Bút ký - Tản văn
Vài mẩu nhớ về một người cộng sản
08:48 | 06/01/2012
PHAN QUANG                Trích hồi ký ... Đến thị xã Sơn La chiều hôm trước, sáng hôm sau trong khi chờ đến giờ sang làm việc với Khu ủy Tây Bắc, đồng chí Nguyễn Chí Thanh - mà các đồng chí gần gũi đều quen gọi bằng tên thân mật: anh Thao - cho mời chủ nhiệm nhà khách của khu tới.
Vài mẩu nhớ về một người cộng sản
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại chiến trường miền Nam - Ảnh: internet
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Nghe giọng miền Trung khá nặng của người phụ trách giao tế, anh tươi cười:

- Cậu người Nghệ An? Tốt quá. Chúng ta có thể nói chuyện thẳng với nhau. Trong kháng chiến chống Pháp, tôi ở Nghệ An mãi, đi khá nhiều nơi, và cũng hiểu rõ sinh hoạt của đồng bào mình trong đó.

Người phụ trách nhà khách vân vê giữa hai ngón tay điếu thuốc lá anh mời, chưa hút ngay, chắc đang băn khoăn không hiểu vị khách có điều nào không hài lòng vì sự phục vụ sơ suất chăng. Anh Thanh ân cần đánh diêm và khom người che gió cho anh châm thuốc. Chờ anh rít vài hơi, anh Thanh mới nói tiếp, vẫn qua nụ cười cởi mở:

- Các đồng chí phục vụ tốt lắm. Bữa ăn hôm qua rất ngon. Có điều các đồng chí làm... hơi nhiều. Giường đệm thật sạch sẽ. Tôi đi đường mệt, thế mà vẫn trằn trọc không sao ngủ được. Nghĩ mãi mới vỡ lẽ tại cái mùi nước hoa. Tại sao lại phải vẫy nước hoa vào phòng ngủ nhỉ? Nói thật với cậu, mình không quen.

Anh nháy mắt và hóm hỉnh, hạ giọng, vừa đủ cho người đối thoại nghe:

- Người nước ngoài, người ta nặng mồ hôi lắm, nhất là các bà (anh tủm tỉm đưa một ngón tay gõ gõ vào nách), không có nước hoa không được. Với Iại người ta biết cách, cũng chỉ dùng thoang thoảng thôi. Còn người Việt Nam mình, nhất là con nhà lính... Cậu trước ở đơn vị nào nhỉ?

Người phụ trách khách sạn có vẻ hơi ngạc nhiên vì anh không dùng quân phục như nhiều quân nhân chuyển ngành, mà đang mặc một chiếc quần len thẳng nếp và chiếc áo là chững chạc. Nghe lời đáp, anh Thanh gật gù:

- Nhìn qua, mình biết ngay cậu từng ở bộ đội. Mình đã về thăm đơn vị cậu, dạo sau chiến dịch Điện Biên. Từ chiến đấu, chuyển sang làm công việc dịch vụ này, kể cũng căng đấy nhỉ. Nhưng thôi, Đảng đã giao, công tác nào chẳng là công tác... Chà chà, tối hôm trước ghé vào sư đoàn đang xây dựng nông trường chè Mộc Châu, nằm đệm rơm lúc đầu có sột soạt nhưng sau ấm chỗ đánh một giấc ngon quá, mãi đến sáng ra ngoài rửa mặt mới biết là đêm Mộc Châu rét dữ. Tối hôm qua thì ngược lại, tại cái mùi nước hoa ác hại...

Chủ nhiệm nhà khách lúng túng phân trần: vì nhà mới xây, còn nặng mùi vôi vữa quá cho nên cần một tí nước thơm cho nó át đi.

- Ấy chính tại hai mùi ấy quyện với nhau cho nên mới càng khó chịu. Giá cậu cứ cho lau chùi nhà cửa sạch sẽ rồi mở rộng cửa cho thoáng thì mùi gì cũng bay hết... Tôi rất hiểu tình cảm các đồng chí đối với chúng tôi. Không riêng tôi mà với tất cả anh em, cùng đi. Tôi hiểu các đồng chí địa phương nghĩ: đôi ba năm, anh em dưới xuôi mới lên một lần, cần đón tiếp sao cho không đến nỗi xoàng xĩnh quá. Chúng tôi cảm kích tấm lòng đó. Song chúng mình là người nhà, tôi là khách và cũng là chủ. Đồng chí chẳng hạn, có phải chính quê ở đây đâu, nhưng được Đảng giao trách nhiệm, đồng chí tự coi mình là chủ, vậy chúng ta cùng bàn với nhau như bàn việc nhà.

Giọng anh trầm hẳn xuống, tâm sự:

- Nước chúng ta nghèo, lại vừa ra khỏi chiến tranh. Chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm xây dựng đời sống. Tôi đã từng đôi ba lần ra nước ngoài, tôi biết. Những nước phát triển người ta làm việc gì cũng tính toán cân nhắc. Phòng khách, buồng ngủ, nhà ăn quy mô to nhỏ, trang trí thế nào là vừa phải. Lịch sự không có nghĩa là xa hoa. Dạo tôi sang nghỉ ở Liên Xô, bạn cử đi theo tôi một bác sĩ và một cán bộ đối ngoại. Đêm, tôi có buồng riêng, còn hai đồng chí cùng đi nghỉ chung một buồng chỉ rộng bằng hai phần ba buồng ngủ ở đây.

Anh đứng lên, đến gần cửa sổ. Dạo ấy, vào đầu những năm 60, thủ phủ khu Tây Bắc đặt ở Sơn La, cả thị xã mới có hai ngôi nhà tầng dựng trên đồi cao. Từ đây nhìn xuống phố xá mới hồi cư, nhà ở toàn bằng nứa lá, đường phố chưa kịp rãi đá, tung bụi đỏ mù. Anh nói:

- Đồng chí xem, dân còn ở thế kia.

Chiều hôm qua mới đến, leo mấy tầng lầu vào buồng nghỉ, anh nói riêng với tôi:

- Đã cần gì xây dựng một lúc mấy nhà to thế này. Tôi nghĩ chỉ cần một trụ sở chính quyền khu cho bề thế, để đồng bào dân tộc từ núi cao về trông thấy cơ ngơi cách mạng mà phấn khởi. Cho đồng bào có dịp so sánh: mấy mươi năm dưới chế độ cũ, chưa nhìn đâu thấy nhà to như thế này. Còn trụ sở đảng bộ, chưa cần xây vội. Tôi không phê bình. Tôi rất thông cảm với các đồng chí lãnh đạo khu, và dù sao nhà cũng đã làm rồi. Nhưng giá ta dùng số tiền này vào việc phục vụ sản xuất có phải tốt hơn không? Sao không bắt đầu bằng việc mở ở mỗi châu một xưởng cơ khí làm nông cụ, bảo đảm cho nông dân không thiếu dao, cuốc trong lao động? Sao không mở lò nung vôi bón ruộng? Không nên bày vẽ ra nhiều thứ. Làm việc gì khó, chứ bắt chước sự huênh hoang lãng phí thì dễ và nhanh vô cùng. Cơ quan trên khu, trên tỉnh bày biện bao nhiêu chậu hoa thì trụ sở xã cũng sẽ có bấy nhiêu chậu.

Đứng bên cửa sổ, anh tiếp tục thì thầm với chủ nhiệm nhà khách như đôi bạn quen biết từ lâu:

- Cái khoản đãi đằng, nên phiên phiến. Các đồng chí thường vụ Khu ủy có lòng hiếu khách cho nên chiêu đãi chúng tôi. Chúng tôi biết ơn và không từ chối. Nhưng chỉ một lần thôi, gọi là họp mặt anh em lâu ngày gặp nhau, cấp trên cấp dưới cùng ngồi lại uống với nhau chén rượu. Mà cũng chớ nên bày vẽ ra sang trọng quá. Các đồng chí có biết không, Bác Hồ Chủ tịch nước, không bao giờ đãi khách quá ba món, trừ những bữa tiệc đặc biệt về ngoại giao. Một bữa chủ khách ăn chung, sau đấy, thôi. Anh em về công tác, các đồng chí chăm sóc cho là quý rồi. Còn ai ăn cơm đều phải trả tiền, trả bao nhiêu tùy điều kiện và tiêu chuẩn mỗi người. Các đồng chí mến khách, cho thêm gói chè, bao thuốc, tôi không phản đối. Nhưng nên vừa phải. Tôi thấy ở phòng này đặt chè và thuốc lá, trong buồng ngủ của tôi có, ở phòng khách có, và ở buồng dành cho tôi làm việc cũng có. Làm gì lắm thế? Tôi nói riêng để đồng chí biết: các cuộc họp Ban bí thư Trung ương Đảng, mọi khi có thuốc lá, nay không có nữa. Mình là dân nghiện. Hỏi, mới biết Bác Hồ bảo thôi. Thật ra tốn kém chẳng bao nhiêu, cái chính là Bác muốn tạo thành thói quen và nêu gương cho cấp dưới. Ở nước ngoài giàu có, đến hội nghị, ai muốn hút thuốc lá, bỏ của mình ra mà dùng. Mà cũng chỉ hút ở hành lang. Nước ta làm ra chưa bao nhiêu mà tiêu phí quá nhiều. Một lần tôi về kiểm tra một hợp tác xã ở Nam Định, hỏi vì sao năm qua số tiền bỏ vào xây dựng cơ bản chỉ có sáu trăm đồng. Đáp: thưa anh, chúng tôi không có "khả năng". Tôi hỏi lại: thế tại sao đồng chí lại có khả năng bỏ ra những 2.300 đồng để liên hoan các khoản?

Chuyện vảy nước hoa vào phòng ngủ, chuyến đi thăm Tây Bắc ấy anh nói đi nói lại nhiều lần. Với giọng nói cười cười, không phải không có lúc nghiêm khắc nhưng hết sức chân tình, người nghe có thể bực mình và sẽ nhớ lâu nhưng không ai nỡ giận, anh nói cặn kẽ:

- Các đồng chí tiếp đãi chúng mình nồng hậu quá. Chắc các vị sợ đón tiếp qua quýt, anh em về sẽ trách: cả đời lên Tây Bắc một lần, mà anh em đối xử chẳng ra sao. Hôm mới lên, thú thật mình không ngủ được, sáng hôm sau vội "kiến nghị" ngay với chủ nhiệm nhà khách giảm đi cho cái khoản "thơm thơm" ấy đi, thế là tối đến đặt mình xuống giường, ngủ ngay như khúc gỗ. Có lẽ tại mình trót đầu thai làm anh nông dân nghèo nàn lạc hậu, khó quen được nếp sống "văn minh" chăng? Nằm trên khăn trải giường trắng toát, thích cũng có thích đấy, nhưng đôi khi đệm êm quá vải lót trắng quá xui suy nghĩ vẩn vơ và sinh ra khó ngủ. Tôi là Trung ương, nhưng cũng là anh cán bộ đi công tác, có phải sứ thần nước ngoài đâu mà tiếp đón quá linh đình. Về Châu Mộc, thấy có cả bộ đội phục vụ, bữa ăn có đồng chí chiến sĩ mặc bờ-lu trắng đứng hầu bàn. Món ăn thật ngon mà mình như bị nghẹn...

Tiếng cười của anh sang sảng vang lên như muốn làm giảm nhẹ phần nào sự chối từ của lời nói thẳng.

Không giống những người xuất phát từ động cơ tốt và có đủ nghị lực, đã thường xuyên rèn luyện phong cách sống gần gũi với quần chúng, sự giản dị trong sinh hoạt của anh Thanh tự nhiên như bẩm sinh. Nếp sống của anh giản dị thoải mái, chân chất, do đó có sức truyền cảm. Một vài việc làm hoặc câu nói, vào trường hợp khác có thể bị coi là lập dị hoặc "lên gân", nhưng ở anh thì bao giờ cũng thật, cũng chân tình, và người nghe sẵn sàng quên những điều nói quá, chân tình là đặc điểm nổi bật ở anh Thanh, trong giao thiệp với bạn bè, đồng chí, trong tiếp xúc với đồng bào. Đó cũng là bí quyết cắt nghĩa sự thành công trong việc giáo dục các con anh nếp sống giản dị và tính siêng năng lao động ngay từ khi còn bé.

Sinh ra từ một gia đình trung nông, thuở nhỏ cũng có được cắp sách đến trường. Nhưng nhà sa sút mau chóng, có thời anh phải đi làm thuê. Một lần anh kể: "Làm nông nghiệp, mình tiếp xúc nhiều nông dân, nhưng chưa gặp ai từng làm nghề kỳ cục như mình. Một dạo, sáng sáng mình ra đứng chống cuốc ở ngã ba đường, chờ người ta đến thuê đi... bốc mộ. Chả là cánh đồng An Cựu có một nơi được tiếng là có long mạch, người chết nơi xa cũng cố đưa về đó chôn, nhưng đã nhiều người đến chôn thì tất cũng nhiều người cải táng, bởi vậy sáng sớm chống cuốc đứng chờ thế nào cũng có người thuê".

Có lẽ thấm thía nguy cơ sa sút của nông dân, anh đã viết sâu sắc về khả năng phân cực giai cấp ở nông thôn ta. Sau cải cách ruộng đất nếu không kịp thời tập thể hóa ở nông nghiệp:

"Vì sao ở nước ta hiện tượng phân hóa giai cấp mau xuất hiện? - Vì khi đánh đổ giai cấp phong kiến địa chủ, tư liệu sản xuất của chúng ta không nhiều lắm. Người nông dân được ruộng cũng vẻn vẹn có ba sào theo mức bình quân, nếu gặp mất mùa một hai vụ liền, hoặc trong gia đình có xảy chuyện chẳng may thì có thể có hàng vạn hộ từ bần nông trở xuống cố nông, và lẽ tất nhiên hàng trăm hộ từ trung nông khá chuyển lên phú nông trên cơ sở sự bần cùng của bần nông". (1962)

***

Thời niên thiếu để lại ở mỗi người những ấn tượng khó phai mờ. Chúng ta đâu biết Bác Hồ hoạt động ở nước ngoài mấy chục năm mà vẫn thích món tương cà rất bình dân vùng Nghệ Tĩnh. Anh Thanh thích món cá biển kho mặn với nhiều ớt cay. Mùa hè năm 1962, tôi cùng anh vào Sầm Sơn vừa nghỉ ngơi vừa chỉnh lý một số văn kiện. Một sáng tôi thấy Chắt, cần vụ của anh, ra chợ mua về một cái niêu đất. Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, Chắt cười: "Ở nhà an dưỡng thiếu gì món ngon thế mà ngày nào anh ấy cũng xuýt xoa nhắc đến món cá kho mặn, mình thương quá, thôi chiều anh ấy một tý vậy.

Món ăn mơ ước ấy thật đơn giản. Đó là những con cá cơm rang mặn đến khô cứng, cùng với ớt tươi và một vài lát măng vòi. Đây chính là mối liên hệ máu thịt với nguồn gốc lao động nghèo - tôi nghĩ. Ý nghĩ của tôi có dịp được xác minh. Anh tâm sự: "Khi đi làm cách mạng, mình có nghĩ tới những chuyện cao xa nhưng cũng có khi chỉ ước mong sao bữa cơm về sau có được niêu cá kho mặn''.

Một lần nói chuyện với thanh niên xã Thái Bạt, tỉnh Sơn Tây (cũ), anh đã làm người nghe rất xúc động. Giữa mảnh sân nhỏ một nhà nông dân - hồi này, các hợp tác xã chưa có sân phơi to - dưới ánh đèn leo lét, sau khi thách vật tay và hạ suốt lượt thanh niên trong thôn, anh thấp giọng chuyện trò với lứa trẻ xúm xít chung quanh. Những thanh niên này mười lăm phút trước còn rụt rè im lặng vì lần đầu tiên tiếp xúc với một Đại tướng. Anh nói:

- Cách đây chừng ba mươi năm, lúc cách mạng chưa thành công, tôi còn là một thanh niên bảy tuổi, trẻ, khỏe và làm ruộng như các đồng chí, nhưng hồi ấy tôi phải đi làm thuê cho một nhà giàu. Tôi nhớ một hôm, tôi và một anh bạn nữa cùng đi guồng nước cho nhà chủ. Khi chúng tôi vác xe đạp nước(1) về, thì mụ chủ nhà hất hàm hỏi: "Các chú "đạp" được mấy sào? Tôi đáp: Được năm sào". Mụ chủ nhà không nói một câu, mặt bỗng nhăn như bị. Giận cá chém thớt, mụ cầm thanh củi đánh con chó mà chửi: "Mẹ cha mày, tao cho mày ăn cơm hay ăn cứt?" Các đồng chí thử nghĩ xem mụ chửi ai, và lúc bấy giờ chúng tôi bưng bát cơm của mụ ăn thì bữa cơm đó thế nào? - Bữa cơm trộn nước mắt, các đồng chí ạ.

Các đồng chí vừa cho biết mỗi người đều có hai, ba bộ quần áo lành, đều học lớp ba, lớp bốn. Chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội chưa được bao lâu mà đời sống chúng ta lên được như vậy là điều đáng mừng. Thanh niên chúng tôi không bao giờ được như thế đâu, rách suốt đời. Quần áo vá chằng vá chịt mỗi người một kiểu đi đằng xa cứ nhìn cái áo vá đã nhận ra anh Kèo hay anh Cột rồi. Có người nắng tháng năm chẳng ốm đau gì mà phải nằm đắp chiếu vì chỉ có một cái quần, giặt rồi không có cái mặc. Nông dân nghèo ngày xưa không dễ gì đem mồ hôi đổi lấy bát cơm. Đi thì cắm đầu xuống đất, về thì không dám cất mặt lên trời. Nếu có ai hỏi cuộc đời họ sẽ ra sao thì họ sẽ trả lời:

"Khổ chi da diết diết da,
Áo em hai vạt trải ra anh nằm".

Cuộc đời của thanh niên cùng nhiều nông dân ngày trước là như thế đấy, các đồng chí ạ.

Các đồng chí hãy so sánh thử. Các đồng chí sinh gặp thời, các đồng chí đã lớn lên cùng với thắng lợi của cách mạng...

Cuộc sống riêng của anh Thanh thật giản dị. Con đầu lòng của anh sinh ở chiến khu Hòa Mỹ. Hoàn cảnh kháng chiến hồi đó đầy khó khăn, cháu ốm đau luôn. Để khỏi trở ngại công tác và làm phiền các đồng chí chăm sóc cho gia đình mình, anh chị gửi cháu về làng nhờ bà con nuôi hộ, nhưng rồi cũng không nuôi được. Có lẽ vì nghĩ tới cháu và rừng núi quê hương, khi vào miền nam chỉ đạo cuộc chiến đấu chống Mỹ, anh đã lấy hai từ Trường Sơn tên đứa con đầu lòng, làm bút hiệu cho những bài bình luận nảy lửa.

Ở chiến khu việt Bắc, chị sinh đôi và lần này cũng chỉ nuôi được một cháu. Cả gia đình hằng tháng sống dựa vào sổ gạo Nhà nước cấp cho, theo tiêu chuẩn cấp cho hai cán bộ. Thấy cháu yếu và anh cũng gầy, cơ quan mua cho một con bò cái để vắt sữa nuôi cháu và luôn thể bồi dưỡng sức khỏe anh. Hôm nào đồng chí Chắt cần vụ ra suối câu được một ít cá, mang về kho với ớt và măng vòi, hôm ấy là bữa ăn tươi. Khi cháu lớn, anh bảo đồng chí phục vụ dắt con bò sang trả lại cơ quan.

Về Hà Nội, sinh hoạt dĩ nhiên khá hơn, anh vẫn giữ cho mức sinh hoạt gia đình không cách biệt những cán bộ bình thường. Cháu trai mặc quần mua ở cửa hàng mậu dịch, các cháu gái mặc sơ mi nhuộm màu gụ như hồi còn ở nông thôn. Nhà có mảnh vườn, mọi người kể cả các đồng chí phục vụ và các cháu cũng trồng rau; khi nào có thì giờ, anh cũng tham gia.

Suốt bao mùa đông ở Hà Nội, anh vẫn tha thiết áo vá rơi bằng dạ nâu nặng như cùm được cấp hồi ở Việt Bắc, đã rụng hết tuyết, có chỗ gần như trơ bao tải. Trong nhà, chẳng có thứ gì đáng giá. Hôm nào rét quá, khoác thêm chiếc áo choàng cấp tướng. Vật quý nhất tôi thấy trong phòng khách của anh là một bộ ấm chén bằng sứ nước ngoài khá đẹp, chắc là quà tặng, nắp ấm gãy núm được gắn lại bằng xi măng. Một hôm nghe tin anh cảm sốt, tôi sang thăm. Anh bị bác sĩ cấm ra khỏi buồng, đang mong có khách thân đến nói chuyện. Buồng ngủ hẹp, chiếc giường cổ lỗ anh choán gần hết chiều rộng. Tấm màn tuynh cũ vá hai ba miếng. Giường lò xo nhưng không có đệm mà trải chiếu. Anh ngồi giữa giường, lò xo lún xuống, bốn góc chiếu hếch lên trông thật buồn cười.

Nhà không có hiên, về mùa hè buồng ngủ ấy rất nóng. Một sáng, gặp tôi anh phàn nàn: "Chà, chà nóng ơi là nóng. Đêm qua mình phải dậy ra vườn hai ba bận".

Câu chuyện xoay quanh thời tiết, khí hậu. Anh nói tiếp:

- Các cậu bên Tổng cục(2) sang chơi, thấy nhà mình xan nắng, định lắp cho cái máy lạnh. Mình bảo thôi, mình dù sao cũng còn trẻ, để nhường các đồng chí cao tuổi và kém sức khỏe hơn. Nước ta nghèo, nếu cứ bày đặt ra, nhà trên dùng được máy điều hòa nhiệt độ thì nhà dưới cũng dùng được, rồi thi nhau bốc ngắn cắn dài, chết cả.

Hồi về Hà Nội, cơ quan quân đội có nhã ý xếp gia đình anh ở một ngôi nhà ven hồ Trúc Bạch. Đó là một biệt thự đẹp, có mái nhọn cao vút và trang trí thanh nhã, ngửa mặt đón gió Hồ Tây. Anh từ chối, xin về ở ngôi nhà xan nắng gần khu quân đội. Có lần, anh nói với tôi:

- Từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, khó tránh khỏi chớm nở trong bộ đội tư tưởng đòi hưởng thụ. Muốn được phong quân hàm cao, muốn hưởng tiêu chuẩn khá không phải là hiện tượng cá biệt. Mình ở nhà sang quá thì khó gần gũi anh em, mà có khi nói điều cần phải nói, cũng khó lọt tai người.

Anh rất ngại làm phiền hà người khác, Đi công tác về cơ sở, nếu không tiện báo trước thì tính độ đường sao cho đừng đến quá muộn, để khỏi làm phiền các đồng chí nhà bếp chạy bữa ăn của khách. Một lần giữa hè, từ Hà Nội vào thị xã Thanh Hóa thì vừa trưa. Ai nấy đều đói và mệt. Dĩ nhiên có thể vào cơ quan tỉnh ủy hoặc khách sạn giao tế đầy đủ tiện nghi. Anh gợi ý chúng tôi nên vào cửa hàng ăn uống thị xã: "Chúng mình chỉ đi qua không phải là khách đến làm việc với tỉnh, chớ nên làm phiền anh em".

Cả đoàn vào cửa hàng ăn quốc doanh ở phố vườn hoa cũ. Anh tìm một chiếc bàn trống kéo ghế ngồi hút thuốc lá, chờ chúng tôi chia nhau người xếp hàng mua vé, người đợi đến lượt lĩnh các món ăn. Dạo ấy cơm ở cửa hàng ăn độn ngô vàng rộm. Anh ăn một suất như mọi người. Ngồi nghỉ một lát ngay ở bàn ăn rồi tiếp tục lên đường.

Lần khác, có việc vào khu 4 cũ gấp anh rủ anh em đi đêm cho mát. Chúng tôi ăn chiều sớm và chờ ở nhà anh. Bốn giờ rưỡi chiều, anh họp Bộ chính trị về, tất cả lên xe đi luôn. Cơm tối của anh đã được nắm sẵn. Đến Ninh Bình, trời tối hẳn, Nghĩa tìm một nơi quang đãng bên đường, dừng xe lại rồi hai thầy trò mở cơm nắm ra ăn (hồi nãy Nghĩa chưa cùng ăn với chúng tôi vì chờ đón thủ trưởng tan họp). Ăn xong, hai anh em lôi chiếc bình tong bộ đội ra làm mấy ngụm nước, và lại lên đường.

Tôi từng nhiều lần suy nghĩ về ý đã nói ở trên: sự giản dị của anh là một sự giản dị bẩm sinh. Anh chan hòa với quần chúng bình thường, tự nhiên như cuộc đời không thể nào khác. Anh không cần có sự cố gắng nhỏ nhặt nào để quên đi cái cương vị của mình: cương vị một cán bộ giữ trách nhiệm cao và có uy tín lớn. Anh là một người bình thường như tất cả mọi người.

Đầu năm 1961, anh sống nhiều ngày ở hợp tác xã Đại Phong, tỉnh Quảng Bình, để nghiên cứu cách quản lý và rút kinh nghiệm nhằm phát động phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa rộng lớn đầu tiên trong nông nghiệp. Buổi họp chung toàn hợp tác xã, bà con đến rất đông. Nhiều người nghe tên anh nhưng chưa biết mặt. Có mấy bà đến muộn đứng phía sau, cứ nhón chân nhìn lên đoàn chủ tịch và hỏi nhau: "Mô, Đại tướng mô? Ông mô là Đại tướng?". Đang đứng lẫn trong đám đông lắng nghe xã viên trò chuyện anh hóm hỉnh trả lời: "Đấy, đấy, cái ông trắng trẻo, béo tốt ngồi thứ hai từ bên tay trái ấy". Chỉ tội cho anh bạn ấy của tôi mấy hôm sau đi đâu cũng có người theo xem mặt đại tướng, mãi cho tới khi mọi người vỡ lẽ nhân vật nổi tiếng là người có khuôn mặt xạm đen và tay chân chắc nịch như nông dân chứ không phải anh cán bộ trắng trẻo, đầy đặn ngồi trên đoàn chủ tịch cuộc họp hôm nọ. Một cách tự nhiên, bằng trực giác, anh thông cảm những khó khăn và thấu hiểu nguyện vọng của quần chúng. Làm việc với anh, ít khi chúng tôi thấy anh nổi nóng: anh luôn luôn tự kiềm chế, không để sự vui buồn của mình tác động trong quan hệ công tác. Chỉ có một lần, tôi thấy anh không giữ được mình. Kỳ giáp hạt năm ấy, một số địa phương mất mùa, nhân dân thiếu ăn. Nhà nước đưa gạo về giúp, nhưng có nơi cán bộ xử sự không đứng đắn. Anh đi kiểm tra, xử lý nghiêm khắc những cán bộ, đảng viên xâm phạm lợi ích của quần chúng. Tại cuộc Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh X, trước khi phát biểu ý kiến anh trao đổi với tôi:

- Đảng bộ ở đây có một số khuyết điểm. Ban bí thư đã chỉ ra, và anh em cũng đã thấy. Mình phân vân không biết có nên nói nhiều về mặt ấy nữa hay không. Chỉ sợ mình không tự kiềm chế được và nói quá nặng lời. Phân tích về mặt lý luận, thường bình tĩnh, nhưng động đến tình cảm đôi khi mình không tự chủ nổi...

Tôi chưa kịp trả lời, anh đã gật gù tự giải đáp:

- Có lẽ cũng phải nói thôi. Dịp này không phát biểu, khó có lúc nào khác. Một vài người chối tai, có thể không bằng lòng nhưng rồi anh em sẽ hiểu.

Quả nhiên bài phát biểu của anh có đoạn thật gay gắt. Nhắc đến hiện tượng cán bộ tự tư tự lợi, giọng anh lạc đi:

- Đảng viên gì? Cán bộ gì? Dân đói? Nhà nước gửi về mấy tạ gạo, ba ông chi ủy chia nhau trước mỗi người mấy chục cân, thật không bằng... con chó! Xin các đồng chí bỏ qua cho, tôi biết những hiện tượng như vậy không nhiều, nhưng nó diễn ra trong hoàn cảnh không thể nào tha thứ được. Không thể nào để lại trong Đảng ta những con người thoái hóa đến mức ấy!

***

... Anh Nguyễn Chí Thanh có đôi mắt nhỏ, khi anh trầm ngâm, những nếp nhăn ở đuôi mắt hằn sâu xuống. Đôi mắt lúc nào cũng hơi vẩn đỏ, hiền hậu như mắt nông dân ấy lại có cái nhìn xuyên suốt sự vật tựa mắt chim bằng. Mỗi lần theo anh về các địa phương và thấy anh mau chóng phát hiện những vấn đề mới trong thực tiễn thoạt nhìn tưởng rối như mớ bòng bong, tôi thường nói: chính sự nhuần nhuyễn chủ nghĩa Mác-Lênin (nhuần nhuyễn trên một nền lý luận vững chắc và cũng có khi chỉ mới bằng trực cảm, tôi nghĩ vậy), cộng với vốn sống phong phú về xã hội nông thôn ta, đã giúp anh phân biệt cái chính với cái phụ, bản chất và hiện tượng, mặt đúng mặt sai để từ đó rút tỉa ra những mầm mống đã bắt đầu xuất hiện nhưng còn ít ỏi rụt rè, như tìm hái những cây thuốc quý lẩn khuất giữa cả rừng cây dại. Chẳng khác câu chuyện về quả trứng của Crit-xtốp Cô-lông xưa, nhiều điều anh vạch ra có vẻ quá ư đơn giản, thậm chí có người còn cho là không đáng gọi phát hiện vì quá vụn vặt. Họ quên không tự hỏi sao mình không là người đầu tiên nhận ra chân lý đơn giản để lấy nó ra như nhặt viên ngọc giữa đống sỏi.

Những phát hiện dù nhỏ nhưng đúng lúc làm nên người chỉ đạo lớn. Đức tính này càng cần thiết cho những ai được giao phó những nhiệm vụ mũi nhọn vào lúc cách mạng chuyển giai đoạn, khi thực tiễn ngồn ngộn sức sống và chuyển biến mau lẹ. Anh Thanh không ưa những người do xa rời thực tế mà không có ý kiến cụ thể, dứt khoát về bất cứ một vấn đề gì. Những người này thường trốn sau những ngôn từ bóng bẩy. Họ đi theo lối mòn, và vì vậy không bao giờ phát hiện được một điều chi mới mẻ. Anh công khai và không thương xót giễu cợt loại cán bộ đó. Anh nói:

"... Lãnh đạo kinh tế lại càng phải sát càng phải cụ thể. Hỏi đến công việc gì, đồng chí đó cũng trả lời "nói chung", "căn bản", "tương đối" chung chung. Xin các đồng chí biết cho rằng: sau khi hiểu biết rất nhiều điều cụ thể rồi, người ta mới dùng đến những tiếng "nói chung", "căn bản", v.v… để khái quát lại tình hình. Đó là một điều cần thiết. Đằng này, những đồng chí đó lại dùng những tiếng "nói chung", "tương đối", v.v… để lẫn tránh những vấn đề cụ thể mà mình không biết. Lãnh đạo kinh tế không thể chỉ dựa vào cái nói chung cái tương đối kiểu đó được. Trong phong trào thi đua hiện nay, chúng ta có những kiện tướng thủy lợi, kiện tướng làm phân bón, trong hàng ngũ cán bộ chúng ta có nhiều đồng chí xuất sắc hằng ngày hằng giờ lăn lộn với phong trào quần chúng nhưng lại có một số đồng chí đã trở thành những "kiện tướng nói chung", "kiện tướng tương đối". Những đồng chí này làm cản trở phong trào rất nhiều. Các đồng chí có biết những đồng chí đó xuất hiện trong hoàn cảnh nào không? Họ xuất hiện từ một nền nếp làm việc cũ rích theo lối "ba khoán": tỉnh khoán cho huyện, huyện khoán cho xã, xã khoán cho hợp tác xã... Kết quả là không ai kiểm tra ai, công việc tốt hay xấu cũng không ai biết. (Nói chuyện tại Vĩnh Phú ngày 25-4-1961)

Anh phê phán không thương tiếc, đôi khi với sự hóm hĩnh nông dân - những cán bộ lãnh đạo địa phương ít đi sâu và thiếu cụ thể.

P.Q
(19/6-86)



----------------
(1) Trên báo Nhân Dân và các tuyển tập in sau đó, từ "xe đạp" nước được sửa là "guồng nước".
(2) Tổng cục chính trị, cơ quan của anh.









Các bài mới
Lập công (24/07/2023)
Hoa ở Huế (23/06/2023)
Các bài đã đăng
Ký ức tím (16/12/2011)