Các tập truyện của ông gồm có: Những cô gái Pháp ở Kilini, 1967; Các truyện tiếng Anh, 1975; Chạy về nơi thác đổ, 1979. Sau đây là truyện ngắn có nhan đề tiếng Anh Can-Can, trích trong tuyển tập Fiction’s Many Worlds của nhà nghiên cứu Charles E. May. Tôi giới thiệu truyện này vì nó tiêu biểu cho nghệ thuật truyện cực ngắn của Vivante. NGUYỄN ĐỨC TÙNG
- Anh lái xe đi đây một lát, anh bảo vợ, và sẽ về nhà trong một hoặc hai giờ nữa.
Anh ít khi ra khỏi nhà quá vài phút, như khi cần tới bưu điện hay tạt qua quán tạp hoá, và thường loanh quanh làm việc này việc nọ trong nhà, như một “ông thợ sửa”, vợ anh hay gọi anh như thế. Đôi khi cũng sơn nhà cửa, chả là vì anh ta là thợ sơn.
- Được thôi mà, vợ anh bảo vui vẻ, như thể anh đang làm giúp chị một việc gì. Thật lòng, chị không muốn anh ra khỏi nhà chút nào; chị cảm thấy an toàn hơn khi có chồng ở bên cạnh và ông chồng cũng giúp chị chăm sóc con cái, nhất là đứa mới sinh.
- Anh đi khỏi thì em thích lắm hả, anh nói đùa.
- Aha, chị trả lời hơi mỉm cười, nụ cười làm khuôn mặt chị xinh hẳn lên, làm cho ai cũng muốn nhìn.
Chị không hỏi anh đi đâu, chị ít khi hỏi han chồng cặn kẽ, dù trong bụng cũng khá ghen tuông nhưng ngoài mặt thì tỏ ra tế nhị.
Khi mặc áo choàng, anh để ý nhìn chị. Chị đang ở trong phòng khách với đứa con gái lớn. “Nhảy đầm đi mẹ ơi”, đứa con gái nói, nó vừa kéo thốc váy lên, vừa khiêu vũ, đá hất hai chân lên về phía cha nó.
Anh không lái xe đi một lát như anh nói, mà tới thẳng tiệm cà phê nơi anh có hẹn với Sarah, là người mà vợ anh có biết nhưng không mảy may nghi ngờ, và từ đó cùng nhau đi tới một cái nhà bên bờ hồ, một nơi vợ anh không hề biết - một cái nhà nghỉ mùa hè mà chỉ anh có chìa khoá.
- Anh đi nhé.
- Tạm biệt, chị nói với theo, vẫn khiêu vũ với đứa con gái.
Đó không phải là lối mà một người chồng như anh quen nghĩ về vợ, kẻ anh để lại ở nhà trong khi đi gặp người phụ nữ khác, anh cứ quen nghĩ là chị ở nhà khâu vá hay rửa chén bát, chứ không phải nhảy đầm. Phải rồi, làm một thứ gì đó rất bình thường, rất đáng chán, như giặt áo quần trẻ con chẳng hạn. Chị không mang tất, không mang giầy, mà cặp đùi thì trắng mượt mà quá, có vẻ bí mật, mặc dù chẳng bao giờ anh chạm vào hay tới gần. Hai bàn chân của chị lại đưa lên đưa xuống cao vun vút, làm như đang gật đầu với anh. Chị nâng váy lên, trông quá sức hấp dẫn. Tại sao cô ta lại đi làm mấy cái thứ khỉ gió đó vào lúc này kia chớ? Anh tự hỏi một cách ám ảnh. Cặp mắt của cô hơi chế nhạo, và cô lại cười phá lên nữa. Đứa con gái cũng cười với mẹ. Hai người vẫn tiếp tục nhảy khi anh ra khỏi nhà.
Nhiều khó khăn lắm mới thực hiện được cuộc hẹn này, anh tới một cái máy điện thoại công cộng trả tiền, gọi cho Sarah ở chỗ làm của cô ấy (cô cũng có chồng rồi); Sarah đi vắng; anh phải gọi cho cô lần nữa; đường dây lại bận; đồng tiền bỏ vào máy điện thoại rớt ra mất tiêu, lăn đi đâu không biết nữa, anh phải đẩy cửa trạm điện thoại ra ngoài để tìm nó mỏi mắt; cuối cùng thì cũng gặp được Sarah trên điện thoại; cô ta bảo anh gọi lại tuần lễ sau; cuồi cùng hai người mới định được cuộc hẹn này đây.
Ngồi chờ Sarah ở quán cà phê, anh ngạc nhiên thấy mình bỗng hi vọng rằng cô ấy sẽ không tới được. Hẹn lúc ba giờ. Trễ đã mười phút. Nhưng Sarah cũng thường hay tới trễ lắm. Anh nhìn đồng hồ, rồi nhìn ra cửa sổ chờ xe hơi của cô. Một cái xe giống như xe cô trườn tới, nhưng không phải – vì trên mui xe không có cái giá mang hành lý. Cái trần xe trơn tru làm anh thích chí. Tại sao vậy kìa? Bây giờ là ba giờ mười lăm phút. Có lẽ cô ấy không tới được. Không, nếu Sarah quyết định tới thì vào lúc này đây cô ấy đã ở đây rồi. Hai mươi phút đã qua. A, một cái gì đó như niềm hi vọng dâng lên. Hi vọng ư? Thật là kì quái việc anh hi vọng Sarah không tới. Thế thì tại sao anh phải làm cuộc hẹn hò đầy khó khăn này nếu trong bụng mong là cô lỡ hẹn? Anh chẳng biết tại sao, nhưng mọi chuyện sẽ đơn giản hơn, đơn giản hơn rất nhiều nếu cô không đến. Bởi vì tất cả những ao ước bây giờ của anh là được hút một điếu thuốc, được nhấp một ngụm cà phê vì tất cả cái phong vị của chúng, mà anh chẳng phải buộc mình làm một điều gì cả. Anh ao ước sẽ được lái xe một vòng, dễ dãi, tự do tự tại, như anh nói lúc ở nhà. Nhưng anh vẫn đợi và đến ba giờ ba mươi thì Sarah tới thật.
- Anh gần như bỏ cuộc không hi vọng nữa, anh bảo cô.
Họ lái xe đến căn nhà nghỉ bên bờ hồ. Khi choàng tay đưa cô vào nhà, anh chẳng thể nào nghĩ đến Sarah; chẳng thể nào nghĩ được.
- Anh nghĩ gì mà thừ người ra vậy, Sarah hỏi, nhận ra sự thẫn thờ khác thường của anh.
Anh im một lát không trả lời, rồi nói: Em có thực sự muốn biết anh đang nghĩ gì không?
- Có chớ, Sarah trả lời, hơi lo lắng.
Anh cố nín cười, như thể điều anh sắp nói với cô quá ngốc nghếch, tào lao.
- Anh nghĩ đến một người đang khiêu vũ.
- Ồ, Sarah nói, cô cảm thấy yên tâm, vậy mà em cứ sợ là anh đang nghĩ tới vợ anh ở nhà.
NGUYỄN ĐỨC TÙNG dịch 241/03-09
|