Tiểu thuyết
Thập giá giữa rừng sâu
17:21 | 12/08/2008
NGUYỄN KHẮC PHÊL.T.S: Tiểu thuyết “Thập giá giữa rừng sâu” viết về cuộc chiến đấu bảo vệ rừng - cũng là cuộc chiến đấu chống lại sự tha hoá “vô đạo” của con người trước mọi th cám dỗ. TCSH trích giới thiệu 2 chương miêu tả chân dung một chiến sĩ kiểm lâm - một cựu chiến binh, một người cộng sản - trong cuộc chiến đấu quyết liệt và phức tạp này.
Thập giá giữa rừng sâu

Chương 3
Nghe nói ngày xưa khu rừng Yên Ngựa còn phủ kín vùng đồi mà nay là nghĩa trang làng Sim. Nhưng dần dà, khi con người còn phải tranh giành nhau miếng ăn thì oái oăm thay, sự sinh sôi nẩy nở con cháu càng nhanh. Gia đình nào, họ tộc nào cũng muốn đông vây cánh mà! Người ta giả vờ như không biết lệ làng từ xưa đã đề ra nghiêm ngặt: “hễ ai chặt một cành cây phải phạt 8 quan!” Như tằm ăn lá dâu, thoạt đầu thì cũng chỉ vài người bẻ dăm ba cành khô về làm củi; khi cành khô hết thì bẻ cành tươi về phơi, hết cành nhỏ bằng ngón chân ngón tay thì chặt cây bằng bắp vế; những tốp người vào rừng cũng đông vui hơn! Thế là từng khoảnh rừng bị cạo trọc. Như mái nhà tranh lâu ngày không tu bổ bị trống từng mảng. Cái nhà nhìn qua còn nguyên, nhưng nền móng bị xói lở thì sớm muộn cũng sụp đổ.
Khi con người tỉnh ngộ, biết lập ra những đội quân ươm giống, trồng cây thì thật không may, chiến tranh xảy ra ngày một ác liệt. Hôm qua, nhìn một mầm cây mảnh nhỏ như cái tăm khô héo vì nắng gió, lòng còn xót xa tiếc nuối; thì hôm nay làng trên xóm dưới và cả đội quân ươm giống trồng cây đua nhau đi chặt gỗ làm hầm, cây càng to, càng chắc càng có nhiều thành tích; nhựa cây - nước mắt rừng, tứa ra thấm đẫm các sườn núi mà người chặt cây cười nói râm ran vui vẻ như đi hội! Rồi con đường ra trận đi xuyên qua, bom đạn khoét những cái giếng đỏ sậm loang lổ suốt cả triền núi xanh, cây cối gãy đổ ngổn ngang như giữa cơn bão dữ. Một điều an ủi là giặc cướp không mang đất theo được; mặt đất chỉ biến dạng, đào nơi này đắp nơi kia, nên khi bầu trời bặt tiếng những đàn quạ sắt, từ những hạt giống và cội rễ bám chắc bên sườn núi, mầm lại nẩy, chồi lại mọc.
Khốn thay, con người lòng tham vô đáy, ước muốn chiếm hữu không cùng. Nhà một tầng không ở hết vẫn muốn xây lầu; xa-lông vừa mua đã muốn đổi hàng tiện trắc, cẩm lai; lâu đài giữa thành phố phải thuê người quét bụi các phòng để trống, vẫn muốn xây thêm biệt thự ngoại ô; đã có vợ, còn muốn bao “bồ nhí”; thậm chí đến cỗ “hậu sự” đưa con người trở về với cát bụi cũng thi nhau đóng thật dày, gỗ thật tốt!
Vậy nên cũng như ở nhiều nơi, khu rừng Yên Ngựa đầy những “vết thương” ngang dọc - những lối mòn, những đường trượt gỗ khứa sườn dốc thành mương, thành máng trơn láng, đỏ quạch. Men bên lề những mạch rừng đó, một thân hình mảnh nhỏ trong bộ quần áo màu cỏ úa, đầu đội mũ lưỡi trai cứng, nhẹ tay vạch cây la, bước đi thận trọng như người săn thú. Đức, người mà cô giáo Hòa đang mỏi mắt trông chờ đó! Ở giữa rừng sâu, anh càng biết chiều đã muộn, nhưng có người thợ săn nào “đánh hơi” được con thú lớn mà chịu nửa đường quay lui. Nếu đi theo những “vết thương” của rừng thì nhanh hơn, nhưng để tránh bọn lâm tặc phát hiện, anh không phơi mình trên các lối mòn, cứ kiên nhẫn rẽ cây lá lần đi, cho dù đôi tay và mặt mũi bị gai cào rách tướp máu.
Đức đã mấy lần vồ hụt. Như là có nội ứng mật báo, hễ anh kéo quân đến nơi là hiện trường trống trơn! Lần này, anh lặng lẽ đi một mình, tin chắc sẽ chộp được bọn chúng. Sức vóc mình anh thì dễ gì còng được tay bọn lâm tặc; nhưng với chiếc máy ảnh có đèn chiếu sáng mạnh, chỉ cần anh ghi được một vài khuôn mặt trong bọn chúng là công an sẽ lôi ra cả đường dây. Chiếc máy ảnh nhỏ mượn của nhà báo Hùng Sơn - một bạn học thời phổ thông, anh giấu kín trong túi áo, đinh ninh sẽ chỉ lấy ra khi bọn lâm tặc hiện hình; không ngờ, khi vươn tay níu cành cây để vượt qua một dòng khe nhỏ, Đức chợt thấy bên chùm hoa phong lan tím buông dài dễ đến hai gang tay có một đôi sóc đang tình tự, hai chiếc đuôi dài vàng sẫm ve vẩy như muốn thi với chùm phong lan. “Đẹp quá!” Không nén được, Đức thầm thốt kêu lên và rút chiếc maý ảnh bấm một “pô”. Quả là anh khó cưỡng lại trước cái đẹp của thiên nhiên. Nhưng không chỉ vì cái đẹp. Cảnh đôi sóc tình tứ bên nhau, chuyện đực-cái giao hoan và nhân giống tạo hóa đã sắp đặt cho muôn loài và muôn đời vẫn thế, nhưng đó vẫn là lĩnh vực hàm chứa nhiều bí ẩn và gợi trí tưởng tượng đầy sức hấp dẫn. Vào lúc đôi sóc in hình trên tấm phim thì Đức lại nhớ đến Hòa...
Nhưng anh không có thì giờ để mơ mộng. Liền với tiếng bấm máy ảnh “tách” nhẹ như một cành khô gãy, Đức thoảng nghe tiếng cưa máy xè xè vọng tới. “Trúng rồi!” Đức lại thầm kêu lên vui mừng. Anh vừa đi được vài bước thì một sợi dây rừng đâu đó dưới chân bỗng như bị ai giật đứt và lập tức, anh bổ sấp về trước. Đức chưa kịp đứng dậy thì một chiếc bao tải đã trùm kín đầu.
- Đù mẹ! Đừng có tưởng bở! Muốn bám rừng thì chuyến này cho mục xương trong rừng!
Tiếng nói xì qua hai hàm răng nghiến chặt, nghe sắc lạnh đến rợn người. Cùng lúc, những cú đấm “phình phịch” từ đôi bàn tay rắn như thép nện không tiếc sức xuống người Đức. Anh không kêu được thành tiếng, cứ “ự ự...uậy”, mỗi lúc thân mình quằn lên vì đau đớn. Bỗng có tiếng ai đó, hình như từ trên dốc cao, giọng nghe như ngạt mũi nhưng đầy vẻ quyền uy:
- Dừng tay! Đã bảo chỉ cảnh cáo thôi! Đánh chết là rách việc đấy! Thực hiện kế hoạch đi!
Lúc này Đức mới để ý cánh tay mình ngay sát cạnh lưỡi thép sắc lạnh mà bọn lâm tặc buông rơi khi vồ chụp anh. Đức vừa trở bàn tay, trù tính nắm con dao tấn công lại bọn chúng thì đã bị chúng lôi xềnh xệch đến một khoảnh rừng rậm rạp hơn. Anh đoán chừng vậy vì cây lá bên lối đi cứ va quệt khắp thân mình. “Chúng định làm thịt mình chắc? Hay chôn sống?...Ờ, đứa nào ra lệnh không được đánh chết mình? Nó thương mình hay có duyên nợ gì?...” Những ý nghĩ loáng thoáng khiến Đức hồi hộp hơn là run sợ. “Kế hoạch” của bọn chúng quả là ngoài mọi dự đoán của anh. Lôi anh đến nơi đã định, chúng vật ngửa anh, hai cánh tay bị kéo giang ra tựa như động tác tập “chim bay, cò bay” của các em mẫu giáo.
- Cây gỗ đâu? Dây đâu? Mau lên! Tối mẹ nó rồi!
Giọng nói sắc lạnh lại cất lên, cùng lúc một cặp mông bự thịt ngồi chặn trên bụng anh, rồi “xoẹt” một cái, vạt áo của anh đã bị xẻo gọn. Mũi dao nhọn xiết qua trước ngực, khiến Đức giật thót tim. “Mình mà vùng vẫy lắm, ngứa tay nó chọc một phát là đi đời!” Lần đầu, anh nghĩ đến cái chết và cảm thấy sợ. Anh cố nằm yên, tập trung theo dõi đoán định mọi hành vi của bọn lâm tặc. Thật khó biết chúng dùng cây gỗ và dây làm gì. Trời tối rồi thì Đức biết rõ, dù chiếc bao tải vẫn trùm kín đầu. Anh đã biết trời sắp tối khi ở dưới chân dốc kia. Bóng rừng âm u, khí rừng lành lạnh có lúc đã khiến anh dừng bước chốc lát. Nhưng anh đã công phu giấu kín hướng tấn công, đã sắp đến tận hang ổ, nếu quay lui thì ngày mai có khi chẳng còn dấu vết gì nữa. Nào ngờ, chính anh lại bị sập bẫy. Để xem chúng sẽ làm gì? Chúng định làm thịt mình thật sao? Tên chỉ huy đã bảo không được “đánh chết” kia mà! Ờ, sao không nghe giọng tên ngạt mũi nữa?...
- Chúng mày...muốn gì...nói đi!
Đức vừa gắng gượng nói được mấy tiếng thì bọn chúng đã vén chiếc bao tải chận ngang mắt, hẳn là để phòng anh nhận mặt thủ phạm và nhận biết đường đi lối lại xung quanh, dù trời đã tối thẫm; liền đó, một tên bóp má, bịt mũi buộc anh phải há miệng thở và lập tức nắm dẻ - vạt áo anh vừa được vo tròn, đầy ứ tận họng.
- Muốn gì à? Muốn mày đừng cản đường bọn choa!... Đặt cây gỗ lên!...Thế! Nhẹ không ưa, ưa nặng...Thít chặt vào!...Chặt nữa vào!...Có tóe vài giọt máu, mày mới nhớ đời...
Cứ mỗi vòng dây mà bọn đàn em cột cây gỗ với hai cánh tay Đức siết lại, tên có đôi mông như mông trâu ngồi trên bụng anh lại “hô” một câu, kiểu như người ta hò giã gạo vậy!
-... Người thì toàn xương với xẩu... Con vợ thì trơn trắng ngon lành như thế...Dại ơi là dại... Mày không thấy mấy sếp của mày à?... Nhà hai, ba tầng không mất một đồng tiền gỗ... Khung ngoại thì toàn lim, cửa toàn ... Nếu biết điều thì mày cũng được thế... Sẽ cho thêm vài lạng hổ cốt tẩm bổ... May chi kiếm được mụn con lành lặn... Đã bảo thít chặt vào!... Đáng lẽ xin tí tiết, nhưng nể lời...
Thằng “mông trâu” như bị ai bỗng dưng bịt miệng. Múi dây mây nó vừa túm thếch ngược lên, thít chặt cánh tay Đức đau nhói.
- Liệu cái mõm. Vừa vừa thôi. Chạy đi đâu được. Coi chừng tắc động mạch là toi.
Lúc này, mới lại nghe giọng ngạt mũi của tên cầm đầu. Không, hình như nó bưng miệng nói. Nó sợ Đức nhận ra giọng người quen chăng? Hắn là ai? Sao lại không nỡ giết mình?...
Đức đang lặng dò tìm, phỏng đoán đối thủ thì một “bàn tay lạ” chạm vào cánh tay anh. Không phải những đôi tay hận thù cứng như gọng kìm từ nãy đã hành hạ thân thể anh. Hình như bàn tay của tên “ngạt mũi” đang kiểm tra lại các vòng dây. Sự nhẹ nhàng của y đã lạ, mà hình như còn điều gì đó lạ hơn nữa. Không! Không phải lạ, mà một vết tích gợi nhắc một kỷ niệm đã xa...
Bọn chúng đang vội và hình như không muốn cho Đức có thì giờ ngẫm nghĩ, dò xét. Sau khi bịt chặt mắt anh bằng một mảnh vải đã chuẩn bị trước, chúng dựng anh dậy và tên “mông trâu” tuyên án theo luật rừng:
- Rồi! Thế là mày được tự do sống với rừng ít nhất cũng đêm nay. Chúng mày đối với bọn choa còn độc ác hơn nhiều. Mày nhớ lần bè gỗ xuôi qua gần cầu Suối Đá chứ? Cầu xin mấy, mày cũng không tha. Còn mày, may ra thì gặp được người tới cứu; chứ cây rừng dày khít, xoay trở đường nào cũng vướng và càng chóng kiệt sức. Chỉ có chặt bớt cây, mày mới có đường sống; cũng như bọn choa vậy! Hiểu không? Còn nếu hổ báo tới hỏi thăm thì số mày hết, chứ không phải vì bọn choa. Thôi, cuốn! Đồ nhậu nguội hết rồi!
Bọn lâm tặc hối thúc nhau xuống núi, bỏ lại cây thập-giá-sống mù đặc và câm tịt giữa rừng sâu.
Khu rừng trong chốc lát trở nên lặng phắc, tưởng như nghe được cả tiếng những vòng dây quấn quanh hai cánh tay “trở mình” do sức căng không đều và khi cuốn chưa đúng chiều. Vắng lặng đến mức Đức có cảm giác trên thế gian này chỉ mình anh còn sống. Quả là vào thời điểm đó, bầu trời lặng gió, loại muông thú ban ngày kiếm mồi no đã nằm yên trong tổ, còn loài vật ăn đêm thì như đang chờ cho đêm thật sâu lắng mới xuất hiện. Đôi mắt bị bịt kín, màn đêm như đặc quánh lại quanh Đức; miệng há to mà lại như người câm; chỉ còn đôi tai thính lắng nghe tiếng lòng mình thao thức với mọi rúng động trên khắp cơ thể.
Mãi đến lúc này, Đức cũng chưa thật hiểu ý đồ bọn chúng, càng không thể hình dung số phận mình sẽ ra sao trong tình trạng kỳ quặc, khốn khổ như một cây thập-giá-sống vừa mù vừa câm này. Chỉ mới đứng một lúc mà đôi bả vai, đôi cánh tay anh đã mỏi nhừ vì phải đeo thanh gỗ tươi khá nặng. Thử xê dịch vài bước chân thì thanh gỗ dài vướng cây cối xung quanh khiến những vòng dây càng thít chặt vào hai cánh tay. Muốn ngồi xuống cho đỡ mỏi thì thanh gỗ bị “gác” vào các chạc cây, hễ nhớm co chân là người như bị treo lên. Bọn lâm tặc đểu giả và ác độc thật! Thế này thì kém gì các kiểu tra tấn trong ngục tù đế quốc. Loay hoay một lúc, Đức mới chọn được thế nghỉ ngơi lấy sức tốt nhất là tựa lưng vào một thân cây.
Cây rừng vững chãi như đã giúp Đức bình tâm được phần nào. Nỗi sợ hãi khi tên “mông trâu” lia lưỡi dao cắt vạt áo anh đã tan biến. Đêm tối, rừng sâu, cả hổ báo nữa không dễ dọa nạt được anh. Trong chiến tranh, anh đã từng một mình ở giữa rừng Trường Sơn suốt mấy tháng ròng. Chỉ khác là lúc này anh hoàn toàn không có khả năng tự vệ. Dù vậy, hầu như anh không lo gì cho bản thân mình. Điều anh nghĩ đến trước tiên là nỗi lo lắng, trông chờ của Hòa. Làm sao tin được cho cô? Trời! Ước chi có con chim bồ câu nhắn tin! Mồm miệng đầy dẻ ngoác ra căng cứng mà anh cứ muốn kêu to lên: “Hòa ơi!...”
Lạ thế, Đức không nghĩ là nếu biết tin, Hòa sẽ tới cứu anh; chỉ muốn Hòa biết là anh đang bị nạn, chứ không phải đang say bí tỉ, đang ôm ấp cô bé bán quán bên bìa rừng như lời đồn. Có thể là anh đã nghĩ đến cái chết hiển nhiên và muốn lưu lại trong tâm trí người vợ từng khốn khổ vì anh hình ảnh một người chồng tuy không đem lại cho cô hạnh phúc, nhưng là con người chung thủy, trong sạch. Nhưng liệu Hòa có tin không, khi tiếng đồn không phải là vô cớ? Quả là Đức đã có lần uống say rồi bỡn cợt với cô gái lẳng lơ ấy trong quán “Suối mơ” ngay trước mặt Bá, người thủ trưởng trực tiếp của anh. Ai làm chứng cho sự buông thả ấy của anh là vì một “động cơ” khác? Ai biết cho tình huống trớ trêu, khi anh toét miệng cười buông lời tán tỉnh cô gái ấy thì tận đáy lòng anh xót xa như bị ai chà muối và nước mắt anh ứa trào?...
“Không! Mình phải gặp Hòa nói thật mọi chuyện! Phải tìm cách thoát...” Đức tưởng muốn kêu lên vậy và lại cố xoay trở, dịch chuyển, may ra đến được nơi có người qua lại. Nhưng thanh gỗ dài không vướng đầu này thì kẹt đầu kia, chỉ chốc lát anh đã phải lùi về điểm xuất phát, tựa lưng vào thân cây thở dốc.
Mới đó, Đức coi cái chết là sự hiển nhiên; bây giờ quyết tìm đường sống. Không chỉ muốn trở về để “tự minh oan” với Hòa. Một con người đã mấy lần vượt qua cái chết, đâu dễ cam chịu chết mục xương mất tăm tích một cách kỳ quái như thế này. Ít ra cũng phải sống để vạch mặt bọn chúng! Thằng “mông trâu” là đứa nào trong bọn người đã định nhận chìm mình và bè gỗ bên cầu Suối Đá năm trước? Còn tên “nghẹt mũi” là ai? Bàn tay nó... phải, hình như là một bàn tay có vết sẹo...
Đức chưa kịp định hình cái “vết sẹo” nơi bàn tay lạ mà như quen của tên “nghẹt mũi” và nhận ra nó là ai thì chợt nhận ra chính trong cơ thể mình, chỗ phía dưới bụng, một đòi hỏi tự nhiên, quen thuộc bỗng trở nên “xa lạ” khó chịu. Từ nãy, anh đã day dứt với bao điều hệ trọng: tình yêu, cái chết, lẽ sống, danh dự, trách nhiệm tìm ra kẻ phạm tội... mà quên nghĩ là tới lúc những nhu cầu sinh tồn của cơ thể, nhiều khi rất nhỏ nhặt và dung tục, sẽ làm anh khốn khổ. Lúc này thì cái bụng dưới và bộ phận truyền giống vô tích sự của anh mỗi lúc một căng cứng, một nhức nhối. Anh khom người, co chân này, nhấc chân kia cũng chẳng ăn thua. Thông thường, chỉ việc vạch quần, “tè” ra là xong. Cái động tác có phần dung tục này đâu chỉ là sự bài tiết chất thải của cơ thể; nhiều khi nó còn đem lại khoái cảm đặc biệt. Như ngày anh mới ở chiến trường về, sáng dậy muộn, cũng bị tình trạng căng cứng như hôm nay, nhưng lát sau, đứng bên hố tro sau nhà, nhìn cái vòi nước màu vàng nhạt hình cầu vồng tuôn ra mạnh mẽ, lòng vừa nhẹ nhõm vừa hưng phấn. Cái vòi nước phóng ra với cường độ như thế, chứng tỏ “sức chiến đấu” còn dồi dào! Bây giờ thì quần gài kín cúc, lại còn quần lót phía trong nữa, hai tay bị cột chặt, có cách gì tháo cởi được? Anh chưa quen thảm cảnh của mình và thói quen cũ - nếp sống văn hóa của một con người thì như những chùm rễ của cây cổ thụ chưa dễ bị bật khỏi mặt đất. Mặt đất nơi vừa mọc cây thập-giá-sống chỉ là một góc hoang vắng nào ai nhìn ngó tới, nhưng với anh lúc này đó là nơi sinh sống và có thể là chỗ đứng cuối cùng của đời anh. Anh không muốn trút chất thải làm ô uế nó và trước hết làm ô uế một phần cơ thể anh.
Rút cục thì lý trí con người đã phải chiều theo đòi hỏi bức bách của cơ thể. Đức không thể nín được nữa, dòng nước ấm nóng tưới ướt đũng quần, chảy men theo hai ống chân và khiến cả đôi dày nhớp nháp. Bụng dưới của anh nghe nhẹ hẳn, nhưng trong lòng cứ bứt rứt không yên. Vừa như là sự xấu hổ, vừa cảm thấy đau đớn vì bị sỉ nhục. Hành vi vừa rồi của anh có khác chi một đứa con nít chưa rời vú mẹ. Không, chỉ như một con vật thôi. Nhiều đứa bé đợi mẹ “xi” mới “tè” vào bô, vào chậu. Cũng không được như con vật. Con chó, cả con lợn bẩn thỉu cũng không “tè” nơi chỗ nằm của chúng!
Hai ống quần và đôi dày nhớp nháp khó chịu, mùi khai nồng dần bốc lên khiến Đức điên tiết, cứ muốn chửi toáng lên. Bọn chó má thật ác độc. Tao phải vạch mặt chúng mày, tố cáo chúng mày...
Chưa phải là trách nhiệm này nọ anh đang gánh vác buộc anh không được khuất phục, mà trước hết, con người bị làm nhục lên tiếng phẫn nộ.
Nhưng anh đang như một kẻ biệt giam, tính mạng đang như ngàn cân treo sợi tóc, đã chắc gì trở về được với cuộc đời mà đòi vạch mặt và tố cáo bọn chúng. Anh lại đang như một thằng mù, nào đã biết bọn chúng là ai...

Chương 6

Đám nhậu trong quán “Như Ý” ven thị trấn vào cuộc khi ánh trăng mồng 8 dần nghiêng về phía Tây. Những cặp mắt háu đói đều nhằm vào đĩa thịt nai nướng thơm lừng giữa chiếc bàn gỗ đen xỉn ẩm ướt. Cũng có đứa thỉnh thoảng lại “bắn” những tia chớp vào một “đĩa thịt” khác - mảng da trắng nửa kín nửa hở, phập phồng lộ ra nơi cổ áo khóet rộng của con bé hầu bàn, mỗi khi nó uốn mình rót bia cho khách.
- Nào! “Dô” trăm phần trăm mừng chiến thắng!
Tên “Mông trâu” vừa hô vừa nâng cốc. Trong lúc đồng bọn hăng hái chạm cốc “cóc cách” thì hắn vươn tay “chạm” chỗ khác một cách thích thú: con bé hầu bàn bị vỗ mông đánh “bốp”, giật thót người, xuýt rót bia vào bát nước mắm!
Đám nhậu chính là bọn vừa lập chiến tích dựng cây thập-giá-sống trong dãy núi Yên Ngựa. Xong việc, phủi tay, chúng tượt xuống bìa rừng và một chiếc xe tải của Xí nghiệp chế biến gỗ chờ sẵn liền nổ máy đưa chúng về quán Như Ý - một “trạm gác”, một đầu mối giao dịch của bọn lâm tặc.
Cạn một chầu bia, tên Hoạt mới phóng xe máy đến. Chiếc honda “67” đen trũi, lấm bụi xộc vào tận vách quán mới tắt máy. Hắn là chỉ huy vòng ngoài, khi được tin “con thú” đã đi trúng lối cài bẫy liền phóng xe về mời Mậu. Không muốn để thiên hạ chú ý, hắn gửi xe một nhà thân tín bên đường làng, lò dò vào nhà Mậu, không ngờ anh đi họp huyện chưa về. Đến quán “Như Ý”, hắn bị bất ngờ lần thứ hai khi thấy Mậu đã ngồi đầu bàn nhậu. Bước vào quán, hắn ngớ người đứng sững giây lát, đưa tay vơ vội chiếc mũ lưỡi trai đỏ sẫm, dướn to đôi mắt một mí:
- A...! Anh ở đây rồi à? Ai tin mà lẹ thế? Tôi vừa...
- Thôi, ngồi vô! Thêm cốc, bé... Bát đũa sẵn đây rồi! “Dô”! Trăm phần trăm hay năm mươi đây!
Tên “Mông trâu” vừa dịch lấy chỗ cho Hoạt, vừa chỉ huy cuộc nhậu. Hoạt vẫn chưa nhập cuộc được, ngước hỏi Mậu, vẻ dè dặt:
- Nghe nói anh đi họp huyện...
- Ừ... Vừa họp xong.
Mậu đang phồng miệng nhai miếng thịt nướng mà đàn em vừa gắp cho, đáp qua chuyện vậy. Thực ra, y nào có họp hành gì.Y bịa chuyện đi họp với mụ vợ cốt để che giấu hành tung của mình. Tên “Mông trâu” xoay người chạm cốc riêng với Hoạt, miếng thịt nhai giở tạm gác một bên miệng, từ đôi hàm răng chắc khỏe từng tiếng văng ra rành rẽ, lạnh lùng:
- Họp hành là việc của các sếp. Việc của tôi với ông là phân công ai chi cuộc này đây...
- Xá chi cái vặt đó! Tôi chi! Anh em cứ nhậu thoải mái đi!
Lão Hoạt cao giọng tỏ ra người rộng lượng và chịu chơi, nhưng cặp môi dày chỉ chạm cốc bia sủi bọt một cách chiếu lệ. Trận chiến độc đáo giữa rừng Yên Ngựa mà lão không được chứng kiến vẫn thu hút tâm trí lão. Nhỏ giọng và hồi hộp, lão nghiêng đầu hỏi một đàn em bên cạnh:
- Thế nào? Đúng kế hoạch, ngon lành cả chứ?
- Nhất định rồi! Nhưng ông không chi tiền thưởng “sáng kiến” à?
- Sáng kiến của mày chắc? Mày chỉ bảo nếu không muốn trực tiếp khử hắn thì cứ trói gô vào gốc cây, hổ không ăn thịt cũng phải chết đói.
- Tao công nhận “sáng kiến” hay thật! Lúc đầu, tao cũng nghĩ cứ khỏ vào óc một cú là gọn. Ngẫm lại thật may. Chúng mày có để ý không, có vụ giết người nào mà thoát được. Bọn công an bây giờ kỹ thuật ghê gớm lắm, đừng có xem thường!
Tên “Mông trâu” chưa kịp tỏ ý công nhận “sáng kiến” thuộc về ai thì đề tài quanh bàn nhậu chuyển sang hướng khác cũng khá hấp dẫn. Một đàn em chen vào nói, giọng rụt rè:

- Em nghe nói công an điều tra được là do cặp mắt người bị hại trước lúc chết in lại khuôn mặt thủ phạm không khác chi một máy ảnh...
- Chuyện ấy thì chưa chắc, nhưng oan hồn người chết ứng báo thì tao đã nghe mấy người kể lại. Toàn những người đứng đắn, uy tín đầy mình...
- Thôi! Dẹp ba cái chuyện tào lao xúi xẩm ấy đi! Bọn ta chỉ lo chuyện làm ăn, có làm ai chết chóc mà sợ.
Tên “Mông trâu” vung cánh tay to bậm, ngắt lời bọn đàn em, uống cạn cốc bia rồi gật gù đầy vẻ đắc ý:
- Được! Chỉ như trò chơi trẻ con thôi. Đi cà kheo thì nối dài hai chân, đằng này hai cánh tay được nối dài. Nhưng thằng Đức thoát được cũng phải nhớ đời! Khà! Lúc này có khi nó đang mong có người chặt bớt cây cho khỏi vướng. Được! Thưởng “sáng kiến” cho thằng Liệu một chỉ! Này, nhưng chấm dứt không nhắc đến chuyện này nữa nghe chưa!
Từ đầu cuộc, không nghe tên “nghẹt mũi” lên tiếng. Nó như con cá đã lặn mất tăm, như con thú khôn ngoan không để lộ dấu vết. Còn Mậu, dù sao cũng mang danh là quan chức nhà nước, dự bữa tiệc “mừng công” với điệu bộ như là bất đắc dĩ - đôi chân bắt tréo, tấm lưng dài gần như quay lại bàn nhậu, cặp mắt sâu cứ hướng ra phía cửa, thỉnh thoảng nâng cốc nhấp một ngụm bia. Khi tên “Mông trâu” dứt lời, Mậu mới lên tiếng, giọng nhỏ nhưng vẫn lộ vẻ quyền uy:
- Này, tôi bảo các anh là một vừa hai phải thôi nghe. Tiền và gỗ nào đút cho khắp cán bộ huyện, cán bộ tỉnh. Nghe nói sắp có đoàn kiểm tra liên ngành gì đó. Liệu giữ mồm giữ miệng. Muốn đớp miếng to thì bớt nói đi! Nhất là chuyện trói thằng Đức; đêm nay cọp mà tha nó thì lôi thôi đó! Công an hình sự, cảnh sát kinh tế, kiểm sát huyện rồi tỉnh bu về là hết yên ổn làm ăn.“Sáng kiến” gì, “tối kiến” thì có!
Một đàn em hình như đã ngấm bia, lại chưa biết quyền uy của Mậu, hăng hái chen vào nói:
- Ông anh cứ yên tâm! Gầy gò xương xẩu như lão ta, cọp nó không thèm xơi đâu! Mà hình thù lão kỳ dị như thế, với đôi tay dài ngoẵng, to đùng như thế, cọp gấu gì cũng sợ không dám đến gần đâu! Hơ hơ!
Thấy Mậu lừ mắt nhìn tên đàn em, tên “Mông trâu” cao giọng mắng át tiếng cười khoái chí sắp lan quanh bàn nhậu:
- Mày chỉ được cái mồm! Coi chừng vạ miệng đó! Đã bảo là không được nói chuyện đó nữa! - Tên “Mông trâu” khẽ quay đầu hạ giọng nói với Mậu - Anh thông cảm, bất đắc dĩ, bọn tui mới phải dùng cách đó. Mà không phải hồi nãy anh đã...
Tên “Mông trâu” chợt dừng phắt trước ánh mắt liếc xéo vụt loé như ánh chớp của Mậu. Hắn “ ọ ạ” ấp úng giây lát, rồi tiếp lời:
-...à... vâng, anh cứ an tâm, vùng này lâu rồi không có hổ về. Cũng tại hắn “rắn” quá...
- Thiếu gì cách! Không “mua” được nó thì tìm cách đẩy nó đi. Nhưng thôi, lỡ rồi, cứ kín miệng là yên. Tôi về đây!
Chưa nói dứt câu, Mậu đã đứng dậy, mặc cho tên “Mông trâu” và mấy đứa đàn em níu kéo. Cả lão Hoạt cũng mềm giọng nài nỉ, một tay thì moi móc túi quần sau ý chừng định tạm ứng cho sếp bản địa ít tiền “uống nước”, nhưng Mậu làm như chẳng cần gì thứ đó, nhẹ nhõm khoác chiếc xắc lên vai sau khi cẩn thận kiểm tra các dây kéo xem đã khóa kín chưa, rồi chụp mũ cối lên đầu, bước nhanh ra cửa và đạp xe đi ngay.
- Ông ngu bỏ mẹ! Lại keo! Sợ cống nạp quá nhiều, phải lần đếm chứ gì! Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Tay ấy lại đang chuẩn bị xây nhà ở thị trấn.
Tên “Mông trâu” kích cùi tay vào sườn lão Hoạt nói vậy, khi Mậu đã khuất trên con đường về làng Sim. Hắn không biết, Mậu tuy cần tiền, nhưng lúc này lại cần thứ khác hơn. Việc gì mà ngửa tay nhận đút lót chỗ đông người cho mất tư cách và dễ lộ mặt. Rồi chúng nó phải mò vào tận nhà, có khi nặng cân hơn. Còn “thứ khác” thì đêm nay là cơ hội ngàn vàng. Nói đúng hơn là cơ hội mấy ngàn ngày mới có. Thằng Đức vậy là đang kẹt cứng trong rừng. Có gỡ dây, mò ra được bìa rừng cũng hết ngày mai. Mậu vừa lên giọng chỉ trích bọn lâm tặc “manh động” trói Đức trong rừng, lo hổ sẽ ăn thịt anh ta, nhưng lúc này thì lại như thầm biết ơn bọn chúng. Chà! Giá như lúc này có chiếc xe máy thì hay biết mấy...
Mậu vừa đạp xe vo vo, vừa nhẩm tính. Chẳng phải trù liệu việc mua xe máy; Mậu đang lo làm nhà, chứ sắm cái xe máy với Mậu nào có khó khăn gì. Chỉ cần “gợi ý”, lão Hoạt và tên “Mông trâu” sẵn sàng cống nạp. Mậu cũng đang muốn giữ tiếng người đầy tớ của dân liêm khiết, giản dị. Địa phương sắp đến kỳ đại hội “bầu bán” rồi! Đây cũng là một kế hoạch phải tính toán chi li, bài bản, nhưng mới ở bước khởi động. Lúc này, thì Mậu chỉ nhẩm tính kế hoạch chiếm lĩnh mục tiêu ngay trong làng. Kế hoạch hấp dẫn đến mức Mậu phởn chí buột tiếng huýt sáo và ngước nhìn ánh trăng. Một vành trăng dịu nhẹ, gió mát, đường vắng, chiếc xe vừa được thay phụ tùng ngoại lăn êm ru. “Trăng thế này, thật tuyệt!...” Mậu vẫn “nhấm nháp” cái ý nghĩ thú vị khi chợt nhận ra độ sang mơ màng của ánh trăng vưà khéo cho Mậu hành động. Nếu như trời không trăng, lùi lũi mò đi giữa đêm tối, hẳn là có âm mưu, mà lúc gõ cửa nhà “người ta” không chừng họ kinh sợ kêu toáng lên thì hỏng hết việc; còn nếu trăng sáng quá thì rất dễ bị làng xóm phát hiện, mà cho dù không có ai dòm ngó thì Mậu cũng cảm thấy ngại phải “phơi” mình ra trước ánh sáng. Đằng này, ánh trăng mơ màng, lúc ẩn lúc hiện qua những đám mây, Mậu sẽ bước nhẹ vào nhà em như tình cờ ghé qua... Chao! Hơn chục năm qua rồi mà Mậu bỗng chợt nhớ lần đầu “chiếu tướng” đúng lúc em vừa tắm ở sông lên. “Hòa ơi!...” Không nén được, Mậu đã khẽ thốt kêu lên vậy.
Đằng trước, trong căn nhà nhỏ ven đồi Sim, dưới ánh trăng mơ màng này chỉ có một mình em Hòa thôi...
Biết là không thể xoay trở tìm đường thoát thân trong đêm khi đôi tay bị kẹp cứng vào thanh gỗ dài nặng chịch, không vướng đầu này thì cũng mắc đầu kia, Đức chọn phương sách hạn chế tối đa mọi hoạt động để bảo tồn sinh lực.
Có những điều, khi lâm cảnh ngộ, con người mới biết lâu nay mình nhầm lẫn. Chỉ mới đứng bất động ước chưa đầy một tiếng đồng hồ, Đức đã thấy khắp người tê cứng, bứt rứt không sao chịu nổi. Thì ra con người giữ cho được yên tĩnh khó khăn hơn là hoạt động thường xuyên.
Khu rừng Yên Ngựa đã bắt đầu cuộc sống ban đêm của nó. Trong bóng tối dày đặc giữa rừng sâu, cặp mắt lại bị bịt chặt, đôi tai Đức trở nên thính nhạy lạ thường. Dễ nhận biết hơn cả là hơi thở của rừng - tiếng gió lao xao trên những hàng cây, rồi tiếng lá rụng... Ờ, đã từng ở rừng bao năm rồi, nhưng có lẽ đây là lần đầu Đức để ý đến những chiếc lá rơi. Những năm giữ kho ở đường Trường Sơn, cả khi ngước nhìn những tầng lá che kín mái lán cũng chỉ để biết hướng máy bay lao tới, đếm số lượng bom rơi hoặc đoán định nơi dù pháo sáng sẽ tiếp đất; khi phải luồn lách cây lá trên đường mòn thì lại chăm chú để kịp thời phát hiện sên vắt, mìn “nhíp” và “cây nhiệt đới”. Kể cho đủ thì Đức cũng có lần đứng nhìn cảnh lá rụng: đó là sau ngày chiếc máy bay cánh quạt “cày” một vệt dọc theo cánh rừng, không nghe tiếng bom nổ, chỉ thấy bầu trời bỗng chốc mù mịt sương trắng; chất độc hóa học khiến triệu triệu lá cây héo tàn và rụng cùng một lúc. Cảnh lá rụng như thế khác chi một cuộc thảm sát, mãi về sau mỗi khi nhớ lại, Đức vẫn bàng hoàng. Mấy năm khoác áo kiểm lâm thì rừng cây như chỉ còn hiện diện nơi những súc gỗ trần trụi bị nhận chìm dưới khe suối, hoặc vừa bị chặt hạ còn hăng nồng mùi nhựa tươi. Cho đến đêm nay, Đức chợt lắng nghe những tiếng lá rơi. Anh không nhìn thấy, nhưng biết chắc đó là những chiếc lá vàng. Những chiếc lá đã hoàn thành sứ mạng che phủ mặt đất và giúp cây hít thở khí trời, thanh thản và ung dung tự buông mình xuống bồi đắp cho gốc cây thêm sức nảy nở những chồi non.
Có một chiếc lá nhỏ - hình như là lá cây lim thì phải, bỗng khẽ chạm vào má rồi lọt xuống cổ áo Đức. Sau những hành vi và lời lẽ thô bạo của bọn lâm tặc, cử chỉ e ấp, dịu dàng mà có chút tinh nghịch của vị sứ giả tí hon do khu rừng Yên Ngựa ghé thăm vừa khiến Đức nhột nhột buồn buồn, vừa gợi một cảm giác thú vị làm anh khẽ mỉm cười. Nụ cười bất chợt đến giữa lúc anh lâm nạn và sự quan tâm đến số phận chiếc lá nhỏ trong cổ áo như một liều thuốc an thần giúp anh vơi bớt gánh nặng trên đôi vai cũng như nỗi lo lắng đang nặng trĩu trong lòng mình. Nhưng chiếc lá nhỏ vừa nằm yên trên bờ vai gầy còm của anh thì anh chợt nhận ra vùng lá khô đâu gần dưới chân mình lạo xạo, như là bị ép bởi một vật nặng đang trườn đi. Một con rắn, có thể là một con trăn đang thận trọng bò qua gần chân anh. Mảng da bụng phơi trần vì một vạt áo bị tên “Mông trâu” xẻo mất như cảm nhận được luồng gió nhớt lạnh vừa lướt qua. Hình như con rắn vừa vươn cổ “thị sát” vật lạ xuất hiện trong vương quốc của nó. Đức từng giáp mặt với rắn rết nhiều lần, đã nghiệm ra phương châm đối phó “ngươi không đụng đến ta thì ta không đụng đến ngươi”, tuy có lúc bị phê phán là “mất lập trường”, nhưng với muông thú giữa rừng lại là chiến lược tối ưu. Dù vậy, trước con người, con rắn vẫn thường bị xem là “kẻ ác”, lại xuất hiện bất ngờ trong lúc anh hoàn toàn không có khả năng tự vệ, cũng làm anh sợ đến thót tim, nín thở. Lỡ gặp con rắn điên khùng độc ác hay trở chứng “đùa nghịch” vươn vòi chích thử cái “vật lạ” vừa mọc ra cản đường đi bắt mồi của nó thì sao? Mà anh bị biến thành cây thập-giá-sống cũng chính vì chặn đường kiếm ăn của bọn lâm tặc. Cái ý nghĩ bất chợt làm anh lạnh gáy và cùng lúc, cũng như khi vừa bị chụp bao tải, ước muốn thấy mặt “kẻ địch” khiến anh cứ cố sức dướn mắt ra, dù băng vải vẫn đang thít chặt ngang đầu. Con rắn (hừ, không biết là hổ mang hay mai gầm? cạp nong hay can gáo?) hẳn nó đang ngẩng cổ, thè cái lưỡi đỏ đọc thăm dò “vật lạ”. Có khác chi khẩu súng trong tay đội hành quyết đang nhắm vào kẻ tử tội. Trong thế đứng bất động, lưng tựa vào một gốc cây, mắt bị bịt kín, Đức như là một tử tù đang chờ phát súng kết liễu đời mình. Cặp mắt anh căng ra đến đau nhức mà nào có thấy chi! Cánh rừng thì lặng phắc như tất cả cùng nín thở với xạ thủ sắp nhả đạn. Một phút hay chỉ mới mươi lăm giây trôi qua? Thời gian và cả bầu không gian như bị nén chặt sắp nổ tung. Vậy mà bất chợt, đám lá khô quanh chân Đức khẽ xào xạc trở mình; rồi tiếng một cành khô gẫy hay tiếng đánh lưỡi của con rắn trước lúc trườn đi kiếm mồi. Nó chưa hết ngạc nhiên trước cây thập-giá-sống, buột kêu lên “lạ quá!” chăng? hay nó thương tình Đức chịu khổ nạn mà chép miệng “tội quá!”?
Dù sao thì con rắn cũng không “điên khùng độc ác” như bọn lâm tặc. Đức thở phào, lòng vừa thoáng chút nhẹ nhõm đã lại nặng chịch vì cây gỗ buộc dọc hai cánh tay và tấm băng bịt mắt mỗi lúc một hành hạ anh chẳng khác gì cùm kẹp. Tiếng đập cánh của một con chim trên đầu gợi nhắc bầu trời tự do khiến anh nổi xung lên, vung vẩy xoay trở, thanh gỗ dài va quệt loạn xạ cây cối xung quanh cho tới lúc anh kiệt sức phải cúi đầu thở dốc. Chẳng lẽ mình đành chịu chết mòn trong cảnh tối tăm câm lặng nơi góc rừng hoang vắng này sao? Không! Ngày mai, anh em trong Hạt không thấy mình về, nhất định sẽ lục tìm thấy mảnh giấy mình để lại, sẽ tới giải cứu mình! Nếu không, Hòa cũng sẽ báo động với bà con làng xóm vào rừng tìm mình...
 Niềm hy vọng làm Đức bình tâm lại. Thanh gỗ dài không cho anh xoay trở tự do, nhưng cái đầu vẫn cựa quậy được. Vào lúc Đức ngúc ngắc đầu cho đỡ tê mỏi, anh chợt nhận ra là mình có thể tự giải thóat cái băng bịt mắt bằng cách cọ mạnh mái đầu vào thân cây. Chà! Một việc đơn giản như vậy mà mãi không nghĩ ra! Đâu cứ nhất thiết phải dùng đôi tay. Phải! Trước tiên hãy giải thoát cho đôi mắt đã! Cho dù không có ai đến giải cứu thì ít ra mình cũng được ngắm nhìn thỏa thuê cánh rừng mà mình đã hy sinh vì nó đến hơi thở cuối cùng.
Lòng tràn đầy hăng hái trước “sáng kiến” đột xuất, Đức liên tục ngúc ngắc, gại mạnh mái đầu vào thân cây phía sau như một con bò nổi cơn ngứa sừng điên dại. Thân cây trơn tròn, giải băng vải thì thít chặt, thân mình lại bị thanh gỗ dài cùm kẹp, nên mặc dù Đức đã gắng sức một hồi, giải băng chỉ xê dịch đôi chút chứ không chịu tụt ra. Bất lực, Đức đứng lặng thở dốc lấy sức, vừa trù tính cách “tấn công” cho có hiệu quả. Hình như có một con kiến đang sắp bò vào tai. Đức quay đầu, áp tai vào thân cây để gạt con kiến và bỗng nhận ra sự ngu ngốc của mình. Quá nôn nóng giải thoát khỏi cảnh mù lòa, anh đã dốc sức gại đầu vào thân cây bất chấp phương hướng. Làm sao giải băng có thể tuột qua hai vành tai được! Điều đơn giản vậy mà cũng phải đổi bao mồ hôi sức lực mới nhận ra! Kể cũng phải, anh bị buộc vào một tư thế con người chưa có ai trải qua nên mọi cử động cứ lần mò, tập dượt như một trẻ sơ sinh.
Tìm được cách “tấn công” thích hợp, Đức hăng hái nhón chân lên, nghiêng đầu áp mạnh vào thân cây rồi bất thần co rụt hai chân, cho mái đầu trượt nhanh xuống. Giải băng vẫn chưa chịu dịch chuyển. Cây gỗ nặng kềnh càng buộc nơi tay khiến cử động của anh khó khăn, kém hiệu quả. Nhưng biết phương sách tấn công đúng, Đức không nản. Thua keo này, bày keo khác. Lại nhón chân lên, ép mạnh hơn nữa băng vải bịt mắt vào thân cây, rồi dồn sức thụt nhanh xuống. Lòng trần đầy hy vọng, tin chắc “cú đánh” chính xác, thận trọng từng chi tiết sẽ thành công, không ngờ trong lúc xoay trở, một đầu thanh gỗ gác hờ lên cành cây nào đó, khiến khi Đức thụt mạnh xuống, cả thân mình như bị treo lên, các vòng dây riết vào hai cánh tay đau nhói.
Qua hai keo thất bại, Đức đứng lặng một hồi lâu dưỡng sức. Rừng vẫn xào xạc gió. Tiếng một con mang “tác” đâu dưới triền núi vọng lên nghe cô đơn lạc lõng lại gợi anh nghĩ đến Hòa hẳn vẫn đang mỏi mắt ngóng chờ chồng dưới căn nhà nhỏ bên đồi Sim hoang vắng. Trong bầu không khí đẫm mùi lá cây ẩm mục, hình như có chùm hoa phong lan vừa nở tỏa hương đâu đây. Đức hít một hơi thật sâu, cảm thấy sức lực phần nào đã được hồi phục, liền chuẩn bị tư thế mở trận tấn công thứ ba. Anh tin chắc sẽ thành công. ”Có công mài sắt có ngày nên kim” mà! Với Đức, đó không chỉ là câu ca đọc theo “sách”; hồi chiến tranh ở giữa rừng sâu, không có kim để vá quần áo rách, anh đã mài một đoạn sắt đường kính 4 mi li mét thành cây kim dùng rất “ngon lành”!
Sau khi đã ướm thử biết chắc hai đầu thanh gỗ không còn chút nào vướng víu, Đức lại nhón cao chân, tì mạnh mái đầu vào thân cây rồi rán sức miết xuống. Giải băng chưa tuột hẳn ra nhưng đã chịu trượt chếch lên một chút. Vậy là “gió đã đổi chiều” nhưng Đức như sợ vỡ mộng, không vội “đánh” tiếp. Anh dừng chốc lát lấy sức, rồi khẽ xoay người để đổi phía mái đầu ép vào thân cây, hy vọng là giải băng bị “đánh” từ hai phía sẽ dễ bị tuột ra. Các động tác lại được tiến hành tuần tự: kiểm tra độ tự do hai đầu thanh gỗ, nhón chân, áp mạnh giải băng vào thân cây... Đức hình dung là ít ra cũng phải “đánh” vài keo nữa, không ngờ giải băng tuột ngay gần khỏi đầu khi anh thụp người xuống. Đôi mắt được giải thoát bất ngờ khiến Đức choáng ngợp, dù là bóng tối vây quanh. Anh khẽ nhắm mắt lại giây lát, rồi từ từ mở ra như người ta nhấm nháp một món ăn thích thú. Thì ra rừng đêm không hẳn là tối tăm. Vành trăng mỏng manh hình như đã vượt qua đỉnh núi, nhưng ánh phản quang của nó và những vì sao xa xôi vẫn tỏa xuống cánh rừng một thứ sương khói đủ cho anh phân biệt những thân cây quanh mình. Ôi chao! Những thân cây lực lưỡng, thẳng tắp; có cây “vanh” ước chừng đến hai mét. Cây huyệnh hay là chò nhỉ? Dễ chúng đã thọ gần trăm tuổi...
Trong chốc lát, Đức bỗng thấy mình không đơn độc nữa. Anh như đã có bạn để trò chuyện đêm nay. Còn sáng mai thì đồng đội của anh, Hòa của anh nhất định sẽ tìm đến giải cứu cho anh. Còn anh bạn nhà báo Hùng Sơn nữa. Đức đã hé lộ chút ít kế hoạch với bạn, bằng sự thính nhạy nghề nghiệp, nhất định Hùng Sơn sẽ đến với anh...
Nhưng đêm nay thì anh còn bị trói chặt ở đây. Người gác bị còng tay thì kẻ trộm tha hồ tung hoành. Và đêm thì còn dài lắm, nào ai biết được rắn rết ma quỷ lợi dụng bóng tối còn mò ra gây nên những biến cố gì nữa...
Nhà Sáng tác Nha Trang - 2000
Trường An, Huế, 8/2001
N.K.P
(nguồn: TCSH số 157 - 03 - 2002)

Các bài mới
Suối Không Tên (19/05/2023)
Các bài đã đăng
Vượt cạn (11/08/2008)
Miền vĩnh phúc (10/04/2008)