Truyện dịch
Những ngọn đèn chưa thắp
10:45 | 07/03/2013

L.T.S: Sherwood Anderson (1876 - 1941) là nhà văn lớn của Mỹ. Ông có nhiều tư tưởng tiến bộ, và thường tỏ thiện cảm với những lực lượng vô sản cách mạng Mỹ, đặc biệt là trong những năm 1931 - 1935. Truyện ngắn "Những ngọn đèn chưa thắp" (Unlighted Lamps) của ông dưới đây được liệt vào một trong những chuyện ngắn xuất sắc trong nền văn học Mỹ từ trước đến nay. Câu chuyện về bi kịch nội tâm của những con người không phá vỡ nổi bức tường ngăn cách giữa những tình thân và cho đến khi nhắm mắt vẫn chưa kịp thắp lên ngọn lửa thông cảm.

Những ngọn đèn chưa thắp
Nhà văn Sherwood Anderson - Ảnh: wiki

SHERWOOD ANDERSON


Những ngọn đèn chưa thắp


Vào lúc bảy giờ một tối chủ nhật nọ, Mary Cochran rời khỏi ngôi nhà nơi nàng đang cư ngụ cùng với cha là bác sĩ Lester Cochran. Năm đó là năm 1908, khi ấy Mary đã được mười tám tuổi.

Nàng đi dọc theo đường Tremont, rẽ sang đường phố chính rồi băng ngang đường rầy xe lửa đến đường Upper Main; hai bên phố là những tiệm buôn nho nhỏ và các căn nhà tồi tàn, một nơi khá yên lặng và buồn tẻ vào những ngày chủ nhật khi không có mấy người qua lại. Nàng đã nói với cha rằng sẽ đến nhà thờ nhưng thực bụng chẳng có ý định làm như thế. Nàng cũng chẳng biết mình muốn làm gì nữa. "Mình sẽ đi ra ngoài một mình và suy nghĩ", nàng tự nhủ khi chậm chạp dạo qua các con phố. Nàng nghĩ với tiết trời đêm tuyệt diệu như thế này, ai lại đi chui vào cái nhà thờ ngột ngạt để ngồi nghe một gã nào đó rao giảng những điều mà rõ ràng chẳng giúp ích gì cho cái chuyện rắc rối của nàng. Những vấn đề riêng tư của nàng đã đến một bước ngoặt và giờ là lúc nàng phải bắt đầu suy nghĩ nghiêm chỉnh về tương lai của nàng.

Cái trạng thái ưu tư mà giờ đây Mary đang rơi vào bắt nguồn từ cuộc nói chuyện với cha nàng vào buổi tối hôm trước. Chẳng hề đón trước rào sau và hoàn toàn bất ngờ, ông đột ngột báo cho nàng biết rằng ông mắc bệnh đau tim nặng và có thể chết bất kỳ lúc nào. Ông đã báo tin đó khi hai cha con cùng đứng trong phòng mạch khám bệnh mà phía sau là phòng riêng dành cho họ ở.

Khi nàng bước vào phòng mạch, nàng thấy ông ngồi một mình và ngoài trời đã tối hẳn. Phòng mạch và những phòng ở khác nằm trên tầng hai của một ngôi nhà cũ kỹ trong tỉnh Huntersburg, tiểu bang Illinois. Khi bác sĩ nói, ông đứng cạnh bên con gái mình gần cánh cửa sổ nhìn xuống dưới đường Tremont. Những tiếng rì rầm khe khẽ phát ra từ các sinh hoạt của một tỉnh nhỏ vào tối thứ bảy vọng lên từ góc đường phố chính, và chuyến tàu đêm đi Chicago nằm cách Huntersburg 50 dặm về hướng Đông, vừa mới chạy qua. Chiếc xe bus của khách sạn chạy rầm rập từ đường Lincoln sang đường Tremont về phía khách sạn trên đường Lower Main. Một đám bụi mù do vó ngựa hất tung lên bay mù mịt trong khoảng không yên lặng và một đám đông nhốn nháo chạy bu theo sau chiếc xe bus. Dãy cọc buộc xe trên đường Tremont đã nghẹt cứng những chiếc xe độc mã chở các cặp vợ chồng nông dân xuống phố chơi buổi tối, để mua sắm hay tán gẫu.

Sau khi chiếc xe bus chạy qua, có thêm ba hay bốn chiếc xe độc mã nữa rẽ vào phố, một chiếc đỗ lại và một chàng trai bước ra nâng nhẹ người yêu xuống. Chàng nâng cánh tay cô gái với một vẻ rất dịu dàng ân cần và nỗi khát khao được bàn tay một người đàn ông ân cần trìu mến như vậy - nỗi khát khao hằng nung nấu trong lòng Mary trước đây đột nhiên trở về với nàng hầu như ngay khi cha nàng báo tin rằng ông sắp chết.

Khi bác sĩ khởi sự nói thì Barney Smithfield, chủ nhân một tàu ngựa cho thuê trên đường Tremont nằm ngay trước mặt ngôi nhà của cha con bác sĩ Cochran, cũng vừa đi ăn tối trở về. Hắn đứng lại kể cho nhóm thanh niên tụ tập trước cửa tàu ngựa một câu chuyện gì đó và cả nhóm cười phá lên. Một thanh niên lực lưỡng mặc bộ đồ ca-rô, một gã trong đám thanh niên nhàn tản này, tách ra khỏi nhóm, và đứng trước mặt gã chủ tàu ngựa. Đã để ý thấy bóng Mary, hắn cố gắng gợi cho nàng chú ý đến mình và cũng bắt đầu kể chuyện, vừa kể vừa khoa tay múa chân ra điệu bộ, chốc chốc lại liếc qua vai xem cô gái có còn đứng bên cửa sổ hay có đang nhìn mình hay không.

Bác sĩ Cochran báo cho con biết tin mình sắp chết bằng một giọng rất trầm lặng. Đối với nàng dường như tất cả mọi thứ liên quan đến cha nàng đều phải trầm lặng như vậy. "Cha mắc bệnh tim", ông nói thẳng thừng, "từ lâu cha đã nghi ngờ rằng có vấn đề gì đó không ổn; và hôm thứ năm vừa rồi cha đã đến Chicago để xin khám bệnh. Sự thật là cha có thể chết bất đắc kỳ tử. Cha sẽ chẳng báo cho con nghe tin này làm gì nếu như không vì một nguyên do duy nhất. Cha sẽ để lại vỏn vẹn chỉ có một ít tiền thôi, do đó con cần lo liệu lấy cho tương lai con về sau".

Bác sĩ tiến gần đến bên cửa sổ nơi cô gái đang đứng, tay nàng vịn lấy thành cửa. Tin ông vừa báo làm mặt nàng hơi tái đi và tay nàng run lẩy bẩy. Dù bác sĩ cố lộ vẻ dửng dưng, ông cũng bị xúc động nên muốn trấn an con. Ông ngập ngừng nói "Mà này, cũng rất có thể mọi chuyện rồi sẽ ổn cả thôi. Con chớ lo lắng. Làm bác sĩ ba chục năm rồi, cha cũng thừa biết rằng những tên chuyên gia nhiều khi tuyên bố vớ vẩn lắm. Với những loại bệnh như thế này, nghĩa là trong trường hợp một người mắc bệnh tim, người ấy có thể sống lây lất hàng nhiều năm trời". Ông cười ngượng nghịu, "Thậm chí cha còn nghe rằng cách sống thọ nhất là làm sao để mắc bệnh tim".

Nói xong mấy câu trên bác sĩ xoay người bước ra khỏi phòng mạch rồi theo cầu thang gỗ đi xuống phố. Ông rất muốn quàng tay ôm vai con gái khi nói chuyện với con; nhưng việc ông bấy lâu nay trong quan hệ cha con đã không hề mảy may biểu lộ một chút tình cảm nào khiến ông giờ đây không thể làm được điều này, và vì thế; đã không giúp ông trút được nỗi đau đang nặng trĩu trong lòng.

Mary đứng nhìn xuống phố một hồi lâu. Gã thanh niên mặc bộ đồ ca-rô tên Duke Yetter đã kể xong câu chuyện và cả bọn phá lên cười. Nàng xoay người nhìn về phía cánh cửa cha nàng vừa bước ra, cảm thấy lòng tràn đầy sợ hãi. Suốt cả đời mình nàng chưa hề biết lấy một tình cảm ấm áp gần gũi. Nàng rùng mình mặc dù trời đêm rất ấm, và với một cử chỉ rất con gái, nàng đưa tay vuốt nhanh qua đôi mắt.

Cái vuốt nhẹ đó chỉ đơn thuần thể hiện nỗi khát khao muốn xua đi đám mây sợ hãi vừa đậu xuống tâm hồn nàng; nhưng Duke Yetter, lúc ấy đang đứng tách ra khỏi đám trai trẻ trước cửa tàu ngựa, thì lại hiểu nhầm ý nghĩa của cử chỉ đó. Khi thấy Mary đưa tay lên, hắn mỉm cười và vụt xoay người đi để khỏi ai để ý, rồi hất hàm và lấy tay làm hiệu ra dấu mời nàng đi xuống đường để hắn có dịp trò chuyện với nàng.

***

Vào buổi tối chủ nhật, Mary sau khi đã đi hết đường Upper Main liền rẽ sang đường Wilmott, một con đường mà ở đó gồm toàn nhà cửa của đám thợ thuyền. Trong năm đó, những dấu hiệu đầu tiên của làn sóng công nghiệp hóa từ Chicago vào các tỉnh nông nghiệp đã tràn đến Huntersburg. Một nhà công nghiệp sản xuất đồ đạc đã dựng lên một nhà máy trong cái tỉnh nhà quê bé nhỏ và yên tĩnh này với hy vọng thoát khỏi những nghiệp đoàn lao động đang bắt đầu gây phiền nhiễu cho hắn ở thành phố lớn. Phần lớn công nhân xí nghiệp sống ở khu cuối tỉnh, quanh các phố Wilmott, Swift, Harrison và Chesnut trong các căn nhà rẻ tiền được dựng sơ sài, xiêu xiêu vẹo vẹo. Vào buổi tối mùa hè oi ả như hôm nay, họ tụ tập ở hàng ba phía trước nhà; còn lũ trẻ con thì chơi đùa trên các đường phố bụi bặm. Những người đàn ông mặt đỏ như gấc, chỉ mặc độc một chiếc áo trắng không có cổ, ngủ ngồi trên ghế hay nằm lăn ra trên bãi cỏ hoặc khoảng đất cứng trước cửa nhà.

Các bà vợ của cánh thợ thì tụ lại thành từng nhóm và đứng tán gẫu bên hàng dậu ngăn các vuông sân. Chốc chốc một giọng đàn bà the thé cất lên át hẳn những giọng trầm đều tựa như đan quyện vào nhau, rì rào như tiếng vỗ của một dòng sông đang khe khẽ tuôn chảy dọc theo các con đường nóng bức.

Ở giữa đường có hai đứa trẻ đang ẩu đả nhau. Một thằng bé tóc hung đỏ, vai u thịt bắp đấm mạnh một cú vào vai một thằng bé khác có gương mặt sắc sảo nhưng xanh xao. Mấy đứa trẻ khác chạy ào tới. Mẹ của thằng bé tóc hung đỏ buộc phải ngưng ngay cuộc đánh lộn lại. Mụ thét lên "Ngưng ngay, Johnny! tao bảo mày ngưng ngay lại đi mà. Nếu mày không thôi, tao sẽ bẻ cổ mày ra!".

Thằng bé có gương mặt xanh xao quay người đi và rời khỏi đối thủ của nó. Khi nó lầm lũi đi dọc theo hè phố và chạm mặt Mary Cochran; đôi mắt bé nhỏ sắc lẻm của nó ngước lên nhìn nàng, đôi mắt nung nấu căm thù.

Mary rảo bước lới. Ở cái nơi chôn nhau cắt rốn của nàng, khu dân cư mới mẻ này với nhịp sống luôn luôn huyên náo và quả quyết có một sức hấp dẫn nàng rất mạnh mẽ. Có một điều gì đó u uẩn trong bản chất con người nàng khiến nàng cảm thấy hết sức thoải mái ở những nơi chốn đông đúc ô tạp nơi cuộc sống diễn ra một cách đen tối với những cú đấm, những câu chửi thề. Sự yên lặng thường xuyên của cha nàng cùng với nỗi bí ẩn bao quanh cuộc hôn nhân giữa cha mẹ nàng khiến người dân trong tỉnh có thái độ xầm xì này nọ đối với nàng; tất cả đã đẩy nàng vào một cuộc sống cô độc và làm dấy lên trong lòng nàng một quyết định khá lì lợm là sẽ tự mình, bằng cách này hay cách khác, lý giải những sự đời mà nàng chưa thông hiểu.

Và trong thâm tâm, Mary cảm thấy nôn nao mãnh liệt một lòng hiếu kỳ và một ý nguyện táo bạo, muốn lao vào những cuộc phiêu lưu. Nàng cũng giống như một con thú bé bỏng của rừng xanh đã bị họng súng của gã thợ săn cướp đi mẹ hiền và do cơn đói dày vò, phải liều lĩnh dấn thân kiếm tìm thức ăn. Nội trong năm nay, nàng đã đi dạo đêm đến hai mươi lần qua khu công nghiệp mới xây dựng và đang không ngừng phát triển này. Nàng đã mười tám tuổi và, đã mang dáng dấp phụ nữ; nàng cảm thấy những cô gái khác trong tỉnh cùng trang lứa với nàng hẳn là sẽ chẳng dám đi một mình đến những nơi chốn như thế này. Ý nghĩ đó khiến nàng cảm thấy hơi tự hào. Khi nàng cất bước đi, nàng bạo dạn đưa mắt nhìn khắp nơi.

Trong đám thợ thuyền, cả đàn ông lẫn đàn bà, sống trên đường Wilmott, những người đã bị nhà sản xuất đồ đạc lôi kéo đến tỉnh có rất nhiều công nhân ngoại quốc. Mary len lỏi vào khu họ ở và thích thú lắng nghe những ngôn ngữ lạ. Cứ mỗi lần đến phố này, Mary lại có cảm tưởng rằng mình đã đi xa khỏi tỉnh nhà và đang trên chuyến tàu viễn du đến một miền đất lạ. Còn ở cuối khu phố chính hay khu dân cư phía đông tỉnh, nơi cư ngụ của các thanh niên nam nữ nàng đã biết nhẵn mặt, của các thương gia, thư ký, luật sư, các tay thợ khá giả của tỉnh Huntersburg, nàng luôn ngấm ngầm cảm thấy một sự thù địch với chính mình. Sự thù địch này chẳng mảy may phát xuất do cá tính của nàng, nàng biết chắc như vậy. Nàng sống rất lặng lẽ và kín đáo đến nỗi, thực ra cũng chẳng có mấy ai biết đến nàng. "Đó chính là do mình là con gái của mẹ", nàng tự nhủ như thế và hiếm khi đi qua những khu phố nơi các thiếu nữ cùng giai cấp với nàng sinh sống.

Mary đến phố Wilmott rất thường đến nỗi nhiều người ở đó đã bắt đầu thấy quen quen với nàng. Họ nói "Cô ấy là con của một nhà nông nào đó và có thói quen đi bộ xuống tỉnh chơi". Một người phụ nữ tóc hung, hông nở nang đứng trước cửa một căn nhà nọ gật đầu chào nàng. Trên một vuông cỏ hẹp cạnh một ngôi nhà khác, một chàng trai trẻ ngồi tựa lưng vào gốc cây hút "pip", nhưng khi ngước lên trông thấy nàng, chàng bèn rút chiếc tẩu ra khỏi miệng. Nàng đoán chắc chàng trai là người Ý vì tóc và mắt rất đen. Chàng mỉm cười gọi nàng, vừa gọi vừa vẫy tay.

Mary đi qua dãy phố Wilmott và ra đến một con đường quê. Đối với nàng, dường như đã lâu lắm rồi nàng không gặp mặt cha mặc dù, thực ra nàng mới ra khỏi nhà có mấy phút. Trên đỉnh ngọn đồi nhỏ nằm bên đường là một nhà kho đổ nát. Ngay trước nhà kho có đào một hố lớn đầy ắp các khúc gỗ cháy sém trước kia đã dùng để xây nông trại. Trên thành hố là một đống đá tảng phủ một lớp dây leo chi chít. Giữa ngôi nhà và kho có một khu vườn cũ giờ đây cỏ dại đã mọc um tùm.

Vẹt đám cỏ dại, trong đó lẫn lộn nhiều thân cỏ đã ra hoa để lấy lối đi, Mary ngồi xuống một hòn đá bên gốc một thân tảo già. Đám cỏ che mất phần nửa người nàng và đứng phía dưới đường, người ta chỉ có thể nhìn thấy mỗi cái đầu nàng. Ngồi vùi sâu trong đám cỏ như vậy, nàng trông giống như một cô chim cút đang chạy nhảy trong đám cỏ cao nghiệu và, khi nghe một tiếng động lạ liền ngừng lại, ngóc cao cổ rồi quắc mắt nhìn tứ phía.

Trước đây, cô con gái bác sĩ đã đến khu vườn cây hoang sơ này nhiều lần. Khu vườn nằm trên ngọn đồi, chân đồi là điểm phát xuất của những con đường trong tỉnh và khi nàng ngồi trên hòn đá, nàng có thể nghe thấy những âm thanh và tiếng gọi lao xao vang lên từ đường Wilmott. Một hàng dâu ngăn cách vườn cây với những cánh đồng bên kia đồi. Mary định bụng sẽ ngồi bên gốc cây cho đến khi trời xập tối để nặn óc nghĩ ra một kế hoạch nào đó cho tương lai của mình. Tin cha nàng chẳng bao lâu nữa sẽ qua đời đến với nàng dường như vừa thực vừa không thực, nhưng nàng không thể hình dung ra cha mình lúc chết sẽ như thế nào. Trong khoảng khắc, cái chết trong mối tương quan với cha nàng không hiện ra như một cái xác không hồn lạnh lẽo chờ người ta mang đi vùi sâu dưới ba tấc đất; mà trái lại, đối với nàng, dường như cha nàng sẽ không chết mà chỉ là đi đâu đó thật xa. Cách đây thật lâu mẹ nàng cũng đã đi xa như vậy. Nàng cảm thấy nhẹ nhõm

một cách kỳ lạ khi nghĩ đến điều đó. Nàng tự nhủ "Thôi được, đến lúc đó thì mình cũng ra đi, mình sẽ rời khỏi đây và bước vào đời". Mary đã nhiều dịp đến Chicago chơi trong một ngày với cha và nàng hân hoan thích thú nghĩ rằng chẳng bao lâu nữa nàng sẽ đến sống ở đó. Trước mắt nàng hiện ra những con đường dài tắp đông hàng nghìn người, và tất cả đều lạ lẫm đối với nàng. Được dạo trên những con đường như vậy và sống đời mình giữa những người lạ cũng giống như được ra khỏi sa mạc khi cần bước vào khu rừng mát mẻ trải cỏ non mịn màng.

Ở Huntersburg nàng đã luôn sống trong một đám mây mù; giờ đây nàng đang bắt đầu trưởng thành; và cái không khí ngột ngạt chật chội nàng từng hít thở càng lúc càng trở nên khó chịu. Sự thực là chưa có một ai tra vấn công khai về vị trí của nàng trong xã hội, nhưng nàng có cảm tưởng rằng người ta có thành kiến nào đó với nàng. Khi nàng còn nằm trong nôi, trong tỉnh đã nổ ra một "Xì-căng-đan" liên quan đến cha mẹ nàng. Vụ này làm cả tỉnh Huntersburg chấn động và khi nàng còn bé, thiên hạ cứ thỉnh thoảng lại nhìn nàng với đôi mắt vừa thương cảm vừa chế nhạo. Họ bảo "Tội nghiệp con bé! Thật tệ quá!". Một lần nọ, vào một tối mùa hè âm u, cha nàng đã đánh ngựa về quê và nàng ngồi một mình trong bóng tối bên cạnh cửa sổ phòng mạch, nàng nghe một đôi nam nữ ở dưới đường nhắc tới tên mình. Cả hai loạng choạng đi trên hè phố tối đến phía dưới cửa sổ phòng mạch. Người đàn ông nói "Nhỏ con gái bác sĩ Cochran dễ thương lắm". Người phụ nữ bật cười và đáp "Con nhỏ đang trổ mã và bắt đầu hấp dẫn tụi đàn ông rồi. Anh nên coi chừng. Nó sẽ hư đốn thôi, mẹ nào con nấy mà".

Mary ngồi lặng đi trên hòn đá dưới gốc cây trong vườn suốt mười hay mười lăm phút và suy nghĩ về dư luận trong tỉnh về cha con nàng. "Việc đó đáng lẽ phải kéo cha với mình lại gần nhau mới phải", nàng tự nhủ; và không biết sự đe dọa của cái chết sắp đến có làm được cái công việc mà đám mây hàng nhiều năm nay bao phủ cha con nàng đã thất bại không làm được. Dường như trong khoảnh khắc này, việc thần chết chẳng bao lâu nữa sẽ đến viếng cha nàng cũng chẳng có gì là ác độc. Đối với nàng và đối với hoàn cảnh hiện nay. Thần Chết, về một phương diện nào đó, đã trở thành một nhân vật thiện ý đáng yêu. Bàn tay thần chết sẽ mở ra cánh cửa cho nàng thoát ra khỏi nhà cha nàng và bước vào cuộc đời. Với sự tàn nhẫn của tuổi trẻ, điều đầu tiên nàng nghĩ đến là viễn ảnh phiêu lưu mà cuộc đời mới mang lại.
 

Minh họa: PHẠM ĐẠI


Mary ngồi thật yên. Trong đám cỏ dại um tùm, các loài côn trùng ban nãy lặng yên do bị khuấy động giờ đã bắt đầu cất giọng rên rỉ khúc ca ban chiều. Một con chim cổ đỏ bay đậu lên cây nơi nàng ngồi tựa và cất tiếng hót lanh lảnh. Văng vẳng từ phía bên kia đồi vọng lên tiếng người nói chuyện lao xao trong khu công nghiệp mới xây dựng, nghe như tiếng chuông từ ngôi giáo đường xa xa gọi con chiên tới dự lễ. Trong lồng ngực nàng dường như có cái gì đó tan vỡ và, nàng bưng mặt thổn thức khóc. Cùng với những giọt nước mắt tuôn trào là xúc cảm đằm thắm dành cho những con người sống ở Huntersburg.

Chợt từ dưới đường vọng lên tiếng ai gọi. Giọng đó hét lên "Chà, chào cô bé", Mary đứng bật dậy. Trạng thái dịu dàng của nàng biến mất như cơn gió thoáng vụt qua và thay vào đó là cơn tức giận dữ dội.

Duke Yetter đứng ở giữa đường. La cà trước cửa tầu ngựa, hắn đã thấy nàng ra khỏi nhà đi dạo tối chủ nhật và liền bám sát theo sau. Khi nàng đi hết con đường Upper Main đến khu công nghiệp mới, hắn đinh ninh sẽ chinh phục được nàng. Hắn tự nhủ "Nàng không muốn thiên hạ nhìn thấy đi sánh đôi với mình. Nàng dư hiểu là ta sẽ theo sau, nhưng nàng muốn ta đừng lộ diện cho đến khi bạn bè nàng không dòm ngó nữa. Nàng hơi kiêu hãnh, nhưng ta để ý làm gì? Nàng đã ra khỏi nhà và cho ta cơ hội này; có lẽ nàng chỉ e ngại ông bố thôi".

Duke rời đường, leo con dốc ngắn và bước vào khu vườn, nhưng khi đến đống đá tảng chằng chịt dây leo hắn loạng choạng rồi ngã chúi xuống. Hắn bật cười rồi đứng dậy. Mary không đợi hắn đến chỗ nàng mà đã đi xuống về phía hắn, và khi tiếng cười của hắn cất lên phá vỡ sự im lặng trong khu vườn, nàng nhảy bổ tới và thẳng tay tát vào mặt hắn mội cái rõ đau. Rồi trong khi hắn còn đang vướng víu với đám dây leo ở dưới chân, nàng xoay người và chạy bổ xuống đường. Nàng hét lên "Nếu anh đuổi theo hay léo xéo gì nữa thì tôi sẽ kêu người giết anh đấy".

Mary xuống đồi, đi dọc theo con đường về phía phố Wilmott. Những mảnh vụn trong câu chuyện về mẹ nàng mà nhiều năm trôi qua thiên hạ đã truyền miệng đi khắp tỉnh đã lọt đến tai nàng. Người ta nói, vào một đêm hè cách đây lâu lắm, mẹ nàng đã trốn đi cùng với một tên du côn trẻ trong tỉnh - gã này vẫn thường hay la cà trước cửa tàu ngựa cho thuê của lão Barney Smith. Và bây giờ, lại một thằng du côn khác nữa định dở trò với nàng. Ý nghĩ đó khiến nàng giận run lên.

Nàng loay hoay nghĩ trong đầu xem có cách nào vớ được một thứ vũ khí gì đó để đập cho tên Duke Yetter một cái thật nên thân. Trong cơn tuyệt vọng đầu óc nàng lóe lên hình ảnh người cha già, sức khỏe suy kém giờ đang hấp hối. Cha tôi chỉ mong có dịp giết được một kẻ như anh, nàng hét lên và xoay người lại đối điện với gã trai trẻ. Hắn đã thoát ra khỏi đám dây leo chằng chịt trong vườn và đang bám theo nàng xuống đường. "Cha tôi chỉ muốn giết một tên nào đó vì những lời láo khoét mà thiên hạ trong tỉnh đã đặt điều nói về mẹ tôi".

Sau khi đã đe dọa Duke Yetter cho hả cơn giận, Mary liền cảm thấy xấu hổ vì sự nóng nảy của mình và nàng bước vội đi, vừa đi vừa khóc tấm tức. Duke cúi gầm đầu xuống đất lẽo đẽo đi theo nàng. "Tôi không định làm hại gì cô đâu, cô Cochran", hắn nài nỉ. "Tôi không định làm gì hại cả. Đừng mách với cha cô nhé. Tôi chỉ đùa chút với cô thôi mà. Tôi nói là tôi không định làm gì hại cô đâu".

***

Buổi chiều hè bắt đầu chuyển dần sang tối. Trên đường Wilmott người ta tụ tập thành từng nhóm phía trước hiên nhà tối đen hay bên hàng dậu, gương mặt họ nổi lên như những đốm sáng nhỏ hình ô-van dìu dịu. Tiếng cười đùa của lũ trẻ con đã lặng xuống và tụi nhỏ cũng quây lại thành từng nhóm. Khi Mary đi ngang qua, họ im bặt, và ngước mắt lên chăm chú nhìn nàng. Nàng nghe tiếng một người phụ nữ nói bằng tiếng Anh. "Cô ấy sống không xa đây lắm đâu. Chắc hẳn cũng là láng giềng quanh quanh đây". Khi nàng ngoái đầu lại, nàng chỉ trông thấy một đám đàn ông da sậm màu đứng trước cửa một căn nhà. Từ trong nhà vọng ra tiếng một người phụ nữ đang hát ru con ngủ.

Chàng trai Ý, người đã gọi nàng hồi chiều, giờ rõ ràng đang khơi sự chuyến viễn du chiều chủ nhật. Chàng đi dọc theo hè phố và rảo bước lẫn vào trong bóng tối. Chàng mặc bộ cánh đẹp nhất của mình, đội chiếc mũ quả dưa màu đen, cổ áo trắng hồ cứng nổi bật lên nhờ chiếc cà-vạt màu đỏ. Chiếc áo trắng khiến làn da nâu của chàng sậm xuống gần như đen. Chàng hồn nhiên mỉm cười và vụng về giơ mũ chào nhưng chẳng nói chi cả.

Mary cứ ngoái cổ ra sau nhìn xem Duke Yetter có còn đi theo nàng không, nhưng trong ánh sáng lờ mờ nàng chẳng thấy hắn đâu cả. Cơn nóng giận của nàng nguôi ngoai dần.

Nàng không muốn về nhà và thấy đến nhà thờ bây giờ cũng quá trễ. Từ đường Upper Main có một con đường ngắn chạy về hướng đông và từ trên đồi đổ khá dốc xuống một nhánh sông có cầu bắc ngang, là nơi đánh dấu ranh giới của tỉnh về hướng này. Nàng đi men theo con đường đến chiếc cầu, trong ánh sáng yếu ớt đứng nhìn hai cậu bé đang câu cá trên sông.

Một người đàn ông vai rộng ăn mặc thô kệch đi dọc theo con đường rồi dừng lại trên cầu và bắt chuyện với nàng. Đây là lần đầu tiên nàng được nghe một người dân trong tỉnh nói đến cha nàng với giọng cảm tình. "Cô là con gái bác sĩ Cochran phải không" - ông ngập ngừng hỏi. "Chắc cô không biết tôi là ai đâu, nhưng ông thân của cô thì biết đấy". Ông ta chỉ về phía hai cậu bé tay cầm cần câu đang ngồi trên bờ sông, cỏ mọc xanh rì. "Đó là hai đứa con trai tôi, và tôi còn bốn cháu nữa". Ông giải thích thêm "Thêm một thằng con trai và ba đứa con gái. Một trong các con gái tôi làm việc ở một cửa tiệm. Nó cũng trạc tuổi cô". Người đàn ông giải thích mối quan hệ giữa ông ta và bác sĩ Cochran. Ông ta kể mình là một nông dân vừa mới dọn vào tỉnh để làm việc cho xí nghiệp sản xuất đồ đạc. Mùa đông năm trước ông bị bệnh kéo dài và không có tiền. Trong khi ông nằm ốm thì một đứa con trai ông ngã từ gác xép nhà kho xuống đất và đầu bị toác một đường lớn.

"Cha cô đến thăm chúng tôi mỗi ngày và khâu lại vết nứt trên đầu thằng Tom nhà tôi". Bác nông dân không nhìn Mary, tay ông vân vê chiếc mũ và mắt hướng về hai đứa trẻ. "Tôi thất cơ lỡ vận, cha cô không chỉ chăm sóc tôi và tụi nhỏ mà còn đưa cả tiền cho vợ tôi để bà ấy ra mấy cửa tiệm ngoài tỉnh mua sắm những thứ cần thiết như thuốc men, đồ ăn thức uống". Ông nói rất khẽ đến nỗi Mary phải chồm tới trước mới nghe được. Khuôn mặt nàng gần như cọ vào vai bác nông dân. "Cha cô là một người rất tốt bụng nhưng tôi nghĩ ông không được hạnh phúc cho lắm", ông ta tiếp. "Tôi và thằng bé bình phục, và tôi kiếm được việc làm trong tỉnh, nhưng bác sĩ không chịu lấy một món tiền nào của tôi cả". "Anh biết cách sống với vợ con anh. Anh biết cách làm cho họ hạnh phúc. Anh giữ lấy tiền và lo cho họ". Bác sĩ nói với tôi như thế đó".

Bác nông dân đi qua cầu, men theo bờ sông đến chỗ hai cậu con đang ngồi câu. Mary đứng dựa vào thành cầu nhìn xuống dòng nước chảy lờ đờ. Ở những khoảng tối dưới chân cầu, nước như có màu đen thẫm và nàng nghĩ cuộc đời của cha nàng sống cũng giống như vậy. "Nó giống như một dòng nước luôn luôn chảy trong bóng tối và chẳng hề bao giờ ló ra ngoài ánh sáng" nàng nghĩ thầm và tim nàng thắt lại trước nỗi sợ hãi rằng chính cuộc đời nàng rồi cũng sẽ trôi đi trong bóng tối. Một tình yêu mới vô cùng thắm thiết dành cho cha tràn ngập lòng nàng và nàng tưởng tượng cha đang quàng tay ôm lấy mình. Khi còn nhỏ, nàng thường mơ đến bàn tay cha trìu mến vuốt ve mình và, giờ đây giấc mơ đó lại trở về. Nàng đứng nhìn xuống dòng sông một lúc lâu và quyết định rằng đêm nay nàng sẽ cố gắng biến giấc mơ cũ thành hiện thực. Khi nàng ngẩng lên, bác nông dân đã chất củi nhóm một ngọn lửa nhỏ bên bờ sông. Ông gọi vọng lên "Chúng tôi bắt cá bống ở đây. Ánh lửa sẽ hấp dẫn cá đến gần bờ. Nếu cô muốn tập câu cá chơi, các con tôi sẽ đưa cô mượn cần câu".

"Ồ, cám ơn bác, nhưng cháu không câu tối nay đâu". Mary đáp và vội vã bỏ đi vì e rằng nàng sẽ bật khóc và khi ấy, nếu ông ta hỏi nữa thì nàng sẽ chẳng biết cách nào mà trả lời. Người đàn ông và hai đứa con la lớn "Tạm biệt cô nhé!". Cả ba người hầu như đồng thanh hét lên một lúc và, tiếng chào của họ như tiếng kèn trompet lanh lảnh vang lên một điệu vui tươi trên trái tim nặng trĩu của nàng.

***

Khi Mary rời nhà đi dạo buổi tối, bác sĩ Cochran ngồi một mình trong phòng mạch hằng giờ đồng hồ. Trời bắt đầu tối và nhóm thanh niên suốt buổi chiều ngồi trên những chiếc ghế hay những thùng gỗ trước cửa tầu ngựa bên kia đường đã trở về nhà để dùng bữa. Tiếng cười nơi ồn ào thưa dần và đôi khi, sự im lặng kéo dài hàng năm mười phút. Từ một đường phố xa xa vọng lên tiếng trẻ con khóc. Và, giờ đây chuông nhà thờ bắt đầu đổ hồi.

Bác sĩ không phải là người hay chăm chút vẻ bề ngoài, đôi khi bẳng đi mấy ngày liền ông quên cả cạo mặt. Ông đưa bàn tay thon dài lên vuốt vuốt hàm râu đã mọc dài phần nửa. Căn bệnh ông trở nên trầm trọng hơn cả mức bản thân ông chẩn đoán, và hồn ông dường như cứ muốn lìa khỏi xác. Nhưng lúc ngồi một mình như thế này tay ông thường đặt lên lòng và ông chú mục nhìn chúng với thái độ chăm chút rất trẻ thơ. Đối với ông, đôi tay này dường như thuộc về một người nào khác. Ông đâm ra triết lý. "Thân thể mình thật là một thứ kỳ lạ. Mình đã sống bên trong nó hàng bao nhiêu năm nay thế mà mình đã sử dụng nó quá ít. Bây giờ nó sắp chết đi và mục rữa mà chẳng hề được sử dụng. Không hiểu tại sao nó lại không cho người khác thuê nhỉ?". Ông cười buồn vì ý nghĩ tưởng tượng này nhưng rồi lại tiếp tục suy nghĩ: "À, mình đã dùng đầu óc để suy nghĩ khá đầy đủ về con người, và mình có quyền sử dụng đôi môi này cái lưỡi này; thế mà mình lại để chúng nằm chơi không. Khi Ellen thân yêu còn sống ở đây với mình, mình đã khiến cho nàng nghĩ rằng mình là một kẻ lạnh lùng, lãnh đạm; trong khi có một cái gì đó bên trong mình cứ thúc giục, thúc giục mãi để cố thoát ra."

Ông nhớ lại thời trai trẻ, tối tối ông vẫn thường im lặng ngồi bên vợ cũng tại chính phòng mạch này; và đôi tay ông đã đau khổ xiết bao với nỗi khát khao muốn vượt qua khoảng không gian rất hẹp ngăn cách họ để được vuốt ve đôi tay nàng, khuôn mặt nàng, mái tóc nàng.

Mọi người trong tỉnh đều tiên đoán rằng cuộc hôn nhân của ông hẳn rồi sẽ diễn ra tồi tệ! Vợ ông là diễn viên của một gánh hát đến lưu diễn ở Huntersburg và bị xui xẻo mắc kẹt ở đây. Đúng vào lúc đó nàng lâm bệnh và không còn lấy một đồng xu để trả tiền thuê phòng ở khách sạn. Vị bác sĩ trẻ đã lo liệu thu xếp tất cả mọi việc và khi nàng bình phục, ông đã đánh xe ngựa đưa nàng đi chơi khắp miền quê. Nàng đã sống một cuộc đời lắm nỗi gian truân nên rất thích thú nghĩ đến một cuộc sống êm ả nơi cái tỉnh nhỏ này.

Nhưng rồi sau khi họ lấy nhau và sau khi đứa bé ra đời, nàng bỗng thấy mình không thể tiếp tục chung sống với người đàn ông yên lặng và lạnh lùng ấy nữa. Thiên hạ kể rằng nàng đã bỏ trốn cùng với một tên công tử bột, con trai một chủ quán rượu vì tên này cũng biến mất khỏi tỉnh vào thời gian ấy. Nhưng chuyện đó không có thực. Chính Lester Cochran đã đưa nàng tới Chicago, nơi đây nàng đã xin được một chân trong gánh hát sẽ đi lưu diễn ở các tiểu bang miền viễn tây. Rồi cũng chính ông đã đưa nàng đến cửa khách sạn, ấn tiền vào tay nàng rồi lặng lẽ xoay người ra đi, không gởi lại dù chỉ là một nụ hôn từ biệt.

Bác sĩ ngồi trong phòng mạch hồi tưởng lại cái giây phút ấy và những giây phút sôi nổi mãnh liệt khác nữa khi trong lòng ông dạt dào xúc động nhưng ngoài mặt lại tỏ vẻ thản nhiên hững hờ. Ông không biết vợ mình có hiểu hay không. Biết bao nhiêu lần rồi ông đã tự hỏi mình câu đó. Sau cái đêm ông chia tay nàng ở cửa khách sạn, nàng chẳng hề viết thư cho ông. "Có lẽ nàng đã chết rồi", đây là lần thứ một ngàn ông nghĩ như vậy.

Một hiện tượng mà hơn một năm nay rất thường xảy ra trong những lúc ông rỗi rảnh giờ lại xuất hiện. Trong tâm trí bác sĩ Cochran, hình ảnh kỷ niệm của vợ ông trở nên lẫn lộn với hình ảnh con gái ông. Vào những lúc như vậy, dù ông cố phân biệt hai hình ảnh để tách chúng hẳn ra, ông cũng đành chịu thua. Ông khẽ nghiêng đầu và tưởng như trông thấy một chiếc bóng thiếu nữ trăng trắng từ trong dãy phòng cha con ông ở bước qua cửa; cánh cửa sơn màu trắng đong đưa chầm chậm theo làn gió thoảng thổi vào từ cánh cửa sổ mở. Làn gió thổi nhè nhẹ, khe khẽ khắp gian phòng và vờn trên những trang giấy đặt trên chiếc bàn ở góc phòng. Có tiếng động nho nhỏ tựa như tiếng váy phụ nữ loạt xoạt. Bác sĩ đứng dậy, run lẩy bẩy. Ông cất giọng khàn khàn hỏi "ai vậy? Có phải Mary đấy không, hay là Ellen?".

Có tiếng bước chân thình thịch leo lên chiếc cầu thang được bắc thẳng lên từ dưới đường, rồi cánh cửa ngoài bật mở. Quả tim yếu ớt của bác sĩ đập loạn xạ và ông nặng nề ngồi phịch xuống ghế.

Một người đàn ông bước vào phòng. Đó là một nông dân, một trong những bệnh nhân của bác sĩ. Khi đến giữa phòng hắn đánh một que diêm, giơ cao lên khỏi đầu và lớn tiếng gọi "Xin chào!". Khi bác sĩ đứng dậy và lên tiếng trả lời, hắn giật bắn cả người đến nỗi que diêm rơi xuống, cháy âm ỉ dưới chân hắn.

Người nông dân trẻ có đôi chân rắn chắc trông như hai cột đá chống đỡ một tòa nhà đồ sộ. Nằm trên sàn nhà giữa hai chân hắn là que diêm đang cháy dở. Ngọn lửa con con từ đầu que diêm lung linh theo làn gió hắt lên các bức tường trong phòng những hình bóng chập chờn nhảy múa. Tâm trí ngổn ngang của bác sĩ vốn vẫn còn bấu víu chưa rời các hình ảnh tưởng tượng, giờ lại được tình huống mới cung cấp thêm chất liệu.

Quên cả sự hiện diện của người nông dân, tâm trí ông hối hả ôn lại quãng đời chung sống vợ chồng của mình trước đây. Ánh sáng chập chờn trên tường gợi ông nhớ đến một ánh sáng nhảy múa khác. Một chiều hè nọ trong năm đầu tiên mới lấy nhau, ông và Ellen lái xe về miền quê chơi. Lúc ấy họ đang trong giai đoạn sắm sửa đồ đạc trong nhà. Đến nhà một nông dân nọ, Ellen nhìn thấy một cái gương cũ treo trên tường nhà kho, bỏ đã lâu không được soi đến. Bởi vì có cái gì đó là lạ trong kiểu cách trang trí chiếc gương khiến Ellen đâm ra thích nó, và bà vợ người nông dân đã tặng nàng chiếc gương soi đó. Trên đường về nhà cô vợ trẻ báo tin cho chồng rằng mình đã mang thai và lúc ấy, bác sĩ đã xúc động hơn bao giờ hết. Ông ngồi giữ khư khư chiếc gương trên đầu gối trong khi người vợ lái xe, và khi nói về đứa trẻ sắp ra đời nàng quay mặt nhìn về phía cánh đồng.

Cảnh tượng ấy đã khắc sâu trong tâm khảm ông xiết bao, vầng dương đang ngả xuống trên những cánh đồng bắp và lúa mạch hai bên đường. Đất ruộng đen xẫm và chốc chốc con lộ lại băng ngang những khúc đường nhỏ trồng đầy cây trông cũng tối đen trong ánh chiều chạng vạng.

Chiếc gương trên gối ông đón nhận những tia nắng xế và hắt ra một đốm sáng mầu vàng lớn nhảy múa trên những cánh đồng, trong những hàng cây. Giờ đây khi ông đứng trước mặt người nông dân và khi ngọn lửa con con trên đầu que diêm gợi ông nhớ đến những tia sáng nhảy múa buổi chiều kỷ niệm đó, bác sĩ mới hiểu ra tại sao cuộc hôn nhân và cuộc đời mình thất bại. Một buổi tối lâu lắm rồi, Ellen đã nói với ông về viễn cảnh phiêu lưu kỳ diệu trong cuộc hôn nhân sắp tới của họ, khi ấy ông đã ngồi nín thinh vì ông nghĩ chẳng có lời nào có thể diễn tả cho xiết tất cả cảm xúc của ông lúc bấy giờ. Ông đã tìm cách tự bào chữa. "Mình đã nhủ lòng rằng nàng đáng lẽ phải hiểu rõ nỗi lòng mình mà chẳng cần mình phải nói ra, và suốt đời mình; mình cũng đã giữ một thái độ như vậy đối với Mary. Mình quả là một tên đần độn và hèn nhát. Mình đã luôn luôn nín lặng chỉ vì mình sợ biểu lộ tình cảm y hệt như một thằng đần ngu ngốc vất bỏ mọi cơ hội. Mình đúng là một tên kiêu hãnh và hèn nhát".

"Tối nay mình sẽ nói, dù có phải chết mình cũng sẽ nói với con", ông nói lớn thành lời và đầu óc lại nghĩ đến hình ảnh con gái mình.

"Ô kìa, chuyện gì đấy?", người nông dân cất tiếng hỏi. Hắn vẫn cầm mũ trên tay và đứng đợi để thưa với ông sứ mệnh của mình.

Bác sĩ dắt ngựa ra khỏi tầu ngựa của Barney Smith và phóng về miền quê để đỡ đẻ cho vợ người nông dân sinh con so. Sản phụ mảnh dẻ, hông lại hẹp; trong khi đứa trẻ lại khá to. Nhưng bác sĩ hoạt động mạnh ráo riết. Ông làm việc điên cuồng trong khi sản phụ đã quá khiếp sợ; bà rên rỉ và oằn mình chịu đau. Người chồng sốt ruột hết ra lại vào. Hai người hàng xóm đứng quanh xem có cần sai bảo gì không. Mãi đến quá mười giờ mọi chuyện mới xong xuôi, và bác sĩ sửa soạn trở về tỉnh.

Người nông dân dắt ngựa ra cổng và bác sĩ cưỡi ngựa trở về, cảm thấy người vừa yếu lại vừa mạnh một cách kỳ lạ. Cái việc mà ông còn phải làm nghĩ mới đơn giản làm sao! Có lẽ khi ông về đến nhà con ông đã lên giường ngủ, nhưng ông sẽ đánh thức con dậy và bảo con vào phòng mạch. Rồi ông sẽ kể cho con nghe toàn bộ câu chuyện về cuộc hôn nhân của mình và nguyên do tan vỡ của nó không dấu diếm mà cũng chẳng xấu hổ gì nữa. "Có một cái gì đó rất cao quí và đẹp đẽ trong con người Ellen thân thương của mình; và mình phải để cho Mary hiểu điều đó. Nhận thức đó sẽ giúp con trở thành một phụ nữ đẹp", ông nghĩ như vậy và lòng tràn ngập niềm tin tưởng vào quyết tâm sắt đá của mình.

Ông về đến trước cửa tầu ngựa lúc mười một giờ khuya và Barney Smith, Duke Yetter và hai gã khác nữa đang ngồi nói chuyện ở phía trước. Gã chủ dắt ngựa vào trong tầu ngựa tối thui, còn bác sĩ đứng tựa vào tường căn nhà nghỉ một lát. Người tuần đêm trong tỉnh cũng đứng đó trước cửa tầu ngựa, cùng với một nhóm và, giữa hắn và Duke Yetter nổ ra một trận cãi vã. Bác sĩ chẳng để ý nghe hai bên đang kịch liệt lời qua tiếng lại, cũng chẳng nghe tiếng Duke cười sằng sặc vào mặt tên tuần đêm đang nổi giận. Một trạng thái phân vân kỳ lạ bao trùm lấy ông. Có một điều gì đó ông hằng điên cuồng khao khát được thực hiện vậy mà ông lại chẳng nhớ nổi là gì. Chẳng biết điều đó liên quan đến Ellen vợ ông hay Mary, con gái ông? Trong tâm trí ông hình ảnh của hai người phụ nữ đó lại lẫn lộn với nhau và thêm vào mớ hỗn độn đó lại có thêm một hình ảnh thứ ba, hình ảnh người sản phụ ông vừa mới đỡ đẻ xong. Tất cả là một mớ hỗn độn. Ông dợm băng qua đường đi về phía cổng cầu thang dẫn lên phòng mạch, nhưng chợt dừng lại giữa lộ và ngơ ngác nhìn quanh. Barney Smith sau khi dắt ngựa vào bên trong quay trở ra đóng sập cánh cửa lại. Ngọn đèn treo trên cửa lắc lư đảo qua đảo lại, hắt ra những cái bóng kỳ lạ nhảy múa trên gương mặt, thân hình của những thanh niên đamg đứng cãi nhau bên bức tường tầu ngựa.

Mary ngồi bên cửa sổ phòng mạch đợi cha về. Nàng quá chìm đắm trong những suy tưởng riêng tư nên chẳng nghe gì đến giọng của Duke Yetter đang nói chuyện với mấy người bên dưới đường.

Khi Duke bước vào phố, cơn phẫn nộ hồi chiều lại dâng lên trong lòng nàng và, nàng tưởng như trông thấy hắn vượt qua khu vườn tiến về phía nàng với vẻ tự phụ đàn ông lóe lên trong đôi mắt, nhưng giờ đây nàng quên hẳn hắn và chỉ nghĩ đến cha mà thôi. Một sự kiện thời thơ ấu hiện lên ám ảnh nàng. Một buổi chiều tháng năm nọ, khi nàng lên mười lăm, cha nàng bảo nàng theo ông về miền quê chơi. Bác sĩ đi thăm một bệnh nhân sống trong một nông trại cách tỉnh năm dặm. Do mấy hôm trước trời mưa nhiều nên đường đi rất lầy lội. Khi họ đến nông trại thì trời đã tối và họ đi vào bếp dùng bữa ăn nguội dọn trên bàn. Vì một nguyên do nào đó chẳng rõ, cha nàng tối hôm đó đã tỏ vẻ rất trẻ trung yêu đời, và hầu như, còn tỏ ra vui nhộn nữa. Trên đường đi ông đã trò chuyện đôi chút với nàng. Ngay những năm dậy thì ấy, Mary đã lớn bộn và mang đáng dấp của một thiếu nữ. Sau bữa tối trong nhà bếp nông trại, hai cha con đi dạo chung quanh nhà, và rồi nàng ngồi xuống trên hiên nhà hẹp. Cha nàng đứng trước mặt nàng một lúc. Ông đút hai tay vào túi quần và ngửa đầu ra sau cười thoải mái. Ông nói "nghĩ cũng lạ, con vậy là sắp trở thành thiếu nữ rồi. Khi con thực sự trở thành thiếu nữ, con có nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra không nhỉ? Con sẽ sống một cuộc đời như thế nào? Chuyện gì sẽ xảy ra với con?".

Bác sĩ ngồi xuống bên cạnh con và trong một thoáng, nàng nghĩ cha sắp sửa quàng vai mình. Nhưng ông bỗng đứng phắt dậy đi vào nhà, bỏ mặc nàng ngồi một mình trong bóng đêm.

Khi hồi tưởng lại sự kiện trên, Mary cũng nhớ ra rằng vào buổi tối thơ ấu đó, nàng đã đáp lại thái độ làm thân của cha bằng sự yên lặng. Theo nàng, không phải cha nàng mà chính nàng là người có lỗi về cuộc đời mà hai người đã chung sống. Bác nông dân nàng gặp trên cầu đâu có cảm thấy sự lãnh đạm của cha nàng. Ấy chính là do bác nông dân ấy đã có thái độ ân cần thân thiết đối với người đã chăm sóc ông trong những giờ phút yếu đau hoạn nạn. Cha nàng nói rằng bác nông dân biết cách làm cha, và Mary nhớ lại hai cậu bé câu cá bên nhánh sông đã chào nàng chân tình biết bao khi nàng biến vào bóng đêm. Nàng ân hận nghĩ cha chúng biết cách làm cha vì các con của ông ấy biết hết lòng thương yêu cha chúng. Nàng cũng sẽ hết lòng thương yêu cha mình và, trong đêm nay, nàng sẽ thể hiện điều đó. Vào cái buổi tối xa xưa đó khi nàng cưỡi ngựa về nhà bên cạnh cha, ông đã cố gắng một lần nữa phá vỡ bức tường ngăn cách hai cha con, nhưng lại thất bại. Những cơn mưa lớn khiến nước dâng lên trong những con suối mà họ phải vượt qua và khi họ gần đến tỉnh, ông dừng ngựa lại trên một chiếc cầu gỗ. Chú ngựa nóng nảy lắc bên này ngoắc bên kia, còn cha nàng nắm chắc dây cương và chốc chốc lại nói chuyện với nó. Dưới chân cầu dòng suối ngập nước réo lên ầm ĩ và, trong cánh đồng bằng phẳng bên vệ đường, có một cái hồ ngập tràn nước. Khi đó mặt trăng từ sau đám mây hiện ra và gió đùa lăn tăn trên mặt nước. Cái hồ ngập nước chan hòa những ánh trăng nhảy múa. "Cha sẽ kể cho con nghe về cha và mẹ con", ông nói giọng khào khào, nhưng ngay lúc ấy các thân gỗ trên cầu chuyển mình răng rắc, tựa như sắp lìa ra, và chủ ngựa phóng vọt về phía trước. Khi cha nàng kìm con vật hốt hoảng lại được thì họ đã vào đến tỉnh, và cha nàng lại rút về cái bản chất rụt rè yên lặng cố hữu.

Mary ngồi trong bóng tối bên cạnh cửa sổ phòng mạch và trông thấy cha nàng cưỡi ngựa đi vào phố. Sau khi người ta dắt ngựa đi rồi, ông không lên thẳng phòng mạch như lệ thường mà lại nấn ná trong bóng đêm trước cửa tầu ngựa. Có một lần ông dợm bước ra đường nhưng rồi lại quay về vùng tối cũ.

Một vụ cãi nhau nổ ra trong đám người đã ngồi suốt hai tiếng đồng hồ lặng lẽ trò chuyện. Jack Fisher, người tuần đêm trong tỉnh đã kể cho cả nhóm nghe chuyện một trận đánh mà hắn đã tham gia trong thời Nội Chiến(1) thì Duke Yetter bắt đầu giễu cợt hắn. Người tuần đêm điên tiết lên. Nắm chặt chiếc gậy đi tuần, hắn khập khiễng lê qua lê lại. Giọng nói sang sảng của Duke Yette cắt ngang cái giọng the thé của nạn nhân đã thua trí hắn. "Tao nói cho chú mày biết, Jack ạ, đáng lẽ mày phải đập vào bẹ sườn hắn chứ. Phải, mày phải đập vào bẹ sườn cái tên miền nam ấy và rồi, phải dần cho nó nhừ tử ra. Tao thì tao phải làm như thế đó". Duke hét lên và cười sằng sặc. "Mày thì có thể, có thể làm loạn hết cả lên", gã tuần đêm đáp lại, giọng tức điên lên vì chẳng làm được gì Duke.

Gã cựu chiến binh bỏ đi, đuổi theo sau hắn là tiếng cười của Duke, tụi bạn hắn và Barney Smithfield. Barney đã dắt ngựa vào trong và đi ra khép cửa tầu ngựa lại. Ngọn đèn treo trên cửa lắc lư, đảo qua đảo lại. Bác sĩ Cochran lại băng qua đường, và khi đến chân cầu thang ông vui vẻ la lớn lên chào nhóm thanh niên "chúc ngủ ngon nhé!". Làn gió thoảng mùa hè thổi tung một lọn tóc phết ngang má Mary và nàng nhảy phắt dậy như thể có một bàn tay từ trong bóng tối vươn ra vuốt má nàng. Nàng đã nhìn thấy cha cỡi ngựa trở về trong đêm khuya hàng trăm lần rồi; nhưng chẳng bao giờ ông hé răng nói lấy một lời nào với mấy gã la cà trước cửa tầu ngựa cả. Nàng đâm ra bán tín bán nghi rằng người đang leo lên thang lầu không phải cha nàng mà là một người nào khác.

Tiếng chân kéo lê nặng nề vang lên trên chiếc cầu thang gỗ và Mary nghe thấy tiếng cha nàng đặt cái túi xách nhỏ vuông vuông đựng thuốc men mà ông luôn mang theo xuống. Cái trạng thái vui vẻ nồng nhiệt của ông vẫn kéo dài, nhưng tâm trí ông thì lại hết sức hoang mang, Mary tưởng như thấy cái bóng đen của ông hiện ra trên thềm cửa. "Người phụ nữ sinh một đứa con", tiếng nói nồng nhiệt từ phía bậc thềm phía ngoài cửa cất lên. "Việc đó xảy ra cho ai? Cho Ellen hay người phụ nữ kia, hay cho Mary bé bỏng của tôi?".

Từ miệng người đàn ông tuôn ra những câu nói, những lời phản đối. Ông cất tiếng hỏi "Ai đang sinh con? Tôi muốn biết. Ai đang sinh con? Cuộc sống không có lối thoát. Tại sao trẻ con cứ mãi sinh ra?".

Một tiếng cười khẩy bật ra khỏi vành môi của bác sĩ, và cô con gái ông chồm tới trước, tay nắm chặt lấy thành ghế. "Một đứa trẻ con đã được sinh ra", ông tiếp", "Thật là lạ nhỉ, tay ta cứ phải đứa trẻ ra đời trong khi cái chết chực chờ mãi bên cạnh ta".

Bác sĩ Cochran nện chân lên bậc thềm "chân ta đã lạnh cóng và tê buốt đi vì đợi chờ đưa một cuộc sống thoát thai từ một cuộc sống", ông mệt nhọc nói "người sản phụ đã phải vật lộn với cuộc sống và giờ đây đến lượt ta".

Theo sau tiếng chân nện trên thềm và lời nói mệt nhọc của người đàn ông bệnh hoạn là một chuỗi im lặng dài. Từ con đường phía dưới vẳng lên thêm một tràng cười huyên náo nữa của Duke Yetter.

Và rồi bác sĩ Cochran té bật ngửa ra sau, lăn từ chiếc cầu thang hẹp xuống đường. Ông không la lấy một tiếng, chỉ có tiếng đế giầy ông đập lộc cộc vào bậc thang và tiếng "rầm" khủng khiếp tắt ngấm khi thân người đổ xuống.

Mary ngồi bất động trên ghế. Nàng nhắm mắt lại chờ đợi. Tim nàng đập thình thịch. Một nỗi yếu đuối chế ngự và bao trùm lên toàn thân nàng. Từ đầu đến chân nàng chạy rần rật những đợt sóng cảm xúc như thể có những sinh vật li ti với đôi chân mảnh như sợi tóc đang đùa giỡn trên da thịt nàng.

Chính Duke Yetter bế thi thể ông lên lầu và đặt vào chiếc giường trong căn phòng đằng sau phòng mạch. Một gã trong nhóm thanh niên ngồi trước cửa tầu ngựa đi theo sau nhấc tay ông lên rồi bối rối buông xuống. Giữa hai ngón tay ông còn kẹp một điếu thuốc lá cháy dở. Đốm lửa ở đầu điếu thuốc lá chập chờn nhảy múa trong bóng đêm.

THU HƯƠNG (dịch)
(SH24/4-87)



---------------------
(1) Cuộc chiến tranh xảy ra giữa miền Bắc và miền Nam nước Mỹ, kéo dài từ 1861 - 1865.








 

Các bài mới
Sushi(1) (18/09/2024)
Con diệc trắng (22/08/2024)
Trở về (07/05/2024)
Bóng tối (26/01/2024)
Tanoo (05/01/2024)
Cơn choáng (18/12/2023)
Các bài đã đăng
Phút mặc khải (19/10/2012)
Mở khóa kéo (25/09/2012)
Khúc nhạc rắn (10/09/2012)
Ba lần rơi (27/08/2012)
Vâlmki (25/05/2012)
Sợi tơ nhện (04/04/2012)
Quê nhà (10/02/2012)
Rồng đá (20/01/2012)