Truyện dịch
Một ngày trọn vẹn
08:17 | 08/02/2014

TÔN THẮNG LỢI (Trung Hoa)

Nền xi măng phòng làm việc đang còn những vệt ẩm của chiếc giẻ cọ sàn. Như thường lệ mọi buổi sáng, tôi tự dọn dẹp lấy phòng làm việc. Một lối sống giản dị, có phần khắc khổ. Mà không cần phải phô trương, cuộc cách mạng văn hóa đã kết thúc.

Một ngày trọn vẹn
Lâm Bưu (đọc diễn văn) trong Đại Cách mạng Văn hoá - Ảnh: antg.cand.com.vn

Là một cán bộ, muốn tồn tại trước mưa gió, tôi phải làm quen với một vài công việc bình thường, để khi cần nó sẽ chứng tỏ sự gắn bó vô tư của mình đối với cách mạng.

Trên bàn làm việc, một cái phích nước nóng, một hộp chè hoa nhài và chiếc chén uống nước làm bằng một lọ mứt thủy tinh. Hôm nọ cô bé Mộc Hà có nhận xét về tình trạng đồ dùng thảm hại của tôi và đã đề nghị mua một cái tách bằng sứ lấy ở quĩ "phúc lợi" của cơ quan. Tôi từ chối ngay. Làm sao tôi lại có thể để cho Nhà nước phải tiêu tốn vào những việc vặt trong khi toàn Trung Quốc đang bắt tay vào sự nghiệp vĩ đại của công cuộc "bốn hiện đại"? Vả lại tôi cũng có lý do khác để giữ cái lọ mứt khiêm tốn của mình.

Những cái tách... tôi đã giữ lại tất cả. Chúng là bằng chứng của những giai đoạn khác nhau trong cách mạng văn hóa, và một nhà sử học có thể đọc thấy rõ ràng.

Năm 1966, lúc mới bước chân vào con đường sự nghiệp, không may cho tôi là đã mua một cái tách trang trí hoa văn cổ truyền, những hoa phong lan. Bọn Hồng vệ binh coi đó là dấu hiệu chứng tỏ tôi còn luyến tiếc văn hóa phong kiến cổ. Tôi bèn mua một cái khác in bật câu nói nổi tiếng của Lâm Bưu: "Ra khơi nhờ tay lái vững. Làm cách mạng phải dựa vào tư tưởng Mao Trạch Đông"! Nhưng sau tháng chín 1971(1) thì không thể uống nước bằng cái tách đó nữa. Tôi lại đổi một cái khác, tráng men một dòng chữ vô hại "Hãy luôn luôn nghĩ đến đấu tranh giai cấp". Tôi đã dùng nó một thời gian cụ thể là ở trường Bảy tháng Năm mà tôi theo học ít lâu. Sau năm 1978, tôi cảm thấy lời nhắc nhở đến đấu tranh giai cấp đó không còn hợp thời nữa. Từ đấy tôi dùng cái lọ mứt bền chắc này được đậy kín bằng một cái nắp sắt. Mọi màu sắc nhất định là có một nội dung chính trị. Màu đỏ là hiển nhiên rồi, màu xanh có vẻ Trung Quốc cũ, màu trắng gợi lên sự Phục hưng. Nhưng thủy tinh, thứ thủy tinh đơn giản, hoàn toàn thích hợp với người cán bộ, giống như người cán bộ, nó không có màu sắc, nó trong suốt như cuộc đời chính trị mà người cán bộ phải có. Cái gì trong suốt thì có nghĩa là trung thực, và tôi không hề giấu giếm gì đối với Đảng. Tất nhiên một cái lọ không quai thì có thể làm bỏng tay. Nhưng không ai cấm tôi bọc hai phần ba chiều cao của lọ bằng một cái lưới đan bằng sợi ni-lông đủ các màu - như vậy không có ai ghen tị cả! Tôi đã nhờ con gái tôi mua một cái lưới do những phần tử tiểu trí thức(2) làm và bán ngoài phố. Cái lưới cách nhiệt đó lại còn bảo đảm cầm không bị tuột. Vả lại thật là thuận tiện: được báo phải đi họp, lập tức tôi đậy chặt nắp, nhét cả cái lọ đầy nước nóng vào chiếc túi rộng của áo ngoài, túi bên kia để bao thuốc lá. Những cái đó giúp cho tôi giết thời gian: một hơi thuốc "Công Nông Binh", một ngụm trà, thế là tôi có thể chịu đựng những cuộc mít tinh dài nhất. Không quên cái bút máy, dấu hiệu rõ rệt của người cán bộ, hiển nhiên là cài lên túi trên của chiếc áo ngoài màu xám.

Trên mặt bàn, báo chí xếp thành chồng: Nhân dân nhật báo, Hồng Kỳ, Bắc Kinh nhật báo, Quang Minh. Đây là thời khắc tế nhị thu hút mọi sự tập trung của tôi. Ngày trước mỗi khi vùi đầu vào báo chí, tôi rót trà, và ngày nào cũng vậy, tôi để cốc nước nóng đầu tiên đó nguội đi mà chưa uống. Quá say sưa với nhiệm vụ phức tạp. Tôi phải yên trí rằng đường lối không thay đổi, rằng xu hướng lúc này đã được xác nhận, hay trái lại đã xuất hiện một bước thụt lùi nhỏ của một giá trị nào đó mà hôm qua còn bền vững. Đấy là không kể những bước ngoặt bất thần, một sự quay ngoặt, một sự rạn vỡ, một sự sụp đổ, hay một sự bốc cháy đột ngột. Mỗi ngày tôi phải theo dõi diễn biến của các tít bài. Vì vậy tôi đọc các bài báo bằng cách lướt chéo qua dòng.

Tất cả đều diễn ra ở các dòng tít, ở các câu trích dẫn bằng chữ đậm, ở những bức ảnh. Lướt qua các cột báo, mắt lim dim, nhưng đầu óc tỉnh táo như một máy tính, đưa mắt qua các trang, ghi nhận khẩn trương, phân loại và sàng lọc những sự thay đổi và những cái xuống dốc. Trước hết là trang nhất. Hãy nhìn bức ảnh. Nhân vật ở giữa là người quan trọng nhất, thứ đến là người bên trái, rồi đến người bên phải, và tiếp đấy là những người ở xung quanh. Trên những bức ảnh chụp cả nhóm đó, hãy ghi nhớ sự thay đổi vị trí của các nhân vật từ số báo này qua số báo khác, những người được dịch lại gần hay ra xa mặt trời trung tâm. Đối chiếu với những điều ghi chép của tôi. Nhân vật nào xuất hiện một mình càng nhiều thì ngôi sao của y càng lên cao. Hãy quan sát danh sách những người có mặt trong các buổi tiếp tân, trong các hội nghị toàn quốc hay hội nghị cấp tỉnh, ghi nhớ những người vắng mặt - những kẻ đó luôn luôn là sai lầm - ghi nhớ thứ bậc trong danh sách các tên.

Cuốn sổ tay cá nhân của tôi mở trên mặt bàn tôi lật từng trang, so sánh các tít ngày hôm nay với những tít ghi chép tuần trước. Kìa hôm nay người ta không "Học tập Đại Trại" trên dòng tít về nông nghiệp nữa. Cũng không nhắc đến Đại đội sản xuất Quang vinh trong bài. Kỳ lạ thật. Một sự thay đổi chăng? Lập tức phải xem các báo khác. Thật rõ ràng: trong sáu bài viết về nông nghiệp hôm nay, không có một bài nào nói về Đại Trại, tôi xem lại sổ tay: tuần trước có nhắc tới 46 lần, hôm nay không còn gì nữa. Biết vậy. Tôi ghi chép sự biến động đó. Đọc tiếp nữa... Và trong khi chờ đợi, hãy thận trọng! Tôi sẽ không bị mắc sai lầm. Tôi mỉm cười và thoải mái nhấp ngụm trà đầu tiên. Tôi đã phát hiện một vật chướng ngại. Tôi biết cách đi vòng để tránh. Đấy là điều lo lắng của người cán bộ: bị bất ngờ trước một bước ngoặt không rõ ràng và húc đầu vào tường. Thật khủng khiếp! Phải biết hãm phanh đúng lúc.

Bây giờ tôi có thể rót một chén trà thật nóng. Trong khí lạnh ban mai của văn phòng ảm đạm, chén trà bốc khói và sưởi nóng bàn tay tôi một cách dễ chịu. Tôi giở ngược lại cuốn sổ tay của tôi. Đây là giai đoạn hai của buổi làm việc sáng. Ở đây tôi ghi hàng ngày thứ bậc của những nhân viên cấp dưới, thay đổi, điều chỉnh, bổ sung. Tôi có thể dựa chắc chắn vào ai? Ai là kẻ không nên tin cậy? Qua mỗi lần quay ngoắt, tôi phải xem lại các phích, xác định cụ thể việc chọn những kẻ thí mạng cho mình. Tùy theo những bước ngoặt trước mắt mà có thể phải thay đổi kẻ thí mạng. Kẻ thí mạng sử dụng trong mọi trường hợp, trong mọi thời gian, chưa được phát minh ra. Cách tự vệ tốt nhất là tấn công, luôn luôn phải có sẵn một kẻ thí mạng phòng khi đường cùng, chớ có bị động ngồi chờ kẻ thí mạng có sẵn từ trên trời rơi xuống, mà phải chăm bón nó một cách tích cực.

Cái hệ thống thứ bậc riêng tư đó, thường xuyên được rà lại, sẽ trở thành mơ hồ và vô dụng, nếu tôi làm như mọi cán bộ khác, là không có trong tầm tay một kho vũ khí khen thưởng và trừng phạt. Trong cái triều đình nhỏ bé của những người ủng hộ tôi, chẳng hạn có ông già Trương đang cần phiếu mua giường tủ. Đó là để cho con gái ông sắp lấy chồng. Là phần tử tiểu trí thức được trở về Bắc Kinh một cách tương đối hợp lệ, con bé chỉ có toàn bộ tài sản là quần áo mặc trên người. Mụ vợ của Lâm muốn có một gian buồng rộng hơn. Chàng Bằng đang muốn chuyển sang bộ phận khác. Những điều đó đều được ghi lại. Tôi vừa nhận được một vài cái phiếu phân phối giường, tôi phải để ngay một cái sang bên cho ông Trương. Những cái khác sẽ được phân phối cho người cần nhất theo thứ tự trong danh sách đăng ký. Hay có thể rút thăm. Thật là vui và vô tư. Tôi có thể rút một cái phiếu mua bếp hơi không đưa ra phân phối, đó là vàng ròng đấy. Tôi giữ làm dự trữ phòng khi gây cấn, ví như để vô hiệu hóa một đối thủ chẳng hạn.

Tôi gấp sổ tay lại. Đã đến giờ đi thị sát các phòng làm việc. Một vài câu nói riêng với từng người thân cận để hiểu nhu cầu của họ, những vấn đề của họ. Nói chuyện, tạo nên một không khí cởi mở khiến cho họ kể những chuyện vặt; những chuyện vỉa hè. Biết mọi cái đã nói, đã làm và đang chuẩn bị sau lưng tôi, đấy gọi là "nghe ý kiến quần chúng". Tôi khuyến khích tay chân của tôi tập trung tinh lực vào công việc "điều tra xã hội" đó.

Những kẻ nghi ngờ tôi, chơi con bài khác thì tôi đẩy cho chúng làm việc cật lực vì cách mạng, cống hiến hơn sức mình để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trước hết chúng sẽ có ít thời gian để dèm pha và mưu đồ chống lại tôi. Vả lại "chỉ những kẻ không rửa bát mới không đánh vỡ chén": Chúng làm việc càng nhiều thì càng có khả năng phạm sai lầm, những sai lầm đó được tôi ghi lại cẩn thận trong sổ tay. Tôi kiên nhẫn chờ đợi sự đổ bể, điều đó không thể tránh được. Và thế là đúng.

Người ta không đoán ra, nhưng trong một nước như nước chúng tôi, cái nghề cán bộ Đảng là một nghề tự do. Đấy là nghề tự do duy nhất. Mỗi cán bộ phải tạo cho mình một khách hàng riêng, nếu không y sẽ không là cái gì cả vì chỉ tồn tại theo ý muốn của cấp trên mà thôi, không có gốc rễ, y sẽ không nặng đồng cân. Về phần tôi, tôi có sức nặng của 30 người mà tôi nắm được và họ giữ tôi ở chức vị này. Dưới mắt các thủ trưởng của tôi, tôi xứng đáng với sự ổn định mà tôi giữ được trong cơ quan. Được bảo đảm như vậy, tôi không thể bị đá đi do sự thay đổi ý kiến của cấp trên. Trong trường hợp nào người ta cũng phải cân nhắc kỹ. Chứ không phải như cái thứ cán bộ ấm ớ, không bạn bè không chỗ dựa bên dưới, không có kẻ thí mạng. Cấp trên đặt họ lên bàn cờ biết trước có thể hy sinh họ bất cứ lúc nào, cấp dưới cũng biết là họ ấm ớ, và điều đó càng thúc đẩy tham vọng của cấp dưới.

Cuối cùng tôi đã có trong tay một danh sách trừng phạt và khen thưởng tương đối rộng rãi. Một sự biểu dương, một sự thuyên chuyển chẳng hạn, khác với một lời khiển trách, một sự đề bạt, một sự thất sủng, một sự che chở. Tôi có thể thuyên chuyển một người vào một nhiệm vụ khó khăn hay ngược lại vào một việc dễ dàng, đưa họ vào một đội công tác với những kẻ thù địch hay ngược lại vào một nhóm bạn bè. Cách đây không lâu, anh chàng Hoàng làm việc rất gắn bó với tôi, đã phê bình Đặng một cách quá hăng, khiến sau khi Đặng trở về tôi buộc phải giáng cấp hắn ta. Tôi điều hắn tới một đơn vị khác làm giảng viên thông thường. Nhưng ở đó không ai biết hắn. Hồ sơ về hắn mà tôi cung cấp hoàn toàn chung chung; với một chút thận trọng hắn có thể làm lại sự nghiệp nhanh chóng. Đấy mới là tình bạn.

Mọi việc đều diễn ra như trong gia đình. Ở chỗ tôi tình hình yên ổn và cuối cùng mọi người đều biết ơn, ngay cả những kẻ mà tôi phải trừng phạt. Như vậy chúng ta đã tránh được những đổ vỡ nghiêm trọng hơn có thể làm hại cả một đời chúng. Tôi có thể tự hào mà nói rằng trong những năm đen tối của cách mạng văn hóa, chỉ có một người dưới quyền tôi là thực sự phải chịu sự khủng bố đang tràn lan. Đây là một phần tử hữu phái cũ từ năm 1957, đã bị tố giác vô khối lần, và không ai có thể làm gì cho y, kể cả tôi. Nếu tôi bao che thì tất cả mọi người đều nguy khốn. Y là kẻ thí mạng lý tưởng, và anh ta biết điều đó. Anh ta đã hợp tác một cách thực sự, vì lợi ích của mọi người, như vậy tránh có thêm nạn nhân vô tội. Ngày nay anh ta đã trở về với chúng tôi, hơi dạn dày một tí vì công việc đồng áng. Tuy không ai nói ra, nhưng thực lòng, mọi người đều cám ơn anh ta. Và vì anh ta tự gánh chịu nên không ai phải gánh vác trách nhiệm về việc đó cả. Tôi không bao giờ trừng phạt vô lối hay chỉ để cho thỏa thích. Chỉ trừng phạt khi không thể làm khác được, biểu lộ sự đoàn kết với kẻ đã hỏng, chỉ đem lại hậu quả duy nhất là lôi kéo tôi hỏng theo, và không ai có lợi cả. Khi mà tôi còn có thể che chở cho một người nào thì tôi còn làm, và nếu chỉ còn lại một người, thì đó sẽ là tôi.

Người cán bộ tốt chính là người không để nói nhiều về mình. Điều đó tất nhiên đòi hỏi phải biết kìm bớt tham vọng. Về phần tôi, sau tất cả những năm cống hiến phục vụ Đảng, tôi chưa bao giờ hiểu được lý do của những kẻ cơ hội. Chỉ cần nhìn xung quanh cũng đủ thấy rằng không có cái gì nguy hiểm hơn là sự tham lam quyền lực quá đáng. Tôi đã thấy biết bao kẻ trẻ tuổi điên đầu lao vào giành những chức vụ cao trong Đảng, để rồi rơi xuống một cách thảm hại! biết bao kẻ đã gẫy răng vì tham gậm quả xanh! Tôi không khuyên một đứa con nào của tôi chạy chọt quá nhanh lên các chức vụ cao. Chỉ cần leo từng bước lên các bậc thang vừa tầm mình. Tôi sẵn sàng bằng lòng là một cán bộ nhỏ không có chuyên môn như Đảng đã có hàng triệu người như vậy, và không có những cán bộ đó, tôi chắc rằng Đảng sẽ không là cái gì cả.

Buổi chiều tôi giành cho hội họp. Tôi luôn luôn coi rằng đặc tính chủ yếu, và có thể nói là tự nhiên, của người cán bộ là thích hội họp. Người nào không thích họp, hay tệ hơn là sợ họp, sẽ không bao giờ trở thành người cán bộ tốt. May mắn là tôi lại thích họp. Phải bắt mọi người hội họp luôn. Hai, ba, bốn cuộc họp một tuần đối với một nhân viên thường không phải là quá đáng, đối với một cán bộ thấp nhất thì mười cuộc họp. Còn tôi thì phải nuốt khoảng hai mươi cuộc họp. Nhiệm vụ đầu tiên tất nhiên là theo dõi sự truyền đạt chính xác các chỉ thị của Đảng. Nhưng không phải chỉ có truyền đạt, như vậy đơn giản quá. Phải làm sao cho mọi người đều tham gia.

Không được phép để người nào đứng ngoài cuộc thảo luận, trung lập, bàng quan hay thụ động. Chủ nghĩa xã hội là nền dân chủ rộng rãi nhất, và mỗi người đều phải phát biểu nhất trí với đường lối của Đảng.

Phát biểu cho Đảng, đúng thế, nhưng cũng là phát biểu để không nói gì cả: đấy là điều mà người cán bộ phải chỉ dẫn cho quần chúng của mình. Phải nhất trí rằng: vai trò của tôi không phải là để tiếp nhận một sự đồng ý chân thành, điều đó đối với tôi là vô nghĩa; quá nồng nhiệt, quá say sưa, quá chính xác trong sự tiếp nhận một đường lối thường hay thay đổi là điều có hại cho mọi người. Không, tôi theo dõi cho mọi việc diễn ra đúng hình thức một cách tỉ mỉ. Có thể nói là mọi người đều nhúng vào, nhưng chỉ ướt có đầu ngón chân. Như vậy tôi có thể viết một bản báo cáo tốt lên cấp trên: họp bao nhiêu giờ, bao nhiêu người phát biểu, tất cả đều nhất trí, mọi người đều phát biểu để tán thành chỉ thị vừa ra và vận dụng ngay lập tức.

Chọn bất cứ lý do nào để hội họp là cả một nghệ thuật. Chỉ có một vấn đề cần thảo luận, tôi triệu tập một cuộc họp ủy ban họp với những người thân cận, một cuộc họp giành cho đảng viên, một cuộc họp mở rộng triệu tập đến quần chúng tích cực và cảm tình Đảng; rồi cuộc họp mở rộng đến cán bộ ngoài đảng, cuối cùng là cuộc họp toàn thể. Vừa chấp hành chặt chẽ kỷ luật Đảng, tôi có toàn quyền tổ chức một cách hợp pháp mọi thứ hội nghị mà tôi thấy cần thiết với những ai mà tôi muốn. Những kẻ ác ý có thể cho rằng tôi tổ chức những cuộc họp bè phái. Đấy là những lời công kích chính xác, nhưng hoàn toàn không có cơ sở. Mọi người đều biết rằng về thực chất, mọi cuộc họp đều mang tính chất bè phái. Họp lại tức là loại trừ!

Hơn nữa, may mắn làm sao, tôi chỉ còn phải lo đến việc theo dõi đạo đức xã hội chủ nghĩa của quần chúng tôi. Trong mười năm vinh quang vừa qua, một trong những đặc quyền quan trọng của tôi là ngăn cản sự thoái hóa tư sản thâm nhập vào cơ quan. Tôi đã thoát khỏi một cách tốt đẹp, vì đấy là thời kỳ Đội công nhân tuyên truyền hoành hành ở Viện. Trong những dịp đó, tôi luôn luôn là người đề cao vai trò ưu việt của giai cấp công nhân và đẩy những đại biểu ưu tú của nó tiến vào các cơ quan của chúng tôi. Chẳng phải đơn vị của giai cấp tiền phong đó là những người có khả năng nhất để uốn nắn lại tư tưởng lung lay của tầng lớp trí thức khốn khổ chúng ta đó hay sao?

Các thành viên của Đội nói chung hoàn toàn mù chữ, điều đó không cản trở họ trong công tác chỉ đạo giáo dục, vì chủ yếu là họ phải làm tròn chức năng cảnh sát đối với công nhân viên.

Nói chung họ rất thích thú khi người ta mời họ đến để đại diện cho đạo đức vô sản. Ông công nhân lão thành họ Lý đã nắm được tầm quan trọng về vai trò của mình. Trong một cuộc họp phê bình đáng ghi nhớ, ông đã nghiêm khắc phê phán thái độ quá dễ dãi của một số chị em: không được đùa với những việc đó ; ngay cả khi vợ chồng ăn nằm trên giường, cũng phải tỏ ra nghiêm chỉnh và có ý thức cách mạng! Tôi thấy như vậy là hơi quá đáng, nhưng từ mồm ông Lý nói ra thì không sao cả.

Bây giờ, trừ những việc nghiêm trọng và hiếm hoi như một vụ cưỡng dâm, những quan hệ thân mật giữa một giáo sư và học sinh, hay một vụ ngoại tình quá lộ liễu và tai tiếng, còn thì tôi không bao giờ can thiệp vào đời tư của nhân viên nữa. Tôi chỉ hạn chế trong sự theo dõi việc giải thích chính sách dân số của Đảng và phân phát các câu hỏi hàng quý về vấn đề hạn chế sinh đẻ. Mỗi người phải ghi câu trả lời vào từng cột và chuyền cho người khác. Phải trả lời hết mọi câu hỏi: Đồng chí kết hôn từ bao giờ? Khi nào đồng chí định có con? Đồng chí áp dụng phương pháp ngừa thai nào? Mỗi tuần đồng chí có quan hệ tình dục mấy lần? Lần đầu tiên nhận được tờ khai đó, các nhân viên đều lấy làm sung sướng và ngạc nhiên thấy Đảng cho phép có quan hệ tình dục hàng tuần. Rồi tất cả đều chép lại câu trả lời theo con số của người ghi đầu tiên. Nếu người này ghi hai mươi hay ba mươi lần, tôi tin rằng tất cả cũng đều ghi như vậy. May làm sao, tôi đã cẩn thận đưa tờ khai trước tiên cho một người thân cận, và đã khẽ rỉ tai trước con số thích hợp (một hoặc hai lần).

Mỗi tuần tôi có hàng chồng báo cáo phải viết. Báo cáo về mọi mặt nghiệp vụ, về sinh hoạt chính trị, về số đơn xin gia nhập Đảng, xin gia nhập Đoàn, bao nhiêu cuộc họp trong tuần, mỗi quần chúng cảm tình để trình bầy bao nhiêu báo cáo chính trị? Có bao nhiêu báo cáo về lòng trung thành với Đảng và với tư tưởng Mao Trạch Đông (họ phải làm mỗi tháng ít nhất là một lần)? Về lĩnh vực này số lượng trọng hơn chất lượng, con số của tôi càng cao thì càng tốt.

Báo cáo về những sự thuyên chuyển. Báo cáo về giáo dục đạo đức và chính trị trong sinh viên, cho cán bộ ngoài Đảng, cho cán bộ trong Đảng. Những báo cáo giao cho cấp dưới làm và tôi tổng hợp lại, báo cáo tự tôi thảo ra, báo cáo về các báo cáo của tôi. Một khối công việc bề bộn, khiến tôi phải thức rất khuya.

Đã sắp đến mười một giờ. Lại thêm một ngày trọn vẹn nữa. Trước khi đi ngủ tôi giở tập giáo trình ra. Làm chủ nhiệm khoa Anh ngữ từ mười năm nay, tôi vẫn không nói và không đọc được thứ tiếng đó. Vì vậy các buổi tối, tôi đều dành mười phút để học nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và góp phần nhiều hơn vào thắng lợi của công cuộc "bốn hiện đại hóa".

ĐÀO HÙNG (dịch)
Trích trong "Trước tác Mao" từ trang 236 đến trang 244 của Clôđi và Giắccơ Broaden.
Nhà xuất bản Bécna Gratxê Pa-ri 1980

(SH28/12-87)


------------------
(1) Tháng chín 1971 Lâm Bưu bị hạ bệ.
(2) Chỉ những học sinh trung học bị đưa về nông thôn trong thời kỳ cách mạng văn hóa, nay trở về thành thị bị thất nghiệp.








 

Các bài mới
Những bàn tay (01/11/2024)
Bữa trưa (18/10/2024)
Sushi(1) (18/09/2024)
Con diệc trắng (22/08/2024)
Trở về (07/05/2024)
Các bài đã đăng
Paven (08/10/2013)
Kẻ báo hiệu (23/09/2013)
Cỏ dại (30/08/2013)
Tâm hồn (16/08/2013)