Nhự Chí Quyên là nhà văn ngoại sáu mươi, từng có tác phẩm những năm 1950. Truyện ngắn Thỏa nguyện (Như nguyện) của ông ca ngợi tấm lòng thương con của một bà mẹ công nhân, được coi là đặc sắc thời ấy.
Những năm “Cách Mạng Văn Hóa" ông chịu chung số phận với các văn nghệ sĩ dân tộc mình. Sau 1976 ông trở lại viết văn, và ngòi bút càng tinh tế, nhiều ẩn dụ, pha chút huyền thoại. Dưới cái vỏ ngoài lộn xộn là cả một nỗi niềm trắc ẩn: từ nhảy vọt "nhổ lúa mười mẫu cấy vào một để ăn sản lượng" "luyện gang" rồi lại "chiến tranh tự vệ"... "nhân dân Trung Quốc ngơ ngác" trước vô vàn dấu hỏi và dấu than...
***
NHỰ CHÍ QUYÊN
Mở đầu phải nói rõ, đây là câu chuyện đã bị cắt xén sai, nhưng tôi cố làm cho nó có vẻ liền mạch, giúp bạn đọc khỏi cảm thấy khó hiểu.
I. Vỗ đùi hát nghêu ngao, nhưng vẫn không khỏi cô đơn.
Các công xã xung quanh, mỗi đội sản xuất đều làm "ruộng vệ tinh" một vạn hai, một vạn ba ngàn cân thóc một mẫu. Khắp nơi cờ đỏ phấp phới, chiêng trống động trời, tin thắng lợi tới tấp, người tham quan như nước chảy. Bí thư chi bộ công xã Cam Mộc - đồng chí Cam, thấy nhất thiết phải vùng dậy đuổi cho kịp. Ông liền đi gặp lão Hàn, bí thư chi bộ đại đội sản xuất số 1 bàn việc phát động tư tưởng, rốt cục đại đội 1 đã chuẩn bị đâu vào đấy. Đồng chí Cam cho rằng, đã đến nước này, nếu muốn nhảy vọt thì phải cho ra hồn - phải phóng một quả vệ tinh cực đại: mỗi mẫu một vạn sáu ngàn cân thóc! Bỗng chốc, công xã Cam Mộc nhộn nhịp hẳn lên. Ngôi lầu Tùng bách bài được dựng lên, chiêng trống gõ đều, chung quanh ruộng vệ tinh cắm đầy cờ đỏ, bản thảo bài giới thiệu cũng đã được soạn ra. Người đến tham quan ngày một nhiều, nhân viên đón tiếp phải chia ra hai kíp. Thật là lửa bốc trời xanh, rạng rỡ đến mức không thể rạng rỡ hơn được nữa. Công xã Cam Mộc không những nổi tiếng khắp huyện mà tiếng tăm còn lên cả tỉnh cả trung ương. Không rõ tên tuổi những ai được báo cáo lên trên, chỉ biết chẳng bao lâu, đồng chí Cam được đề bạt làm phó bí thư huyện ủy. Mọi người đoán già đoán non, chẳng hiểu có phải ông Cam nổi đình đám từ chuyện này không. Đó chỉ là, đoán mò, không có gì làm bằng cứ.
Ban đầu, cán bộ đại đội 1 cũng như bần nông và trung nông lớp dưới đều thấy thích thú, rộn ràng, nhưng chẳng bao lâu, song song với sản lượng nâng cao, mức thu mua lương thực cũng được nâng cao. Đem nhổ lúa của hơn mười mẫu cấy vào một mẫu để thu hoạch, chẳng phải chuyện đùa, phải có kết quả cụ thể. Thế là xã viên cuống lên. Xã viên cuống lên thì lập tức kinh động đại đội phó đại đội 3, người quản lý vườn lê, tức là lão Thọ. Lão Thọ tên thật là Điền Thọ Bản, nhưng mọi người quen gọi là lão Thọ. Chủ yếu vì lão có cái khuôn mặt dài, lông mày dài, đôi mắt hiền hậu, cái đầu hói, lúc nào cũng có vẻ mặt hòa thuận, chưa hề thấy lão tức giận ai, cũng chưa hề thấy lão cáu kỉnh bao giờ. Lão thật giống bức tượng ông Thọ tinh đặt trong tủ kính các nhà giàu. Thực ra lão chưa già lắm, mới 66 tuổi, nhưng là đảng viên lâu năm, ngày trước, khi vùng này còn là vùng tranh chấp, lão từng làm giao liên. Lão không lợi khẩu, nhưng cứ mở miệng là mọi người thấy vui. Lão cũng chẳng biết như thế là vì đâu, tự thấy mình chăm chỉ thật thà, những điều mình nói ra cũng không phải để đùa tếu. Chẳng có cách gì khác, bây giờ bọn thanh niên đều thế cả, có thể vì chúng nó muốn cười, chỉ mượn lão làm cái cớ đó thôi. Lâu ngày rồi cũng thành thói quen. Còn mọi người thì cảm thấy lão có hơi đần một chút, gọi "lão Thọ" là có cái hàm ý đó. Nhưng mọi người đều vui vẻ gần lão, ngoài những buổi sinh hoạt ra, ít người nghĩ lão là đảng viên kỳ cựu. Còn lão, lão vẫn thường nói nhiều đến tính tổ chức, tính kỷ luật.
Lão Thọ vừa ra khỏi vườn lê thì thấy trên đường làng một dãy xe ngựa cỡ lớn, chất đầy bao lương thực, cắm đầy cờ đỏ. Trên đầu con ngựa kéo xe số một còn kết cả một đóa hoa, trên xe căng một băng khẩu hiệu "Vinh quang thay được giao nộp lương thực sản lượng cao", trên xe còn cả bộ chiêng trống mới toanh. Tất cả đều đủ, chỉ thiếu người đánh xe, gọi ai cũng khoát tay không nhận. Xem ra mặt trời đã cao đến hai cây sào rồi, đoàn tham quan chỉ chốc lát là đến, thế mà ở đây điều động không nổi nhân lực. Bí thư chi bộ là lão Hàn sốt ruột lắm. Nhác thấy lão Thọ đi tới, lão Hàn mừng như được vàng, lập tức nhét cái roi ngựa vào tay lão Thọ nói:
- Nhanh nhanh, lên đem lương thực nộp ngay cho trạm thu mua, chúng ta bị muộn rồi đó, đồng chí Cung bí thư huyện ủy không bằng lòng đâu.
Đang nói thì đoàn tham quan đã vào thôn, lão Hàn liền quay lại, mặt cười tươi bước đến đón. Vào lúc ấy, nếu lão Thọ ra roi, rồi đoàn xe rùng rùng chuyển bánh ra khỏi thôn thì thật oai hùng biết bao! Nhưng lão Thọ lại cứ kẹp chặt cái roi dài, một tay kéo áo lão Hàn, rồi lại cong ngón tay cái và ngón trỏ ra hiệu làm một chữ bát trước ngực.
- Cần tám người à? Mười người cũng được, anh cứ điều động, công điểm như cũ.
Lão Hàn nói xong thì lập tức tiến ra bắt tay các đồng chí đến tham quan, rồi như lệ cũ, trước hết dẫn họ đi tham quan ruộng thí nghiệm do đại đội sản xuất phối hợp với công xã tổ chức. Sau đó thì mời đoàn tham quan vào gian lớn của từ đường ngồi uống nước chè nóng, rồi có người đưa đến khăn tay nhúng nước giếng để lau mặt, vừa uống nước vừa giới thiệu kinh nghiệm.
Hôm ấy, trong đoàn tham quan có một anh chàng có vẻ là kỹ thuật viên nông nghiệp, chắc học hành nghiêm chỉnh lắm, anh ta hỏi rất cặn kẽ. Anh ta ngắt một bông lúa, đếm số hạt, rồi bọc lại đem về cân, rồi lại xem xem mỗi cây lúa nở bao nhánh, còn hỏi cả khoảng cách cấy mạ, khoảng cách các luống mạ. Đội trưởng đại đội sản xuất bị hỏi dồn dập, mồ hôi toát ra ướt cả áo may ô, thế mà cái đồng chí tham quan ấy vẫn cứ hỏi một cách kinh ngạc, rằng "Lúa mọc dày như thế, giải quyết vấn đề thông gió ra sao?"
- Hầy!... dùng sào...
Lão Hàn đang ấp úng thì không ngờ phía sau có người nói vậy.
- Dùng quạt gió mà quạt! Chẳng phải ở thành phố cũng có quạt gió chạy điện là gì? Cứ quay vào lúa mà quạt.
Thì ra lão Thọ vẫn kẹp cái roi đứng đó, chưa đi. Các xã viên đi theo người tham quan suýt nữa thì bật cười. Lão Hàn không bận tâm việc ấy, mà sốt ruột vì đoàn xe chở lương thực, lão ta quay lại dướn mày hất hàm với lão Thọ, ý nói phải đi nhanh lên. Tất nhiên lão Thọ hiểu ý, chính lão cũng sốt ruột, nhân dịp đồng chí bí thư nhìn đến, lão lại vội vàng ra hiệu con số 8. Nhưng không hiểu lão Hàn có nhìn thấy không, chỉ thấy lão quay mặt đi, bởi vì một người tham quan đang hỏi rất gấp.
- Ở đây các đồng chí có điện không?
- Không có. Ờ...ờ... Mà chúng tôi dùng máy nổ, máy nổ của máy kéo...
Lão Hàn đã lấp được chỗ hở, rồi lão nổi xung lên nói vào tai một xã viên đứng cạnh:
"Bảo lão Thọ đánh xe đi đi!"
Vất vả dẫn cả đoàn tham quan đi một vòng ruộng thí nghiệm, bây giờ họ đều ngồi trong gian lớn từ đường nghe giới thiệu kinh nghiệm. Cái này thì có sẵn bài viết, lão Hàn nói rất tự nhiên, nói đến khí thế của xã viên đối với ruộng cao sản, lão xuất khẩu thành thơ: "Một năm bốn vụ lúa đầy đồng, đời sống từ nay cứ thế nâng, vỗ đùi rùng vế nghêu ngao hát, chủ nghĩa cộng sản sẽ xây xong". Có điều lão cứ nói thao thao bất tuyệt, nhưng hình như cảm thấy bên ngoài cửa sổ có cái gì đó đang động đậy, ngẩng đầu nhìn, thì ra lão Thọ vẫn kẹp roi đứng đó, mắt đăm đăm nhìn lão Hàn. Vừa thấy lão Hàn nhìn mình, lão Thọ lại giơ hai ngón tay ra, quẹo thành con số 8. Sốt ruột thật, lão Hàn chẳng có cách gì khả thủ, chỉ biết xin mọi người nghỉ giải lao một chút, rồi bước ra ngoài, kéo lão Thọ ra sau cây hòe ở giữa sân, ghé sát tai nói:
- Sao vậy! Ông nỡm hôm nay mắc cái bệnh số tám chắc!
- Ôi dào, tôi chẳng có bệnh tật gì đâu, ăn ngon, uống tốt, vì thế mới lo đó. Ông Hàn này, dân họ bảo bốn cái xe lương thực đó không đi được đâu. Nếu đưa đi thì khẩu phần mỗi ngày chỉ còn tám lạng đó!
Lão Thọ lại quẹo hai ngón tay thành số 8.
Lão Hàn thở dài đánh thược một cái, kéo vạt áo lên lau mồ hôi trán, rồi nói:
- Chẳng còn cách gì khác, cấp trên căn cứ vào sản lượng mà trưng mua. Bí thư huyện ủy bảo là nhất định phải đưa lên.
- Anh cứ nói với đồng chí Cam xem, ông ấy cũng biết đó là sản lượng giả mà lại!
- Nói rồi, vẫn bắt nộp! - Lão Hàn xem bộ không còn nhẫn nại nữa.
- Thế thì... chúng mình cứ chịu khó chờ một tý, lên nói lại lần nữa, được không?
Lão Thọ tỏ vẻ nhẫn nhục, cười nhăn nhó, đôi mắt méo xệch, rồi nói:
- Trên vai chúng mình gánh mấy trăm miệng ăn, cứ tám lạng mãi thì sống sao nổi!
Lão Hàn nhíu lông mày lại, không nói năng gì, chỉ lắc đầu. Ở vùng này, lão Thọ không cần nể mặt ai, lão vẫn thường vỗ vỗ vào ngực đồng chí bí thư, rồi quẹo ngón tay thành chữ 8, và nói: "Con số này không được đâu. Đồng chí Cam bí thư huyện ủy không thể không tính đến miệng ăn của mấy trăm con người..."
- Ông Thọ ơi! Ông đừng xoay lưng với thời cuộc. Bảo chúng mình nộp thì chúng mình nộp, nói ra phỏng có được gì? Lão Hàn đầy một bụng bực tức, phát ra với lão Thọ. Lão Thọ thì lại chẳng cảm thấy như thế là thiếu tôn trọng mình, lão vẫn cười cười, nói:
- Cấp dưới phục tùng cấp trên, tôi biết. Có điều, vẫn cứ nên nói rõ cái khó của chúng mình.
Lão Hàn xem chừng không còn kiên nhẫn được nữa:
- Ông đi mà nói, tôi không có thì giờ.
Nói rồi quay đầu bước đi. Còn lại một mình lão Thọ đứng đó. Lão từ từ vuốt râu, lẩm bẩm: "chẳng có cách gì, bảo mình đi nói, thì ta cứ nói! Có điều, xe vẫn phải đánh đi, ý kiến trả ý kiến, phục tùng trả phục tùng. Nếu ông Cam đồng ý thì ta đánh xe lương thực về, bánh bao không thể thiếu trong lò". Lão Thọ đã dứt khoát, liền gọi thêm ba ông lão giúp đánh xe, một mạch lên công xã. Nhưng các đồng chí ở công xã nói, bây giờ đồng chí Cam là phó bí thư huyện ủy kiêm bí thư đảng bộ công xã. Hôm nay đang có lãnh đạo trên tỉnh xuống công tác, ông ta đi tiếp đón và báo cáo rồi.
- Chẳng có cách gì, thật oan uổng cho mấy con ngựa không biết kêu la, bắt chạy một vòng vô tích sự. Lão Thọ vẫn chưa nguôi giận, ngược lại có vẻ hứng khởi, cởi phăng áo khoác, chỉ mặc độc áo mayô vải thô, nhảy lên xe chuẩn bị đi tiếp. Khi đó, ba ông lão cùng đi liền tìm cách ngăn lại, nói:
- Ông Thọ ơi, đánh xe về thôi, lên tận huyện biết cửa nào mà vào?
- Nầy, các ông sai rồi. Lão Thọ nháy mắt dướn mày, vui vẻ nói, - chúng mình tìm cái chính phủ bát lộ quân của huyện chúng mình, đến đó vừa đúng đường vừa đúng cửa (1).
- Ông Cam bí thư đang tiếp lãnh đạo tỉnh, chúng mình đến đó rồi ngồi đâu đứng đâu?
- Hầy, cái đó các ông không hiểu được. Lãnh đạo tỉnh đâu phải là khách. Xuống huyện là đi công tác. Mà công tác là vì dân chúng mình đó thôi: Biết đâu lại chẳng lập tức giải quyết tại chỗ, cho chúng mình đánh xe lương thực trở về. Được thế thì lão Hàn ở nhà mới mở mắt ra, mới hiểu được mấy ông lão "quay lưng với thời cuộc" làm ăn có bài bản.
Nói rồi lão Thọ nhảy phóc lên xe, quật roi đánh đét, nhắm thẳng ủy Ban huyện tiến lên.
Suy tính của lão Thọ không phải sai cả, cũng không phải đúng cả. Họ không vào được nhà lớn của huyện ủy mà phải giao lương thực ở trạm thu mua. Bọn họ ngồi chờ ở phòng tiếp khách bên cạnh phòng bảo vệ những hai tiếng đồng hồ. Rốt cục cũng gặp được đồng chí Cam bí thư huyện ủy - Vừa gặp là ông ta nghiêm giọng, nhưng cũng rất tình cảm:
- Chẳng phải tôi vừa thấy mặt đã phê bình đâu. Nhưng tầm mắt các đồng chí hạn hẹp lắm, suốt ngày chỉ nhìn thấy có thóc gạo. Bây giờ là lúc "một ngày bằng hai mươi năm"(2) Phải chạy bộ lên chủ nghĩa cộng sản. Một bước trù trừ là lạc hậu ngay. Các đồng chí là đảng viên kỳ cựu phải nghe lời đảng. Cứ nghĩ lại xem, hồi chiến tranh, chúng mình chỉ có bảy lạng tám lạng(3), phải thế không nào?
Cả một buổi chỉ có đồng chí Cam nói, mấy ông già cúi đầu nghe, trên đường đánh mấy chiếc xe không trở về cũng im lặng. Lão Thọ đút cái roi vào càng xe, mặc kệ con ngựa muốn kéo đi đâu thì kéo, còn lão thì nằm lim dim, ruột đói cồn cào. Những điều đồng chí bí thư huyện ủy nói đều đúng. Ngày trước quả thật không bao giờ so đo bảy lạng tám lạng. Vì một ngày mai tươi sáng, đói khổ cũng chẳng kêu ca. Thế mà bây giờ nhìn lại, cái ngày sáng sủa ấy vẫn còn nằm trong tương lai... Tương lai... Chẳng biết đến bao giờ? Điều đó bí thư huyện ủy không nói. Nếu cứ như lời ông ta trước đây thì chắc mọi người không đến nỗi chỉ ăn có tám lạng... Hầy! ai mà biết được! Cũng may mình là người "quay lưng với thời cuộc", luôn luôn lạc hậu. Lão Thọ không làm sao hiểu cho rõ được. Chiếc xe lắc la lắc lư, lão cứ mê mê hoặc hoặc.
II. Lão Cam không nhất thiết là bí thư, cũng không nhất thiết là không phải bí thư, nhưng lão Thọ thì vẫn là lão Thọ.
Vừa bước vào mùa đông năm 1947, người nghèo đã bị đe dọa, rét đông cứng cả lưỡi. Ở đây đang vùng địch tranh chấp cải cách ruộng đất chưa bắt đầu được. Lão Thọ vẫn quấn cái áo bông rách, ngang lưng buộc sợi dây thừng, gánh một gánh phân, đi vòng vo quanh thôn. Giờ đây trời đã tối mịt, lão về nhà. Vừa vào khỏi cửa lão liền nói với vợ: "Có cái gì ăn không, bụng tôi đóng băng cả rồi đây". Nói xong là quẳng gánh phân xuống, - ngồi xổm trước bếp lò, phủi tuyết, sưởi đôi tay đang run cầm cập.
Vợ lão Thọ là một người đàn bà cứng cỏi, khổ mấy cũng chịu được, mệt nhọc mấy cũng cắn răng, chẳng qua chỉ càu nhàu đôi ba câu. Như lão Thọ thường nói, "đó là người hiền đức, hơi nhiều lời, nhưng đều có lý cả".
Bà vợ thấy chồng rét cóng thì thương lắm:
- Cả một ngày không ăn gì à?
- Ăn ở đâu cơ?
- Lão Thọ đưa bàn tay đã sưởi ấm vuốt mặt. Bà vợ vội vàng mở nắp vung ra, một bát lá cà rốt trộn với bột ngô đang chưng trong nồi nước sôi, lại đặc biệt ưu tiên, lấy cái giỏ bánh xuống, cắt cho một miếng bánh cao lương. Tay đưa bánh miệng hỏi nhỏ: "Có tình hình gì à?."
- Hoàn hương đoàn kéo cả về một tiểu đoàn thổ phỉ, còn mang theo hai cây đại đao, đã về đến thị trấn rồi(4).
- Thế thì phải báo ngay cho đại đội du kích huyện.
- Tôi cũng chẳng phải thằng ngu, tin đó là từ lão Cam truyền xuống.
Lão Thọ dướn lông mày một cái, bưng bát lên. Nhưng rồi lại không ăn, bỏ bát xuống. Lão kéo từ trong ngực ra bốn cái ruột tượng đựng gạo, mắt nhìn xuống đất, nói:
- Đại đội du kích của lão Cam quyết định ngay đêm nay luồn sâu vào sau lưng địch, tránh mũi nhọn tấn công, rồi sẽ đánh quặt lại. Họ đến vùng mới chắc là khó kiếm cái ăn...
Bà vợ vừa nhìn quang cảnh ấy là hiểu ngay, không đợi chồng nói hết câu, bà lập tức mở hòm gỗ, lấy ra một bao bột mì đưa cho chồng nói:
- Chỉ còn từng này bột cao lương để dành, mùa đông lạnh giá ta không ăn cũng được, nhưng bọn trẻ con thì sao đây? Ông xem làm sao được thì làm.
- Khó khăn đấy, thật khó khăn - Lão Thọ mắt vẫn nhìn xuống đất, nói tiếp: Nhưng mà tôi là người của Đảng. Vả lại, chúng mình có rét, có đói thì vẫn ở trong nhà, còn có thể sưởi, còn có rau ăn. Bọn lão Cam thì đi xa thế, chưa biết rồi ngủ ở đâu, ăn ở đâu! Thì cũng chẳng qua vì chúng mình cả thôi...
- Ái dà, ông đừng nói nữa, tôi vừa nói một câu thì ông lại tuôn ra cả tràng, ai chẳng biết cách mạng là vì dân nghèo chúng mình.
- Đúng rồi, bà là người hiểu biết, chỉ trách tôi lắm lời. Nói thật, một chút xíu lương thực thế này chưa đủ cho anh em ăn một bữa, nhưng là tấm lòng, để đề phòng khi nguy cấp. Chốc nữa lão Cam đi qua đây, tôi sẽ bảo ông ấy mang đi. Lão Thọ cứ tự dằn vặt như thế, rồi vừa nói vừa cùng bà vợ cho cao lương vào túi lương khô. Rốt cục bao cao lương đã rỗng không, mà bốn cái ruột tượng đựng lương khô chỉ vừa đủ ba cái.
Cũng được! mỗi cái ruột tượng đựng ba cân, bốn cái mười hai cân. - Lão Thọ vừa bóp cái ruột tượng rỗng, vừa dậm dậm chân rồi quay lại, mắt vẫn nhìn xuống đất, nói:
- Hôm qua tôi nhớ là nhà còn những mười lăm cân cao lương cơ mà?.
- Thế hai hôm nay không ăn à? Tôi lại vừa nướng bánh hôm nay.
- Bánh à! cũng được! Đem bánh thái nhỏ ra, nhét vào ruột tượng cũng được. Lão nói mà không dám ngẩng đầu lên. Lão với con dao thái luôn miếng bánh bà vợ ưu tiên cho lão. Thế là bà vợ chẳng có cách gì khác, lấy cả giỏ bánh xuống cho lão. Lão thái hết chỗ bánh, cho vào ruột tượng. Xong đâu đấy mới bưng bát cháo lên, nhìn qua rồi lại ngồi xuống bên bếp lò. Lão giơ tay vuốt mồm một cái rồi nói: "Thôi, để dành cho Thiệt Toàn".
- Ông cứ ăn đi.
Bà vợ đã rân rấn nước mắt, rồi cầm lòng không đậu.
- Đừng khóc, đợi đến sau ngày giải phóng, đến lúc ấy... Ái dà, đến chủ nghĩa cộng sản lại càng đẹp biết mấy, cái ăn ngon, thức uống cay, tha hồ mà chọn. Lão Thọ thổi tắt đèn, nhưng vẫn ngồi như thế trước lò bếp. Lão vừa nghĩ đến tương lai vừa chờ tiếng gõ cửa của lão Cam.
Bỗng trong thôn có tiếng chó sủa, lão Cam đã đến. Trong bóng tối, lão Thọ sờ soạng trao cho lão Cam bốn cái ruột tượng lương khô, khổ tâm nhất là lão không thể nói rõ rằng trong bốn túi có một túi là bánh thái vụn.
"Đồng chí Thọ à, cứ yên tâm, ở đâu có đồng bào thì chúng tôi không bị đói đâu. Túi bánh này của anh, chúng tôi giữ để phòng khi khẩn cấp". Nói rồi lão Cam bắt tay lão Thọ thật chặt, vội vã ra đi.
Lão Thọ nhìn theo thấy đi đã xa, liền vào nhà đóng cửa. Vừa sờ đến then cửa thì phát hiện ra hai ruột tượng lương khô treo ở đó, thì ra lão Cam chỉ lấy một nửa thôi. Người đi đánh giặc gửi lại lương khô cho người ở nhà. Trong bóng tối, lão Thọ im lặng lau hai giòng nước mắt nóng hổi, rồi đóng cửa lại.
III. Cũng chẳng rõ lão Thọ xoay lưng với thời cuộc hay thời cuộc xoay lưng với lão Thọ
Lão Thọ lặng lẽ lấy mu bàn tay dụi đôi mắt ngấn lệ rồi lặng lẽ đánh xe về thôn. Ba ông lão cùng đi đã xuống xe từ đầu thôn, ai về nhà nấy. Một mình lão Thọ cởi giây cho ngựa, dắt về nhà cỏ. Có anh chàng láu cá theo sát gót lão, hỏi:
- Ông Thọ lên huyện ủy về đấy à?
- Đồng chí bí thư mời hút Mẫu đơn đỏ chứ?
- Cút đi! Lão Thọ sẳng giọng.
- Ờ... ờ thế là ông sai rồi! Anh chàng láu cá nhại giọng lão Thọ, nào là đồng chí bí thư nói những gì, cho những chỉ thị gì?...
- Phải! - Lão Thọ buộc ngựa vào tàu, quay đầu lại, dướn mày, giọng rung run: Đồng chí bí thư mời tao hút thuốc sợi vàng, uống chè xanh, còn bắt tay tao, bảo tao cứ yên tâm, có đảng, dân không sợ đói. Thế được chưa? Đủ rồi chứ? - Nói xong, lão quay ngoắt và đi thẳng.
Vườn lê quả đã bằng trứng gà. Lão Thọ liền vác sạp ra vườn, chui vào lều ở. Nói là canh lê, nhưng sự thực lão cũng không hiểu nguyên do vì sao, lão chỉ muốn được yên tĩnh, thứ nữa cũng muốn chăm lê. Khi quả lê bắt đầu ngọt, rất dễ có sâu, có một loại sâu nhỏ, cắn vỏ rồi chui vào trong, thế là quả lê thối. Mùa lê năm nay được mùa, mọi người trông chờ vào đó, nào lương thực qua đông, nào áo tết, tất cả đều mọc ra từ cây lê cả. Thế là lão Thọ cũng học lấy cách bảo dưỡng hoa quả của người khác, lão lên trường tiểu học xin về một số sách vở cũ, bọc kín các quả lê bé tí. Những quả lê địa phương được bọc cẩn thận cũng nõn nà quí giá lên. Cái vườn lê này xưa nay chưa hề có cảnh tượng ấy. Xã viên đi qua vườn lê đều ngẩng lên nhìn, vui vẻ nói với lão Thọ:
- Ông Thọ à, ông không khua chiêng gõ trống, một mình cũng nhảy vọt được đấy!
Lão Thọ đáp:
- Nhảy vọt với nhảy đại, tôi không thạo, tôi chỉ mong sao sâu đừng có gặm quả lê.
Ban ngày lão trèo lên tụt xuống bọc những quả lê bé tí. Tối đến ngồi trước lều nhìn trời sao. Có lúc, chỗ nọ chỗ kia sáng lên ánh đèn khí: có người đang đốt đèn làm ruộng. Lão Thọ một mình hút thuốc suông, những lúc ấy mới thấy mình có điều lo, có nỗi buồn, cũng không hiểu vì đâu còn cả nỗi thương tâm. Lão không nói ra được, nhưng cứ cảm thấy cách mạng bây giờ không giống ngày trước, không phải dao thật, súng thật, tình cảm của cán bộ và quần chúng cũng không phải thật như trước. Bây giờ hình như có xen cái dởm, cách mạng có cái gì như đóng kịch, sản lượng một mẫu một vạn hai, một vạn tư, đại đội sản xuất của lão lại đưa lên một vạn sáu. Vì sao lại đóng kịch? Đóng kịch cho ai xem đây? Nói ra thật hổ thẹn, người trồng lúa trong bụng biết cả, nhưng lại giả vờ như có thật rồi lùa nhau báo cáo lên trên. Xem ra đóng kịch là để cho cấp trên xem, vậy thì cách mạng kiểu này là vì ai đây?
"Ôi, thật điên đảo, lật nhào hết cả..." Lão Thọ bóp mạnh ống điếu đã tắt từ bao giờ, lẩm bẩm một mình. Chẳng phải thế sao, làm công tác không phải thật tâm vì quần chúng, ngược lại bắt quần chúng đổ bao công sức đóng kịch cho lãnh đạo vui, cho lãnh đạo vừa ý. Còn quần chúng thích hay không thích, chẳng ai quản. Nghĩ đến đây, lão thấy sợ hãi, chân tay lạnh toát. Không thể thế được, thế chẳng phải là mình có suy nghĩ chống lãnh đạo sao? Đồng chí Cam, chẳng phải đã khuyên mình phải nghe lời đảng đó sao, lẽ nào mình đã sinh nhị tâm với đảng?
"Chém đầu ta cũng không sinh nhị tâm" - lão Thọ bỗng đứng dậy, lập tức rời khỏi lều, lập tức đi vào vườn lê, lập tức tìm đến nhà lão Hàn bí thư chi bộ. Lão muốn báo cáo hết với đảng những suy tư của mình, báo cáo hết, có sao nói vậy, nói hết rằng mình không bao giờ sinh nhị tâm với đảng.
Lão Thọ vừa đẩy cửa phòng khách nhà lão Hàn thì sững ra, chân trong chân ngoài, thì ra đồng chí Cam, bí thư huyện ủy đem theo cả thư ký riêng, đang ngồi trong đó. Vừa thấy lão Thọ, đồng chí Cam liền cười, nói:
- Hầy, anh đến thật đúng lúc, lần trước anh có đề xuất với lãnh đạo mấy ý kiến...
- Ờ, ờ... tôi, tôi... Lão Thọ giận mình sao không mọc thêm được mấy cái lưỡi để thổ lộ hết can tràng. Có điều, càng sốt ruột thì lưỡi càng líu lại, mặt đỏ bừng, miệng lắp bắp, tim đập thình thình, hậm hẹ mãi mới phát ra một câu: "Tôi... tôi đến là để nói điều đó..."
- Không cần nói nữa. Lần trước, ý kiến anh rất tốt. Bây giờ tôi xuống đợi các anh đây. Cần phải phát động phong trào toàn đảng làm lương thực, phải giải quyết đến nơi đến chốn vấn đề lương thực, nơi nào trồng được thì phải trồng lương thực. Lương thực là vàng ngọc, phải lấy lương thực làm cương lĩnh, anh thấy có phải vậy không nào?".
- Phải, phải - Lão Thọ vừa nói vừa nhìn về phía lão Hàn. Lão Hàn cúi đầu hút điếu, không tỏ thái độ.
- Tốt lắm đồng chí bí thư huyện ủy quả quyết nói; - Anh là đảng viên kỳ cựu, trước khi vào việc chúng tôi bàn bạc với anh, thế là đảng rất quý trọng anh. Giờ đây tình thế phát triển nhanh như vũ bão, cố gắng đừng để phạm sai lầm, phải tiến lên. Nói đến đây đồng chí Cam nhìn lão Hàn một cái. Lão Hàn vẫn cúi đầu hút thuốc, không nói năng chi. Lão Thọ nghe không hiểu hết ý đồng chí bí thư huyện ủy, trong lòng thắc thỏm, hay là che một mẫu một vạn sáu ngàn tấn chưa đủ sao? Đang nghĩ ngợi thì đồng chí Cam lại nói tiếp, có điều không phải nói với lão Thọ: Tôi nghĩ cần viết ngay một thông báo ngắn, tranh thủ ba ngày ba đêm làm thay đổi hẳn bộ mặt, cần phải có tác phong làm việc "chớp giật gió lên", việc hôm nay không để ngày mai. Đồng chí Hàn, có phải thế không nào?
- Vâng! Lão Hàn đáp lại, giọng nói nghe như tiếng rên của người đang ốm nặng.
- Hay lắm! đồng chí Cam quay lại phía thư ký. Vậy thì anh thảo thông báo ngay đi. Rồi quay về phía lão Hàn:
- Còn anh, cũng đừng ngồi lì ở nhà nữa, phải đi phát động xã viên viết quyết tâm thư, phải dấy lên khí thế. Còn anh Thọ, anh đang giữ vườn lê, cũng cần phải bày tỏ quyết tâm đi.
- Tôi... tôi đã hạ quyết tâm từ lâu rồi, quyết tâm không bao giờ sinh nhị tâm với đảng.
Thế là rốt cục, lão Thọ đã nắm được cơ hội, nói ra mấy câu quan trọng vẫn canh cánh trong lòng.
- Hay lắm! Đồng chí Cam nghe xong liền đứng dạy, nắm lấy tay lão Thọ, bắt thật chặt, nói: - Vậy thì anh bắt đầu đi, anh viết rồi dán lên, tôi sẽ cho ghi vào thông báo.
Lão Thọ vừa bất ngờ vừa xúc động, lại có chút mơ hồ, bèn nói;
- Viết những gì? bao giờ viết?
Lão Hàn ngước mắt nhìn lên, trông thấy lão Thọ đang nhíu lông mày lại, ngơ ngác ngờ nghệch, liền đứng lên, nói:
- Ta đi đi, rồi tới bảo cho anh biết bao giờ viết. Nói rồi liền cùng lão Thọ đi ra cửa, ngang qua sân, đi thẳng ra con đường làng. Lão Hàn vẫn im lặng, lão Thọ hồi hộp quá, bèn nói:
- Rốt cục là việc gì vậy? anh nói cho tôi nghe đi!
- Anh nghe đây, anh Thọ này, lão Hàn ngó bộ rất khó nhọc, hổn hển: Lãnh đạo đã quyết định chặt trụi vườn lê, lấy đất trồng lúa mạch.
- Sao? Lão Thọ giật mình thụt chân lại.
- Tối nay lao động tiến hành ngay. Chả phải ông Cam đã nói là hạn cho ba ngày ba đêm đó sao? - Phải chặt cây, làm đất, gieo hạt, phải thay đổi bộ mặt, mà những việc ấy phải đưa lên báo cả.
- Hỏng! Làm thế là hỏng hết! - Hai chân lão Thọ bỗng mềm nhũn ra, lão ngồi bệt xuống đất. Lão giận không thể lăn mấy vòng, có điều cũng không còn đủ sức để mà lăn nữa.
- Anh nói những gì thế?. Lão Hàn kéo lão Thọ đứng lên, nói: Đừng quên anh là đảng viên.
-... Bà con... bà con đều trông mong vào mùa lê năm nay.
Nói đến đây trong tim lão Thọ như bị một nhát dao, lão đấm ngực dậm chân gào thét. Lão Hàn trông thấy thế, gắt lên: Anh điên rồi sao? Anh,..
Chưa nói hết câu thì lão Thọ bỗng im bặt, không còn gào khóc nữa, rồi ghé sát mặt lão Hàn, nói: - Anh đặt tay vào tim rồi nói cho tôi một câu xem, làm như thế có đúng không?... Anh nói đi! Làm như vậy chúng mình phải đạo với ai nào? phải đạo với đảng ư? phải đạo với xã viên già trẻ à? Anh nói đi?... Sao anh không nói?... Anh thiếu tấm lòng! Anh lạc loài! Tôi sẽ lên nói lại với ông Cam đây!
Nói rồi liền quay người định đi. Lão Hàn kéo lại, bảo:
- Anh làm thế là thế nào? Việc này trên có chỉ thị cơ mà!
- Chỉ thị trên cũng phải nghe ngóng bà con chứ! - Lão Thọ không hiểu do đâu mà hăng hái đến thế, hất tay lão Hàn ra, quay đầu nhằm thẳng chỗ ở của bí thư huyện ủy bước tới.
IV- Đất ơi! Mẹ của ta!! - Đó không phải là do nhà thơ bịa ra.
Lão Thọ đi vào nhà rồi lại đi ra; đi ra rồi lại trở vào, lão không sao ngủ được! Cứ đi ra đi vào như vậy đến lần thứ tám thì sao trên trời đã nhạt, gà gáy lần thứ nhất.
Lão đứng dưới gốc táo trước nhà, lắng nghe tiếng súng máy rộ lên như rang đỗ, trọng pháo cũng ùng oàng hàng tràng dài, trên trời pháo sáng kéo từng vệt. Đồng bằng Hoài Hải dài nghìn dặm đang tập kết cả triệu quân, dồn kẻ địch lại từng cục. Tin thắng trận tới tấp bay về; Ôi! Chiến dịch lớn như thế này một đời cũng mấy khi được gặp. Đoàn xe chở lương thực nối tiếp vô cùng tận như nước chảy đổ ra tiền tuyến. Nhân dân từ khắp nơi dọc ngang ngàn dặm đều góp công góp sức cho chiến dịch. Còn chúng mình thì sao?... Lão Thọ nghĩ đến đây thì trong lòng như lửa đốt, cái áo bông ba lớp mới may nóng bỏng lên, ngực và lưng đều toát mồ hôi.
Gà gáy lần thứ hai thì lão Cam - phó chủ tịch khu đến. Lão bước vào nhà mà lão Thọ nhận không ra. Mới chỉ mấy ngày không gặp nhau mà lão gầy tọp đi, mắt trũng sâu, má hóp lại, râu ria mọc chơm chởm, môi nứt nẻ, đường máu hằn đen - Vừa bước vào cửa là dựa lưng vào bếp lò, ngồi bệt xuống đệm cỏ, nói:
- Ông Thọ à, ông giúp tôi thông báo cho toàn thể đảng viên đoàn viên và các phần tử tích cực đến họp ngay. Còn nữa... mà ông có nước nóng không, cho tôi một bát.
- Có, có! Lão Thọ gật đầu liền liền rồi bước ra cửa, vươn tay rút nắm rạ đầu chái nhà đem vào, cho ngay vào lò, đốt lửa lên. Lão đổ nước vào chảo, đập cả bốn quả trứng gà.
Vội vàng, lão vừa quấy cháo vừa nói: "Đồng chí Cam ơi, gặp chuyện khó khăn gì vậy, đồng chí nói cho tôi hay".
- Khó khăn gì đâu, vấn đề củi đốt thôi. Đồng chí Thọ này quân giải phóng mở chiến dịch to lắm, lương thực đã có người lo, chỉ còn vấn đề củi đốt, chúng mình không lo nổi thì còn ra thể thống gì? - Lão Cam vừa nói vừa giơ tay vuốt mặt... miếu thờ thần đã dỡ rồi, mấy cái nhà nát trước cải cách ruộng đất cũng đã dỡ hết rồi, còn gì đâu? Phải không nào?
Đúng thế thật, còn có gì đâu? Về phía lão Thọ thì sau ngày vợ mất, cả cái tủ yêu quý của bà ấy cũng đã chi viện tiền tuyến rồi.
- Đừng cuống lên, chúng mình bàn bạc xem. Lão Thọ bưng đến cho lão Cam cả một bát cháo trứng gà nóng dẫy, đặt lên cái bàn thấp, rồi vội vã chạy đi thông báo mời họp.
Chờ cho lão Hàn và các đảng viên đoàn viên cùng với phần tử tích cực, tất cả hơn mười người đã vào hết trong nhà, lão Thọ mới để ý thấy lão Cam đang tựa lưng vào bếp lò, hai tay đặt trên bao súng ngắn, đầu ngoẹo sang vai, đang ngủ ngon lành, bát cháo trứng để trên bàn đã nguội lạnh tự bao giờ.
Mọi người bước nhẹ, lặng lẽ ngồi xuống quanh người đang ngủ. Họ đang họp một cuộc họp cấm, nội dung rất rõ ràng: vấn đề củi đốt. Ai nấy nhìn nhau, không mở miệng, nhưng ai cũng như được động viên khẩn cấp: vấn đề củi đốt!
Cuối cùng, mọi người chăm chú nhìn khuôn mặt đang ngủ mê mệt của đồng chí Cam đưa mắt cho nhau, rồi gật đầu một cách kiên quyết và tan họp ra về.
Lão Thọ đưa mọi người ra cửa, rồi không trở vào nhà nữa. Lão đứng ngây người dưới gốc táo trước nhà. Cây táo không to, nhưng quả nhỏ mà ngọt, thật quí hóa. Hồi cải cách ruộng đất, bà vợ không hứng thú lắm với ba gian nhà cỏ được chia, nhưng lại thích thú ra mặt với bảy cây táo trước nhà, mấy đêm liền mừng không ngủ được. Thu hoạch năm đầu, bà chỉ cho thằng Thiếu Toàn đang chuẩn bị lên đường nhập ngũ mấy quả, còn bao nhiêu đều tặng bộ đội giải phóng quân tất.
- Mẹ thằng Thiếu Toàn này, thế mà cô nghĩ đúng đó - lão Thọ lẩm nhẩm trong bụng, "đúng thế, cô đã sớm nghĩ đến việc ủy lạo giải phóng quân".
Gà gáy lần thứ ba, mặt trời ló dạng, lão Thọ cởi phăng áo bông, vung rìu lên, "Chát", một tiếng bổ vào gốc táo. Cây táo không to, lão hì hụi ba lần là cây đổ. Trên cành còn mấy quả táo chín mọng. Mấy đứa bé dậy sớm hò reo chạy đến. Lão Thọ cười méo xệch cả mặt, rồi ước lượng thân cây, cành cây; một cây nhiều lắm cũng chỉ một gánh củi, bảy cây là bảy gánh, có là bao.
"Ừ, thì ít đấy, nhưng ít còn hơn không" - Lão nghĩ trong bụng như thế, rồi lại vung rìu lên, "chát" cây thứ hai lại đổ xuống. Khi lão chặt đến cây thứ năm thì có ai đến sau lưng ôm chặt giữ tay lão lại. Ngoái đầu nhìn, thì ra lão Cam. Nhìn xung quanh, không phải chỉ có bọn trẻ mà các cụ trong thôn cũng ra cả, ai nấy im lặng. Lão Thọ cười, nói:
- Đây là của cải của đất, mất rồi lại mọc cái khác. Chặt táo rồi trồng lê, ta đổi táo lấy lê ăn. Lê vừa mọng vừa ngọt, còn hơn táo nhiều.
Lão Cam vẫn giữ chặt hai tay lão Thọ, nước mắt chạy quanh nói:
- Sau này chúng mình thắp đèn không cần dầu, cày ruộng không cần trâu, tất nhiên sẽ có vườn cây đủ loại nữa. Nhưng bây giờ thì anh hãy để lại vài cây cho lũ trẻ đỡ thèm!
- Lúc đó, những người đã dự cuộc họp câm tối qua, có cả những người không dự cuộc họp ấy nữa, ai nấy đều gồng gánh đến đủ mặt. Nào là rương cũ, khung xe nước, gốc thạch lựu, cây hòe... Một ông lão cùng hai đứa cháu còn khênh đến cả một cỗ áo quan. Ông lão chen đến trước mặt đồng chí Cam, nói: .
- Nhà lão không có cây gì, lão chỉ có cỗ áo quan này thôi, được chứ?
Lão Cam đứng im lặng, nhìn khắp một lượt, rồi xem xét kỹ các thứ mang đến, cuối cùng mới nói:
- Thưa bà con cô bác, bà con là cha mẹ của cách mạng, sự đóng góp của bà con, đảng không bao giờ dám quên.
Cái thôn nhỏ bé này, một ngày chặt đi hơn hai trăm cây, cho nên chẳng mấy chốc đã trở thành trọc lóc. Lão Cam lau nước mắt, cho người mang đi hơn một nghìn gánh củi.
Mùa xuân năm sau, khi triệu triệu binh mã vượt sông Trường Giang thì cái vườn ươm cây lê của lão Thọ đã có cây con nhỏ xíu. Cứ mỗi lúc có người trong thôn vào xem vườn ươm, lão Thọ lại sướng, nhún vai, nói:
- Trồng đào ba năm, trồng lê bốn, bà con tính xem, bốn năm nữa, cái loài trâu sắt mà đồng chí Cam nói đó, là phải dắt về vài ba con mới được! Vừa nói, lão vừa ngồi xuống mô đất cạnh vườn ươm, tay ôm gối, lắc lắc người ra vẻ khoái chí.
V. Lúc nào cũng có chuyện cây lê, chẳng có vẻ cách mạng chút nào.
Lão Thọ ngồi trên mặt đất trước lều, hai tay ôm đầu gối lắc lư, miệng lẩm bẩm như thằng điên. Vừa rồi đồng chí Cam đã nói, cách mạng đang ngày một đi sâu, vì chiếu cố lão là đồng chí cũ, nếu không thì đã bị coi là hòn đá buộc chân phải hất ra lề đường rồi. Xã viên nhìn thấy lão như vậy, nước mắt chạy quanh, đến khuyên bảo, an ủi, rồi dìu lão về nhà. Nhưng được một lúc, lão lại lắc la lắc lư ra cửa, ra vườn lê, ngồi trước lều canh lê hai tay bó gối, ngước mắt trân trân nhìn đoàn người mang đèn hơi đến, mang cưa rìu đến; đánh chiêng đánh trống mà đến. Rồi xã viên huơ rìu lên, cây lê đổ rạp xuống, những quả lê non đã được bọc giấy cẩn thận lăn lóc trên đất. Khi đó lão lại lắc lư mạnh hơn, mồm lẩm bẩm to hơn, lão gào lên:
- Ông Cam đâu! Đến đây mà xem! Ông Cam chúng mình đâu rồi? Sao không thấy mặt?...
Lão Thọ vừa gào vừa cẩn thận nhặt những quả lê, cởi giấy bọc ra, những quả lê xanh bằng quả trứng nay đã lớn bằng nắm tay, màu cũng đã nhạt đi. "Ôi!" Lão Thọ thở dài một cái rồi vụt đứng dậy, lững lững bước đến trước mặt lão Cam đang tham gia lao động đêm(5). Lão định hỏi thẳng: "Nói cho thật đúng lương tâm, ông quy định ngày giờ phải chặt cho xong vườn lê là vì cách mạng ư? hay là vì muốn cướp không lương thực mùa thu? Ông là thằng lừa đảo, ông chỉ muốn báo cáo thành tích lên trên, ông là đồ cách mạng giả hiệu". Nhưng lão chưa hề được ăn mật cọp, nói năng cũng không lợi khẩu. Lão cứ lắc la lắc lư như thế mà đứng đực ra trước mặt đồng chí bí thư huyện ủy, rồi lẩm bẩm: "Nếu chờ được hai mươi ngày, chỉ cần hai mươi ngày nữa thôi. Chờ lê chín rồi chặt, chẳng được sao? Chờ thu hoạch xong rồi chặt, hứ? Lúa mạch thì cứ gieo vào giữa hàng cây lê, như vậy cũng không nhỡ vụ, hứ?
Lão Hàn đứng bên cạnh nghe, sợ thay cho lão Thọ, liền giành lấy nói:
- Ông Thọ à, đừng nói nữa. Ba ngày ba đêm phải thay đổi cục diện. Đó là quyết nghị của đảng.
- Đồng chí bí thư, không đợi được à? Hai mươi ngày cũng không đợi được à? - Lão Thọ vẫn khăng khăng không chịu.
- Không được - đồng chí Cam nghiêm mặt lại, bây giờ chúng ta không phải làm sản xuất mà là làm cách mạng. Khi cần đến cái mạng cũng phải chặt. Anh thì khi nào cũng cây lê, cây lê! Anh là đảng viên, thế mà coi được à.
- "Trời" Lão Thọ như bị đâm một nhát, rên lên đau đớn. Lão phanh áo ra, để lộ bộ ngực lép kẹp gầy khô, hổn hển nói:
- Chặt đi! Vì cách mạng tôi không sợ chết. Các anh hất hòn đá này đi! Tôi là hòn đá, hòn đá buộc chân các anh. Tôi không theo nổi cái tình hình này, tôi không làm cái cách mạng này. Tôi không thông, hất hòn đá này đi, hất đi!...
Lão Hàn vội vã gắt lên:
- Ông Thọ, ông uống say rồi à? Về ngay đi thôi!
Đồng chí bí thư thì lắc đầu than thở:
- Đúng là cuộc cách mạng này thử thách con người. Ông ấy muốn khuynh hữu, kéo lại không nổi nữa rồi!
Rốt cục, lão Thọ bị hất ra rìa như người ta hất hòn đá: cách chức ủy viên lãnh đạo đại đội sản xuất, cách cả chức phụ trách quản lý vườn lê. Rồi đồng chí Cam chủ trì đại hội đại đội chi bộ, kết luận lão Thọ là phần tử hữu khuynh tự bộc lộ một cách điển hình, kỷ luật lưu đảng xem xét hai năm. Đồng chí Cam nói: "Đó là vì chiếu cố Ông Thọ là đồng chí cũ, nếu không thì..." Tất nhiên việc này cũng được viết thành thông báo để chứng minh rằng khẩu hiệu "lấy lương thực làm cương lĩnh" đã giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh sống còn.
Lão Thọ bỗng chốc hóa già, đường nhăn hằn sâu xuống, người gầy rạc đi, cả ngày ngồi dưới gốc hai cây táo trước cửa. Mọi người bảo lão ngủ gật. Lão nói lão không ngủ được, ban đêm cũng không ngủ được. Đôi mắt mờ mờ của lão cứ nhìn bất động một cái gì đó.
Có thể lão đang nhìn vườn lê không còn cây lê nào! Chỗ ấy mặc dù đã gieo giống lúa mạch, nhưng rễ cây lê vẫn còn dưới đất. Đồng chí bí thư đã hoàn thành nhiệm vụ, trở về huyện ủy, đại đội sản xuất cũng đã nhận được giấy biểu dương. Bởi vì được biểu dương, lại là trọng điểm do chính bí thư huyện ủy chỉ đạo, cho nên đại đội sản xuất cũng nhận được rất nhiều phân hóa học, lao động hỗ trợ từ thành phố về, lương thực cứu tế, mọi thứ đều hơn hẳn các đội khác, do đó vấn đề mỗi ngày bảy lạng hay tám lạng thóc mà lão Thọ lo lắng cũng không còn phải lo nữa. Có tí chút thay đổi là đồng chí Cam không kiêm chức vụ bí thư công xã nữa, mà được huyện ủy phân công nắm chức bí thư ngành bông thóc và dầu.
Có điều, nhìn kỹ thì lão Thọ cũng chẳng phải nhìn vườn lê. Từ hôm dự đại hội đảng viên trở về, lão không hề nói đến vườn lê, cũng không hỏi han công việc ở đội sản xuất nữa. Đôi mắt mờ đục của lão nhìn bất động về một chỗ, có khi cả buổi không động đậy. Đôi khi, mồm mấp máy như đang nói chuyện cùng ai, có lúc lại ngẩng đầu lên nhìn xem, nhìn xem táo có quả nào chín chưa.
Đó âu cũng là sự thay đổi tính tình lão Thọ. Những năm trước, táo không chờ đến chín đã bị bọn trẻ chọc hết, thì táo sinh ra là để cho chúng đỡ thèm mà lại! Nhưng năm nay thì khác, lão Thọ không cho chúng đụng đến một quả, cả đứa cháu cưng cũng không cho. Tất cả hái xong là đem phơi. Có hôm lão không ăn cơm, chỉ nhai một nắm táo khô. Con dâu hỏi sao phải làm thế, lão nhỏ nhẹ đáp: "Tao thử xem, táo có chống đói được không?" Nói rồi lão ngồi ngây ra như phỗng.
Đôi mắt mờ đục ấy, có người nói là bệnh tâm thần, có người lại nói do đau khổ, có người nói lão đang hồi nhớ ngày xưa, đang nghĩ đến lão Cam. Nhưng ai mà biết được! Trong đôi mắt mờ đục ấy đang biến ảo những gì...
VI. Tất cả những điều nẩy sinh trong lòng lão Thọ đều nẩy sinh từ trong lòng hay sao?
Chiến tranh chống xâm lược đã nổ ra. Thời khắc thử thách con người đã điểm. Một số cán bộ cơ sở của dân quân tham gia quân đội. Lão Hàn được gọi đi họp liên miên, cứ khai hội là phải chọn những lời lẽ êm tai mà nói vì cấp trên muốn nghe báo cáo.
Trong thôn bỗng lạnh lẽo, ai nấy có vẻ căng thẳng. Quân địch xem ra còn cách xa, nhưng máy bay thì ù ù quanh quẩn trên đầu suốt ngày suốt đêm. Nó lượn một vòng rồi chúi xuống thả một quả bom, cột khói đen từng dãy bốc lên lưng chừng trời. Những người nhát gan, chưa được rèn luyện trong chiến tranh cứ đâm nhác đâm nháo, thêm vào đó bọn xấu lại phao tin đồn nhảm làm cho lòng người ly tán.
Đúng lúc ấy, lão Thọ đã có chủ ý, quyết định đứng ra. Người của tổ chức, mình không đứng ra thì còn ai! Lão ăn mặc thật gọn gàng thật uy phong! Chân quấn xà cạp thật chặt, lưng thắt đai da to bản, hai bên đeo lủng lẳng bốn quả lựu đạn, vai trái khoác một cái kèn sừng trâu, vai phải khoác túi lương khô. Lão nói với mọi người:
- Chẳng có việc gì hết. Đồng chí Cam của chúng ta còn, đồng chí ấy đằng trước ngọn núi phía Tây kia. Bây giờ tôi đi tìm đồng chí ấy. Có đồng chí ấy, thắng lợi nhất định thuộc về ta. Bây giờ kẻ địch chẳng qua là cho máy bay đến vãi cứt, sợ cái quái gì. Hồi xưa chiến dịch Hoài Hải, đạn bay như mưa. Lúc đó tôi đang cán mì sợi, thiếu một nắm, tôi chạy đi hơn một dặm, ra sau nhà mẹ vợ nhổ một bó, rồi lại quay về, chẳng thèm để ý bom đạn. Bây giờ việc cần thiết nhất của chúng ta là phải tổ chức lại. Tôi bảo, phải chia ra một nhóm đào hầm phòng không. Còn dân quân thì sao? Phải bố trí một trạm gác trước kho thóc, phải canh gác tuần tra trước sau thôn. Nóc từ đường là chỗ cao phải đặt một trạm phòng không. Máy bay địch đến, nếu chỉ bay qua thì kệ thây nó, nếu nhào xuống thì phải báo động, mọi người phải xuống hầm. Máy bay đi rồi thì thổi kèn, việc ai người ấy làm.
Chẳng hiểu sao, lão Thọ đâm ra nói năng hoạt bát, mà chân tay cũng linh hoạt ra. Vừa nói lão vừa trao kèn sừng trâu cho dân quân, rồi xốc bao lương khô lên, nói:
- Việc quan trọng thứ hai là, phải tìm đồng chí Cam về. Bây giờ tôi đi đây. Bà con xem có đúng không?
Bà con nghe xong nhất loạt hỏi:
- Đúng như thế, thế là phải lắm. Nhanh nhanh đi tìm đồng chí Cam của chúng mình về! Có đồng chí ấy, khó khăn đến mấy cũng đánh thắng giặc. Bà con trao cho lão Thọ một cái gậy bằng cành lê, lại một bao bột mạch rang thơm dòn, nói: Đồng chí Thọ quí mến, đồng chí phải tìm cho được đồng chí Cam trở về.
Lão Thọ nhận lời, từ biệt bà con, nhằm thẳng ngọn núi cao phía Tây tiến bước.
Ôi! Núi cao, cao vút! Lão Thọ không ngẩng đầu lên, cắm cúi trèo. Lão biết núi cao không nhìn thấy đỉnh nhưng cứ đi thì đến đỉnh. Cứ thế từng bước trèo lên. Nhưng ngọn núi này thật là gay go. Không có đường lên, vực thẳm dựng đứng, khe sâu hun hút, đá chạy cát bay. Nhưng lão không nhìn hai bên. Lão biết rõ, chỉ cần chân đạp vững vàng thì không thể ngã chết được. Lão vượt một ngọn núi thì lập tức lại có một ngọn khác cao hơn; vượt qua ngọn núi cao hơn thì lại có một ngọn cao hơn nữa. Thật là một dãy núi quái quỷ, thăm thẳm khôn cùng, không dấu chân người, cũng không có khói lửa chiến tranh. Ở đây chỉ có cái rét cắt da, chỉ có tuyết dày, gió quái, còn cả băng trôi. Để tìm cho được đồng chí Cam, lão đội sương ăn tuyết, lội qua khe sâu, đi nát cả dày cỏ, rách cả áo. Để tìm cho được đồng chí Cam, cuối cùng lão đã trèo lên tận đỉnh. Nhìn xuống phía bên kia, cũng giống như con đường lão vừa đến, chỉ là một vùng xanh mù mịt, nhìn ra xa nữa, như là vô hạn vô cùng. Vậy thì đi đâu tìm đồng chí Cam? Trèo lên đỉnh nào tìm đồng chí Cam? Lão Thọ giang tay ra, dồn hết lồng ngực gào lên:
- Ông Cam ơi! Về đi thôi! Bà con có điều muốn nói với ông, có việc muốn bàn bạc với ông!
- Ông Cam... Ông Cam! Về đi!... Về đi... bàn bạc... bàn bạc..."
Núi rừng hoang vu đáp lại, tiếng vọng như giúp lão tìm người, từng tiếng từng tiếng một truyền đi càng xa, đến tận những vùng sâu thẳm.
- Về đi thôi! Người đã cùng chung hoạn nạn! Về đi! Người đã cùng thử thách! Về đi! Vinh quang của đảng chúng mình! Về đi! chìa khóa của thắng lợi! - Lão Thọ gào hét lạc cả giọng. Núi rừng hồi âm cũng vang dội bội phần:
"Về đi! Vinh quang của đảng! Về đi! Chìa khóa của thắng lợi!"
... Tuyết lại rơi dày hơn, xóa sạch dấu chân lão Thọ, phủ một lớp dày trên con đường lão sắp tới, một lớp thật dày, trắng tinh nhưng rất khó đi.
Mấy hôm sau, lão Thọ mệt mỏi quay trở về. Lão không tìm thấy đồng chí Cam, nhưng đã nghe ngóng được chỗ náu của đồng chí ấy. Có người đã nói rất rành mạch với lão rằng, lão Cam không ở bên kia núi, lão ở một nơi cực đẹp. Nơi đó cây mọc như rừng, sườn núi từng ô vườn chè vườn quả, nơi đó chân núi thóc lúa được mùa, gia súc chen chúc. Nơi nào đẹp nhất chính là nơi công tác của ông ta.
Lão Thọ đã định bụng là trở về đong đầy bao lương khô vốn đã sạch không, thay đôi giày cỏ đã rách nát, nghỉ ngơi cho đôi chân lại sức rồi lại ra đi tìm đồng chí Cam! Nhưng lão vừa về đến đầu thôn thì máy bay địch đến bắn phá, đất đá trước sau bên phải bên trái đều bị cày xới tung lên, trong thôn khói lửa xông thẳng lên trời. Lão biết là tình hình không tốt, bèn khom lưng chạy một mạch về thôn. Quả nhiên, kho lương thực trúng đạn.
Vàng thật không sợ lửa, lão Thọ gào lên: "Cứu ngay kho lương thực!" Tức thì vươn người vắt qua bức tường đổ, lao vào kho lương thực đang cháy. Nhưng mọi người đều sửng lại trước cái kho đang đầy khói lửa: thì ra cả một cái kho rỗng không, đã không thấy từng đống bao gạo xếp thành núi, cũng không thấy một đống thóc nào. Chỉ thấy sát tường mấy bao có cắm mấy cái thẻ đề rõ là các loại hạt giống. Khi mọi người kéo hết ra ngoài, thì xà nhà cũng sụp xuống.
Khi đánh trận, điều sợ nhất là lương cạn đạn hết. Sàn nhà kho vừa lộ ra lòng mọi người như nặng trĩu xuống. Chính lúc ấy, lão Thọ báo cáo về tung tích của lão Cam, lão Hàn cũng vừa chạy đến cho biết: quân địch đã nhảy dù xuống vùng lân cận. Thế là mọi người đồng thanh đề cử lão Thọ làm lãnh đạo, quyết định cùng nhau đi tìm lão Cam, mang theo lừa ngựa bò dê, nguyện cùng lão Cam lên núi, vào hang, đánh giặc, cùng nhau giành thắng lợi. Quyết định xong, ai nấy về nhà chuẩn bị, hẹn với nhau nửa đêm hễ nghe tiếng kèn của lão Thọ thì xuất hành.
Lão Thọ về đến nhà, gói ghém ba lô, thay giày, cho táo khô vào bao, khi mọi việc đã chuẩn bị xong xuôi thì có người gõ ba tiếng vào cửa.
Ôi! Chính là lão Cam chứ không ai khác! Lão vẫn thường gõ ba tiếng vào cửa như vậy. Gió nào đưa lão về đúng lúc mong đợi? Lão Thọ vội rút then cửa, nhìn ra, giật thót cả mình. Người bước vào đúng là đồng chí Cam, bí thư huyện ủy. Tóc rối bù xù, áo quần đầy tuyết và bùn, không có ai đi theo, trong tay cầm một bao lương thực rỗng không. Vừa vào lão Cam liền đóng cửa lại, hổn hển nói:
- Phía sau có người nhằm tôi mà bắn!
- Đừng nói tầm bậy. Ông làm rối loạn lòng quân - lão Thọ nghiêm mặt lên giọng.
- Đúng thế. Tôi cùng các anh hoạt động, tôi không thể đi một mình.
- Điều đó phải hỏi mọi người.
- Tầm bậy? Tôi là người lãnh đạo của anh.
- Điều đó cũng phải hỏi mọi người,- lão Thọ hiểu ra một điều, hơn thế đã nói ra lời. Tự lão cũng thấy lạ, làm sao mình lại có thể bạo phổi đến thế.
- Ai chẳng biết tôi là cán bộ lãnh đạo, chỉ có những kẻ phản đảng mới không thừa nhận. Vì lòng tốt tôi mới nhắc anh những lời vừa rồi. Đưa lương khô cho tôi ngay tôi sẽ lãnh đạo các anh hành động. - Đồng chí Cam vừa nói vừa giơ cái bao không ra.
- Tôi không có lương thực - Lão Thọ nói quả quyết.
- Hừm, cái bao của anh căng phồng thế kia mà lại bảo là không có?
Đồng chí Cam cười nhạt rồi nói:
- Thôi, không cho cũng chẳng sao. Tôi là cán bộ, các anh có ăn thì tôi sẽ có phần. Vừa nói vừa rút từ trong túi ra một tờ giấy, huơ huơ trước mặt: Đó là điều có văn bản, có quy định.
- Có văn bản! Có văn bản cũng chẳng có lương thực cho anh ăn. Của tôi đây là táo khô.
- Táo khô cũng được, nói rồi lão Cam liền mở miệng túi ra.
Lão Thọ giận lắm, sắp nổi xung thì bỗng nghe Ùng... Oàng! Hai tiếng nhức cả tai. Thế là cái gì?...
VII. Đây không phải là kết thúc.
Pháo thăng thiên từng cái đuổi nhau lên trời, xen vào đó là từng dây pháo tép lạch tạch, lạch tạch nổ liên hồi.
- Ông ơi! ông ơi! - Thằng cháu lay lão Thọ, vui sướng reo lên: Đại đội sản xuất huyện được gang rồi! Dùng lò đất mà luyện được rồi, ông ra mau mà xem!
Lão Thọ cố mở to đôi mắt mờ đục giọng nhè nhè:
- Luyện gang? Ai luyện gang? Lão Cam phải không? Không đánh nhau nữa à?
- Ông nói gì vậy? ông ơi! Cháu nói đội sản xuất chúng mình luyện được gang rồi! Có gang chúng mình sẽ chế tạo máy kéo.
- Ái dà! Máy kéo!... Lão Thọ nhớ lại từ rất lâu, lão Cam đã nói chuyện cày ruộng không cần trâu. Máy kéo à, hay lắm! Nhưng... Lão cảm thấy cả đời trồng lúa, bây giờ lại đi luyện gang, lại định chế máy kéo, lão thấy mù mờ khó hiểu. Đôi mắt đục dưới đôi lông mày bạc trắng lại nhắm nghiền lại. Hai giọt nước mắt đục ngầu từ từ chảy ra từ đôi mắt nhắm nghiền. Lão định tâm tìm lại câu chuyện hùng tráng lẫm liệt trong giấc mộng, nhưng rồi cũng mất hút. Lão vẫn là hòn đá cản đường, là hòn đá buộc chân bị hất ra lề đường.
- Đúng rồi! Sao lại không đi tìm lão Cam nhỉ? - Lão Thọ bỗng mở to mắt ra, như tỉnh dậy. Tôi đi tìm lão Cam, bàn bạc với lão đây. Ông ấy sẽ bảo cho tôi biết, thế này là thế nào, rốt cục ai "xoay lưng với thời cuộc". Lão Thọ lắc lư đứng dậy, lắc lư đi ra khỏi thôn...
Kết thúc vào tháng giêng năm 1979, lão Thọ và lão Cam gặp nhau dốc bầu tâm sự. Lý tưởng đã phấn đấu, tìm kiếm bao nhiêu năm - bao nhiêu năm, bấy nhiêu giá phải trả! Rốt cục phụ thuộc vào cái năm được thực hiện, cái năm nhân dân Trung Quốc đại vui mừng, đại hạnh phúc.
(Đăng trên Văn Học Nhân Dân số 2 năm 1979)
LƯƠNG DUY THỨ dịch.
(SH37/05&06-89)
----------------
(1) Ở Trung Quốc, ủy ban hành chính các cấp đều gọi là chính phủ: Tỉnh chính phủ, huyện chính phủ, hương chính phủ. Bát lộ là đường số 8, bát lộ quân là đạo quân thứ 8, mấy chữ lộ ở đây đều có ẩn dụ, chúng tôi dịch thoát.
(2) Câu này là của K.Mác. Mác nói đến tình thế cách mạng. Trong phong trào nhảy vọt người ta luôn luôn lạm dụng câu này.
(3) Ý nói mỗi ngày chỉ được 8 lạng thóc, mỗi lạng Trung Quốc bằng nửa lạng cân tây.
(4) Hoàn hương đoàn là một tổ chức phản động, chống cách mạng. Chúng mang đại đao để chém người cách mạng.
(5) Nguyên văn: dạ chiến, nghĩa là cuộc chiến đấu ban đêm. ND