Tiểu thuyết
Bước đầu kiếm sống
14:14 | 30/05/2014

DƯƠNG THÀNH VŨ
Trích tiểu thuyết đầu tay "Đứa con nguyệt thực"

           Đôi tay nhỏ và ngực tràn mơ ước

Bước đầu kiếm sống
Nhà văn Dương Thành Vũ

Bà nội dẫn tôi đến học nghề ở một hiệu sửa xe mô tô khá lớn ở đường Phan Bội Châu. Ngoài tám người thợ có lương hẳn hoi, ở đó còn có mười hai chú nhóc, học nghề, tôi là người thứ mười ba - một con số nguyên tố chẳng may mắn lắm theo quan niệm Tây Âu.

Học nghề thời đó chỉ khác với đi ở đợ hai điểm: thứ nhất là không được trả một đồng xu nhỏ trong công việc chẳng nhẹ nhàng chút nào suốt từ tờ mờ sáng cho tới tám giờ đêm, bất kể mùa đông hay mùa hè. Dĩ nhiên chẳng ai kể cả thợ chính lại lãng mạn đến mức đòi được nghỉ phép hay nghỉ lễ. Thậm chí học trò còn phải đóng tiền cơm một năm đầu. Thứ hai là sau khi bị bóc lột thậm tệ trong năm năm (trong đó có ba năm học nghề và hai năm phải làm thợ trả nghĩa cho thầy- thầy đây không phải là người thợ trực tiếp chỉ nghề cho mình, mà ông chủ tiệm) thì có thể ra riêng quay lại bóc lột người khác. Đối với mọi người đó là điều thường tình, nhưng đối với tôi - một chú bé mới mười ba tuổi - Biết nói sao nhỉ... tôi không chấp nhận cái vòng tròn bóc lột lẫn nhau như vậy. Dĩ nhiên tôi chẳng có một ý niệm mang màu sắc xã hội học hay chính trị. Chỉ vì... tôi cảm thấy điều đó tàn nhẫn, (có lẽ do ảnh hưởng những cuốn sách tôi đã đọc). Nhưng làm cách nào để thoát ra cái vòng lẩn quẩn ấy thì tôi không biết. Sự phản kháng cứ nhen nhóm một cách vô cớ trong tôi, và tôi đâm ra ghét ông bà chủ tiệm một cách thậm tệ.

Dù sao tôi cũng ở đó tròn một năm, trong thời gian ấy chủ giao cho tôi làm những công việc không liên quan gì đến nghề nghiệp, mà công việc của một người đầy tớ bình thường, ngoại trừ việc lau xe và cạo rét sườn xe. Lũ học nghề chúng tôi được chủ cho ăn uống còn tệ hại hơn cả chế độ dành cho trẻ mồ côi ở cô nhi viện, dù thời đó thức ăn rẻ rề, và mâm cơm gia đình của chủ lúc nào cũng đầy cao lương mỹ vị, chỉ liếc qua là tôi thèm ứa nước bọt. Riêng thợ thì họ ăn cơm nhà hoặc ăn cơm tháng. Chắc là không tiện cho họ ăn một trong hai mâm cơm trong nhà.

Năm đó ông chủ gần bốn chục tuổi, đã làm chủ tiệm ngót hai chục năm. Bản tính của anh thợ chăm chỉ, tốt bụng, nói năng chân chất... Không còn đọng lại nơi ông một dấu vết. Bây giờ ngoài cái trán thấp lè tè biểu lộ một trí tuệ kém cỏi, cái cực hình khi phải viết một lá thư và cái đầu húi cua "đờ mi" thì ông có đầy đủ dáng dấp của một con người thuộc giới thượng lưu, chỉ bộc lộ thái độ thiếu văn hóa đối với chúng tôi thôi. Ông ta vốn con nhà nghèo, đi học nghề từ năm, bảy, tám tuổi gì đó, trong một "chế độ" còn khắc nghiệt hơn ông đối với chúng tôi bây giờ. Tôi không thể nào hình dung được con người năm xưa nơi ông được, dù được dịp tiếp xúc với cái mặt trái thượng lưu của ông nhiều lần. Lần thứ nhất tôi lên xin ông giẻ rách để lau xe, ông đang ngồi uống sô đa trứng gà ở phòng khách. Tôi rụt rè thưa:

- Thưa chú, chú cho cháu ít giẻ lau xe.

Chưa kịp suy nghĩ ông đã dằn ly nước xuống bàn gằn giọng.

- Mi ăn sao mà mau hết rứa?

- Dạ... cháu lãnh giẻ từ tuần trước...

Đôi mắt bình thường của ông trở nên ti hí trên khuôn mặt bị thịt, hồng hào nhìn tôi y như nhìn một con chó.

- Mi không tìm được giẻ mà lau...! Cái thứ động một chút chạy lên xin chủ chắc cũng chẳng ra chi. Mi học cái gương ai rứa?

Quả thật tôi bất ngờ thái độ của ông, ông giống như một nhân vật của Mô-li-e. Tôi nghĩ những mẫu người như thế chỉ có trong hài kịch thôi chứ làm gì có ở ngoài đời. Nhưng dù sao cuối cùng ông cũng đưa giẻ cho tôi, trước khi cho tôi lui ông còn răn đe đủ điều.

Lần thứ hai là tôi bị một cú đá chí mạng đằng sau lưng, cái thân gầy nhom của tôi làm gì mà chịu nổi. Tôi ngã dụi vào thau dầu rửa xe và nguyên khuôn mặt tôi nhúng vào cái thứ chất lỏng bẩn thỉu ấy. Tôi chưa kịp định thần thì đã nghe ông quát tháo.

- Tổ cha mi... Dầu của cha mi để lại sao mi xài sang vậy?

Đôi mắt cay xè và một nỗi uất nghẹn trào lên trong cổ họng tôi, cùng với mùi dầu bẩn làm tôi lợm mửa. Tôi nghiến răng chịu đựng. Số là trong lúc vội vàng tôi luýnh quýnh làm đổ ra mặt đất một lon dầu nhỏ. Đáng lý ra tôi còn bị thêm một tát tai nữa nếu lúc đó không có một ông khách đi Vét-pa ghé đến, bóp còi gọi chủ tôi. Ngay lúc đó tôi nghe tiếng cười ròn tan sảng khoái của ông chủ, kèm theo một loạt tiếng

Tây mà tôi không biết có phát âm đúng hay không. Lạ một điều là tất cả thợ thầy trong quán không ai tỏ ý can thiệp, bênh vực cho tôi. Họ sợ, một nỗi sợ hãi thâm căn cố đế.

Sau đó còn hai ba lần tiếp xúc chẳng lấy gì làm vui vẻ như thế nữa, tôi lại được gọi lên gặp chủ, lần nầy nghiêm trọng hơn và cũng là lần cuối cùng tôi được "triệu" lên. Sau lần ấy tôi bị tống cổ ra khỏi cửa. Dù trong lòng lo sợ nhưng khi đứng ở phòng khách quen thuộc, tôi cũng có ý quan sát bà chủ, vì có cả bà ta ở đó. Tôi muốn hiểu người đàn bà có thể sống hạnh phúc mãn nguyện bên anh chồng có tâm hồn như ông chủ tôi là người như thế nào. Chắc là suy nghĩ của tôi còn in màu những trang sách mà tôi được đọc. Dĩ nhiên tôi cũng đã biết một chút ít về bà chủ có cái vòng bụng thường xuyên lớn hơn vòng ngực tới mấy phân kia. Bà ta xuất thân là một chị ở đợ, vào cái thời buổi mà bọn nhà giàu coi hạng người ở đợ còn thua con chó của chúng. Chắc bà chủ thích diện bộ đồ ngủ mỏng dính như các cô đào điện ảnh Pháp, trông vừa khiêu gợi vừa chướng mắt kia cũng đã từng nếm mùi tủi nhục.

Họ mới lấy nhau, anh thợ và cô Sen cũng chẳng giàu có gì. Nhờ tằn tiện tiền công làm ra họ mở một cửa tiệm sửa xe nhỏ ở một góc đường. Lúc đó ông bà chủ nhỏ này còn đối xử với học trò và thợ bằng tình cảm con người đối với con người. Nhưng tài sản cứ giàu lên và tình cảm, lòng nhân ái cứ vơi đi theo tỷ lệ nghịch. Cho đến hôm nay đứng trước mặt tôi là hai con người không còn khả năng để hiểu về một con người bằng nỗi giao cảm đồng loại. Điều đó giúp tôi hiểu thêm tâm lý của bọn thực dân da trắng, khi chúng đặt chân lên đất nước của dân tộc da vàng. Chính điều đơn giản đó là mầm móng của những cuộc bạo loạn trên thế giới.

Trở lại ngày hôm đó, khi tôi vừa bước vào thì đã nghe bà chủ đỏng đảnh:

- Em nói cái thứ chết mẹ chết cha đó thì đừng có nhận, mà mình...

- Lần này thì dứt khoát đuổi cổ, à thằng mọi quê đó hả. Mi chối là mi không ăn cắp cái mâm điện Solex hử?

Tôi khinh thị nhìn hai đống thịt lều bều kia, bình tĩnh đáp.

- Cháu không ăn cắp, cháu nghèo nhưng không bao giờ ăn cắp... chỉ có kẻ đê tiện mới...

Tôi nói chưa hết câu thì ông đã thưởng cho bài tuyên ngôn đầy dũng khí của tôi một cái tát tai nẩy đom đóm. Suýt nữa thì cái thân thể hơn hai chục ki lô của tôi bay tuốt ra khỏi phòng, lao vào cái máy tiện đang chạy. Không để tôi kịp đứng dậy, ông rời ghế ngồi đến bồi thêm cho tôi hai đá nữa. Lúc này con người vô học và phàm phu của ông đã đánh rơi cái dáng "quí phái" bên ngoài, để lộ nguyên hình là một kẻ vô lại.

Tôi gượng đứng dậy, trong lòng bỗng nẩy sinh một niềm kiêu hãnh kỳ lạ. Dù sao tôi cũng là một người có giáo dục hơn ông ta, tôi có quyền khinh bỉ cái con người giàu có, uy quyền đó. Dĩ nhiên là tôi không thèm van xin hay khéo léo, như ông chờ đợi. Thầy tôi dạy rằng "khuất phục trước bạo lực là thiếu nhân cách". Thấy tôi đứng dậy nhìn ông chằm chằm với cái miệng đầy máu ông ta điên tiết lên. Nhưng sau một hồi đấm đá chán tay mà tôi vẫn trơ lỳ ra ông bỗng chùn lại. Có lẽ ông sợ tôi chết thì mang họa, cũng có lẽ vì tiếng kêu thất thanh của bà chủ khi thấy tôi rủ ra như một cái giẻ rách.

- Này về nói với bà nội mi đem ba ngàn lên đền cho tau rồi cuốn xéo.

- Cháu không đền bởi cháu không ăn cắp...

- Sư cha cái đồ không cha không mẹ, mi cứng đầu hả?

- Cái thứ đó thì cũng chẳng có tiền mà đền mô - bà chủ xen vào - đuổi cổ nó ra khỏi nhà cho nó đi làm lưu manh móc túi.

Tôi lại ngước mặt lên nhìn họ. Phía trước mặt kính tủ búp phê sáng loáng những đồ vật sang trọng đắt tiền, và phía dưới bức tranh sơn dầu thời thượng vẽ tĩnh vật, với gam màu sáng là hai gương mặt bần tiện và vô nhân đạo có trát phấn son hoặc trưng bày những khối mỡ. Tôi kiêu hãnh như một nhân vật trong truyện cổ tích:

- Cháu không bao giờ trở thành móc túi lưu manh, cháu sẽ kiếm sống bằng sức...

Cả hai ông bà cùng xua tay một lúc, tiếng nói chua lè của bà át hẳn tiếng của ông dù cùng phát biểu chung một loại âm thanh.

- Thôi... thôi, cút mẹ mày đi cho rồi!

***

Suốt buổi tối đi lang thang như con chó hoang trong thành phố, gậm một ổ bánh mì chan nước thịt, rồi chui vào ngủ dưới gầm cầu, tôi bỗng hiểu ra tại sao con người lại có nhiều sợ hãi như thế. Trong xã hội dường như không có chỗ trú thân cho người phản kháng.

Dẫu mới mười bốn tuổi, nhưng có lẽ do suy tư nhiều nên tôi cũng đã trưởng thành - hoặc ít ra cũng nghĩ về mình như thế - đêm đó tôi suy nghĩ về cách kiếm sống cho lương thiện, không thiếu gì nghề, có vất vã và ít tiền thật nhưng không đến nỗi chết đói. Mùa này còn là mùa nắng với số tiền tôi dấu rất kỹ để phòng thân theo lời dặn của nội - ("Con phải giữ lấy thân, cái số mi long đong lắm đó. Phải giữ ít tiền phòng xa"- dĩ nhiên là bà nội không biết tôi có sợi dây chuyền vàng. Tôi hỏi lại nội "sao cái số con long đong hả nội?" Nội chép miệng "thì mi sinh ra là trời đất mịt mù..." Cái đêm nguyệt thực ấy cứ ám ảnh nội tôi về số phận của tôi, và bây giờ cũng bắt đầu ám ảnh tôi. Không chừng như thế cũng nên.)

Tôi quị tiền cho chủ hàng để nhận phích cà rem đem bán. Té ra cũng chẳng khó khăn lắm, tuy hơi vất vã, phải lội bộ suốt ngày dưới nắng, bù lại chẳng ai mắng chửi mình và số tiền kiếm được lớn hơn tôi tưởng nhiều. Thế là tôi thành thằng bán cà rem.

Tuy thế, trong thâm tâm tôi không muốn làm chú bán cà rem tí nào. Tôi không muốn những người quen mỉa mai: "Cái tướng thằng đó thì lui lại chi cũng ở đầu đường xó chợ" nên những lúc đêm về ngủ dưới gầm cầu, tôi bắt đầu mơ ước mái trường, ở đó sẽ có mang lại cho tôi một địa vị trong xã hội, sẽ giải đáp cho tôi những câu hỏi cứ ám ảnh trong đầu óc tôi.

Sau khi cố công dò hỏi, tôi ghi tên được vào lớp đệ nhất ở một trường ban đêm. Vì có ý định đi học từ trước nên tôi cố tránh bạn bè, tôi sợ chúng cười tôi viễn vông, điều này đã từng xảy ra khi tôi đã dại dột tâm sự mơ ước tới trường của mình với những đứa cùng học nghề sửa xe. Chúng nhìn tôi như nhìn một con quái vật rồi kháo nhau:

- Thằng Luân muốn làm học sinh kìa...

- Hắn muốn làm thầy chớ không muốn làm thợ.

- Bậy nào, hắn sẽ là ông trí thức...

Tôi đã từng đau khổ với chuyện ấy không ít, nên bây giờ khôn rồi, cứ âm thầm làm theo ý mình mà không tâm sự với những kẻ cùng số phận nhưng lại không cùng ước mơ. Thú thật ngoài những mong mỏi bình thường như mọi người đi học, trong lòng tôi còn có một tình yêu tha thiết với mái trường nữa. Có lẽ ở đó tôi được gặp những người mà tôi thích hơn. Một không khí ấm áp tình thân.

Thế là tôi lại được đi học ban đêm. Bây giờ ngoài ba báu vật tôi thường mang theo phích cà rem còn có mấy cuốn vở học, và thật thú vị, cái tráp nhỏ của nội dùng đựng bút mực, cùng các thứ linh tinh thật rất tiện. Thường mỗi chiều đi bán về tôi mang sách vở vào phòng đọc báo thành phố ngồi học.

Một hôm trên đường tới trường tôi gặp một ông khách quen thường đến sửa xe ở tiệm tôi học nghề. Ông hỏi tôi là từ lâu đi đâu vắng, và ngạc nhiên khi thấy tôi ôm sách vở trong tay. Nhưng liền đó ông bảo tôi lên xe ông chở tới trường. Đây là một ông khách dễ mến, thường "buộc boa" cho tôi khá nhiều tiền mỗi lần tôi lau xe cho ông. Toàn bộ con người ông toát ra một vẻ mô phạm, sang trọng. Tính tình ông vui vẻ thích đùa với thợ thầy và có vẻ thương cảnh tình của những người nghèo khổ là chúng tôi. Nhưng không thấy ông nói gì về điều đó. Nghe đâu ông là giáo sư dạy quốc văn ở một trường công lập.

Trên đường đi, tôi kể vắn tắt cho ông nghe những điều đã xảy ra với tôi, không hề đơm đặt... Ông hỏi tôi?

- Vậy em có căm thù những người giàu không?

- Em chưa biết căm thù ai, nhưng em khỉnh bỉ bọn chúng!

Ông quay lui cười với tôi:

- Em là chú bé khá, để coi anh giúp được gì cho em.

Sau khi chia tay ông hứa sẽ đến trường tìm tôi khi có kết quả trong việc tìm cho tôi một chỗ làm tương đối có thời gian để tôi có thể đi học vào ban đêm. Theo ông dù tôi có nghị lực cách mấy cũng không thể theo học đến nơi đến chốn trong một hoàn cảnh như thế này. Tôi cũng đủ trí khôn để hiểu đó là sự thật. Trong lúc tôi mong chờ sự giúp đỡ của thầy Tiến (tên của ông ta) thì mấy ngày sau, ngày 1 tháng 11 năm 1963 một cuộc cách mạng do một nhóm tướng lĩnh cầm đầu đã nổ ra, chấm dứt nền đệ nhất cộng hòa và giết tổng thống Ngô Đình Diệm. Sau đó là những cuộc xuống đường tranh đấu còn rầm rộ hơn thời kỳ còn chế độ họ Ngô. Người ta bưng cả bàn thờ Phật ra đường, người ta chạy lăng xăng lít xít. Làm như chỉ có công việc dự mít tinh xuống đường hoan hô hay đả đảo là toàn bộ ý nghĩa của đời sống. Đây là thời kỳ vàng son của những kẻ hoạt động chính trị, trong tay họ có một đám đông dễ bị kích động biến thành sát máu.

Trong bối cảnh hỗn độn như thế, thầy Tiến của tôi cũng bị cuốn hút vào. Tôi thường gặp ông lên xuống chùa Từ Đàm, trung tâm của phong trào tranh đấu do giáo hội Phật giáo lãnh đạo. Không thể hy vọng người ta còn nhớ tới một số phận nhỏ bé là tôi đang mong chờ bàn tay cứu giúp, con người thường trở nên nhỏ nhoi trước những biến chuyển to lớn của lịch sử. Những hào quang về tương lai con người do các nhà hùng biện gào to, trên diễn đàn, làm người ta dễ quên đi con người hiện tại. Trước mắt mình dường như có nhiều người đang muốn đấu tranh cho những kẻ như tôi trong những phòng họp đầy đủ tiện nghi, trong những phòng khách sang trọng, trong những thánh đường tôn nghiêm và giàu có...

Nhưng cuối cùng thầy Tiến cũng đã nhớ đến tôi, một buổi tối mùa đông ông đến trường tìm tôi, dẫn tôi đến giới thiệu với một người chủ bán hàng tạp hóa khá lớn ở đường Trần Hưng Đạo.

Tôi có cảm tình lập tức với ông chủ mới này, dù ông cũng là tầng lớp giàu có. Tôi bị chinh phục ngay bởi gương mặt trầm tĩnh, điềm đạm của ông, nhất là lời nói mềm mỏng lịch sự. Nhìn cái dáng co ro của tôi, ông lắc đầu với một ý nghĩ nào đó mà tôi không biết. Rồi ông đem tôi lên một căn phòng ấm cúng chắc là dành sẵn cho tôi, sau khi hỏi qua loa một vài điều. Đêm đó tôi ngủ một giấc thật ngon lành như chưa bao giờ được ngủ. Giàu sang quả là sung sướng! Tôi không ngờ mình gặp may mắn đến vậy. Nội ơi! Tôi muốn có phép thần thông để tin ngay cho nội của tôi biết là tôi đang sung sướng.

Hôm sau tôi được cho biết cụ thể công việc của mình, tôi có nhiệm vụ đưa hàng cho khách xem, và nếu họ mua thì gói lại cho họ. Dĩ nhiên tôi phải tập quảng cáo món hàng. Công việc chỉ có thế, đến năm giờ chiều thì được nghỉ lo cơm nước để đi học. Cũng do tôi có đi học nên được cho riêng một phòng.

Người chủ mới tôi chắc ít thích chứng tỏ uy quyền, ít thấy ông nạt nộ người ăn kẻ ở trong nhà vậy mà tất cả cũng răm rắp đâu vào đó. Thì ra quản lý con người không chỉ độc một phương cách dùng bạo lực. Tôi có cảm tưởng ông quên rằng chúng tôi chỉ là hạng tôi tớ, ông ăn cơm chung mâm với chúng tôi. Bây giờ qua những biến động xã hội có sức mạnh lay đổ tận gốc rễ tư tưởng đẳng cấp, chứ thời đó thái độ xử thế của một ông nhà giàu như ông chủ tôi rất hiếm thấy, nhất là trong cái cố đô sặc mùi phong kiến này. Có lần trong khi vui vẻ, ông nói với mọi người đang ngồi ăn cơm với ông.

- Mấy em biết không - mấy em đây là ba người bán hàng và một chị giúp việc cho ông - ở trên thế giới người ta đang làm những cuộc cách mạng về quan hệ giữa người với người. Nói chung ai sinh ra cũng có quyền sống bình đẳng với kẻ khác, mình không trao cho họ không sớm thì muộn họ cũng đứng lên dành lấy. Đó là quy luật tất yếu của lịch sử.

Tôi không hiểu lắm về cái "quy luật lịch sử" của ông nói. Chỉ biết rằng có được một ông chủ như thế là phước đức ba mươi đời để lại, chẳng cần phải làm cách mạng cách miếc gì nữa cho mệt.

Có một lần ông lên phòng tôi khi tôi đang chăm chú học bài, ông đặt nhẹ hai bàn tay lên hai vai tôi. Khi tôi quay lại nhìn ông, ông nói bằng giọng trang trọng như giọng những ông sư đang thuyết pháp.

- Em cố gắng học như thế rất đáng quí, học cho thật giỏi cũng là yêu nước!

Dĩ nhiên tôi làm sao tìm được mối quan hệ giữa việc học của tôi và lòng yêu nước. Độ rày ở ngoài đường người ta cũng hay hô hào lòng yêu nước lắm. Có điều khó biết chắc là người hô hào nồng nhiệt ấy có thật sự yêu nước hay không. Nhưng đó là những kẻ sinh ra ăn tiền của xã hội để làm việc đó, còn ông chủ tôi chỉ là một thương gia. Công việc của ông là buôn bán.

Nói chung ông chủ có những cái khác thường. Duy điều đó ông ít đem ra ứng xử với khách khứa mà ông giao thiệp, phần lớn họ là những kẻ có máu mặt trong thành phố. Chỉ khi ngồi một mình ông mới trở về với bản tính trầm tư của mình. Tôi vẫn thường nhìn thấy ông yên lặng ngồi suốt buổi trong phòng riêng.

Tôi đoán ông chủ chừng bốn chục tuổi. Từ cái dáng người mảnh dẻ, cái miệng hay cười, nhất là đôi mắt có nhiều tia sáng bất thường mà người tinh ý mới nhìn thấy nơi ông toát ra một sức mạnh nội tâm. Nhiều lúc tôi tẩn mẩn so sánh ông với ông thuyền trưởng nhân vật trong truyện "Hai vạn dặm dưới đáy biển" của Guyn Véc-nơ. Chắc chắn ông chủ có một u uẩn chi đây!

Lúc này thời cuộc đang rối ren, những tướng tá lật đổ ông Diệm rồi thì chẳng biết làm cách nào để ổn định xã hội. Hình như những anh võ biền đang nắm vận mệnh quốc gia trong tay chưa quen với công việc mới của mình. Bao nhiêu tệ trạng xã hội họ thân ái trút lên đầu chế độ cũ. Rõ ràng dù sao thì cũng phải ngăn chặn vật giá đang leo thang với tốc độ kinh khủng, nạn biểu tình, bãi thị, bãi khóa nổ ra lung tung do những tổ chức, đảng phái chính trị mọc ra như nấm sau cơn mưa. Phần đông những lãnh tụ khả kính của các phong trào không có mục đích chống đối chế độ đang ưu đãi họ, hay tìm kiếm một đường lối để cải thiện tình trạng bi đát của xã hội. Mà họ, chỉ là kẻ thừa nước đục thả câu, kích động quần chúng để biểu dương thế mạnh, nhằm ngã giá một cái ghế trong chính phủ. Khi thỏa mãn nguyện vọng rồi chúng sẵn sàng bắt tay với cảnh sát để đàn áp phong trào. Chính trị là một trò chơi không lương thiện. Dân chúng ngây thơ và nhiệt tình đã trở thành đám âm binh trong tay của những chính khách ma giáo.

Ông chủ tôi chẳng thấy tham gia một đoàn thể nào, nhưng ông lại rất quan tâm đến thời sự. Ngày nào ông cũng đọc hàng lô báo, có cả báo viết bằng tiếng nước ngoài, rồi trầm ngâm suy nghĩ rất lâu. Làm như những bài báo ấy có liên quan đến sự mua bán trong cửa hàng tạp hóa của ông vậy. Theo tôi, ai lãnh đạo quốc gia thì cũng chẳng liên quan chi tới việc doanh thu của cửa hàng chúng tôi cả. Nhưng rất tiếc là ông chủ không chịu hiểu như thế. Đã nói ông là con người kỳ lạ mà! Tuy nhiên sự kỳ lạ nào cũng có nguyên nhân và nguyên nhân của những hành vi của chủ tôi là như thế này:

Một buổi tối tôi được nghỉ học nên muốn lang thang một vòng trong không khí mát lành của trời đất chớm vào thu. Khi tôi đang đi trên đường Lê Lợi thì có một thanh niên đi "Gô-ben" kè kè bên tôi. Anh ta bắt chuyện.

- Đi mô mà lang thang rứa? Ngồi lên xe anh chở đi chơi.

- Nhưng em không quen anh mà?

- Anh là học trò cũ của thầy Tiến, tại em chưa biết. Lên xe đi.

Được người ta chở đi dạo phố bằng xe gắn máy kể ra cũng thú, tôi bằng lòng ngay. Anh ta chở tôi đi vòng vèo một hồi rồi ghé một quán cà phê vắng vẻ ở Gia Hội. Sau khi nói chuyện trên trời dưới đất một hồi anh bảo tôi.

- Này anh muốn nhờ em một việc nhỏ.

- Nhưng việc chi?

- Dễ làm thôi, nếu em nhận lời anh sẽ biếu em vài ngàn xài chơi.

- Nhưng việc chi mới được?

- Em ghi lại những người gặp chủ em ngoài mục đích mua hàng, tả lại hình dáng, nếu biết tên càng tốt, ghi cả giờ đến lẫn giờ đi. Chỉ rứa thôi, có điều giữ kín đừng cho chủ em biết.

Tôi làm như suy nghĩ để ngắm anh ta. Thì ra tôi đang được tiếp xúc với một tên mật thám bằng xương bằng thịt.

Một loại chó săn của chế độ như người vẫn gọi chúng. Nhưng anh ta không có dáng đặc biệt như những nhân vật trong truyện trinh thám, hay trong phim ảnh. Thậm chí anh ta có khuôn mặt rất thư sinh và dễ mến nữa. Dù mới mười sáu tuổi nhưng tôi đã đủ trí khôn để hiểu được tình thế. Lúc này con người hay mơ mộng viễn vông của tôi tan biến. Tôi vận dụng trí thông minh để đối phó với sự việc này thế nào cho lợi. Không nghi ngờ gì nữa chủ tôi đang hoạt động cho một tổ chức bí mật, chính phủ đang để mắt tới ông. Phải tìm kế hoãn binh để báo cho ông biết mà đề phòng. Lấy điệu bộ tự nhiên tôi nói:

- Chuyện này còn bỡ ngỡ quá, anh để thư thư cho em ít ngày coi có thể làm nổi không mới dám nhận.

- Có gì mà khó - anh ta nhìn thẳng vào mắt tôi - hay là để em về báo với ông chủ?

- Mắc mớ chi mà báo với ông!- Tôi đáp tỉnh bơ và không ngờ mình đóng kịch cừ như vậy. Ông chủ mà nhìn thấy tôi lúc này ông hài lòng phải biết.

Tay mật thám không nói gì thêm, chúng tôi đứng lên. Anh ta chở tôi đi một đoạn rồi thả xuống. Trước khi chia tay anh nói cho tôi biết địa điểm gặp lại anh ta. Tôi gật đầu và nôn nóng về nhà. Ông chủ chăm chú nghe tôi thuật lại toàn bộ câu chuyện vừa xảy ra. Khi tôi kể xong ông nói với giọng thờ ơ như đó là một câu chuyện trẻ con chẳng liên quan gì tới ông cả.

- Chú rất hài lòng về em. Hãy cố gắng sống cho lương thiện như thế dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Một hành động tốt sẽ không bao giờ mất đi, nó tác động trực tiếp lên cuộc sống...

- Bây giờ em phải làm gì?

- Em gặp nhà mật thám và nói thẳng em còn bận học hành không có thì giờ làm việc đó. Sau đó đừng quan tâm tới nó nữa.

Thú thật tôi hy vọng ông chủ tôi sẽ giao cho tôi một nhiệm vụ quan trọng và ly kỳ nên hơi thất vọng khi nghe ông nói vậy. Khi định quay ra cửa về phòng mình, tôi thấy ông lôi trong ngăn kéo ra cuốn "Mưu sinh" của Goóc-ky.

- Em đọc cho vui, đây là một tác phẩm tốt. Chú muốn nói với em một điều này nữa. Không bao giờ có một tình yêu chung chung mà chỉ có một tình yêu cụ thể với một đối tượng cụ thể. Chú tin rằng em sẽ nhận ra điều đó khi có một tình yêu thật sự và phải bảo vệ nó, hành động của em vừa rồi là một minh chứng khá rõ ràng điều ấy. Chú thích tôn trọng sự phát triển tự do của người khác, chỉ giáo dục họ bằng chính hành động của bản thân mình. Dĩ nhiên nó cũng có phương pháp của nó, sự khơi gợi, đánh thức bản tính tốt đẹp ở mỗi cá thể có hiệu quả hơn buộc cá thể phải tuân theo một nguyên tắc nào đó. Phải biết tin vào con người, những khả năng tiến bộ của họ. Theo chú thì quyền lực ít đẻ ra sự thông minh mà ngược lại. Cho đến nay nhân loại chỉ có thiếu một điều: Sự lương thiện với chính bản thân mình mà rất tiếc giáo dục nhà trường chưa mang đến được. Em nên nhớ em là một chàng trai rồi nghe!

D.T.V
(SH30/04-88)







 

Các bài mới
Suối Không Tên (19/05/2023)
Các bài đã đăng
Đêm thánh nhân (22/04/2010)
Kho báu (13/10/2009)