Song Chính ủy Tỉnh đội Quảng Trị trả lời bằng văn bản: Chúng tôi chưa thể giúp đỡ được. Nhận thư, các anh ngồi lặng người, nghe buốt trong tim. Đợi đủ thời gian 3 năm, năm 2007, các anh làm đơn lần thứ hai, Trần Văn Thà với tư cách đảo trưởng thời đạn bom ra tận Đông Hà gặp gỡ, thuyết phục, mới được Tỉnh đội chấp nhận. Mừng vui, thư tới tấp gởi đi, như những cánh bướm phất phới bay về khắp cả Bắc - Trung -
. Trong hai ngày 9, 10 tháng 6 năm 2007, các cựu chiến binh Cồn Cỏ tấp nập đổ xe xuống Đông Hà.
Cuộc gặp gỡ vui mừng khôn xiết, thật không có ngôn ngữ nào tả nổi. Họ hét gọi tên nhau, chạy ào tới, ôm chầm lấy nhau, ghì chặt, nâng bổng nhau lên vai. Cầm tay nhau chạy tung tăng. Thật không thể nghĩ trên nhà khách Tỉnh đội này là các ông già tóc bạc phơ, toàn cỡ 70 tuổi trở lên, mà đúng hơn là sân nhà trẻ ngày Tết Trung Thu của các cháu nhận quà. Họ hầu như quên tuổi tác của mình; đang sống hết lòng mình với tuổi trẻ một thời chia nhau miếng nước, chia nhau lửa đạn. Bùi Thanh Phong hồn nhiên tới mức anh ôm cổ, nhảy lên lưng hết người này đến người khác, vật bạn xuống giường, đè lên, day day hàm râu vào má bạn, tôi nhìn anh, cứ nhớ Bùi Thanh Phong 40 năm trước đây là một trong những người đầu tiên bắn đạn vào máy bay phản lực gầm rú trên bầu trời Cồn Cỏ.
Vui quá trời. Ba đêm trong nhà khách Tỉnh đội hầu như không ngủ. Trưa không ngủ. Họ nói chuyện với nhau không phải thầm thì đâu, mà oang oang như chợ vỡ vậy. Đúng là phải dốc hết lòng mình ra mới đã, 40 năm mới gặp được nhau chứ dễ dàng gì. Ông Sửu, đảo phó năm ấy, giờ đã 84 tuổi nói nghẹn ngào: - E đây là lần cuối cùng chúng ta đoàn tụ với nhau đông đúc như thế này. Không phải chỉ ông Sửu nghĩ như vậy đâu. Đó là ý kiến đa số. Bởi người lính rời quân ngũ về với ruộng đồng, biết bao nhiêu điều chất lên vai họ, không dễ gỡ mình ra lúc nào cũng được. Mỗi chuyến xa nhà là một bài tính riêng. Dẫu kỷ niệm cũ không bao giờ quên. Những bộ quần áo lính ngày ấy mang về, giặt giũ, cất kín như của gia bảo, bây giờ mới có dịp mang ra mặc. Hầu như không có ai không có chiếc mũ mềm gắn quân hiệu đã đi với họ suốt đời lính. Đội trên đầu lúc này đây như một niềm kiêu hãnh không bao giờ phai.
Đoàn cựu chiến binh Cồn Cỏ của Thanh Hóa có 25 người, khoe: trước khi đoàn đi, Tỉnh ủy và Ủy ban tỉnh Thanh Hóa gặp gỡ chúc chuyến đi thành công, không chỉ cho xe chở đi, mà còn cử riêng một phóng viên truyền hình mang theo máy đặc chủng, ghi hết mọi hoạt động của anh em trong cuộc gặp gỡ này, rồi in riêng cho mỗi người một đĩa làm kỷ niệm. Buổi hẹn gặp gỡ với tỉnh, dự định 7 giờ 30 phút vào hội trường, nhưng sáng đó chiến sĩ Cồn Cỏ của Vĩnh Linh, Quảng Trị mới tới, không có chỗ đón tiếp, nên đành đến muộn, họ ào vào nhau, không dứt ra được, mãi 9 giờ 15 phút mới ngồi ngay ngắn trong hội trường. Cuộc tiếp xúc này anh Trần Văn Thà, nguyên đảo trưởng Cồn Cỏ có 4 đề nghị:
Một là: nên có một bảo tàng cho đảo Cồn Cỏ. Vì lý do gì đó không làm ở đảo được thì thu xếp một phòng riêng cho Cồn Cỏ ở bảo tàng Quảng Trị. Hai là: Cồn Cỏ cần có một tượng đài làm biểu tượng cho mình, và nên giữ nguyên những địa danh ở đảo như đã đặt ra trong chiến tranh. Ba là: đề nghị nên có kỷ niệm chương cho các chiến sĩ Cồn Cỏ nhân kỷ niệm 50 năm thành lập. Ai không còn nữa thì gửi về gia đình họ. Bốn là: hiện còn có một số chiến sĩ bị thương trên Cồn Cỏ, vì lý do này, lý do khác chưa làm được chính sách thương tật, đề nghị Tỉnh đội giúp đỡ. Vì chúng tôi còn sống đây, sẽ xác nhận được cho nhau. Những ý kiến của Trần Văn Thà không được trả lời ráo riết, vì trong cuộc gặp gỡ trọng đại này không hề có đại biểu của Ủy ban tỉnh Quảng Trị dự, cũng không hề có đại biểu của Tỉnh ủy Quảng Trị dự, nhất là hoàn toàn không có một phóng viên nào của tỉnh được mời tới, làm sao Tỉnh đội đủ quyền trả lời hết, và không được ghi chép thông báo trên công luận, đâu có đủ tư cách pháp nhân làm bằng.
Các chiến sĩ Cồn Cỏ lặng nhìn nhau, âm thầm. Họ bảo nhau: chắc cuộc gặp gỡ này của chúng ta không đủ tầm trên đất Quảng Trị này. Sáng ngày 11/6, chỉ có 70 cựu chiến binh ở xa được lên tàu ở Cửa Việt ra đảo. Họ tranh nhau ngồi trên ván gỗ mũi tàu, không phải để hóng gió mát, mà để nhìn thấy đảo Cồn Cỏ từ xa. Nhác thấy bóng đảo mờ mờ nơi chân trời, ai đó nói như reo lên: - A, đảo kia rồi! Thế là cả con tàu xôn xao. Nhao nhao nói: Mỏm cao bên tay trái đó là Hải Phòng, mỏm cao bên phải là Mũi Si… Đâu đâu, bến Nghè đâu, bến Nghé đâu?... Mỗi người đều tìm trong ký ức mình những kỷ niệm riêng nơi Cồn Cỏ. Rõ ràng Cồn Cỏ đang sống dậy trong từng người. Khi bước lên đảo, mọi người đều ngỡ ngàng vì màu xanh ngan ngát của Cồn Cỏ. Bởi ngày ấy chia tay Cồn Cỏ, thì Cồn Cỏ hố bom chồng lên hố bom. Mảnh đất hơn 3 cây số vuông đang bị bom đạn địch cày nát, có đâu màu xanh như bây giờ.
Mệt vì mấy ngày ham chơi biếng ăn, bỏ ngủ, mệt vì 30 cây số đường biển dập dềnh, nhưng lên đến Cồn Cỏ, hầu như quên tất cả, anh em kéo nhau lên ngay đài liệt sĩ dựng trên đỉnh đồi Si. Liệt sĩ của đảo không nhiều, chỉ 94 người. Anh Hướng thì ăn chắc, khẩu 12 ly 7 của anh đợi máy bay đến thật gần mới nhả đạn bắn trực diện, đợi đến thời điểm ấy, máy bay đã cắt bom. Bom rơi trúng khẩu đội anh. Anh Nga bị thương, cắt bảy đoạn ruột mà không hề có một giọt thuốc gây tê… Mỗi cái chết trên đảo là một chiến tích. Trong mùi thơm khói hương, chiến công của các anh đều được đồng đội nhắc tới ở đài liệt sĩ này. Đứng trên đồi Si, nơi trung đội 14 ly 5 đặt trận địa ở đây, góp phần tích cực bắn rơi 38 máy bay trên đảo. Cùng lúc anh Hữu Tứ kể chuyện chỉ trong 2 ngày đồi Si bắn rơi 7 máy bay AD6 Mỹ, mọi người bàn nhau: e nơi đồi Si này nên đặt một tượng đài cho Cồn Cỏ chắc sẽ tuyệt hơn đài liệt sĩ này, được như thế sau này sẽ làm say lòng du khách khi họ đặt chân tới hòn đảo nhỏ đã hai lần được phong tặng danh hiệu anh hùng.
Ở trên đài liệt sĩ xuống, Trần Văn Thịnh không về huyện đội Cồn Cỏ, anh hối hả đi ngay. Phải hơn một giờ đồng hồ sau Thịnh mới về, mồ hôi ướt đầm áo lính, tưởng như anh vừa mới chui từ dưới biển lên. Quên mệt, miệng cười tươi, mắt cười tươi, từng nét mặt rạng rỡ như chưa bao giờ rạng rỡ thế. Anh nói oang oang từ niềm vui trong lòng báo cho mọi người biết: - Tôi đã tìm ra cái hầm tôi ở ngày ấy rồi các bạn ạ. Mọi người xúm đến chia vui với anh. Chiều thăm bến Nghè, anh hùng Lê Văn Ban trong đoàn tàu vận tải của Vĩnh Linh cho đảo, anh kể trận đã chuyển hàng lên đảo, lúc 12 chiếc thuyền về lại đất liền gặp địch phục kích, chỉ hai thuyền quay lại được đảo, 8 thuyền bị đánh chìm, hai thuyền vào bờ Nam. Một thuyền bị bắt. Thuyền của anh vào được Gia Đẳng, 28 ngày sau anh mới về được lại Vĩnh Linh. Trận đó ta thua đậm nhất, đau lòng nhất.
Cũng ở bến Nghè này, trung đội 14 ly 5 ngày trực chiến, đêm xuống bến bốc hàng. Nhớ đêm ấy, được lệnh xuống bốc hàng, xứ “đực rựa” này quen thói ở lỗ bốc hàng, đêm ấy khi đến gần thuyền bỗng nghe tiếng thiếu nữ, các anh liền chạy lại mặc quần đùi rồi mới xuống nước. “Ở đảo thời ấy thèm tiếng đàn bà, thèm tiếng trẻ con lắm. Mỗi phụ nữ ra đảo là một thiên thần đối với chúng tôi. Những nàng tiên ấy đều được anh em ngưỡng mộ, trọng vọng.” Hai nàng tiên hôm ấy cũng có mặt trong đoàn cựu chiến binh ra thăm đảo hôm nay. Đó là chị Khiêm và chị Lý. Năm nay chị Khiêm đã 64 tuổi, chị Lý 60, 40 năm trước các chị mới tuổi 20. Chị Lý bảo: các anh lãnh đạo nói không muốn các thiếu nữ xinh đẹp chúng tôi làm mồi cho cá, nên đã chuyển chúng tôi sang lực lượng vũ trang.
Chị Khiêm có bốn cháu. Chị Lý có ba cháu. Chị Khiêm bảo: “Các cháu đều có một gia tài tinh thần lớn lao, nhưng do điều kiện, các cháu ít học, đều là lao động cả. Lắm lúc nghĩ mà ngậm ngùi.” Lúc ấy thủy quân của ta chưa đủ điều kiện kĩ thuật hiện đại để hoạt động ở vùng giới tuyến. Nên Vĩnh Linh được giao nhiệm vụ tiếp tế cho đảo. Cứ một chiến sĩ đảo hi sinh, thì mười người dân Vĩnh Linh hi sinh cho đảo. Vì vậy ngay thời ấy đã gọi đoàn thuyền của Vĩnh Linh tiếp tế cho đảo là tiếp máu cho đảo là vậy. Tính bình quân mỗi người dân Vĩnh Linh bị 8 tấn bom Mỹ trút lên đầu, thật là một con số kinh hoàng. Một huyện Vĩnh Linh có 3 điểm anh hùng: một là sông Hiền Lương, hai là địa đạo Vĩnh Mốc. Và ba là Cồn Cỏ, rõ ràng trách nhiệm của Vĩnh Linh đối với đất nước lớn lao chừng nào. Ai quên Vĩnh Linh, người ấy có tội với chính lương tâm mình.
Rời bến Nghè, chúng tôi đi dọc chiến hào xưa đến bãi biển Hà Đông, rồi bãi biển Sơn Tây. Có lẽ cũng cần nói rõ tại sao Cồn Cỏ lại có các địa danh mang tên Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Sơn Tây, Hà Đông… như vậy. Lịch sử các tên ấy là các chiến sĩ Cồn Cỏ đã lấy địa danh các tỉnh đặt cho từng khu vực đảo mình, để thấy đảo mình như Tổ quốc được thu nhỏ lại. Dẫu chỉ chiến đấu trên đảo thôi, cũng đã giống như chiến đấu cho cả Tổ quốc mình rồi. Rõ ràng Cồn Cỏ nhỏ, mà vóc dáng của nó chẳng nhỏ một chút nào. Đứng trước bờ biển khu Hà Đông, anh Nguyễn Hồng Tín chính trị viên phó đảo kể: bữa ấy chiếc tàu chiến của địch đi nghênh ngang trước biển. Nó đi ngang như dạo chơi. Trần Văn Thà hạ lệnh cho cối, đại liên, pháo 81 cùng lúc nổ súng. Ngay từ loạt đạn đầu, chiếc tàu chiến bốc cháy. Cũng trên bờ biển này hai ngày hôm sau bắn rơi một máy bay phản lực.
Tất cả mọi con mắt đều hướng ra khơi. Trên mặt sóng dập dềnh biếc xanh kia ai cũng như nhìn thấy lửa bùng lên và khói đang tan, chìm xuống mặt biển. Từ chiến hào, lính Cồn Cỏ bám chắc địa hình, bất cứ lúc nào cũng nhả đạn kịp thời. Ở Cồn Cỏ, chiến hào phải kể là một kỳ công. Tổng cộng tất cả loại chiến hào trên đảo cộng lại, dài đến 8300 mét. Hào rộng 1 mét, hai bên tường hào bằng đá hoàn toàn. Hàng mấy vạn hòn đá nặng nề xếp lên thành tường 8300 mét chiến hào đều do các chiến sĩ của đảo vác từ bờ biển lên xếp vào. Bây giờ nhìn lại, không biết lúc ấy chiến sĩ lấy đâu sức lực, lấy đâu thời gian để làm nên công trình như thế, để có phòng tuyến kiên cố nhường ấy trên hòn đảo nhỏ này. Đi trong chiến hào xưa, anh Lê Đức Đại ca ngợi những chiến sĩ công binh trên đảo. Chiến hào, doanh trại, công sự đều bắt đầu từ ý tưởng các chiến sĩ công binh. Chiến công lớn nhất của công binh trên đảo lại là việc phá bom nổ chậm. Quả bom nổ chậm nào rơi, cắm cờ đánh dấu, ghi thời gian ngay. Từ đó công binh tính toán để tháo kíp. Mỹ đã làm một loại bom mới, khẳng định Việt cộng phải bó tay. Nhưng chính công binh Cồn Cỏ Cao Văn Khang đã mở được, làm cho chính giới quân sự Mỹ bàng hoàng, coi đó là một chiến tích có hạng.
Hồ Xuân Tràng tấm tắc khen, cám ơn, nhờ có các chiến hào này đường dây điện thoại từ sở chỉ huy đi tới các đại đội tác chiến được bảo đảm thông tin. Bom và đạn suốt ngày, dây điện thoại đứt liên tục. Nó yêu cầu không chỉ được che khuất mà còn được che đỡ. Chiến hào đã giúp các anh gỡ được một đoạn của quy trình gay gắt này. Tôi thử ôm một hòn đá đỉnh tường hào nâng lên. Nặng quá. Nâng ngang ngực đã phải thả xuống. Từ một động tác nhỏ cũng đã đủ trắc nghiệm sức lực chiến sĩ Cồn Cỏ đổ ra cho chiến hào của mình. Chiến hào dẫn tới một hang tự nhiên trên đảo. Hang rộng chừng 10 mét, vào sâu ba bốn chục mét. Phải bấm đèn pin mới đi vào mãi tận phía trong. Bộ đội Cồn Cỏ đã tận dụng hang đá này làm trạm phẫu tiền phương. Các thương binh đều được đưa về đây.
Bích Nồng, diễn viên dân ca của đoàn văn công Vĩnh Linh năm xưa được ra Hà Nội hát dân ca Quảng Trị cho Bác Hồ nghe, đi bên tôi lúc này, Bích Nồng dừng lại thong thả nói: - Em đã từng ra đảo, đến hát cho thương binh nghe ở chính hang này anh ạ. Tôi rất muốn Bích Nồng hát lại bài hát ấy ở chính di tích lịch sử này, nhưng đoàn cựu chiến binh đi sau đã ùn tới, đành phải tiếp tục lên đường. Cuối cùng cái nơi chúng tôi cần đến đã tới, đó là chỉ huy sở của đảo trưởng Trần Văn Thà. Những ngày sống mái với kẻ thù vũ khí mạnh gấp trăm mình, vậy mà chính chúng đã phải gọi Trần Văn Thà là con hổ đen của Cồn Cỏ. Sở chỉ huy của đảo trưởng ở ngay trên bãi đá bờ biển khu Sơn Tây, trống huếch trống hoác và phơi lưng ngay ra bờ biển. Tôi hỏi Trần Văn Thà: - Bao nhiêu chỗ trên đảo kín đáo, chắc chắn, đắc địa về quân sự, sao anh không chọn mà lại chọn bãi đá trên bờ biển này? Trần Văn Thà cười: - Bởi một nguyên tắc bất di bất dịch, đó là bí mật, bất ngờ. Anh Thà nói tiếp: - Mỹ xăm bom đủ chỗ tìm chỉ huy Cồn Cỏ. Chúng không ngờ ta ở đây. Ở đây nắm chắc địch, từ đó chỉ huy đánh kịp thời.
Hóa ra quân sự là vậy, không một cựu chiến binh nào không muốn đặt chân đến nơi người chỉ huy tối cao của đảo đã chọn để không bỏ lỡ một thời cơ quân sự nào trên hòn đảo này. Ngay gần nhà chỉ huy là nhà của thông tin, là bếp ăn. Nhờ có chiến hào, mọi hoạt động của đảo không lộ trên mặt đất. Những xếp đá chồng chất kia, những cây dứa gai có sức sống mãnh liệt kia, đó là những nhân chứng tại chỗ, ai đã sống, không thể nào quên. Đêm giao lưu giữa các thế hệ chiến binh trên đảo với các chiến sĩ đảo bây giờ, được các chiến sĩ mới gọi đó là đêm hội Cồn Cỏ. Dự định mỗi cựu binh chỉ được kể chuyện từ 10 đến 15 phút. Vậy mà ai kể cũng quá giờ và tự thấy hình như mình chưa nói được gì. Xuống lại ghế ngồi vẫn thấy nơm nớp. Các cựu chiến binh lần lượt kể về sống và chiến đấu trên đảo. Chủ đề sôi động nhất xoay quanh chữ đói. Đói gạo. Đói thời gian. Đói súng đạn. Đói ngủ. Đói thư nhà. Đói thư tình. Đói đàn bà. Và đến cả nước ngọt cũng đói.
Mỗi ngày mỗi người chỉ được phát tiêu chuẩn một bi đông nước. Của ai người nấy dùng. Chỉ huy đảo về các đại đội, trung đội không hề được mời nước bao giờ. Riêng khách đến trung đội 14 ly 5, do vét được nước ở giếng gần đó, nên được chiêu đãi một cốc nước nhỏ. Suốt ngày đội mũ sắt ngồi trên mâm pháo, tối về không có nước tắm. Muốn tắm thì chặt cây chuối, cắt ra từng lát cầm xoa khắp người. Chiến sĩ nào cũng sẵn sàng xung phong ra bến bốc hàng từ thuyền đất liền đưa vào, cũng vì một mục đích nhỏ: được thuyền cho uống no nước ngọt mang từ đất liền ra. Một trong những mặt hàng đất liền tiếp tế cho đảo là nước ngọt.
Ngồi nói chuyện với nhau, thì ra khá đông cựu chiến binh Cồn Cỏ bị bệnh đại tràng. Các anh kết luận: ngày ấy chúng mình uống nước mặn nhiều quá, và uống tầm bậy tầm bạ nữa, bệnh nuôi từ ngày ấy, bây giờ sức đề kháng kém mới phát. Tất cả “À!” lên đồng tình. Huyện đội Cồn Cỏ nhường hẳn một nhà mái bằng cho cựu chiến binh ở, lính mới ra mắc võng toòng teng ngoài gốc cây. Vậy mà cả đêm, cả trưa, các cựu chiến binh hầu như không ngủ. Lúc nào trong ngôi nhà họ ở cũng như chợ đang đông người. Họ không muốn lãng phí một giây nào sống với nhau ở Quảng Trị và nhất là ở Cồn Cỏ lúc gặp mặt này. Huyện ủy, ủy ban và huyện đội Vĩnh Linh đón đoàn cựu chiến binh trong tình cảm đón những đứa con đi xa lâu ngày nay mới có dịp trở về.
Trong buổi gặp mặt, người của tổ chức giới thiệu ông Trần Văn Thà thay mặt cựu chiến binh trở lại chiến trường xưa lên phát biểu, anh Trần Văn Thà phải đính chính lại ngay: - Chúng tôi không về chiến trường xưa mà chúng tôi về Vĩnh Linh để thăm các ông bố, các bà mẹ, các anh các chị Vĩnh Linh đã lấy máu mình nuôi chúng tôi nên người. Không có điều kiện để đến từng gia đình nên chúng tôi nhờ các anh chuyển lời cảm ơn của chúng tôi đến các ông bố, các bà mẹ không có mặt ở đây hôm nay. Anh Thà nói tiếp: - Vừa rồi tôi có được gặp một đoàn Mỹ sang khảo sát lại chiếntrường Quảng Trị ngày ấy. Họ hỏi tôi: các anh đã đi bằng phương tiện gì để tiếp tế được cho Cồn Cỏ. Tôi đã trả lời rằng: phương tiện ấy là máu của nhân dân Vĩnh Linh. Tiếng vỗ tay rộ lên như không thể dứt. Ba ngày đoàn cựu chiến binh Cồn Cỏ ở Đông Hà, Cồn Cỏ, Vĩnh Linh như ba hạt muối nhỏ thả xuống biển. Dẫu ngắn ngủi, họ đã trở về được với chính mình, trở về được với nhân dân Vĩnh Linh của mình. Đứng trên xe ra về rồi, Trần Đăng Khoa và Nguyễn Đứng Tuân đứng dậy, giơ tay chào: - Cồn Cỏ ơi, Vĩnh Linh ơi, hẹn gặp lại nhé! Vâng. Đó là tấm lòng, là mong ước của anh em cựu chiến binh Cồn Cỏ chúng tôi. N.Q.H
(nguồn: TCSH số 221 - 07 - 2007)
|