Bút ký - Tản văn
Thoát kiếp nổi trôi
15:44 | 21/11/2011
HỮU THU & BẢO HÂN                                     Ký   Đến bây giờ nhiều người vẫn chưa quên hình ảnh hãi hùng mà cơn bão mang tên Cecil tàn phá vào cuối tháng 10 của năm 1985 ở miệt phá Tam Giang của tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Thoát kiếp nổi trôi
Ảnh: internet
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Trận bão ấy không chỉ hất tung con tàu vỏ sắt mang tên CHIẾN THẮNG của Vũng Tàu Côn Đảo lên doi đất Cồn Sơn ở phía nam cửa Thu- ận mà người dân ở vùng hạ lưu sông Hương còn vớt được xác một chú hổ bị lũ cuốn trôi. Tuyến đường từ Huế về Thuận An, đoạn qua xã Phú Tân được Mỹ gia cố và rải thảm khá dày, vậy mà có đoạn hơn nửa mặt đường bị lũ xé toạc, vỡ vụn như bánh tráng! Tại khu nghỉ mát của Ngô Đình Cẩn trước đây ở Tân Mỹ, lần đầu tiên chúng tôi thấy xác một người phụ nữ nằm vắt qua ống nước. Và sau nhiều đợt tìm kiếm, cuối cùng người ta đã tìm thấy thi thể của anh kỹ sư trẻ quê ở Nghệ An về nuôi tôm thí điểm ở Cồn Tè bị lũ cuốn trôi dạt qua bãi biển Thuận An.

Hơn một phần tư thế kỷ đã trôi qua nhưng ký ức về trận bão năm ấy thật khó phai nhòa.

Đó là buổi sáng sau bão, chúng tôi tháp tùng cùng chú Vũ Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Trị Thiên theo thuyền xuôi về miệt phá Tam Giang đầm Cầu Hai thị sát tình hình. Vùng nước lợ mênh mông trở nên hoang lạnh bởi vắng bóng hình ảnh quen thuộc của các con thuyền cũng như hệ thống nò sáo trước đó vốn giăng mắc chằng chịt.

Thuở ấy do lâm vào cảnh “phá cách sông ngăn” nên thuyền là phương tiện duy nhất để vượt phá; trong khi đó mạng thông tin hữu tuyến lại chập chờn và sau bão hoàn toàn bị tê liệt do đường dây bị đứt; do vậy muốn biết tình hình không còn cách nào khác là phải tìm đến tận nơi.

Khi thuyền đến vùng đầm Hà Trung, thấy dáng một cụ già thất thểu, chú Vũ Thắng mời già dừng lại.

Gặp chú, cụ già chỉ biết kêu than: “Mấy hôm ni tui thấy đọt cỏ ống bị thắt, biết họa sắp tới nhưng có chỗ mô mà nấp? Túi qua, đò bị lật. Vợ con tui chết cả, của nả cũng sạch sành sanh, biết mần răng, ôn ơi!”

Lần đầu tiên chúng tôi thấy một cựu đại tá quân đội từng trải qua hai kỳ lửa đạn và từng làm bí thư tỉnh ủy trong thời chiến tranh ôm lấy cụ già và khóc.

Trận bão năm Thìn cầu Trường Tiền bị sập, trận lũ năm Tỵ làng Bằng Lãng bị cuốn trôi, thiệt hại tuy lớn nhưng chỉ diễn ra ở diện hẹp, còn trận bão tháng 10/1985 là thảm họa kép, khi cả bão và lũ cùng diễn ra trong đêm, cọp trên rừng còn xoay xở không kịp huống chi lớp người sống chơi vơi trên mặt nước, trên không chằng dưới không chống.

Hơn 700 sinh mạng bị chết trong một trận bão là con số chưa từng có trên vùng đất này; thêm vào đó là thuyền bè, ngư cụ, có nơi bị mất sạch, cuộc sống của hàng vạn con người bị đe dọa.

Sau trận bão năm ấy, cả nước và bạn bè quốc tế đã ra tay cứu giúp, không chỉ lương thực, áo chăn, hạt giống mà còn có cả tấm lợp. Khó khăn dần dà được khắc phục nhưng về lâu dài thì không thể trông chờ, ỷ lại, bởi đối với vùng đất này, tuy lớn bé có khác nhau nhưng hầu như năm nào thiên tai cũng có, vấn đề là phải nắm được quy luật của thiên nhiên để chủ động phòng tránh nhằm hạn chế bớt thiệt hại mà thôi. Và sau chuyến đi ấy, chú Vũ Thắng hứa là phải tìm mọi cách để không tái diễn cái cảnh đớn đau ấy nữa, nhất là đối với lớp người chịu nhiều thua thiệt hiện đang sống lênh đênh trên mặt nước.

Trên đường trở về, ngoài bàn chuyện định cư cho cư dân thủy diện, chú Vũ Thắng trực tiếp giao nhiệm vụ cho Giám đốc Sở Thủy sản là anh Phan Thế Phương, người sau này được truy tặng AHLĐ, gấp rút nghiên cứu, triển khai việc nuôi trồng thủy sản nhằm tạo việc làm sau khi đưa dân lên bờ định cư.

Dưới sự đôn đốc của chú Vũ Thắng, quyết tâm chính trị của Đảng bộ Bình Trị Thiên đã được thực thi: 41 khu tái định cư dành cho gần 3.000 hộ dân thủy diện vùng phá Tam Giang đầm Cầu Hai lần lượt ra đời.

Tuy chỉ là những ngôi nhà đơn sơ được đắp bồi bằng nền đất và mái được lợp bằng tranh hoặc giấy dầu Liên Xô nhưng 41 khu tái định cư thời bấy giờ trên thực tế đã trở thành điểm tựa, đánh dấu thời kỳ mở đầu cho lớp cư dân thủy diện thoát kiếp sống lênh đênh trên mặt nước từ nhiều đời nay.

Phá Tam Giang, đầm Cầu Hai rộng hơn 22.000 ha, trải dài chừng 70 cây số từ huyện Phong Điền đến huyện Phú Lộc. Do có diện tích mặt nước lớn như vậy nên trước đây vùng này còn có tên gọi khác là Hải Nhi, tức Biển nhỏ.

Là nơi tiếp nhận nguồn nước ngọt từ các con sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Hương, Truồi, Nong… đổ về và nguồn nước mặn từ hai cửa biển Tư Hiền và Thuận An tràn vào nên xưa cũng như nay, vùng Tam Giang - Cầu Hai luôn là nơi cung cấp nguồn thủy sản nước lợ thơm ngon nức tiếng mà ít nơi nào có được như cá bống thệ, cá dầy, cá đối, cá hanh, cá dìa, cá ong… và gần đây có thêm cá vẫu, đó là chưa kể các loại tôm đất, thường làm nhân bánh lọc và tạo nên đặc sản tôm chua nổi tiếng của Huế.

“Tôm rằn bóc vỏ, bỏ đuôi/ Gạo de An Cựu em nuôi mẹ già”


Chính nhờ có nguồn lợi do thiên nhiên ban tặng khá phong phú nên Thừa Thiên Huế có đến gần 1/3 dân số sống dựa vào nó, trong đó có lớp người sống kiếp lênh đênh “làm nghề theo đuôi con cá”.

Quốc sử quán triều Nguyễn
cho biết, dưới triều vua Đồng Khánh, các đầm như An Truyền, Thanh Lam, Hà Trung, Bác Vọng, Lai Hà, An Xuân, La Bích mỗi năm phải nộp cho triều đình 2.935,5 quan tiền, chứ không cho biết số dân của các vạn chài là bao nhiêu. Dựa vào ân hưởng của triều đình, có làng đã bao chiếm cả vùng nước rộng mênh mông từ phía nam sông Bồ cho đến hết đầm Thủy Tú để thu thuế, việc bao chiếm này mãi đến năm 1977 mới chấm dứt.

Trên thực tế, chế độ cũ cũng đã tính đến việc đưa lớp người này lên bờ, nhưng ngặt nỗi do mối kỳ thị quá sâu sắc và bất lực trước vấn nạn điền thổ, cộng thêm nguồn lực và chiến tranh kéo dài nên bất lực.

Cụ Phạm Tạ ở thôn 14 xã Quảng Công, huyện Quảng Điền mỗi khi trò chuyện cùng con cháu thường kể về cảnh đời “sống vô gia cư, chết vô địa táng” đầy cơ cực mà ông đã từng trải qua.

Ông kể, sống vô gia cư vốn đã khổ rồi, bởi chuyện đó ai cũng biết nhưng tủi nhục nhất là “chết vô địa táng”, không có đất mà chôn. Người ở dưới đò, khi chết do nghèo không sắm nổi hòm và mua đất nên thường dùng vạt tre, vạt giường để bó, đợi đêm xuống tìm một cồn cát hoang, thường là giáp ranh của các làng rồi lén lút lấp vội, mặc dù rất đau xót nhưng gia quyến không dám khóc vì sợ người trên bờ phát hiện. Do rơi vào hoàn cảnh như vậy nên người ở dưới thuyền chỉ có cúng chứ ít khi có cảnh chạp mồ chạp mả tổ tiên.

Vì ý thức như vậy nên khi được đưa lên ở trên đất liền, ông là người đầu tiên đứng ra vận động con cháu xây dựng ngôi từ đường họ Phạm và lập ra quỹ nhằm khích lệ, động viên con cháu học hành. Ở thôn tái định cư ấy, từ khi được lên bờ đã có nhiều người vào đại học, đỗ cử nhân và nhờ nuôi tôm, nuôi cá trở nên giàu có. Thăm làng, nếu không tìm hiểu khó mà nhận biết đây là ngôi làng định cư của những cư dân thủy diện.

Ông khẳng định với con cháu: “Nếu không có Đảng, nếu không có Bác Hồ thì không biết đời mô người dân thủy diện mới được lên bờ và được học hành tử tế như hôm nay!”.

Cụ Phạm Tạ là một trong những người may mắn được lên bờ sớm sau trận bão 1985, số còn lại lên đến hàng vạn người vẫn chịu kiếp sống nổi trôi, dù mỗi năm vẫn có một ít được các địa phương bố trí đưa lên bờ.

*

Bẵng đi một thời gian, mãi đến năm 2007, công cuộc tái định cư cho cư dân thủy diện vùng phá Tam Giang đầm Cầu Hai mới được Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế đặt vấn đề giải quyết rốt ráo và chương trình được giao cho Mặt trận phối hợp với chính quyền các huyện triển khai.

Ngoài cấp đất và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mỗi hộ lên định cư được nhà nước hỗ trợ 14,5 triệu đồng. Từ Phong Điền vào đến Phú Lộc lần lượt trong vòng ba năm 2008 - 2010, hơn 60 khu tái định cư được xây dựng. Trên 2.500 hộ dân cuối cùng của các vạn chài đón nhận cơ hội và đều dồn công dồn của xây cho mình những ngôi nhà cao ráo và vững chắc có thể tránh được bão và lũ.

Mùa lũ năm 2008, theo hẹn, chúng tôi thuê thuyền ra Phước Lập để thăm gia đình ông Trần Văn Minh.

Phước Lập là khu tái định cư được hình thành sau trận bão 1985 của xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền nhằm giúp những hộ mất thuyền có nơi ở mới. Tuy có vợ và ba con chết trong trận bão năm ấy nhưng mãi đến đầu năm 2008, ông Minh mới được chính quyền cấp đất và hỗ trợ xây nhà.

Nhờ rút kinh nghiệm từ trận lũ lịch sử 1999, hầu như nền nhà nào ở đây khi xây cũng đều được tôn cao hơn hai mét. Nhà ông Minh cũng vậy. Giữa biển nước lũ mênh mông, trên hiên nhà, những đứa con của vợ mới cưới sau này của ông vẫn vô tư nhảy dây, còn vợ chồng ông ngồi đan lại lưới. Ông khoe, đêm qua, hai vợ chồng đi bủa lưới kiếm được 100.000 đồng.

- Được lên bờ sống như thế này là phúc lắm mấy chú ơi!

Lên bờ, đồng nghĩa với việc thoát được cảnh tối tăm, tủi nhục, bởi từ nay những đứa con của ông được cắp sách đến trường, được vui chơi, nhảy múa khác xa cuộc đời lầm lũi, quẩn quanh trong khoang thuyền chật hẹp mà tuổi thơ ông Minh đã từng trải qua, và nhất là thoát được cái cảnh nơm nớp âu lo mỗi khi bão lũ tràn về.

Khi việc tái định cư cho dân đầm phá Tam Giang - Cầu Hai cơ bản hoàn thành thì công cuộc tái định cư cho trên 1.000 hộ với hơn 6.000 dân vạn đò trên sông Hương đang ở giai đoạn xúc tiến.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế vào đầu năm 2009, khi đề cập về chương trình tái định cư cho dân vạn đò Huế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tâm sự: “Hồi còn ở Kiên Giang ra Trung ương họp, tôi và anh Vũ Thắng được xếp ở chung một phòng. Anh Vũ Thắng luôn trăn trở về cuộc sống của bà con ở các vạn đò và mong muốn sớm tái định cư cho bà con nhưng ngặt nỗi do nguồn lực có hạn nên chưa biết xoay xở ra sao”.

Kể đến đây, Thủ tướng lưu ý: “Tôi hy vọng, trong nhiệm kỳ cuối của mình, trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy, anh Hồ Xuân Mãn cố gắng đôn đốc nhằm thực hiện cho được ý nguyện của anh Vũ Thắng!”

Đồng chí Hồ Xuân Mãn trong một lần tâm sự đã bộc bạch cùng chúng tôi: “Sau 1985, Thừa Thiên-Huế lại gánh thêm trận lũ lịch sử 1999. Cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề và nền kinh tế địa phương bị đảo lộn. Nhiệm vụ cấp bách của địa phương trong giai đoạn ấy là dồn sức để chống tụt hậu và từng bước chăm lo cải thiện cuộc sống cho người dân.

Do nguồn lực có hạn nên Thừa Thiên-Huế xây dựng lộ trình: trước năm 2005 phải hoàn thành việc xóa nhà tạm cho đồng bào dân tộc ở hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới, tiếp đó là chăm lo cho các gia đình chính sách ở đồng bằng, nông thôn, đô thị, còn cư dân thủy diện chúng tôi đề ra mục tiêu là đến năm 2010 phấn đấu cơ bản hoàn thành việc tái định cư”.

- Vì sao như vậy?

Đồng chí Hồ Xuân Mãn giải thích: “Bởi vấn đề nó không đơn thuần chỉ là việc giúp họ xây hoặc sửa một ngôi nhà mà là phải giúp đối tượng này tổ chức lại cuộc sống (có nơi quy mô dân số bằng một xã miền núi), nghĩa là phải tìm vị trí phù hợp để cấp đất làm nhà, phải đầu tư xây dựng đường sá, trường học, trạm xá, không những thế còn phải đưa điện, đưa nước và tổ chức hỗ trợ, dạy nghề nhằm giúp bà con tái hòa nhập với cộng đồng, đoạn tuyệt với tập quán lạc hậu.

Chỉ tính riêng việc định cư cho bà con thủy diện vùng phá Tam Giang đầm Cầu Hai, ngoài tổ chức hỗ trợ xen ghép, chúng tôi phải lên kế hoạch để một lúc triển khai xây dựng trên 60 khu tái định cư, do vậy phải có chương trình tổng thể, phân công trách nhiệm rạch ròi rồi giao cho phía Mặt trận phối hợp với chính quyền các cấp thực hiện. Riêng thành phố Huế, do đặc thù của đô thị nên chúng tôi giao cho thành phố xây dựng chương trình riêng để tái định cư cho bà con trên sông Hương, mà việc tái định cư cho đối tượng này cũng đa đoan lắm, bởi ngoài chủ trương, chính sách, rút kinh nghiệm của những đợt trước, cần có biện pháp và giải pháp đồng bộ để đảm bảo họ không quay trở lại sống trên các con đò”.

Theo khảo sát của nhà nghiên cứu Phan Hoàng Quý, thì trước năm 1975, Huế có 11 vạn đò, mang các tên như: Lanh Canh, Ngư Hộ, Trọng Đức, Tân Lập, Phú Tiền, Nam Hòa, An Hội, Trường Độ, Lợi Nông, Phú Cam và Tân Bửu. Năm 1972, dân số của 11 vạn đò này là 18.921 người, chiếm 10% dân số của thị xã Huế. Họ làm đủ các nghề như kéo xe ba gác, đạp xích lô, bốc vác, đánh cá, vớt cát sạn và chứa gái làm tiền như ở vạn An Hội, chạy dọc theo bờ sông Đông Ba hoặc vạn Tân Bửu ở khu vực bến Me, phía tây cầu Trường Tiền. Thời đó, thay vào nhà thổ, khách làng chơi thường rủ nhau đi ngủ đò.

Sau giải phóng, ngoài vận động một số trở về quê cũ hoặc lên tái định cư ở vùng kinh tế mới Lương Miêu - Bình Điền ở phía tây nam Huế, số còn lại được đặt dưới sự quản lý của phường mới mang tên Phú An.

Phường này giải thể, các vạn đò đặt dưới quyền quản lý của các phường ở trên bờ nằm cạnh các con sông.

Sau giải phóng, Huế triển khai nhiều cuộc giải toả nhằm đưa dân vạn đò ở sông Kẻ Vạn về tái định cư ở Bãi Dâu hay đưa dân sống dọc trên sông An Cựu lên định cư ở Trường An. Do đầu tư thiếu đồng bộ, cuộc sống của những gia đình tái định cư gặp khó khăn nên một số đã bán đất, bán nhà quay trở lại cuộc sống cũ.

Khi xác định việc giải tỏa khu vực Bến Me đã trở nên bức thiết, Huế mới huy động mọi nguồn lực nhằm góp phần cải thiện cảnh quan, môi trường và cuộc sống cho cư dân vạn đò trên sông Hương. Có thể xem đây là điểm nhấn trong quá trình chỉnh trang đô thị khi di tích Huế được công nhận là di sản văn hóa của nhân loại.

Bến Me, trước năm 1995, là khu ổ chuột nhếch nhác, trở thành nơi cư ngụ của hàng ngàn cư dân cả ở trên bến lẫn dưới thuyền và là nơi ẩn chứa nhiều tệ nạn xã hội do nằm sát tuyến quốc lộ số 1 chạy qua khu vực Phu Văn Lâu. Không phải ai cũng dễ dàng từ bỏ nơi ở cũ, nhất là địa điểm dễ kiếm ra tiền trong bối cảnh đất nước còn khó khăn. Hiểu được tâm tư, nguyện vọng của bà con, thành phố chọn vùng Kim Long, nơi có con sông đào Kẻ Vạn, một nhánh của sông Hương, để xây dựng khu tái định cư. Ngoài vị trí thuận lợi, hạ tầng của khu tái định cư Kim Long được thành phố đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh, nhờ vậy mà việc sinh hoạt, làm ăn, đi lại, học hành và chữa bệnh của bà con tốt hơn nơi ở trước đây.

Dù đã rất cố gắng nhưng đến năm 2008, thống kê cả thành phố Huế vẫn còn 1.069 hộ với trên 6.000 người sinh sống trên các vạn đò, tập trung chủ yếu là dòng Đông Ba thuộc quyền quản lý của hai phường Phú Bình, Phú Hiệp và ngã ba sông phía phường Vỹ Dạ. Có gia đình không đủ tiền sắm thuyền, nhất là gia đình đông con nên khi cho ở riêng, họ đành phải tìm các loại vật liệu tạm bợ để kết phao hoặc làm bè để ở. Nheo nhóc, bẩn thỉu, thất học và sinh đẻ vô tội vạ là hình ảnh thường thấy ở các vạn đò này. Trên bờ, dưới nước là hai thế giới khác biệt và lớp cư dân này thua thiệt đủ đường.

Được sự hỗ trợ của Chính phủ, thành phố Huế xây dựng kế hoạch và hạ quyết tâm đưa hết số bà con này lên bờ trước năm 2011 mà mở đầu là việc xây dựng 8 khu chung cư ở phường Phú Hậu, kèm theo đó là đầu tư xây dựng khu tái định cư ở Hương Sơ phía bắc thành phố và khu tái định cư Phú Mậu ở hạ lưu sông Hương thuộc địa phận của huyện Phú Vang.

Nhớ hôm về Phú Mậu thuộc huyện Phú Vang kiểm tra tình hình triển khai việc xây dựng cơ sở hạ tầng để chuẩn bị tái định cư cho dân vạn đò Huế, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Xuân Mãn đã lưu ý Bí thư Thành ủy Nguyễn Kim Dũng và Chủ tịch UBND thành phố Phan Trọng Vinh: “Thành phố nên tăng cường ánh sáng công cộng, nhất là hai bên âu thuyền và tăng cường trồng cây xanh. Hạ tầng ở đây được đầu tư tốt, nếu cần thành phố nên đầu tư mở rộng phía bờ nam hạ lưu sông Hương nhằm tiết kiệm đất, nhất là ruộng”.

Nếu Phú Mậu là nơi dành để tái định cư cho bà con sống trên sông Hương chuyên sống bằng nghề đánh bắt cá và khai thác cát sạn, thì Phú Hậu và Hương Sơ là nơi dành để tái định cư cho số bà con sinh sống trên con sông đào Đông Ba, Kẻ Vạn lấy việc buôn bán, đạp xích lô, bốc vác… làm kế mưu sinh.

Để có được định hình này, trước đó, chính quyền thành phố và các phường đã tiến hành điều tra, thu thập nguyện vọng với mục đích tối thượng là tạo điều kiện tốt nhất giúp bà con ổn định cuộc sống sau khi lên bờ.

Sau hàng trăm năm tồn tại mãi đến tết Tân Mão vừa qua, lần đầu tiên sông Hương vắng bóng cư dân của các vạn đò. Ký ức buồn về kiếp sống lênh đênh của lớp lớp cư dân này, từ nay hẳn chỉ còn lưu giữ qua từng thước phim, tấm ảnh hoặc những bức ký hoạ.

Từ khi được giải tỏa, sông Hương hình như rộng hơn và cảnh quan hai bên bờ trở nên đẹp đẽ và đêm đêm, khi những du khách lũ lượt kéo nhau lên thuyền hóng mát hoặc nghe ca Huế, ít ra họ cũng bớt nao lòng trước những phận người từng bèo bọt, nổi trôi như trước đây.

Tái định cư cho dân vạn đò, vạn chài trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và sông Hương, dù diễn ra âm thầm nhưng nó là thành tựu xã hội to lớn.

Ý nguyện đầy tính nhân văn của cựu Bí thư Tỉnh ủy Vũ Thắng nay đã được thực hiện vẹn toàn, dù hành trình ấy đầy nhọc nhằn và kéo dài đến một phần tư thế kỷ!

Huế, thu năm Tân Mão
H.T&B.H

(273/11-11)







Các bài mới
Các bài đã đăng