ĐẶNG ĐÌNH LOAN
Đường thời đại Trích tiểu thuyết
... Phút giao thừa của Bộ Chỉ huy Mặt trận Huế trôi qua thật trịnh trọng mà ấm áp lạ thường. Ai cũng hiểu phút giao thừa năm nay là cái mốc son chói lọi đánh dấu cuộc chiến tranh chống giặc Mỹ xâm lược của dân tộc Việt Nam sẽ chuyển sang một bước ngoặt mới. Tết ở chiến khu năm nay khác mọi năm, không những không đói, không thiếu mà còn có bánh chưng, bánh tét, có xôi, thịt lợn, thịt bò. Riêng các đồng chí ở Bộ chỉ huy Mặt trận còn có thuốc lá Thăng Long, có mứt gừng, chè lam từ Hà Nội gửi vào và trà Con Ngổng, kẹo mè xửng, thuốc Rubi từ Huế gửi lên. Ai cũng chỉ nhấm nháp qua loa bởi tất cả lòng dạ mọi người đang hướng về từng bước hành quân của các chiến sĩ ở phía trước. Ông Lê Chưởng Chính ủy Quân khu đồng thời là Chính ủy Mặt trận Huế mở chiếc đài bán dẫn, vặn to lên. Sau tiếng nổ dòn tan của tràng pháo Tết khai xuân, lời Bác Hồ từ thủ đô Hà Nội ấm áp truyền đi những ý thơ sâu thẳm thiêng liêng mà hào hùng như lời hịch dựng nước và giữ nước của bốn ngàn năm vọng về. Ông Nam Long kêu lên: - Chà! Nghe thơ Bác, không hiểu tụi Mỹ - ngụy có ngửi thấy mùi của quân ta đang áp vào giường ngủ của chúng không nhỉ? Ông Chưởng đáp: - Dẫu có ngửi thấy bây giờ cũng chẳng thể nào trở tay kịp. Huống chi ai dốc đầu vào ăn chơi, sát phạt nhau thay cho chúng... Này, anh Long! Không phải chỉ có anh với tôi mà từ tối tới giờ anh Quang, anh Tư Minh cũng chưa ai chợp mắt.Chưa có chiến dịch nào, trận đánh nào mà tôi thấy hồi hộp, náo nức, nóng lòng chờ đợi giờ nổ súng như chiến dịch này. Tôi chỉ mong cho đến giờ G...
Ông Nam Long PhóTư lệnh Mặt trận đang muốn bộc lộ tâm tư của mình với người đồng chí chiến đấu thì chuông điện thoại reo. Nghe có chuông điện thoại, ông Trần Văn Quang, ông Tư Minh cũng rời ngách hầm của mình đến phòng họp chung mà ông Chưởng và ông Nam Long đang ngồi. Một sĩ quan trực chiến bước vào. Tất cả đổ dồn đôi mắt vào đồng chí sĩ quan. Anh ta cao to, có khuôn mặt tròn, nét mặt hiền hậu, đưa tay lên vành mũ chào: - Báo cáo các thủ trưởng! Ông Quang nóng lòng giục: - Ừ... ừ thôi cậu báo cáo đi! Tình hình triển khai của các cánh ra sao. Chỉ còn hai tiếng nữa là đến giờ nổ súng toàn miền. Tụi mình đang lo đây... - Vâng! Tôi xin báo cáo trên bản đồ để các thủ trưởng theo dõi. Ông Thoa là trưởng ban tác chiến quân khu đồng thời phụ trách tác chiến của Mặt trận Huế. Ông vừa di chuyển đầu que trên tấm bản đồ treo vách vừa nói: - Báo cáo các anh! Mười hai giờ trưa hôm qua tất cả các cánh quân của ta đều đã xuất phát. Đến 17 giờ, các đơn vị đi đầu của Trung đoàn sáu (6) thuộc cánh Bắc Huế đã ra khỏi rừng xanh. Đến 19 giờ toàn trung đoàn đã nghỉ chân ở dốc Ông Ấm và điểm cao 138. Ở đây đơn vị dừng ăn tối. Cơm tối có bánh chưng bánh tét, thịt kho, có cơm nếp trộn với đường bới theo. Mỗi chiến sĩ được mang theo một bi đông trà thơm. Tất cả đều mặc áo quần mới chỉnh tề. Nhiều đơn vị sợ đi đường bẩn nên đến đây mới chịu thay áo quần, để vào thành phố cho mới. 20 giờ đơn vị tiếp tục hành quân. Từ đây, trung đoàn chia làm 3 cánh, tiến theo 3 hướng khác nhau để áp sát mục tiêu.
Ông Thoa đưa đôi mắt hiền lành lướt nhìn qua khuôn mặt thân thuộc rất đỗi trân trọng của từng đồng chí trong bộ chỉ huy, tiếp tục báo cáo: - Hướng thứ nhất gồm 40 chiến sĩ đặc công cùng một đại đội bộ binh chọn lọc tiến nhanh xuống cánh đồng Văn Xá Trung, huyện Hương Trà. Sau đó, băng qua đường số một đến làng Đốc Sơ, vượt sông An Hòa, áp thành phía Bắc khu Đại Nội, trèo qua thành, chờ lệnh nổ súng để đánh vào khu Mang Cá. Hướng thứ hai gồm toàn bộ tiểu đoàn 6 sau khi vượt đồn An Lưu, di chuyển dọc theo đường số 1 đến vị trí tập kết chờ giờ G để tiêu diệt đồn An Hòa và quân giặc canh giữ cầu An Hòa. Chốt cửa ngõ phía Bắc thành phố, sẵn sàng đánh quân Mỹ và ngụy từ căn cứ Tứ Hạ và Đồng Lâm kéo vào cứu viện. Đồng thời, tiểu đoàn cũng tranh thủ tấn công đánh chiếm Bao Vinh, quận lỵ Hương Trà, chặn địch từ cửa sông Hương lên. Còn hướng thứ ba... Ông Thoa như đắn đo điều gì, trán ông chợt nhăn lại: - Báo cáo các anh, hướng thứ ba này là hướng quan trọng nhất, gồm đại bộ phận trung đoàn 6, các tiểu đoàn và đơn vị phối thuộc, các đội công tác chính trị của thành phố, biệt động thành... và Bộ chỉ huy cánh Bắc Huế cũng đi theo hướng này. Sau khi vượt qua cánh đồng An Lưu, vượt sông Tiểu Giang, sông Kẻ Vạn đã áp sát phía tây thành phố, chờ giờ G để mở cửa Chánh Tây, cửa Hửu, chui qua cống Thủy Quan, sau đó tỏa ra đánh chiếm sân bay Tây Lộc, khu Đại Nội, đánh chiếm Ngọ Môn và treo cờ lên Kỳ đài Huế... đánh chiếm cửa Thượng Tứ, cửa Đông Ba, chiếm khu Gia Hội.... Cùng lúc, một tiểu đoàn khác của ta tiến xuống vùng nông thôn Hương Trà giải phóng các xã Hương Thái, Hương Thạnh, Hương Sơ, Kim Long nằm quanh phía Bắc Huế. Bao vây căn cứ Rú Lầu, Văn Thánh bảo vệ hành lang lên về chiến khu. Báo cáo các anh, tôi vừa nhận điện cuối cùng của Bộ chỉ huy cánh Bắc Huế cho biết quân ta hành quân trót lọt, không va vấp địch. Tất cả đều đã vào vị trí chờ lệnh...
Ông Thoa vừa nói xong, không hẹn cả bốn ông đều vỗ tay hoan nghênh. Nét mặt ông nào cũng rạng lên, chứa chan, hy vọng. Ông Chưởng tỏ ra phấn chấn hơn ai cả, đôi mắt ông ánh lên niềm tin mãnh liệt. Ông tiếp lời ông Thoa: - Tốt rồi! Tốt lắm. Đã vào được đấy là chắc ăn bảy mươi lăm phần trăm rồi. Còn tình hình cánh nam Huế ra sao? - Dạ báo cáo các anh! Sau khi cánh quân thuộc mũi tấn công vào khu Tam giác sắt của tiểu đoàn 815, 818, 816... bị địch ném bom dọc đường. Đến giờ, chúng tôi vẫn chưa nhận được tin tức gì mới từ đài quan sát cánh Nam báo về! Ông Chưởng chợt đi lui, đi tới: - Lạ hè! Lạ hè! Có gì trở ngại lớn không nhỉ? Ông Tư Minh không nhìn ai, nói trổng: - Bom, pháo đối với chúng ta là chuyện hàng ngày. Hết bom thì lại tiếp tục hành quân, chỉ sợ gặp bộ binh địch mới phiền phức!... Ông Tư Minh đang định nói gì thêm thì chuông điện thoại trực chiến chợt reo. Ông Quang nói: - Chắc là điện thoại chỗ anh Kinh điện về đấy! Ông Quang nhìn đồng hồ đã gần một giờ sáng nhưng vẫn điềm tĩnh, bởi cuộc đời ông luôn luôn quen với sự mong đợi của giờ nổ súng trong các chiến dịch và các sự kiện lớn của đất nước. Ngoài bản tính, con người phải biết rèn luyện sức chịu đựng để có sự trầm tĩnh. Quả như ông Quang nghĩ, từ vọng tiền tiêu, đặt ở núi Chìa Vôi, ông Đặng Kinh gọi điện về khi ông vừa nắm tình hình xong. Cùng một tâm trạng nên dễ thông cảm nỗi lòng của các đồng chí trong Bộ Tư lệnh. Ông Thoa lại bước vào, thấy cả bốn ông đang hướng mắt về phía mình, rõ là đang nóng ruột lắm. Ông nói: - Báo cáo các thủ trưởng... Ông Chưởng giục: - Nói đi Thoa! - Dạ báo cáo, vì đường xa, đội hình hành quân lớn nên các đơn vị của đoàn 5 Huế cũng như Đoàn 9 phải hành quân từ sáng sớm 30/1/1968. Tới chiều, các đơn vị mới tập kết được ở Tả Trạch sông Hương và trú lại ở vùng Đình Môn, Dương Hòa. Chập choạng tối thì hai tiểu đoàn 815 và 818 của đoàn 9 bị máy bay địch oanh tạc vào đội hình nhưng rất may không thiệt hại gì, không có thương vong. Bộ phận thứ hai gồm tiểu đoàn đặc công và tiểu đoàn mười bộ binh có nhiệm vụ tấn công quân Mỹ ở khu Đông - Nam - Huế. Các đơn vị này đã hành quân xuống vùng giải phóng huyện Phú Vang ngay từ chiều 29/1/68 bí mật nằm chờ để tiếp cận Huế. Đây là hướng hành quân khó khăn, dễ bị lộ nhưng cho đến giờ này chưa gặp trắc trở gì... - Tốt! Tốt! Ông Nam Long kêu lên, rồi giục: - Cậu báo cáo tiếp đi! - Vâng! Bộ phận thứ 3 gồm tiểu đoàn 1 đặc công tiểu đoàn 4 bộ binh cùng các đơn vị pháo cối chiều 30/1 hành quân đến thượng nguồn sông Hương thì bị lộ. - Chết cha rồi! Cậu nói đi, tình hình có nghiêm trọng không? Bằng nét mặt hiền lành, giọng nói điềm đạm, ông Thoa vẫn từ tốn: - Dạ báo cáo! Sau khi địch phát hiện ra ta hành quân chúng liền cho bắn pháo dồn dập suốt 2 tiếng đồng hồ làm một số đồng chí hy sinh và bị thương nên các đơn vị tạm thời quay vào cửa rừng, chấn chỉnh lại đội hình. Sau đó, vẫn tiếp tục hành quân theo đúng kế hoạch. Bộ phận này là lực lượng quan trọng của Cánh Nam Huế, đánh tiêu diệt Trung đoàn 7 thiết giáp của địch bảo vệ phía Nam Huế. Vì đường xa, phải chạy liên tục nhưng bây giờ các đơn vị đã áp chặt căn cứ Tam Thai của Trung đoàn 7 tăng thiết giáp. Các tiểu đoàn 815, 818, 816 vượt qua một số trở ngại như lạc đường, bị phục kích ở cầu Lim nhưng đều đã tiếp cận thành phố trót lọt. Đến giờ này, điện Huế vẫn sáng, thành phố vẫn im ắng, xe cộ vẫn qua lại cầu Trường Tiền. Như vậy, báo cáo các thủ trưởng đến lúc này, có thể nói, chúng ta đã đảm bảo được yếu tố bí mật, bất ngờ cho thắng lợi của trận đánh...
Ông Thoa dừng lại, thấy cả bốn ông như đang thở phào nhẹ nhõm nhưng như người mẹ, chỉ khi nào đứa con cất tiếng chào đời lúc ấy mới biết mẹ tròn con vuông! Ông Quang còn lo về đội ngũ nhân dân chuẩn bị nổi dậy khởi nghĩa. Chiến tranh thì điều gì cũng có thể xẩy đến bất ngờ. Ông Quang gật gù, chợt hỏi: - Ông Thoa này! - Dạ! - Chúng ta đã có tin tức gì về mặt trận Quảng Trị chưa? - Báo cáo thủ trưởng! Anh Vũ Thắng và anh Thanh Quảng đã điện về cho biết, hai anh cùng anh Hồ Sĩ Thản, anh Sơn Nham đang theo đơn vị tiếp cận thị xã Quảng Trị. Tin cuối cùng cho biết cuộc hành quân trôi chảy. Tin trinh sát kỹ thuật có cho biết quân Mỹ đóng quanh khu vực thị xã có thay đổi. Chúng đưa lực lượng vào tăng cường cho bên trong thị xã để bảo vệ Tết khi trời tối được một lúc. Tôi đã gọi điện báo để các anh biết nhưng bộ chỉ huy đã theo đơn vị tiếp cận sâu nên không thể nào liên lạc được. Ông Tư Minh gượng cười như để mọi người yên tâm, nói: - Phải nén tâm chờ đợi thôi. Chắc các ông ấy cũng nhận biết tình hình thay đổi qua trinh sát và cơ sở. Bây giờ chẳng có cách gì khác hơn: "Điều gì xẩy ra sẽ xẩy ra!" Ông Quang cố giấu sự bồi hồi vì những giây phút ngóng trông chờ đợi tin tức từ phía trước báo về. Ông hiểu rằng mọi thành bại trên chiến trường Trị- Thiên đêm nay được gắn liền với ông. Ông là người chịu mọi trách nhiệm trước tiên... Không hiểu sao giữa lúc này, ông bỗng nhớ lại những năm tháng đầu của cuộc chiến tranh cũng là những năm tháng đầy khó khăn của cuộc cách mạng miền Nam mà ông từng trực tiếp tham gia. Ông nhớ ngày đó, sắp kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, ông được Bác Hồ chỉ định đi cùng đại tướng Võ Nguyên Giáp sang Quế Lâm để gặp Thủ tướng Chu Ân Lai, lúc đồng chí Chu Ân Lai vừa đi dự hội nghị Giơ-ne về. Sau khi gặp, đồng chí Chu Ân Lai cho biết Việt Nam có khả năng chia đôi đất nước, có thể từ vỹ tuyến 13, 18 mà cũng có thể vĩ tuyến 20. Từ giây phút ấy, lòng ông luôn cảm thấy day dứt, chua xót. Bác Hồ đã dạy: "Miền Nam là máu của máu Việt Nam là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi!". Phúc cùng hưởng, họa cùng chịu. Chẳng lẽ chịu cảnh chia cắt đất nước để đồng bào, chiến sĩ miền Nam gánh chịu một mình dưới ách dày xéo của thực dân đế quốc? Lúc ấy, ông là Cục trưởng Cục Tác chiến. Mấy năm sau, vào cái năm 1955 - 1956, ông được Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ làm phương án tác chiến bảo vệ hậu phương miền Bắc. Lúc ấy bản kế hoạch viết ra không được đánh máy, ông mang bản viết tay đọc cho Bác Hồ và đại tướng Võ Nguyễn Giáp nghe rồi bỏ vào tủ sắt khóa lại chờ thông qua Bộ Chính trị. Hôm Bộ Chính trị họp, ông được mời vào để trình bày thông qua phương án. Ông nhớ trong phương án dạo đó, ông viết:"Chính sách của Việt Nam là không chủ động tấn công ai nhưng khi một ai đã chủ động tấn công Việt Nam thì Việt Nam lập tức giáng trả". Lúc viết xong, ông đã sang Liên Xô rồi Trung Quốc tham khảo, cả hai nước lớn xã hội chủ nghĩa cũng đều như vậy cả. Lúc trình bày xong phương án ông thấy các đồng chí trong Bộ Chính trị đều im lặng làm cho ông rất đỗi phân vân không biết lo hay mừng. Trong phương án có đoạn ông viết: "Nếu kẻ thù dùng lực lượng lớn ồ ạt tấn công từ phía biển vào thì chúng ta vừa đánh vừa tạm thời rút lui, nhử địch vào sâu đất liền, bắt địch phân tán và dàn mỏng lực lượng, lúc ấy chúng ta mới quay lại chủ động tấn công tiêu diệt địch". Ông đang lo lắng chờ đợi ý kiến thì đồng chí Lê Thanh Nghị nói: - Muốn đánh thắng mọi kẻ thù thì phương án tác chiến tốt chưa đủ mà chúng ta cần có một quân đội vững về tổ chức, giác ngộ cao về chính trị, trung thành tuyệt đối với sự nghiệp của Đảng với lý tưởng xã hội chủ nghĩa, trách nhiệm cao với đồng bào với Tổ quốc. Một đội quân như vậy, một nhân dân như vậy mà khi có phương án tác chiến đúng đắn, khoa học thì nhất định chúng ta sẽ chiến thắng mọi kẻ thù... Những điều ấy giờ đây còn tươi rói trong công tác chỉ huy chỉ đạo của ông ở chiến trường, giúp ông một lòng tin vững chắc vào đồng bào, chiến sĩ của mình vào những gì hệ trọng sẽ và sắp xẩy ra...
Ông nhớ, khi ông đi học trường quân sự Liên-Xô vừa về đến Hà Nội, ông được mời đến dự cuộc chiêu đãi đồng chí Vi Quốc Thanh ở nhà khách Bộ Quốc phòng 33 Phạm Ngũ Lão. Ông ngồi bên cạnh đồng chí Lê Duẩn. Sau khi trả lời những câu thăm hỏi của đồng chí Lê Duẩn, ông nói: - Anh cho tôi đi miền Nam! Đồng chí Lê Duẩn cười: - Anh phải xin Quân ủy Trung ương chứ! Có lẽ do tình hình phát triển của cách mạng miền Nam lúc ấy chưa tới nên ông phải đợi đến năm 1961, sau khi có nghị quyết về đường lối đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị của cách mạng miền Nam do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ ba vạch ra, lúc ấy ông mới thực hiện được điêù mong muốn thiêng liêng của mình. Lần đại hội đó, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Thời cơ đến thật kỳ lạ. Hôm ấy, ông xách va ly ra sân bay đang chờ lên máy bay để đi học tiếp ở Liên Xô thì có điện của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp yêu cầu ông quay lại. Ông lo lắng không biết có chuyện gì ở nhà đã bất thường xảy ra. Ông về thẳng cơ quan Bộ Tổng Tham mưu. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cười, vỗ vào vai ông nói: - Anh ở nhà để đi miền Nam! - Có thật không anh? - Quân ủy đã nhất trí rồi. Bây giờ anh chọn một số anh em cán bộ khá, nhất là các đồng chí miền Nam tập kết để cùng đi với anh.
Ông trở về nhà thì nhận được điện của đồng chí Lê Văn Lương báo để ông sang gặp đồng chí Lê Duẩn. Mới thấy ông, đồng chí Lê Duẩn rất vui, cười sảng khoái làm cho ông rất đỗi phấn chấn: - Toại nguyện chưa? Bây giờ thì anh được đi rồi. Anh đi đi! - Vâng! Báo cáo anh, tôi vừa được anh Văn cho biết, tý nữa thì tôi lên máy bay đi Liên Xô. Đồng chí Lê Duẩn ngồi đối diện với ông, nói: - Anh đi lần này có nhiều điều thích thú. Đảng ta đã có chủ trương đường lối cách mạng miền Nam rõ ràng. Các đồng chí phải biết vận dụng nghị quyết mà làm. Quá trình làm đồng thời tình hình phát triển chúng ta tiếp tục bổ sung, điều chỉnh và tạo ra nghị quyết mới để đẩy nhanh tiến trình cách mạng. Rồi đồng chí Lê Duẩn dặn dò ông những công việc mà ông và Trung ương cục phải làm trước mắt và lâu dài rất đỗi cặn kẽ. Mấy hôm sau, đồng chí Nguyễn Chí Thanh gặp ông. Đồng chí bá vai, đi dạo với ông mấy vòng trong sân Nhà Rồng. Chiều đã xuống, Đại tướng chợt kéo ông ngồi xuống thành lan can nói: - Rồi đây, anh em chúng ta đều lần lượt có mặt trong đó nhưng anh có may mắn đi trước. Trước khi lên đường, anh có tâm tư, nguyện vọng gì trao đổi để chúng ta cùng giải quyết. Ông đáp một cách chân thành: - Báo cáo anh! Đánh với đế quốc Mỹ không như thực dân Pháp. Ở ngoài này, tôi đúng, sai còn có Bộ Chính trị, có Quân ủy Trung ương, còn có anh. Vào trong ấy, tôi phải chịu trách nhiệm tất cả nên tôi chỉ lo làm sao hoàn thành cho được nhiệm vụ mà Bộ Chính trị và Quân ủy giao. - Anh vào trong đó cứ làm. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh rút bao thuốc mời ông rồi bật lửa cho ông châm, nói tiếp: - Bắt tay vào làm thì mọi việc sẽ ra. Phải biết dựa vào anh em. Ngay cả Quân ủy cử anh đi nhưng cũng chưa hình dung hết tình hình cụ thể trong đó. Nắm chắc nội dung, phương hướng mà Quân ủy đã bàn với anh. Dịp đó, nhiều đồng chí quê ở Nam Bộ như ông Xu, ông Tưởng đã lên đường cùng lúc với ông. Các đồng chí rất mực thương ông, yêu quí ông như người ruột thịt. Hôm ra đi, khi qua Cột Cờ, ông gặp bà Nguyễn Chánh, ông ghé sát tai bà nói đầy thân tình: - Đi Nam đây! - Anh mà cũng đi Nam à? Ông tủm tỉm cười về sự ngạc nhiên của bà Chánh. Rồi bà gật gù: - Ừ nhỉ. Trước cách mạng anh đã hoạt động ở Nam Bộ. Ngay ở mặt trận đánh Pháp anh cũng ở mặt trận Trị- Thiên đấy nhỉ? Đúng như bà Chánh nói, ngày mới vỡ mặt trận ông đã từng chỉ huy mặt trận Trị- Thiên, đường 9- Nam Lào... Ngày đó mặt trận Trị- Thiên vô vàn gian khổ. Gần một phần tư thế kỷ nay ông lại quay về công việc cũ, chỉ huy mặt trận Trị- Thiên chống giặc Mỹ xâm lược. Trên đường đi Nam Bộ dạo ấy, suốt bốn tháng hành quân càng đi vào sâu thì tình hình thực tế chiến trường càng làm cho ông sáng ra, ông càng khẳng định những chủ trương đường lối của Đảng của Bác Hồ với cách mạng miền Nam là vô cùng sáng suốt. Không còn con đường nào khác là phải đứng lên cầm vũ khí đánh Mỹ- ngụy. Chỉ có con đường vùng lên, đánh mạnh mới giải phóng được Tổ quốc, mới thống nhất được đất nước. Ông nhớ hôm qua khỏi Quảng Bình tới thung lũng Xê Pôn thì gặp các đồng chí phi công Liên Xô đang đổ hàng xuống đó để giúp Việt Nam và Lào. Thấy ông, các đồng chí Liên Xô đều hỏi: - Đồng chí đi đâu? - Tôi đi miền Nam! Tôi sẽ vào một nơi mà chỉ cách Sài Gòn có ba mươi cây số. Nhờ các đồng chí thả cho tôi một ít gạo ở Bắc đường 9. Đến đó, chúng tôi sẽ nhận được gạo.
Các đồng chí Liên Xô ôm chầm lấy ông, hôn ông và vui vẻ, nhiệt tình nhận lời. Ông vào đến Mường Noòng thì hết gạo. Đoàn của ông kéo đi tìm huyện ủy Mường Noòng khi đồn Mường Noòng của giặc vừa bị quân giải phóng Lào tấn công, đồn còn bốc cháy. Đồng chí bí thư huyện ủy Mường Noòng cho biết, các đồng chí bạn vừa nhận được gạo từ máy bay thả xuống. Ông hiểu đó là hạt gạo của tình đồng chí chiến đấu chống thực dân, đế quốc, chống áp bức không biên giới. Đoàn được cấp gạo đầy đủ trước khi tiếp tục lên đường nhưng rồi ăn chẳng được bao lâu đã hết. Lúc đoàn ông đến một cánh rừng thông trên đỉnh Trường Sơn giáp đất bạn Lào, ông thấy có đông người đang rộn ràng phía trước. Ông Tư Minh bỗng xuất hiện. Ông đang chống gậy đi đến. Rõ là ông Tư Minh đang ốm nhưng được gặp nhau, ông Tư Minh trở nên hoạt bát. Hai người nắm lấy áo nhau mà nói chuyện. Ông Tư Minh hỏi ông: - Đoàn anh đi xa, có cần gì không? Không giấu giếm, ông đáp: - Anh Tư Minh ơi! Chúng tôi đói quá rồi. Mấy hôm nay không còn gì để ăn nữa. Anh cho chúng tôi xin ít gạo và mượn máy của anh để điện ra Quân ủy Trung ương. Ông Tư Minh mời đoàn ở lại. Tặng cho đoàn ông một con trâu và mấy gùi sắn khô. Miền Tây Trị Thiên lúc ấy đang đói và thiếu muối nghiêm trọng. Được ông Tư Minh ưu ái tiếp sức cho đoàn. Lúc ấy một đoàn dân công của đồng bào dân tộc gùi hàng và tài liệu đi miền Nam cũng nghỉ lại cũng ăn sắn khô và lá sắn luộc chấm muối. Ông không ngờ buổi đầu phôi thai, trứng nước của cuộc cách mạng miền Nam mà bảy năm sau tình hình đã đổi thay vô cùng lớn lao như vậy. Ông Tư Minh giờ đây đang ngồi cùng bên ông để chỉ huy cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân dân Trị- Thiên và thành phố Huế. Sau lần gặp ấy, đoàn ông như được tăng tốc, đi một mạch cho đến Bắc Tây Nguyên mới dừng nghỉ chân. Ở đây, đoàn ông lại được các đồng chí Tây Nguyên cấp cho hai con trâu và sắn khô. Đồng bào dân tộc mang lá sắn và thuốc rê đến biếu cho đoàn. Trong khó khăn, gian khổ mới thấy hết tình đồng bào, đồng chí thiêng liêng. Ông quyết định rẽ về khu 6 nghiên cứu tình hình trước khi vào chiến trường Nam Bộ. Đấy là chiến trường nổi tiếng thiếu đói và khó khăn. Ông được một đồng chí trong thường vụ tỉnh ủy đưa đi. Đường hồi ấy còn hoang vắng. Giữa đường bất ngờ ông gặp một người đàn ông cưa răng, căng tai. Nói chuyện một lúc mới biết người đàn ông này cũng là đồng chí cán bộ người Kinh lên hoạt động hợp pháp ở vùng đồng bào dân tộc. Đồng chí ấy đã dắt ông đến gặp tỉnh ủy Cheo- Reo. Ông không ngờ nơi cơ quan tỉnh ủy đóng là một ngọn núi cao. Lúc ở dưới chân núi đã nóng lên tới đỉnh càng nóng hơn. Địch thường xuyên vây ép. Ông hiểu được tình hình cuộc chiến đấu ở đây vô vàn khó khăn và khắc nghiệt. Nhưng cũng chính nơi đây, ông đã thấy được quyết tâm cách mạng, ý chí sắt son và lòng tin sắt đá của đồng bào đồng chí Khu 6 và Tây Nguyên thật mãnh liệt, thật vững vàng kiên định. Ông hiểu rằng nỗi bức xúc ở đây không thể kéo dài, ông đã gặp ông Bùi San, ông Bảy Hữu và ông Lê Tự Nhiên. Ông cùng các ông bàn luận tình hình. Đánh mạnh, đánh lớn lúc này sớm hay không sớm? Thế rồi ông giã từ Khu 6 và Tây Nguyên để tiếp tục đi vào Nam Bộ. Ngay từ sáng sớm, đoàn ông đã phải vượt qua ngọn núi cao 2600 mét. Đến trưa mới lên tới đỉnh, mệt phải thở thêm bằng tai mà lại phải đương đầu với một đàn voi và sên vắt dày đặc. Không nghỉ thì không đi nổi nhưng nghỉ lại thì sên vắt. Đốt lửa thì nóng tắt lửa thì lạnh. Đến tối mịt cả đoàn mới xuống tới chân núi bên kia. Đất Nam Bộ đã hiện ra. Mảnh đất đã gắn với một quảng đời trai trẻ, hoạt động cách mạng sống động của ông. Đặt chân lên mảnh đất Nam Bộ, lòng ông xôn xao, rộn rã. Ông gặp đồng chí Nguyễn Văn Linh, bí thư Trung ương cục ở ngay cơ quan Trung ương cục. Gặp lại ông Linh là gặp lại người đồng chí mà những năm tháng hoạt động bí mật đã gắn bên nhau thời kỳ 1936- 1939. Dạo đó hai ông thường gặp nhau khi ở Vinh khi ở Sài Gòn, Hà Nội. Có lần ở Vinh, hai ông bị giặc rượt đuổi, chạy mỗi người mỗi phương rồi lần hồi tìm nhau. Cả hai ông không sao diễn đạt nổi lòng mình khi được gặp lại nhau, sau những năm xa cách, người công tác ở miền Bắc, người ở lại hoạt động ở miền Nam. Giờ đây, cả hai người cùng đứng trên mảnh đất thánh, chiến khu đánh Pháp nổi tiếng năm xưa của Nam Bộ thành đồng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ hôm nay để cùng gánh vác những trọng trách thiêng liêng của đất nước. Hai ông ôm nhau hồi lâu mà không nói nên lời. Ông Linh gầy gò trong bộ đồ lụa đen còn ông Quang trong bộ áo quần kaki cũng chẳng béo tốt gì hơn. Hai ánh mắt ngắm nhìn nhau mới thấy tình cảm của họ thật sâu sắc, đậm đà mà rất đỗi đằm thắm của tình đồng chí, tình bạn chiến đấu.
Vào tới đất Nam Bộ, khí thế chống Mỹ, đánh Mỹ trở nên hiên ngang, sôi nổi. Ông bắt đầu dự những cuộc hội nghị lớn của các bí thư tỉnh ủy, khu ủy, quân khu, đặc khu về. Ông nhớ kỹ những lần gặp các đồng chí bí thư khu ủy khu 7, khu 8, khu 9. Các đồng chí ấy đã kể cho ông nghe biết bao nhiêu chuyện đấu tranh của quần chúng và các phong trào chống Mỹ- Diệm. Chuyện một nữ sinh tú tài tham gia biểu tình chống Mỹ- Diệm bị địch bắt, lột hết quần áo, đi trần truồng giữa đường phố. Đến đám đông nào chúng cũng bắt cô dừng lại để làm nhục. Trước đám đông nào cô cũng nói: - Thưa bà con cô bác! Mỹ Diệm làm xấu tôi, làm nhục tôi nhưng tôi đâu có xấu, tôi đâu có nhục, mà kẻ xấu xa chính là bọn đế quốc Mỹ. Kẻ nhục nhã là bọn tay sai bán nước Ngô Đình Diệm. Mỹ- Diệm nói chúng mạnh. Mạnh mà dở trò hèn mạt với một cô gái như tôi thì chúng đâu có mạnh. Đó là hành động của kẻ yếu hèn, bất lực, phi nghĩa nên mới dở trò này chớ!...
Cô gái nói chưa xong thì nhân dân reo hò, vỗ tay, hô đả đảo Mỹ- ngụy, bắt chúng dẹp ngay cái trò man rợ với phụ nữ. Sau những loạt truyện như vậy lại được gặp trực tiếp các cán bộ, chiến sĩ từ Sài Gòn ra, từ miền Đông, miền Tây lên, ông đã kịp rút ra kết luận: địch yếu ta mạnh. Ông hoàn toàn không ngờ phong trào cách mạng của quần chúng lại lên cao và mạnh đến thế. Phong trào và tình hình thực tế càng thúc giục đòn quân sự phải phát triển nhanh, mạnh mới hỗ trợ được cho cuộc đấu tranh của quần chúng. Cũng trong thời gian ấy, ông cũng gặp một chuyện thật kỳ lạ. Một hôm, ông đang bàn bạc công việc cùng với ông Trần Lương có mật danh là Trần Nam Trung phụ trách chính trị của Bộ Tư lệnh miền, ông Hai Sô phụ trách hậu cần và ông Ba Bường phó tư lệnh thì ông Xuyên chỉ huy trưởng quân sự quân khu Bảy lên gặp ban quân sự miền Nam để báo cáo tình hình. Xong công việc, ông Xuyên nói: - Báo cáo các đồng chí! Các đồng chí thông cảm, cho tôi mượn đại đội bảo vệ của Trung ương cục mấy hôm. Ông Lương hỏi: - Làm gì vậy anh Xuyên? - Tôi mượn đi đánh tỉnh lỵ Phước Long. Đánh xong tôi trả. Mất người nào tôi xin bổ sung. Vũ khí súng đạn tôi xin trả lãi... Cả bốn ông nhìn nhau ngạc nhiên rồi cười tủm, tưởng ông Xuyên nói đùa. Ông Xuyên nói: - Tôi đảm bảo đánh xong tôi trả ngay! Ông nào cũng nhìn mặt ông, chờ ý kiến trưởng ban quân sự miền. Ông đắn đo một lúc, hỏi lại: - Vậy anh Xuyên định đánh bằng cách nào? Không lưỡng lự, ông Xuyên đưa tay với lấy cuốn sổ dành cho học trò tập viết để cạnh đấy xé cái toạc, lấy ra một tờ, lấy ngòi bút quẹt qua, quẹt lại nghệch ngoạc mấy đường rồi nói: - Các anh xem vậy có được không? Tôi bảo đảm thắng!. Ông Quang tủm tỉm không dám cười to, sợ ông Xuyên tự ái. Ông hỏi: - Anh Xuyên! Sao đánh đơn giản thế này? Thật bất ngờ, cả ông Sô, ông Bường, ông Lương đều lên tiếng ủng hộ ông Xuyên: - Ông Xuyên đánh được đấy, không sao đâu anh Quang! Ông Trần Lương nói: - Nếu đồng chí bảo đảm thắng lợi thì tôi đồng ý trình bày với thường vụ.. Một tuần sau, tin chiến thắng vang đi khắp nơi. Quân giải phóng đánh chiếm thị xã Phước Vĩnh ( Phước Long) bắt sống tỉnh trưởng, phó tỉnh trưởng và toàn bộ ngụy quyền tỉnh Phước Long.
Việc làm táo bạo, mạnh mẽ đầy tự tin của ông Xuyên đã đem lại thành công. Thắng lợi lớn ấy đã đem đến cho ông niềm tin mãnh liệt, tất thắng của sự nghiệp cách mạng miền Nam. Nhân dân miền Nam, nhân dân Việt Nam nhất định thắng! Ngay sau đó, ông điện ra Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương: “Tình hình ở miền Nam hiện nay giống tình hình Thái Bình thời kỳ cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tôi tuyệt đối tin tưởng về khả năng thắng lợi”...
Bảy năm rồi, nay ông đang chỉ huy cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở mặt trận Trị- Thiên và thành phố Huế thì trong ấy các anh chuẩn bị cuộc tiến công và nổi dậy ở Nam Bộ, ở Sài Gòn, ở khu Năm và Tây Nguyên. Chắc các chiến trường trong đó giờ này cũng đang náo nức ra trận và các anh đang nóng lòng đợi đến giờ G nổ súng. Chúc các anh khỏe mạnh và giành thắng lợi vang dội để cho Tổ quốc chúng ta bước vào một mùa xuân vinh quang bất diệt... Có được thắng lợi vĩ đại của ngày hôm nay, các anh và tôi làm sao quên được những ngày ấy. Thời kỳ ông ở trong đó cũng là thời kỳ đế quốc Mỹ thực hiện kế hoạch “Stalay- Taylo, bình định miền Nam trong mười tám tháng”. Ngô Đình Nhu tên Việt gian bán nước độc hại, nghiên cứu cách mạng Việt Nam, học đường lối cách mạng Việt Nam để đánh phá cách mạng Việt Nam. Trước tình hình định tập trung phản kích, ban chỉ huy quân sự miền quyết định mở ra vùng Âp Bắc thuộc tỉnh Long An và quyết đánh cho Mỹ- ngụy một trận thật đau, tạo ra một thế trận mới. Kết quả thắng lợi ở Âp Bắc đã làm cho địch hết sức bất ngờ. Lần đầu tiên quân giải phóng bẻ gãy cái gọi là sức mạnh tuyệt đối của vũ khí. Cùng với chiến thuật mũi lao thép và phượng hoàng vồ mồi của trực thăng và xe bọc thép M113. Trận thắng ở Âp Bắc đầu 1963 đưa đến cho ông sự khẳng định: Sự sụp đổ về chiến thuật tất sẽ dẫn đến sự sụp đổ về chiến lược. Trước lúc đánh Âp Bắc, ông còn nhớ có một chiến sĩ du kích của ta bị máy bay trực thăng của địch rượt bắn. Hết lối thoát đồng chí du kích đã kiên quyết đánh trả. Chiếc trực thăng đã rơi gần chỗ của ông ở. Ông đã ra đấy để nghiên cứu hiện trường và rút ra kết luận: “Trực thăng hoàn toàn có thể bị bắn rơi bằng vũ khí thông thường. Nói cách khác vũ khí thông thường bắn máy bay trực thăng hoàn toàn hiệu quả. Sau Âp Bắc, phong trào đánh địch, bắn hạ máy bay trực thăng địch dấy lên khắp mọi nơi kết hợp đấu tranh chính trị, binh vận để hạn chế tổn thất. Qua kết hợp cuộc chiến đấu bằng hai chân ba mũi, ông thấy nhiều điều khác với kháng chiến chống Pháp. Trong kháng chiến chống Pháp thì dân tản cư ra vùng tự do nhưng bây giờ thì dân tản cư ngược lại. Tản cư vào vùng địch càng nhiều thì càng làm cho hậu phương rối ren, càng làm cho binh lính địch hoang mang, dao động. Không dừng lại ở “tam không” như trong chống Pháp mà nhân dân chủ động tấn công địch, phao tin gây hoang mang, tuyên truyền chính sách, đường lối của cách mạng, dùng lý lẽ đấu tranh trực diện với địch, vận động, kêu gọi con em mình bỏ súng trở về nhà. Mỹ lợi dụng lực lượng Phật giáo để ép Diệm thì nhân dân cũng dùng Phật giáo để chống Mỹ- Diệm. Ông nhớ hồi đó, có lần đồng chí Lê Duẩn đã nói với ông: “... Địch có một bộ tổng tham mưu, nhưng chúng ta có hàng triệu bộ tổng tham mưu. Ở đâu có địch thì ở đó nhân dân vạch kế hoạch đánh địch... Nhân dân ta đấu tranh có lý luận, có sách lược...” Trong trận Âp Bắc, tuy hỏa lực của ta còn yếu nhưng các chiến sĩ quân giải phóng đã có tri thức cao có trình dộ chính qui hiện đại nên đã đưa đến chiến thắng lớn. Trong khi Mỹ- ngụy quân số gấp năm sáu lần, hỏa lực mạnh tuyệt đối, đầy đủ phương tiện chiến tranh hiện đại nhưng chủ quan cũng như quân Pháp chủ quan trên điểm tựa Nà Sản ở Điện Biên Phủ.
Tháng 9/ 1964 ông đóng vai thợ mộc, ông lên Phơ- nông- Pênh lấy hộ chiếu trở ra Hà Nội để báo cáo tình hình và đề nghị những chủ trương mới. Các cở sở cách mạng ở Phơ- nông- Pênh hỏi ông: “Anh ra Bắc để chuẩn bị bắn máy bay Mỹ phải không?”. Xuống sân bay, ông đến thẳng chỗ đồng chí Lê Duẩn. Gặp lại ông, đồng chí Lê Duẩn ngắm nhìn hồi lâu, cười sảng khoái nói: - Nhìn anh là tôi biết tình hình trong Nam khá vượt bậc rồi. Đã đến lúc chúng ta phải ra tay nện thật sự. Không thể chậm hơn nữa... Trong ông dâng lên tình cảm dạt dào của khí thế cách mạng mới. Ông trở về gặp các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Văn Tiến Dũng. Các đồng chí đang họp nhưng được tin ông đã ra, tất cả mừng rỡ mời ông đến thẳng chỗ họp. Từng đồng chí ôm hôn ông, ngắm nghía ông và nghe ông báo cáo qua tình hình. Sáng hôm sau, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đến nhà thăm ông, hai người ngồi luận bàn tình hình suốt buổi sáng. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh hết hỏi ông việc này đến việc khác như một vị thẩm phán. Rõ là đồng chí đang quan tâm cụ thể đến tình hình và muốn biết cặn kẽ tình hình chiến trường Nam Bộ. Không ngờ sau đó không lâu, đồng chí đã lên đường vào trong ấy. Ông Thanh láy đi láy lại: - Ngoài đường lối chủ trương anh rút được kinh nghiệm gì về chỉ huy, chỉ đạo, về phương thức đánh địch? Ông đáp: - Báo cáo anh, khi tôi ở ngoài này, còn xa chiến trường thì thường đánh giá địch cao. Càng vào sâu tôi càng thấy chúng ta mạnh, quần chúng vững vàng còn địch thì yếu. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh vỗ vào đùi mình đánh bốp, nói: - Anh nhận xét rất hay! Có ra chiến trường mới hiểu được mạnh yếu giữa ta với địch. Địch mạnh hay yếu là từ hành động trên chiến trường chứ không phải bằng sự hô hào, phô trương, khoác lác của chúng. Lần ấy chuẩn bị vào lại thì ông bị một trận ốm xiêu điêu, tưởng không qua nổi. Sau đó, đồng chí Trần Văn Trà có quyết định vào thay ông và đồng chí Lê Đức Anh vào trực tiếp làm tham mưu trưởng. Ông nhớ dạo ấy, đồng chí Trần Văn Trà đi máy bay sang Quảng Đông sau đó xuống tàu thủy để lên cảng Xi- Ha Núc- Vin. Còn đồng chí Lê Đức Anh đi con tàu không số Phương Đông Hai đổ bộ lên Minh Hải. Dạo ốm nặng ấy, ông điều trị ở quân y viện 108, các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Chí Thanh thường xuyên thay nhau vào thăm ông. 1965, ông ra viện được mời đến tiễn một tiểu đoàn cán bộ quân sự đi. Ở đó, ông gặp Bác Hồ. Thấy ông mặc dân sự, Bác đưa tay chỉ vào ông, hỏi vui: - A! Chú bữa nay không mặc áo quần bộ đội nữa à? - Dạ thưa Bác có ạ! - Nay chú đã khỏe hẳn chưa? - Dạ thưa Bác khỏe rồi ạ. - Ừ! nhưng Bác thấy chú còn xanh và gầy lắm. Chú phải bồi dưỡng cho chóng khỏe. Đế quốc Mỹ đang muốn chú ốm lắm đấy! - Dạ thưa Bác! Bây giờ cháu có thể lên đường được rồi! Người cười nói: - Nhìn chú chưa được khỏe đâu. Chú phải cố gắng! Sau đó, cả đồng chí Lê Duẩn và Võ Nguyên Giáp đều nói với ông: - Nghị quyết Trung ương 12 rất cơ bản. Có ý nghĩa lịch sử. Chúng ta đã giải quyết thông suốt những vấn đề chiến lược, chiến thuật cả phần lý luận lẫn thực tiễn. Chúng ta không chỉ có quyết tâm cao mà cần có phương hướng chiến lược đúng và toàn diện. Có bốn cách xử lý tình hình cách mạng miền Nam. Cách thứ nhất là thi đua kinh tế thời bình, đôi bên phát triển, bên nào mạnh bên ấy sẽ thắng. Đó là theo cách của Liên Xô. Cách thứ hai là xây dựng lực lượng trường kỳ mai phuc, chờ thời cơ để hành động. Đó là theo cách của Trung Quốc. Cách thứ ba là dùng lực lượng quân sự đánh ào qua vĩ tuyến 17 để giải phóng miền Nam, đó là cách của Triều Tiên đã từng đưa quân vượt qua vĩ tuyến 38. Ba cách đó, chúng ta không làm theo cách nào cả mà làm theo cách thứ tư, cách của Việt Nam. Đó là cách mà chúng ta đã và đang làm lâu nay. Đó là khởi nghĩa và tấn công. Tấn công và khởi nghĩa, đánh lui từng bước, đánh đổ từng bộ phận để đi đến giành thắng lợi toàn bộ. Chúng ta phải biết đánh vào những nơi xung yếu nhất của địch, gây cho chúng những đòn bất ngờ. Luôn luôn đẩy chúng vào tình trạng bị động đối phó, tước quyền làm chủ trên chiến trường của Mỹ- ngụy. Do chiến lược dành bí mật, bất ngờ cho đế quốc Mỹ, kẻ đang sao chép lại cuộc chiến tranh Triều Tiên mang áp dụng rập khuôn ở Việt Nam. Do đó, chủ trương của Đảng là giữ im lặng trên chiến trường Trị- Thiên nơi tiếp giáp với miền Bắc, tấn công vào phía sau lưng chúng, nhưng nay sự im lắng ấy đã qua rồi. Lửa chiến tranh đã bùng lên khắp cả nước. Ông được điều vào làm Tư lệnh Quân khu Bốn cùng đồng chí Lê Hiến Mai để tạo điều kiện đẩy chiến trường Trị - Thiên lên. Chiến trường Trị - Thiên tạm thời do Quân khu Bốn đảm nhiệm. Đồng chí Vũ Lăng cục trưởng cục tác chiến trực tiếp dẫn sư đoàn 325 vào đánh căn cứ A- Sầu, A Lưới. Căn cứ địch bị tiêu diệt và một số vị trí còn lại phải tháo chạy. Rừng núi Trị- Thiên hoàn toàn được giải phóng. Tháng 9/ 1966 Bộ Chính trị quyết định thành lập Khu ủy Trị- Thiên và mặt trận Trị - Thiên. Trung ương cử ông Lê Chưởng và ông Thanh Quảng vào. Tháng 6/ 1966 thành lập mặt trận đường 9 do ông Nam Long làm Tư lệnh. 7/ 1966 Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định cử ông vào làm bí thư khu ủy Trị- Thiên- Huế kiêm Tư lệnh chiến trường Trị- Thiên Huế. Ông vào đúng lúc phong trào Phật giáo lên cao. Phật giáo đang ủng hộ Nguyễn Chánh Thi ly khai Thiệu- Kỳ ở Huế và Đà Nẵng. Ông và Khu ủy Trị- Thiên đang chuẩn bị đón thời cơ, lợi dụng cuộc sát phạt lẫn nhau của địch nhưng đế quốc Mỹ cũng đã nhìn thấy nguy cơ ấy nên chúng vội cho CIA khôn khéo tháo ngòi. Khu ủy và Quân khu ủy quán triệt nghị quyết 12 của Trung ương đánh địch không hạn chế. Khẩu hiệu lúc này đối với chiến trường Trị- Thiên là làm chủ rừng núi, chiếm lĩnh vùng giáp ranh, đánh mạnh ở đồng bằng, quần chúng tiếp tục đứng lên đồng khởi. Tấn công địch trong thành phố. Các ông Phùng Vạn bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên, ông Hồ Sĩ Thản bí thư tỉnh ủy Quảng Trị đều thống nhất và quyết tâm cao. Cả hai ông đều chịu sức ép của cao trào nên có phần nôn nóng. Chiến trường Trị- Thiên tuy nhỏ hẹp hơn Nam Bộ, Tây Nguyên và Khu 5, tuy gần miền Bắc hơn nhưng việc tiếp tế súng đạn, thuốc men hết sức khó khăn, còn khó khăn hơn các chiến trường khác còn nói gì gạo ăn hàng ngày. Mặc dù khó khăn nghiêm trọng nhưng ông đã có kinh nghiệm ở chiến trường Nam Bộ. Ông có những chủ trương mạnh mẽ ở Trị- Thiên, quyết đoán những việc lớn. Ở Trị- Thiên không sợ thiếu quân chỉ sợ thiếu gạo thiếu súng đạn. Thiếu súng đạn thì cho các đơn vị ra Bắc vận chuyển về còn lương thực ra tới miền Mắc mang về không đủ ăn để đi đường nên ông quyết định phát động một chiến dịch gạo. Góp gạo nuôi quân, mua gạo nuôi quân. Thông qua chiến dịch gạo mà tập họp lực lượng quần chúng trở thành phong trào kháng chiến của quần chúng. Ở chiến trường Bình- Trị- Thiên khói lửa chống Pháp năm xưa, ông đã hiểu cái đói da diết và thiếu thốn mọi bề ở đây. Gạo và thực phẩm là thứ khó khăn nhất trong mọi thứ khó khăn. Chiến dịch gạo kịp phát động khi vụ mùa đang đến. Phong trào hưởng ứng chiến dịch gạo rất cao. Từ các đồng chí trong khu ủy tỉnh ủy đến cán bộ cơ sở và nhân dân đều tham gia chiến dịch gạo. Đồng bằng Trị- Thiên nhỏ hẹp nhưng sau chiến dịch toàn khu đã thu mua được bốn ngàn tấn gạo để chuyển lên dự trữ ở chiến khu. Chiến dịch gạo tiếp tục kéo dài đã đảm bảo được cho một lực lượng lớn quân chủ lực đứng chân, đảm bảo được cho các chiến dịch đánh địch. Địch càng co lại thì gạo càng dễ hơn và nó trở thành yếu tố nền tảng cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy hôm nay. Đó là cả một bài học lớn được rút ra trong quá trình chỉ đạo chiến tranh của ông. Cùng với chiến dịch gạo, ông đã hình thành chiến thuật đánh địch ở chiến trường Trị- Thiên. Qua các trận đánh thử nghiệm đầu tiên, ông đã rút ra bài học của một chiến trường nhỏ hẹp như chiến trường Trị- Thiên, mật độ chiến tranh cao thì dùng bộ đội tinh nhuệ kết hợp với bộ đội đặc công, tổ chức những đòn đánh hiểm thì hiệu quả hơn cả mà ta lại ít tổn thất. Ông đã cùng ông Đặng Kinh bàn cách đánh thí nghiệm cùng đơn vị nhỏ tấn công vào thị trấn An Lỗ như ông Xuyên đã đánh vào thị xã Phước Vĩnh. Kết quả chỉ có một đơn vị nhỏ mà tiêu diệt cả một tiểu đoàn địch. Ông Vạn bí thư tỉnh ủy phấn khởi lên gặp ông.
- Báo cáo anh! Xin anh cho đánh tiếp thêm vài trận nữa. Dân Huế phấn khởi lắm còn Mỹ- ngụy hết sức hoang mang. Vì An Lỗ nằm trên đường quốc lộ Một cách Huế chỉ mươi lăm cây số. Chiến thuật dùng kiểu đánh sắc nhọn, đánh thẳng vào sở chỉ huy làm cho Mỹ- ngụy hết sức lo sợ. Các đơn vị bộ đội trong quân khu thì nảy nở vấn dề tranh luận mới: Thế nào là tiêu diệt gọn. Các chiến sĩ đều cho rằng phải tiêu diệt toàn bộ bộ chỉ huy của địch thì mới đạt được tiêu chuẩn diệt gọn. Cùng với việc diệt gọn đi đôi với diệt ác ôn. Các đơn vị du kích nêu lên tiêu chuẩn diệt được một ác ôn bằng diệt được một trung đội địch. Cao trào đồng khởi bung ra toàn bộ nông thôn Trị- Thiên. Chiến công nở rộ như hoa. Giữa lúc ấy, ông Vũ Thắng khu ủy viên chủ nhiệm chính trị quân khu được lệnh dẫn Trung đoàn 6 về đồng bằng đánh địch càn quét, lấn chiếm ở bốn huyện Phong- Quảng- Triệu- Hải, đánh địch cả trong công sự, đồn bốt làm cho địch co lại trong các quân lỵ và các căn cứ lớn. Trong khi đó, ông cùng ông Lê Chưởng chính ủy quân khu chủ trương đánh vào căn cứ La Vang ở Quảng Trị và căn cứ Tứ Hạ ở Thừa Thiên và tập kích vào thị xã Quảng Trị. Đó là một chiến dịch thắng giòn giã. Nhà lao Quảng Trị được giải phóng. Các đơn vị tấn công làm chủ thị xã xong chủ động rút ra an toàn. Lúc trở về dự tổng kết ở khu ủy và quân khu, ông nhớ ông Hồ Sĩ Thản bí thư tỉnh ủy Quảng Trị đang nằm trên chiếc võng cạnh ông, chợt ông Thản cười to lên một mình. Mọi người nói ông chiêm bao nhưng thấy ông vẫn thức liền hỏi ông cười gì vậy. Ông nói: - Đến hôm nay rồi mà tôi chưa hết khoái. Thắng xong rồi mà tôi cứ tưởng mình đang mơ.
Mọi người cười theo ông. Tiếp đó, ông Tư Minh phó bí thư khu ủy kiêm bí thư thành ủy Huế rồi ông Vạn, ông Trần Anh Liên phó bí thư thành ủy Huế nóng ruột muốn đánh khách sạn Hương Giang nằm giữa trung tâm thành phố Huế, nơi thường xuyên ăn ở của sĩ quan cao cấp Mỹ và công chức ngụy quyền Trung ương. Ông cân nhắc rồi cùng bàn với ông Đặng Kinh, ông Thân Trọng Một về cách đánh. Thế rồi đánh khách sạn Hương Giang đã thắng một cách giòn giã. Sau đợt đánh xong Tứ Hạ, La Vang, thị xã Quảng Trị, khách sạn Hương Giang thắng lớn, đồng chí Nguyễn Chí Thanh lúc này đang ở Bộ Tư lệnh miền từ Nam Bộ điện ra khen và nói: “Ông Quang đã tìm ra cách đánh rồi!”. Tháng 4- 1967 Bộ Chính trị có chủ trương đánh thành phố. Mọi việc ông giao lại cho các đồng chí lãnh đạo khác, ông tập trung nghiên cứu việc đánh Huế. Ông chỉ định cho ông Kinh và ông Thu phụ trách tham mưu tác chiến quân khu trực tiếp làm phương án. Tháng 8/ 1967 phương án đánh Huế được khu ủy thông qua thì tháng 10/ 1967 Bộ Chính trị có nghị quyết đánh vào các thành phố ở miền Nam. Sau đó không lâu khu ủy và quân khu nhận được lệnh gấp rút chuẩn bị cho một cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt của toàn miền Nam. Ông cũng cảm nhận được sau nghị quyết tháng 10/ 1967 của Bộ Chính trị khí thế cách mạng ở chiến trường Trị- Thiên- Huế cũng như cả miền Nam lên cao như thác trào lửa dậy, không khí giành thắng lợi hừng hực như những ngày đầu của Cách mạng tháng Tám. Bây giờ cái khoảnh khắc ấy đã đến, cái thời điểm mà không phải chỉ có ông, ông Tư Minh, ông Nam Long, ông Lê Chưởng mà tất cả các chiến trường, cả nước, cả Bộ Chính trị, Bác Hồ, đồng chí Lê Duẩn và các đồng chí trong Quân ủy Trung ương cũng đang nóng lòng chờ đợi giờ G đến, giờ nổ súng của toàn thể chiến trường miền Nam... Ông chợt hỏi mình không biết giờ này ở chiến trường Nam Bộ các đồng chí Hoàng Văn Thái, Nguyễn Văn Linh, Trần Văn Trà, Võ Văn Kiệt, Lê Đức Anh, Hai Sô, Ba Bường... các anh đang đi về hướng nào, các anh có gặp nhiều khó khăn không? Rồi ở khu Năm anh Võ Chí Công, anh Chu Huy Mân ở Tây Nguyên anh Hoàng Minh Thảo, anh Bùi San chuẩn bị chiến trường có tốt không. Chắc giờ này các anh cũng đang trong tâm trạng như ông. Ông mới nhận được tin Bộ Tư lệnh mặt trận đường 9 vừa bị bọn Mỹ đánh trúng sở chỉ huy, không biết anh Trần Quí Hai, anh Lê Quang Đạo, Lê Ngọc Hiền, Đàm Quang Trung ra sao, có ai bị gì không? Chắc các anh đang khắc phục để chia lửa với chúng tôi. Lúc này, một mùa xuân đang đến, ông cảm thấy lòng xôn xao rộn rã, ông bồi hồi nhớ về Hà Nội nhớ đến Bác Hồ và đồng bào thủ đô đang chuẩn bị bước vào khoảnh khắc giao thừa. Dặm đường chiến tranh mà ông đã đi qua với cuộc đời mỗi con người thì không là ngắn. Ông đã bước qua biết bao đoạn đường đầy chông gai, bão táp, máu và lửa. Hôm nay, trong khoảnh khắc đang nhích dần tới giờ nổ súng của toàn mặt trận. Ông lắng tai nghe những âm thanh rộn rã của chiến tranh, bước quân đi hối hả. Ông nghe gió xuân về và tiếng chân leo tường, tiếng kéo cắt giây thép gai, tiếng hơi thở dồn dập khi đoàn quân vượt qua cống Thủy Quan để vào khu nội thành. Tiếng chân chạy giục giã để kịp giờ tiếp cận căn cứ thiết giáp Tam Thai và khu Tam giác sắt. Chiếc thòng lọng đang thắt dần cuống họng địch lại. Lòng ông rạo rực, rung động mãnh liệt như tình cảm của người chiến sĩ đang tiến vào mục tiêu. Tất cả những âm hưởng ấy đã làm nên những giai điệu hào hùng mà đắm say, trữ tình của bài ca mùa xuân đại thắng trên Tổ quốc Việt Nam anh hùng. Ông gật gù: “Quả mỗi lần đất nước vào xuân là dân tộc Việt Nam lại lập nên những chiến công hiển hách, kỳ diệu, tạo nên sức mạnh thần kỳ để quét sạch mọi kẻ thù thực dân, đế quốc và những thế lực phản động, bán nước, hại dân”. Ông đưa mắt nhìn sang ông Tư Minh, ông Tư Minh đang trò chuyện với ông Nam Long. Ông chợt nhớ đến gùi sắn và con trâu mà ông đã tặng đoàn ông dạo đó, trong ông chợt trào lên tình đồng chí thân yêu. Ông Lê Chưởng, ông Nam Long một thời cùng ông lăn lộn trên các chiến trường và mặt trận Điện Biên Phủ. Tất cả sao mà gắn bó thân thương. Tất cả đang cùng ông trông chờ tiếng súng nổ. Bên ngoài các vì sao đã hiện lên hết bầu trời. 2 giờ rồi 2 giờ 15 và cái mốc đã đến: 2 giờ 30’ nhưng vẫn chưa có tiếng súng nổ. Chưa có tin nổ súng báo về. Cả bốn ông trở nên xốn xang, đứng ngồi không yên. Vì sao đến giờ rồi mà vẫn chưa nổ súng? Các cánh quân đã gặp trở ngại gì? Cả bốn ông đưa mắt nhìn nhau. Ruột gan nóng như lửa đốt. Chiếc kim nhích dần nhích dần: 2 giờ 31 phút rồi 2 giờ 32 phút... Không ai nói với ai một lời. Ông Thoa không còn nhẫn nại chờ đợi được nữa. Ông bắt đầu gọi máy đến các trạm tiền tiêu. Thấy các động tác của ông Thoa trở nên lúng túng, ông Nam Long lấy máy từ tay ông Thoa. Ông nói chuyện thẳng với ông Thu chỉ huy trưởng cánh Bắc Huế - Thế nào? Anh đã thấy gì chưa? Sao đến giờ rồi mà chưa thấy nổ súng. Chắc có trở ngại phải không? Từ trong máy tiếng ông Thu tỏ ra điềm tĩnh, vững chãi, quyết đoán: - Báo cáo anh! Tôi đang theo dõi chặt chẽ. Không có gì bất trắc xin các anh yên tâm, đợi thêm lát nữa. Ông Nam Long dặn thêm mấy câu nữa rồi cắt máy gọi đến cho ông Kinh ở vọng tiền tiêu trên núi Chìa Vôi. Giọng ông Kinh không còn thủng thẳng, chậm rãi như mọi ngày, ông đáp: - Tôi cũng đang sốt ruột. Mắt đang đau đáu nhìn xuống Huế đây. Điện thành phố vẫn sáng, bầu trời yên tĩnh. Chắc không có điều bất thường xảy ra.
Mỗi giây mỗi tích tắc lúc này thật dài. Ông nào cũng thầm cầu mong cho mọi sự diễn ra suôn sẻ. Tâm trạng họ lúc này giống hệt tâm trạng người mẹ sau chín tháng mười ngày mang nặng, đẻ đau, cầu mong từng giây cho đứa con cất tiếng khóc chào đời. Ông Chưởng tỏ ra sốt ruột hơn ai hết. Trong lúc ông Nam Long gọi máy, ông đi lui đi tới hai bàn tay chống lên hai bên hông. Chốc chốc lại đưa bàn tay vuốt ngược lên mái tóc. Nhìn ông lúc này có một vẻ gì đó thật giống một nghệ sỹ. Ông nói trổng: - Bộ đội ta hành quân bí mật, an toàn sao đến giờ mà không nổ súng. Hay mũi chủ công đã đi lạc đường... Ông Nam Long bỏ máy quay lại, nói: - Hay là đồng hồ chúng ta đói ăn nên chạy nhanh.
Tuy nói vậy nhưng lúc này trong lòng mỗi người đều tự lý giải cho mình. Chuyện bất trắc, bất cập, bất ngờ là chuyện có thể xảy ra hàng ngày trong chiến tranh, ngoài ý muốn của bất cứ ai. Ví như chỉ cần một tổ dẫn đường đi nhầm đường, không đi đường tắt mà đi đường vòng cũng đủ làm chậm thời gian. Ví như một cán bộ chỉ huy quá thận trọng hay rụt rè, do dự... Ví như một đơn vị pháo dàn trận địa gặp địa hình khó khăn phải loay hoay đặt cho xong pháo cũng đủ làm chậm giờ. Hoặc giã gặp một đơn vị tuần tra của địch đang đi qua phải kiên trì chờ đợi cho chúng quay trở lại... Tất cả những việc cụ thể ấy cũng đủ làm ảnh hưởng đến thời khắc nổ súng phát lệnh tấn công. Điều gì đến sẽ đến. Chuông điện thoại chợt reo. Cả hai trạm tiền tiêu của hai cánh Nam và Bắc Huế đều báo về. Sau tiếng nổ dữ dội từ thành phố phát ra, lệnh tấn công bắt đầu! Tên lửa và pháo của quân ta đã dồn dập trút xuống đầu giặc trên các căn cứ nội ngoại thành phố. Cả Huế sáng rực lên trong ánh chớp của pháo, tên lửa và bộc phá. Tất cả các ông đều đã ra đài quan sát. Tiếng bộc phá nổ kéo thành tràng dài như những loạt bom B52 ở Tam Thai, Mang Cá, cửa Chánh Tây, khu Đại Nội. Cơn bão lửa đang cuồn cuộn nổi lên trên đất Trị- Thiên đang nhận chìm đầu giặc. Những nét mặt lo lắng, mong đợi của những giây phút trước đây giờ đang ánh lên niềm vui, sung sướng trên ánh mắt, rạng rỡ trên từng nét mặt. Lòng tràn ngập vui sướng. Ông Lê Chưởng không ngăn nổi nước mắt. Ông ghi vào cuốn nhật ký quân sự của mình: “2 giờ 34 phút ngày 31/ 1/ 1968 tức ngày mồng một Tết Mậu Thân phút mở đầu năm con khỉ là giây phút thiêng liêng, hào hùng đáng ghi nhớ nhất trong cuộc đời của người chiến sĩ cầm súng chiến đấu giải phóng Tổ quốc Việt Nam vô vàn thân yêu!”
Như những đợt sóng dồn đi “ Quân ta nổ súng tấn công Huế rồi!” Những tiếng ấy lào rào chuyền đi dọc hai bờ suối của các đơn vị phục vụ Bộ Tư lệnh mặt trận... Trước mặt cả bốn ông, cơn bão lửa vẫn tiếp tục bùng lên dữ dội, tiếng nổ kéo thành tràng dài như sấm dậy đầu mùa. Những đường đạn DKB vàng rực màu da cam rạch màn đêm lao vun vút về Phú Bài, Đồng Lâm và các căn cứ của Mỹ- ngụy. Máy bay địch bắt đầu cất cánh, những chiếc C 130 bay thành từng tốp vung ra hàng ngàn, hàng ngàn quả pháo sáng. Trong làn gió nhẹ mang xuân về, ông Quang lắng nghe tiếng reo hò của quân lính ông đang xông lên quyết chiến quyết thắng với quân giặc, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh! Trái tim ông dâng trào xúc động làm nước mắt ông trào ra. Cái khoảnh khắc của chiến tranh thật kỳ lạ mà không phải ai cũng được trải qua... Đ.Đ.L (168/02-03)
|