Cư dân trên hai đảo này được truyền tụng là rất tốt bụng và rất tuyệt vời. Đến nay họ vẫn còn lưu giữ một tập tục bất hủ về việc trao của hồi môn cho nhà gái khi chàng trai đến cầu hôn. Johnny Lingo sống trên đảo Nurabandi. Anh rất giàu có, rất đẹp trai và có lẽ cũng là nhà doanh nghiệp giỏi nhất trên đảo. Ai ai cũng đều công nhận rằng chàng trai trẻ Johnny này có thể lấy bất kỳ cô gái trẻ đẹp nào ở vùng này. Nhưng Johnny lại chỉ để mắt đến Sarita ở đảo Kiniwata, phải mất nhiều công sức người ta mới nhận ra điều này. Sarita lại chỉ là một cô gái bình thường không có gì đặc sắc. Lúc cô đi, hai vai so lại, đầu cúi xuống. Dầu vậy, Johnny rất yêu Sarita, anh đã hẹn đến gặp cha của Sarita - ông Sam Karoo - để cầu hôn và bàn về chuyện của hồi môn. Lúc bấy giờ của hồi môn được tính bằng những con bò bởi loài vật này đóng vai trò rất quan trọng ở cái đảo nhỏ dọc miền Thái Bình Dương này. Từ xưa đến giờ, chỉ một số ít các cô gái đẹp nhất vùng Nam Thái Bình Dương này mới có của hồi môn là bốn con bò, hiếm ai có được năm con. Johnny Lingo là một thương gia sắc sảo nhất trên đảo Nurabandi còn cha của Sarita lại là người tệ nhất ở trên đảo Kiniwata. Biết vậy, đêm trước ngày lễ trọng đại ấy, Sam Karoo lo lắng triệu tập gia đình lại và vạch ra phương án rằng: ông sẽ đòi Johnny ba con bò nhưng nếu biết chắc Johnny trả một con thì họ sẽ giữ giá hai con không nhượng bộ nữa. Ngày hôm sau, ngay từ lúc bắt đầu buổi gặp mặt ấy, Johnny Lingo nhìn thẳng vào mắt Sam Karoo và nói bình thản “ Cháu xin kính dâng bác tám con bò để hỏi cưới con gái bác Sarita”. Ông Sam lắp bắp mãi mới thốt lên lời đồng ý. Ngay sau đó, lễ cưới được tiến hành long trọng, nhưng không ai có thể hiểu nổi tại sao Johnny lại trả đến tám con bò cho Sarita. Sáu tháng sau, một du khách người Mỹ Pat McGerr, một nhà văn thiên tài đến gặp Johnny Lingo tại căn phòng lộng lẫy của anh ở Nurabandi và hỏi về chuyện tám con bò. Trước đó, nhà văn đã đến đảo Kiniwata và nghe dân làng kháo nhau rằng ông già Sam ngốc nghếch đấy lại lừa được cả chàng Johnny khôn ngoan lấy tám con bò cho cô Sarita tầm thường ấy. Nhưng ở Nurabandi, không ai dám cười Johnny Lingo cả bởi mọi người rất kính nể anh. Lúc nhà văn đến gặp Jonny, đôi mắt chàng tân lang này sáng lên khi hỏi chuyện ông. “Tôi có nghe người ta nói về tôi ở hòn đảo ấy. Vợ tôi đến từ đấy mà” “Vâng, tôi biết”. Nhà văn Mỹ nói. “Thế thì nói cho tôi biết họ nói gì về tôi nào?”. Johnny hỏi. Nhà văn trổ tài ngoại giao đáp: “ Ồ, họ nói ông kết hôn với Sarita vào thời điểm tươi đẹp nhất”. Nhưng Johnny ép nhà văn phải nói thật: “ Họ nói anh trả tám con bò cho vợ anh và họ thắc mắc tại sao anh lại làm vậy”. Ngay lúc đó, người phụ nữ đẹp nhất trong những người mà nhà văn đã từng gặp bước vào đặt bình hoa lên bàn. Dáng người dong dỏng cao, vai vuông vắn cằm thẳng và ánh mắt nồng đượm khi cô nhìn Johnny. “Đây là vợ tôi, Sarita”. Johnny vui vẻ nói. Nhà văn vẫn chưa hết ngỡ ngàng lúc Sarita xin cáo biệt. Johnny bắt đầu lí giải: “Ông có biết người vợ nghĩ thế nào khi biết chồng mình lấy mình với giá thấp nhất không? Và rồi sau đó khi các bà ngồi tụ tập lại khoe khoang về của hồi môn của họ. Người thì nói bốn, kẻ nói ba. Nhưng người có chỉ một con thì sẽ cảm thấy như thế nào đây?”. Johnny nói “ Tôi sẽ không để điều này xảy ra với Sarita của tôi. Tôi muốn Sarita được hạnh phúc nhưng còn hơn thế nữa. Ông nói là nàng trông khác xa với những gì người ta mô tả phải không? Đúng đấy. Có nhiều thứ làm thay đổi người phụ nữ lắm chứ. “Những tác động bên trong lẫn bên ngoài, nhưng điều quan trọng nhất là nàng nghĩ về mình như thế nào. Ở Kiniwata, Sarita nghĩ rằng nàng không đáng giá gì cả nhưng giờ này nàng biết mình đáng giá hơn bất kỳ một phụ nữ nào trên những hòn đảo này”. Johnny ngừng một lúc rồi tiếp: “Ngay từ lúc đầu tôi đã muốn cưới Sarita rồi. Tôi yêu nàng và chỉ yêu nàng mà thôi. Tuy nhiên, tôi cũng muốn có một người vợ đáng giá tám con bò và như ông biết đấy, giấc mơ của tôi đã trở thành hiện thực. NGUYỄN HỮU HỒNG MINH dịch
RON EXUM (nguồn: TCSH số 146 - 04 - 2001) |