Truyện dịch
Ngón nghề kinh doanh
09:39 | 07/11/2008
AKILE CAMPANILE(Nhà văn Italia)LTS: Số Tết này, TCSH chọn một truyện ngắn hài hước của một nhà văn Ý, có nhan đề “Ngón nghề kinh doanh”, qua bản dịch của dịch giả nổi tiếng Lê Sơn, để bạn đọc có dịp thư giãn trong dịp đầu Xuân.


Một người không quen biết đã kể cho tôi nghe một câu chuyện làm ăn khi chúng tôi cùng nhau bước ra khỏi ga xe điện cuối cùng.
- Tôi đã tìm ra được một phương thức kinh doanh lý tưởng, không bao giờ bị thua lỗ cả: tôi phất lên bằng cách đem phát mại một trong số những đồ dùng cá nhân của tôi. - anh ta thao thao nói.
Câu chuyện nhăng cuội của cái chàng này chẳng lấy gì làm hấp dẫn đối với tôi. Sở dĩ tôi đi cùng với anh ta là bởi vì chúng tôi cùng đường. Vả lại ban đêm đi một mình không phải bao giờ cũng an toàn, nhất là ở những nơi vắng vẻ. Tuy nhiên tôi không thể không bắt chuyện.
- Anh muốn nói rằng anh có nhiều đồ dùng cá nhân lắm à?
- Không, tôi bao giờ cũng chỉ bán độc một thứ.
- Chắc anh bán nó một lần và với số tiền rất hời, anh đã...
- Không, tôi bán nó không ngừng.
- Anh làm thế nào mà có thể bán đi bán lại vẫn một thứ hàng ấy?
- Thì chính tôi cũng không hiểu mà lại. Song đó lại là sự thật hoàn toàn. Tôi chào hàng, người ta trả tiền cho tôi, còn hàng thì không lấy.
- Lạ nhỉ “tôi nói” Đó là thứ hàng gì vậy?
- Đó là khẩu súng lục của tôi. Cho dù tôi chào hàng với bất cứ ai thì người mua lập tức đưa tôi tiền và điều kỳ lạ nhất là họ không lấy súng. Đôi khi tôi cố trao hàng cho họ bằng cách đi theo họ nhưng đều không ăn thua. Tất cả các khách hàng đều đi rất nhanh, có thể nói là họ đã co giò chạy như bị ma đuổi.
- Chắc là anh đã quảng cáo mặt hàng ấy, ca ngợi chất lượng của nó, nào là dễ sử dụng, nào là đường ngắm chính xác...?
- Tôi cũng chẳng kịp làm việc đó. Thông thường tôi nói rằng tôi không phải người bán hàng chuyên nghiệp “đó là sự thật, tôi chưa lừa dối ai bao giờ” Và chỉ có hoàn cảnh túng bấn mới buộc tôi phải giã từ thứ đồ dùng này. Tôi bắt đầu bằng việc giơ cho xem khẩu súng và nói: “Tôi nghèo khó, tôi cần một ít tiền...” Tôi chưa kịp nói xong thì khách hàng đã vội vã trao cho tôi tiền rồi bỏ chạy. Tôi rượt theo sau để trao hàng và gọi toáng lên: “Ông kia, hãy dừng lại!...”, nhưng chân ông ta cứ như mọc cánh vậy.
- Lạ thật, tại sao lại thế nhỉ?
- Tôi cho rằng sở dĩ tôi thắng đậm là bởi vì tôi tuân nghiêm ngặt những quy tắc kinh doanh.
- Những quy tắc gì vậy?
- Đó là chỉ chào hàng ở nơi nó cần thiết nhất. Ở đâu và lúc nào thì khẩu súng lục cần thiết nhất? Chính là ở nơi mà người ta cần phải bảo vệ mình. Chẳng hạn, ban đêm ở trên đường phố vắng. Ai là kẻ cần đến súng? Đó là người không có vũ khí. Thật là ngu xuẩn nếu đem súng lục đi chào mời kẻ có trong tay khẩu tiểu liên tự động.
- Tất nhiên rồi!
- Vậy là ban đêm tôi đi đến một vùng hẻo lánh, và nếu tôi nhìn thấy một người đi bộ một mình với vẻ nhút nhát thì tôi liền tiến lại mời anh ta mua khẩu súng lục. Đôi khi, để tăng thêm sức thuyết phục tôi nói thêm: “Ông hãy xem đây, súng đã lên đạn rồi. Chỉ cần bóp cò là cái chết đến ngay tức khắc”.
- Còn người đi đường thì sao?
- Thật là kì cục: anh ta đưa tôi một số tiền nhiều hơn giá của khẩu súng: có người trả bằng tiền, cũng có người trả bằng hiện vật. Có người sau khi trao cho tôi túi tiền lại còn quẳng cho tôi chiếc áo khoác rồi cắm cổ chạy mất. Nhưng tôi không dừng lại ở đây. Tôi suy nghĩ xem liệu có ai còn cần tới súng lục nữa không? Tỷ dụ như người vừa lĩnh ở nhà băng ra một món tiền lớn. Tất nhiên anh ta không cần sự bảo vệ ở nơi phố xá đông đúc. Bởi vậy tôi lẽo đẽo đi theo anh ta một hồi lâu rồi đưa hàng ra chào ở một góc phố khuất nẻo. Nhưng ngay cả trong trường hợp này, đáng lẽ phải tận dụng sự phục dịch tận tâm của tôi và mua thứ hàng hữu ích mà rẻ tiền đó thì anh ta thậm chí chẳng cần đợi đến lúc tôi nói giá, liền trao cho tôi tất cả gói giấy bạc rồi lại ù té.
- Và số tiền đó tất nhiên là nhiều hơn cái giá khiêm tốn của khẩu súng lục chứ?
- Lẽ cố nhiên, nhưng xin ông hãy nghe tiếp. Do có hiện tượng kì quặc như vậy nên tôi bèn đến cửa hàng bán súng để tự kiểm tra xem trong khẩu súng của tôi có tàng trữ giá trị gì đặc biệt không. Tôi tới đó trong lúc chủ hiệu đang thiu thiu ngủ sau quầy hàng; tôi rút súng ra và bắt đầu giải thích: “Tôi bị nghèo túng...” Thế là ông ta liền đưa cho tôi toàn bộ số tiền   trong két. Tại các cửa hiệu khác cũng diễn ra cảnh tương tự...
Hai chúng tôi đi qua những dãy nhà cuối cùng trên một phố vắng và tới đường hầm ở bên dưới đường xe hoả.
- Tôi chả phát hiện được giá trị tiềm tàng nào trong khẩu súng của tôi cả. Có thể ông giúp tôi làm việc đó chăng? - Anh ta rút súng ra. Như ông thấy đấy, khẩu súng rất hoàn hảo. Chỉ cần khẽ bấm cò...
- Tôi hiểu! - Tôi kêu lên, quẳng cho anh ta số tiền rồi ù té chạy, tai vẫn còn nghe thấy tiếng gọi văng vẳng của anh ta ở phía sau lưng... Sau đó tôi ngoái lại nhìn thì anh ta đã biến mất hút sau khi đút vào túi cái ví của tôi và khẩu súng mà anh ta không sao bứt khỏi được...
                        LÊ SƠN (dịch)

(nguồn: TCSH số 216 - 02 - 2007)

 

Các bài mới
Bóng tối (26/01/2024)
Tanoo (05/01/2024)
Cơn choáng (18/12/2023)
Lá thư (08/09/2023)
Mặc niệm Susan (14/08/2023)
Các bài đã đăng
Thi nhân (31/10/2008)
Sáu tấc đất (28/10/2008)
Vũ nữ* (22/10/2008)
Người mẫu (15/10/2008)
Vua cờ (04/09/2008)