Truyện dịch
Kẻ báo hiệu
09:19 | 23/09/2013

O.HENRY

Rất lâu trước khi bụng dạ lờ đờ của anh nhà quê cảm nhận được hơi xuân thì tay thị dân ấy đã biết rằng bà chúa xanh màu cỏ ấy đã lên ngôi.

Kẻ báo hiệu
Minh họa: Nhím

Ông ta ngồi với phần điểm tâm gồm trứng với bánh mì nướng, bị vây giữa những bức tường đá, mở tờ báo buổi sáng ra và xem bọn báo chí để lại vị xuân ở hòm thư.

Bởi vì, tuy những dấu hiệu báo tin xuân từng là bằng chứng cho sự hiện diện của những giác quan tinh nhạy của chúng ta, nhưng nay hãng tin AP đã làm chuyện đó ngon lành.

Tiếng líu lo của con chim cổ đỏ đầu tiên ở Hackensack, sự lay động của nhựa cây thích ở Bennington, việc đâm chồi của đám liễu tơ dọc phố Main ở Syracus, tiếng lích chích đầu tiên của con sơn ca, tiếng hót thiên nga của làng Blue Point, cơn bão xoáy hàng năm ở St. Louis, lời than vãn của kẻ sợ đào kém ngọt ở Pompton, New Jersey, chuyến viếng thăm đều đặn của con ngỗng trời thuần hóa với một chân bị què tới cái hồ gần giao lộ Bilgewater, âm mưu tồi tệ của hãng dược phẩm Drug Trust nhằm tăng giá thuốc ký ninh bị dân biểu Jinks chặn lại ở Hạ viện, cây dương cao đầu tiên bị sét đánh trúng và những người đi dã ngoại hoảng hồn như thường lệ tìm chỗ ẩn náu, tiếng rạn nứt đầu tiên của khối băng dồn trên sông Allegheny, việc phát hiện một bông hoa tím dại trên luống đất đầy rêu bởi một phóng viên ở Round Corners - đấy là những dấu hiệu báo trước của cái mùa đâm chồi nảy lộc được gửi tới cho thành phố thông thái này, trong khi anh nông dân chẳng thấy gì ngoài mùa đông trên những cách đồng thê lương của anh ta.

Nhưng chúng chỉ là những thứ bên ngoài. Kẻ báo hiệu mùa xuân đích thực chính là con tim. Khi con uyên tìm kiếm con ương của mình còn chim thư tìm chim cưu, thì chỉ có mùa xuân được gửi tới và bài tường thuật về vụ hạ sát con rắn chuông dài thước rưỡi ở bãi cỏ của Squire Pettigrew được khẳng định.

Trước khi đóa hoa tím dại đầu tiên nở ra, ông Peters, ông Ragsdale và ông Kidd ngồi với nhau trên một băng ghế trong Quảng trường Union và bàn bạc. Peters là chàng D’Artagnan của nhóm ăn không ngồi rồi ở đó. Ông ta là người bẩn thỉu nhất, lười biếng nhất, vết đốm nâu đáng tiếc nhất trên cái nền xanh của mọi băng ghế trong công viên. Nhưng ngay lúc đó ông ta là kẻ quan trọng nhất của bộ ba.

Ông Peters có một bà vợ. Điều này cho đến nay không hề ảnh hưởng tới vị trí của ông đối với Ragsy và Kidd. Nhưng hôm nay nó đem lại cho ông một thế mạnh đặc biệt. Các bạn ông, sau khi đã thoát khỏi đời sống hôn nhân, có xu hướng chế nhạo ông Peters vì cảnh gian nan của ông trong vùng biển động ấy. Nhưng sau cùng họ buộc lòng phải thừa nhận rằng hoặc ông có tài nhìn xa trông rộng thiên phú hoặc ông là một trong những đứa con may mắn của Thần Tài.

Bởi vì, bà Peters có một đô la. Tờ một đô la nguyên vẹn, còn tốt và được chính phủ chấp nhận để đóng thuế, nộp cho hải quan, và mọi nghĩa vụ công dân khác. Làm sao lấy được tờ một đô la đó hiện đang là vấn đề bàn bạc của ba chàng ngự lâm hom hem ấy.

“Sao ông biết đó là một đô la?” Ragsy hỏi, độ lớn lao của con số khiến ông ta hoài nghi.

“Gã giao than thấy bà ta có tờ đó,” ông Peters nói. “Hôm qua bà ấy ra ngoài làm mấy việc giặt giũ. Và coi thử bà ấy cho tôi cái gì để điểm tâm - một khúc cùi chỏ bánh mì với một cốc cà phê, còn bà ấy có một đô la!”

“Tàn bạo thật,” Ragsy nói.

“Nếu như tụi mình lên đó và đấm bả một trận rồi nhét khăn vào miệng và tịch thu đồng tiền đó,” Kidd gợi ý, một cách hiểm ác. “Mấy ông đâu có sợ một mụ đàn bà, phải không?”

“Có thể bà ấy gào lên để người ta tóm cổ bọn mình,” Ragsy e ngại phản đối. “Tôi không tin chuyện đục được một mụ đàn bà với cả đống người trong nhà.”

“Các ông này,” ông Peters nói, nghiêm trọng, qua mớ râu ria đỏ cạch, “hãy nhớ rằng các ông đang nói về vợ tôi. Đàn ông là không thể vung tay lên với vợ trừ khi theo kiểu...”

“Maguire,” Ragsy nói, với vẻ châm chích, “mới bày bảng hiệu bia Đức ra. Nếu có một đô la mình có thể...”

“Nín đi!” ông Peters nói, liếm môi. “Chúng ta bằng cách nào đó sẽ lấy được đồng tiền đang nói đó, các cậu ạ. Bộ bà vợ của một người thì không thuộc về ông ta sao? Để tôi lo vụ đó. Tôi sẽ về nhà và lấy nó. Cứ ở đây đợi tôi.”

“Tôi thấy mấy bà chịu thua lẹ lắm, và khai ngay nó giấu ở đâu nếu ông cứ đá vào sườn,” Kidd nói.

“Ai mà đi đá phụ nữ,” Peters nói, vẻ cao đạo. “Bóp cổ chút đỉnh - chỉ chạm vào khí quản thôi - là xong xuôi với họ ngay - mà không để lại dấu vết. Đợi tôi nghe. Tôi sẽ mang đồng đô la đó về, các cậu ạ.”

Cao phía trên một tòa nhà căn hộ cho thuê giữa Đường số 2 và bờ sông là chỗ ở của nhà Peters, trong một căn phòng phía sau u ám đến độ chủ nhà mắc cỡ khi nhận tiền thuê nó. Bà Peters làm việc vào nhiều lúc khác nhau, với những việc cọ rửa và giặt giũ lặt vặt. Ông Peters có một kỷ lục nguyên vẹn, chưa từng bị phá là năm năm liền không kiếm được một xu. Thế nhưng họ vẫn sống bấu vào nhau, chia sẻ sự thù ghét và khốn khổ của mỗi người, sống đời tạo vật của thói quen. Của thói quen, cái ma lực giữ cho trái đất khỏi bay tung ra từng mảnh; tuy rằng có thứ lý thuyết ngu ngốc nào đó về trọng lực.

Bà Peters đặt tấm thân gần một tạ trên cõi an toàn của hai cái ghế và nhìn lơ mơ qua cửa sổ tới bức tường gạch đối diện. Đôi mắt bà đỏ và ươn ướt. Mớ đồ đạc lẽ ra đã được chở đi bằng xe đẩy, nhưng chắc chẳng phu xe đẩy nào dọn nó đi như một thứ quà tặng.

Cửa mở ra cho ông Peters vào. Đôi mắt như mắt chó sục cáo lộ ra một ước muốn. Khả năng chẩn đoán của bà vợ xác định đúng ngay nguồn gốc của nó, nhưng lại hiểu lầm đó là cơn đói thay vì cơn khát.

“Từ giờ tới tối, ông chẳng mong kiếm thêm được cái gì để ăn đâu,” bà nói, lại nhìn ra cửa sổ. “Mang cái mặt chó săn của ông ra khỏi phòng đi.”

Tia mắt của ông Peters đo lường khoảng cách giữa hai người. Bằng cách bất ngờ tấn công thì có thể nhảy đè lên bà, vật ngã bà, và áp dụng chiến thuật siết cổ mà ông đã khoác lác với đám chiến hữu đang chờ kia. Thực ra, đó chỉ là một lời khoác lác; ông chưa bao giờ dám chạm đôi tay bạo lực vào người bà; nhưng với những ý nghĩ về thứ bia đen hay bia Culmbacher mát mẻ, ngon lành gia cố cho tinh thần, ông ta tiến gần đến chỗ lật đổ các lý thuyết của mình về cách cư xử đúng điệu của một quý ông đối với một quý bà. Nhưng, với tình yêu của kẻ lười nhác trong ông dành cho cách thức nghệ thuật hơn và ít cực nhọc hơn, ông chọn con đường ngoại giao trước, nước cờ cao trong cuộc chơi - thái độ của sự thành công coi như đã đạt được.

“Bà có một đô,” ông nói, vẻ cao đạo, nhưng đầy ý nghĩa trong cái giọng đi kèm với việc mồi một điếu xì gà - khi tài sản nằm ngay tầm tay.

“Tui có,” bà Peters nói, chìa tờ giấy bạc từ trong ngực ra và vung vẩy nó tanh tách, trêu ngươi.

“Tôi được đề nghị một chỗ làm... trong một tiệm trà,” ông Peters nói. “Mai tôi bắt đầu đi làm. Nhưng như thế tôi cần mua một vài...”

“Ông nói xạo,” bà Peters nói, giấu vội tờ giấy bạc trở vào trong ngực. “Không tiệm trà nào, chẳng tiệm A B C nào, chẳng cửa hàng đồng nát nào mướn ông cả. Tui tróc hết da hai bàn tay vì giặt giũ những áo khoác với quần yếm để kiếm được đô la này. Bộ ông tưởng nó hiện ra từ mớ bọt bia để mua cái món ông cho vào người hả? Dẹp đi! Đừng có nghĩ tới tiền bạc nữa”.

Rõ ràng những tư thế của nhà ngoại giao cỡ Talleyrand cũng chẳng đáng giá một trăm xu trên đồng đô la đó. Nhưng ngoại giao là phải khéo léo. Khí chất nghệ sĩ của ông Peters nắm những dây đai thắt đôi ghệt rồi nhấc ông lên đặt vào một tư thế mới. Ông bày ra một ánh u sầu tuyệt vọng trong đôi mắt.

“Clara,” ông nói, một cách trống rỗng, “phấn đấu mấy cũng là vô ích. Bà luôn hiểu lầm tôi. Có Chúa biết cho rằng tôi đã cố gắng hết sức mình để vươn cao đầu trên những đợt sóng rủi ro, nhưng...”

“Dẹp cái cầu vồng hy vọng đó với cái trò mơ tưởng bước qua từng hòn đảo nhỏ hẹp của Tây Ban Nha đi,” bà Peters nói, thở dài đánh sượt. “Tui nghe chuyện đó hoài à. Có chai thuốc sát trùng một xị trên kệ đàng sau lon cà phê rỗng đó. Cứ uống thoải mái đi”.

Ông Peters ngẫm nghĩ. Làm gì tiếp đây trời! Những mưu chước cũ đã thất bại. Hai lão ngự lâm hom hem đang mỏi mòn trông đợi ông bên tòa lâu đài đổ nát - ý là muốn nói, trên băng ghế công viên với những chân ghế bằng gang ọp ẹp. Danh dự của ông lâm nguy. Ông đã cam kết đơn thân độc mã đột kích vào lâu đài và đem về mớ kho báu vốn có thể cung cấp cho họ cuộc chè chén và khuây khỏa. Và đứng chặn giữa ông với đồng đô la đáng thèm muốn kia là vợ ông, từng là một thiếu nữ nhỏ bé mà ông có thể... aha! tại sao không làm lại được lần nữa? Từng có thời bằng những lời lẽ dịu dàng ông đã có thể, như người ta vẫn nói, quay bà ấy như quay dế. Tại sao không làm lại được lần nữa? Ông đã không thử làm vậy bao năm rồi. Cảnh nghèo khổ ác nghiệt và lòng thù ghét lẫn nhau đã giết chết toàn bộ chuyện đó. Nhưng Ragsy với Kidd đang đợi ông mang đồng đô la đó về kia!

Ông Peters lén nhìn bà một cái sắc lẻm. Khối thân thể xồ xề của bà chảy tràn khỏi ghế. Bà cứ nhìn đăm đăm ra ngoài cửa sổ với một vẻ mất hồn kỳ lạ. Đôi mắt bà cho thấy mới đây bà đã khóc.

“Mình không biết,” ông Peters tự nhủ, “liệu có cái gì trong đó.”

Cửa sổ mở ra bức tường gạch và những khoảng sân sau xám xịt, trơ trọi. Ngoại trừ vẻ dịu dàng của không gian len vào thì trong thành phố trời vẫn như giữa mùa đông đang cau có nhìn mùa xuân vây quanh. Nhưng mùa xuân không đến với tiếng đại bác ầm vang. Nó là lính công binh và giật mìn, và bạn phải chịu thua nó thôi.

“Mình sẽ cố thử,” ông Peters tự nhủ, với bộ mặt dở khóc dở cười.

Ông bước tới chỗ bà vợ và đặt tay lên vai bà.

“Clara em yêu,” ông nói bằng cái giọng mà chắc không lừa nổi một con hải cẩu mới đẻ, “sao mình cứ nói những lời khó nghe với nhau? Bà không phải mèo cưng của tôi sao?”

Một điểm xấu cho ông, Peters ạ, trong cuốn sổ thiêng liêng của thần tình yêu Cupid. Những cáo buộc cho ông về tội âm mưu mua chuộc đã được ghi nhận, về tội làm giả và thốt ra hai từ danh xưng thần thánh nhất của Tình Yêu.

Nhưng phép lạ của mùa xuân đã được thực hiện. Dấu hiệu mùa xuân đã bò vào căn phòng phía sau bên trên con hẻm thoát hiểm giữa hai bức tường đen. Thật là buồn cười, nhưng tuy vậy... Phải, đó là một cái bẫy chuột, và bạn, quý bà và quý ông và tất cả chúng ta, đều nằm trong đó.

Đỏ lự và mập và khóc lóc như suối Niobe hay thác Niagara, bà Peters vòng hai tay ôm lấy ông chồng và tan ra trên ông ấy. Ông Peters hẳn có thể rút được đồng đô la khỏi chỗ hầm chôn giấu nó, nhưng hai tay ông bị kẹt cứng vào thân mình.

“Ông thương tui không, James?” bà Peters hỏi.

“Như điên,” ông Peters đáp, “nhưng...”

“Ông bệnh rồi!” bà Peters kêu lên. “Sao ông coi xanh xao mệt mỏi vậy?”

“Tôi thấy mệt lử,” ông Peters nói. “Tôi...”

“Ôi, chờ đã; tui biết đó là gì rồi. Chờ đó, James. Chút xíu tui quay về liền.”

Với một cú ôm siết chia tay vốn khiến ông Peters nhớ lại tay đô vật có biệt danh Tên Thổ Khủng Khiếp, bà vợ ông tất tả rời phòng và lao xuống cầu thang.

Ông Peters móc hai ngón tay vào dây đeo quần.

“Được rồi,” ông thổ lộ với trần nhà. “Mình đã khiến bà ta chạy đi. Mình không hề nghĩ con mụ này dưới cái vẻ ngốc nghếch đó mà còn dễ mềm lòng như vậy. Được thôi, thưa ngài; tôi không đáng mặt thám tử Claude Melnotte của khu hạ East Side này sao? Cái gì? Cá một trăm ăn một là tôi lấy được đồng đô la đó. Tôi không biết bà ấy đi lấy cái gì. Tôi đoán bà ta đi kể với bà Muldoon ở tầng hai, rằng tụi tôi đã làm lành. Tôi sẽ nhớ vụ này. Thứ mềm như bún! Cha Ragsy lại còn nói chuyện phải đục bà ấy nữa chứ!”

Bà Peters trở về với một chai thuốc bổ thổ phục linh.

“Tui mừng vì nhằm lúc tôi có được đồng đô la đó,” bà ấy nói. “Ông coi suy quá rồi, cưng.”

Ông Peters bị tọng cho một thìa to tướng thứ thuốc đó. Rồi bà Peters ngồi ngay vào lòng ông và rù rì:

“Gọi tui là mèo cưng như hồi xưa lần nữa đi, James.”

Ông ngồi im re, bị nữ thần mùa xuân bằng xương bằng thịt giữ cứng tại chỗ.

Mùa xuân đã đến.

Trên băng ghế trong Quảng trường Union, ông Ragsdale với ông Kidd ngồi vặn vẹo, khát khô bong lưỡi, chờ đợi chàng D’Artagnan với đồng đô la.

“Phải chi mình bóp cổ bà ấy ngay từ đầu,” ông Peters tự nhủ.

Phạm Viêm Phương dịch
(SH295/09-13)







 

Các bài mới
Những bàn tay (01/11/2024)
Bữa trưa (18/10/2024)
Sushi(1) (18/09/2024)
Con diệc trắng (22/08/2024)
Trở về (07/05/2024)
Các bài đã đăng
Cỏ dại (30/08/2013)
Tâm hồn (16/08/2013)
Dàn đồng ca (18/03/2013)
Phút mặc khải (19/10/2012)