Truyện dịch
Những kẻ nô lệ ái tình
09:32 | 06/06/2013

KNUT HAMSUN (*)

Do tôi viết. Viết vào ngày hôm nay cho trái tim vơi nhẹ đi. Tôi đã mất chỗ làm ở tiệm cà phê cùng những ngày sung sướng của tôi. Tất thảy mọi thứ, tôi đã mất hết. Và tiệm cà phê ấy là tiệm cà phê Mắcximilăng.

Những kẻ nô lệ ái tình
Văn hào Na Uy Knut Hamsun(8/1859 - 2/1952) - Ảnh: internet

Chiều lại chiều, một ông trẻ tuổi vận đồ xám cùng với hai người bạn thường đến ngồi ở một bàn thuộc khu vực tôi phục vụ. Có biết bao ông thường đến… Tất cả đều dành cho tôi một lời ưu ái. Ông này thì tịnh không. Ông cao và mảnh người, tóc đen, mềm, đôi mắt xanh thỉnh thoảng lại nhìn tôi. Phía trên môi trên, bắt đầu lún phún một bộ ria nhỏ.

Được lắm. Thoạt đầu, chắc ông ấy chả có gì hiềm kị tôi. Ông ấy đến liền một tuần. Tôi đã quen với ông, khi nào ông không đến là tôi đâm nhớ. Một hôm, tôi không thấy ông... Tôi đi vòng khắp tiệm, cuối cùng tôi tìm ra ông ở gần một cái cột lớn cạnh cửa ra vào mé bên kia: ông ấy ngồi với một cô ở gánh xiếc. Cô này mặc áo dài màu vàng, đôi găng dài lên đến quá khuỷu tay. Cô ta trẻ, có đôi mắt đẹp, sẫm tối, còn mắt tôi thì lại xanh.

Tôi chỉ dừng lại một lát để nghe xem họ nói chuyện gì, cô ta trách ông điều gì đó, cô ta mệt mỏi với ông, cô ta yêu cầu ông đi khỏi. Tận trong lòng mình, tôi nói: Được, cô nàng thân mến, tại sao ông ấy không đến với tôi?

Chiều hôm sau, ông ấy cùng vào với hai người bạn và ngồi ở một trong những bàn của tôi; bởi vì tôi phải phục vụ năm bàn mà. Tôi đi lại chỗ ông ấy như thường lệ, nhưng tôi đỏ bừng mặt và làm như không nhìn thấy ông. Khi ông ra hiệu cho tôi, tôi tiến đến.

Tôi nói:

- Hôm qua ông không ở đây.

- Cô hầu bàn của chúng ta có thân hình thanh tú làm sao! - ông ấy nói với các bạn.

Tôi hỏi:

- Các ông dùng bia?

- Phải, - ông ấy đáp.

Và tôi lao đi kiếm ba vại bia, gần như chạy.

***

Mấy ngày qua đi.

Ông ấy đưa cho tôi tấm danh thiếp và bảo:

- Cô đưa cái này đến...

Tôi cầm lấy danh thiếp trước khi ông nói hết câu và mang đến cho cô áo vàng.

Trong khoảng ấy, tôi đọc được tên ông: Valađimia T.

Khi tôi trở lại ông nhìn tôi, vẻ dò hỏi:

- Xong rồi, tôi nói.

- Không có trả lời?

- Không ạ.

Bấy giờ, ông ấy bèn cho tôi một mác và mỉm cười nói:

- Không có trả lời cũng là một câu trả lời phải không nhỉ?

Suốt buổi tối, ông ấy ngồi nhìn cô ta và các bạn cô. Đến mười một giờ, ông đứng dậy và lại bàn cô ta. Cô ta tiếp đón ông thật lạnh lùng, trái lại, hai người bạn cô nói chuyện với ông và vừa tủm tỉm cười vừa hỏi ông những câu thật ranh ma. Ông chỉ đứng đấy có vài phút và khi ông quay trở lại, tôi nhắc ông rằng ông đã đánh đổ bia vào một bên túi áo choàng. Ông cởi áo, quay phắt lại phía bàn cô nàng ở gánh xiếc. Tôi chùi chiếc áo choàng và ông mỉm cười nói:

- Cảm ơn, nàng nô lệ.

Trong khi giúp ông mặc áo vào, tôi trộm vuốt ve lưng ông.

Ông ngồi xuống, trầm ngâm suy nghĩ. Một trong hai người bạn ông gọi thêm bia và tôi cầm lấy cốc của ông ta để đi rót. Tôi định lấy cả cốc của T. luôn thể.

- Không, ông vừa nói vừa đặt tay lên tay tôi.

Sự đụng chạm ấy làm cả cánh tay tôi tê dại và chắc ông cũng nhận thấy thế vì ông lập tức rụt tay lại.

Đêm ấy, tôi quỳ trước giường cầu nguyện cho ông hai lần. Và vui sướng, tôi hôn lên bàn tay phải của mình, ở chỗ ông đã chạm vào.

***

Một hôm, ông ấy đã cho tôi hoa, bao nhiêu là hoa.

Ông ấy đã mua của chị hàng hoa gần hết cả thúng, ngay lúc bước vào tiệm, hoa tươi và đỏ thắm. Ông để hoa tràn bàn trước mắt mình hồi lâu. Không có người bạn nào đi theo ông. Tôi đứng thật lâu đằng sau một cái cột, vừa nhìn ông vừa nghĩ. Tên chàng là Vlađimia T.

Một giờ, có lẽ đến thế, trôi qua. Ông ấy liên tục nhìn chiếc đồng hồ quả lắc.

Tôi hỏi ông:

- Ông chờ ai chăng?

Ông nhìn tôi bằng một vẻ lơ đãng rồi đột ngột nói:

- Không, tôi không chờ ai cả. Tôi còn biết chờ ai kia chứ?

- Em chỉ nghĩ rằng có lẽ ông chờ ai, tôi lại nói:

- Này - ông nói. Của cô đấy.

Và ông ấy cho tôi cả mớ hoa ấy!

Tôi cảm ơn, nhưng tôi không nói nên lời, chỉ đủ sức thì thầm. Tôi bị một niềm vui đỏ chói cuốn đi, tôi thấy mình hổn hển đứt hơi bên quầy hàng, nơi tôi đến để lấy một cái gì đó mang cho khách!

- Cô cần gì? - Chị phục vụ hỏi:

- Thế chị nghĩ sao về chuyện này? - đến lượt tôi hỏi lại.

- Tôi nghĩ sao về chuyện này ư?- Chị phục vụ nói, - Cô điên rồi à?

- Chị thử đoán xem ai đã cho tôi những bông hoa này, tôi nói.

Ông quản lý đi qua.

- Cô chưa mang bia cho cái ông có chân gỗ đấy, tôi nghe thấy ông nói.

- Vlađimia cho đấy, tôi vừa nói vừa vội vàng đi bưng bia.

T. vẫn chưa đi. Một lần nữa tôi cảm ơn ông khi ông đứng lại. Ông giật bắn người và nói:

- Thực ra, tôi đã mua hoa cho một người đàn bà khác.

Thôi được, có lẽ chàng đã mua hoa cho một người đàn bà khác. Nhưng người nhận hoa lại là tôi. Hoa đã về tay tôi trước khi tới người phụ nữ mà chúng được dành cho. Và chàng còn để cho tôi cảm ơn chàng về chuyện ấy nữa. Chúc ngủ ngon, Vlađimia.
 

Minh họa: PHẠM ĐẠI


***

Ngày hôm sau, trời mưa.

Tôi nghĩ: "Hôm nay mình mặc cái áo dài đen hay cái xanh đây? Cái xanh. Cái ấy mới hơn, vậy, thì mình chọn nó". Tôi rất vui.

Khi tôi tới trạm đỗ, có một bà đợi xe điện dưới mưa. Bà không có ô. Tôi nhường ô của tôi cho bà, nhưng bà lịch sự từ chối. Thế là tôi cụp ô lại trong khi đứng đợi. Như vậy, không phải chỉ một mình bà chịu ướt, tôi nghĩ thầm.

Buổi tối, Vlađimia đến tiệm cà phê.

- Cảm ơn về những bông hoa hôm qua, tôi hãnh diện nói.

- Hoa nào?- chàng hỏi. Thôi ta đừng nói đến những bông hoa ấy nữa.

- Em đã muốn cảm ơn ông về chuyện đó, tôi nói.

Chàng nhún vai đáp:

- Cô đâu phải người tôi yêu, nàng nô lệ ạ.

Tôi không phải người chàng yêu... cũng được. Tôi không chờ đợi điều ấy và tôi không lấy thế làm trái ý. Nhưng tối nào tôi cũng được thấy chàng, chàng ngồi ở một trong những bàn của tôi, không ngồi ở bàn nào khác và chính tôi hầu bia chàng. Xin hãy nhận lời cảm ơn vì đã luôn trở về nguyên chỗ, Vlađimia.

Tối hôm sau, chàng đến muộn. Chàng nói:

- Cô có nhiều tiền không, nàng nô lệ?

- Không ạ, tôi trả lời, khốn thay, em là một con hầu nghèo. Chàng bèn nhìn tôi và mỉm cười nói:

- Chắc chắn là cô không hiểu tôi. Tôi cần một chút tiền cho đến ngày mai.

- Em có một ít tiền, em có một trăm ba mươi mác để ở nhà.

- Để ở nhà cô, chứ không phải ở đây?

Tôi đáp:

- Ông chờ em mười lăm phút, rồi khi đóng cửa tiệm, ông đi theo em về, em sẽ có tiền.

Chàng chờ mười lăm phút và đi theo tôi. Chỉ cần một trăm mác thôi, chàng nói. Chàng bước bên cạnh tôi suốt không để tôi đi trước hay hụt lại sau như các ông đẹp trai, sang trọng thường làm nhiều lần.

- Em chỉ có một phòng con con, tôi nói khi hai chúng tôi dừng lại trước cổng nhà.

- Tôi không lên đâu, chàng nói. Tôi đợi ở đây.

Chàng đợi.

Khi tôi trở xuống, chàng đếm tiền và nói:

- Có hơn một trăm mác. Tôi biếu cô mười mác thù lao. Không, cô phải nhận, cô hiểu không, tôi muốn biếu cô mười mác gọi là thù lao.

Và chàng đưa tiền cho tôi, chúc tôi ngủ ngon và đi khỏi. Đến đầu phố, tôi thấy chàng dừng lại và cho bà ăn mày già què chân một Xkilinh(1).

Tối hôm sau vừa đến, chàng liền phàn nàn là chưa thể trả nợ tôi. Tôi lấy làm biết ơn chàng về việc chưa có tiền trả tôi. Chàng thành thật công nhận là đã tiêu phí hết sạch.

- Biết nói thế nào đây, nàng nô lệ! Chàng mỉm cười nói. Tại nàng áo vàng, cô biết đấy!

- Tại sao cậu lại gọi cô phục vụ của chúng ta là nô lệ? - một trong hai người bạn của chàng hỏi. Cậu còn nô lệ hơn cô ấy chứ, đúng không?

- Các ông dùng bia?- Tôi ngắt lời họ.

Lát sau, cô áo vàng vào. T. đứng dậy và nghiêng mình chào. Chàng cúi thấp đến nỗi tóc xòa xuống trước mặt. Cô ta đi qua trước mặt chàng và ngồi vào một bàn lẻ, nhưng vẫn dành riêng hai ghế. Lập tức T. đến bàn cô ta và ngồi vào một chiếc. Hai phút sau, chàng đứng lên và nói to:

- Được, tôi đi đây. Và tôi sẽ không bao giờ trở lại.

- Cảm ơn, cô ta nói.

Tôi sung sướng đến run cả hai chân, tôi chạy đến quày để nói một điều gì đó. Tôi phải kể là chàng sẽ không bao giờ trở lại gặp cô ta nữa. Ông quản lý đi qua, ông ta mắng tôi gay gắt, song tôi bất cần.

Nửa đêm, khi tiệm cà phê đóng cửa, T. đưa tôi về đến tận cổng nhà.

- Năm trong số mười mác biếu cho cô hôm qua, chàng nói:

Tôi đưa cho chàng cả mười mà chàng cũng nhận, nhưng chàng đưa lại cho tôi năm mác coi như thù lao. Và chàng không muốn nghe những lời phản đối của tôi.

- Tối nay, em thật sung sướng, tôi nói. Em những muốn mạo muội mời ông lên chơi, buồn một nỗi em chỉ có một gian phòng bé tí xíu.

- Tôi sẽ không lên đâu, chàng đáp. Chúc ngủ ngon.

Chàng đi khỏi. Chàng lại qua trước mặt bà ăn mày già nhưng quên không cho tiền bố thí, mặc dầu bà đã gập mình cúi chào. Tôi chạy đến chỗ bà, đưa cho bà tí ti gọi là và nói:

- Đây là của người vừa đi qua, ông vận đồ xám ấy.

- Ông mặc đồ xám?- bà già hỏi.

- Người đàn ông tóc đen ấy. Vlađimia.

- Cô là vợ ông ấy?

Tôi đáp:

- Không, cháu là nô lệ của ông ấy.

***

Rồi mấy tối liền chàng cứ than phiền là không có tiền trả tôi. Tôi xin chàng đừng làm tôi khổ tâm như thế, chàng nói tướng lên điều đó, tất cả mọi người đều nghe thấy và có nhiều người phì cười.

- Tôi là một thằng đểu, một thằng khốn nạn. chàng nói. Tôi đã vay tiền cô và không có khả năng hoàn lại cô. Tôi những muốn chặt phăng bàn tay phải để đổi lấy năm mười mác.

Nghe những lời ấy, tôi nẫu cả lòng và tôi nghĩ cách kiếm ra tiền cho chàng, mặc dầu tôi không có khả năng.

Chàng còn bảo tôi:

- Ngoài ra nếu cô hỏi chuyện riêng của tôi ra sao rồi thì xin nói: nàng áo vàng đã ra đi với gánh xiếc của nàng. Tôi đã quên nàng rồi. Tôi không nhớ nàng nữa.

- Vậy mà hôm nay cậu lại vừa viết cho cô ta một bức thư nữa, một trong hai người bạn chàng nói.

- Đó là bức cuối cùng, Vlađimia đáp.

Tôi mua của chị hàng hoa một bông hồng và cài vào khuyết áo chàng ở bên trái. Trong khi làm thế, tôi cảm thấy hơi thở chàng trên bàn tay, phải khó khăn lắm tôi mới cắm chiếc ghim cài vào được.

- Cảm ơn, chàng nói.

Tôi đòi mấy mác tôi còn lại trong quỹ đưa cho chàng. Đó là một món chả nghĩa lý gì.

- Cảm ơn, chàng lại nói.

Tôi sung sướng suốt cả buổi tối, cho đến khi Vlađimia đột ngột nói:

- Với mấy mác nầy, tôi sẽ đi một tuần. Khi tôi trở lại, tôi sẽ hoàn lại tất cả số tiền của cô.

Thấy tôi xúc động, chàng nói thêm:

- Chính cô mới là người tôi yêu.

Và chàng cầm tay tôi.

Tôi bối rối vì chàng muốn ra đi mà không chịu nói là đi đâu, mặc dù tôi đã hỏi chàng. Mọi thứ, toàn bộ tiệm cà phê, những chùm đèn treo, các khách hàng đông đảo, tất thảy bắt đầu quay tít xung quanh tôi, tôi không cưỡng lại nổi, tôi bíu cả hai tay vào chàng.

- Trong vòng một tuần, tôi sẽ trở lại với cô, chàng vừa nói vừa đứng dậy thật nhanh.

Tôi nghe thấy ông quản lý bảo tôi:

- Cô sẽ bị đuổi.

"Được lắm, tôi nghĩ thầm. Thế thì việc gì nào! Trong vòng một tuần, Vlađimia sẽ trở về với tôi!"... Tôi định cảm ơn chàng, tôi quay người lại... chàng đã đi rồi.

***

Một tuần sau, một buổi tối, về đến nhà, tôi thấy một bức thư của chàng. Chàng tuyệt vọng, chàng nói rằng chàng đi tìm cô áo vàng, rằng chàng hẳn không bao giờ có thể trả nợ tôi, rằng chàng đang trong cơn cùng quẫn nhất. Rồi chàng lại tự kết tội là một tâm hồn ghê tởm và ở cuối trang chàng viết: "Tôi là tên nô lệ của nàng áo vàng".

Ngày đêm, tôi đau đớn khổ não, tôi không thể làm gì khác. Một tuần sau, tôi mất chỗ làm và tôi bèn đi kiếm một chỗ khác. Ban ngày, tôi đến xin phục vụ ở các tiệm cà phê khác và các khách sạn, tôi gõ cửa cả các tư gia xin vào giúp việc. Không ăn thua. Tới khuya, tôi mua với nửa giá tiền tất cả các báo và khi về đến nhà, đọc các mục rao vặt. Tôi nghĩ: có thể bây giờ mình sẽ tìm ra cái mối gì đó khả dĩ cứu được hai chúng mình, Vlađimia và mình...

Tối hôm qua, tôi đã thấy tên chàng trên một tờ báo, người ta nói đến chàng. Tôi liền đi ra ngay, ra khỏi nhà, tôi lang thang các phố và sáng nay trôi trở về. Có lẽ tôi đã ngủ ở một chỗ này hay một chỗ khác, hoặc giả tôi đã ngồi lì ở một cầu thang, không đủ sức bước nữa, tôi chẳng biết.

Hôm nay, tôi đọc lại tờ báo. Nhưng chính tối qua khi về nhà, tôi đã đọc nó lần đầu mà. Thoạt tiên, tôi đã chấp tay lại, rồi tôi ngồi vào một cái ghế tựa. Lát sau tôi ngồi xuống sàn, dựa lưng vào một cái ghế. Tôi tì bẹt hai bàn tay trên sàn vừa đưa qua đưa lại, vừa suy nghĩ. Mà có lẽ tôi cũng chả suy nghĩ gì sất, song sự trống rỗng cứ lào xào trong đầu tôi và tôi không còn ý thức về mình nữa. Thế rồi tôi phải đứng lên và ra ngoài. Đến đầu phố, tôi nhớ là mình đã cho bà ăn mày già một xkilinh và nói:

- Đó là của ông vận đồ xám, bà biết đấy.

- Có lẽ cô là vợ chưa cưới của ông ấy chăng? bà lão hỏi.

Tôi đáp:

- Không, cháu là vợ góa của ông ấy...

Và tôi lê bước khắp các phố đến tận sáng nay. Và tôi đã đọc lại tờ báo.

Tên chàng là Vlađimia T.

DƯƠNG TƯỜNG
Dịch theo bản tiếng Pháp của Régis Byero
(SH25/6-87)

-----------------
(*) Nhà văn Na Uy, giải thưởng Nobel năm 1920
(1) Tiền các nước Bắc Âu bằng một phần nhỏ đồng mác.








 

Các bài mới
Máy lạnh (02/12/2024)
Những bàn tay (01/11/2024)
Bữa trưa (18/10/2024)
Sushi(1) (18/09/2024)
Con diệc trắng (22/08/2024)
Trở về (07/05/2024)
Các bài đã đăng
Dàn đồng ca (18/03/2013)
Phút mặc khải (19/10/2012)
Mở khóa kéo (25/09/2012)
Khúc nhạc rắn (10/09/2012)
Ba lần rơi (27/08/2012)