Truyện dịch
Người tình của Ông Briseux
09:45 | 31/05/2013

HENRY JAMES 
     (Tiếp theo Sông Hương số 290 tháng 4/2013)

Một buổi sáng (tôi cho là ở gần La Spezia) Harold đang vẽ bên gốc cây, không xa quán trọ, tôi ngồi cạnh, lớn tiếng đọc Shelley(18) - người có thể chứng tỏ được trìu mến hơn bất cứ ai.

Người tình của Ông Briseux
Chân dung văn hào Henry James do John Singer Sargent vẽ - Ảnh: wiki

Chúng tôi có sự khác nhau nhỏ về chủ đề một trong các bài thơ - những tuyệt tác “Thi tiết được viết trong nỗi thất vọng gần Naples(19); chắc ông còn nhớ. Harold cho là chúng thô sơ. Tôi tin là từ này không được chọn đúng; và tôi nhớ, để nhấn mạnh quan điểm của mình, tôi nói rằng dẫu tôi không phán xét được về hội họa, nhưng tin là làm được với thi ca. Thế là anh nói tôi (tôi không quên những lời của anh) rằng “tôi thiếu văn hóa trong mọi lĩnh vực”, hình như tôi chống lại: tôi ưa thiếu văn hóa hơn là thiếu tưởng tượng. Đối với một cặp tình nhân, đó là kiểu cãi vã rất đẹp. Một lúc sau, anh phát hiện quên một bút vẽ ở nhà trọ, và đi về lấy. Phán quyết của anh về Shelley tội nghiệp vang dội bên tai trong khi tôi chiêm ngưỡng màu xanh lóng lánh của biển khơi và thầm thì những câu thơ mà nhà thơ gợi lại một cách tuyệt vời. Rồi tôi đến ngồi trên ghế đẩu của Harold để coi anh ta thực hiện cái hiệu quả huyền diệu ấy như thế nào. Bức họa gần xong, nhưng thảm hại thay tôi ít văn hóa quá để thưởng thức. Đại dương xanh, tuy nhiên, với toàn ý thức tôi thấy khá kém xanh. Trong khi so sánh với màu xanh da trời lan tỏa trong thực tế, tôi nghe có tiếng nói sau lưng, quay lại, tôi thấy hai ông ở nhà trọ mà một là người bạn ngồi bên trong bữa ăn tối hôm trước. Ông ta là người nước ngoài, nhưng nói tiếng Anh. Nhận ra tôi, ông lịch sự tiến đến, kéo theo bạn đồng hành và tức thì ngẩn ngơ trước bức vẽ của tôi. Không chậm trễ, tôi cho ông biết bức vẽ không phải của tôi; đó là tác phẩm của ông Staines. Không chút bối rối, ông phán rằng nó khá đẹp nếu là của tôi; và dù tôi phải quảng bá nhiều; nhưng bạn ông ta, tỏ ra tính cách ít nông cạn hơn, cận thị nặng, sau khi quan sát tỉ mỉ, mũi dán trên tấm giấy, kêu lên với nụ cười ngượng nghịu: “Ông Staines? Quái lạ! tôi cứ tưởng là sáng tác của một cô gái.” Lời khen thật đáng nghi ngại, và chẳng góp phần phục hồi được vẻ nghiêm nghị của tôi. Là cô gái, tôi giả thiết được tâng bốc, nhưng là hôn thê tôi mong muốn Harold vẽ như một người đàn ông. Tôi không biết sau sự cố ấy bao thời gian qua đi, với các phỏng đoán vô hại trước khi tôi không cho phép tự hỏi thế nào là cảm xúc của một phụ nữ lấy phải anh chồng kém tài. Thế rồi tôi nhớ như thể đó là lời kết tội chính mình vì chưa bao giờ tôi nghe ai nói về những bức vẽ của anh; và khi tôi thấy chúng được mẹ anh trưng bày ra xã hội, tiếng xì xào tán dương thường lệ trong các trạng huống như thế làm tôi thấy bị ép buộc hơn. Song tôi tự nhắc ngay không phải vì anh vẽ hơn hay kém lôi cuốn tôi, mà bởi anh là anh của con người vật chất và tinh thần, đỉnh cao của sự hoàn mỹ. Đó là điều tôi đi đến việc tự hỏi: người ta có thể mệt mỏi vì hoàn hảo không - nếu (Chúa xá tội cho tôi!) tôi đã đánh mất ít nhiều kiên nhẫn đối với sự hoàn hảo của Harold. Tôi có thể hình dung anh là người không tuyệt đối, rất bình tĩnh, rất dài dòng với những ý kiến gay gắt. Vậy, phải chăng anh đã sắp xếp mọi thứ trong đầu ư? Phải, chắc chắn anh đã lợi dụng thời cơ của mình và tôi chỉ còn ngưỡng mộ tin vào tính cần mẫn của anh. Từ lúc nhận ra anh không để mất thì giờ cho bất cứ thứ gì như khí sắc, mơ mộng, vui đùa trí tuệ; tôi quyết không xem anh là một thiên tài; tuy nhiên, đôi khi nghe anh nói, người ta có thể tin chắc là ít nhiều anh cũng có tài.

Anh trình bày các lập luận như được thiên phú, và đối với anh không gì quen thuộc hơn là nói: “Các bạn nhớ không? Cách đây một tháng tôi đã nói với các bạn điều này, điều kia”, và cho biết đã thiết lập quy tắc về điểm nào đó rồi; và anh chờ đợi tôi ghi khắc vào trái tim mình. Thường khi, tôi hay quên khuấy bài học này và buộc đòi hỏi được nhắc lại, song nó chỉ làm tôi không vừa lòng hơn mà thôi. Harold sửa sang lại cổ áo sơ mi như khi anh tra cứu vấn đề; còn tôi ẩn trốn trong im lặng càng ngày càng bất tín hơn. Tuy vậy (cũng lạ là điều này có thể làm ông thấy rõ) tôi tưởng chừng xem Harold là một kiểu mẫu, còn những nghi vấn của tôi là vô đạo đức; nếu sau khi có thể giả thiết bà Staines thắng cuộc, đã không khăng khăng kiện cáo suốt cả mùa đó. Tôi không biết bà có nghi ngờ những dè dặt giấu kín của tôi không, nhưng hình như bà muốn giữ tôi lại phản cung đâu đó. Tôi là một đám rất khiêm nhường đối với con trai bà, và nếu tôi thông thạo tin tức thiên hạ hơn, cảm hứng của bà đã có thể báo phòng cho tôi. Về sau thì tôi hiểu; một mình tôi hiểu là trong các diễn từ của anh có mùi thơm phảng phất làm tôi khó chịu. Tôi thật không công bằng đối với bà phu nhân tội nghiệp, và nếu tinh thần tôi sống động hơn (và nếu trái tim tôi có thể cứng cỏi hơn), chúng tôi đã có thể trở thành những liên minh bất diệt. Bà đánh giá con trai với trái tim người mẹ hơn là nhiệt tâm của bà mẹ, và thấy trước nghị quyết của công chúng mà tôi không dám vượt quyền! Bà hiểu anh ta thuộc về một người vợ thông minh giúp anh du hành tới sự thành đạt; vì không bao giờ anh thành công được với giá trị thực của mình. Bà vinh danh tôi, xem tôi là một lá chắn khá chắc trước xã hội cho dự tính gay go này, và bà phải thấy ngàn lần đáng tiếc vì không nói thẳng ra được. Ngàn lần đáng tiếc, quả vậy! Giải đáp của tôi đáng lẽ cũng phải trực tiếp, và đã có thể làm chúng tôi tránh khỏi bao phiền muộn. Trong khi chờ đợi, bà cố vừa thuyết phục, vừa dỗ dành tôi, và làm tất cả để đám cưới của chúng tôi được tiến hành nhanh chóng.

Nếu không có sự liên quan đến hạnh phúc cả một đời người, tôi nghĩ là phải chịu ơn Harold về việc sửa đổi được ý tưởng anh là vĩ nhân, và còn dâng hiến cho anh tình yêu chân chính được chuyển sang một cung bậc thâm trầm. Nhưng thật là khó khăn với một cô gái đã từng mơ tưởng một đại hạnh phúc hôn nhân tình cảm cao cả, lại đối diện với cuộc kết hôn thực dụng khô khan. Vì vậy, khi Harold nói về một ngày nào đó như ngày cuối cùng mà anh thấy phù hợp với sự mong đợi của chúng tôi; tôi thấy không thể được, và yêu cầu gia hạn một tháng nữa. Thật là khó khăn để nói điều tôi chờ đợi, có lẽ những tia mơ mộng đầu tiên trở về, hoặc có lẽ bước nhảy khó khăn cuối cùng này chỉ ra mộng tưởng đang tan vỡ. Harold nghiêm chỉnh đón nhận yêu cầu của tôi và hỏi tôi có nghi ngờ tình yêu của anh không.

“Không, tôi nói, em cho là nó lớn lao hơn sự xứng đáng của em.

- Vậy thì, tại sao cô còn chờ đợi?

- Thế nếu em nghi ngại tình yêu của em thì sao?”.

Anh nhìn tôi như là tôi đã nói điều gì đó rất vô duyên, và tôi gần như hoảng sợ trước phán quyết của anh. Nhưng cuối cùng anh chấp nhận việc gia hạn. Có thể anh lo ngại sự suy tư, vì lễ phép trang nghiêm mà anh biểu lộ các quan tâm còn gây một tua hình thức hơn để muốn nhắc tôi mỗi giờ hàng ngày rằng tình cảm của anh không phải là của những kẻ mà người ta có thể chơi đùa. Chơi đùa, có trời mà biết, là xa với các ý tưởng của tôi và tôi nhanh chóng đánh mất niềm tin; một sớm mai thức dậy tôi yên trí là mình không hạnh phúc.

Chúng tôi phải cưới nhau ở Paris, nơi Harold quyết định sống sáu tháng để mong đạt lại may mắn trong xưởng vẽ của một họa sĩ mà anh tín nhiệm đặc biệt - một ông Martinet nào đó, luống tuổi, mà tôi tin là thuộc về một trường phái nghệ thuật khá lỗi thời. Thời gian đầu ở Paris, tôi cùng Harold đến Louvre(20) nhiều lần, nơi anh tỏ ra là một đồng hành rất khéo léo. Anh hiểu trên đầu ngón tay lịch sử tất cả các trường phái và, như người ta nói, anh không thích thiếu hiểu biết. Chúng tôi có thói quen bất hạnh là không chấp nhận những thứ giống nhau, tôi chẳng hy vọng vào bất cứ một quan sát phẩm bình nào và không mong gì hơn là hòa hợp được với anh. Tôi say mê lắng nghe tất cả những gì người ta có thể nói về Guido Reni(21) và về Caravage(22). Một hôm, chúng tôi đứng trước nàng Joconde(23) không tưởng tượng được của Léonard(24), bức họa không làm vừa lòng phần đông phụ nữ. Tôi biểu thị không ưa bà phu nhân ấy, mà dường như Harold cùng chia sẻ trong trường hợp này. Vậy nên tôi rất kinh ngạc khi, sau một lúc im lặng anh nói một cách ngang nhiên:

“Tôi thấy cần mô phỏng bà này”.

Tôi chẳng hiểu vì sao lại mỉm cười nhưng tôi đã làm thế khiến anh tỏ ra khó chịu.

“Thật không đơn giản đâu, tôi nói. Hãy thử làm gì đó dễ dàng hơn.

- Tôi thích việc khó khăn, anh nghiêm trang trả lời.

- Thực ư? tôi nói, anh chắc chắn điều anh nói chứ?

- Tại sao không?

- Thế tại sao lại mô phỏng một bức chân dung thay vì anh có thể mô phỏng một nguyên mẫu?

- Nguyên mẫu nào?

- Hôn thê của anh! Hãy vẽ chân dung em. Em chắc là khó đấy. Tuy vậy, em ngạc nhiên là chưa bao giờ anh đề xướng với em như thế”.

Sự thực là, ý tưởng ấy mới nảy sinh; nhưng tôi ôm ấp nó nhẹ nhõm. Dường như đó sẽ là cách dẫn người yêu của tôi đến thử thách và nếu anh thành công, tôi tin là sẽ êm thấm. Anh nhìn thẳng vào mặt tôi một lúc như vất vả lắm mới hiểu được tôi, và tôi hoàn thành ý đồ của mình:

- “Hãy vẽ chân dung em, và đến ngày nó được hoàn tất, em sẽ ấn định ngày cưới của chúng ta”.

Đề xướng này chẳng phải ghê gớm gì sau mọi thứ, và anh tỏ ra chấp nhận nhanh chóng. Ngày hôm sau, anh bảo tôi là đã nhẩm bài trí bức vẽ của mình, và chúng tôi có thể bắt đầu ngay. Các cơ hội được tạo dễ dàng cho chúng tôi, vì lúc này anh được sử dụng thoải mái xưởng vẽ của ô. Martinet. Ông ấy về quê để vẽ một chân dung. Và vào thời gian này Harold là học trò duy nhất của ông. Buổi vẽ mẫu đầu tiên diễn ra không kỳ hạn. Theo đòi hỏi của anh, tôi đem theo nhiều khăn áo, trong đó có chiếc khăn quàng mà ông mới chiêm ngưỡng. Vậy là chúng tôi mang theo các thứ cùng loại ấy, ngay cả chơi đàn thụ cầm và đọc Corinne(25). Tôi thử các khăn san chiếc này tới chiếc khác, mà không chiếc nào làm Harold hài lòng. Chiếc khăn vàng, đặc biệt, anh thấy là một thứ trang trí hào nhoáng, và quyết định thể hiện tôi với chiếc áo dài đen giản dị, càng ít phụ tùng càng tốt. Vừa nghiêng mình anh trích dẫn câu thơ có chủ đề về vẻ đẹp không giả tạo, và bắt đầu công việc.

Sau một hai ngày gì đó, anh tiến hành một cách chậm chạp, và đôi khi tôi có cảm giác đã đặt ra một khổ dịch buồn tẻ cho anh. Anh không bộc lộ bất cứ giận dữ nào, nhưng thường có vẻ cụt hứng và mệt mỏi, thỉnh thoảng đặt các bút vẽ sang bên, khoanh tay lại, ngồi nhìn công việc của mình với nét mặt nhăn nhó và trống rỗng làm thử thách sự kiên nhẫn của tôi.

“Hãy mở to mắt nhìn em, hơn một lần tôi bảo anh, nhưng đừng trừng mắt với tấm lụa vô tội kia. Dù sao, hãy tha thứ cho em, tôi thú nhận, không phải lỗi em nếu em thật là khó vẽ.” Bị khiển trách như thế, anh quay lại phía tôi mà không cười, đặt tay lên vành mũ và từ từ lướt qua gian phòng để quan sát tôi từ xa. Rồi, trở lại giá chống, anh chấm phá nửa tá cú bút lông rồi lại dừng, như sự phấn khích đã nguội tắt. Thế là tôi cảm thấy khổ sở; dường như được báo trước một cách tuyệt diệu dừng kết hôn trước khi bức họa được hoàn thành. Tôi cầu xin để không bao giờ phải thấy nó nữa, và biết là nó đã tới điểm chết. Cuối cùng, một buổi sáng, sau khi yên lặng nhìn một lúc việc làm của mình, Harold nghiêm trang đặt bút vẽ xuống, và không chút lẫn lộn, chậm chạp rút khăn tay lau trán.

“Cô làm tôi điên đầu”, anh bỗng nói.

Tôi có cảm tưởng có chấn động trong giọng nói của anh, và cảm thấy thương anh. Tôi đứng dậy, đặt tay lên cánh tay anh.

“Nếu việc đó làm anh mệt mỏi, hãy bỏ mặc nó”.

Anh quay hẳn lại và lúc đầu không trả lời. Tôi hiểu anh đang nghĩ gì, và giả thiết anh hiểu là tôi hiểu, và anh ngập ngừng nghiêm nghị hỏi tôi nếu bỏ mặc bức vẽ thì anh còn phải khước từ gì nữa. Song anh quyết định không từ bỏ gì hết; anh tóm lấy bảng pha màu với cử chỉ gắt gao quen thuộc, rồi dẫn tôi trở về ghế ngồi.

“Tôi chẳng khó chịu với bức vẽ lâu đâu, anh nói. Tôi bắt đầu tô màu”.

Anh vui vẻ hơn với các màu vẽ của anh, vì hôm sau, anh bảo là chúng tôi tiến hành nhanh chóng.

Thường thường chúng tôi đi cùng nhau tới xưởng vẽ, nhưng một ngày nọ, anh bận việc ở đàng cuối kia Paris vào buổi sáng, và hẹn trở về gặp tôi. Tôi đến đúng giờ, nhưng anh còn chưa tới, và tôi tự thấy đối mặt với hình ảnh ngỗ ngược của mình. Cơ hội này rất tốt, tôi nắm lấy mặc dù bị cấm đoán, và đương nhiên sẵn sàng thú nhận lỗi lầm của mình. Điều này đem lại cho tôi niềm vui ít hơn lỗi lầm đã được chồng chất. Bức họa được phác họa còn thô thiển, không tâng bốc và hứa hẹn gì. Tôi phân biệt chủ yếu là một khuôn mặt dài, trắng với đôi mắt mở to, và hai cánh tay gân guốc khủng khiếp. Phải chăng dưới hình dạng không chút duyên dáng này, mà tôi đã gây ấn tượng cho Harold? Miên man bởi vấn đề này, một lúc sau tôi nhận thấy không ngồi một mình. Nghe tiếng động, quay lại tôi phát hiện một người xa lạ, một thanh niên đang nhìn tấm lụa của Harold qua vai tôi. Cái nhìn của anh ta dữ dội, chẳng biểu lộ thích thú gì, và phải một lúc sau mới biết là tôi quan sát anh ta. Anh ta gợi rõ ràng cho tôi vài viên lục sự lếch thếch nào đó mà tôi thấy làm việc ở Louvre, nên tưởng anh ta có công việc chính thức trong xưởng vẽ; tôi yên chí nghĩ là anh ta chẳng có dáng bộ đàng hoàng của thiên hạ, và lùi xa về tận cuối phòng. Cuối cùng khi anh tiếp tục không biểu lộ ý đồ dứt khoát, tôi vội vàng nhìn lại anh ta. Anh còn trẻ - hai mươi lăm tuổi hơn - và ăn mặc cực kỳ tồi tệ. Tôi còn nhớ giữa các chi tiết khác, anh có chiếc cà vạt cuộn hai hay ba vòng quanh cổ, mà không thấy sơ mi. Anh nhỏ nhắn, mảnh dẻ, xanh xao và có vẻ đói khát. Thế rồi, tôi quay về phía anh, anh luồn tay vào mái tóc, như để có thể làm cho mình coi được và như kéo sự chú ý của tôi về khối phóng túng những búp tóc đen dày - một kiểu tóc đích thực của người tập vẽ. Khuôn mặt gày gò của anh là tầm thường, nếu dưới các chùm tóc rối bù không lấp lánh đôi mắt kỳ lạ - đôi mắt thực sự có lửa. Chúng không dịu dàng hay ướt át mà bùng lên sự minh mẫn nhiệt thành thông tuệ, và như người Pháp nói, không phải với bất cứ ai. Cái nhìn bốc cháy này làm tôi im bặt.

“Đây là chân dung cô ư?” Anh hất đầu chỉ nó và hỏi tôi.

Tôi nghiêm chỉnh xác nhận.

“Rất tồi, quá tồi, tồi tệ! anh kêu lên. Hãy thứ lỗi thành thực của tôi, nhưng quả thực là tồi quá. Đúng là sự xài xễ màu sắc, tiền bạc và thời gian”.

Sự thành thực của anh là thái quá; nhưng lời anh nói có giọng nhiệt tình xác tín, không gợi sự hỗn láo thông thường.

“Vì không biết ông là ai, tôi không thể tán thành ý kiến ông được”, tôi nói.

“Tôi là ai? Tôi là một nghệ sĩ, thưa cô. Nếu tôi có điều kiện mua danh thiếp thì tôi đã đưa cô. Nhưng tôi chẳng có gì để mua thuốc màu… bánh mì còn khó. Tôi có tài năng… tôi có trí tưởng tượng… quá nhiều! Tôi có những ý tưởng… tôi đầy hứa hẹn… đầy tương lai. Tuy nhiên bộ máy không thể sản xuất được… vì thiếu nhiên liệu! Tôi phải lang thang tay đút túi quần… để giữ cho ấm… và thiếu cả dụng cụ nghề nghiệp. Tôi rất khốn đốn… khốn đồn một cách thô lậu. Tôi đã phí phạm những giờ phút quý báu, và đã thành kẻ thù của bè bạn quý giá. Sáu tháng trước, tôi cãi nhau với bố Martinet, người tin tôi và đã vui vẻ lưu giữ tôi. Phải để tuổi trẻ đi qua! Tuổi trẻ của tôi đã phi nước đại, dẫu với một con ngựa tồi; chúng tôi đã chia tay mãi mãi. Bây giờ tôi chỉ đòi hỏi làm xong công việc của người đàn ông, với ý chí một đàn ông. Trong khi chờ đợi, bố Martinet, đến nước đã uốn lưỡi giỏi khiến bất cứ anh bán họa phẩm nào ở Paris chẳng còn tin tôi nữa. Tình thế là vậy đó! Mà tuy nhiên, tôi có thể làm gì được với mười frs họa phẩm? Tôi còn muốn một gian nhà, có ánh sáng, có người mẫu với mười hai thước xa tanh chất đống dưới chân. Ôi! Tôi có thể luôn luôn mong muốn! Có những thứ mà tôi muốn hơn nữa. Cô hãy xem sức mạnh của tình thế. Với niềm tự hào trong túi, tôi đến giảng hòa với tác giả “Sự hiển thánh của Moliere” đáng kính và hỏi ông cho vay một louis”.

Tôi cắt ngang những tuôn trào mãnh liệt này và nói cho anh biết là ô. Martinet không có ở thành phố, và lúc này xưởng vẽ là… cho thuê. Song dường như anh đang kích động quá mà không chú ý.

“Đây không phải là công việc của ông ấy ư? Quay về phía bức vẽ anh nói tiếp. Martinet kém, nhưng không kém tới mức đó. Đồ gì chi lạ! Thưa cô, cô đáng được đãi ngộ xứng đáng hơn. Cô là một đề tài tuyệt đẹp. Hãy thứ lỗi cho tôi, một lần vì tất cả. Tôi biết là tôi trâng tráo ghê gớm. Nhưng tôi là một nghệ sĩ, và một tấm lụa lớn đẹp đẽ bị bôi bẩn kiểu này, tôi thấy đáng khinh bỉ! Phải có một hiệp hội bảo vệ vải vóc!”

Tôi không biết đáp lại sự giận dữ bột phát này thế nào. Thật lạ lùng mà nói - nhưng đó là sự thật nghiêm chỉnh -, tôi chẳng phiền lòng hay bị va chạm mà chỉ cảm thấy trở nên cực kỳ tò mò. Kẻ phóng đãng ít nhiều vô sỉ này cố gợi sự kính trọng của tôi với cách thức nào đó; anh ta ăn nói với một uy thế thông tuệ. Xin đừng nói là tôi không tìm cách khỏi chịu thua; nếu ông ở đấy, ông cũng để anh ta phát ngôn thôi. Nhất định phải dùng giọng nói lạnh lùng, đích đáng buộc anh ta rời gian phòng, hoặc bấm chuông gọi gác gian, hoặc ghê sợ mà chạy trốn. Tôi chẳng làm gì hết; trở lại trước bức vẽ và cố gắng hết sức tìm ra điều đã đẩy tôi tới ham mê đối lập với nó. Nhưng hình như có sự lạnh lùng khủng khiếp, và tất cả gì tôi có thể nói là:

- “Xấu… xấu ư? Tại sao thế, xấu ư?

- Xấu một cách khôi hài! Không thể xấu hơn! Cô là một thiên thần nhân ái, thưa cô, mà không nhận ra ư?

- Có phải là yếu kém, lạnh lùng, dốt nát?

- Yếu kém, lạnh lùng, dốt nát, cứng nhắc, trống rỗng, không hy vọng! Và hơn tất cả là, tự phụ… ôi, tự cao tự đại như vẻ bề ngoài của nàng Madeleine!”

Tôi gắng mỉm cười hoài nghi.

“Rốt cuộc, thưa ông, tôi không sẵn sàng tin ông.

- Tất nhiên!”

Anh ta xoa trán và đảo mắt ảm đạm nhìn gian phòng. Rồi, bỗng nhiên, anh đăm đăm nhìn tôi với đôi mắt kỳ lạ như phát ra một tia sáng mãnh liệt, tiên tri:

“Nhưng tôi có thể nói với cô một điều: sẽ đến ngày có những người đấu tranh vì danh dự tin tôi… thuộc vào bậc nhất.” Tôi đã khám phá ra điều này… tôi luôn luôn nói thế. Nhưng không có tôi thì cô đã để cho tên quỷ khốn khổ chết đói. Cô sẽ nghe hòa âm này. Đây là cơ may của cô, thưa cô! Tôi ở đây, người thiên tài, nếu là vậy, không một xu, không bè bạn, không có cả chỉ một ánh thanh danh. Bây giờ hãy tin ở tôi, và từ xa, cô sẽ là người đầu tiên. Điều đó dường sẽ dễ dàng hơn với cô, phải không, nếu tôi có chút nhã nhặn hơn. Tôi cam đoan với cô là tôi không thổi kèn hàng ngày như thế này. Sáng nay, tôi ở trạng thái bị sốt, tôi bị khủng hoảng. Tôi phải làm gì đó… ngay cả xử sự như một con lừa! Tôi không thể tiếp tục vò xé chính trái tim mình. Cô thấy đó, tôi xơ xác từ ba tháng nay. Hàng ngày tôi không ăn tối. Có lẽ dạ dày trống rỗng lại thuận lợi cho nguồn cảm hứng chăng; và chắc chắn là tuần này sang tuần khác, trí óc tôi trở nên sáng suốt hơn, tưởng tượng của tôi bốc lửa hơn, nhãn quan của tôi tuyệt vời hơn! Nửa tháng gần đây nghi ngờ cuối cùng của tôi bị tiêu hao, và tôi cảm thấy tráng kiện như mặt trời trên bầu trời! Tôi lang thang qua các phố, lui tới các công viên, lầm tưởng về một nơi ẩn dật tốt hơn, và mọi thứ tôi nhìn… một tia nắng trong đường mương, các lò sưởi trên bầu trời… dường như là tranh vẽ, chủ đề, cơ hội! Tôi dựa vào lan can che chắn các bức tranh ở điện Louvre, và dường như Titien và Correge(26) tái nhợt, như những kẻ mà người ta đoán được bí mật. Tôi không biết ai có thể là tác gia của kiệt tác này, nhưng cứ tưởng tượng là vị ấy chẳng có tài ba nếu chắc chắn không được ăn tối. Cô có biết là tôi đã học nhìn mọi việc và sử dụng đôi mắt mình thế nào không? khi quan sát tỉ mỉ tủ kính các ông hàng thịt mà túi mình trống rỗng. Một bài học lớn để nhận ra hình thái xúc xích hoặc màu sắc răm bông. Ông này, thật dễ nhận thấy, không chú ý các thứ này. Đó không phải nhãn quan mà là thị hiếu dắt dẫn ông ta. Đời là thế! Tôi…tôi…tôi… (và anh gõ trán theo kiểu giận dữ sân khấu)… như cô thấy đấy… tiều tụy, không ai giúp đỡ, vô vọng, với một tâm hồn tự tôn nặng nề và các ngón tay khao khát cầm bút vẽ… còn hắn ta, ngự trị ở đây sau bữa ăn sáng ngon lành, trong ánh sáng hoàn hảo, giữa các bức vẽ, thảm trải và điêu khắc, với nhan sắc thanh xuân của cô làm mẫu để vẽ ra, cái… quảng cáo này!

Sự tức giận của anh là hấp dẫn, và tôi không biết điều gì sắp đến, thế là tôi cầm lại chiếc mũ và áo khoác. Anh tức thì phản đối kịch liệt.

“Một phút suy nghĩ đã, thưa cô, sẽ thuyết phục cô với thể diện tôi có, tôi không nói về nhan sắc cô để theo đuổi cô. Tôi nhắc là với tất cả tốt đẹp và đức hạnh, cô là một đề tài làm nên tài sản của một họa sĩ. Tôi không chắc cô có nhiều dáng điệu uyển chuyển; nhưng để là chân dung cô X… cô thật tuyệt vời.

“Tôi rất cảm ơn về… thông tin của ông, tôi nghiêm trang đáp lại. Ông thấy đó, nghệ sĩ của tôi đã được lựa chọn. Tôi chờ anh ấy trong chốc lát, và không chịu trách nhiệm về những gì anh ấy nghe ông nói cũng kiên nhẫn như tôi.

- Ông ấy đến đây à? Ông khách của tôi kêu lên. Thật là may mắn! Tôi sẽ sung sướng gặp ông ta. Tôi mến phục vô cùng khi thấy đầu óc nhân loại đã sản sinh được cái ý tưởng này. Tôi thấy ông ta rồi: tôi khôi phục tác giả qua vật phẩm. Ông ta cao lớn, tóc vàng với đôi mắt cùng màu xanh đồ sứ ở đây. Ông ta bận đồ ưa thích màu rơm và dĩ nhiên ông vẽ với đôi găng màu rơm. Tóm lại, đó là một người đàn ông tuyệt đẹp!”

Lời châm biếm này làm phát điên, nhưng tôi lắng nghe và tức tối ít hơn là chấp nhận. Anh bạn đồng hành của tôi như sở hữu một thứ ngay thẳng ma ám gây ảnh hưởng bất khả kháng. Tôi tự đặt vài câu hỏi về sự thành thực của anh có phải với ý định để chứng tỏ là tôi sẽ bố thí cho anh ta.

“Tôi cần nói là nếu ông có một tài năng vô biên, tôi nói, ông lại có những dáng điệu kinh khủng. Tuy, tôi tin ông hiểu là chẳng có bất kỳ lý do nào để cuộc đối thoại giữa chúng ta tiếp tục; và tôi phải khen ông một chút khi nghĩ rắng phải thuê tiền để ông rút đi. Nhưng vì ô. Martinet không ở đây để cho ông vay một louis, hãy cho phép tôi thay thế ông ấy”.

Và tôi đặt một đồng tiền vàng lên bàn. Một lúc, anh ta hung hãn nhìn đồng tiền, rồi ngước mắt nhìn tôi, và tôi tự hỏi hay anh ta thấy món quà ít ỏi quá chăng.

“Tôi không nói là tôi có lòng tự trọng, anh đáp. Nhưng là quà của một phu nhân, quả thật! thật là khốn nạn… thật là xấu hổ! Hãy tha lỗi cho tôi, tôi từ chối. Tôi cần yêu cầu điều khác kia. Hãy công bằng, cô có nhớ là tôi nói với cô không chỉ ở tư cách đàn ông mà còn ở tư cách người nghệ sĩ. Hãy ban tình thương của cô cho nghệ sĩ, và nếu điều đó làm cô phải cố gắng trả giá, thì hãy nhớ rằng chính tình nhân đạo được trời đánh giá cao nhất. Hãy cất đồng louis đi; hãy đến làm mẫu như cô đã làm cho bức vẽ này, và hãy cho tôi ngắm cô trong ba phút thôi”.

Dứt lời, anh rút từ túi ra một cuốn sổ tả tơi và một mẩu bút chì.

“Vài nét nguệch ngoạc mà tôi sắp vẽ đây sẽ là của bố thí của cô.

Anh gắng gượng cất tiếng; song phải nói là tôi bị chinh phục không chậm trễ. Trong khi tôi lấy lại thái độ thân thuộc trước tấm vải của Harold, anh mau lẹ đi ngang gian phòng rồi cúi xuống chiếc ghế chất đống vải vóc bừa bãi. Ngay lập tức, tôi thấy điều lôi cuốn anh. Anh trông thấy chiếc khăn vàng sang trọng, lấp lánh dưới chồng vải màu tối. Anh kéo tấm vải màu vàng tuyệt diệu ra với cử chỉ vội vàng dữ dội, đặt trước mặt và bật ra sự ngưỡng mộ ngây ngất.

“Sắc độ quá đỗi… sắc thái quá chừng… dệt quá đẹp! Nhân danh trời đất, cô hãy quàng vào!”

Và chẳng kể lễ nghi nữa, anh ném nó trên vai tôi. Tôi chẳng cần nói với ông là tôi vâng lệnh một vô thức tự nhiên và kéo chiếc khăn thành các nếp xếp. Anh giật lùi ra sau, đứng ngắm tôi, vừa vỗ tay.

“Sự hài hòa quá hoàn hảo… hiệu quả thật trác tuyệt! Cô sở hữu nó mà chôn vùi nó xa các tầm mắt? Hãy quàng nó, quàng nó, tôi cầu xin cô… và bức chân dung của cô… trời ơi!”

Rồi anh liếc mắt giận dữ nhìn bức vẽ.

“Cô sẽ không bao giờ quàng nó trong bức ấy!

- Chúng tôi có nghĩ tới sử dụng nó, nhưng lại bỏ.

- Bỏ lại à? Khủng khiếp quá! Ông ta không có can đảm xông vào đó! Ôi, nếu tôi có thể cầm bút vẽ mà chấm phá cho ông ấy!”

Và, như bị thúc đẩy bởi một sức mạnh không kiềm chế được, anh vớ bản pha màu của Harold tội nghiệp. Song tôi vội vàng cản tay anh. Anh ném các bút vẽ xuống đất, vùi mặt trong đôi tay để nén lại, có thể tưởng tượng không, những giọt nước mắt nhiệt thành nghịch lý.

“Cô phải nghĩ là tôi điên!” anh gào lên.

Anh ta không điên, trước mắt tôi; nhưng đó là một sức mạnh cuồng tín hỗn loạn, và bỗng nhiên tôi hiểu là có thể sử dụng anh. Tôi có cảm tưởng đong đầy được tính vô hiệu lực của Harold và lường trước được cái kết cục bi thảm của công việc anh ta. Anh sẽ không lùi bước mà gan lì làm xong việc của mình để tặng tôi, cái tượng đài quái gở về sự bất tài cao ngạo của anh làm minh chứng cho các quyền lực của anh. Hai mươi nhát vẽ từ bàn tay bậc thầy này là sự khác biệt, mười phút làm việc khiến bức vẽ tiến triển. Tôi trả bảng màu cho quyền hành họa sĩ và trang trọng nhìn anh.

“Hãy vẽ đi cho thoát nạn, tôi nói. Nhưng hãy hứa với tôi điều này: là thành công”.

Anh khoát tay vào không trung, trả tôi về chỗ ngồi rồi buông mình theo tấm vải; không từ nào diễn tả nổi nhiệt tâm rung động của anh. Mười lăm phút trôi qua trong im lặng. Thấy các cử động của anh mỗi lúc một trở nên phóng khoáng nhẹ nhàng hơn, tôi có thể tự tin như đứng trước một nhạc sĩ dương cầm hứng khởi, nhấn mình vào chiều sâu thẳm của nhạc khúc đê mê và nuốt chửng mặt đàn trong hai cánh tay dang rộng. Mặt đỏ bừng, áo quần xộc xệch, anh gần như vồ lấy tôi với cái nhìn bốc lửa, vừa lúng túng, vừa lẩm bẩm, vừa thở hổn hển, anh có cái vẻ đúng là vẽ cho thoát nạn.

Sau cùng, tôi nghe tiếng chân bước trong hành lang. Tôi biết là tiếng chân của Harold, thế là tôi vội vã nhìn bức vẽ. Sao anh làm thế? Thú thật là tôi chuẩn bị đón sự tồi tệ nhất. Bức vẽ tự nói lên. Việc làm của Harold biến mất với một lanh lẹ diệu kỳ, và ngay cả mắt tôi không luyện tập cũng khám phá ra một nhân vật duyên dáng, biểu cảm, được tiến dẫn một cách uy quyền. Khi Harold xuất hiện, tôi đến trước anh. Anh tỏ vẻ ngạc nhiên không thấy tôi một mình; tôi nghiêm nghị đặt ngón tay lên môi, và dẫn anh tới trước tấm lụa. Trạng huống thật quá đơn giản, một lúc sau anh vượt quá sự hiểu biết của mình. Bạn đồng hành của tôi kết thúc đường nét mà anh ta dấn vào; rồi khúm núm chào và đặt các bút vẽ xuống.

“Đây là một vay mượn, thưa ông, anh nói. Xin trả lại ông với các hữu hiệu.”

Harold đỏ mặt đến tận tai, ngồi xuống yên lặng. Tôi chờ đợi anh giận dữ; nhưng còn hơn sự phẫn nộ nữa. Và sau là:

“Hãy giải thích vụ khai thác quái gở này”, anh nói thấp giọng.

Tôi cảm thấy buồn phiền, và đồng thời không cảm thấy có chút hối tiếc. Tình thế căng thẳng, như người ta bảo, tuy nhiên tôi gần như thỏa lòng.

“Ông này là một nghệ sĩ lớn, tôi hăng hái nói. Anh hãy tự nhìn xem. Bức vẽ của anh là bỏ đi, ông ta đã nắm giữ lại”.

Harold ngắm kỹ người xâm nhập từ đầu đến chân.

“Người này là ai vậy? anh hỏi, dường như không nghe tôi nói.

- Tôi tên là Pierre Briseux. Cái này (anh trỏ công việc của mình) chỉ rõ nghề nghiệp của tôi. Nếu ông bị xúc phạm, thưa ông, xin đừng đổ cơn tức giận lên tiểu thư; một mình tôi xin chịu trách nhiệm. Ông đã dấn thân vào ngõ cụt; tôi muốn giúp ông thoát ra thôi. Cảm tình của người anh em mà! Tôi đã không lên án ông. Tôi đã tặng ông món quà một nửa của kiệt tác rồi, nếu tôi chỉ có thể chắc chắn là ông không phí phạm nó!”.

Nét mặt Harold bộc lộ sự khinh ghét ghê tởm, và tôi hiểu việc tôi gây xúc phạm là chết người. Người ta đã làm nhục anh ở điểm cảm ứng nhất, và anh nhanh chóng mất sự kiểm soát chính mình. Môi anh run rẩy, và sự giận dữ ngăn ngay anh cất tiếng. Bất ngờ, anh vớ cây bút vẽ lớn nhúng vào bình véc ni xậm màu, và tôi thoáng tưởng là anh sắp ném vào mặt Briseux. Anh dơ lên một lúc, rồi ném thẳng vào giữa bức tranh. Tôi dơ tay che mặt như thể cú ném ấy dành cho tôi. Briseux, ít nhất là uất giận dữ dội.

“Khốn nạn! anh kêu lên. Ông mù à mà đến nước này? Ông không nhận biết được cái gì là tốt đẹp khi nhìn nó ư? Đó là điều mà tôi gọi là phá hoại vật dụng. Nào, ông đang rất giận dữ; hãy để tôi giảng giải. Khi dính vào công việc ông, tôi chắc nắm được sự tự do vô bờ. Nỗi khốn khó của tôi là lời tạ lỗi. Ông có tiền bạc, vật dụng, những người mẫu… tất cả trừ tài năng. Không, không, ông không phải là một họa sĩ; không thể! Không hề có một đường nét thông minh nơi tấm lụa của ông. Tôi, về phía tôi, tôi là một họa sĩ bẩm sinh. Tôi có tài năng, và không gì khác. Tôi tới đây tìm ô. Martinet; khi biết ông ấy vắng nhà, tôi ở lại vì thèm thuồng! Tôi đã nhìn công việc của ông, và thấy đó là sự phá phách; tôi đã nhìn chiếc ghế đẩu trống không và bảng màu của ông vô dụng, và tôi thấy đó là một hấp dẫn ghê gớm; tôi đã nhìn tiểu thư, và thấy đó là một người mẫu tuyệt vời. Tôi la mắng cô, làm cô sợ hãi, tôi chinh phục cô, và vì nhân đạo cô đã chấp nhận làm mẫu mười lăm phút. Một khi bút vẽ trong tay, tôi thấy có một cảm hứng thần thánh; tôi hy vọng một phép lạ, là ông sẽ không trở về, bị té ngã ngoài đường, ông bị trúng phong. Nếu ông để tôi tiếp tục, tôi sẽ giới thiệu cho ông một kiệt tác, thưa ông… một tác phẩm mà dẫu có phẫn nộ tự nhiên, ông cũng chẳng dám làm dữ. Ông sẽ khiếp sợ. Đó là thứ mà tôi ao ước vẽ. Nếu ông có thể tin tôi, ông sẽ không hối tiếc. Hãy cho tôi ngày xuất phát, và mười năm sau tôi sẽ thấy ông mua tranh của tôi mà không thấy đắt. Ôi, tôi nghĩ là tôi đã đặt chân lên bàn đạp, tôi mơ tưởng đang ở trên yên và sắp phi nước đại. Nhưng người ta đã ném tôi xuống thấp.”

Tôi đoán là Harold, trong nỗi uất ức, có thể hiểu lời lẽ của ô. Briseux hoặc chấp nhận bức phác họa. Nhưng anh ta chỉ đơn giản cảm thấy mình là nạn nhân của một công kích khủng khiếp mà tôi không thể cắt nghĩa, một cách đau đớn, nửa là mắc mưu, nửa là tòng phạm. Tôi nhìn anh nổi giận mà ước tính ý nghĩa tai hại của nó. Sự giận dữ lạnh lùng, và cảm xúc bộc lộ qua vẻ mặt và cử chỉ của anh hầu như mách bảo tôi về vấn đề qua bao tuần lễ anh không thực hiện được, và đang theo sát cảm xúc sống động của tôi về sự bất tài của anh, mà các ngón tay bẽn lẽn của tôi đang gắng gượng dường như đột nhiên cắt đứt móc xích còn lại giữa chúng tôi.

“Đội mũ vào, anh bảo. Lấy một chiếc xe mà trở về.”

Tôi không mô tả được giọng nói của anh. Nó như giả định niềm tin tưởng và sự vâng lời của tôi, và tôi cảm thấy không nên để mất thì giờ làm anh tỉnh ngộ. Tuy nhiên tôi cảm thấy quá bối rối, gần như khiếp đảm trước sự bất bình của anh. Tôi cầm mũ một cách máy móc. Thế là khi chiếc mũ trong tay, mắt tôi giao tiếp mắt người đồng hành ghê gớm của chúng tôi, đang cố thử tham dự vào điều khó hiểu về quan hệ của tôi với Harold. Đứng sững, đôi môi rung lên, đôi mắt long lanh tra hỏi; trong toàn bộ con người anh có điều không giải thích được nói lên một sức bật vui vẻ bị đứt đoạn, và để nhặt lại một cố gắng thành công hơn, anh có cái vẻ hiện thân tuổi trẻ đặc biệt hùng hồn của một thiên tài. Tôi đồ rằng anh bắt gặp trong cách nhìn của tôi một tia cảm tình, và môi anh bật ra một cách âm thầm: “Xin ở lại, thưa bà!” làm thúc giục nhịp đập trái tim tôi. Tôi thất vọng không làm ông hiểu cảm xúc tràn ngập tôi lúc đó; tuy thế anh ta phải giúp tôi được tha lỗi trước mắt ông, bởi lẽ anh là miền sâu thẳm thường diễn ra nhức nhối và chân thật trong ký ức hơn là tại lúc đó. Briseux tội nghiệp, bé nhỏ, xấu xí, khổ sở, xơ xác, đối với tôi là một sứ giả không cầm lòng nổi của đời sống vô hạn huyền diệu; và Harold, bên cạnh anh, chỉnh tề, lịch sự, uy nghiêm, thực sự không xứng đáng, dường như chỉ phản ánh chính nhân cách hẹp hòi và vô hiệu lực của anh ta. Đó là sự khái quát hóa vĩ đại hơn mọi thứ khác mà trái tim nữ giới đã quen thuộc. Tôi vất mũ xuống đất và khóc nức nở.

“Không phải là một màn kịch cho người xa lạ xem đâu, Harold nói một cách thảm hại. Hãy làm ơn đi theo tôi.

- Anh phải tha lỗi cho em; em không thể đi theo anh được; em không thể tự cắt nghĩa được. Em có điều khác để nói với ông Briseux. Đó chẳng phải là kẻ xa lạ như anh đã nghĩ.

- Vậy tôi phải để cô ở lại à? Harold lầm bầm.

- Chỉ có đơn giản vậy

- Với tên Pháp bé nhỏ, bẩn thỉu này ư?

- Chẳng quan trọng gì đối với em anh ấy sạch sẽ hay không? Đó là thiên tài anh ấy mà em quan tâm.

Harold mở to mắt buồn bã.

“Cô điên à? Cô có biết cô làm gì không?

- Một hành xử nhân ái, em thiết tưởng.

- Sự nhân hậu bắt đầu tại chính mình. Đó là một hành động điên rồ vô vọng. Tôi phải ra lệnh cho cô đi chứ?

- Anh từng làm rồi. Em không thể vâng lời anh. Nếu thế, em vờ làm điều không có thật; và, hãy cho em nói, chính để làm anh tỉnh ngộ mà em từ chối.

- Tôi không hiểu cô, Harold kêu thét, cũng như thứ bùa ngải gì mà tên ăn xin mưu mẹo này đã thu phục được cô! Song tôi chẳng phải là người mà người ta có thể chơi được, cô biết đấy, và đó là thông báo cuối cùng của tôi, cuối cùng, cô hiểu không? Nếu cô ưa thích cái xã hội của tên lang bạt này, càng tốt cho cô, nhưng cô sẽ mất xã hội của tôi mãi mãi. Đó là một chọn lựa! Cô từ khước người đàn ông đã dâng hiến một tình thương cao cả, một danh tiếng, một gia sản, đã tin tưởng và yêu thương cô, đang sẵn sàng trở thành một người chồng tận tụy. Có trời mà biết cô sẽ có gì thay thế!”

Tôi gục xuống chiếc ghế. Tôi yên lặng lắng nghe, và vào lúc ấy, tôi không trả lời gì hết. Những lời của anh là sự thật chói lòa. Anh ta tặng tôi nhiều thứ, và tôi từ khước tất cả. Anh đã đóng một vai diễn cao thượng, và tôi một vai rất kỳ lạ. Anh ta khẩn khoản yêu cầu tôi sẵn sàng đứng dậy, khoác tay anh và để anh dắt dẫn trong cuộc đời với đôi mắt bịt kín. Khi tôi ngước lên, Briseux đang dứng trước mặt tôi, và tôi có thể hình dung được biểu cảm trên khuôn mặt anh, anh đã đoán hiểu ý nghĩa các câu nói của Harold.

“Tôi sẽ làm cô trở nên bất tử, anh thì thầm. Tôi sẽ khiến nhân loại kinh ngạc… và tôi sẽ bắt đầu sự nghiệp của mình!”

Một dự cảm khôn tả về sự thật này qua những năm tháng tiếp theo cuộc gặp gỡ của chúng ta, như chắp cánh cho tôi và tạo dễ dàng cho quyết định của tôi. Định mệnh lên án chúng tôi, chúng tôi, những phụ nữ, hành xử theo thông lệ như người ta nói, là trong khuôn khổ nô bộc mà có gì đó u ám ở trường hợp thực hành một ảnh hưởng tài trí ngoài bản thân mình. Để cảm thấy những tốt đẹp của một trường hợp như thế, có lẽ người ta phải thuộc một loại kỳ khôi đáng trách. Kỳ ít, đó là trạng thái của tôi lúc này. Tôi có cảm tưởng đứng ở phía đầu kia mạch điện mà phần còn lại sẽ phản chiếu theo thời gian. Tôi có cảm giác nắm trong tay một món quà vô giá.

“Chúng ta có một vai trò hay hơn, tôi nói với Harold. Em đã đoán trước việc chia tay của chúng ta từ nhiều tuần lễ, tuy nhiên nó đã diễn ra đột ngột. Xin tha thứ về sự đột ngột này. Theo em, việc thoái thác dường như hay hơn cho anh; có lẽ một ngày nào đó anh sẽ thấy như thế. Chỉ một câu hỏi thôi, tôi tiếp. Bao giờ anh có thể hoàn tất bức chân dung của em?”

Anh ta nhìn nghiêng tôi một lát với vẻ nghi hoặc dị thường, như bỗng hiện ra ở anh sự nham hiểm hung ác và quái gở; rồi lấy lại hơi thở với một tiếng cằn nhằn gần như quằn quại - anh bước ra khỏi gian phòng.

Briseux xuất thần vỗ hai tay.

“Cô thật là tuyệt diệu! anh kêu lên. Nếu cô có thể giữ được biểu cảm này trong ba tiếng đồng hồ!

- Vào việc đi! tôi nghiêm nghị nói. Nếu ông không vẽ được một bức tranh hoàn mỹ, ông sẽ là kẻ vô liêm sỉ nhất trong bọn bịp bợm.

Chỉ một buổi làm mẫu, nhưng lâu lắm; tôi ngờ rằng không một ai trong hai chúng tôi có thể nói nó diễn ra trong mấy tiếng đồng hồ. Anh vẽ đến lúc trời tối, rồi dưới ánh đèn. Trước khi từ giã anh, tôi ngắm bức tranh lần đầu tiên và lần cuối cùng cho tới ngày nay. Tôi thấy nó tuyệt đẹp như đã thấy sáng nay, và cảm thấy việc chọn lựa của mình là đúng đắn và thời vận của Briseux đã đến. Điều đó cho tôi tất cả sức mạnh mà tôi đang cần cho tương lai sắp tới. Dĩ nhiên anh ta cũng cùng ý tưởng này, và cái kết quả làm anh mê man sâu sắc. Khi tôi nói vĩnh biệt anh, rất ít lời, anh đáp lại một cách gần như không hiện diện. Tôi đã phục vụ mục đích của anh và những thể nghiệm trí tuệ hoặc khác - của thiên tài, và tôi đã bị lưu đày trong các mặt tối tăm của những nạn nhân bị quên lãng. Tôi để lại cho anh chiếc khăn vàng, để anh có thể hoàn thành thoải mái phần còn lại của công việc, và, về bức tranh, tôi nói anh giữ lấy, vì tôi chẳng vui thích mấy xem lại. Thế là anh đăm đăm nhìn tôi một lúc, rồi tức thì trở lại hăng hái vẽ tiếp.

Sáng hôm sau tôi gặp một trong các tình huống có thể gọi là một cuộc giải đáp với bà Staines; việc giải đáp kéo dài mà tôi không giải đáp gì, theo ý muốn của bà, nếu không là anh ta bị lừa gạt một cách ghê tởm. Anh nhạo báng trong im lặng lạnh lùng và tôi nghĩ là anh chờ đợi sự thổ lộ ân cần hạ mình gì đó. Có thể là tôi chưa bao giờ tự hạ mình mà đầy sự nể trọng, và tôi nhận ra rằng, như được đền bù, điểm đau đớn đối với anh ta không phải là mất tôi mà, tôi dám xét đoán anh ta. Phản ứng của bà Staines, về phía khác, làm tôi thất vọng, vì đó là sự hỗn hợp cuồng hỷ, nửa giả vờ châm chọc không giấu giếm. Cuối cùng, tôi đoán được ý định của bà. Sau tất cả, Harold đã may mắn thoát khỏi; thay vì là cô gái minh mẫn và thực tế như bà tưởng, tôi lãng mạn khủng khiếp! Có thể là bà có lý; tôi khá lãng mạn để không đòi hỏi việc bà chứa chấp lâu hơn, và càng nhanh chóng có thể, tôi trở về xứ sở. Một tháng sau, tôi nhận được một phong bì gồm nửa tá tờ trích báo chí, qua chữ ký dữ dội của Pierre Briseux. Phòng khách Paris đã mở cửa, các nhà phê bình đã lên tiếng. Họ không bỏ qua bức chân dung của tiểu thư X. Bức tranh đạt thành công lớn lao, và ô. Briseux đã nổi danh. Có vài tiếng nói phản đối, song hiển nhiên sự nghiệp của ông được ngợi ca. Về tiểu thư X, chính cô, chỉ có những khen tụng mà đa số là dưới hình thức phỏng đoán hào hiệp về lai lịch. Tiểu thư X. che dấu một tên khác, và tùy theo, hơn một người, phu nhân là một công chúa Nga quyền lực chống lại việc công khai tầm thường. Ông biết phần còn lại câu chuyện của Briseux. Từ đó, anh đã vẽ hàng tá công chúa thực sự. Anh đã khiến nhân loại kinh ngạc một cách hiếm có. Về việc làm cho tôi trở nên bất tử, tôi có cảm giác gần như đúng vậy. Sự việc đã trôi qua phải là trường cửu… chính vì thế mà tôi đã kể câu chuyện cho ông không chút ngần ngại!

Thái Thu Lan dịch
Theo “La maitresse de Mr Briseux”    
(SH291/5-13)




...............................................  
(18) Nhà thơ Anh (1792 - 1822). Cảm hứng lãng mạn; câu thơ hài hòa và sầu muộn. Tác phẩm nổi tiếng:  Hoàng hậu Mab, Promethee được giải thoát... 
(19) Thành phố Ý. Nổi tiếng về:trường Đại học, bảo tàng quốc gia sưu tầm quan trọng nghệ thuật cổ xưa.  
(20) Cung điện ở Paris, bắt đầu xây dựng 1204, trở thành bảo tàng 1791. Sưu tầm công cộng của thế giới rất  phong phú.
(21) Họa sĩ Ý (1575 - 1642). Có nhiều tranh biểu cảm ở bảo tàng Naples.  
(22) Họa sĩ Ý (1573 - 1610). Bi hóa chủ nghĩa hiện thực, tạo tương phản bóng tối và ánh sáng.  
(23) Kiệt tác của Leonard de Vinci. Chân dung của Mona Lisa.  
(24) Họa sĩ, điêu khắc, kỹ sư, kiến trúc sư, bác học Ý (1452 - 1519). Sang Pháp 1515. Tác giả La Joconde.  
(25) Tiểu thuyết của Bà De Stael.  
(26) Họa sĩ Ý (1489 - 1534). Để lại ở Parme nhiều tranh thần thoại nổi tiếng.
  






 

Các bài mới
Máy lạnh (02/12/2024)
Những bàn tay (01/11/2024)
Bữa trưa (18/10/2024)
Sushi(1) (18/09/2024)
Con diệc trắng (22/08/2024)
Trở về (07/05/2024)
Các bài đã đăng
Dàn đồng ca (18/03/2013)
Phút mặc khải (19/10/2012)
Mở khóa kéo (25/09/2012)
Khúc nhạc rắn (10/09/2012)
Ba lần rơi (27/08/2012)
Vâlmki (25/05/2012)