Truyện dịch
Pháo thủ
15:41 | 05/02/2015

LTS: Ivan Ptôrôvich Samiakin, tác giả những tiểu thuyết nổi tiếng "Giây phút tốt lành", "Dòng chảy xiết", "Những trái tim trên lòng bàn tay", "Mùa đông đầy tuyết", "Tôi mang theo nỗi đau của em", "Pêtirôgôrút - Bêrextơ" cùng nhiều truyện ngắn, kịch, kịch bản phim.

Pháo thủ
Nhà văn I.Shamiakin trên tem Belarus 2006 - Ảnh: wiki

Nhân dịp ký kết hợp tác giữa Tạp chí "Nhê Man" của nước cộng hòa Biêlôruxia và Tạp chí Sông Hương, chúng tôi trích giới thiệu tiểu thuyết "Pháo thủ" của Ivan Samiakin, kèm lá thư của nhà văn gởi tòa soạn và bạn đọc Sông Hương.


"Các sách của tôi được xuất bản ra nhiều thứ tiếng ở Châu Âu và Châu Á. Nhưng sự ưu ái của các bạn Việt Nam dành để in trong tạp chí "Sông Hương" đoạn trích tác phẩm "Pháo thủ" mới nhất của tôi làm tôi vô cùng cảm động.

Lòng dũng cảm là tinh thần chiến đấu anh hùng của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống bọn bán nước và bọn xâm lược Mỹ làm tôi vô cùng cảm phục.

Tôi được biết rằng rất nhiều cô gái Việt Nam đã từng lăn lộn trên chiến trường và trong phong trào đấu tranh du kích.

Tôi cũng đã từng tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Xô-viết, là chính trị viên một tiểu đoàn pháo cao xạ, một tiểu đoàn pháo có rất nhiều cô gái nhập ngũ năm 1942.

Tiểu đoàn phòng thủ cảng Muốcman - một cảng duy nhất quanh năm không bị đóng băng qua cảng này đất nước chúng tôi liên hệ với thế giới bên ngoài. Qua nửa năm của cuộc chiến tranh, chúng tôi, những người đàn ông con trai đã học được cách bắn máy bay địch. Nhưng người ta lại chọn cho chúng tôi những chiến sĩ lão luyện cho các trung đội phòng không lại là các cô gái! Mà cũng chỉ một nhiệm vụ - chiến đấu.

Chiến tranh không phải là công việc của phụ nữ, đặc biệt lại không phải là công việc của các cô gái mười chín đôi mươi trong điều kiện khắc nghiệt của mùa đông băng giá. Và chúng tôi, những người chỉ huy - cũng không phải là dễ dàng gì khi sống với họ.

Nhưng đội quân bổ sung mới này đã nhanh chóng nắm vững kỹ thuật sử dụng pháo và trên các mâm pháo những đôi bàn tay phụ nữ sử dụng chả khác gì đàn ông con trai. Và họ - những cô gái mười chín đôi mươi còn ngây thơ ấy đã chịu đựng sức nặng nề khắc nghiệt của chiến tranh một cách dũng cảm chả kém gì chúng tôi - những người lính đã dạn dày súng đạn, tiểu thuyết "Pháo thủ" của tôi viết về điều đó. Tôi rất sung sướng, nếu như đoạn trích của tiểu thuyết đó được độc giả của Tạp chí Sông Hương, chú ý đến. Tôi hy vọng rằng, đến một khi nào đó được giới thiệu toàn bộ tiểu thuyết với độc giả Việt Nam.

Tôi rất mong các bạn đừng cho rằng tôi là một người không khiêm tốn khi tôi tự giới thiệu về mình.

Tôi sinh năm 1921 trong một gia đình nông dân. Trước chiến tranh tôi đi học, sau chiến tranh là thầy giáo làng. Suốt bốn mươi năm tôi chuyên nghiên cứu văn học. Tôi đã viết hơn mười tiểu thuyết, nhiều truyện vừa, truyện ngắn, kịch, kịch bản phim, sách chính luận và các bài phê bình văn học.

Là nhà văn nhân dân Biêlôruxia, anh hùng lao động xã hội chủ nghĩa. Qua đây cho tôi và dân tộc tôi được gửi đến các bạn Việt Nam những lời chúc chân thành nhất. Các bạn thân mến, chúc các bạn phồn thịnh và hạnh phúc
".
25-1-88
IVAN SAMIAKIN


... Chúng tôi rời khỏi ngọn núi Con Gấu khi trời đã tối. Mặc dù đêm rất đẹp. Người điện báo viên lúc đó nhận được tin: giải phóng vùng Petơradavôtxkơ. Không có sự vui sướng đặc biệt. Không có ai kêu lên hai tiếng hoan hô, mọi người đã quá mệt mỏi.

Nhưng cái tin tốt lành này đã mang lại sự động viên: mọi thứ đều diễn ra đúng kế hoạch, chúng tôi còn biết khi đến Kalađakse sẽ dừng lại ở Petơradavôtxkơ. Vì lẽ đó người ta đã ngủ say trong đêm trắng này. Người ta ngủ trên những thùng đạn mặc nguyên áo khoác, ngủ trên boong tàu, những người sĩ quan ngủ trong những buồng tàu chật chội. Tôi nằm nhưng không ngủ được. Tôi không ngủ được bởi một tâm trạng cao xa kỳ ảo nào đó đồng thời với một nỗi buồn vô cớ - đêm trắng cũng là nguyên nhân mất ngủ chăng? Và có lẽ bởi một nguyên nhân sâu xa nào đó? Tôi mở mắt và nhìn thấy mình nhìn thấy cái chết của mình. Tôi bơi không tồi lắm vì tôi đã lớn lên ở Đơnhep. Nhưng ở đây ai sẽ giúp đỡ tôi? Từ đây đến bờ gần nhất cách xa bao nhiêu cây số? Hồ sâu bao nhiêu? Rơi bao lâu xuống đến đáy hồ? Thật là những ý nghĩ ngu ngốc, cần phải xua đuổi chúng đi. Trước chưa bao giờ tôi nghĩ như vậy kể cả trong năm bốn mốt trên Petxamxkơ.

Những người gác cũng ngủ tựa vào súng trường, cần phải biết cả ngủ đứng. Tôi không nghe được ngay cả bước chân của mình khi gác mà buồn ngủ là một hình phạt khắc nghiệt. Nhưng tôi thương người chiến sĩ gái đang đứng gác. Tôi khẽ chạm vào vai cô ta. Cô ta giật thót người sợ hãi và muốn báo cáo gì đó.

- Xuỵt - tôi thì thầm - Đừng ngủ Rôda. Đừng ngủ. Trong đêm trắng thế này chúng có thể hay đến đó.

- Cảm ơn đồng chí thiếu úy, tôi sẽ không ngủ.

Không phải chỉ mình tôi không ngủ. Trên mũi sàlan dưới tấm vải bạt có tiếng thì thầm, và tiếng những nụ hôn.

- Vaxia thân yêu - Ôi em yêu anh biết chừng nào... Yêu anh đừng bỏ em, anh thân yêu - tiếng thì thầm giống như lời cầu nguyện chúa.

- Thôi đi, em ngốc nghếch của anh.

- Tôi dường như chết đứng tại chỗ nín thở. Về nhiệm vụ của mình tôi cần phải chấn chỉnh đưa những chiến sĩ của mình, những người đã vi phạm mệnh lệnh vào nề nếp. Mệnh lệnh thì có nhiều nhưng ra những mệnh lệnh trong trường hợp này cần phải cân nhắc.

Tôi bỗng nhiên xấu hổ vì những mệnh lệnh như vậy, dù đó là mệnh lệnh được chính Xtalin ký, không phải lần đầu tiên một tâm trạng vui sướng choán ngập tâm hồn tôi bởi sức mạnh bách chiến bền vững của tình yêu, tình yêu trong chiến tranh ở đây lại chứa đựng một ý nghĩa đặc biệt.

Tôi tự hứa với mình sẽ giữ câu chuyện tâm tình của hai người như một bí mật vì bí mật đó được bảo vệ bởi một con người đã chín chắn, trung thực với tâm hồn trong trắng. Nhưng tôi sợ tiếng cót két của tôi không sẽ làm họ sợ. Tôi đứng thất vọng không phải vì những cái hôn của họ mà về ý nghĩ và tình cảm của mình. Tôi đã nghĩ về Lida, chưa bao giờ hơn lúc này tôi muốn ôm và hôn cô.. Chỉ thế thôi! Turơnhikôp sẽ làm ầm lên về chuyện đó, người bí thư đoàn luôn đưa việc yêu đương ra để răn đe với việc đuổi khỏi đội ngũ. Lần đầu tiên tôi cảm thấy công việc giáo dục chính trị tư tưởng của mình quá nặng nề. Trong công việc có cái gì đối lập với cuộc sống, với sức mạnh không thể cưỡng nổi của nó, vì dường như sự đối lập đó tạo điều kiện cho cái chết. Thực tế bây giờ sự "cấp thiết của vấn đề" như Turơnhikôp thích nói, đã đến. Nhưng chúng tôi đã thông minh hơn khi ra mệnh lệnh so với trước kia: những hình phạt đáng sợ của tiểu đội. Tôi bỗng nhớ lại một trường hợp không bao giờ quên được mà vì nó tôi vô cùng xấu hổ.

Khoảng hai - ba tháng gì đó khi ở sư đoàn xuất hiện những cô gái đầu tiên, bác sĩ phát hiện một nữ trinh sát có mang bầu. Tôi không nhớ họ, còn tên của cô ấy là Lida. Không ai nghi ngờ về "người có lỗi" trong vụ này là trưởng trạm quân y tiền phương Valeri Knukavich, vì ngoài anh ta ở trạm chỉ còn một người đàn ông nữa quá già đáng tuổi cha và thậm chí là ông của các cô gái. Bạn của Lida đã làm lộ bí mật của họ. Nhưng chính Lida phủ nhận điều đó, cô nói ở nhà mình đã có chồng chưa cưới. Klukơvich giải thích sự việc theo một nghĩa khác. Chàng trai quá sợ hãi. Anh ấy cố trốn tránh có lẽ vì sợ kỷ luật. Nhưng cả ban lãnh đạo khẩu đội: Khẩu đội trưởng Khẩu đội phó phụ trách chính trị tư tưởng, và tôi vừa được bầu làm bí thư thanh niên kiên trì tìm hiểu vụ này. Tôi xấu hổ nhớ lại, chúng tôi đã tra hỏi Valeri và cô gái như thế nào. Hình như Lida đã xin lỗi: đàn bà vẫn là đàn bà. Còn Knukavich đã sử dụng cương vị chỉ huy của mình trốn tránh sự việc, thậm chí anh ấy không có đủ dũng cảm để nhận lỗi của mình. Chúng tôi đã khai trừ anh ấy ra khỏi đoàn. Rất tốt là lúc đó sư đoàn trưởng Kôlaxôp hình như thông minh hơn chúng tôi, không đưa sự việc ra "mổ xẻ" mà chỉ vội đưa Knukavich đến trung đoàn cải tạo còn giấy tờ kỷ luật chưa kịp làm gì cả. Lida có lẽ vì quá sợ khoảng cách giữa đơn vị về trung đoàn cải tạo trong ngày Valéri ra đi đã tự bộc lộ mình, khóc nức nở và sau đó ngất xỉu.

Còn sau đó một năm hay một năm rưỡi gì đó có một bức thư từ tỉnh laroxlap gửi cho chính ủy sư đoàn. Knukavich viết đã hai lần được thưởng huân chương, hai lần bị thương, và vì vết thương nặng anh ấy giải ngũ trở về quê, Lida tổ chức lễ cưới và rất vui mừng gặp lại đứa con trai. Sau đoạn trữ tình đó anh đã gọi tất cả những ai đã tra hỏi anh, đã đuổi anh ra khỏi đoàn, đã dằn vặt vợ anh là những tên ngốc, những con cừu, tóm lại anh ta không tiếc dùng một mỹ từ nào cả.

Câu chuyện của Lida và Valeri không có quan hệ gì đối với Turơnhikôp. Nhưng bức thư lại chính do anh ấy nhận. Người phụ trách chính trị rất thích những bức thư từ hậu phương, sử dụng chúng trong công việc của mình. Bức thư bắt đầu bằng dòng chữ "đồng chí chính ủy, người viết thư cho đồng chí là một trinh sát cũ của sư đoàn", và khi đọc đến những mỹ từ Turơnhikôp rất giận dữ. Trong số nhiều người ở đơn vị tôi được gọi lên, sau khi nghe xong câu chuyện tôi thử biện hộ cho người đồng hương của mình. Turơnhikôp không hiểu lời biện hộ của tôi và nói: "Đây là một người vô chính phủ". Tôi đã ra lệnh viết thư gởi bộ chỉ huy để người ta "tẩy não" người đã dám thóa mạ những người sĩ quan của mình: Thật là ngốc. Tôi nghĩ bộ chỉ huy còn rất nhiều việc và nhất là không có quyền giải quyết những công việc với thương binh đã xuất ngũ. Và tất nhiên bức thư không được gửi đi. Sau đó Kôntenkơ người xuất hiện sau đó ở trung đoàn rất thích bức thư. Ông ấy cười rất to "rất tuyệt là Valeri đã sửa gáy các cậu, chỉ có điều dùng từ không lịch sự lắm - những con cừu". Con cừu tất nhiên là nổi giận...

... Để cho tiếng ủng của tôi khỏi làm giật mình hai người yêu nhau tôi đi về phía buồng lái. Họ là ai? Qua giọng nói tôi không biết được, và để làm gì? Tốt nhất là không nên biết. Đã quá đủ đối với tôi những câu chuyện chỉ do tính ba hoa của những cô gái, hay là những người sĩ quan sau đó trở thành quá rõ ràng và đoàn cần giải quyết.

Phía đuôi sàlan làn nước tung bọt trắng xóa, vì cái đó tôi biết được chúng tôi không đứng yên một chỗ mà đang bơi. Còn đằng kia phía múi sàlan một ngôi sao cũng đang bơi. Chính gần chỗ tôi đứng ngôi sao không bơi, mà dường như đang nhảy múa trên sóng. Một ngọn đèn màu xanh của tàu kéo vụt tắt tan biến đi trong khoảng đêm.

Khi nắm lấy chiếc lan can giá lạnh tôi có cảm giác dường như trong khoảnh khắc đã ngủ thiếp đi. Tôi cũng biết ngủ đứng không thua kém những người khác. Ở thành phố MuroManxkơ, giữa những đợt nghỉ của máy bay kẻ thù, chúng tôi học cách ngủ đứng.

Đúng, tôi đã ngủ thiếp đi trong một phút và không nhìn thấy gì cả. Nhưng tôi nghe thấy bên cạnh tôi ai đó dừng lại. Và tôi choàng tỉnh nhưng vẫn nghĩ mình đang ngủ và mơ: Lida đang đứng cạnh tôi. Trên mũi sàlan tôi đã nghĩ về cô ấy, và tôi muốn để cô ta bên cạnh mình. Và chính cô ấy đến trong giấc mơ của tôi.

- Cô ấy nói thầm như bà mẹ nói với con trai.

- Hãy ngủ đi.

- Giấc mơ nào đây? Tôi ngạc nhiên: Lida phải không?

- Khẽ thế anh.

Lida nắm lấy khuỷu tay của tôi, tựa sát vào tôi, chia cho tôi thân hình ấm áp của mình. Tôi suy luận, nếu cô ấy không ngủ, có nghĩa là cô ấy nghĩ đến mình, theo dõi những hành động của mình trên boong tàu và đã đến với mình trong giấc mơ. Ý nghĩ đó làm tôi xúc động đến phát run lên. Tôi cần phải nói với cô một cái gì đặc biệt - nhưng nói cái gì?

Tôi không có những từ ngữ như vậy. Tôi hỏi một câu quá rõ ràng.

- Em không ngủ à?

Cô ấy cười khe khẽ.

Chúng ta hãy cùng đứng và hãy cùng im lặng. Nhìn ngôi sao nhỏ này trong nước. Và hết? Không - cái đó có thể, anh có thể nói với em một cái gì đó không bình thường, đặc biệt điều có liên quan đến số phận của anh và của em... Anh còn đang tìm từ, tìm từ ngữ một cách đau khổ, nhưng không tìm ra. Trên vai tôi có chiếc áo khoác, nhưng vẫn cảm thấy lạnh. Có lẽ bởi tại thần kinh quá căng thẳng? Hay bởi tại cái lạnh thực sự? Còn cô ấy chỉ mặc mỗi chiếc áo varơi.

- Em có lạnh không?

- Anh khoác cho em cái áo của anh.

Tôi phủ lên vai cô chiếc áo khoác lính, nhưng nó không đủ cho hai người. Lida khéo léo sửa lại và chiếc áo khoác đủ rộng. Thật là kỳ lạ, vai của Lida áp sát vai tôi. Tôi ôm cô, cảm nhận bằng đôi tay thân hình mảnh mai của Lida đã giống như thân hình cô bé tuổi 16, và nhận thấy toàn thân cô run lên.

Bỗng nhiên tất cả nóng rực giống như tôi tắm trong nước nóng của hồ và tôi đuổi theo ngôi sao kỳ ảo, tôi đuổi theo nó, nhưng không đuổi kịp và trở nên buồn bã bởi vì tôi không bao giờ đuổi kịp cô, một ngôi sao. Còn ở đâu đó lơ lửng trên đầu tôi, trong không gian những lời hoàn toàn hiện thực của Kônbenki: "Hãy yêu đi Pavlích. Hãy nhổ vào thói đạo đức giả của chúng ta". Ôi nếu như tất cả cái đó là hiện thực. Tất cả cái đó có thể xảy ra một năm rưỡi trước đây khi Lida vừa mới đến sư đoàn. Nếu như lúc đó chúng tôi đã kết bạn. Cô ấy là đồng hương của tôi ở vùng Rôgachôv. Chúng tôi cùng học ở trường học nghề, chỉ có điều tôi học ở năm cuối còn Lida học ở năm thứ nhất, khi đó tôi không chú ý đến cô. Nhưng ngay lập tức nhận ra "chị đã học ở Gômel phải không?" Còn tôi cũng nghĩ anh hay không phải là anh? Sienôk đó là họ anh, đúng không? Cô ấy rất sung sướng vì trong số những người chỉ huy trung đội tấn công đã gặp được người quen. Cô ấy nói nhiều hơn điều người ta cho phép nói trong đội ngũ. Tôi hơi bối rối trước ban chỉ huy trung đội và các chiến sĩ. Còn thượng sĩ Lưxenkô cau có và nói một cách không hài lòng "sẽ còn lắm chuyện với chiến sĩ gái này đây".

Tôi không thể ngay lập tức thú nhận rằng tôi thích Lida. Nhưng cương vị của người bí thư thanh niên tạo điều kiện cho chúng tôi nói chuyện tâm tình. Chúng tôi thường nhớ về Bêlôruxia thân yêu. Lida kể về những người học viên đã xây dựng tuyến phòng thủ xung quanh Gômel như thế nào, những người lính và những người dân quân đã bảo vệ thành phố ra sao, cô ấy cũng nói đến những khủng khiếp gặp phải trong lần đi sơ tán. Còn bố mẹ anh chị cô ấy bây giờ đang ở một làng đâu đó giữa Rôgachốp và Balơruixkơ. Cái gì xảy ra với họ? Và cái gì xảy ra với những người thân của tôi bên kia bờ sông Đơnhep? Ở sư đoàn có nhiều người Bêlôruxia và trước mỗi người có một câu hỏi dằn vặt: Cái gì đang xảy ra với những người thân? Sự thực bây giờ tôi biết bố mẹ tôi còn sống, bố tôi là du kích. Còn Lida không biết gì cả. Cô ấy đã lo lắng xúc động khi biết tin chúng tôi chuẩn bị phản công vào Bêlôruxia. Và chúng tôi đang đi đến gần mảnh đất thân yêu, theo đường sắt và đường biển. Có lẽ vì xúc động cô ấy không ngủ chăng.

- Anh có sợ không, anh Paven?

- Sợ gì.

- Mìn.

- Chúng rải mìn ở đây để làm gì?

- Còn em sợ. Trước kia em chưa bao giờ sợ. Không sợ bom, không sợ máy bay. Còn hôm nay sợ phải chết khi quê hương em có lẽ đã được giải phóng, khi mẹ em... mẹ em còn sống. Và người ta sẽ viết thư cho mẹ em về chúng ta. những người sẽ chết đuối.

- Li-đa.

- Em sẽ không nói nữa. Anh đừng nghĩ em hèn nhát. Đơn giản là em không muốn chết, chúng ta cùng im lặng, em rất thích ở bên anh. Trong chiếc áo khoác của anh ấm áp biết bao nhiêu, dường như em đang tắm trong nước nóng. Anh hãy nhìn ngôi sao kia rực rỡ bao nhiêu. Còn những ngôi sao khác mờ đục, khó nhận biết.

Chúng tôi im lặng rất lâu, dường như sự im lặng nói được nhiều hơn những từ dùng không đúng lúc. Sự thật tôi cũng nghĩ đến Turơnhikôp sẽ nói gì khi biết tin (nhiều người rõ ràng là không ngủ): bí thư chi đoàn đứng với... cùng chung một chiếc áo khoác. Nhưng thật kỳ lạ tôi không sợ, ngược lại tôi cảm thấy vui vẻ. Tôi hy vọng vào sự bảo vệ của khônbenkơ. Turơnhikôp không thích anh ấy nhưng vẫn ngại. Đã mải mê với ý nghĩ của mình tôi không nhận ra phía đối diện một người dừng lại. Lida nhận ra trước khẽ bấm tôi và biến mất sau những thùng đạn pháo. Sau đó tôi phát hiện ra người đã bắt gặp sự "vụng trộm" của chúng tôi qua mùi thuốc tây, đó là đại úy bác sĩ Pakhơrasina. Tại sao bà ấy không ngủ? Bà ta đi lang thang trên sà lan để làm gì. Người chứng kiến có lẽ là người tôi không mong đợi nhất, ai chứ bà ta không thể im lặng được. Bà ta là một phụ nữ thô lỗ và không biết giữ mồm giữ miệng. Giới sĩ quan đối xử với bà khác nhau. Người thì khinh bỉ chế nhạo, người khác thương hại, người ta hay trêu mối tình của bà với Sakhôpxki - một kỹ sư điện tử ngăn nắp, một phó tiến sĩ khoa học kỹ thuật người tự hào dòng dõi quý tộc của mình dường như trước đây đã phục vụ trong quân đội Sa hoàng. Có tin đồn trước chiến tranh ông ấy đã ngồi tù. Vì lẽ gì? Vì nguồn gốc xuất thân của mình chăng? Và có lẽ bởi tại ông ấy quá chú trọng tước vị cố nội của mình là người tháng Chạp. Mọi người đều tin Sakhôpxki, một sĩ quan nghiêm túc có học. Chỉ một mình Kusaiev tại sao nghi ngờ tước vị của ông ấy, mặc dù đánh giá cao trình độ kỹ thuật của người sĩ quan này. Còn Kônbenkơ đã làm tôi ngạc nhiên, sau khi tuyên bố - yêu quý "công tước" không phải do nguồn gốc mà vì trí tuệ.

Người ta thương hại Pakhơrasina: "Người xúc phạm cả chúa trời" - bởi phụ nữ là phụ nữ. Bà có thân hình cân đối, sắc sảo, nhưng gương mặt đầy những nốt đậu mùa. Và vì đậu mùa người ta tha thứ cho những lời nói độc địa của bà.

Quan hệ của tôi với Pakhơrasina chia làm hai thời kỳ. Khi còn mang lon thượng sĩ, một lần tôi phải nằm ở trạm xá nhìn thấy bà đùa cợt một cách thô lỗ tôi cảm thấy sợ. Sau khi tôi còn đùa lại, mặc dù bà hơn tôi 12 tuổi. Tất nhiên vì sự đùa cợt của mình bao giờ tôi cũng nhận được một sự "trả miếng đau". Bà biết đối đáp một cách thông minh sắc sảo. Tất nhiên cái đó không quan trọng, quan trọng hơn tôi cảm thấy mình ngang hàng với người phụ nữ quyền uy, đến thủ trưởng sư đoàn cũng ngại đụng độ.

Với sự sợ hãi và tò mò, tôi chờ câu châm chọc của người bác sĩ đối với cô gái đã cùng tôi đứng chung một áo khoác. Pakhơrasina im lặng, chẳng lẽ bà ta làm ra vẻ không nhìn thấy gì cả? Không hợp với bà chút nào. Tôi biết bà đã không thương xót đối với những người y tá dưới quyền, thậm chí đuổi thẳng về nhà. Tôi tạo cho mình bộ mặt hung dữ. Nếu như bà nhận ra Lida và bắt đầu tra hỏi đó là ai tôi sẽ nói về mối quan hệ giữa bà và Sakhôpxki. Điều đó bà không thích. Cứ mặc để bà ấy kêu toáng lên khắp cả sà lan.

Nhưng người bác sĩ quân đội bỗng nhiên hỏi về điều khác.

- Ngôi sao nào vậy? Ngôi sao sáng lên rực rỡ trong đêm trắng? Nó thuộc hành tinh nào?

- Tôi không biết Lưubôv Xergơgeiepna. Tôi cũng tự ngạc nhiên. Tại sao lại xưng hô với bà một cách lạnh lùng như vậy. Và bà cũng ngạc nhiên quay lại nhìn thẳng vào mặt tôi.

- Suốt cuộc chiến tranh chúng ta nhìn lên bầu trời và... Không nhìn thấy những vì sao, không biết chúng. Chúng ta nhìn thấy những cây thánh giá - những cây thánh giá màu đen.

Những lời nói của bà chấn động mạnh mẽ, và dường như chúng làm thay đổi quan niệm về bà: Bà ấy không độc ác và thô lỗ như người ta vẫn thường quan niệm. Không, không phải bây giờ quan niệm của tôi thay đổi mà ngay từ hôm qua tôi đã nghĩ khác về Pakhơrasina.

- Từ khẩu đội tôi trở về thăm một người bạn bị thương ở trạm xá. Vị trí của trạm xá ở trong rừng cách xa một làng, địa điểm duy nhất gây sự chú ý của máy bay kẻ thù.

Pakhơrasina gặp tôi không hồ hởi lắm. Rõ ràng bà vừa đụng độ với ai đó, bà cau có, quát tháo những người phục vụ. Trả lời nguyện vọng của tôi muốn gặp Vanhia bằng một giọng độc ác.

Thế anh gặp thương binh để làm gì? Trong điều kiện chúng tôi không cho phép. Hãy ít bỏ hàng ngũ để đi làm những việc không cần thiết đi.

Bà nói sự thật trần trụi, mà vì nó tôi nghĩ đến trách nhiệm của mình.

- Đồng chí Đại úy! Đồng chí hiểu cho - tôi cần gặp một chàng trai bất hạnh ở đơn vị chúng tôi.

Bà nhìn thẳng vào mắt tôi ngạc nhiên sau đó im lặng dẫn tôi vào phòng bệnh. Sau khi ở ngoài trời đầy nắng tôi bước vào căn phòng mờ tối, ở đây không có mùi bệnh viện mà tỏa đầy hương vị đồng cỏ.

Vanhia nằm trên đất, trên một tấm khăn trải giường và đắp chăn - Vanhia nhỏ bé không nhận ra được thân hình của cậu ấy, chỉ thấy tấm chăn khẽ lay động. Khắp người cậu ta một màu trắng, cả gương mặt, cả tay, chân đều băng kín.

Nhìn cử động và cặp mắt cậu mở to tôi hiểu cậu sợ chúng tôi đến thăm. Cậu ấy sợ vì tôi quì trước mặt. Bỗng nhiên cậu ấy hỏi:

- Người ta sẽ bắn tôi à?

Hỏi một cách bình thản, không sợ hãi nhưng tim tôi thắt lại.

Tôi nâng đầu cậu ấy lên khỏi gối.

- Vanhia! Ai bắn cậu? Mình đã nhìn thấy trường hợp cậu bị thương.

Trung sĩ cũng nhìn thấy.

- Còn Trung úy quát...

- Trung úy là một thằng ngốc. Không kiềm chế được tôi đã nói về trung úy một cách đúng sự thật.

Trên gương mặt chàng trai những giọt nước mắt lăn dài - hình như cậu ấy còn định mỉm cười để tạ ơn và cuối cùng thì thầm:

- Đồng chí thiếu úy - Đồng chí nói lại với mọi người tôi sẽ không bao giờ quên họ, không bao giờ.

- Vanhia - cố lên, cậu sẽ khỏi. Đừng có nghĩ gì cả.

Tôi đứng dậy và nhìn thấy bác sĩ ở cửa ra vào phòng bệnh. Tôi đi đến gần, bà lau nước mắt bằng chiếc khăn nhỏ. Ra lệnh cho tôi nghiêm khắc:

- Hãy đừng nhìn - Tôi là một bà già yếu đuối.

Khi chúng tôi rời khỏi phòng bệnh, bỗng nhiên bà nói:

- Anh không nhận ra gì cả. Còn tôi ngay lập tức tôi hiểu cậu ấy chờ chết. Tôi nhìn thấy rất nhiều người bệnh chuẩn bị cho mình cái chết. Nhưng khác cơ. Cậu ấy không hề rên la khi tôi làm giải phẫu và sau này cũng không một lần. Đó là một người dũng cảm. Chẳng nhẽ lúc nào đó chúng ta sẽ quên đi?

Còn khi chúng tôi chia tay, Pakhơrasina đuổi kịp tôi và hỏi:

- Dubơrôp đến chưa?

Tôi hiểu nỗi lo lắng của bà.

Tôi sẽ nói với Kôbenkơ.

Hôm qua người ta đã gửi Vanhia ra trạm quân y Phương diện quân.

Và một lần nữa người bác sĩ lại làm tôi ngạc nhiên bằng lời nói về những ngôi sao và những cây thánh giá. Tất nhiên bà muốn đề cập đến những cây thánh giá trên cánh những chiếc máy bay "Dunrehrơ".

Bỗng nhiên tôi muốn cảm ơn bà. Vì lẽ gì? Vì Vanhia? Vì sự im lặng lịch sự không nói đến Lida? hay vì những từ, những ý nghĩ của bà giống như thơ?

- Cô gái... người tôi muốn nói để chị hiểu.

Nhưng Pakhơrasina cắt ngang lời.

- Không cần, Sienok, tốt nhất hãy nghĩ rằng, anh có bí mật riêng của mình, nên nghĩ như vậy.

Điều đó không giống lời lẽ của Kôbenkơ. Kỳ lạ thật - bác sĩ cũng bảo vệ bí mật.

- Khi vận chuyển mọi người đều sợ mìn và tất cả đều ngủ say. Giấc ngủ mạnh hơn sự sợ hãi.

- Mọi người mệt.

- Còn tôi chẳng sợ gì cả nhưng tôi không ngủ được. Song tôi đi và muốn ngủ thiếp đi. Còn anh có ý định nhìn ngắm những ngôi sao à? chẳng bao lâu chúng sẽ tắt. Anh hãy nhìn kìa, bầu trời đã ửng hồng. Một ngày mới đến, mặt trời sẽ mọc. Mặt trời đáng yêu biết nhường nào. Và trên mặt trời cũng có những cây thánh giá... Anh nhìn thấy những quả mìn chưa? Ở đó cũng có những cây thánh giá phải không?

... Qua loa phóng thanh một giọng nói khẽ nhưng bình thản của người cầm lái sàlan chúng tôi:

- Có mìn ở dưới tầu kéo "Lađôga - 27".

Một phút im lặng, có lẽ mọi người nghĩ rằng, trong thời điểm này tàu kéo sẽ chìm xuống đáy hố. Kuzaiev hỏi.

- Chìm chưa.

Người ta trả lời hài hước.

- Những con tàu không chìm, như những chiếc rìu.

Lúc đó các sĩ quan rời vị trí, sau khi quyết định phải hành động tích cực cứu tầu kéo và mọi người ở đó. Nhưng khi thi hành mệnh lệnh tàu kéo và sàlan ở cách nhau quá xa, chúng tôi sợ bị đánh từ trên trời, hóa ra lại bị đánh từ mặt nước.

Tất cả ban chỉ huy lên sàn tàu.

Con tàu kéo chao đảo trên sóng, nghiêng bên này, nghiêng bên kia. Mặt hồ phẳng lặng như một tấm gương. Tĩnh lặng. Từ xa phía đất liền sáng lên những đám cháy.

Chưa bãi lệnh báo động chăng? Hay chính tiếng nổ là hiệu lệnh báo động lại. Số vũ khí M3A với đạn pháo cao xạ đã sẵn sàng. Mọi người chuẩn bị cho trận đánh. Ai có súng trường, súng tiểu liên trong tay đều sẵn sàng nhả đạn.

Tôi tiếp tục nhìn vào mặt mọi người. Trong số những người có vũ khí còn trong bao tôi nhận ra Lida đầu tiên. Cô ta có vẻ sợ hãi. Đầu tiên tôi xấu hổ vì cho rằng cô ấy dũng cảm. Nhưng sau nhận ra những người khác cũng sợ hãi và bối rối, bởi vì họ không có vũ khí. Không có vũ khí người lính không còn là người lính nữa. Turơnhikôp rất thích một câu đã cũ về những người lính "Chúng ta là những người lính hồng quân, hãy đừng quên điều đó!" Còn tôi thậm chí trong ý nghĩ không bao giờ xem những cô gái là những chiến sĩ.

Kuzaiev liên lạc bằng vô tuyến với chiếc sà lan thứ 2.

Mìn đã nổ dưới buồng máy tàu kéo. Hai người hy sinh. Nhưng lệnh của chỉ huy không được bỏ tàu phải tát nước và cố gắng để nó không chìm.

- Ôi những anh hùng! Những người công dân đã chiến đấu dũng cảm. Turơnhikôp nói lên lòng khâm phục của mình. Mỗi người trong số chúng tôi sẽ tỏ lòng kính trọng đối với sự dũng cảm của những chiến sĩ vận tải: Trong quan niệm của mình tôi cho rằng họ cũng giống như người lái sàlan chúng ta - những người thủy thủ trên tàu kéo, những chàng trai tuổi 16-17.

Chúng tôi họp "Hội đồng quân sự". Turơnhikôp phát biểu đầu tiên:

- Chúng ta tiếp tục đưa hai sàlan, dù với tốc độ chậm, tiến dần về đích.

- Ai sẽ kéo? Mình với cậu à?

Trưởng tàu kéo hỏi. Không, hai chiếc sàlan không thể đi tiếp được.

Có nghĩa là sẽ bỏ mọi người, phương tiện kỷ thuật và một nửa sư đoàn lơ lững giữa hồ. Phó mặc cho những chuyến bỏ bom có thể của máy bay địch.

Nhưng người thầy giáo Muraviep muốn để "Những đứa con trai và con gái" (kể từ năm thứ hai phục vụ quân đội, ông thường xưng hô với những người dưới quyền mình như vậy. Những người sĩ quan trẻ đã cười từ "ông bố") tiến gần về đất liền. Muraviep nghĩ về những đợt tấn công của không quân, ông kiên quyết yêu cầu đưa chiếc sàlan đến hòn đảo gần nhất.

Thế còn tàu kéo? - Sakhôpxki phản đối - Ban chỉ huy sẽ không bỏ rơi nó, chừng nào nó còn chạy được.

- Gió nổi lên và đánh giạt sàlan vào ghềnh đá. Những quả đạn pháo sẽ nổ tung - tất cả sẽ ra tro. Muraviep không chịu đầu hàng.

- Còn mỏ neo để làm gì?

- Thế độ sâu? Mỏ neo không thể đủ để cắm xuống lòng hồ.

Trưởng tàu kéo trả lời - có thể dùng mỏ neo.

Kuzaiev trầm ngâm, ngước nhìn các sĩ quan ban tham mưu.

- Đại úy Sakhôpxki sẽ chỉ huy sàlan số 2.

- Xin tuân lệnh, thưa đồng chí thiếu tá.

"Hội đồng quân sự" giải tán cuộc họp. Nhưng Pakhơrasina đi lại gần người chỉ huy không phải theo điều lệnh quân sự, mà giống như người học sinh không biết vâng lời, bà nói:

- Tôi... bà hoàn toàn tái xanh.

Turơnhikôp hiểu rõ bà định nói gì hỏi một cách ác ý.

- Còn đồng chí muốn gì? Bệnh xá để cho ai?

- Trên tàu kéo có người bị thương.

- Tôi đồng ý - trên tàu kéo có người bị thương - Kuzaiev bất ngờ đồng ý.

Lúc đó tôi bước gần lại sư trưởng:

- Đồng chí thiếu tá cho phép cả tôi.

- Được, đồng chí bí thư chi đoàn Sakhốpxki tôi cử luôn cho đồng chí một chính ủy. Tôi nhảy bổ lên sàn sà lan, nơi giữa những thùng đạn pháo có chiếc ba lô của tôi. Tôi bỗng suy nghĩ. Sẽ mang theo cái gì - Có bao nhiêu kỷ niệm của khẩu đội số ba, và những năm ở hậu phương. Mang giấy đi chăng. Một ít giấy đã bị mất ở ngọn núi Con Gấu. Bút chì có ở trong túi. Còn sách? Tôi có hai quyển sách "Sông Đông êm đềm" và tập thơ PavLuk Truxư, bảy năm nay tôi luôn mang chúng bên người, kể từ năm thứ nhất ở trường học nghề.

- PavLik - Anh làm thế để làm gì?

Lida đứng trước tôi, xanh xám giống Pakhơrasina. Trong cặp mắt của cô có sự sợ hãi lo âu và nỗi buồn.

- Làm cái gì cơ?

- Bơi đến đó.

- Em sao thế? Đó là lệnh của chỉ huy.

- Không, em nghe hết rồi, chính anh yêu cầu.

- Lida, cái gì xảy ra với em vậy.

- Em sợ.

Tôi cần phải nói rằng, một tình cảm nhẹ nhàng xâm chiếm tâm hồn tôi. Nhưng tôi còn là một bí thư chi đoàn. Cô ấy sợ gì nhỉ? chẳng lẽ sợ sự ra đi của tôi đến với sàlan số 2 nơi có một nửa người tốt của sư đoàn đang ở.

- Em quên rằng - chúng ta đang sống ở thời kỳ chiến tranh à?

- Em không quên.

Cô ấy thu người lại bé bỏng như một em bé gái, còn gương mặt xuất hiện những nếp nhăn, trong khoảnh khắc già hơn giống như mẹ tôi đã tiễn tôi vào bộ đội trong thời bình vào năm 1940. Khi những người thân của tôi được giải phóng vào mùa thu năm ngoái, tôi nhận được bức thư em gái tôi viết: mẹ khóc rất nhiều.

- Đồng chí hạ sĩ. Tôi đùa - cầm hộ tôi chiếc ba lô, tập thơ quyển sách. Sẽ hơi nặng đấy, nhưng cầm hộ.

- Không cầm - Lida trả lời bướng bỉnh.

- Em sao vậy?

- Chẳng sao cả, không cầm.

- Không muốn cũng chả cần. Bí thư chi bộ sẽ mang hộ.

Tôi đứng trên sàn tàu ngước nhìn xung quanh và là người đầu tiên bước xuống thuyền.

Tôi ngủ thiếp đi sau khi ăn sáng.

Tôi bừng tỉnh.

Kôbenkơ đứng trước tôi mỉm cười và hỏi:

- Nhìn thấy ai trong giấc mơ?

- Pakhơrasina. Tôi thành thực thú nhận.

- Bác sĩ à? Ông ấy ngạc nhiên và sau đó mỉm cười - Thế bà ta làm gì cậu?

- Chúng tôi cùng đi thăm viện bảo tàng.

- Một giấc mơ có văn hóa - bí thư chi đoàn ạ. Thế mà mình nghĩ rằng cậu tán tỉnh một cô gái nào đó, thậm chí còn kéo cô ta đến bàn. Rất tiếc là đã đánh thức cậu. Nhưng bây giờ hãy cùng đi xem cung điện của chúng ta.

- Một dân tộc quá cẩn thận. Kôbenkơ nhận xét.

Tôi cảm nhận trong giọng nói của ông có sự khen ngợi người Phần Lan, và thấy bực bội -những người ngăn nắp này sống bên cạnh trại tập trung nơi những người tù binh chúng ta bị hành hạ và chết ở đó.

Trong căn phòng thứ 2 là buồng ngủ. Những người chiếm đóng quá cẩn thận đã mang đi cả vải trải giường. Chi tiết nhỏ này làm tôi thích thú: tôi không muốn ngủ trên tấm vải trải giường, trước kia kẻ thù đã ngủ.

Căn nhà hầu như còn nguyên vẹn. Ngôi nhà có chiếc bếp lò kiểu Nga ở phòng trước, nhưng đã bị bỏ đi. Nếu người Hà Lan xây dựng đã không có kiến trúc kiểu ấy.

Chi tiết này cộng với những tấm vải trải giường giúp cho tôi hình thành một phỏng đoán - Ngôi nhà này là của chúng tôi, và người chúng tôi đã sống ở đây, có lẽ vì thế Kôbenkơ hài lòng vì người ta đã phân cho chúng tôi ngôi nhà này. Nhưng cũng giống như ông tôi muốn lau chùi sạch mùi xa lạ của kẻ thù.

- Ai trong số chúng ta lau nhà tốt nhất?

- Chúng tôi không phải người Bê-lô-ru-xia. - Và không có ai ở đây giúp việc lau nhà cho các sĩ quan.

- Trong ban chỉ huy trung đội tấn công không có ai. Vả lại rất ít người, Muraviev nói to. Có lẽ chúng ta sẽ ở đây cho đến hết chiến tranh.

- Cho Đanhilôp có người - Tôi nói dốc vào:

- Cậu quá sáng suốt - Paven - chạy đi gọi điện thoại đi.

Những người liên lạc đi đâu cả. Chỗ máy điện thoại gọi đến ban chỉ huy chỉ còn nữ nhân viên đánh máy Rênhia, Rênhia là một cô gái kỳ lạ, không, nói đúng hơn không phải cô ấy kỳ lạ mà quan hệ của tôi với cô ấy kỳ lạ.

Rênhia được mang về đây từ vòng vây Lêningơrat, cô ấy bị thương nặng. Người ta tìm thấy cô trên con đường đầy tuyết vào cuối mùa đông năm chiến tranh đầu tiên. Cô được điều trị ở Valôgiđa và năm 43 được đưa đến cho chúng tôi trong quân số bổ sung. Cô gái có học vấn trung học, đánh máy cừ nhưng chỉ muốn trở thành pháo thủ để được bắn vào kẻ thù. Vòng vây ở Lêningơrat vẫn thường xuyên tác động đến sức khỏe của cô. Cô ấy đã bị ngất hai lần, lần thứ nhất khi Kuzaiev quở phạt. Người ta muốn cho cô xuất ngũ. Cô ấy đã thiết tha yêu cầu để được ở lại quân đội. Hầu như tất cả các sĩ quan đều thương hại cô gái, nói để cô được ở lại. Nhưng sau đó không ai còn chú ý đến cô theo quân lệnh: "Chiến sĩ Rênhia", mà mọi người đều nói khi muốn nhờ đánh máy - "Xin mời, đánh máy hộ bản này". Cô rất ngượng ngùng vì cách xưng hô như vậy, và tôi thường nhận thấy cô muốn khóc vì điều đó như một sự xúc phạm. Nhưng chưa ai nhìn thấy nước mắt của cô.

Quan hệ của tôi với Rênhia không giống như quan hệ với Lida - đó chỉ là quan hệ của bí thư chi đoàn với chiến sĩ. Tôi chưa lần nào nhìn cô gái này. Và không biết đã có ai nghĩ đến cô ý nghĩ của đàn ông. Cô ấy có vóc người cao, cao hơn tôi nửa cái đầu, nhưng mảnh mai, gầy yếu, không có một nét phụ nữ nào cả. Trong thời gian bị bệnh cô rụng hết tóc và thường trùm khăn ngồi đánh máy. Nhưng gương mặt cô đẹp kỳ lạ. Một gương mặt nhiều người muốn ngắm nghía. Song tôi rất sợ ngắm nhìn, tôi cho như vậy không lịch sự. Đặc biệt cặp mắt cô mê hoặc: Trong cặp mắt có màu xanh mênh mông, và dường như luôn vương vấn một nỗi buồn nào đó không cho phép nhìn thẳng vào mặt mình. Có thể nói lời khen hết lời về cặp mắt. Bất kỳ một cô gái nào cũng thú vị nghe điều đó nhưng loại trừ Rênhia. Tôi nghĩ cái đó sẽ làm cô giận dữ. Tôi thường nói chuyện lâu với cô - nhưng quả thực chưa nhìn vào mắt lần nào. Chúng tôi nói chuyện với nhau giống như giữa chúng tôi có một hàng rào ngăn cách.

Rênhia đang ngồi không trùm khăn, khoác chiếc áo varơi, đầu của cô lởm chởm tóc, với chiếc má bầu bỉnh trắng hồng giống như đầu cậu bé mà tôi đã mơ thấy ở viện bảo tàng. Cô ấy cầm lấy bím tóc giả, nhưng sau nghĩ lại và thôi không đội lên đầu nữa.

- Máy nào chỗ chị gọi cho số 1.

Tôi vui vẻ quay máy, ngạc nhiên không nhận ra giọng nói của người nữ liên lạc khẩu đội - Tôi biết tất cả họ, đặc biệt ở chỗ sư trưởng tôi có một cô bạn trước kia học cùng một lớp.

- Em nhận ra anh ngay, đồng chí thiếu úy, Tanhia Balasôpva nói nghịch ngợm.

"Chiếc ống nhòm" người ta gọi cô như vậy - đó là cô gái vui nhộn, nói nhiều, ít quan tâm.

- Anh cần gặp ai?

- Gọi cho tôi chỉ huy...

- Chỉ huy nào?

- Khẩu đội.

- Thế anh không cần gặp ai nữa à?

- Gọi nhanh lên.

- Tại sao hôm nay đồng chí nghiêm khắc vậy đồng chí thiếu úy.

- Balasôpva - chấp hành mệnh lệnh đi.

Tôi nghe qua máy giọng vui vẻ của Tanhia

- Đồng chí thượng úy! bí thư đoàn gọi điện cho đồng chí.

Đanhilôp cầm máy.

- Chúng tôi muốn yêu cầu đồng chí gửi cho một chiến sĩ lau chùi nhà ở chỗ chúng tôi. Ban chỉ huy có cả một ngôi nhà, mà mọi người đều đau ốm, khập khiễng sau chuyến đi.

- Gửi ai cho cậu?

- Gửi ai à? Bất giác tôi nhìn lên Rênhia đang đứng bên cạnh với vẻ mặt sẵn sàng nhận nhiệm vụ, trong tay cầm bím tóc giả. Ai đó chỗ các anh rỗi việc, vả lại nhanh nhẹn...

- Được, chúng tôi sẽ gửi một người nhanh nhẹn nhất.

Rênhia, dường như không ngạc nhiên với cái gì, nhìn tôi chăm chú.

- Anh nói cần ai giúp đỡ vậy? Em được không.

Tôi bối rối, cô ấy là nhân viên đánh máy của ban tham mưu đã đoán ra tôi cần gặp ai. Đồng chí bí thư! Hãy biết kiềm chế không lại được đứng trước Turơnhikốp. Người phó phụ trách chính trị sẽ cười chế nhạo tình cảm của cậu. Chế nhạo tình cảm của mình - được nhưng nếu xúc phạm Lida? Song tôi nhớ lại lời của Kôbenkơ "hãy nhổ vào tất cả, Palik" và nỗi lo âu bất ngờ tan biến đi.

Tôi vui vẻ nhìn Rênhia - lần đầu tiên tôi nhìn vào mắt cô và không nhận thấy nỗi buồn, cặp mắt nhỏ hơn nheo lại mỉm cười và hoàn toàn không phải là cặp mắt trẻ thơ mà là cặp mắt của một bà mẹ. Tôi vui sướng vì nỗi buồn trong mắt cô biến mất và mạnh dạn nhìn vào đó.

Tôi nói bất ngờ đối với Rênhia và đối với cả mình.

- Rênhia, chị đẹp làm sao!

Đôi mắt cô mím lại vẻ giận dữ.

- Cặp mắt chị rất đẹp - tôi sửa lại.

Cô ấy mỉm cười nhẹ nhàng và đồng ý.

- Mắt của tôi đẹp.

Và bằng sự chân thực giản dị cô ấy tặng cho tôi niềm vui. Vì cô ta? Vì tôi hay vì Lida? Tôi còn sợ gì Turơnhikôp nếu như mình có người bảo vệ như vậy.

Hy vọng của tôi thành hiện thực. Lida đến, đến nhanh đến nỗi làm tôi bối rối.

Cô ấy đã chạy từ khẩu đội về à? Cô xuất hiện mặt đỏ bừng nhưng không ngượng ngập. Sau khi gõ cửa và được phép của Kôbenkơ vào, cô dừng lại ở ngưỡng cửa giơ tay chào báo cáo theo kiểu lính:

- Hạ sĩ Astaskơ có mặt theo sự điều động.

Tôi và Kôbenkơ phân loại giấy má để làm sạch những cái thùng. Người bí thư chi bộ đứng dậy khỏi bàn, sửa lại thắt lưng, nhìn Lida chăm chú và nghiêm khắc đến nỗi Lida bối rối vô cùng cúi nhìn giày và váy của mình. Giày của cô đầy bụi, cô bắt đầu thanh minh.

- Đường nhiều bụi quá, đồng chí thượng úy ạ.

Kôbenkơ mỉm cười trả lời.

- Paven hãy nhìn xem. Đanhilôp gửi đến cho chúng ta một người đẹp như thế nào. Đúng là một tâm hồn hào phóng. Thậm chí tôi không thể ra lệnh cho cô ấy lau nhà. Nếu như ra vũ hội cùng với cậu sẽ là nữ hoàng.

Đồng chí thượng úy cứ đùa. Và một lần nữa Lida nhìn lại đôi giày của mình. Trong lần này, bất giác tôi nhìn đôi chân cô. Có một đầu gối bị băng và gây được chú ý của tôi. Trong tôi một tình cảm thương xót trỗi dậy, tôi định hỏi cô ấy bị chấn thương ở đâu, nhưng lại ngại người bí thư chi bộ.

- Em có thích nhảy không?

- Thích.

- Như vậy hãy thỏa thuận điệu vũ đầu tiên sẽ nhảy với tôi. Đồng ý không?

- Khi nào?

- Sau chiến tranh - tôi nói.

- Đồng chí khổ quá, đồng chí bí thư chi đoàn ạ. Đồng chí tra tấn người ta bằng những bản báo cáo buồn tẻ của mình. Hãy tổ chức lấy vũ hội dù chỉ một lần. Đồng chí hãy nhận nhiệm vụ đó. Tôi hứa trong một ngày gần nhất sẽ tổ chức vũ hội của sư đoàn. Hãy nói với tất cả các cô gái như vậy cho họ chuẩn bị.

Tôi không phải nhìn chiếc đầu gối bị băng của Lida, mà nhìn chiếc đầu gối lành lặn. Nó trắng và đẹp làm sao! Tôi nín thở vì một tình cảm kỳ lạ. Tôi hiểu như vậy là không lịch sự, nhưng không thể không nhìn. Tai tôi ù đi và không thể nghe được những câu đùa của Kôbenkơ làm Lida cười.

Sự chăm chú bí mật của tôi nhìn đôi chân Lida biến mất, khi Kôbenkơ bằng sự quan tâm của người chỉ huy nói:

- Đồng chí bị thương ở đâu?

- Bị va vào thùng đạn pháo trên sà lan.

- Có đau không?

- Đỡ rồi.

- Thế thì bắt tay vào công việc. Sau đó sẽ đi vũ hội.

Kôbenkơ đứng dậy cầm chiếc cặp với những giấy tờ bỏ đi, bước sang phòng khác. Tôi cầm lấy tay Lida như trẻ con, muốn nhích sát lại phía cô thậm chí không sợ Kôbenkơ nhìn thấy. Tôi muốn dẫn cô đi theo ông như dẫn một người vợ chưa cưới.

Lida cởi thắt lưng, xắn tay áo varơi và hỏi:

- Liệu có thể bỏ giày ra không? Chân em đau quá. Chỉ muốn đi chân đất. Kôbenkơ nói đùa:

- Xin mời, cởi tất cả những gì đồng chí muốn.

Chúng tôi đã thu xếp xong những cái thùng của mình, nhưng Kôbenkơ chủ tâm không phải đặc tính của ông đặt vào chiếc cặp sàlan những giấy tờ cần thiết. Tôi còn bị ngạc nhiên bởi ông chăm chú nhìn những cái cặp này tôi đã thu thập được từ núi Con Gấu. Tôi muốn đến chỗ Lida giúp đỡ cô, khi Kôbenkơ khóa chiếc thùng của mình bước ra sàn. Lập tức tôi chạy vào phòng, nơi Lida làm việc. Sau khi nhìn thấy tôi cô ấy đứng dậy, sửa lại váy, có vẻ xấu hổ. Cô nhìn tôi âu yếm, nhưng hơi sợ hãi. Trái tim tôi đập mạnh, máu dồn lên mặt, chao đảo màn sương mù màu xanh trước mắt. Tại sao không phải là màu hồng mà là màu xanh? "Tôi sẽ hôn cô ấy, ngay bây giờ - Cái hôn đầu tiên".

Cô ấy hiểu ý định của tôi, chờ đợi. Nhưng có lẽ tôi đứng quá lâu trong sự do dự, do đó tình cảm tự nhiên đã nhường cho tình cảm lý trí.

Cuối cùng tôi bước đến bên cô, cũng trong làn sương mù này, tôi sợ ngay chính tiếng đập của trái tim mình. Lida bỏ cái chổi xuống chìa cho tôi xem lòng bàn tay và nói bình thản.

- Đừng Pavlik. Để sau đã. Anh nhìn đây, tay em bẩn làm sao. Chẳng nhẽ có thể với đôi tay như thế này.

Tay của tôi sạch hơn. Tôi đã rửa chúng khi nào? Sau khi ở sàlan lên. Sự thật chẳng nhẽ hôn nhau với đôi tay thế này. Ý nghĩ đó như một gáo nước lạnh.

Tôi dừng lại. Mạch đập trở nên bình thường.

- Pavlik, em rất sung sướng là anh đã gọi em đến.

"Tôi không gọi mà Đanhilôp gửi đến.

Nhưng cứ mặc cô ấy nghĩ tôi gọi.

Em rất muốn gặp anh. Ôi em sợ làm sao khi anh bơi đến chiếc sàlan này! Chúng nó đã ném bom các anh đúng không? Và anh đã bắn rơi máy bay?

- Bắn rơi.

- Người ta sẽ tặng huân chương cho anh. Còn đối với em phần thưởng lớn nhất được nghe Gơribôp của mình được giải phóng. Anh nghĩ, đã được giải phóng chưa? chúng ta đã chiếm lại được Magilôp rồi và cả Babơruxkơ. Thành phố của em ở giữa Magilôp và Babơruxkơ chỉ có điều dịch lên phía Bắc. Anh có biết không em lo lắng biết nhường nào, những người thân của em đang ở đó, mẹ và các em. Khi còn được ở đây thu dọn, anh cho em một giờ để viết thư cho họ. Ở khẩu đội người ta không cho phép. Em đã viết thư cho mẹ trên sà lan. Em còn muốn viết cho tất cả người thân ở Magilôp và những người dì của mình ở Babơruxkơ. Em cũng định viết cho cả Xô Viết xã. Nếu như từ đó họ trả lời, họ không còn nữa - Cô ấy đưa tay ôm lay ngực -Lúc đó sống thế nào được, Pavlik.

- Bình tĩnh đi Lida. Chúng không thể giết hết họ được. Cũng như người thân của anh ở mạn Đơnhép vẫn còn sống.

- Anh là một người hạnh phúc, Pavlik ạ.

Cánh cửa đóng lại. Chúng tôi im lặng. Lida bối rối, còn tôi lắng nghe bước chân quen thuộc của Kôbenkơ. Nói thế nào với ông ấy. Tôi đã bỏ nhiệm vụ thu lượm giấy tờ để chạy đến với cô gái à? Chẳng nhẽ ông ấy chịu im lặng. Đó không phải là tính cách của ông ấy.

Một giọng nói nghiêm khắc bất ngờ vang lên.

- Thiếu úy, Sienok!

Ông ấy lại muốn đùa cái gì vậy. Tôi bỏ Lida lại chạy về, nói vội vàng.

- Em làm việc đi.

Cánh cửa phòng Lida được đóng chặt lại để cô ấy không nghe được cuộc nói chuyện của chúng tôi. Kôbenkơ nhìn tôi không một chút đùa trong mắt và nói.

- Cậu sẽ mất đầu vì chuyện này.

Tôi không hiểu.

- Tất cả tài liệu để trên bàn. Nếu như không phải tôi mà người khác sẽ vào đây. Dubơrôp vừa đi ngang qua.

- Dubơrôp là người của mình.

- Cậu ngốc làm sao. Những lời dạy bảo của tôi không lọt tai cậu. Người của mình. Có lần tôi nói đừng tin ngay cả người của mình. Nói ngắn gọn: Đừng bớ lấy những con quạ đen, người anh em ạ.

Vào lúc khác tôi không chú ý đến những lời này. Nhưng bây giờ sau một tâm trạng chấn động, hầu như đã tỏ tình với cô gái lại có sự việc này. Tại sao? Vì những chiếc biên bản của đoàn -hay vì những bí mật của tôi. Tôi không thú vị nghĩ rằng Lida đã nghe được lời nói của Kôbenkơ. Có lẽ cô ấy đã nghe thấy.

- Tức giận à - đồ ngốc. Mình lo lắng vì yêu mến cậu. Ông mỉm cười và chỉ cho tôi chiếc bồn rửa mặt màu xanh. Thử đi! Cậu nghĩ xem mình đã lấy ở đâu về? Mình tháo ở nhà Kuzaiev. Những đồ vật thế này phải tự kiếm lấy.

Nếu như lúc khác tôi đã mỉm cười. Từ lâu tôi đã ngạc nhiên vì tính cách con người này. Một sự nghịch ngợm của sinh viên. Trong ông có sự kết hợp giữa cái nghiêm túc và nghịch ngợm, đôi khi xen màu sắc ảm đạm. Ông vừa làm một điều dại dột. Bí thư chi bộ tháo gỡ bồn rửa mặt của sư trưởng, cầu trời để không ai nhìn thấy. Nếu không ông ấy sẽ bị cạo. Turơnhikôp sẽ cho một bài về chính trị.

Dường như Kôbenkơ đọc được ý nghĩ của tôi.

- Đừng sợ - Không phải tự mình tháo đâu. Mình đã yêu cầu một người lính làm. Ai nói mình sẽ bảo. Cái bồn ở đó chẳng ai dùng, còn tôi cần rửa tay.

- Tôi hiểu rồi, đồng chí thượng úy, không kìm được tôi mỉm cười đáp.

- Thôi khóa két sắt của cậu lại. Bây giờ chúng ta tổ chức lại cuộc sống, lo tu sửa lại cái hang của mình.

Tất nhiên Lida nghe được cuộc nói chuyện của chúng tôi. Cô ấy đã lo lắng vì những lời lẽ nghiêm khắc của Kôbenkơ. Sau đó nghe được giọng nói đùa cợt vui vẻ khác. Và khi đó bước ra chỗ chúng tôi vui vẻ mỉm cười. Cô ta giơ tay chào nhưng không phải theo điều lệnh mà theo kiểu phụ nữ Bêlôruxia.

- Cánh đàn ông - Ai muốn ăn nào?

Kôbenkơ mỉm cười - nổi lửa lên đi và hãy thiêu đốt trái tim chàng trai kia đi.

Lúc đó tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Tôi đóng lại tập biên bản họp của mình. Còn Kôbenkơ lục tìm trong balô của mình. Ở đó ông không những có chỉ, kim, kéo mà còn có đinh và một cái búa nhỏ. Ông là con người của công việc.

Ngay lúc đó có một tiếng nổ. Tôi bị đánh vào đầu. Có lẽ tôi bị ngất đi, nhưng sau tỉnh lại rất nhanh. Tôi nằm trên nền nhà gần cửa lớn. Trong ngôi nhà đầy khói và bụi. Khói đang lan tỏa ra ngoài cửa sổ và từ đó tôi nhìn thấy người phụ nữ Hà Lan đang đứng tay cầm một nắm diêm qua lỗ toác của tường nhà. Tôi nghĩ có cái gì đó đã xảy ra và kêu lên.

- Lida.

Tôi định gượng dậy nhưng một làn sóng xô tôi xuống ngã dúi vào chân tường. Một sự sợ hãi bao trùm nhưng tôi không thể làm gì được để giúp Lida, Kôbenkơ ở đâu? Ông trốn ở đâu? Hãy giúp đỡ tôi.

Minh họa: Bửu Chỉ


Và ngay lập tức tôi nhìn thấy Kôbenkơ trong khoảng giữa người phụ nữ Hà Lan và cánh cửa lớn. Tôi cảm giác người bí thư chi bộ đang bước ra từ đám mây mù xa xăm. Không phải, từ làn khói đen. Và trong tay ông có gì vậy? Kôbenkơ đến gần và tôi nhận ra ông đang bế Lida. Ông thầm thì.

- Ôi con gái của tôi, con gái của tôi...

Tôi lấy hết sức đứng dậy gặp họ:

- Lida.

- Pavlik? Anh sống chứ? Còn em bị mù rồi Pavlik ạ.

Trong nỗi sợ hãi câm lặng tôi lùi lại góc phòng, không nhìn thấy cặp mắt của cô ấy mà nhìn thấy điều khác... ngực và bụng cô gái bị thủng.

... Kôbenkơ bế Lida trên tay đến trạm xá.

Trong nhà, nơi tiến hành cuộc phẫu thuật có tiếng thủy tinh vỡ. Tiếng vỡ làm tắt đi niềm hy vọng yếu ớt của tôi. Tôi từ từ đứng dậy. Kuzaiev cũng đứng dậy. Rênhia ngược lại vẫn ngồi, rũ xuống như một cây bạch dương khô. Panhilốp chửi thề một câu không phải bằng tiếng Nga mà bằng tiếng Tsi-gan.

Pakhơrasina ra khỏi nhà đầu tiên. Dừng lại trước người sư trưởng và chỉ nói "Đồng chí thiếu tá..." Giọng nói bị nghẹn lại, môi run lên. Bà ấy quay lại phía tôi và bất ngờ như một người mẹ đưa tay vuốt má tôi. Tay bà tỏa ra mùi gì? đến bây giờ tôi vẫn cảm nhận được hương vị không bình thường, nhưng không thể xác định được. Nó không có trong quân y viện, không có trong bệnh viện, không có trong chiến tranh và sau đó cũng không có. Nhưng đó không phải là mùi vị của cái sống mà là mùi vị của cái chết.

Người ta chôn Lida ở nghĩa địa thành phố.

Bầu trời ảm đạm, mưa dầm dề. Những người phụ nữ khóc và bầu trời cũng khóc. Người ta đứng quanh quan tài thành đội ngũ và đặt nhiều bó hoa.

Tôi giấu những giọt nước mắt của mình dưới tận đáy tim.

Người ta đọc điếu văn và một phút mặc niệm ở nghĩa địa.

Những người bạn gái hôn trán Lida, Kôbenkơ hôn tay cô ấy. Còn tôi, tôi không thể. Sợ chăng? Sợ cái gì? Hay là khóc? nhưng ở đây lại sợ xấu hổ. Chẳng nhẽ mọi người không biết rằng Lida đã yêu tôi? Chúng tôi buộc phải giấu kín mối tình của mình lúc còn sống. Ngốc thật. Và sau cái chết của cô ấy họ sẽ biến mất đi chăng?

Vì quá đau đớn tôi đứng áp trán mình vào vỏ xù xì của cây bạch dương. Ai nhìn thấy tôi lúc đó nghĩ là tôi đang khóc. Nhưng tôi đã không thể khóc được.

VŨ YẾN SƠN dịch
(SH33/10-88)






 

Các bài mới
Những bàn tay (01/11/2024)
Bữa trưa (18/10/2024)
Sushi(1) (18/09/2024)
Con diệc trắng (22/08/2024)
Trở về (07/05/2024)
Các bài đã đăng
Đàn bà đêm (30/12/2014)
Tóc David (15/07/2014)
Phòng tối (01/07/2014)
Người nơi khác (26/05/2014)