữ chức bí thư huyện ủy đã từng làm báo. Và nhà báo Martưnốp cũng có lần không được đón tiếp. Việc không được đón tiếp ấy, theo ý Martưnốp là người ta không muốn nhà báo chọc vào cuộc sống đang "êm đềm" của người ta.

"Thứ nhất đẹp trai thứ hai mặt lỳ". Đến đây rồi biết làm sao nữa. Tôi quyết chọn cái thứ hai. Thế nào cũng cố nhìn cho được ông vua trầm vóc dạng nó ra làm sao?

Chiếc u-oát đậu trước sân nổ máy. Đồng chí giám đốc xách cặp bước ra xe. Tôi ngoái ra cửa và kịp nhìn ông vua trầm không đội mũ, tóc húi ngắn, phóc người thấp, chắc nịch, khuôn mặt hồng hào, da bóng.

Săn đón đã lâu, cất công ra đến đây mong gặp những người cần gặp thì chỉ ghi nhận được có thế.

Chiếc xe vòng ra ngõ đi khuất. Đồng chí tổ chức nói với tôi: báo tiền phong vào đây đặt vấn đề nhưng chúng tôi không cung cấp tư liệu. Báo Bình Trị Thiên, Vô tuyến truyền hình của tỉnh đến, chúng tôi cũng không muốn đưa tin, không đồng ý quay phim. Mong anh thông cảm - Đồng chí tổ chức nhìn thẳng vào tôi nói tiếp - Đồng chí giám đốc trước khi đi có truyền lại rằng "Chuyện trầm hương hết sức phức tạp, Công ty chưa làm nên công chuyện gì cho nên chưa muốn tuyên truyền".

Họ quá khiêm tốn hay đây là một cách làm ăn?

Tôi rảo bước một vòng quanh chợ Tréo. "Chuyện Trầm hương hết sức phức tạp". Nên gặp ai nữa bây giờ? Đang suy tính thì bỗng gặp Xá - người cùng đơn vị trước đây với tôi về nghỉ mất sức. Xá xởi lởi:

- Lạc đến đây bao giờ thế?

- Sao lại lạc - tôi đáp. Nghe nói ở đây có ông vua trầm, mình tìm đến. Ai hay chưa gặp, ông ấy đã đi Huế rồi?

- Vừa ở Ngoại thương ra hả? Muốn gặp ông Hán hả? Nhưng ông ta đâu phải là vua trầm. Muốn biết vua trầm thì... tớ đây! Có lúc tớ cũng tự xưng là vua trầm đấy?

Tôi đi theo Xá. Xá hỏi tôi về đây được bao lâu? Ý muốn mời tôi về nhà chơi. Xá khoe vừa xây xong cái nhà trên năm cây. Tôi chẳng sửng sốt gì về chuyện này. Bởi tôi loáng thoáng biết Xá gần đây theo các bận trầm cũng như Xá biết nghề nghiệp của tôi khi ra quân.

Xá ôm cái gói gì trong tay ươn ướt chảy ra lớp báo ngoài. Men theo bờ ruộng nhỏ, chúng tôi đi đến một ngôi nhà giữa đồng.

Đến nơi, tôi nghe nhiều tiếng ồn ào trong nhà - gắng lên mày... gắng lên mày... thằng Xá đưa đồ nhắm về mở két mới. Này, gắng lên... sắp tận thế rồi!...

- Xá về đó hả? Tiếng một người hỏi ra từ trong đó.

- Tôi đây - Xá đáp lại.

Xá hé cửa cho tôi vào trước. Vén tấm vải ri-đô hoa. Xá nói với ba người ngồi quanh chiếc chiếu rộng rải dưới đất.

- Xin giới hiệu có bạn mới. Bạn chiến đấu trước đây với tôi. Rất an toàn.

Xá nhanh trí thật, Nhờ câu "Rất an toàn" ngỡ là vuốt đuôi nhưng thật ra quan trọng bậc nhất. Tôi thầm cảm ơn Xá. Nhờ Xá mà tôi "nhập cuộc" ngon lành.

- Đẹp quá... Hay quá... Vào luôn... vào luôn... Họ vừa nói vừa dịch vào trong giành hai chỗ cho tôi và Xá.

Xá mở gói bỏ xuống chiếc mâm nhôm đã nhẵn thức ăn hai con gà luộc. Một chén muối ớt có sẵn một két bia 33 được kéo ra từ trong góc. Tiếng mở bia bóc bóc bóc... Một người lớn tuổi nhất trong đám tước một cái đùi gà đưa cho tôi và một chai bia.

- Làm đại đi anh bạn mới. Ở đây không có luật dùng cốc.

Tôi uống một hơi cạn chai.

- Đẹp quá! Người lớn tuổi hà ra toàn mùi bia - Ông đưa cho tôi chai khác rồi nhìn mọi người, giọng ra vẻ hùng hồn - Chúng ta làm tới đi, làm đại đi để tưởng về một thời hoàng kim và... và... có thể chia tay nhau (kéo dài giọng lạnh lùng) rừng... hết... trầm... rồi!...

Xá nói với tôi:

- Đây là anh Danh - Vua trầm đó!

Ối! Chút nữa tôi thốt lên thán từ này.

Tôi đã nghe tên ông ta. Hóa ra là ông Danh Trùm lái trầm đây! Và, tôi sực nhớ biết bao câu chuyện về ông trầm lái này.

Ông Danh khoảng 50 tuổi, cao, mắt liếng, mặt đầy trứng cá. (Rất đúng người đang tiếp tôi chai 33 mới). Gần biên giới Việt - Lào, ông Danh nằm nghỉ trong lán. Ông gối đầu lên hai xắc bạc chờ những bận trầm về. Một cô gái bằng con của ông ta ngồi bên cạnh đấm bóp cẳng chân, cẳng tay, mạng sườn cho ông. Có khi còn vươn lên người ông mà nặn trứng cá cho ông. Cô với ông là bạn đồng liêu. Ông lái chờ các bận trầm.

Cô cũng chờ các bận trầm của cô. Ở phố buôn bán khó khăn. Lên đây, chẳng có khái niệm hoang vu bởi nhiều trạm trại tấp nập mở ra của thời trầm! Đồng tiền coi như lá. Một gói thuốc ở phố lời một, lên đây lời mười. Cần thiết cô bán luôn người cô. Cô cần nhiều tiền hơn. Cô cần sống.

Ông Danh đoán biết khách mới đến nhỏ tuổi hơn mình càng tỏ ra là anh cả. Ông ăn uống ít hơn. Ông nói năng cao đạo hơn.

- Anh bạn mới (với tôi) rồi (với Xá) - Ông Danh điềm tĩnh - Chú em vừa giới thiệu tôi là vua trầm - Không - Ông vua trầm phải là bạn tôi nghe! Một đứa mặt xanh-nanh-vàng. Tôi xin thề danh dự mà nhắc lại - Ông vua trầm là một ông vua mặt xanh-nanh-vàng - ông ấy đã chết. Hôm nay đúng trăm ngày của ông vua trầm. Bó hương đây. Bó hương làm nguyên liệu trầm, thơm lắm! Hôm nay ta phải đi thắp hương cho ông vua mà ta tôn kính. Ông vua mặt - xanh- nanh vàng nhưng đã dựng nên bao đền đài tráng lệ nguy nga!

Ông Danh bốc quá! Đoạn ông đứng dậy. Mọi người đứng lên theo. Ông nhìn tôi, giọng nhỏ lại.

- Anh bạn mới, cùng đi với chúng tôi chứ.

- Tất nhiên - Tôi rắn rỏi đáp.

Chúng tôi lên thuyền. Chiếc thuyền gắn máy ngược sông Kiến Giang lao vút đi. Tất cả chúng tôi ngồi trước mũi thuyền. Tiếng mở bia bóc... bóc... bóc... Mỗi người cầm lên tay một chai. Ông chủ thuyền cũng cầm một chai ngồi một mình ở phía sau lái.

- Uống đi các bạn! - Ông Danh lại trở lại cơn bia bốc. Uống để tưởng nhớ ông vua mặt xanh-nanh-vàng của chúng ta và uống để kết thúc một thời cầm lái oanh liệt như ta! Rừng tan nát hết rồi và trầm không còn nữa! Của ông của mệ cất giữ bao đời trong xanh nhưng ta đã phá tán trong vòng mười năm. Chỉ có thằng bạn ta là không phá. Thằng Thiện mặt xanh-nanh-vàng ấy. Nhưng hắn đã chết. Hắn vào rừng bao giờ cũng rẽ lá mà đi, không như những kẻ khác chém ngang cây non để lấy đường. Kẻ tàn phá của ông của mệ nên ông mệ cho ít, có khi không cho chúng càng tàn phá hung dữ hơn. Có khi chúng đốt luôn cả cánh rừng đại ngàn bởi chuyến đi không gặp. Chưa tính một cây trầm gió đổ xuống là phải đổ luôn ít nhất bốn trăm cây xung quanh. Cây có trầm cũng như cây không có trầm cũng bị ngã xuống băm vằm như nhau. Tận số rồi các bạn!

Mặt ông Danh đỏ bầm, giận dữ. Những nốt trứng cá nổi u xanh đen. Xem ra ông chưa phải người say. Ông dẫn dắt khá chính xác, khoa học.

Cơn bão số 7 năm 85, Đồng Hới, Bố Trạch chết 64 người nhưng đâu phải chết vì bão. Họ chết vì lũ cuốn chớ! Mưa bể núi. Những cánh rừng trống huếch trống hoác. Còn có sức gì ngăn nổi với thủy hỏa đạo tặc! Đập thủy điện Đồng Sơn vỡ, đập thủy lợi Đá Mài vỡ trôi luôn cả một đội sản xuất của lâm trường Ba Rền. Ông mệ ơi!, ông mệ trừng phạt oan. Họ là những người lương thiện! Những kẻ gian ác thì ông mệ chưa trừng phạt. Những kẻ phá rừng. Những quân tứ chiếng về đây phá rừng. Những kẻ giả danh công an, thuế vụ cầm súng chực trước các cửa rừng để tịch thu từng lạng trầm kỳ đen nhánh của những người ngậm "ngãi". Có ngậm ngãi ngậm nghiếc gì đâu. Họ là những người đói ăn, khát uống, rách rưới, bủng beo. Những kẻ hôm trước là bạn trầm nhưng hôm sau đã nhập toán côn đồ vung dao chém giết, cướp giật trên tay những bận trầm! Nhưng ông mệ chưa trừng phạt!...

Ông Danh đang ức tiết thì thuyền cập bờ. Mái Trường Sơn hiện ra chất ngất. Đây là đất thuộc xã Trường Thủy. Phần mộ ông vua trầm mặt - xanh-nanh-vàng để ở đây đang xanh cỏ. Chúng tôi trải chiếc chiếu hoa trước mộ ông. Đặt lên mâm nải chuối chín có cài mấy bông hoa trang rừng đỏ, một cái thủ lợn, một chén muối ớt, một con dao găm sáng nhọn, và hai két bia Sài Gòn xuất khẩu bật hết nắp.

Ông Danh cầm bó hương cháy nghi ngút. Ông đứng trước mâm cổ vái ba cái. Đoạn ông quỳ xuống đất lầm rầm khấn một hồi rồi đứng lên. Ông cắm bó hương lên nấm mộ bạn.

Chúng tôi ngồi quanh lặng thinh chờ khói hương tàn.

- Bạn ơi... nếu bạn còn sống... ông Danh bắt đầu kể lể. Mở đầu xúc động như lời điếu văn nhưng càng về sau thì riết róng của ông trùm lái trầm trượt mánh.

Thiện! Mày đi chuyến nào cũng trúng. Những đứa ngồi đây đều nhờ có mày mà dựng được cửa nhà năm cây, bảy cây. Thôi thì của ông của mệ cho cả.

Đó là cách nói của trầm. Rừng vàng bạc biển là tài sản quốc gia. Nhưng quốc gia ai là người quản lý? Toàn dân quản lý. Nghe xa vời quá! đã có phân cấp quản lý. Nhưng các địa phương, các huyện, xã không thể quản lý hết những người đi trầm. Những biển cắm "Quy tắc bảo vệ rừng" đứng lạnh lẽo nhiều nơi, cái mờ chữ, cái đã mục nát. Các trạm kiểm lâm thỉnh thoảng mới bắt được một vài người dân đẽo gỗ chui làm nhà. Nhưng trạm kiểm lâm không thể kiểm soát những kẻ phá rừng lấy trầm hương. "Trầm sinh tốt hơn trầm tử". Tội gì đào xuống gốc cho tốn công mất sức! Cứ nhằm cây sống mà băm vằm vàng đen? Những con "rùa đen", "ba ba đen" nằm trong các chảng cây, nằm trong ruột đặc. Vàng đen! Sự điên loạn của cơn sốt vàng đen! Mạnh ai nấy được! Phá! Không có sức gì cản ngăn. Không có qui tắc. Không có phương pháp khai thác. Không còn biết giành giữ cho đời sau. Không còn ai nhớ đến từ làm chủ!

Có hàng, họ không muốn nhập hết cho ngoại thương. Giá cả lên xuống thất thường nhưng nhập cho nhà nước vẫn phải có giá. Dân đi trầm thích luật giang hồ hơn bởi giá cả của nó cũng rất giang hồ. Có bận trầm 9 ki lô ngoại thương đâu có mua một triệu. Nhưng đưa cho lái thì được một triệu ba. Sau hai ngày lái sẽ được ba triệu hai tại Sài Gòn! Biết những tin như thế, khối những bợm lái điên cuồng đến man dại!…

Những người ở đây đều là lính "ưu binh" của ông vua Thiện. Biết ông Thiện đi chuyến nào cũng trúng, trùm lái Danh và chân rết trùm không lúc nào rời bước chân ông (tất nhiên trừ những ngày ông ở trong xanh). Họ đãi đằng ông Thiện "tới số". Họ đưa gà, nếp cho ông cúng bái trước những chuyến đi. Dân trầm ra chợ là sạch banh hàng hóa trong chốc lát. Hàng tăng bao nhiêu cũng hết bấy nhiêu. Bởi trầm có giá riêng của trầm. Một con cá 50 đồng, trầm bỏ ra 100 đồng giật ngay trên tay người khác. Con gà vừa giá 70 đồng, trầm ném 200đ. Cơm gạo áo xống theo trầm. Con buôn ăn cánh với trầm. Phất! Thị trường rối loạn. Đời sống đảo lộn. Đồng tiền đảo điên. Trầm! Trầm - vàng đen trôi như lá. Nhưng dân đi trầm bủng beo, tật bệnh bởi rừng sâu nước độc. Người trúng một bận về lo xây gian nhà thì vừa kiệt sức. Chỉ có quân buôn quân lái sóng trên lưng người đi trầm mới giàu to, mới ăn chơi xả láng. Trong lúc đó, người công nhân tính từng đồng lương vẫn chưa đủ với bó rau hàng ngày. Nhiều người đi chợ về không. Một mớ cá vụn cũng không mua nổi. Có anh chàng tức mình chưởi đổng: đ. mẹ giá cả.

Chuyến cuối cùng, ông Thiện đạp trúng một gốc trầm hương. Ôi! Như một giấc chiêm bao! Mười ngày đêm rồi! Lương thực cạn rồi. Lần này đi với hai thằng cháu khỏe mạnh, nhưng chúng giục trở ra mấy lần: "bác à, ông mệ không cho thì ra thôi! Chúng cháu làm đứa hai ba lô bai bai về bỏ cho bà làm hương cũng được". "Rán ngày nữa cháu. Rán thêm ngày nữa. Biết đâu đó!". Và sang ngày sau thì ông đạp trúng. Nhưng chúng nó đâu rồi? Bận này chắc nó nằm dưới mút? Sâu lắm! khó lắm! ông bụm hai tay hú gọi. Hết hơi. Ông lại lấy hơi, lại hú. Nhưng hai thằng cháu đạp đi cánh khác rồi. Xa lắm lắm!

Ông hì hụi làm một mình. Có làm nổi không đây? Nhưng của ông của mệ cho không lấy ông mệ phật lòng! Sao lại bỏ? Ông đào. Ông xoi. Ông chuyển đất đá lên trên. Gốc cây dần dần được khoét lõm sâu xuống. Ông lấy rìu bổ vào. Một bận trầm bật ra đen nhánh. Ông bỏ xuống phía dưới, bận trầm càng tốt hơn.

Ông ngồi nghỉ uống nước. Ông nhìn thế gốc cây và nghĩ thế mình. Chưa được. Ông lại xoi đá, đào đất. Ông ôm lấy gốc cây lắc mạnh. Nó có lung lay chút ít. Còn sâu. Còn sâu nữa. Cái "bắp chuối" còn có thể chuồi xuống sâu hơn lỗ huyệt. Ông không còn mồ hôi. Ngụm nước cuối cùng vừa uống không còn đủ làm giản nở ruột gan ông đang khô hạn. Bọc lấy người ông là một cái áo giáp đất đen dày. Đoạn ông dùng toàn lực ôm lấy gốc cây lăng mạnh. Không ai có thể tưởng tượng được lúc này ông già lăng gốc cây hay gốc cây lăng ông già? Bởi hai bên đều đung đưa, đều nghiêng ngã như nhau. Ông không còn biết bây giờ là đêm hay ngày? Đến lúc cái "bắp chuốn" đen láng bật lên khỏi lòng hố, ông già ngất lịm đi không biết từ bao lâu, nữa?

Trên đường trở ra, ông treo mình trên ngọn cây hai đêm liền để tránh thú dữ. Sang ngày thứ ba, ông mới ra được lối mòn nhỏ. Ông mệt đừ. Đói. Còn loong gạo cuối cùng. Nước đâu mà nấu, Ông bốc nhai một nắm gạo sống. Nó trệu trạo nước miếng không bã ra được bao nhiêu. Mỏi hàm lắm! Lối ra này không gặp cây giang nào để chặt lấy nước. Xuống suối thì lâu. Lại phải lên dốc. Đói cồn cào. Chẳng thà hết gạo rồi thì thôi. Ông bỏ bận trầm xuống. Ông định thu dấu một hốc cây nào đó. Ông lưỡng lự. Không! Vật bất ly thân. Nặng mấy nhọc mấy cũng rán mang theo. Nghe suối chảy róc rách. Ông lần tụt xuống. Ông uống một hơi rồi tranh thủ nấu cơm ngay. Ăn xong, ông đi liền. Nhận ra ánh mặt trời buổi sáng, ông mừng quá. Ba lô, bao gói, buộc chéo qua vai. Rìu, gậy cầm tay. Ông đạp đi.

Đến đây, hổ beo không bị, ông lại bị hổ - beo - người đón đường. Ông vua trầm mặt xanh-nanh-vàng ngậm "ngải" nhưng chưa thành cọp. Ông vẫn còn là người nhưng đoạn răng giữa đã rụng hết. Hai răng nanh trên chĩa ra nhọn hoắt trông gớm ghiếc như mặt lợn lòi. Ông gầm gừ. Tiếng gầm gừ rin rít rồi bật lên một sức mạnh tổng lực cuối cùng của số phận cùng với chiếc gậy táu vạt nhọn khua vun vút và ông nhìn rõ bọn địch thủ nằm gọn trong vòng tròn của mút đầu gậy không ngừng quay...

Bốn tên cướp đi giật lùi rồi hốt hoảng bỏ chạy.

Về nơi tập kết giữa các bận trầm, ông Thiện chưa kể chuyện này. Dân giang hồ còn chơi tiếp trận giang hồ cuối. "Được ăn cả ngã về không". Trầm loại một, bận năm cân, bận mười cân, bận mười lăm cân v.v... Ai tự thấy mình nhất hội thì xướng lên. Mở các bao gói ra cân lại. Đúng bận anh nhất thì lấy luôn bận của người thách đố. Nhưng nếu thấp hơn của người nào đó thì đưa ngay cả bận trầm của mình cho người ấy. Người tự xướng lên thường đã giành phần thắng đến 95%. Ai chịu chơi mới mở gói. Người bắt đầu chịu thua rồi thì thôi. Ai chẳng muốn làm vua một bận?

Ông Thiện đi chuyến nào cũng trúng. Nhưng đâu có trúng to. Được một đến hai cân loại một so với người khác loại hai, ba đã là trúng.

Lần này, thấy ông vua Thiện có vẻ không vui như những lần trước, ông Chắt Hữu hớn hở đinh ninh mình là vua bận này vội xướng lên: - 15 cân! Mọi người tái mặt! Không cần mở gói. Không có ai thách đố.

- Vua rồi!... vua rồi!...

Nhưng chính ông vua trầm đã mặt - xanh - nanh - vàng nên không còn máu nữa để mà tái! Ông Thiện lặng lẽ mở các bao gói, xổ hết trong các nồi niêu của mình ra: 19 cân! (Mà bận trầm của ông Thiện còn tốt hơn bận trầm của ông Chắt Hữu).

Sung sướng đến thế! Nhưng ông Thiện lên cơn sốt co giật và sau một giờ ông tắt thở trong vòng tay của những bạn trầm.

Những bạn trầm tủ lá đắp mặt cho ông. Đốt lửa ngồi quanh người ông. Họ cử hai người về nhà thông báo. Vợ con ông, bà con bạn bè thân thiết ông đưa lên chiếc quan tài gỗ mộc (vội quá không kịp dán giấy điều không kịp quét lên đó lớp sơn đỏ). Họ liệm ông Thiện ở đây. Đám tang một ông "vua" mà không có đò đưa nôốc kết, không trống, không kèn! Trầm là tài sản của quốc gia. Lòng tham không đáy, ông Thiện muốn độc chiếm nó đã làm giàu nên đã phải trả giá bằng cả cuộc đời. Có lẽ đó cũng là bài học cho không phải một người.

***

Người xanh cỏ vì trầm. Kẻ sinh ra trên nhung - lụa - trầm. Bao tầng lầu xây lên nhờ trầm... Nhưng bao bản làng bị lũ cuốn vì nạn phá rừng! Một vấn đề cấp thiết đang đặt ra. Hỡi các nhà kinh tế! Các nhà khoa học cùng những ai có trách nhiệm quản lý thứ "vàng đen" này? Có cách gì khai thác được nó mà không làm tàn lụi vốn quý của đất nước. Được như thế, "ngai vàng" của ông "vua" trầm mới lâu bền và cuộc sống những con người liên quan đến nó sẽ nhân đạo hơn, văn minh hơn.

Huế, tháng 3-1986
V.N.
(18/4-86)







Các bài mới
Lập công (24/07/2023)
Hoa ở Huế (23/06/2023)
Các bài đã đăng