L.T.S. Sylvain Bemba sinh năm 1936 tại Congo, ông từng giữ chức Tổng biên tập của Thông tấn xã Congo Brazaville trong nhiều năm.
Truyện ngắn Phòng tối dưới đây được chiếm giải nhất trong cuộc thi truyện ngắn Châu Phi năm 1964, do tạp chí Preuves tổ chức và được in lại trong tuyển tập Văn học châu Phi, ấn hành 1968 tại Bỉ.
Không phải là tôi yêu thích hắn
Tôi muốn nói là tôi bị hắn mê hoặc
Oscar Wilde(1)
SYLVAIN BEMBA
Phòng tối
N'Toko vốn ưa nêu khuôn mặt lông lá của mình, khuôn mặt râu ria xồm xoàm của vị thần cổ kính La-mã, trên các đường phố Paris. Hắn nhận thức được dáng xấu xí của mình, và hắn cảm thấy thích thú khi đưa cái khuôn mặt khả ố kia ra trước đám đông với vẻ kiêu ngạo được che giấu đằng sau khuôn mặt đó. Quả là hắn sảng khoái vì sự kinh ngạc do hắn gây nên ngoài đường phố mỗi khi hắn xuất hiện, sự kinh ngạc khiến cho mọi người đi qua phải quay lại nhìn hắn, một tên da đen vạm vỡ. Với bộ y phục rộng thình, người hắn toát lên một sắc thái mơ hồ lãng đãng, thiếu hài hòa và đượm màu huyền hoặc, kỳ quái. Tuy nhiên, khi biết rõ hắn, người ta không còn cảm thấy khó chịu mỗi lần đối diện với hắn. Bấy giờ, người ta nhận ra ở hắn một nét duyên dáng nào đó vốn đầy sức quyến rũ không sao cưỡng được...
N'Toko vốn yêu Thủ đô Paris. Những ngày đầu tiên đặt chân tới thành phố này vẫn còn hằn rõ trong trí nhớ hắn. Thoạt đầu, hắn cảm thấy thất vọng. Hắn mong sao nhìn được một tác phẩm thanh nhã gáy mạ vàng xinh xắn. Nhưng, thay vì thế, Paris đã hiện ra dưới hình ảnh một bầu trời ảm đạm, nhầy nhụa, cùng những đường phố âm u, khiến hắn cảm thấy thành phố này như một cuốn sách cũ kỹ của một quầy sách nằm cạnh dòng sông. Và, do một phép mầu khải thị, hắn bắt đầu lật vội từng trang sách nhàu nát kia. Qua mỗi trang sách, trên mỗi dòng chữ, hắn bắt gặp một tia nhìn có sức thôi miên của những con mắt rỗng toang từ những pho tượng. Hắn cơ hồ sống lại, qua bao nhiêu thế kỷ của một quá trình lịch sử mà hắn đã thu thập được từ học đường, những thế kỷ mà lớp lớp triều dâng hãy còn dội vào bờ đá của hiện tại, làm tung bọt trắng xóa.
Ở Paris, niềm vui đầu tiên của N'Toko là niềm vui của những người Tây-ban-Nha ngày xưa đi chinh phục Châu Mỹ. Hắn đã khám phá ra một tân thế giới. Trong trí tưởng tượng của mình, hắn quyết định gây nên một sự xáo trộn, nhầm lẫn về những tác phẩm nghệ thuật quá quen thuộc của Paris. Hắn muốn khai tạo một Paris của riêng hắn. Tác phẩm nghệ thuật đầu tiên của hắn có chiều cao 1 mét 70, trên đầu che mũ chóp, tác phẩm này được hoàn lại cho những người khách đãng trí qua đường vốn là chủ nhân của nó, đúng như cách thức họ đánh rơi. Rồi, bằng sự hân hoan của một người từng trải, hắn khai quật được một tác phẩm quen thuộc khác có chiều cao 1 mét 60, một tác phẩm được vun tưới bởi hai nguồn thủy lưu lớn, được thưởng thức cà phê và rượu vang hảo hạng, nó tuôn ra vô số ngôn từ và phô trương hằng hà điệu bộ để cảm thấy thỏa nguyện với cuộc sống của mình. Sau đó, hắn lại thích loại xe điện ngầm. Hắn xem đó như là biểu tượng của tình yêu nhục thể, đồng thời hắn hình dung thành phố Paris trong một tư thế hở hang khêu gợi mỗi khi hắn nghe vọng lại tiếng thì thầm than vãn của một đôi tình nhân. Khoảnh khắc trôi qua, những tác phẩm tưởng tượng của hắn đã trở thành những con búp bê biết nói, biết cười vu vơ khi có người đụng đến, và cứ lập lại nguyên văn những câu ngớ ngẩn ấy như thao tác của chiếc kim chạy quanh một đĩa hát đã cũ mòn. Hắn muốn xử sự cuồng bạo với đám búp bê này, xử sự như một đứa trẻ không chịu ngưng tay phá phách một thứ đồ chơi, mãi khi nó đập vỡ đi cái tặng vật nó cố gắng tìm hiểu máy móc thiết bị bên trong. Và, quả thế, hắn xem quê hương tạm dừng chân của hắn như một thứ đồ chơi khổng lồ mà hắn đang nỗ lực phá tan đi trong một cảm giác mơ hồ đòi hỏi phải phục hận. Phục hận ai? Phục hận điều gì? Trong tiềm thức hắn, câu giải đáp vẫn ẩn dạng đâu đó.
Thêm một lần, N‘Toko đứng lên và khập khễnh bước tới chiếc máy hát tự động, mạ kền sáng chói. Hắn dừng lại trước chiếc máy và bắt đầu lục tìm trong các túi áo quần của hắn. Từ xa, trông hắn như một hình tượng mong manh, ẻo lả, phải đương tranh với một con ác thú hung hãn. Cuối cùng, sau khi truy lục, hắn tìm thấy một đồng bạc còn sót lại, hắn mân mê, quan sát đồng bạc trong tay, đoạn bỏ vào khe chiếc máy. Từ trong chiếc máy, một âm thanh bùng lên, mơ hồ. Tiếng vang của chiếc máy khiến hắn nhớ lại lời rên rỉ của những người đàn bà chuyên nghề khóc mướn tại quê hương hắn. Ở đó, người ta tự nguyện giúp đỡ cho những gia đình đang cử hành tang lễ. Mỗi một người khóc mướn gây nên một tác dụng tinh thần gợi lại hình ảnh của người đã khuất, phát sinh ra một sự bộc lộ tình cảm bi thiết, ngợi xưng nhân cách của kẻ vừa từ giã cõi đời bằng một giọng ai oán, nghẹn ngào, và, như vậy, những dòng lệ của bà - kẻ khóc mướn ấy - đầm đìa tuôn chảy thay cho tang gia bất hạnh.
Tiếng khóc mướn kia cũng giả tạo, vô hồn như những tiếng ục ặc phát ra từ chiếc máy hát đồ sộ này.
Trên một ghế đẩu, hai người thiếu nữ trông như hai ả biểu diễn thời trang đang ngồi và đưa mắt nhìn nhau.
Tiếng một cô cất lên nhỏ nhẹ: "Chị muốn phát điên lên vì cứ nghe mãi bản nhạc đó. Chiều nay, hắn cứ vặn đĩa hát này có đến năm mươi lần".
Tiếng cô kia trả lời: "Chị biết em nghĩ gì không? Em nghĩ là bây giờ chúng ta có thể bảo thẳng với hắn, trước đây, em không dám nói động tới hắn một lời, vì trông tướng hắn dữ dằn quá. Nhưng giờ thì em thấy có thể".
Cô thiếu nữ thứ nhất đáp với giọng e dè: "Hãy coi chừng, chị thấy không dễ dàng đương đầu với hắn, vả chăng, làm thế có ích gì?"
Qua lớp kính mờ, N‘Toko chợt thấy một trong hai thiếu nữ tiến lại phía hắn. Hắn không quan tâm đến hai ả này. Sự im lặng của họ, theo hắn, một phần là do bối cảnh tác động. Bỗng hắn giật nảy mình khi cô thiếu nữ biểu diễn thời trang dừng ngay trước mặt hắn và bắt đầu lên tiếng. Để trả lời cô, hắn đã dùng những câu chửi thề được chọn lọc, được thốt lên với sự nồng nhiệt của một học sinh trước bài học thuộc lòng. Đối diện với nụ cười tự tin của cô thiếu nữ, hắn cảm thấy mình bất lực. Và hắn nhún vai, né tránh. Hắn không sao từ khước kẻ bất thần can dự vào đời tư của hắn. Quả là quân sâu đĩa hắc ám! Và hắn đưa tay phác những cử chỉ hàm nhiều ý nghĩa. Nhưng cô vẫn đứng đó. Hắn còn phải làm gì ngoài sự chấp nhận, quy hàng! Rồi, với nụ cười chiến thắng, cô ngồi xuống chiếc ghế đối diện hắn, đồng thời, bằng một điệu bộ vụng về, cô gọi chiêu đãi viên đem thức uống đến. Người chiêu đãi viên mang tới cho cô một cốc rượu pha loãng và cô tự mãn ngồi uống một mình.
Vài phút sau, cô nói với N‘Toko: "Bồ này, em sẽ thay một đĩa nhạc khác sinh động hơn. Bồ có thích nhảy không?"
***
Sau đó, khi hai cô thiếu nữ và hắn, cùng ở trong phòng hắn, hắn càng thấy hồi hộp hơn. Dưới hàm râu xồm xoàm rối tung và dáng điệu cục mịch, trông hắn tựa một-thằng-người-đồ-chơi bị sai hỏng. Hắn đi lại trong phòng, lúc thì cất tiếng giải quyết hoạt bát sự đời, khi lại lên giọng đắng cay nguyền rủa cuộc sống. Vừa nói, hắn vừa khoa tay như để hòa tăng nhịp điệu cho ngôn ngữ hắn trình bày.
"Có lẽ cô thắc mắc là tại sao tôi chỉ nhìn chăm vào bụng cô? Suốt thời thơ ấu của mình, cô biết không, tôi không nhìn cái gì, ngoài bụng mẹ tôi. Mẹ tôi không đủ tiền mua quần áo ở tiệm Dior, và tất cả y phục của người chỉ là tấm vải quấn quanh cái thân thể gầy gò, ốm yếu. Tôi là đứa út trong một gia đình đông con - nếu không nhầm, tôi có đến mười ba người anh, và, bởi bụng mẹ là nơi tôi ẩn trú hàng đêm, tôi đã bám chặt vào cái bầu thân yêu đã ban cho tôi cuộc sống. Chính bụng mẹ đã che chở và sưởi ấm đời tôi đối với thế giới bên ngoài. Cho đến nay, với tôi, cái bụng của người đàn bà vẫn còn mang ý một điều gì cơ hồ huyền bí. Cô biết đó, cái bụng con người là nơi tích tụ bao nhiêu tệ đoan xã hội, trong đó có nỗi đói khát, lạnh lẽo, đe dọa, và niềm mơ ước không thực hiện được. Cô cần phải nhìn thấy bụng của những người đàn bà trên đất nước tôi! Trên đất nước tôi, những người đàn bà vốn có rất nhiều con, dù chúng tôi phải sống trong tình trạng đói nghèo khó tưởng tượng nổi. Điều này, khiến tôi có cảm giác mình là một sản phẩm phụ tùng của nỗi thống khổ. Vừa rồi, trong quán rượu, hẳn cô ngạc nhiên khi thấy tôi cứ vặn hát mãi một đĩa nhạc Jazz. Tại sao nhạc Jazz có khả năng chinh phục cả thế giới? Bởi loại âm nhạc này bắt nguồn từ đáy lòng thống khổ của một chủng tộc. Cô ạ, tôi là một tín đồ Gia-tô giáo, và, tuy không còn hành lễ ở giáo đường, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn vào đây để thưởng thức thánh nhạc. Thánh nhạc được sáng tạo để mở cửa cho linh hồn con người đi vào nước Chúa. Điều là giáo dân cần tại một thánh đường là sự thể hiện được nỗi đau khổ của thân xác con người bằng âm nhạc. Một hôm, nhân đọc báo, tôi biết được, ở Trung Âu, có những tu sĩ đã vận dụng âm hưởng nhạc Jazz trong việc soạn thánh ca để quyến rũ giới trẻ. Với mục đích này, liệu chúng ta có thể chấp nhận? Điểm tôi quan tâm là sự khôi phục nền âm nhạc của dân tộc da màu. Đó là viên đá vốn được đấng Christ đề cập, nhưng những kiến trúc sư đã không sử dụng, tuy nhiên, nó đã trở thành viên đá đầu tiên để đặt nền xây mống. Cô biết chăng, trên đất nước tôi, màu đen là màu của tội lỗi, của sự xấu xa, và chiếc trống nhạc là khí cụ của ác quỷ? Nhưng rồi, mọi sự đã biến thái. Chiếc trống đã được sử dụng trong các giáo đường ở Châu Phi. Lời nguyện cầu bị xem là gắn bó với đám hậu duệ của giống Ham(2) đã không còn ai nhắc tới nữa. Từ đó, lễ phục sinh là sắc thái của một Châu Phi đã thành tựu trong sự nỗ lực vùng lên khỏi đáy mộ, sau khi nó bị chôn vùi trong suốt một thời gian đằng đẳng".
Hắn ngừng lại để lấy hơi và, nhân đó, cô thiếu nữ thẹn thùng lên tiếng:
"Bồ nói quá nhiều đó! Hãy đến ngồi cạnh em, nào!"
Hắn lại tiếp tục nói, không chú ý đến đoạn bị ngắt quãng: "Tôi không muốn xem cây thập-tự là biểu tượng duy nhất của nỗi thống bức của con người. Hãy nhìn này, trên bức tường kia, cái gì thế?"
Cô thiếu nữ nhìn lên, mắt cô phảng phất một nét ngây ngô, đôn hậu, và cô chỉ đơn giản nhận ra một cái móc câu.
"Em không biết đó là cái gì", nàng nói.
Hắn cố gượng cười: "Chúng ta vốn thuộc về một chủng tộc văn minh nhất toàn cầu. Và chúng ta đã không đọc hiểu được những biểu tượng của loài người! Cô chỉ là một ngoại lệ. Vâng, chúng ta hiện không sống tại Châu Phi. Nơi đây, chỉ thuần người da trắng mới mở được cánh cửa của dĩ vãng. Còn những người da đen thì có thể thốt lên lời chú nguyện "Xin mở ra, Sesame"(3). Họ có thể đọc lời chú nguyện bao nhiêu lần tùy thích: không một cánh cửa nào mở ra trước mắt họ. Điều quan thiết đối với dân tộc Châu Phi là chính họ tìm ra những câu thần chú để giúp họ có khả năng dời non, lấp biển. Riêng tôi, tôi muốn thực hiện công việc này. Nhưng, tiếc thay, tôi bất khả. Tôi còn nhiều việc phải chu tất cho mình. Tôi cơ hồ mang tâm trạng một nhân vật trong một tác phẩm của L.Tolstoi khi muốn biến mình trở thành tù ngục của chính mình. Phải chăng, đó là lý do khiến cô không hiểu được ý nghĩa của bức ảnh? Bức ảnh kia, với tôi, là cây Thập-tự của thế giới da đen. Chiếc hình móc câu đó kỳ thực, thể hiện một người da đen khom mình, được hiểu như một dấu hiệu tôn kính hay một dấu hiệu khổ nạn vì bị ngược đãi, hành hạ. Cô có biết cái truyền thuyết cho rằng người da đen bắt nguồn từ một cục tẩy không?
Cô thiếu nữ đã vỡ lẽ, không còn gì để hoài nghi; Hắn đã phát điên! Cô chỉ còn một thao tác cần thiết là tiến nhanh về phía cửa chính để ra khỏi căn phòng. Nhưng cô vẫn ngồi yên, không thể hiểu được những lời quái đản của hắn, thế nhưng, chính những tràng thuyết giáo dài lê thê của hắn lại có tác dụng làm mê hoặc tâm trí cô.
N'Toko tiếp tục thao thao bất tuyệt: "Đúng vậy, chúng tôi được sinh ra từ khối nguyên liệu cao su, và tổ tiên chúng tôi là Michelin, hay, nói đúng hơn, là hình ảnh ông Michelin mà cô thường thấy quảng cáo cho loại lốp bánh xe ô tô ấy. Vì lý do này, ông cha chúng tôi và những người nô lệ đã được gửi sang Châu Mỹ và chính họ đã sớm thích nghi được với môi trường xã hội hoàn toàn mới lạ của Tân thế giới. Một cơn hồng thủy, cô hãy tưởng tượng xem, ập xuống cuộc sống nguyên khai của chúng tôi trong suốt bốn mươi ngày đêm, cuốn trôi tất cả niềm tin cùng mọi thần tượng của chúng tôi dù rằng, thay vào đó, đã xuất hiện những niềm tin và thần tượng khác, đồng thời, xóa sạch tất cả những gì đã hình thành thế giới của chúng tôi. Cô có thể cho rằng, trận lũ Châu Âu đã "càn quét mọi nếp sống của người Châu Phi chúng tôi". A, sao cô không bật cười, cô không nghĩ điều đó có vẻ khôi hài ư?".
Giọng hắn trở nên dịu lại. Bao giờ cũng vậy. Mỗi lần động cơn, trước hết, là hắn uống rượu cho say mèm, sau đó, hắn tìm kiếm một đối tượng để vừa làm nạn nhân, vừa làm thính giả của hắn. Đối với nhiều người da đen, người da trắng bị phán xử trước vành móng ngựa đã được trắng án từ lâu rồi. Riêng với hắn, phiên tòa vừa được khai mạc và đang tiếp tục! Và không bao giờ hắn để mình lỡ dịp buộc tội kẻ phạm pháp, cũng như giờ đây hắn đang lớn tiếng buộc tội.
Giọng hắn lại vang lên: "Một cơn hồng thủy thật khiếp đảm! Những kẻ có mặt trên thuyền đã nhảy ùm xuống nước để khỏi mang tiếng là cuồng điên. Những ai còn quanh quẩn bên thuyền đều bị dòng lũ cuốn đi, chỉ còn lại những mảnh thuyền vỡ vụn. Những nạn nhân thủy tai này, nếu họ càng ít cố gắng bơi ngược dòng lũ bao nhiêu, họ càng được xem là người văn minh bấy nhiêu! Chúng tôi xin cám ơn chủng tộc da trắng của cô về một cơn lốc không đáng kể của Châu Âu đó".
Cô thiếu nữ trẻ hơn phản đối: "Sao anh lại nhìn tôi theo cách đó? Tôi vốn không ưa bàn chuyện chính trị, tôi chưa bao giờ bàn chuyện chính trị".
"Phải chăng, cô cho chính trị là bọn thực dân? Quả cô đã ngây thơ hơn tôi tưởng. Nhưng không sao! Vào đây với tôi!".
Cô thiếu nữ trẻ bị hắn lôi cuốn, và cô thụ động theo hắn vào một căn phòng nhỏ.
Hắn lên tiếng giải thích: "Đây là căn phòng tối của tôi. Tôi rửa ảnh trong phòng này. Cô ngạc nhiên chăng? Nhưng, tôi nói thực cơ mà! Do chỗ quen biết, tôi được nhận làm chuyên viên nhiếp ảnh cho một đại nhật báo. Nhưng này, cô sao thế? Run sợ hả? Xin đừng nói với tôi là cô sợ hãi con Yêu Râu Xanh đấy!
"Không, tôi không sợ đâu!"
"Có, tôi biết là cô sợ! Đợi tôi bật đèn, nhé!".
Từ nhiều tháng nay, căn phòng nhỏ này không được quét dọn nên trông bừa bãi, lộn xộn. Nhiều mảnh giấy vo tròn vất lung tung xuống nền, và trên sàn nhà thì không tìm ra lấy một cái vại, trên mặt tủ, vài khung hình và một chiếc máy ảnh còn tốt được đặt từ bao giờ. Một mùi vị ngạt thở bốc lên hòa cùng nhiều mùi vị khác tràn ngập cả căn phòng. N‘Toko vội vàng lục trong ngăn kéo và lôi ra một xấp ảnh.
"Hãy trông này, đây là những nạn nhân của con yêu Râu Xanh. Cô cứ xem đi! Toàn là ảnh đàn bà - dĩ nhiên, đó là những người tình của tôi. Còn nhiều kiểu ảnh chụp nhiều thứ khác, nhưng tôi không thể cho cô xem được. Hãy trông kỹ những bức ảnh cô đang cầm. Tôi, con Yêu Râu Xanh, sẽ sát hại cô theo phương thức ấy, một phương thức đểu trá, lố lăng. Tại một quốc gia thuộc địa, điệu bộ của cô trông thật khó ưa, cái điệu bộ của kẻ đến từ một hành tinh khác, thế nhưng, cô đang có mặt trên chính Tổ quốc của mình..."
Cô thiếu nữ lật xem từng bức ảnh và cô cảm thấy điếng người vì ngượng. Cô nhận thấy mỗi bức ảnh được chụp theo một kiểu thật táo bạo, lộ liễu. Sao những người đàn bà này lại chịu phô mình trong lối chụp ảnh đáng tởm như thế! Chưa kịp xem hết tập ảnh, tim cô đã đập loạn lên, cùng lúc, hai bên thái dương cô máu nóng chạy rần, bưng bức. Đột nhiên, mắt cô hoa lên, không còn thấy gì. Căn phòng chìm ngập trong bóng tối đen ngòm, và cô cảm thấy trên khắp cơ thể mình đôi bàn tay to lớn đang sờ sục, tựa như dấu chân lông lá của một con nhện ma quái...
Minh họa: Ngọc Thảo Nguyên |
***
"Chúng tôi đã hơi xẵng giọng với nhau"- Bernard Quillet nói qua máy điện thoại (Bernard Quillet là chủ bút tờ báo mà N‘Toko đang làm việc với tư cách một nhiếp ảnh viên, như đã nói trên). "Sau cùng, hắn bước vội ra ngoài, đóng sầm cửa lại và cho tôi biết là tôi sẽ không bao giờ gặp lại hắn. Tôi vẫn chưa nguôi sự bực dọc. Kỳ thực, tôi chỉ gọi hắn vào văn phòng tòa soạn để thảo kận về công việc của hắn thôi. Tôi nói với hắn là, với trình độ học vấn của hắn, chỉ là một kẻ điên rồ mới chịu nhận một công việc ít lương và bấp bênh như vậy. Thêm một lần, tôi đề nghị hắn nên lãnh một nhiệm vụ khác ở tòa soạn, cái nhiệm vụ mà tôi đã nói với vị giáo sư (người giới thiệu hắn với tôi) từ năm ngoái, ngay trong buổi diện kiến, đồng thời, tôi được biết hắn nguyên là học sinh của vị giáo sư này. Không những hắn từ chối đề nghị của tôi, mà còn tỏ vẻ hung hăng phản đối với lời lẽ thiếu nhã nhặn. Hôm trước đây, tôi nhận được điện thoại từ khách sạn nơi hắn thuê ngụ, nhân đó tôi đã hỏi thăm tin tức hắn. Kể từ bữa có chuyện bất hòa xảy ra giữa tôi và hắn, không còn ai biết được hắn đi đâu. Tôi đã cảm thấy lo lắng và có ý định là nên báo cho cảnh sát địa phương. Rồi tôi chợt nhớ đến người giáo sư giới thiệu hắn. Vì là thầy cũ của hắn, hẳn ông biết được tin tức về hắn.
Vị giáo sư trả lời: "Không, tôi không biết tin gì về hắn, nhưng tôi nghĩ là không có gì đáng lo ngại. Tính tình N‘Toko vốn kỳ lạ, bất thường. Có thể nói, hắn là một sinh viên tài tử, xem sự học như một trò chơi. Hắn thật liều lĩnh, nhưng hắn có một trí nhớ thật tuyệt diệu. Trong giờ giảng bài, thật là bực mình khi nhìn thấy vẻ lơ đãng của hắn. Dù vậy, hắn có thể trả lời lưu loát một câu hỏi, và không bao giờ hắn bị trượt trong những kỳ thi viết. Tôi có cảm tưởng là hắn ghi tên vào học đại học chỉ cốt để giết thì giờ. Vì mục đích nào? Mãi đến giờ, tôi vẫn tự đặt nghi vấn đó. Không những có được một trí nhớ đặc biệt, hắn còn thêm một khả năng tư duy thật phong phú, sinh động. Và giữa tôi và hắn đã từng xảy ra nhiều cuộc tranh luận bổ ích. Hắn quả rất thông minh nhưng cũng rất khó tính. Hàng trăm lần tìm hiểu, phân tích, tôi nghĩ là mình đã phác họa ra được cá tính của hắn. Nhưng, sau mỗi lần như vậy, chỉ một ngày qua, tôi lại nhận ra chân dung hắn do tôi phác họa đã không chính xác. Ở hắn, có một cái gì vượt ngoài mọi ước đoán của tôi. Hiện giờ, tôi vẫn chưa hiểu được hắn. Xin thú thực với ông là, từ ngày ân cần giới thiệu hắn với ông, tôi chưa hề một lần gặp lại hắn. Hắn nhận cái công việc chết đói ấy vì hắn vốn có một tâm phản kháng. Hắn là một thanh niên ngỗ nghịch của đại học. Phải, hắn có một tâm hồn thích nổi loạn. Hắn từng khiến giáo sư, bạn bè hắn bực dọc. Hắn không tìm ra một người bạn thân, về mặt xã giao, chưa có ai kém lịch duyệt như hắn. Hắn, không muốn tham dự những cuộc vui, những trò chơi ở trường, không khiêu vũ, không đi xem chiếu bóng, không tham dự những buổi diễn kịch".
"Giáo sư có cho rằng đó là đặc tính của một con người - biết diễn tả sao cho chính xác đây? - vốn có ác cảm với người da trắng chăng?"
"Không phải thế! Thực lòng, tôi không hề xếp hắn vào loại người như vậy. Thường khi, chính những người Châu Phi đặt chân lên đất Pháp lại là những nhân vật có khả năng xóa sạch những ám ảnh hoang đường của chủ nghĩa thực dân."
"Thế thì, những sự kiện đó cũng không giúp ta giải quyết được gì. Tưởng có thể nói, tôi có một giác quan mà giáo sư gọi là linh cảm".
Vị giáo sư lớn tiếng giải bày: "Tôi không có cái giác quan thứ bảy gọi là linh cảm ấy. Muốn chứng minh sự thật, tôi sẽ đến khách sạn tìm hắn, và rồi tôi sẽ cho ông biết kết quả".
"Thật quý hóa, nếu lúc chia tay với tôi, hắn tỏ ra vui vẻ, thì nhất định tôi sẽ đi tìm hắn..."
"Tôi thông cảm. Dù sao, tôi cũng sẽ cho ông biết tin. Xin tạm biệt, ông bạn thân mến!"
***
Vị giáo sư sống trong một thư viện, trông ông tựa như một viên thủy thủ được vây quanh bởi một biển sách. Từ tầng lầu thứ năm, ông quan sát được toàn cảnh của thành phố Paris, nhất là tháp Eiffel. Ông đi đi, lại lại trong phòng, trí óc suy nghĩ lung lắm. Ông châm thuốc hút hết điếu này sang điếu khác. Điếu thuốc hút chưa tàn, ông đã vứt bỏ, và trong chiếc gạt tàn trên bàn đầy dẫy những mẩu thuốc cháy dở.
Một giọng nói dịu dàng phát ra bên cạnh ông: "Thưa giáo sư, dĩa "xúp" của giáo sư sắp nguội rồi". Đã hơn bảy giờ tối. Vị giáo sư không nghe tiếng bước chân người đàn bà bước tới ông. Ông vẫn nghĩ là bà ta thuộc loại mèo, có bước chân nhẹ. Lối ứng xử của bà thể hiện được sự quân bình về tinh thần và thân xác. Không bao giờ người ta nghe bà to tiếng với ai, cũng không bao giờ vội vàng, hấp tấp. Đã mười bảy năm qua, vị giáo sư đã biết được đức tính của bà, và, trong thời khoảng đó, hai người rất ít nói chuyện hay tâm sự với nhau, điều chỉ xảy ra với đôi bạn già nua hay cặp vợ chồng đã luống tuổi. Bà mời chào, phục dịch cho ông hàng ngày bằng sự tôn kính, trang trọng thường xuyên, không thay đổi, tuy với cương vị một người quản gia. Ông đã thuê mướn bà do một bản tin rao vặt trên nhật báo. Bấy giờ, vì vợ ông vừa qua đời nên ông cần một người giúp việc để trông nom nhà cửa. Và, từ đó đến giờ, ông vẫn chưa có ý định tục huyền.
Vị giáo sư trả lời, lơ đãng: "Ồ, xúp hả? Cứ để đó, bà Bonnet ạ!"
Dứt lời, vị giáo sư tiếp tục đi đi, lại lại trong phòng. Chập sau, ông đến trước mặt bà Bonnet và lên tiếng nói, dù không trực tiếp nói với bà - sự kiện này đã không còn gây ngạc nhiên cho người quản gia đáng mến này, bởi bà đã không còn ngạc nhiên, thắc mắc về bất cứ gì từng xảy đến trong căn nhà vị giáo sư của bà.
Lời vị giáo sư: "Hắn sống một cuộc đời như vậy, nhưng rồi, một thử thách đã đến với hắn và với những người xung quanh. Hắn nuôi mộng gây chiến với người khác, nhưng, trái lại, cuối cùng, hắn lại tự gây chiến và phá hỏng đời mình? Làm sao hắn có thể trú thân trong cái thành phố rộng lớn này? Tôi không muốn vội kết luận theo cái nhìn bi quan của tôi, nhưng tôi biết hắn không phải là kẻ thích thú và có thể nương sống tại nhà bằng hữu.
Lời độc thoại của giáo sư: "Vâng, tôi nghĩ là hắn mắc chứng tự kỷ ám thị với mặc cảm bị trị. Mọi người đều biết, chứng mặc cảm bị trị không khác gì bệnh điên. Những bệnh nhân này lúc nào cũng nghĩ là mình sẽ bị ám hại. Do đó, hoặc họ núp mình đằng sau tấm bình phong tự tạo mà họ cho rằng nó có tác dụng giúp họ tránh khỏi những trận đòn tra tấn do họ tưởng tượng, hoặc chế ngự nỗi sợ hãi phát sinh những mũi tên độc của họ nhằm bắn những đối tượng đến gần. Này, bà ạ..."
Đoạn văn sau ông đã trực tiếp đối thoại với người quản gia của ông.
"Bà ạ, giả sử tôi đến tận nhà bà để thăm hỏi. Nhưng vì bà vắng mặt, tôi ra về, đồng thời, do tính hiếu kỳ, tôi lấy của bà một món đồ nhỏ, không đáng kể. Như vậy liệu tôi có phạm tội ăn cắp?"
"Thưa giáo sư, việc này còn tùy. Với ông, có thể đó là một vật dụng không đáng kể, nhưng với chủ nhân của nó, đó là một vật dụng mang một giá trị tinh thần rất quan trọng".
Vị giáo sư nói, mắt đăm chiêu nhìn ra một không gian xa thẳm.
"Đúng thế, cuốn nhật ký tôi đang cầm trong tay đây có thể là vô giá đối với chủ nhân của nó - một sinh viên người Châu Phi cũ của tôi. Hắn đã rời khỏi khách sạn hắn thuê ngụ từ nhiều ngày qua. Một hôm tôi đến thăm hắn, và, với danh nghĩa là người giám hộ, tôi đã đi thẳng vào phòng trọ của hắn tại khách sạn. Chính tôi đã tìm gặp cuốn sổ tay của hắn tại căn phòng này. Nhưng hiện tôi vẫn chưa dám mở đọc. Tôi cảm như lúc nào hắn cũng hấp tấp mở toang những cánh cửa nằm trước hắn. Với kinh nghiệm của một ông giáo già, tôi vốn hoài nghi là liệu sự tự do có làm cho thế giới loài người tiến bộ hơn chăng? Trái lại, trong một trường hợp nào đó, tính hiếu kỳ lại có khả năng giúp cho thế giới này tăng thêm ý nghĩa tồn tại của nó. Một ngày nào, con người sẽ mở toang cánh cửa trước mặt mà ra đi để rồi không thể trở về. Đây là đối tượng mà chính tôi đang nhắm tới. Đã nhiều ngày qua tôi đã chưa quyết định dứt khoát là mình có nên mở xem cuốn sổ tay đánh cắp kia chăng! Mặt khác, tôi lại tự nhủ là có thể cuốn sổ tay ấy có tiềm ẩn đôi điều mà, qua đó, tôi có hy vọng tìm gặp người sinh viên của mình".
Một lần nữa, vị giáo sư đắm hồn trong nỗi mơ màng lắng đọng. Chờ đợi một lát, bà Bonnet lặng lẽ rời khỏi căn phòng không gây một tiếng động nhỏ, như lúc bà tới đây.
Vị giáo sư có một cảm giác là ông sắp phải thực hiện một hành động khiếm nhã bất kính, tuy nhiên trong ông, tính hiếu kỳ cùng nỗi bất an đã bùng lên mãnh liệt. Với bàn tay run run, ông bắt đầu lật từng trang sổ tay (được xem là quyển nhật ký) của người sinh viên cũ. Và ông cảm thấy ray rứt, lúng túng khó kiềm chế, khi ông theo dõi những ghi chép sự việc theo từng ngày, sau những dòng nhật ký là tên một người đàn bà và, tiếp đó là câu khai từ: "Tuân theo khát vọng của ta". Cái khát vọng hay ước muốn của con người đôi khi đã trở thành qui luật, dù trong khoảnh khắc, hoặc chỉ là một ước muốn thật tầm thường. Duy chỉ sáu chữ trong câu khai từ là bất biến: "Tuân theo khát vọng của ta".
Hiển nhiên là N‘Toko đã trải qua một cuộc sống truy hoan vô độ, nhưng, người thầy cũ của hắn không mấy quan tâm điều này, ông đang truy tìm một điều gì đó mà ông không tiên đoán rõ ràng. Tiếp tục đọc theo thứ tự thời gian, ông biết thêm nhiều ngày, tháng được ghi nhận trong nhật ký, thêm nhiều tên đàn bà, và, trên một trang giấy, những nét chữ đều tay, xinh xắn cơ hồ nhảy múa trước mặt ông. Ông chăm chú đọc và cảm thấy tim ông như ngưng đập.
NHẬT KÝ CỦA N‘TOKO
Mình vừa đặt chân tới Paris. Nhộn nhịp làm sao! Thật khác hẳn Châu Phi, nơi mà thời gian cuốn quanh những kẻ sống dửng dưng vì tin vào định mệnh an bài, hay là hậu quả của bản chất họ. Ở đây, mọi người đều hối hả. Tại quê hương, chúng tôi phải chấp nhận - hay đã phải chịu đựng như Thésée (4) nằm yên một chỗ. Đó là hiện tượng không thể tồn tại được. Nhưng sự kiện ấy là những chiếc đồng hồ tiềm ẩn bên trong tâm hồn chúng tôi, chúng có thể gây tác động như những chiếc chìa khóa lên giây cót chúng tôi và thúc đẩy chúng tôi hành động, di chuyển bất cứ lúc nào chúng cần.
Đúng giờ sự lễ độ của những tên nô lệ văn minh. Mình không thấy được ông Hoàng, ông Hoàng đúng nghĩa, cũng không khỏi lệ thuộc vào thói quen đó.
Một sự so sánh. Bức ảnh, cái nhìn của ông cha chúng tôi. Những quốc gia "tiên tiến": sự nguy nga của điện ảnh, lúc nào cũng cần có một khoảng không bao la hơn là cái màn bạc có khả năng chứa đựng. Bức ảnh khiêm tốn đóng khung nơi mặt nước không bị làn sóng làm xao động. Điện ảnh nỗ lực phản ánh toàn bộ đại dương, cho dù cùng một lúc nó có thể diễn tả những dòng suối, những con sông chảy vào đại dương vô tận.
Một vệ tinh đang bay rất gần trái đất vừa được khám phá bởi viễn vọng kính tối tân nhất thế giới, vệ tinh, ngoại vi địa cầu không phải cách xa hàng nghìn năm ánh sáng, mà là hàng nghìn triệu phật-lăng (franc). Ai sẽ là nhà du hành vũ trụ đầu tiên đặt chân xuống hành tinh này?
Nếu là người có thế lực của giới điện ảnh, mình sẽ gửi tới thế giới này một thông điệp mang ý nghĩa gì? Mình sẽ thực hiện một bộ phim độc đáo, vượt khỏi mọi ảnh hưởng của những quan niệm lỗi thời, vươn tới một vùng tằng khí, ở đó, không còn tác dụng của không gian và thời gian. Mình luôn luôn hình dung, suy nghĩ về cuốn phim tiêu biểu này có thể diễn đạt trong hàng trăm cảnh tượng khác nhau.
Cảnh thứ nhất miêu tả hai nhân vật, một là nhiếp ảnh gia, nhân vật thứ hai là ống kính - nhân vật tuyệt đối phục tòng nhân vật thứ nhất. Một cuộc đối thoại: Ống kính: "Tia flash của máy ảnh làm tôi lóa mắt". Nhiếp ảnh gia: "Đó là điều tất yếu. Mục đích của nền văn minh chúng ta là làm cho con người lóa mắt. Thế rồi mi phải sử dụng cặp kính do ta sáng chế cho mi". "Nếu tôi không dùng kính thì sao?". "Thì mi phải dò dẫm trong cái tân thế giới mà ta tạo nên nhằm thay thế cái thế giới cổ xưa của mi". Một cuộc đối thoại khác: Ống kính: "Ngài dạy tôi cách mở kính thâu hình, nhưng ngài lại hạn chế hành động và thao tác của tôi. Tại sao?" - "Ta vẫn chưa thể cho mi biết sự bí nhiệm của sự vận động. Mi sẽ thoát khỏi vùng kiểm soát của ta. Còn giờ đây, luật tắc của ta không thay đổi: Không được di động!".
Người thợ nhiếp ảnh lần lượt tháo bỏ những cơ phận phụ tùng vốn trước đây được mắc trên ống kính. Y làm việc này một cách tận tụy nhưng đầy vẻ tàn bạo. Ống kính: "Hiện giờ tôi chẳng còn được gì" - "Mục đích của ta là thế: đưa mi vào tình trạng suy kiệt mà, nếu không nhờ ta cứu giúp, mi sẽ trở thành bất lực, vô dụng".
Sự thống trị Châu Phi của người phương Tây phải chịu kết án như là sự cưỡng hiếp một cô gái vị thành niên. Không phải tự nhiên mà hiện trạng đó được tường trình một cách sống sượng như là cuộc khai hóa các nước chậm tiến. Đối với thế hệ tương lai, thế kỷ 19 là thế kỷ mà ngọn triều nhục dục đã xóa vết toàn bộ Châu Âu. Người ta tranh nhau, hiềm khích nhau để được là người đầu tiên tiến sâu vào lãnh thổ Châu Phi. Đâu có ai cần biết là nạn nhân đã phải mang cái vết tích ô nhục đến trọn đời, sau khi họ bị cướp đi sự trong trắng. Thế nhưng, người ta gọi đó là hành động lịch sử!
Tính chất tàn bạo và sự sa đọa tinh thần của thế giới phương Tây. Từ phươngTây, các tệ đoan xã hội đã được nhập cảng sang Châu Phi, sự xấu xa, đồi trụy được gói bọc trong những thùng hàng hóa toát ra âm nhạc. Đã hẳn, tại Châu Phi những gói đồ và kiện hàng đóng hộp này được khai mở, và dân chúng kinh ngạc nhận ra bao nhiêu là tật bệnh, bao nhiêu là chứng tích phục thù đột phát không lý giải được.
Đi tìm một cá nhân ở đây, bạn chỉ bắt gặp những đám đông, những đoàn nhóm. Một sự báng bổ khủng khiếp đối với Thượng đế - Đấng quyền năng bị xem là chỉ sáng tạo những đám đông.
Thoặt kỳ thủy, Thượng đế khai tạo Ngôn ngữ (khởi thủy là Lời). Và con người, vật thụ tạo của người, cũng khai tạo ra ngôn ngữ. Những con sông khổng lồ của những bài diễn văn, dù chuyên chở hàng triệu mét khối hy vọng và hứa hẹn, nhưng không bao giờ chảy ra biển cả của sức mạnh tập quần. Dân Tây Ban Nha thích đấu võ mồm, mà ta thường nghe mãi một môn phái võ truyền, nhưng, trong khi đó, thế giới loài người vẫn nằm trong nguyên trạng.
Galilée đã nói: "trái đất vẫn quay cơ mà!" - Câu "vẫn quay cơ mà!" hẳn mang nhiều ý nghĩa. Nó biểu thị giá trị: đúng, trái đất vẫn quay, nhưng quay theo hướng nào? Trước kia, Châu Phi và vương quốc của vị đệ nhất Hoàng đế Hưởng Lạc, ngài ngự trị trên chiếc ngai vàng kiên cố. Thế nhưng, các quốc gia kỹ trị phương Tây chưa hề bao giờ sản sinh ra nhiều người thích hưởng lạc (những kẻ trọc phú) như ngày nay. Họ kéo lê cuộc sống nhàn hạ của mình trên chiếc ghế thụ hưởng của họ. Đến lượt thế giới phương Tây vận động tiến tới quy luật giảm nhẹ nỗ lực của con người đến mức tối đa, tiến tới ưu thế của máy móc, của kỹ thuật...
Biết bao nhiêu cảnh xấu xa, ô trọc mình đã khám phá được từ ngày tới Paris! Một ý tưởng đầy xung lực. Vị linh thần từ ngai tòa rơi xuống. Để đảm bảo sự thật, mình phải thu nhập nhiều bằng chứng. Ý định làm phim quả là ngông cuồng. Còn sáng tác văn học, mình vốn không đủ kiên tâm. Mỗi một tác phẩm như vậy phải bao gồm những từ ngữ thông dụng, bởi lẽ từ ngữ có khả năng tiêu diệt cái được gọi là sức mạnh thể chất của vị linh thần đã sụp đổ kia.
Có những từ ngữ hàm chứa cái mãnh lực "phá vỡ huyền thoại". Than ôi! Mình sợ là mình không đủ khả năng sáng tạo nên những từ ngữ đó.
Tuy nhiên nghề nhiếp ảnh có thể là sự giải đáp. Khi thiếu vắng một sự thật bên cạnh, chí ít, mình có thể tạo ra một âm bản chính xác về cuộc sống bẩn thỉu hôm nay. Mình có thể chụp hàng khối ảnh về những con người đã sa chân vào vực thẳm. Người Châu Âu đã chẳng áp dụng phương sách này ở đất nước mình đấy ư? Họ chỉ thu vào ống kính những cảnh bần hàn, đói rách, cau có, khổ nhọc của người Châu Phi.
Lý tưởng: Hãy đưa ra hình ảnh đầy đủ, khái quát, trung thực của thế giới này trong sự xấu xa, tệ hại của nó.
Mình có thể trở về nước sau khi tốt nghiệp, và có thể nhận một chức vụ quan trọng trong Hội đồng Nội Các. Nhưng, thay vì thế, mình đã trở thành một kẻ phản quốc. Tại sao? Mình nghĩ, là không bao giờ mình có thể thích nghi với hoàn cảnh. Tính cả thẹn bẩm sinh của mình đã được ngụy trang dưới cái khuôn mặt hung dữ. Mình sợ hãi. Phải chăng mình là một con quái vật? Mình luôn luôn có một xúc động kỳ lạ cùng với niềm vui bộc lộ rõ nét mỗi lần mình chụp ảnh một tai nạn chết người mang tính tiền mệnh. Những vết thương ghê tởm đã gây cho mình một cảm giác mơ hồ về sự phục thù. Thật khủng khiếp! Khi cảm nhận như vậy, mình phải nhận chìm nỗi ám ảnh đó vào mặt trận lụt men say. Ông Hyde trong mình đã hoàn toàn điều khiển được bác sĩ Kkyll(5). Không thể làm được gì khác, cũng không thực hiện nên một hành động khả dĩ nào. Như sự việc diễn ra trong phòng tối. Mình không định hướng được cánh cửa ra vào. Với mình, Paris chỉ là một tù ngục và mình lại trở thành tên giám thị của chính mình.
Quyển nhật ký chấm dứt ở đó. Rồi vị giáo sư chợt hiểu ra. Câu: "Mình lại trở thành tên giám thị của chính mình" quay đảo trong đầu ông. Ông nhận thức được, là N'Toko đã không biến khỏi phòng trọ, ngược lại, hắn vẫn hiện diện ở đây - có lẽ hắn đã trút trong gánh nặng từng đè phủ trọn cuộc sống ngắn ngủi của hắn. Ông bỗng nhớ lại lời nhà văn Stéfane Zweig: "Có phán xử một con người sống bằng đam mê cuồng nhiệt thì cũng vô nghĩa như bắt bồi thường một trận bão táp, hãy đi kiện một hỏa diệm sơn".
(Đ.H dịch)
(SH30/04-88)
-------------------------
(1) Nhà văn Anh (1854 - 1900), tác giả những tập thơ, tiểu huyết và kịch bản, như: De profundis, Battade de la Geôle de Readiry, le portrait de Dorian Gray (ND)
(2) Theo Kinh thánh, Ham là tên người con trai thứ nhì của Noah, được xem là Tổ phụ của dân tộc Châu Phi (ND).
(3) Lời chú được sử dụng trong thần thoại Ali Baba và bốn mươi tên cướp(ND).
(4) Theo thần thoại Hy Lạp, Thésée là vị đệ nhất anh hùng nguyên là vua xứ Athène, đã nổi tiếng vì có tài giết chết con quái vật Minotaure mình người, đầu thú (ND).
(5) Tên hai nhân vật trong tác phẩm cùng tên Docalor Jekyll và ông Hyde của Robizt L.Stevenson (nhà văn Anh). Bác sĩ Jekyll đã sáng chế loại y dược có khả năng thay đổi bản chất tốt đẹp của ông thành bản chất xấu xa của ông Hyde và ngược lại (ND).