Tiểu thuyết
Đỉnh sóng
09:23 | 09/05/2025

VĨNH QUYỀN
    Trích tiểu thuyết “Vương Phủ”

Năm 1959, tôi lên mười. Nhảy khỏi chiếc buýt trường nội trú Pellerin là chạy vào cổng, nhưng tôi phải dừng khi vừa ra khỏi vòm cửa. Một ông cụ xa lạ, mặc áo ngũ thân đen, râu tóc như tiên ông trong truyện tranh cổ tích, chắn trước mặt tôi.

Đỉnh sóng
Minh họa: PHAN THANH BÌNH

Trở lui. Rồi vào lại cho phải phép.

Dạ, là răng? Tôi ngơ ngác.

Là tam quan có ba cửa, cửa chính…

Ông cụ nói chưa hết câu, tôi cười ré lên, nghiêng người lượn qua ông, cắm đầu chạy vào trong. Ngỡ ngàng nhìn theo, rồi ông cụ bật cười. Chứng kiến cảnh xảy ra ở cổng, một ông trung niên, cũng áo ngũ thân, từ bậc thềm chính đường bước xuống sân đón lõng. Lần này tôi không dám vượt bởi đó là bác ruột, cũng là đương thời chủ quản vương phủ. Ông quỳ một chân, thì thầm vào tai tôi, rằng cháu vừa thất lễ với người em khác mẹ của cụ cố đến dự ngày kỵ, chúng ta cần xin lỗi. Tôi dạ thật khẽ. Hai bác cháu cùng đến trước ông cụ.

Cháu xin lỗi đã không cẩn thận dạy dỗ… Bác tôi chưa dứt lời, ông cụ đã vẫy nhẹ bàn tay, bảo hãy đi lo việc tiếp khách, rồi hắng giọng: Để đó cho ta.

Còn lại một mình, tôi giở mũ ca-lô đỏ ôm chặt trước ngực, đầu cúi gằm, chờ đón cơn thịnh nộ. Bàn tay gầy của cụ cố chạm lên mái tóc húi cua của tôi, xoa nhẹ. Sau thoáng ngơ ngác, tôi lâng lâng cảm nhận nguồn yêu thương ấm áp từ bàn tay ấy lan truyền toàn thân. Mở mắt, tôi ngước nhìn cụ cố như muốn xác thực cảm giác hạnh phúc đang tiếp thụ không phải là mơ.

Cháu tên chi?

Dạ Liêm.

Nhà mình đặt tên kép mà? Hãy nói đầy đủ.

Dạ, Tôn Thất Hiếu Liêm.

Được, theo ta.

Cụ cố đưa tôi vào thư viện, là gian bên trái chính đường, nơi các tủ sách được xếp sát chân tường, nhường một không gian đủ cho hai, ba chục chỗ ngồi mỗi khi có nghị sự, hoặc mở lớp giảng sử sách cho con cháu từ các nơi về nghỉ hè.

Ngồi vào bàn, cụ trở lại chuyện ngoài sân: Chưa ai dạy cháu vào ra cổng tam quan thế nào cho đúng phép à?

Tôi thành thật đáp dạ hình như có, nhưng cháu quên hết rồi. Học nội trú, cuối tuần mới về, cửa nào đến phòng của mẹ gần nhất thì cháu vào thôi.

Cụ cố gật gù, không nói gì thêm, nhón tay lấy quả táo tây từ đĩa thủy tinh trên bàn, trao cho tôi.

Ăn đi, rồi vào với mẹ.

Cảm ơn cố, cháu không ăn.

Táo nhập khẩu, ngon mà.

Dạ, cháu để dành cho mẹ.

Cụ cố lấy tiếp quả khác đặt vào tay tôi: Đây là phần của mẹ cháu.

Tôi vui mừng, vừa nói cảm ơn cố vừa phóng ra cửa. Có tiếng gọi giật, tôi dừng lại.

Cháu biết hôm nay phủ mình có gì đặc biệt không?

Dạ, là ngày kỵ.

Đúng, kỵ ai?

Tôi lúng túng. Cụ cố mỉm cười:

Cháu về với mẹ trước đã. Chiều tối nay có tọa đàm tại đây. Ta chờ cháu.

Dạ!

Nghe cụ cố đích thân dặn tôi dự buổi ôn chuyện tiền nhân, tiết mục không còn ai có thể nhớ đã diễn ra lần cuối là vào năm nào trước đây, mẹ tôi biết cần chuẩn bị gì cho con trai. Bà mở tủ, lấy ra chiếc áo dài ngũ thân vải sa màu đỏ mận duy nhất treo cuối dãy Âu phục của ba tôi, rồi gia công thu nhỏ cho vừa kích cỡ tôi. Đã ba năm sau ngày nhận hung tin máy bay đoàn khảo cổ Pháp mất tích giữa bão cát sa mạc Sahara, trong đó có ba tôi - thực tập sinh đến từ Việt Nam - mẹ tôi đã bất tuân quyết định của đại gia đình chồng, không lập bàn thờ, không đốt trang phục người mệnh bạc theo phong tục. Thời gian lạnh lùng trôi cùng mưa Huế, mùa nối mùa khiến mọi người chung quanh dần chấp nhận sự thực đau đớn, thì mẹ tôi ngày mỗi ngày vẫn thầm hóng tin cuộc tìm kiếm nơi phương trời xa, mà hẳn đã kết thúc.

Xen lẫn âm thanh lách cách của máy may đạp chân là lời của mẹ. Tôi nghe tai này lọt tai kia. Hơn 20 năm sau, tình cờ đọc trúng trang sách, tự dưng lời mơ hồ của mẹ vẳng lại, và được những dòng chữ làm sáng tỏ. Đại khái, áo dài ngũ thân ra đời dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, gọi ngũ thân vì áo gồm hai thân vạt trước, hai thân vạt sau tượng trưng tứ thân phụ mẫu, còn thân thứ năm ở phía trước bên phải, nằm trong thân thứ nhất tượng trưng người con… Chăm chú vào bàn máy, mẹ không trông thấy vẻ ỉu xìu của tôi lúc ấy. Cảnh phải hàng giờ lọt thỏm giữa khối người lớn nghe tích xưa khiến tôi ngao ngán. Điều an ủi duy nhất là sẽ không có đứa nào ở trường Pellerin chứng kiến cảnh ấy, nhất là bắt tại trận tôi lúng ta lúng túng trong cái áo dài ngố.

Nhưng phép lạ đã xảy ra. Mẹ tôi rời bàn máy may, quay lại đứng trước mặt tôi, hai tay giăng cao chiếc áo dài ngũ thân vừa được hồi sinh, ngắm nghía, rồi nở nụ cười. Nụ cười ấy vực tôi dậy. Mẹ vui là tôi vui. Và, cũng cần nói thêm, cùng lúc tôi nghĩ tới cái xoa đầu của cụ cố, và muốn nhận thêm. Bàn tay khẳng khiu ấy đã truyền vào trái tim bé bỏng của tôi niềm hân hoan bí ẩn trong lần sơ ngộ, mà rất lâu về sau tôi mới có thể gọi tên: tình huyết thống.

Tôi là người đến thư viện sớm nhất, chủ nhà và khách còn thư thả trò chuyện quanh bàn ăn tối. Chuẩn bị buổi tọa đàm, 28 đèn lồng màu vàng cam cùng được thắp khiến tôi ngỡ ngàng trước một không gian quen thuộc. Gỗ nhà rường nâu đen, vừa đón nhận vừa phản quang thứ ánh sáng dịu mắt. Nói thư viện gia đình nhưng dường như dành cho người lớn, chẳng có lấy một cuốn truyện tranh. Phải đến mùa hè năm cuối bậc tiểu học nội trú, khi tạm xem là đã xóa mù tiếng Pháp, tôi mới lần đầu mượn sách ở đây, Le Petit Prince của Antoine de Saint-Exupéry.

Còn đây là lần đầu vào bên trong thư viện khi đêm đã bao trùm. Tôi giật mình đối mặt mấy góc khuất ánh đèn, trong khi các tủ sách vốn im lìm vô hại vào ban ngày giờ trông như loài cổ sinh vật vừa thức giấc sau kỳ ngủ đông với những ô mắt kính láo liên, phản chiếu nhiều tầng lớp ánh sáng và hình ảnh chung quanh, trong đó có bóng tôi, mỗi góc mỗi khác, và tất cả đều biến dạng. Rồi, những đóm lửa hương lập lòe trên đầu tủ gỗ gụ khảm xà cừ đặt ở vị trí trung tâm thư viện làm tràn nỗi sợ hãi. Tôi quay người lao ra cửa.

Đón đường tôi lại là cụ cố, nhưng lần này với cái ôm che chở. Phản xạ của tôi cũng là cái ôm, nương tựa.

Cháu sợ gì?

Tôi chỉ tay vào lư hương đang tỏa khói. Cụ cố khẽ cười, nắm tay tôi dẫn trở vào, giải thích đó là chiếc tủ quý cất giữ các bản sắc phong cùng trước tác từ các đời sáng nghiệp, đến nay đã trên dưới ba trăm năm. Vào các dịp lễ tết, tủ sách chữ Hán và chữ Nam này cũng được thắp hương như một bàn thờ.

Dạ, chữ Nôm chớ? Tôi sửa lại lời cụ cố, tỏ ra hiểu biết.

Ờ, thiên hạ xưa nay gọi chữ Nôm. Từ thế kỷ thứ mười, chữ Nôm được tạo mới bằng cách ghép các chữ Hán theo phép mượn ý, mượn thanh, hoặc mượn nguyên chữ để phiên âm tiếng Việt. Người Nhật cũng làm điều tương tự để tạo chữ Kana, và đến nay họ vẫn dùng.

Ngừng một lát, cụ cố tiếp: Riêng trong phủ này, thời của ta về trước, các cụ dạy con cháu gọi chữ Nam. Vì nó phiên âm tiếng nói của người nước Đại Nam. Theo các cụ, Nôm là cách nói chệch của Nam, và khi gọi chữ Nam thành chữ Nôm là tự coi rẻ chữ viết của người mình sáng tạo, là tự xem nhẹ phương tiện giúp mình thoát lệ thuộc văn hóa phương Bắc. Bất chấp vua Quang Trung từng dùng chữ Nam làm văn tự chính thức của quốc gia trong hành chính, giáo dục suốt thời gian tại vị, bất chấp đại thi hào Nguyễn Du đã viết tuyệt tác Truyện Kiều bằng chữ Nam, các hủ nho vẫn có câu Nôm na là cha mách qué để chê bai người muốn dùng chữ Nam hơn chữ Hán.

Khác với khi tôi nghe mẹ nói về áo ngũ thân, chuyện chữ Nam chữ Nôm của cụ cố không vào tai này lọt tai kia, dù lúc ấy tôi chưa hiểu hết. Nhưng lời bậc trưởng thượng như hạt giống gieo xuống mảnh đất chưa khai vỡ trong tôi, nằm yên đó chờ ngày đủ duyên nẩy mầm. Để sau này tôi nghiệm ra mình là hạt giống của những kẻ lãng du bên lề lịch sử, có thể độc đáo, cũng có thể độc đoán, nhưng chắc một điều, là cô đơn.

Tôi muốn chia sẻ với cụ cố nhưng không nghĩ ra được lời nào ít ngốc nghếch nhất thì cụ đã rời tủ sách Hán - Nam, bước ra cửa thư viện đón khách.

Không chỉ làm sống lại mà cụ cố còn làm mới sinh hoạt truyền thống gia đình bằng sự tham gia của các bà, các cô. Chịu điểm chút phấn son, mẹ tôi xuất hiện với gương mặt dịu hiền mà nổi bật. Tôi sung sướng ngồi bên mẹ ở hàng ghế cuối.

Mở đầu buổi ôn cố sự nhân lễ húy kỵ chúa Hiền Nguyễn Phước Tần, bác tôi trân trọng giới thiệu diễn giả với quý khách:

Ông nội chú của chúng tôi, cụ Tôn Thất Đình Lam, là cháu sáu đời của chúa Hiền, 16 tuổi, đã xung vào Phấn Nghĩa quân, đội quân dốc lòng cứu quốc do cháu năm đời của chúa Hiền, điện tiền tướng quân Tôn Thất Thuyết tuyển mộ. Đêm 22 tháng 5 Ất Dậu, 1885, dự trận đánh úp Tòa Khâm sứ Pháp. Ngày 23 Pháp phản công, kinh đô thất thủ, hộ tống đoàn ngự đạo rút ra chiến khu Tân Sở, Quảng Trị. Ba năm sau, vua Hàm Nghi bị bắt và bị đày sang Algérie, Đình Lam trở về Huế ẩn náu trong ngôi chùa dưới chân núi Kim Phụng. Năm 1907 tham gia phong trào Đông Du. Được một thời gian, chính phủ Nhật Bản thay đổi chính sách, trục xuất du học sinh Việt Nam. Đình Lam tìm cách quay lại, tiếp tục sự học, trở thành kỹ sư hàng hải, sống và làm việc tại thành phố cảng Osaka. Sau đôi lần về thăm đất nước, năm nay cụ hồi hương…

Trong lúc vỗ tay theo mọi người, nhìn quanh những gương mặt ngỡ ngàng, tôi nghĩ cũng như tôi hẳn không ít thành viên trong phủ này, lần đầu nghe biết về cuộc đời ấn tượng của người cố 90 tuổi, dẫu lời giới thiệu rất vắn tắt.

Sau đó, cũng vắn tắt, diễn giả ôn lịch sử thế tử của chúa Thượng Nguyễn Phước Lan, tức chúa Hiền Nguyễn Phước Tần. Sinh năm 1620, lên ngôi ở tuổi 29, băng hà năm 1687, chúa Hiền là nhân vật góp công lớn trong sự nghiệp mở mang bờ cõi đất phương Nam và kết thúc cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn kéo dài 45 năm với trận đại thắng 1672, chặn đứng cuộc tấn công lần thứ bảy của chúa Trịnh Tạc, làm tiêu hao năng lực quân sự xứ Đàng Ngoài. Đặc biệt trước đó, khi mới 24 tuổi, là trấn thủ Quảng Nam, thế tử Nguyễn Phước Tần đã chỉ huy thủy binh đánh tan hạm đội Hà Lan trên vùng biển Cửa Eo, là Thuận An hôm nay.

Và, diễn giả dành thời gian cho dấu son rạng rỡ này.

Chuyện bắt đầu từ mối quan hệ giữa cuộc phân tranh Đàng Ngoài và Đàng Trong với bên thứ ba là đế quốc Holland, sử cũ phiên âm Ô Lan, tức Hà Lan. Vào thế kỷ 17 trong số trùm chúa đại dương thế giới, phải xếp Hà Lan đầu bảng, sau đó mới đến Anh Quốc, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha… Công ty Đông Ấn Hà Lan thành lập năm 1602, được quyền thay mặt chính phủ phát động chiến tranh, đàm phán hiệp ước, đúc tiền tại thuộc địa, trong 21 năm. Công ty đặt thủ phủ điều hành khu vực Đông Nam Á tại Batavia, thuộc Indonesia. Năm 1636, Hà Lan được chúa Nguyễn xứ Đàng Trong cho phép mở thương điếm tại cảng Hội An. Nhưng giao thương không tiến triển như mong muốn, khi một năm sau Hà Lan lần đầu đến Đàng Ngoài, tặng chúa Trịnh hai cỗ đại pháo, lập thương điếm ở Phố Hiến và ngay sau đó có những hoạt động quân sự hỗ trợ Đàng Ngoài. Đang chiến tranh với chúa Trịnh, chúa Nguyễn liền sinh lòng hiềm nghi Hà Lan.

Mặt khác, với tâm thế đế quốc, và bản thân thương thuyền Hà Lan thời ấy được trang bị cả đại pháo, nên trong mắt người Hà Lan xứ Đàng Trong chỉ là một thế lực khiêm tốn. Họ thường hành xử trịch thượng, kể cả đối với các quan trấn bản xứ. Trong khi đó, Đàng Trong coi trọng giao thương nhưng không bằng mọi giá. Liên tục xảy ra xung đột, và máu đã đổ. Như năm 1641, chúa Thượng cho phép trấn thủ Quảng Nam san bằng thương điếm Hà Lan tại Hội An và công khai xét xử, chém đầu bảy thương nhân, là những người Hà Lan dám tra khảo một lao công người Việt đến chết vì bị nghi lấy trộm hàng hóa.

Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn và sử phương Tây, Hà Lan tiến hành chiến tranh trừng phạt xứ Đàng Trong vào tháng 7 năm 1643. Còn theo Đại Nam thực lục tiền biên là năm 1644.

Diễn giả cho biết phải nhờ đến các nhân chứng đương thời là giáo sĩ, thương nhân, và các học giả phương Tây như linh mục Alexandre de Rhodes, Charles B. Maybon, Wilhelm Jozef Maria Buch… ông mới có thể tin một sự thật khó tin: Rằng dưới ngọn lệnh kỳ của thế tử Nguyễn Phước Tần, thủy binh Đàng Trong đã đánh tan hải quân Hà Lan trong trận hải chiến đầu tiên giữa châu Á và châu Âu.

Nhân vật góp công lớn xây dựng hệ thống chữ Việt-Latinh, linh mục Alexandre de Rhodes, thời điểm này đang có mặt tại Hội An, đã viết trong tập ký sự Divers Voyages: “Người Hà Lan phải chịu thất bại để nhận được kinh nghiệm rằng: Những chiến thuyền bé nhỏ của Đại Việt có thể tấn công và đánh chìm những con tàu khổng lồ của họ; mà bấy lâu nhờ có tàu ấy họ vẫn tự phụ là chúa tể trên đại dương”.

Cũng theo diễn giả, với tinh thần chép sử thời phong kiến, bộ Đại Nam thực lục tiền biên của nhà Nguyễn chỉ dành hơn một trang cho một sự kiện rúng động thế giới như thế. Do đó, căn cứ vào Thực lục, cộng với tham khảo sử liệu phương Tây khả tín, giàu tình tiết sinh động, diễn giả đã viết mới một truyện sử về trận hải chiến này, như món quà dành cho hậu thế của Dũng Lễ hầu, đang quây quần tại đây tổ chức lễ húy kỵ tưởng nhớ đến Người.

Chờ tràng pháo tay trôi qua, diễn giả nhìn vào tôi.

Hiếu Liêm, cháu lên đây.

Ánh mắt trong phòng thư viện hướng cả về tôi. Thật mâu thuẫn, sung sướng được cụ cố biệt đãi nhưng tôi lại ngồi lì tại chỗ, vẻ khổ sở. Mẹ tôi bèn khẽ nắm tay tôi, dịu dàng nói: Theo mẹ.

Tôi vừa đi vừa ngước nhìn mẹ, ước chi quãng đường ấy dài ra mãi.

Bác cả nhường cho tôi chiếc ghế cạnh cụ cố. Từ góc nhìn mới này tôi thấy mẹ đơn độc, toan quay xuống. Nhưng bàn tay cụ cố đã đặt lên vai tôi, và nêu yêu cầu:

Giờ Hiếu Liêm sẽ đọc thiên truyện Đỉnh sóng cho cả nhà cùng nghe.

Nói xong, cụ cố đặt xấp bản thảo trước mặt tôi. Bìa là bức tranh bút sắt, vẽ những con sóng cuồn cuộn chồm cao, trông như bầy ngựa chiến tung bờm. Tôi rụt rè mở nhẹ vào trang trong, mắt chạm những dòng chữ đánh máy đều đặn. Cuối cùng, tôi cũng cất được tiếng đọc. Mỗi lần ngắt nhịp câu để lấy hơi, tôi chỉ dám ngước lên nhìn vào một điểm: khuôn mặt của mẹ.

*

“Một bình minh đầu tháng 7 năm 1643, tàu chiến Ô Lan hiện ra giữa mù sương dày đặc, trông xa như ba ngọn núi đen ngòm trên biển Cù Lao Chàm xứ Đàng Trong. Điều này không làm giật mình một thám báo như Đoàn Khắc Nhã, đội trưởng đội Ó Biển, gồm những thanh niên được tuyển mộ từ các vạn chài, tập trung huấn luyện, rồi lại cải trang dân chài, gác biển quê nhà. Có tin khẩn, Khắc Nhã sẽ bẩm báo lên quan trấn thủ Quảng Nam, thế tử Nguyễn Phước Tần, bất kể thời khắc, ngày hay đêm. Gần đây, Khắc Nhã được nhắc nhở ngoài đối thủ Đàng Ngoài thường xuyên tìm cách xâm nhập, thì người Ô Lan cũng sẽ quay lại Đàng Trong rửa món nợ máu từ vài năm trước. Nhưng Khắc Nhã thật sự giật mình khi cho thuyền câu mực đến gần mục tiêu. Không phải loại tàu buôn Ô Lan có vũ trang đã gặp trước đây, chúng là ba tàu chiến chính quy, chiều dài ước tám đến chín trượng, mỗi tàu trang bị 30 đến 40 đại pháo. Khắc Nhã vội vẽ sơ đồ thiết kế tàu, cách bố trí súng, hướng đi, tốc độ, cũng như tên hiệu của chúng: Wijdenes, Waterhond và Vos. Xong, anh cùng bạn đồng hành ra sức chèo thuyền về dinh Thanh Chiêm. Đến nơi, mới hay một canh giờ trước, quan trấn thủ đã đưa bản bộ thủy binh ra Cửa Eo hội sư theo lệnh chúa Thượng. Thay vội đồng phục bản doanh, Khắc Nhã xuống thuyền nhẹ chờ sẵn. Bốn tay chèo Ó Biển lập tức lướt sóng đuổi theo đại quân.

Được tin tàu chiến Ô Lan xuất hiện trên biển Quảng Nam, chúa Thượng muốn gặp trực tiếp quân báo để tiện hỏi thêm. Trên đường đến soái hạm, Khắc Nhã choáng ngợp cảnh tượng cờ xí rợp trời với trên dưới 300 thuyền lớn nhỏ sơn bóng hai màu đỏ và đen truyền thống của thủy binh Đàng Trong.

Khắc Nhã vỡ lẽ. Lệnh hội sư thao diễn chỉ để đánh lừa gián điệp Đàng Ngoài, mục đích thực sự là đối phó diễn biến động binh của liên minh chúa Trịnh và Công ty Đông Ấn Ô Lan. Gián điệp của chúa Thượng từ Thăng Long đã chuyển tin mật: Theo thư khẩn cầu của chúa Trịnh trước đó và theo gió nồm tháng 6 vừa qua, từ căn cứ hải quân Jambee-Indonesia, Ô Lan đã điều một hạm đội năm tàu, 290 quan binh, do đề đốc Johannes Lamotius chỉ huy đến Đàng Ngoài, phối hợp quân Trịnh kéo vào Đàng Trong “vấn tội”. Đồng thời, cũng cử đô đốc Pieter Baeck chỉ huy hạm đội thứ hai, mà Khắc Nhã đã phát hiện, xâm nhập vùng biển Quy Nhơn, rồi theo hướng Nam Bắc tiến ra Cửa Eo, là điểm hẹn hội quân với cánh liên minh phía Bắc, tạo thế gọng kìm bao vây chúa Nguyễn.

Bẩm báo của Khắc Nhã có tính phát hiện sớm, ngoài bản vẽ nhận diện tàu địch kèm số liệu hỏa lực, còn xác thực thời điểm, vị trí và hướng di chuyển, là những yếu tố hữu ích cho ban tham mưu bàn kế sách ứng phó. Đó cũng là lý do chúa Thượng đích thân ban thưởng cho anh tại chỗ. Rời tầng chỉ huy soái hạm, Khắc Nhã đi những bước chân phiêu trên boong. Tất nhiên có niềm vui sướng với hộp gấm thêu chim phượng hoàng đựng mười lạng bạc ròng vừa nhận được từ tay chúa Thượng, nhưng cái cảm giác mất trọng lực đến từ câu tự vấn: Có thực là mình vừa góp công đầu vào trận hải chiến sắp xảy ra?

Này, mọi biển!

Khắc Nhã sững lại, quay sang hướng vừa phát ra lời thô lỗ. Cai đội Lê Thăng trong quân phục đỏ bước đến trước mặt anh, hỏi xẵng kèm cái nhướng mắt ra dấu.

Mi biết ai đó không?

Cách chừng 30 bước chân, đàng mũi soái hạm, dưới tán đỏ diềm vàng, một vị võ quan trung niên, khôi giáp chỉnh tề, lưng đeo bảo kiếm, hai tay chắp sau lưng, trông nghiêng ra mặt biển vời vợi. Khắc Nhã thành thật lắc đầu.

Thất vọng, Lê Thăng kìm giọng đủ một mình “mọi biển” nghe: Muốn giữ lấy mạng, mau biến khỏi mắt chưởng cơ Nguyễn Phước Trung, bào đệ chúa Thượng.

Nói rồi đẩy vào ngực Khắc Nhã. Chưa kịp chạm, bàn tay anh ta đã bị Khắc Nhã bắt gọn theo phản xạ. Tiếng kêu oái khiến quan chưởng quay lại. Khắc Nhã đã kịp buông viên đội trước đó, và nghiêm cẩn ra mắt thượng quan.

Thám báo Ó Biển? Chưởng cơ lên tiếng.

Bẩm phải. Tiểu nhân đang chờ quan trấn thủ.

Hẳn còn lâu… Chưởng cơ nói khi nhìn lên tầng chỉ huy.

Lê Khắc nghe đến đây, khẽ lùi ra. Vừa lúc thế tử Nguyễn Phước Tần, trẻ nhất tại hội nghị tham mưu, bất chợt một mình xuất hiện trên boong, vừa đi vừa nai nịt áo giáp. Mừng thấy chưởng cơ Nguyễn Phước Trung ở đó, thế tử kêu lên:

May quá, cháu đang tìm chú!

Quyết rồi hả?

Chưởng cơ muốn biết cụ thể, nhưng thế tử đã bước nhanh về phía cầu thang dẫn xuống thuyền nhỏ:

Chúng ta vừa đi vừa nói chuyện.

Khắc Nhã và Lê Thăng vội theo chủ tướng của mình. Đôi thuyền lướt song song. Trong tiếng gió ù ù, thế tử nói lớn với chưởng cơ, rằng hai chú cháu phải xuất quân bản doanh ngay, xông thẳng vào hạm đội Ô Lan đang từ Quảng Nam ra, các doanh còn lại sẽ theo chúa đánh chặn liên quân từ phía Bắc vào, trước khi rơi vào thế lưỡng đầu thọ địch!

Cao kiến! Chưởng cơ gật đầu.

Đến vị trí đóng quân của hai doanh, chưởng cơ sực nhớ điều hệ trọng, hỏi chúa dặn dò gì không. Thế tử lắc đầu bảo cháu đã trình bày suy nghĩ, được tán thưởng, nhưng vẫn có người bàn khác, khiến chúa chưa quyết.

Trời đất, vậy là chưa có lệnh của chúa? Chưởng cơ kêu lên.

Chờ các vị ấy bàn xong, tàu Ô Lan đã nã pháo vào quân ta.

Nhưng quân lệnh như sơn cháu ơi.

Giặc đến trước cổng thành, là tướng trận tiền phải đánh phủ đầu, đó chính là quân lệnh!

Chẳng thể nghĩ khác, làm khác với kỷ cương quân thứ đã ăn sâu não trạng, cũng không đủ lời lẽ đấu khẩu với đứa cháu ngang bướng, chưởng cơ chỉ lắc đầu.

Vậy cháu đành một mình! Thế tử nói với chưởng cơ và nhảy lên soái thuyền Thanh Chiêm.

Trước khi theo chân chủ tướng, Khắc Nhã nhờ một đồng đội, người đang quay lại Cù Lao Chàm tiếp tục canh biển, chuyển giúp món tiền thưởng cho mẹ anh.

Thế tử thẳng lên tháp chỉ huy, khai ba hồi trống xuất phát. Nhịp trống hùng dũng, rền vang đánh thức bầu trời mặt bể đêm về sáng, truyền điện vào tim óc mỗi thủy binh, mỗi thanh gươm, khẩu súng, làm lay động hiệu kỳ đỏ thắm, lập tức đoàn thuyền chiến đen bóng loang loáng lướt bay trên sóng.

Tiếng trống trận vẳng tới soái hạm. Chúa Thượng bật dậy, trừng mắt dõi theo cuộc dấn thân không hối tiếc của con trai. Các tướng quân ngừng bặt nhìn nhau, kẻ lắc đầu người kín đáo cười mỉm.

Dũng Lễ hầu, xin dừng lại!

Chưởng cơ gọi theo thế tử. Nhưng tiếng loa sắt của ông lẫn vào tiếng trăm mái chèo thi nhau chém sóng. Nhìn doanh Thanh Chiêm dần ra khỏi tầm mắt, chưởng cơ bỗng đấm ngực gầm một tiếng, nhảy lên tháp chỉ huy, vung tay gióng trống xua quân lao theo. Những lồng ngực bức nén của thủy binh dưới quyền chưởng cơ bừng vỡ tiếng reo. Quyết không kém cạnh đồng đội Quảng Nam, chiến thuyền doanh Kim Long như những mũi tên sơn đỏ bật dây cung.

Khắc Nhã vẫn thấy bất ngờ khi được ở cạnh thế tử trên soái thuyền như một hộ vệ quân với gươm tuốt trần, và tấm khiên đồng hai lớp chống được đạn súng hỏa mai Tây dương. Không ai trong đại quân này có thể hình dung chuẩn xác bằng anh rằng mình sắp lao vào thứ gì trên biển, thân xác sẽ như thế nào khi trăm khẩu đại pháo miệng ngoác to như miệng cá ông cùng khạc lửa. Trong ánh bình minh hôm qua anh đã tận mắt quan sát, đếm và vẽ chúng ra giấy. 22 tuổi đời, bốn tuổi quân thám báo, chưa một lần thực chiến, nhưng Khắc Nhã chẳng ngạc nhiên thấy mình không sợ cái chết, lúc này. Nhìn quanh cũng không bắt gặp ánh mắt bạc nhược. Rồi anh hiểu. Một khi nhìn lên tháp chỉ huy, nơi chàng trai Nguyễn Phước Tần, người sẽ kế nghiệp chúa dưới trời Nam, tay nện trống chiến, tay phất lệnh kỳ, mắt long lanh sắc lạnh, cùng ba quân lướt tới, thì tự dưng chẳng còn chỗ cho nỗi lo nghĩ về cái chết bản thân. Nhưng Khắc Nhã cũng không ngạc nhiên thấy mình đang hình dung bóng gầy đơn độc của cha già trên chiếc thuyền nan trét dầu rái, cũng tầm này, đang trên đường về bến thôn với giỏ mực tươi câu được từ vùng biển Cù Lao Chàm, cho kịp buổi chợ mai của mẹ.

Rồi Khắc Nhã tự hỏi đây có phải là lúc bộc bạch mối quan hệ họ hàng giữa hai người, anh và thế tử? Hẳn là không thích hợp trong thời khắc sinh tử này rồi. Nhưng nếu không, có thể quá muộn, chẳng bao giờ nữa... Từ ngày tình cờ trở thành thuộc hạ dưới quyền thế tử, đã mấy lần anh có ý định bày tỏ thân thế, nhưng lại thôi, tự nhủ không khéo bị hiểu nhầm thấy sang bắt quàng làm họ. Người Quảng Nam vẫn thích kể chuyện công tử Nguyễn Phước Lan một lần tuần thú dọc sông Thu Bồn, đêm trăng neo thuyền câu cá, nghe vọng một giọng nữ cất tiếng hát từ biền dâu làng Đông Yên, liền lên bờ tìm người dám hát lời ngụ tình với nhà chúa: Tai nghe chúa ngự thuyền rồng/ Cảm thương phận thiếp má hồng nắng mưa.../ Thuyền rồng chúa ngự nơi đâu/ Thiếp thương phận thiếp hái dâu một mình... Để rồi cô gái hái dâu 16 tuổi đó, Đoàn Thị Ngọc, người cô họ của Đoàn Khắc Nhã, đã trở thành Đoàn Quý Phi, và là mẹ hổ tướng Nguyễn Phước Tần lúc này.

Phương Đông ửng ánh hồng, mặt biển sáng dần. Từ mũi soái thuyền, qua ống nhòm, cai cơ doanh Thanh Chiêm đã thấy bóng tàu địch. Tin được loan báo qua loa sắt. Toàn quân lỗi một nhịp chèo, như thuyền vừa xô phải đỉnh sóng. Theo lệnh kỳ chủ tướng, trăm con mắt cùng nhìn một hướng, Đông Nam.

Hạm đội Ô Lan hiện dần trên đường chân trời.

Khắc Nhã trở bộ, giãn gân cốt, và nén tiếng thở phào. Anh không phải quyết một chuyện riêng tư nữa. Chết như một Ó Biển hay chết như một người em họ thế tử thì khác gì nhau trong trận hải chiến Đại Việt và Ô Lan? Giờ chỉ mỗi việc: chết sao cho đáng. Khắc Nhã xin thế tử được sung vào đội thuyền xung kích.

Đô đốc Pieter Baeck có phần bất ngờ khi gặp thủy binh Đàng Trong ở vị trí không tiên liệu. Đã đôi lần ông trông thấy chiến thuyền Đại Việt trên biển nhưng không ấn tượng. Hẳn do chúng nhỏ mảnh, trang bị hỏa lực quá khiêm tốn so với tàu Ô Lan đương kim bá chủ đại dương. Lên đường thực thi lệnh trừng phạt xứ Đàng Trong, Pieter thậm chí đã cho lắp số đại pháo ít hơn số quy chuẩn để cắt giảm trọng tải. Vậy mà giờ đây, đô đốc không khỏi căng thẳng chứng kiến cảnh “bầy hắc long” với mui thuyền chạm nổi đầu rồng nghếch mũi, trợn mắt, há miệng, nhe nanh, nửa đe dọa nửa trêu cợt, đang xốc tới theo nhịp trống điên cuồng. Tuy nhiên, lịch sử hàng hải thế giới có câu tán thán nổi tiếng, và đã được chứng nghiệm trong thế kỷ 17: “Hải quân Ô Lan chỉ biết sợ quân của nhà Trời”. Pieter Baeck tin rằng cái tinh thần chiến đấu thăng hoa ấy của thủy binh chúa Nguyễn sẽ lập tức bị dập tắt ngay sau loạt bắn đầu tiên của dàn đại pháo Ô Lan.

Trong khi đó, thế tử bắt đầu dàn trận, chia làm ba cánh. Cánh thứ nhất, tấn công trực diện, hai cánh còn lại đánh bọc sườn. Đại quân đang tiến lên, bỗng dừng lại theo nhịp gõ tang trống. Chỉ còn sáu thuyền mẫu-tử tăng tốc, tiếp tục xông vào tầm đại pháo Ô Lan. Loại thuyền đặc chế này gồm hai thân lồng nhau, có mái che bằng đồng. Thân mẹ (mẫu) phía trước là một khoang chứa đầy chất dẫn hỏa, mũi bằng nhưng cắm tua tủa những thanh sắt lớn, dài hơn một thước ta và đầu nhọn. Thân con (tử) đàng sau là thuyền thật, lồng một phần vào thân mẹ, điều khiển bởi bốn thủy binh có tinh thần thép. Cứ hai thuyền mẫu-tử nhắm vào một tàu địch, với tốc độ nhanh nhất có thể.

Quân Ô Lan cảnh giác trước miếng đánh cảm tử. Đô đốc Pieter Baeck đã nhận ra mưu lược của thủy binh Đại Việt, ra lệnh khai hỏa sớm, phải tiêu diệt các thuyền chiến thuật kia trước khi xảy ra va chạm. Đạn trút như mưa. Bốn thuyền mẫu-tử lần lượt hy sinh. Hai chiếc còn lại đã ngoạn mục lao tới đích. Ngay trước khoảnh khắc cắm chặt vào tàu địch, thân mẹ đã được kích hỏa và tách rời thân con. Thuốc súng trộn dầu rái bùng cháy dữ dội, bắt dính mạn tàu đô đốc Wijdenes và tàu Waterhond.

Nhân lúc quân Ô Lan hoảng loạn bởi đòn hỏa công, thế tử ra lệnh xung phong. 60 thuyền, gồm 20 thuyền trí đại pháo, còn lại là thuyền chở pháo thủ hỏa mai, cung thủ và dụng cụ đổ bộ… tất cả lập tức rẽ sóng, rẽ gió, tay chèo, miệng thét, lao về phía đội tàu Tây dương giờ trông nửa thật nửa hư trong màn khói dày đặc. Đạn pháo Ô Lan tạo nên hàng trăm cột nước tung tóe. Mặt biển sôi lên. Đã xuất hiện những xác thuyền sơn đen vỡ nát, xác những chiến binh áo đen ngã gục còn ôm cứng mái chèo, và bao nhiêu nữa vĩnh viễn nằm lại lòng biển sâu Tổ quốc.

Vẫn chưa có lệnh khai hỏa. Thế tử vẫn mím chặt môi lạnh lùng chờ đạt cự ly lý tưởng cho tầm bắn của đại pháo Đại Việt. Thời khắc căng dài như một kiếp người ấy rồi cũng đến. Loạt pháo đầu tiên, không biết gây thiệt hại bao nhiêu cho quân Ô Lan, nhưng rõ là gây hưng phấn tột đỉnh cho quân Nam. Và cũng đến kịp thời như vậy, “bầy rồng đỏ” doanh Kim Long xuất hiện, điền ngay vào những khoảng trống mất mát vừa để lại, giữ vững thế trận. Tiếng reo hò tở mở khi hai sắc phục thủy binh đỏ và đen giao hội khiến người Ô Lan ngơ ngác giây lát.

Đại pháo, hỏa mai và cả cung tên cấp tập yểm trợ cuộc đổ bộ. Thuyền Khắc Nhã áp sát mạn tàu đô đốc. Thủy binh Ô Lan gan dạ phơi mình trước bão đạn, gỡ móc câu, chặt thang dây. Khắc Nhã đã phải chứng kiến cảnh đồng đội nửa đường rơi xuống biển, và chính anh suýt bị giết vào thời điểm nguy hiểm nhất - từ thang dây nhảy bổ vào bên trong tàu địch - nếu cai đội Lê Thăng doanh Kim Long không kịp kết liễu tên Ô Lan trước khi hắn xuyên mũi kiếm vào ngực anh. Lớp trước ngã, lớp sau thay thế, càng lúc càng điên cuồng. Cuối cùng, thủy binh Việt tràn lên tàu Ô Lan. Trận cận chiến diễn ra không cân sức, bất chấp quân Ô Lan đã chiến đấu dũng cảm. Khi hỏa lực hàng đầu thế giới không còn đất dụng võ, Đại Việt chiếm thượng phong trước 200 quân Ô Lan, với quân số gấp ba lần. Kiếm thuật tinh nhuệ càng khiến thủy binh dưới quyền thế tử Dũng Lễ hầu trở nên nguy hiểm bội phần. Trong tình cảnh đó, hai tàu Waterhond và Vos tìm đường thoát, bỏ lại tàu đô đốc đã bị chặt gãy bánh lái và cột buồm chính.

Lê Thăng ra hiệu Khắc Nhã yểm trợ, từng bước thận trọng xuống tầng ngầm, tìm bắt sống Pieter Baeck. Không gặp kháng cự trên lối đi, nhưng cả hai khựng lại khi bất chợt bắt gặp viên đề đốc Ô Lan trong trang phục nghi lễ chỉnh tề, đứng lặng trước tấm bản đồ Thái Bình Dương. Sự xuất hiện của quân Việt không làm ông bối rối, thản nhiên búng điếu xì-gà hút dở xuống miệng một cửa hầm cạnh đấy. Nhác thấy biển báo cấm lửa bằng đồng gắn trên tường, Khắc Nhã chợt hiểu: Pieter Baeck đã chọn cái chết trong danh dự. Anh hốt hoảng túm thắt lưng Lê Thăng ném lên boong, rồi tiếp tục kéo chạy đến đàng mũi.

Mọi biển, chi rứa mi?

Lê Thăng quát ầm. Nhưng Khắc Nhã không có thời gian giải thích, đẩy anh ta xuống biển, rồi nhảy theo.

Hai người còn chới với trong không thì kho đạn pháo nổ bùng, ù điếc.

Mặt biển tung sóng thần, tàu đô đốc Wijdenes gãy đôi, chìm.

Cách đó mươi dặm biển, ngọn lửa trận hỏa công lan tới buồng lái, tàu Waterhond mất điều khiển, đâm vào đá ngầm, vỡ.

Tàu Vos thoát ra Đàng Ngoài, mang tin dữ cho liên quân chúa Trịnh và Ô Lan. Mưu kế siết gọng kìm Đàng Trong phá sản.

Đại quân tiếp ứng do chúa Thượng chỉ huy chuẩn bị xuất phát thì hai doanh Thanh Chiêm và Kim Long đã trở về trong khúc khải hoàn.

Dũng Lễ hầu bái yết, chúa Thượng mắng yêu con, rằng thân là thế tử mà dám coi thường tính mạng. Rồi tươi cười chia sẻ với tướng sĩ:

Chúa Sãi, phụ thân ta khi còn thế tử, mới 22 tuổi đánh năm tàu giặc biển Nhật Bản của Bạch Tần Hiển Quý (Shirahama Kenki) tại Cửa Việt. Chúa Tiên, nội tổ phụ của ta, đã vui mừng khen: Con ta thực là anh kiệt. Nay, đại thắng hạm đội Ô Lan, ta xin mượn lời ấy, dành cho con ta, Dũng Lễ hầu!

Đám rước lớn chưa từng có và nức lòng người diễn ra trên thao trường Cửa Eo. Thế tử đi quanh tìm thăm các thương binh, gặp cai đội Lê Thăng băng bó cả hai tay, bèn hỏi có thấy Đoàn Khắc Nhã đâu không.

Bẩm thế tử, “mọi biển”… Viên đội lỡ lời, vội sửa: Chàng Ó Biển ấy vừa ở đây đút cháo cho hạ quan. Giờ thì ngoài khơi rồi, trên đường về nhà…”.

V.Q
(TCSH434/04-2025)

 

Các bài đã đăng
Suối Không Tên (19/05/2023)