LGT: Romain Gary tên thật là Romain Kacew, sinh năm 1914 tại Moskva và được nuôi dưỡng bởi một người mẹ đã đặt rất nhiều kỳ vọng nơi con trai mình. Năm 14 tuổi, ông theo mẹ đến Pháp và định cư tại Nice.
Sau khi tốt nghiệp ngành luật, ông gia nhập quân đội, ngành Không quân và theo De Gaulle vào năm 1940. Sau giải phóng năm 1945, ông vào làm việc tại Bộ Công An, và trong cùng năm này, ông bắt đầu cầm bút. Nhờ nghề ngoại giao của mình, ông đi rất nhiều nơi và và đã cho ra đời rất nhiều các tác phẩm văn học có giá trị và thu hút được nhiều bạn đọc trong và ngoài nước Pháp. Các tác phẩm của ông đã nổi tiếng khắp toàn cầu. Năm 1956, tác phẩm Cội nguồn của trời của ông đã được trao giải Goncourt. Ông còn nổi tiếng bởi một giải thưởng Goncourt thứ hai cũng đã được trao cho ông với tác phẩm: Gros-Calin, nỗi hoảng sợ của vua Salomon và cuộc sống phía trước, khi ông thay đổi bút danh là Emile Ajar. Ông qua đời năm 1980 tại Paris.
(Theo thông lệ giải thưởng Goncourt, mỗi nhà văn chỉ được phép nhận giải một lần trong suốt cuộc đời cầm bút của mình. Trường hợp của R. Gary là hy hữu, vì ông đã thay đổi bút danh, nên không một ai biết đó là tác phẩm của ông. Người ta đã chỉ khám phá ra điều này sau khi ông qua đời vì ông đã viết di chúc tự thú nhận chuyện đổi bút danh của mình. Điều đó lại càng chứng tỏ tài năng của ông).
ROMAIN GARY
Người trên dương thế
Trên đoạn đường từ Hambourg đến Neugern, trước chiến tranh đã từng tồn tại một thị trấn nhỏ tên là Paternosterkirchen. Vùng này xưa kia nổi tiếng bởi ngành công nghiệp thủy tinh và trên quảng trường trung tâm của thị trấn, trước lâu đài Bourgmestre, du khách thường tới đây chiêm ngưỡng chiếc máy nước kỳ vĩ của Souffleur(1), biểu tượng của Johann Krull danh tiếng, người thợ điêu luyện đã thề thổi hồn mình vào trong một vật bằng kính ở Paternosterkirchen sao cho ngành công nghiệp đã từng làm rạng danh quốc gia có thể xứng đáng là đại diện trên thiên đàng. Bức tượng Johann can trường đang hoàn thành kỳ tích của mình, cũng như tòa lâu đài Bourgmestre, một tòa nhà kỳ bí của thế kỷ XIII, nơi bảo tồn tất cả các mẫu vật của mọi loại kính đã từng được chế tạo tại Paternosterkirchen, mà đã bị xóa sổ cùng với những gì còn lại của thành phố nhỏ này trong suốt thời kỳ chiến tranh thế giới mới đây (Cuộc Đại chiến thế giới thứ hai - ND), trong một trận oanh tạc nhầm của không quân.
Lúc đó là bốn giờ chiều, và quảng trường Souffleur vắng tanh. Phía tây, một vầng dương vàng ủng và sưng mọng đang lần lần chìm sâu xuống lớp bụi đen đúa bay phật phờ trên những đổ nát của khu chung cư trước đây, nơi những đội phát quang đã hạ nốt những bức tường của tòa nhà Schola Cantorum, xưa kia nổi tiếng trên toàn lãnh thổ Đức, nơi đã đào tạo lên một số trong những dàn hợp xướng quốc gia. Schola đã được những ông chủ các lò thủy tinh thành phố thành lập năm 1760 và ngay khi còn rất bé, những đứa trẻ con các gia đình công nhân đã tới đây để tập thổi thủy tinh dưới sự chỉ bảo của ông thầy dòng. Tuyết phảng phất rơi: những đọt tuyết chầm chậm buông xuống và có vẻ như ngập ngừng trước khi chạm đất. Quảng trường vẫn vắng tanh, rất lâu sau một con chó gầy gộc băng nhanh qua mà chỉ chạy theo ý của nó, mũi dí sát đất; một con quạ thận trọng sà xuống, mổ cái gì đó rồi lại bay vút đi ngay. Một người đàn ông và một thiếu nữ từ đâu đó hiện ra, vào chính tại chỗ mà ngày xưa Ganzgemutlichgasschen đã khởi sự. Người đàn ông xách một chiếc va li; ông ta đã có tuổi, nhỏ bé, đầu trần, mình vận một chiếc măng-tô đã sờn. Ông quấn quanh cổ mình một chiếc khăn quàng mỏng dính được thắt cẩn thận; dẫu vậy ông vẫn cố hết sức để rụt cổ mình vào giữa hai bả vai, có lẽ là để giảm tối đa phần da thịt bị trưng ra trước cái rét khủng khiếp. Một bộ ria màu xám lởm chởm trên khuôn mặt tròn nhăn nheo, cùng cặp mắt thất thần. Ông ta có vẻ hoàn toàn ngỡ ngàng. Ông dắt tay một thiếu nữ trẻ tóc vàng, mắt nhìn chăm chăm về phía trước, một nụ cười bí ẩn phảng phất trên môi. Cô bận một chiếc váy quá ngắn so với tuổi mình và thậm chí còn có vẻ hơi lố, và một chiếc ru băng dành cho các bé gái đeo trên tóc: có thể nói cô gái đã lớn lên rồi mà không tự nhận ra. Dẫu cô có lẽ phải chừng đôi mươi. Cô trang điểm một cách hết sức hậu đậu và cẩu thả: những vết màu đất son, thoa ẩu trượt khỏi gò má, son đỏ biến cặp môi thành một hình không cân xứng. Thoáng nhìn là thấy ngay đây là tác phẩm của những ngón tay rét cóng lẩy bẩy. Cô đi một đôi giầy đàn ông và đôi tất len, mình mặc chiếc vét lông thú cũn cỡn tiều tuỵ, hai tay áo quá ngắn và đeo đôi găng thủng. Hai người tiến lên vài bước và dừng lại ở giữa quảng trường đã được dọn quang đãng, ở chính chỗ mà xưa kia là bức tượng của Johann trung trực, nhưng giờ đây ta chỉ còn nhìn thấy vương lại trên nền đất ẩm những vết bánh xe tải băng qua để tới đường cao tốc Hambourg. Những đọt tuyết chầm chậm rơi lên tóc và đậu lên vai họ; đó là một thứ tuyết còm cõi và ủ dột chẳng trụ được đến chót và chỉ làm lộ rõ tất cả những gì là màu xám trên trần gian.
- Chúng ta đang ở đâu vậy? - cô gái trẻ hỏi. - Bác đã tìm thấy bức tượng chưa?
Người bạn đồng hành của cô đưa mắt nhìn cả khu quảng trường vắng tanh, rồi thở hắt ra.
- Thấy rồi, ông nói. Nó ở ngay trước mặt chúng ta, đúng ở nơi nó trụ ngày xưa.
- Nó có đẹp không?
- Rất đẹp.
- Vậy, bác hài lòng chứ?
- Ừ.
Ông đặt chiếc vali nhỏ của mình xuống đất.
- Mình sẽ ngồi xuống đây một lát, ông nói. - Những chiếc xe tải sẽ chạy qua đây và hẳn sẽ có một chuyến đồng ý cho chúng ta quá giang. Đương nhiên chúng ta cũng có thể tiếp tục đi thẳng đến đường cao tốc mà không cần thăm lại bức tượng Johann Krull. Hồi còn bé, bác đã chơi ở đây không biết bao nhiêu lần.
- Thế thì, bây giờ bác hãy nhìn nó đi, - thiếu nữ nói. - Chúng ta đâu có vội gì.
Họ ngồi lên mặt chiếc va li nhỏ và cứ ngồi áp sát nhau rất lâu như vậy mà không ai lên tiếng. Họ có vẻ bình thản, cái vẻ bình thản của con người ta như khi ở trong chính nhà mình vậy - những con người phiêu bạt. Cô gái cứ mỉm cười mãi còn ông già tội nghiệp thì hình như đang nhẩm đếm những đọt tuyết rơi. Thỉnh thoảng, ông như thoát khỏi cơn mơ tưởng của mình, nắm tay đấm thình thịnh vào ngực, và xì xoạp thở, rồi lại im lặng. Động tác này hình như đem đến cho ông hơi ấm cần thiết trong một khoảng thời gian. Cô gái trẻ vẫn không nhúc nhích. Cô có vẻ như không cần hơi nóng. Người bạn đồng hành của cô tháo chiếc giày bên phải và ra sức xoa bóp bàn chân, vừa làm vừa nhăn mặt. Thỉnh thoảng một chiếc xe tải chất đầy đồ phế chạy ngang qua quảng trường khiến ông già đứng bật dậy và cuống cuồng khua tay loạn xạ, nhưng chẳng chiếc nào dừng. Khi ấy ông lại bình thản ngồi xuống và tiếp tục cần mẫn xoa bàn chân lạnh cóng của mình. Những chiếc xe tải khiến một lớp mây bụi mù đặc và các chất bẩn nổi cuồn cuộn sau lưng chúng và phải chờ khi chúng đi rất lâu rồi thì cặp mắt mới lại có thể nhận rõ được những đọt tuyết trắng.
- Tuyết vẫn tiếp tục rơi chứ ạ? - cô gái hỏi.
- Nhiều lắm mà! Chẳng bao lâu ta sẽ chẳng còn nhìn thấy mặt đất nữa ấy chứ.
- Càng tốt!
- Gì cơ?
- Cháu nói là: càng tốt.
Ông già buồn bã đưa mắt nhìn một đọt tuyết èo uột rơi bên phía ông, ông chìa tay đón nó và nắm lại trong lòng bàn tay một giọt nước giá buốt.
- Chắc phải đẹp lắm nhỉ, - thiếu nữ lên tiếng. - Cháu rất thích tuyết. Cháu cũng rất mong được nhìn thấy bức tượng.
Ông già không trả lời, lôi từ túi ra một lọ thủy tinh chứa rượu trắng, lấy răng bật nút và uống một cách dè sẻn. Sau đó ông đưa ánh mắt thất thần nhìn ra xung quanh và nhanh nhẹn đưa miệng chai lên môi.
- Có mùi rượu, - cô gái trẻ thốt lên.
Ông già hấp tấp đút lại chai thủy tinh vào túi.
- Đó là một người đi ngang qua đây đấy, - ông nói. - Ông ta có lẽ đã uống rượu. Biết làm sao được, ngày mai là Noel rồi.
- Thoa cho cháu thêm chút phấn nữa đi, - thiếu nữ nói. - Cháu có cảm giác là mặt cháu tím ngắt rồi.
- Do trời lạnh đấy mà, - người bạn đồng hành của cô lên tiếng và thở hắt ra.
Ông lục túi mình để tìm hộp phấn, mở ra và đưa miếng bông thoa phấn vào gần mặt thiếu nữ. Mảnh bông gòn tuột khỏi những ngòn tay tê cóng của ông hai ba lần liền.
- Được rồi đấy, - cuối cùng thì ông cũng nói.
- Ông ta đã nhìn cháu chứ hả?
- Cái gì cơ? - ông già ngạc nhiên. - Ai cơ? A! đương nhiên rồi, - ông vội chỉnh lại. - Tất cả những người qua đường đều nhìn cháu, dĩ nhiên là thế. Cháu rất xinh.
- Với cháu thì cũng thế cả thôi. Nhưng cháu không muốn mang dáng vẻ của một con điên. Ngày trước, bao giờ cháu cũng chải tóc rất cẩn thận và luôn ăn mặc gọn gàng. Ba mẹ cháu rất lưu tâm đến chuyện này.
Đàn quạ đen bất ngờ bay vụt lên từ một khu đất trống, bay xập xòe một thôi trên khu quảng trường vắng tanh và bay đi trong những tiếng kêu quang quác. Cô gái trẻ hơi ngẩng đầu lên và mỉm cười.
- Bác có nghe thấy không? Cháu rất thích tiếng kêu của loài quạ. Ngay lập tức ta nhìn thấy phong cảnh đang diễn ra.
- Đúng thế, - ông già đáp lại.
Ông sợ sệt đảo mắt nhìn xung quanh, thoăn thoắt lôi chai thủy tinh rượu trắng ra khỏi túi mình và uống.
- Một phong cảnh của Noel, - thiếu nữ tiếp tục và miệng vẫn luôn mỉm cười, mắt ngước lên. - Cháu hình dung ra rất rõ, như thể chính cháu nhìn thấy được. Những đụn khói bốc lên từ ống lò sưởi trong buổi chiều chạng vạng, người bán hàng đẩy xe ba gác chất đầy cây thông, những cửa hiệu vui nhộn và bày đầy đồ để bán trong dịp ấy, những đọt tuyết trắng rơi bên cửa sổ sáng trưng…
Người bạn đường của cô hạ chai rượu xuống rồi lau miệng.
- Ừ, - ông đáp với một giọng hơi khản đặc. - Đúng thế, hoàn toàn đúng như thế thật. Cũng có một ông già tuyết, đội mũ cao thành và ngậm một chiếc tẩu. Chắc chắn là do chính bọn trẻ đã đắp lên đó. Nhà bác cũng luôn làm một ông già tuyết như thế, vào dịp Noel.
- Nếu cháu thực sự được khai thông đôi mắt, cháu rất muốn được làm trong chính đêm nay vì lễ Noel. Tất cả đều trắng tinh, quá đỗi sạch sẽ.
Ông già ngó một vũng bùn dưới chân mình với vẻ ủ ê.
- Ừ.
- Bác thấy đấy, cháu đâu có vội vàng gì. Cháu cảm thấy rất thoải mái như thế này mà.
Con người nhỏ thó bỗng bất ngờ rảo hoạt hẳn lên, khua khắng loạn xạ, hai tay giơ lên.
- Không mà, không mà, - ông ta phản đối. - Chẳng nên nói thế. Chính vậy đó, chính điều đó ngăn cản cháu nhìn. Thuộc về tâm lý cả thôi… Tất cả các bác sĩ đều công nhận rằng quá trình điều trị có thể kéo dài, và có thể còn nhiều khó khăn, nhưng chắc chắn là cháu sẽ khỏi mà. Nếu cháu mà cứ tiếp tục kháng cự thì ngay cả giáo sư Stern cũng chẳng thể làm gì cho cháu được đâu. Bác biết rõ tất cả những gì cháu đã nhìn thấy, tất cả những gì mà người ta bắt cháu phải nhìn…
Ông ta, ngồi trên chiếc va li nhỏ, vừa khua khoắng chân tay vừa nói dông dài, hai đầu chiếc khăn quàng của ông cũng bay phấp phới.
- Cháu đã gặp phải một cú sốc rất lớn. Nhưng đó là những tên lính, lũ súc sinh trận mạc… Không phải người đàn ông nào cũng thế cả đâu. Cần phải có niềm tin nơi những người đàn ông. Cháu không thật sự bị mù. Cháu không nhìn thấy bởi cháu không muốn nhìn đấy thôi… Tất cả các bác sĩ đều nói rằng đó là một cú sốc thần kinh… Nếu cháu cố gieo vào đó chút tâm huyết, và nếu cháu không kháng cự, nếu cháu muốn nhìn, thì giáo sư Stern chắc chắn sẽ chữa khỏi cho cháu, có thể là vào mùa Noel năm tới. Chỉ có điều là phải có lòng tin cháu ạ!
- Người bác có mùi rượu, - thiếu nữ nói.
Người đàn ông nín bặt, so tay vào trong cánh tay áo bành tô và rụt cổ lại. Ông ép sát thiếu nữ hơn và họ lại chìm vào yên lặng trên chiếc va li, trong lúc tuyết vẫn tiếp tục rơi xung quanh họ trong một điệu valse ngập ngừng.
Một chiếc xe tải rời khu đổ nát Schola Cantorium và chạy băng qua quảng trường. Ông già nhỏ thó lại đứng dậy vẫy, nhưng chẳng bộc lộ chút hy vọng nào khi chiếc xe chạy chậm lại lẫn sự bực mình khi nhìn nó chạy xa dần. Chiếc xe tải chất đầy những gạch vôi vụn và để lại sau nó một lớp bụi đỏ mịt mù. Thiếu nữ đã hứng trọn trên mặt mình và đưa tay dụi mắt; người bạn đồng hành của cô lôi từ túi ra một chiếc mù xoa rất sạch và nhẹ nhàng chăm chú lau cặp mắt và vầng trán cho cô, như thể ông muốn xóa sạch tất tật các dấu vết bẩn thỉu.
- Họ không dừng lại à? - thiếu nữ hỏi.
- Chắc chắn là họ không nhìn thấy chúng ta rồi.
Màn đêm đang dần buông xuống quanh họ và những vì sao đã thế chỗ những đọt tuyết trên bầu trời. Những con quạ cuối cùng bay vút lên kèm theo những tiếng kêu gà gật và vầng trăng trồi lên để trang điểm đôi chút cho vạn vật và làm bóng đêm dịu đi. Lại một chiếc xe tải chạy băng qua: bộ đèn pha chiếu thẳng vào hai người, rồi lại thờ ơ quay đi hướng khác.
- Sẽ phải đi bộ thôi, ông già khốn khổ nói. Chắc chắn là họ không đi cùng hướng với chúng ta đâu và dẫu sao thì ta cũng không thể yêu cầu họ chuyển hướng đi vì mình chứ.
Thiếu nữ đứng lên và đợi. Người bạn đồng hành của cô loay hoay bên chiếc va li.
- Xong rồi đây, xong rồi.
Ông đưa mắt liếc cô bé, rồi nhanh nhẹn lấy một chai khác, to hơn, từ trong va li và uống ngay. Ông dừng chút để thở và lại uống nữa. Trong va li, có đủ các loại đồ chơi, những con búp bê, gấu bông, những bộ tóc tóc tiên và những quả tròn đủ màu sắc để trang trí. Cũng có một bộ đồ hóa trang thành ông già Noel: Một chiếc áo choàng đỏ có đường viền trắng, một chiếc mũ có các túm tua rua, và một bộ râu giả trắng tinh. Ông già tội nghiệp đóng va li, dắt tay thiếu nữ và họ cất bước về phía đường cao tốc. Tuyết rơi đã làm ướt mặt đường nhựa và con đường lấp loáng dưới chân họ. Họ sắp đi đến một cây cọc chỉ hướng Hambourg và còn sáu mươi ki-lô-mét nữa thì mới tới đó. Ông già lia mắt nhìn hàng chữ và rảo bước.
- Chúng ta sắp đến nơi rồi, - ông nói với vẻ hài lòng.
Đèn pha của một chiếc xe tải xuất hiện trên đường và nhanh chóng lớn dần lên trong tiếng gầm đơn điệu. Ông già nhỏ thó nhảy bật lên, náo động hẳn, giơ tay khua khắng loạn xạ. Thoạt đầu, chiếc xe tải chạy vượt qua, sau đó phanh lại và chạy giật lùi về phía họ. Ông già chạy tập tễnh về phía cửa xe.
- Chúng tôi đi Hambourg, - ông kêu lên.
Họ không nhìn rõ mặt người tài xế ngồi sâu trong khoang lái. Duy chỉ có một cái bóng lờ mờ và đôi bàn tay rung lên trên vành lái dưới chiếc đèn veilleuse(2) xanh lơ. Người đàn ông hình như quan sát họ một lúc, rồi một tay rời khỏi vành lái và ra hiệu cho họ leo lên. Trong khoang xe, không khí rất ấm. Thiếu nữ ngồi tựa vào cánh cửa, thọc hai tay vào túi áo vét và ngủ ngay, trước cả khi xe nổ máy đi tiếp. Người bạn đồng hành ngồi cạnh cô, chiếc va li đặt trên đầu gối. Ông ta quả là quá nhỏ bé và chân đi đôi giày xăng-đan đã rạn mòn và lấm lem bùn đất, đu đưa lủng lẳng mà không chạm sàn. Dưới ánh sáng của ngọn đèn mờ nhạt, khuôn mặt bạc nhược và tròn trịa của ông mang vẻ trẻ thơ mặc dù những nếp nhăn và bộ râu xám mọc trên má và cằm. Thân thể ông chuyển động theo nhịp xe, nhưng ông rất chú ý để không động vào người thiếu nữ, để khỏi đánh thức cô dậy. Tiếng động của ổ máy và hơi nóng trong khoang rõ ràng là bốc nhanh lên đầu ông, cộng thêm sự mệt mỏi và hiệu quả của chất rượu, hình như đã làm ông ngà say. Ông bắt đầu nói liến thoắng với người tài xế. Rằng ông tên là Adolf Kannichen, nhà ở Hanovre, ông là người bán hàng rong; ông bán đồ chơi trẻ em và nếu như người tái xế có con nhỏ thì ông sẽ rất vui được giới thiệu các mặt hàng cho anh ta… Người tài xế có vẻ như chẳng thèm nghe, từ chỗ khuôn mặt anh ta, chỉ hiện rõ một vết sáng loang loáng. Thỉnh thoảng, anh ta đưa mắt liếc nhanh cô gái đang thiu ngủ trong góc. Đáng buồn là, ông già tiếp tục nói chuyện đâu đâu, việc buôn bán chẳng ra trò trống gì. Ông đã đặt quá nhiều niềm tin tưởng vào những ngày lễ tết và đã rót một số vốn đáng kể để mua những mặt hàng bán trong dịp Noel và một bộ đồ hóa trang cho chính ông nữa, nhưng thật uổng công ông kéo lê khắp các đầu làng ngõ phố hàng nhiều giờ liền với chiếc mũ đỏ và bộ râu trắng, bởi họ chẳng bán được gì dù chỉ để đủ ăn. Có thể là ở Hambourg, một thành phố lớn như vậy thì mọi chuyện sẽ khá hơn. Đúng vậy, họ đến Hambourg: chuyện liên quan đến thiếu nữ đây. Cháu nó… Nói thế nào đây nhỉ? Nó bị ốm. Cha mẹ cháu đã bị giết chết và hơn nữa, con bé đáng thương này, cháu lại còn gặp một bất hạnh đáng buồn khác nữa. Ôi chao! Ông chẳng muốn đi sâu vào các tiểu tiết làm gì, lính tráng thì vẫn là lính tráng cả thôi, người ta chẳng thể oán giận họ thực sự được. Nhưng dẫu sao thì đó cũng là một cú sốc để đời của con bé: Nó bỗng trở nên bị mù. Nói một cách chính xác hơn thì nó thuộc về một chứng mù tâm lý, như lời bác sĩ đã nói. Nó đã nhắm mắt lại trước loài người, đúng thế đấy. Một cái gì đó khá phức tạp. Nói đúng ra là nó không hẳn đã bị mù đâu, nhưng cũng hệt thế, bởi nó không thể nhìn được. Đương nhiên là do nó không muốn nhìn, nhưng các bác sĩ nói dù sao thì mắt nó cũng sẽ sáng trở lại thôi. Nó hoàn toàn không phải là giả vờ. Một dạng của chứng cuồng loạn, các bác sĩ đã gọi căn bệnh này là như vậy đấy. Nó chẳng muốn nhìn thấy gì nữa hết. Nó ẩn dật trong cái chứng mù của nó, như họ đã nói thế. Rất khó chữa khỏi, cần phải thật tế nhị, thật tận tâm, và phải dành cho nó thật nhiều tình cảm trìu mến yêu thương… Người tài xế lại quay vệt sáng lấp loáng của khuôn mặt mình về phía thiếu nữ, nhìn cô rất lâu, rồi quay sang nhìn đường. Vâng, con bé là thứ thủy tinh rạn, là thứ mỏng manh. Những trận oanh tạc, cuộc sống trong đổ nát rồi lại đến những tên lính khốn ấy… Ôi! đương nhiên rồi, bọn chúng chẳng biết rõ những gì chúng làm đâu, chiến tranh mà, chúng đã cho việc chúng làm là đúng. Chỉ có điều, vậy đấy, kể từ đó, con bé đã nhắm mắt lại trước mọi vật. Có nghĩa là nó đã khép chúng lại trong chính bản thân nó, nói cách khác, nó vẫn giữ cho chúng luôn mở to, chúng thậm chí là rất đẹp, mang màu xanh thăm thẳm - tóm lại, thật khó mà giải thích được. Toàn bộ chuyện này rất mang tính tâm lý. Có thể chữa khỏi được, đương nhiên rồi, khoa học đã có những bước tiến bộ nhường ấy, chỉ cần nhìn ra xung quanh thôi, thật tuyệt diệu, nhất là ở Đức quốc, chúng ta đã có rất nhiều bác học vĩ đại, những nhà tiên phong thật sự của một thế giới mới, thậm chí kẻ thù của chúng ta cũng phải công nhận điều ấy. Chỉ có điều, nói về nhà chuyên môn thực sự, thì các bác sĩ nói rằng chỉ có một thôi, giáo sư Stern ở Hambourg. Đó là một người chưa ai địch nổi, một sự kiện trên thế gian. Tất cả các bác sĩ đều nhất trí trên điểm này. Ông ta chạy chữa cho anh mà chẳng lấy tiền gì cả, nếu là trường hợp đặc biệt cuốn hút. Và trường hợp của con bé này thì thật sự là cuốn hút đấy, điều này thì hai năm rõ mười. Chứng mù tâm lý, các bác sĩ đã nói rồi. Rất hiếm đấy, cái gì đó thật đặc biệt. Hoàn toàn là điều mà giáo sư Stern đang cần, vị giáo sư này thực hiện mọi chuyện bằng tâm lý. Ông ta nói với người bệnh bằng sự tử tế chân thành - sự tử tế, trong chuyện này, đó là điều cốt yếu, ở đây cũng như ở mọi nơi khác - sau đó, ông ta ghi lại và sau vài tháng, thế là xong, con bệnh đã được chữa khỏi. Cũng rất lâu đấy, thế mới đáng buồn chứ. Phải hết sức từ từ. Ông hiểu không, con bé này ấy mà, nó là loại thủy tinh rạn, phải giữ nó trong bông gòn. Chính vì thế, tôi rất chú ý đến những gì tôi nói với nó, tôi luôn miêu tả mọi thứ dưới những sắc màu dễ chịu. Không có đổ nát, không có lính tráng, chẳng có gì ngoài những ngôi nhà xinh xắn, mái ngói đỏ, vườn rau, những con người cương trực có mặt ở mọi nơi. Tôi đã trang điểm cho nó mỗi nơi tý màu hồng, ông hiểu chứ. Vả lại điều đó rất hợp với tôi, tính tôi rất lạc quan. Tôi có niềm tin ở mọi người. Tôi luôn nói rằng: Hãy đặt niềm tin nơi mọi người, họ sẽ trả lại anh hàng trăm lần. Điều khiến tôi hơi lo lắng, đó là quá trình điều trị hơi lâu, nhưng tôi hy vọng là những người ở Hambourg chuộng đồ chơi. Lũ trẻ con ấy mà, ở Đức quốc thì chẳng thiếu đâu, mà có thiếu thì chỉ thiếu các bậc cha mẹ thôi, điều giải thích sự ế ẩm của việc bán đồ chơi. Rốt cục thì tôi vẫn giữ lạc quan. Chúng ta, những thường dân, chúng ta vẫn chưa đến nơi được, mà chúng ta mới chỉ ở khúc khởi hành, chỉ cần tiến lên phía trước, một ngày nào đó, ta sẽ thực sự trở thành một nhân vật tầm cỡ. Tôi tin tưởng vào tương lai. Con bé đây không phải là con gái tôi, cũng chẳng phải cháu gái, chẳng là gì cả, nó là một người xa lạ, nếu ông cho phép, trong chừng mực mà một con người có thể coi người đồng loại của mình như một kẻ xa lạ…
Ngồi trên ghế băng, chiếc va li đặt trên đầu gối, ông ta phóng những cử chỉ khoáng đạt, bộ mặt nhỏ thó bợt bạt chìm trong ánh sáng của ngọn đèn mờ. Ánh mắt người tài xế lại một lần nữa trượt về phía thiếu nữ, dừng lại một lát trên gò má được trang điểm, cặp môi hé mở trong một nụ cười gà gật. Ánh mắt anh ta cũng dừng lại trên dải lụa hồng buộc mái tóc vàng của cô. Ông già cứ tiếp tục nói luyên thuyên, nhưng càng ngày ông càng đung đưa nhiều hơn và cằm ông bắt đầu chạm hẳn xuống ngực… Tiếng phanh rít lên. Ông già khốn khổ đã ngủ, người gập trên chiếc va li. Ông bị hất mạnh về phía trước, mũi đập vào kính chắn gió và phát ra một tiếng kêu váng tai.
- Có chuyện gì vậy, hả Chúa tôi?
- Xuống đi.
- Ông không đi xa hơn nữa à?
- Xuống, ta nói rồi mà.
Ông già sửa soạn.
- Vậy thì, chẳng sao cả, chẳng sao cả mà… Cảm ơn ông…
Ông ta nhảy xuống đất, đặt va li xuống và chìa tay để giúp thiếu nữ bước xuống. Nhưng người tài xế đã ngoái sang, sập cánh cửa xe ngay trước mũi ông ta và nổ máy. Ông già đứng lại một mình trên đường, hai cánh tay vẫn đưa lên, miệng há hốc. Ông nhìn theo ánh đèn đỏ của chiếc xe nhanh chóng mất hút trong đêm, rồi hét lên, cầm va li và bắt đầu chạy. Lúc này tuyết đã rơi rất mau và cái bóng của ông siêu vẹo, ngúc ngắc thảm thương giữa những đọt tuyết trắng. Chạy được một thôi dài, ông giảm tốc độ, thở hổn hển rồi dừng hẳn lại, ngồi phệt trên mặt đường và bắt đầu khóc. Tuyết rơi nhè nhẹ chao đảo rập rờn xung quanh ông, đến đậu trong tóc, trườn vào cổ ông. Ông thôi không khóc nức nở nữa nhưng lại nấc dồn dập và phải đấm ngực để cố chế ngự nó. Cuối cùng ông thở thật sâu, lấy đầu khăn quàng lau khô mắt, xách va li và lại tiếp tục cất bước. Ông đi bộ chừng già nửa giờ và bất ngờ nhận ra trước mặt mình một hình bóng quen thuộc. Ông hét lên một tiếng kêu sung sướng và chạy về phía cô. Thiếu nữ đứng bất động giữa đường và có vẻ như đang đợi ông. Cô bé mỉm cười, bàn tay chìa ra: những đọt tuyết tan nhẹ nhàng giữa những ngón tay cô. Ông già khốn khổ ôm choàng vai cô bé.
- Hãy tha lỗi cho ta, ông lắp bắp. Bác đã mất niềm tin trong giây lát… Bác đã quá sợ hãi nên đã hình dung ra những điều khủng khiếp nhất… Bác đã nghĩ sẽ chẳng bao giờ còn gặp lại cháu nữa.
Dải lụa hồng đẹp đã bung ra. Đồ trang điểm nhòe nhoẹt, son môi loang đầy trên má, trên cổ. Chiếc khóa váy bị dứt tung. Cô lóng ngóng kéo một chiếc tất dài cứ không chịu trụ lại.
- Hơn nữa, cũng chẳng biết thế nào, anh ta hẳn có thể gây tổn hại cho cháu…
Ông già khốn khổ khẳng khái tán thành.
- Đúng thế, đúng thế đấy, - ông công nhận.
Ông chìa tay và nắm lấy một đọt tuyết.
- Giá mà cháu có thể nhìn thấy được cái này nhỉ, ông thốt lên. Lần này, đó là tuyết thật! Ngày mai, sẽ chẳng còn nhìn thấy gì khác nữa. Tất cả sẽ trắng toát và mới tinh, hết sức sạch sẽ. Đi thôi nào, lên đường! Chúng ta chắc sẽ không còn xa lắm nữa đâu.
Chẳng mấy chốc họ đi đến bên một cột mốc cây số và ông già nhẩm đọc, cổ nghển dài: “Hambourg, một trăm hai mươi ki-lô-mét”. Ông hấp tấp tháo kính, mắt và miệng méo xệch trong một sắc thái sửng sờ. Tay tài xế đáng thương đã chở họ đi sáu mươi ki-lô-mét theo hướng ngược lại. Ông ta không hề đi Hambourg. Con người đáng thương ấy, có lẽ ông ta đã hiểu nhầm điều mình nói.
- Đi thôi, ông vui vẻ nói, hiện tại chẳng còn bao xa nữa.
Ông cầm tay thiếu nữ, và họ lại tiếp tục lê bước trong màn đêm trắng nhờ và màu trắng ấy cứ không ngừng mơn man ve vuốt khuôn mặt họ.
Hiệu Constant dịch
(SH296/10-13)
.............................................
1. Người thổi thủy tinh.
2. Loại đèn ngủ, nhưng trong xe ô tô thuộc loại đèn hiệu, thường đặt trong khoang lái. Đèn tỏa ánh sáng dịu, nhưng rất mờ.