Tiểu thuyết
Phòng tuyến sông Bồ
10:22 | 28/04/2009
ĐỖ KIM CUÔNGLTS: Chiến tranh chống Mỹ giải phóng dân tộc đã lùi xa hơn 30 năm, nhưng vẫn còn là nỗi ám ảnh của nhiều nhà văn. Tiểu thuyết “Phòng tuyến sông Bồ” của nhà văn Đỗ Kim Cuông với gần 500 trang sách, phản ánh cuộc chiến đấu của quân dân Thừa Thiên Huế từ sau cuộc tổng tấn công Mậu Thân 1968 đến ngày giải phóng.
Phòng tuyến sông Bồ
Minh họa: ĐẶNG MẬU TỰU

Phong là một cán bộ đại đội của Tiểu đoàn X, dũng cảm mưu trí đánh giặc được bộ đội yêu mến. Anh có một tình yêu với một cô gái chỉ huy biệt động, nhưng đã hy sinh. Khi đơn vị giải tán về địa phương, anh đã không chấp hành lệnh của cấp trên về làm xã đội trưởng chỉ huy du kích ở vùng ven Huế. Phong bị kỷ luật, đưa lên đội vận tải dọc tuyến sông Bồ. Tại đơn vị vận tải, Phong bị một cán bộ cùng đơn vị đố kỵ, ghen ghét, gài bẫy. Phong đã vượt qua mọi nỗi khổ cực, đạp đường về vùng ranh để tiêu diệt cho được một nữ tề điệp, bị cách mạng đưa lên rừng cải tạo định về chiêu hồi giặc và anh tự minh oan cho mình...
Tạp chí sông Hương xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc chương 15 (phần I) tiểu thuyết “Phòng tuyến sông Bồ” của nhà văn Đỗ Kim Cuông.

                                                                                                                TCSH



Phòng tuyến sông Bồ

                                                Trích tiểu thuyết

     CHƯƠNG 15 (phần I)

Phong không nghĩ rằng anh đang chạy. Chỉ khi nào mệt quá, anh mới đi chậm lại. Cũng không dám dừng. Đi ngang qua khe suối, khát nước Phong mới vục mặt uống lấy vài hớp cho đã khát rồi lại hộc tốc bước đi. Khẩu AK lúc Phong vác lên vai, lúc anh khoác ra đằng sau lưng. Anh không còn nhận ra mình đã vượt qua bao nhiêu con suối, bao nhiêu khe đá, leo lên những triền núi dốc để cố vượt tới cho được bờ Khe Lu trước khi trời sập tối. Đêm qua, Phong lần mò đi cả đêm. Cho tới lúc bụng đói thắt, mắt hoa, vả lại quãng đường rừng quá tăm tối anh mới chịu dừng lại leo lên một vạt đá nằm nghỉ lấy sức. Tính ra, mới hơn một ngày trời, trừ hai tiếng ngủ đêm, Phong đã vượt bốn chặng đường gùi. Vượt qua được Rào Trăng, tới Khe Lu. Phải cố để chiều mai anh có thể tới được bờ sông Bồ.

Từ lúc phát hiện ra mất khẩu K54, Phong đã tự suy đoán mọi khả năng, nghĩ lại trong óc từng chi tiết. Sau đó, anh cả quyết: Thoan không thể là kẻ lấy cắp khẩu súng của anh để đề phòng trường hợp bất trắc xảy ra trong lúc họp chi bộ. Tính võ đoán của anh ta cũng như sự hả hê, khoái trá của một kẻ tự cho mình sẽ là người chiến thắng, chiếm thế thượng phong trong việc dồn ép Phong nhận tội lỗi đã “hai năm rõ mười” làm cho đầu óc Thoan mê muội. Anh ta không đề phòng tới khả năng phản ứng mạnh mẽ của Phong, một con cọp bị dồn cùng đường thì hãy coi chừng sự phản trả của nó. Tất nhiên, Phong còn đủ tỉnh táo để tránh giáng một cái tát vào bộ mặt thô bỉ của Thoan. Mặc dù anh giận sôi lên. Nếu Phong không bước nhanh ra ngoài phòng họp, và nhìn thấy ánh mắt nửa như van lơn, nửa như xót xa của ông Mịch, của những người đảng viên trong trung đội 2, thì không biết sự thể sẽ ra sao. Và nếu không có tin báo của Nhu?.

Vậy ai là kẻ chui vào trong căn hầm lấy cắp khẩu súng ngắn? Chỉ có thể là Lý. Sau sự vụ đêm ấy, suốt ngày Lý không hề bước chân ra khỏi căn nhà hầm của cô ta dưới bờ suối, trừ những việc cần kíp cho bản thân. Nhu bảo Lý đau. Nhưng cả đại đội đều biết chuyện Lý mò tới võng của Phong. Lý nhục hay sợ? Phong điềm tĩnh hơn. Vả lại anh tin vào việc làm chính đáng của anh và mối quan hệ với Lý. Có thể Phong là người có lỗi. Chỉ có điều Thoan đã lộ rõ bộ mặt đểu cáng và đê tiện. Mục đích của anh ta có ý định gì với Phong? Anh chưa biết. Nhưng khi phát hiện ra mình bị mất khẩu súng, Phong điên lên thực sự. Anh chạy một lèo sang chỗ ông Mịch: “- Ông Mịch! Cho tôi mượn một khẩu AK với hai băng đạn. Mau lên!”. “- Anh điên à?”. Nét mặt ông Mịch tái ngắt - “Anh điên à?” Ông nhắc lại: - Tôi van anh cần bình tĩnh…”. “Anh có tin tôi không thì bảo. Tôi không thèm đụng đến thằng Thoan đâu. Đối với nó, cuộc đời còn dài, người đời sẽ dạy cho nó. Anh lấy cho tôi khẩu AK!”. Giọng ông Mịch run run: “Nhưng anh làm gì mới được chứ!”. “-Tôi đi bắt con Lý. Có khả năng nó lấy cắp khẩu K54 của tôi bỏ trốn về đồng bằng”.

Cầm được khẩu súng và hai băng đạn, cứ vậy là Phong chạy như một kẻ phát điên, phát cuồng. Linh tính mách bảo cho anh, Lý chỉ có một con đường là tìm cách lọt qua tuyến giáp ranh để về đồng bằng. Đi tới ba giờ chiều, tới ngã ba đường, một ngả rẽ về Phong Điền, một ngả rẽ qua Khe Trăng để ra sông Bồ, Phong phải đắn đo mất vài phút, vừa ngồi ăn đỡ khúc nõn chuối lót lòng, vừa tính toán. Lý người Hương Mai, cô ta không thể về Phong Điền. Con đường về đồng bằng Phong Quảng phải vượt qua dốc Chuối, Một Mái, núi Ông Đôn, vượt qua đỉnh Đức Mẹ ra vùng đồi trọc, còn phải vượt qua một cửa ải nữa là dốc Ông Già mới xuống được đồng bằng. Mỹ đang càn mạnh Phong Điền. Cô ta không dám liều với tụi thám báo Mỹ. Trong khi qua ngả Hương Trà, Lý chỉ cần vượt qua được sông Bồ về khu vực địa đạo 310. Từ đấy ra đường 12, chưa tới hai giờ đồng hồ. Nếu không muốn đi ra đường 12, Lý sẽ từ địa đạo, vượt qua Khe Trái về ngã ba Hương Trà. Chưa tới nửa ngày, Lý đã có thể ung dung ngồi uống rượu với tụi lính nguỵ ở ấp Long Hồ.

Phong quyết định đi theo con đường Khe Trăng để vượt sang Khe Lu. Từ một dòng suối mẹ đổ xuống từ chân dốc Chè, dãy núi đá chắn giữa chẻ dòng suối thành hai nhánh đổ nước cho sông Bồ. Cả hai con suối đều lắm vực nhiều khe. Tuyến đường giao liên chạy ra sông Bồ để chuyển gạo đạn cho ngả Hương Trà, những người lính vận tải ai cũng biết. Đã có vài lần Lý gùi gạo theo trung đội ông Mịch đổ cho kho của huyện và trạm phẫu Nhô, Lý rành rẽ đường đất. Chả vậy đã có lần cô ta dừng lại bên sông (sau chuyến Phong giáp mặt với thằng Lân), nhìn thẫn thờ sang phía bờ nam, bảo với Phong.

- Bên kia là đất quê em rồi đó anh Phong.

Gương mặt Lý lúc ấy đượm buồn, khiến cho anh hơi mủi lòng. Lý còn kể: một lần Thoan đã cho Lý đưa ba người trong đại đội vận tải về tận hậu cứ của huyện gửi tiền về đồng bằng mua hàng.
Chính điều đó đã củng cố cho Phong rẽ ra sông Bồ.

Mới mờ sáng Phong đã trở dậy. Đêm qua anh chui vào trong một hang đá bên bờ Khe Lu ngủ tạm. Ông Mịch thiệt tốt, cùng với khẩu AK, ông còn dúi vào tay Phong hai bánh lương khô. Ngoài ra ông Mịch còn đưa cho anh cả chiếc xanh-tuya-rông, có một gói bông băng cá nhân và một con dao găm Liên Xô.

- Đi đi, tôi sẽ báo cáo với ông Thoan sau”. Ông Mịch giục Phong. Vẻ sợ hãi trên gương mặt ông đã tiêu tan. Bây giờ ông lại lo sợ cho Phong bị tội mất súng về tay một kẻ chiêu hồi.

Con dao găm thật lợi hại. Phong phát cây dọc đường và những buổi tối khi dừng lại, dùng để chẻ củi nấu nước uống, sưởi ấm. Con đường Khe Lu phải vượt qua bảy thác đá. Chính tại một doi cát, lần đầu tiên Phong đã nhìn thấy dấu dép nhỏ, thanh. Đích thị là dấu dép của Lý, cùng với một số dấu dép cao su khác, cỡ lớn hơn.

Đi cho tới năm giờ chiều, Phong đã vượt qua khoảng đồi tranh để đổ ra bến sông Bồ. Mệt và đói lả người. Anh vục đầu xuống uống mấy hớp nước sông. Trên bãi cát, in nhiều dấu chân đi đất. Cái gót thon, năm ngón nhỏ hơi xoà ra càng khẳng định những ước đoán của Phong, con đường vượt về đồng bằng của Lý là đúng.

Khu kho của huyện nhận gạo không còn một dấu tích. Nó đã bị nát tan bởi hàng chục trái bom chồng chất lên nhau. Cây đá ngổn ngang.

“Không biết thằng Lân có thoát chết”? Phong cháy lên với ý nghĩ ấy.

Bất chợt, từ mỏm đồi tranh ở sát mép sông vọng lên một loạt AR15, chát chúa, Phong tối cả mắt mũi, vơ vội khẩu AK lao nhanh vào khe nước. “Địch”! Những trái cối cá nhân nổ đinh tai, bụi cát tung mù mịt đúng vào chỗ Phong vừa đứng. Bản năng mách bảo anh phải thoát nhanh ra khỏi con suối đá, dù bờ đá cao có thể che chở anh khỏi những loạt đạn bắn thẳng trên đồi. Phong luồn lau lách, vượt chạy, chạy miết. Anh cứ bám theo dòng sông. Chưa đầy ba phút sau trên bầu trời đã lụi tàn ánh nắng xuất hiện ngay hai chiếc trực thăng chiến đấu. Sau một vòng lượn, cả hai chiếc đều xà thấp phóng rốc két và đạn 40 ly xuống dọc khe nước.

Nép kín dưới một hốc đá sát bờ sông, Phong mới đủ tỉnh táo phát hiện ra một viên đạn thẳng đã xuyên qua phần mềm ở cánh tray trái. “Chắc hẳn là phát đạn đầu tiên của thằng lính thám báo. Chỉ có tụi Mỹ mới bắn xuya đến như vậy”. Vết thương không nặng. Cánh tay trái chỉ hơi dại đi. Máu thấm ra áo đã cầm.

Phong tự nguyền rủa rằng mình là kẻ sơ sểnh. Chờ cho đến khi tối hẳn, mặt sông đen sẫm, Phong mới lặng lẽ vượt sông.

Nhô nói:
- Họ ngủ bên C4 cái hầm của anh Đại ngày trước ở. Anh còn nhớ chớ chỉ?
- Nhớ. Nhưng mi có thấy con Lý ở đại đội vận tải không?
- Thì con Lý Hương Mai chứ anh định hỏi Lý nào?
Nhô ngạc nhiên, ngáp ngủ. Phong đánh thức Nhô dậy giữa đêm khuya. Trạm phẫu vẫn còn, nhưng hậu cứ đã dịch chuyển lùi sâu vào gần khu vực địa đạo từ bữa máy bay AD6 bổ nhào ném bom bến Vượt.
- Con Lý bỏ đơn vị trốn đi. Có khả năng chiêu hồi. Phong giấu chuyện cô ta lấy cắp của anh khẩu súng ngắn.
- Con nhỏ xạo thật. Nó đi theo mấy cậu trinh sát quân khu về tới đây. Ở đây cũng có hầm. Nó không chịu ở đưa mấy anh trinh sát vào hậu cứ C4.
- Hiện tại trong địa đạo có ai ở không? Phong hỏi.
- Chẳng còn ai cả. Chợt Nhô bấm cây đèn pin vào tay áo của Phong: - Chết thật, anh bị thương à.
- Tụi thám báo bắn trượt ở bên kia sông, hồi chiều. May mà không rạc gáo.
- Anh để tôi xem vết thương rồi băng lại cho.
- Này Nhô, cậu giúp tôi… Tôi đói lắm. Ba ngày nay vượt từ Hang Đá, đường tuyến về tới đây chỉ ăn độc hai bánh lương khô. Cậu coi thử còn cơm nguội cho tôi một bát... Thằng Phưởng y tá ở đại đội tôi cũ, còn ở đây với cậu không hả?
- Còn. Thôi anh ngả lưng xuống đây nghỉ tạm. Tôi chuẩn bị. Đừng sợ, đường đất thế này, bố bảo con Lý dám trốn. Mỹ giăng đầy ở Khe Trái. Mới cách đây ba hôm dưới huyện khiêng thương binh lên bị tụi Mỹ phục ở bên kia Khe Trái bắn cho suýt chết cả lũ.
- Đứa mô bị thương? Phong hỏi.
- Thằng Mộc.
- Thằng Mộc bị sao vậy?

- Nó đánh nhau lạc dưới đồng bằng mười ngày trời. Bới khoai của dân ăn sống tìm đường về núi. Cu cậu không nhớ đường, đi lạc trong rừng. Lại còn bị một vết thương nhẹ vào ngực. Nó đạp đường luẩn quẩn loanh quanh thế nào lên Chóp Nón. Úi cha, tụi nguỵ bắn cho chạy thừa sống thiếu chết. Thằng Mộc tụt xuống chân đồi nằm chờ tới đêm. Nó lại bò vào tìm được nhà bếp, ngồi chén một bụng cơm nguội, lấy trộm được bốn hộp thịt. Ăn uống no nê, cậu Mộc nhà ta tỉnh táo ra mới nghĩ tới trò gài mìn của con Hạnh bày… Anh còn nhớ con Hạnh chủ tịch xã Y không nhỉ?
- Nhớ… Phong đáp ậm ừ, hai con mắt anh cứ díp lại - Cậu kể tiếp đi, tôi ngả lưng một chút, mỏi quá…
-Tụi thằng Cường, thằng Mộc, thằng Khản về xã của con Hạnh dạo trước ấy.
- Biết rồi.
- Thằng Mộc gài một dây 6 quả US. Gài xong cu cậu bò ra ngoài hàng rào tụt xuống chân đồi chờ trời sáng. Mới năm giờ, chưa bảnh mắt, có một thằng nguỵ trở dậy đạp nổ lựu đạn. Tụi nguỵ choàng dậy. Cả đồi Chóp Nón y hệt như có một trận tập kích bằng hoả lực. Anh tính đạn pháo còn nổ nữa cơ mà.
Thằng Mộc lạc trong rừng vừa đúng hai mươi lăm ngày… Ơ cái ông này, ngủ rồi à?

Quả thật, Phong đã ngủ. Tiếng ngáy của anh nhè nhẹ. Đầu nghẹo về một bên, mái tóc xoã xuống trán. Nhô nhìn một lát gương mặt Phong, khẽ lắc đầu.
Nhô rửa ráy vết thương và băng lại cho Phong. Hoàn toàn, anh không hề biết. Chỉ tới lúc cô Hoà, y tá trạm phẫu lay gọi, Phong mới choàng mắt tỉnh ngủ.

- Tôi ngủ lâu chưa hả?
- Yên tâm, chưa tới một giờ. Nhô bảo - anh mệt quá mà.
- Đã gọi cho tôi thằng Phưởng chưa?
Trên sạp một người lồm cồm bò dậy, giọng ngái ngủ - Em đây! Anh mới về à?
- Phưởng hả? Chờ một lát. Tôi nhờ cậu có chút việc.
Phưởng là y tá đại đội 1 ngày trước, sau bổ sung cho trạm phẫu Nhô.
- Anh Phong ăn đi đã! Hoà đưa bát mì chay nấu với cá hộp cho anh.

Chỉ một loáng, Phong đã ăn hết nửa xoong mì. Trước mặt những người lính cũ, và bạn bè quen thuộc anh không hề cảm thấy ngượng. Ăn xong, Nhô pha cho anh thêm một cốc sữa, Phong cũng uống cạn liền một hơi. Hoà ngồi bó gối trên sạp, nhìn anh ăn uống chỉ tủm tỉm cười.
- Khiếp hả? Phong đã lấy lại được phong độ và sự tỉnh táo nhìn Hoà - Tao nói thiệt, giá như trưa nay tao gặp được mi ở bên kia sông Bồ, tao cũng nhai sống mi vì đói.
- Vết thương của anh nhẹ. Nhô bảo - liền miệng lại rồi. Máu anh lành thật, viên đạn xuyên qua bắp tay.
Phưởng đã tỉnh ngủ, góp chuyện:
- Hèn chi chiều nay thấy tụi “xương cá” bắn 40 ly như gõ thùng tôn, tụi em cứ tưởng nó tới bắn kho huyện như mọi bữa.
Phong kéo Nhô ra ngoài sân, kể hết lại mọi sự tình đã diễn ra ở đại đội vận tải.

Phong và Phưởng xách súng bước vào khu hậu cứ của đại đội 4, đồng hồ chỉ ba giờ sáng. Nhô đưa cho Phong cây đèn pin. Suốt đoạn đường, men theo con suối để tới địa đạo, cây rừng bị bom chém trơ trụi cành lá. Từ sau Mậu Thân 1968, đồi 310 có tên là đồi Địa Đạo, trong ruột quả đồi có hầm ngầm mở ra ba cửa. Hai tiểu đoàn công binh của quân khu đã phải làm việc cật lực suốt một tháng trời đào vét đất đá lát đà gỗ, dựng nhà hầm để chuẩn bị nơi đây thành cứ điểm chỉ huy tiền phương của quân khu Trị Thiên trong chiến dịch tấn công về Huế. Vẫn còn vô khối dây điện, dây cáp ngầm trong các lòng hầm. Bộ phận quân khu rút đi. Tiểu đoàn 10, giao cho C4 đại đội hoả lực làm hậu cứ, đón gạo, đạn từ bờ bắc sông Bồ chuyển qua. Có thể coi vùng địa đạo 310 là đầu mối để đổ về Huế, qua các xã của huyện Hương Trà. Đường 12, con đường huyết mạch vào Huế do địch trấn giữ. Cánh cửa sắt cuối cùng giữ Huế là cứ điểm Động Tranh, Bình Điền. Đường chim bay về thấu Huế chưa tới hai mươi cây số. Mỹ thường chiếm điểm cao 360, kế cận địa đạo và thỉnh thoảng đưa một mũi xục vào hậu cứ đại đội 4. Tiếng là đại đội hoả lực của tiểu đoàn 10, trên thực tế lính C4 đã bộ binh hoá. Hai khẩu đại liên Cơrimốp bất lực trước rừng dầy nhiệt đới, địa hình đồi núi hiểm trở. Bộ đội hàng ngày vác B40, B41 đi lùng sục cảnh giới, chốt chặn Mỹ trên các ngả đường dẫn vào địa đạo.

Nhà cửa ngày trước ở khu vực địa đạo rất nhiều, nay đã hư nát cả. Dường như chỉ còn lại ba tuyến hầm ngầm là nguyên vẹn. Bom pháo bất lực, không đủ sức khoét sâu vào lòng núi.
Hơn một năm mới trở lại vùng này, Phong không quên lối. Anh xục xạo, đi tắt cắt đường như trên đất nhà mình. Ba cậu lính trinh sát của K11 thuộc đơn vị đặc công quân khu, treo súng trên đầu cọc thả sức kéo gỗ trong một ngôi nhà hầm đã bị sập một bên mái, Phong bấm đèn tới lay võng từng người. Họ tỉnh dậy rất nhanh, Phong xin lỗi và đề nghị được gặp người chỉ huy của nhóm trinh sát. Anh ta còn trẻ, ngoài hai mươi tuổi, dân Hà Nội tự giới thiệu tên là Hoàng, chức vụ trung đội trưởng. Phong hỏi tới cô gái đi theo nhóm trinh sát đặc công. Hoàng nói ngay:

- Lý nằm nghỉ ở ngôi nhà bếp sát mép suối.

Phong kéo Phưởng đi ngay, Hoàng hơi ngỡ ngàng trong giây lát rồi cũng đeo khẩu AK báng xếp bước theo hai người.
Căn nhà bếp lặng lẽ như tờ. Mái lá trải vàng ánh trăng lên muộn chiếu xuống khoảng đất trống trải, Phong bảo nhỏ với Hoàng và Phưởng dừng lại sau một gốc cây săng lẻ, cụt ngọn. Anh lặng lẽ tuồn vào nhà, không một tiếng động. Căn nhà trống trơn. Anh chui xuống hầm, ở đây cũng không có một ai. Nền hầm ngấm nước lâu ngày, sạp nứa đã mục và bốc lên mùi ẩm mốc khó chịu.
- Cô gái của các anh đã chuồn rồi.
Phong bảo với Hoàng lúc anh ta và Phưởng bước vào nhà.
- Cô ta là ai vậy? Hoàng hỏi không giấu vẻ ngơ ngác.
- Là ai ư? Một con điệp, ta đưa lên cải tạo. Đã có lúc trở thành một chiến sĩ giải phóng, nay tìm đường trốn về.
- Chiêu hồi à?

Phong im lặng, bấm cây đèn pin quan sát bên trong gian nhà. Ba tảng đá đen khói. Những đầu mẩu củi cháy dở dang. Chiếc xoong nhôm và một chiếc gô của nhóm trinh sát được cọ rửa sạch để vào một góc, Lý bỏ lại chiếc gùi trong trong đó có vài bộ đồ cũ, chiếc mũ tai bèo. Không có khẩu súng K54 của Phong. Khẩu K54 sẽ làm một chứng nhân cho Lý để trình diện với kẻ địch. Một cán bộ cỡ của cộng quân, đã tìm đường về với quốc gia!

…Bây giờ, họ đã là một tổ ba người với ba tay súng. Phong đi đầu tiên, rồi tới Phưởng và Hoàng. Biết chuyện của Lý, Hoàng tức như bị bò đá, đòi Phong cho đi bằng được đuổi bắt con điệp. Họ cắt rừng ra đường 12, lối đi gần nhất, lại an toàn dẫn Lý nhanh thoát ra khỏi mọi cuộc truy lùng. Lý chưa thể đi xa. Cảnh giác, Phong không cho bấm đèn pin. Cũng may, vầng trăng muộn màng chiếu dọi xuống cánh rừng xuyên qua lớp lá cây trên đầu giúp cho họ nhận ra đường đi và những thân cây đổ rạp dọc đường.

Một giờ đồng hồ sau, ba người đã tới những chân đồi tranh chạy dọc theo con đường 12. Chính trục đường này sau chiến dịch tổng tấn công Mậu Thân 1968, quân Mỹ, quân nguỵ tỉnh đòn đã đưa xe tăng và đổ quân Mỹ bằng hàng trăm chuyến trực thăng lên càn vùng thung lũng A Lưới. Ngày ấy, đi đâu cũng đụng Mỹ. Địch không thể bỏ trục lộ đường 12, dù phải đổi bằng giá máu. Lưỡi dao thọc nhanh nhất về Huế, nếu bộ đội giải phóng có xe tăng và lực lượng bộ binh cơ giới. Cứ điểm Động Tranh - Bình Điền sẽ trở thành điểm quyết chiến, tựa như cái yết hầu giữ cho miền đồng bằng Huế bình yên.

Từ Khe Dứa trở ra, có hàng chục con đường mòn cắt băng dải đồi tranh để tới đường 12.

Chính điều đó làm cho nhóm của Phong phân vân. Lý sẽ ra theo đường nào. Và hiện thời cô ta đang ẩn khuất ở một chỗ nào đó trong cánh rừng xanh bạt ngàn kia. Càng về sáng, càng lạnh. Phong và Hoàng đã bò lên quả đồi tranh, vượt qua bãi cây đổ ngổn ngang tiếp cận được đường 12, Hoàng lần đầu tiên được sờ nắn tận tay một “con đường của nguỵ” (!).

Mặt đường đá trống trải, phơi mình dưới ánh trăng trông càng trơ trụi, tẻ lạnh. Gió hun hút tràn về, phảng phất mùi cỏ tranh cháy khét và cả mùi cao su cháy. Trên một mỏm đồi trọc phía nam con đường, tụi nguỵ gác đêm đang đốt lửa sưởi. Có thằng gõ liên hồi vào một chiếc cóng bơ gào thi với gió núi một câu vọng cổ. Ở xa Phong nghe câu được, câu chăng: “Em ơi! đừng buồn mần chi. Đêm nay trên miền biên tái anh vẫn nhớ tới em, với làn môi êm…”.

Hoàng phì cười. Anh ta lượm một hòn đá, chẳng biết để làm gì. Hai người bò trở lại chân đồi tranh. Không còn có cách nào tốt hơn là chờ đợi. Phong chọn chỗ, phân công người ngồi phục. Anh luôn tự nhắn nhủ mình: “Cấm ngủ! Cấm được ngủ”. Chỉ vô ý ngủ quên đi là mọi việc trở thành công cốc. Anh thấy thương thằng Phưởng. Nghe chuyện của Phong nó đã gầm lên, đòi giết cho bằng được “con Lý”! và “cho tay Thoan ăn đấm(!)”. Lính K10 là vậy. Họ hiểu Phong từng kẽ tóc, chân tơ, và yêu quý anh tới mức cuồng tín. Họ không sao hiểu nổi tỉnh lại đưa ra một quyết định vô lý, chuyển một anh đại đội trưởng bộ binh về đại đội vận tải? Họ nghĩ đơn giản: Người lính sống sót ở vùng giáp ranh nào khác chi hạt gạo trên sàng. Hàng trăm mạng người mới còn được một hai. Ngoài kinh nghiệm chiến đấu đã đành, nhưng mảnh đất ấy đã hoá thân, ngấm vào trong máu từng người lính giải phóng.

Ấy là cái lý của cậu y tá, từng nằm chung hầm, ăn cùng mâm với đại đội trưởng cũ.
Trời rạng dần, từng ngọn cỏ tranh hiện dần rõ từng đường gân lá. Phong căng mắt ra nhìn bao quát cả một khoảng rộng lớn.
Hoàng ngồi thu lu, kế về phía bên trái, liên tục ngáp.
- Kìa, anh Phong! Phưởng chợt reo lên.
- Để tao! Phong cũng đã nhìn thấy từ trong vạt cây xanh ló ra một bóng người.

Đích thị là Lý. Ả không vội vã, một tay vung vẩy, một tay nắm khẩu súng ngắn. Lý mặc chiếc áo màu xanh lá cây. Ống quần đen. Lý đi cách chỗ ba người ngồi phục chừng sáu mươi thước. Phong liếc nhìn Hoàng. Anh trinh sát đã lấy đường ngắm xạ kích hướng vào chiếc bia sống.

- Để đấy tôi! Phong khẽ nhắc Hoàng.
Anh vụt đứng dậy chạy lên mấy bước, gọi giật giọng.
- Lý! Quay trở lại! Không tôi bắn!
Đang bước hăm hở nghe tiếng quát, Lý chợt khựng lại ngơ ngác. Chỉ một giây ả đã hiểu ra cái tình thế bi đát. Lý đã nhìn thấy Phong và Hoàng. Ả vụt chạy, hướng thẳng ra con đường lộ đang phơi mình trong không gian mờ sáng.
- Đứng lại! Phong quát.

Lý vẫn chạy… Viên đạn AK nổ đanh, gọn, phá tan bầu không khí yên tĩnh của buổi sáng mai. Cả ba người đều nhìn thấy ả ngã sấp xuống vạt cỏ tranh cháy nham nhở. Phong dặn Hoàng và Phưởng - Chú ý cảnh giới địch, cần thì bắn yểm trợ.
Phong lao nhanh tới chỗ Lý. Ả nằm nghiêng, mặt úp xuống đất. Khẩu K54 văng sang một bên. Tụi địch ở trên sườn đồi phía nam đã phát hiện ra tiếng súng nổ. Từ trên điểm cao, chúng quét đại liên xuống vùng đồi tranh. Đạn bắn tung cầy đất, Phong cúi xuống lượm khẩu K54, anh bế Lý chạy ngược trở vào chân rừng xanh.
Bầy chim rừng chưa tỉnh ngủ bị đánh thức trở dậy bởi tiếng đạn nổ chát chúa, chúng vọt bay lên cao sải cánh kêu tao tác.

Phong thiếp đi trong một giấc ngủ nặng nề, mê mệt. Tưởng chừng như tất cả mọi nỗi lo toan, căng thẳng và cả niềm phẫn uất, xót xa đều tiêu tan chìm đắm trong từng hơi thở đều đặn.
Anh mơ thấy mình đang chạy bươn bả trên con đường dọc theo triền Khe Lu. Dưới vực sâu hàng vài chục mét, dòng nước luồn lách qua các gộp đá đổ xuống trắng xoá như một dải lụa. Con đường trên sườn núi khúc khuỷu hiểm trở chênh vênh. Vậy mà anh cứ chạy phăng phăng. Đôi bàn chân anh như lướt trên các mỏm đá. Đôi tay anh mọc ra hai cái cánh nâng đỡ thân mình bay trên ngọn thác nước. Có một cây bứa con mọc ngay cạnh đường, anh bứt vội lấy một cành lá bứa nhai lấy nước uống cho đã khát.

Thấp thoáng hiện ra bóng áo xanh của Lý ở một đoạn xa. Lý đang nhảy từ bậc đá nọ sang bậc đá kia thoăn thoắt. Chốc chốc ả lại quay nhìn về phía sau. Phong chạy dấn lên. Anh sẩy chân trượt xuống vực, may sao anh nắm được một cành cây nhỏ, rồi đu lên. Đã có lúc anh muốn giương súng giết chết con rắn độc quái ác đó, nhưng nhớ lại bộ mặt của Thoan dương dương vẻ tự đắc, anh bèn thôi. Quyết phải bắt sống Lý cho bằng được, không thể khác, Phong tự khuyên nhủ lòng mình như vậy.

Và anh cứ chạy. Nhưng kỳ lạ thay, bóng Lý cứ xa dần rồi ả tự biến thành một con cáo trắng bỏ rơi anh lại phía xa. Phong thét lên một tiếng… Anh thấy mình ngã xuống một bãi đá… Trời ơi! sao Tâm lại ở đây. Cô ngồi bên anh và đặt một bàn tay lạnh như băng lên trán anh.

- Anh yêu của em, răng anh phải chịu cảnh cơ cực như ri? Cô nói, giọng nghẹn ngào.
Phong khẽ lắc đầu, đôi mắt vẫn nhìn người yêu đăm đăm. Cả người Tâm nhẹ bẫng, cô biến thành một tấm lụa mỏng màu xanh bay lên cao. Phong rướn người đuổi theo Tâm nhưng cô đã bị gió cuốn đi…
- Đừng khóc, anh yêu của em! Anh khóc em càng buồn… Thôi anh ráng đứng dậy, đi đi… Anh phải sống để trả thù cho em…
Tiếng của Tâm tan hoà vào trong gió. Anh thấy bóng cô nhoà lẫn vào giải sương mù từ trên đỉnh núi đang tràn xuống lòng Khe Lu.
- Tâm! Anh hét lên, vùng dậy đuổi theo..
Cho tới tận hai giờ chiều, Phong mới tỉnh ngủ. Giá như Hoà không vào đánh thức, chưa biết chừng anh sẽ ngủ luôn một lèo tới tối.
- Anh Nhô nhủ em kêu anh dậy. Có mấy anh bên đại đội vận tải tới kiếm anh.
- Vậy hả?

Phong vẫn chưa buồn bước ra khỏi căn hầm có chiếc sạp nứa êm ái. Đầu óc anh trống rỗng, bâng khuâng. Phong vặn mình răng rắc. Phưởng nằm trong góc, nghe động cũng thức giấc.

- Chuyện chi rứa anh Phong?
- Không biết… Một giấc ngủ thiệt đã. Tao tưởng như mình đang sống dậy ở một kiếp khác.

Phong bước ra cửa hầm, lên nhà. Anh ngạc nhiên nhận ra ông Mịch, thằng Hải y tá, và hai người chiến sĩ của trung đội I. Phong mỉm cười nhưng cả bốn người lính đều giữ thái độ yên lặng. Trong quầng mắt sâu hõm của ông Mịch, đượm buồn. Phong thấy ông khẽ lắc đầu. Nhô cũng yên lặng. Chợt Nhô đẩy một tờ giấy gấp tư để trên bàn về phía Phong. Anh nhìn lướt qua bốn người lính của đại đội vận tải, rồi với tay cầm tờ giấy.

- Hừ, lệnh bắt kia à… “Đã thông đồng với một con điệp nằm vùng, cả hai tên đã rủ nhau bỏ trốn về đồng bằng chiêu hồi, mang theo một súng ngắn K54, một khẩu AK và trước khi đi đã ăn cắp nhiều tài liệu mật của đơn vị”.
Phong đọc to cho tất cả mọi người có mặt đều nghe. Rồi đột nhiên, anh cất tiếng cười ha hả.
- Tuyệt thật, ông Mịch ạ! Cuối cùng anh bảo.
- Tôi đã hết lời khuyên can, ông Thoan đâu có chịu nghe. Ông ấy đã đánh điện về trung đoàn, về quân khu và đề nghị phát lệnh truy nã:
- Sao ông không bảo, sẵn máy 15 Wát đấy, đánh moóc cho cả nước hay biết, thằng Phong chiêu hồi… Thôi được, chỉ năm phút nữa, các ông sẽ tha hồ trói tôi, tước súng của tôi rồi anh em ta qua sông Bồ về gặp tay Thoan. Đồng ý vậy không ông Mịch?

Chưa ai trong số bốn người của đại đội vận tải kịp mở miệng, tất cả đều giật mình, bởi tiếng quát dữ dội của Nhô.

- Tôi là bệnh xá trưởng, chỉ huy ở đây. Kẻ nào động đến anh Phong, thương binh do tôi quản lý, tôi bắn.
- Đừng nóng Nhô ơi! Việc đâu còn có đó - Trong giọng nói của Phong chứa đựng sự điềm tĩnh lạ thường - xin mọi người theo tôi.

Phong dấn lên đi trước. Quần áo anh đang mặc còn nguyên nếp hồ là của Nhô đưa cho anh mượn sáng nay. Bộ quần áo của Phong đã bị gai rừng cào rách tua ra như xơ mướp, thấm máu…

Bước theo Phong là ông Mịch, thằng Hải và hai người chiến sĩ vận tải. Nhô vẫn chưa nguôi cơn giận. Anh đeo súng ngắn và theo sau anh là Phưởng, là Hoà và cả Hoàng cùng hai người trinh sát đặc công. Họ nghỉ lại ở hầm bên, nghe tiếng ồn ào chạy qua.

Tất cả đều im lặng và dõi theo từng bước đi chậm chạp, điềm tĩnh của Phong.
Phong đã tới bên bụi lá nón và bất ngờ cúi xuống giật phăng mảnh tăng ni-lông trùm phủ dưới gốc cây.

Xác Lý chết từ hồi đêm giờ đã cứng. Ả nằm úp mặt xuống đất. Tấm áo xanh loang máu ở một vạt lưng.
Không gian lặng đi. Người ta có thể nghe thấy cả tiếng lách chách của đôi chim sâu nhảy chuyền cành trong một bụi mây và tiếng một con mang tác gọi mẹ đơn côi vọng lên từ một bãi cỏ bên sông Bồ.
Hoà bật khóc thành tiếng. Cô y tá cứ cầm lấy một bên tay Phong ôm riết vào lòng, nức nở.

Đ.K.C
(242/04-09)

 

Các bài mới
Suối Không Tên (19/05/2023)
Các bài đã đăng
Lửa kinh thành (27/11/2008)
Vùng lõm (07/11/2008)
Vùng sâu (30/09/2008)
Vượt cạn (11/08/2008)