Truyện dịch
Hãy để những người chết cũ nhường chỗ cho những người chết mới
11:06 | 20/05/2008
1Anh trở về nhà dọc theo con phố của một thành phố nhỏ ở Czech, nơi anh đã mấy năm sống bình lặng, quen chịu những người hàng xóm hay chuyện và cảnh tục tằn đơn điệu tại công sở - anh bước đi không để ý gì xung quanh (như người ta đi trên con đường đã qua lại trăm lần) và suýt nữa thì ngang qua chị mà không biết.
Hãy để những người chết cũ nhường chỗ cho những người chết mới

Nhưng chị thì nhận ra anh ngay từ đằng xa, đi ngược lại phía anh, chị nhìn anh với một nụ cười nhẹ trên môi mà mãi đến phút cuối, khi họ sắp tách rời nhau, nó mới làm ký ức anh thức dậy và bứt anh ra khỏi trạng thái đờ đẫn mơ màng.
-Tôi đã không nhận ra chị! - anh nói vẻ hối lỗi, nhưng đó là câu lỡ lời ngốc nghếch tức khắc đụng đến một đề tài đau khổ mà tốt nhất là không nên chạm tới: trong khoảng mười lăm năm qua họ không gặp nhau, cả hai đều đã già hẳn đi.
-Tôi đã khác thế sao? - chị hỏi, và anh dù đáp là "không" nhưng thực là nói dối, một sự nói dối không hoàn toàn là dối, bởi vì nụ cười nhẹ này (nó nở ra một cách trinh khiết và ý nhị trên làn sóng hân hoan vĩnh hằng nào đó) bây giờ bơi đến với anh từ một miền xa nhiều năm tháng không hề bị cái gì vấy bẩn và khiến anh choáng váng: nó khơi dậy trong anh diện mạo cũ của người phụ nữ rõ rệt đến nỗi anh phải cố sức để thoát khỏi hình ảnh đó và nhìn vào hình ảnh trước mắt của chị lúc này: đây là một phụ nữ già thật rồi. Anh hỏi chị đi đâu, làm gì, chị đáp có một số việc phải giải quyết nhưng bây giờ đã xong, chỉ còn chờ chuyến tàu tối đưa chị trở lại Praha. Anh tỏ vẻ vui mừng về cuộc gặp bất ngờ và mời chị (vì cả hai đồng ý với nhau là hai tiệm cà phê ở chỗ này đông người và bẩn thỉu) về căn hộ độc thân của mình nằm gần đây, ở đó có cả cà phê và chè, nhưng cái chính là ngăn nắp và tĩnh lặng.

2

Ngày hôm nay ngay từ đầu đã không suôn sẻ với chị. Chồng chị (ba mươi năm trước, sau khi cưới, chị đã sống cùng anh ấy tại thành phố này, sau đó chuyển đến Praha, nơi mười năm trước đây anh ấy qua đời), theo một di chúc kỳ quặc của anh ấy, được chôn trong một nghĩa trang ở đây. Khi đó chị đã trả trước tiền mộ mười năm, mãi gần đây chị mới hoảng hốt nhớ ra là đã quên kéo dài thời hạn thuê đất đã hết. Thoạt đầu chị định viết thư cho ban quản lý nghĩa trang, nhưng khi biết thư đi từ lại rất lôi thôi, vô ích, chị quyết định tự mình đến tận nơi.
Chị nhớ thuộc lòng đường đến mộ chồng, nhưng chẳng hiểu sao hôm nay chị cứ thấy như lần đầu vào nghĩa trang. Không thấy mộ đâu, chị nghĩ mình bị lạc. Chỉ sau một lúc chị mới hiểu: chính cái chỗ trước đây đặt tấm bia cát xám có khắc dòng tên mạ vàng của người chồng (chị nhận ngay ra hai ngôi mộ kế bên) thì nay là một tấm bia bằng đá hoa cương đen khắc một dòng tên mạ vàng hoàn toàn khác. Bối rối cực độ, chị vào ban quản lý nghĩa trang hỏi thì được họ giải thích là sau khi hết hạn thuê đất các ngôi mộ tự động bị phá bỏ. Đáp lại lời trách móc của chị sao không báo trước để kịp thời kéo dài thời hạn thuê, họ nói nghĩa trang không lớn, và những người chết cũ cần phải nhường chỗ cho những người chết mới. Bực bội, nén tiếng khóc, chị trách họ hoàn toàn coi thường những khái niệm như tính người, sự tôn trọng con người, nhưng chị hiểu ngay là có nói cũng vô ích, bởi vì chị không thể nào ngăn được cái chết của chồng, chị bất lực không cản được cái chết lần hai của anh ấy - cái chết của "người chết cũ" mà giờ đây thậm chí còn không được quyền tồn tại như người đã chết. Về thành phố, thêm vào nỗi buồn đau của chị là cảm giác lo lắng: làm sao giải thích cho đứa con trai về sự biến mất của ngôi mộ bố nó và biện hộ thế nào với nó về sơ suất của mình. Rốt cuộc chị thấy người mệt mỏi: khoảng thời gian dằng dặc trước khi tàu chạy biết phải làm gì đây? Thành phố chẳng còn bạn bè, mà ngay cả thành phố thời gian qua cũng đã thay đổi đến mức không còn hứng thú để dạo thăm: những nơi chốn chị từng quen giờ đã hoàn toàn khác. Bởi vậy chị chấp nhận với sự biết ơn lời mời của người bạn cũ (nửa nhớ nửa quên) bất ngờ hiện ra trên đường chị đi: trong nhà anh chị có thể rửa tay, sau đó ngồi trên chiếc ghế mềm (đôi chân mỏi nhừ) đưa mắt nhìn ngắm căn phòng và lắng nghe tiếng cà phê nhỏ giọt trong góc bếp được ngăn bằng bức bình phong.

3

Khi đến tuổi ba lăm, anh chợt nhận thấy tóc trên đỉnh đầu thưa hẳn đi. Đó chưa phải là hói thực sự, nhưng nó cho thấy rõ (dưới tóc da đã lộ ra): phải, việc hói là không tránh khỏi và đã đến rất gần. Tất nhiên, phóng đại mấy sợi tóc thưa lên thành một tấn kịch lớn thì thật nực cười, nhưng anh hiểu với sự hói xuất hiện, khuôn mặt cũng thay đổi, từ đó, cả cuộc sống của diện mạo anh hiện nay (một diện mạo không nghi ngờ gì là đang rất tốt) cũng đang gần chấm dứt.
Thấy thế anh liền nghĩ xem những phúc lộc cuộc sống của cái diện mạo (lông lá xồm xoàm) đang biến mất này của anh là gì, cái diện mạo đó đã được hưởng thụ và vui thú những gì. Và nhân vật của chúng ta sững người khi hiểu ra là chẳng có cái gì thích thú cả; điều này khiến anh đỏ cả mặt; phải, thật đáng xấu hổ: nhục nhã biết bao khi đã sống chừng ấy năm trên thế gian mà được hưởng thật ít ỏi! Nhưng ý anh muốn nói cái gì khi tự nhủ là được hưởng quá ít? Có phải anh muốn chỉ những chuyến du lịch, công việc, hoạt động xã hội, thể thao, phụ nữ? Có lẽ, khi nói "hưởng" là anh ngụ ý tất cả những thứ đó, nhưng cái chính, tất nhiên, là phụ nữ. Bởi vì nếu như trong các lĩnh vực khác, cuộc sống của anh là què quặt nặng nề thì anh không thấy đó là lỗi của mình: anh không có lỗi về nghề nghiệp của anh tẻ nhạt và kém triển vọng, về thiếu tiền đi du lịch, về không có những lời giới thiệu tốt đẹp để được đề bạt, sau hết, anh không có lỗi trong chuyện năm hai mươi tuổi anh bị sụn lưng đành phải từ bỏ các môn thể thao ưa thích. Nhưng thế giới phụ nữ đối với anh là một thế giới tự do tương đối, ở đó anh chẳng có gì phải phàn nàn; chẳng bị gì ngăn cách; ở đó anh có thể bộc lộ hết các khả năng phong phú của mình; cứ thế, phụ nữ đối với anh là thước đo xác đáng duy nhất sự đầy đủ của cuộc sống.
Nhưng tai họa xảy ra: chính với phụ nữ chuyện chẳng hiểu sao lại trục trặc: đến tuổi hai lăm (mặc dù là một chàng trai hấp dẫn) sóng lòng anh khô kiệt, sau đó anh yêu, cưới vợ, và trong vòng bảy năm anh tin chắc là trong một phụ nữ cũng có thể có được tràn trề sắc dục; rồi anh ly hôn, sự biện hộ cho tính duy nhất của phụ nữ (giống như ảo ảnh về tính vô tận) tan biến, thế vào đó là niềm khao khát mãnh liệt có được những người phụ nữ (một hữu hạn đa dạng trong vô số họ), nhưng than ôi, nó đã bị kìm hãm lại bởi nguồn tài chính eo hẹp (phải chi cho người vợ cũ để nuôi đứa con mà anh chỉ được phép về thăm năm một, hai lần) và bởi hoàn cảnh một thành phố nhỏ, ở đó thói tò mò của những người hàng xóm là vô giới hạn, khiến cho sự lựa chọn các phụ nữ chẳng được nhiều. Mà thời gian thì cứ trôi vùn vụt; cho đến một hôm đứng trước tấm gương treo phía trên chậu rửa mặt trong buồng tắm, một tay cầm chiếc gương tròn giơ cao trên đầu, anh hoảng sợ thấy chỗ hói đã rõ mồn một, hình dạng của nó thật bất ngờ khiến anh (không được chuẩn bị) đau khổ và mở ra cho anh một chân lý tầm thường: cái đã qua không lấy lại được nữa. Anh rơi vào nỗi buồn kinh niên, thậm chí đã có những ý nghĩ tự sát. Lẽ tất nhiên (và đây là điều cần nhấn mạnh để khỏi ngờ anh là kẻ tâm thần hay thằng ngốc) khi thấy những ý nghĩ đó là vớ vẩn anh đã quyết là không bao giờ thực hiện chúng (anh đã phải nén cười khi hình dung bức thư vĩnh biệt của mình: Không đủ sức chung sống với sự hói đầu. Vĩnh biệt!). Nhưng chỉ cần những ý nghĩ đó, dù chúng siêu phàm đến đâu, hiện ra trong đầu anh, thế là đủ. Chúng ta thử hiểu anh: chúng vang lên trong anh như trong một người chạy maratông vang lên một ước muốn không cưỡng nổi là bứt ra khỏi cuộc đua, khi anh đang chạy đột nhiên nhận thấy mình đang thua cuộc một cách nhục nhã (do lỗi của mình, do những sai sót riêng). Và nhân vật của chúng ta, khi coi cuộc chạy của mình đã thua, không muốn kéo dài nó nữa.
Giờ đây, cúi mình trên chiếc bàn con và đặt một tách cà phê trước đi văng (nơi lát nữa anh sẽ ngồi), một tách khác trước chiếc ghế bành tiện lợi, nơi vị khách nữ đang ngồi, anh tự nhủ trong toàn bộ chuyện này như có một mưu đồ quái ác gì đó: anh đã gặp lại người phụ nữ nhiều năm trước anh yêu tha thiết, người mà khi đó (do lỗi của mình, do sai sót riêng) anh đã để chị ra đi, trong một tâm trạng ảm đạm như thế, và vào lúc không thể lấy lại được cái gì nữa.

4

Chị vị tất đã có thể đoán ra là anh đã gặp người phụ nữ đã rời bỏ anh; chị vốn không bao giờ quên cái đêm hai người ở bên nhau, chị nhớ diện mạo anh khi đó (anh hai mươi tuổi, không biết mặc quần, đỏ mặt và đùa chị bằng trò trẻ con của mình), chị nhớ cả chính mình (chị khi đó gần bốn mươi, một nỗi khao khát sắc đẹp đã xô chị vào vòng tay của những người đàn ông xa lạ, nhưng cũng đồng thời đẩy chị ra xa họ; chị vốn luôn hình dung cuộc sống của mình nhất định phải giống người khiêu vũ đẹp và rất sợ biến sự phản bội vợ chồng thành một thói quen ghê tởm). Phải, chị đã hiến mình cho cái đẹp, như những người khác hiến mình cho các nền tảng đạo đức; nếu phát hiện thấy trong cuộc sống của mình có sự kỳ quặc chắc chị sẽ tuyệt vọng. Và bây giờ khi hiểu rằng sau mười lăm năm xa cách cần phải tỏ ra cho vị chủ nhà thấy mình đã già (với tất cả những sự kỳ quặc vốn có của tuổi già), chị quyết định lập tức che mặt mình bằng chiếc quạt tưởng tượng và hỏi dồn dập chủ nhà: chị hỏi sao anh đến thành phố này, chị hỏi anh làm công việc gì; chị khen cái bếp tiện lợi của anh, khen phong cảnh từ ô cửa sổ nhìn ra các mái nhà thành phố (chị nói dù cảnh thường thôi nhưng nhìn vẫn thấy khoáng đãng và rộng rãi); chị kể tên tác giả mấy bức tranh trường phái ấn tượng có phiên bản lồng kính treo trên tường (việc kể tên này chẳng mấy khó: trong căn hộ của các trí thức Czech đáng thương bạn chắc chắn sẽ thấy cùng những phiên bản rẻ tiền đó); sau chị đứng dậy khỏi ghế, tay cầm tách cà phê uống dở cúi xuống chiếc bàn viết nhỏ trên có bày một số tấm ảnh (chị nhận thấy ngay là trong đó không có một tấm ảnh phụ nữ trẻ nào), chị hỏi khuôn mặt phụ nữ già trên một tấm ảnh có phải là mẹ anh không (anh nói phải). Sau đó anh hỏi chị ngụ ý gì khi mới gặp chị nói là đến thành phố giải quyết một số công chuyện. Chị hoảng sợ không muốn nói về nghĩa trang (chị cảm thấy ở đây, trong căn hộ trên tầng sáu, không chỉ vượt cao trên các mái nhà, mà còn được nâng cao lên khỏi cuộc đời mình), nhưng do anh cứ vật nài hỏi rốt cuộc chị phải thú nhận (chỉ rất ngắn thôi, bởi vì cái thói dốc tuồn tuột mọi chuyện ra bao giờ cũng làm chị kinh hãi) rằng nhiều năm trước chị sống ở đây với chồng, rằng anh ấy được chôn tại nghĩa trang ở đây (về việc di dời tấm bia mộ chị im lặng) và rằng đã mười năm nay, năm nào chị cũng cùng con trai đến đây vào ngày giỗ.

5

-Năm nào cũng đến ư?
Điều thổ lộ này làm anh đau khổ, và anh lại nghĩ đến một mưu đồ quái ác nào đó; bởi nếu anh gặp chị ở đây sáu năm trước, khi anh đến đây, có thể mọi chuyện đã được cứu vãn: cái già sẽ không in dấu lên chị đến mức như thế, vẻ ngoài của chị sẽ không khác biệt đáng buồn với hình ảnh người phụ nữ anh yêu mười lăm năm trước đến thế; khi đó anh vẫn còn có thể xóa bỏ sự khác biệt, nhập hai hình ảnh (quá khứ và hiện tại) vào làm một. Nhưng bây giờ cái này đã tụt lại sau cái kia không thể nào kết nối lại được nữa. Chị vừa trò chuyện vừa uống hết tách cà phê, còn anh thử nhìn kỹ xem mức độ thay đổi của chị, vì nó chị đã chuồi khỏi anh lần thứ hai: mặt chị có nhiều nếp nhăn (lớp phấn không đủ sức tẩy xóa), cổ nhăn nheo (chiếc cổ áo cao không đủ sức che đậy), hai má sệ, tóc đã có ánh bạc (dù thế thậm chí là đẹp!); nhưng cái thu hút chú ý hơn cả là đôi tay (chao ôi, chúng không phấn son, trang điểm gì cả): đôi tay phủ chằng chịt những đường gân xanh như mạng nhện bất ngờ biến thành đôi tay đàn ông. Trộn lẫn trong anh là nỗi luyến tiếc và sự hằn học, và để muốn nhấn chìm vào rượu cuộc gặp gỡ muộn màng của họ, anh hỏi chị có uống chút cô nhắc chăng (trong chiếc tủ con phía sau bức bình phong có cả một chai). Chị từ chối, và anh nhớ lại, hồi đó, nhiều năm về trước, chị hầu như không uống gì: có thể, chị không muốn để rượu phá mất kiểu cách tinh tế, chừng mực của mình. Nhìn cử chỉ duyên dáng của cánh tay chị giơ lên khước từ lời mời của anh, anh hiểu sự duyên dáng, huyền diệu, cách cư xử âu yếm từng chinh phục anh trước đây vẫn chưa lụi tắt trong chị, mà chỉ ẩn dưới lớp vỏ già nua, và dù có bị chị bóp nghẹt đi nữa, chúng vẫn còn sức hấp dẫn. Ý nghĩ chị bị tuổi già bóp nghẹt thấm vào anh nỗi xót thương vô hạn, biến chị thành người gần gũi (người phụ nữ từng một thời kiều diễm mà khi đứng trước chị anh líu cả lưỡi) và muốn trò chuyện cùng chị một cách thân mật, thong thả, lâu dài, trong một tâm trạng ẩn nhẫn buồn bã gam màu xanh lơ. Và anh thực sự đã trò chuyện (và nói thực lâu) và sau rốt đã kể về những ý nghĩ không lấy gì làm vui những năm gần đây thường xâu xé anh. Tất nhiên, anh không hé lời nào về bệnh hói mới xuất hiện (cũng như chị, tiện thể nói thêm, im lặng về ngôi mộ bị di dời); nhưng bóng ma hói đầu đã xui khiến anh thốt ra những câu triết lý vặt, rằng thời gian bay nhanh hơn ta kịp sống, rằng cuộc sống thật khủng khiếp vì rốt cuộc mọi vật đều không tránh khỏi phải chết; anh chờ đợi vị khách hào hứng đáp lại những câu nói thâm thúy đó, nhưng không được.
-Tôi không thích những chuyện ấy, - chị nói hơi vẻ gay gắt. - Tất cả những điều anh nói hời hợt kinh khủng.

6

Chị không thể chịu được những câu chuyện về tuổi già và cái chết: chúng động đến sự xấu xí, què quặt thể chất mà chị chống lại. Chị nhắc lại có phần nóng nảy với chủ nhà rằng anh quan niệm thật hời hợt; con người chẳng phải cái gì hơn là một cơ thể già đi theo năm tháng, cái chính là thành quả lao động của nó, là những gì nó để lại cho những người khác. Quả thật ý nghĩ này không phải bây giờ mới có ở chị, mà đã có từ ba mươi năm trước khi chị yêu người chồng tương lai của mình, anh ấy già hơn chị mười chín tuổi; và chị luôn luôn thành thực kính trọng anh (mặc dù tất cả những sự phản bội của mình mà anh hoặc không biết, hoặc không muốn biết) bằng cách tự thuyết phục mình rằng trí thông minh và vai trò của anh hoàn toàn làm cân bằng lại gánh nặng tuổi tác.
-Thành quả lao động nữa ư, nghe lạ quá! Chúng ta để lại đây thành quả lao động nào cơ chứ! - chủ nhà phản đối lại chị với một tiếng cười gằn. Chị không muốn dẫn ra người chồng quá cố, dù chị tin chắc vào giá trị bất di bất dịch của tất cả những gì anh đã làm; chị chỉ nói rằng mỗi con người trong đời mình đều tạo ra một cái gì đó, thậm chí là hết sức nhỏ bé đi nữa, nhưng chức phận của nó là ở đó và chỉ ở đó thôi; xong chị quay sang nói về mình: chị làm việc tại một Nhà văn hóa ở ngoại ô Praha, tổ chức các buổi nói chuyện và dạ hội thơ ca, chị nói (với vẻ hào hứng anh thấy là gượng gạo) về "những bộ mặt biết ơn" của người nghe, đến đây chị lập tức chuyển sang đề tài con cái, thật hạnh phúc có đứa con trai và quan sát những đường nét riêng của chị (cậu con giống mẹ) biến đổi thành khuôn mặt đàn ông; thật sung sướng được tặng cho nó tất cả những gì mà một người mẹ có thể tặng cho đứa con trai, rồi sau đó lặng lẽ biến khỏi cuộc đời nó vì sự nối dài của chị.
Không phải ngẫu nhiên chị nói về đứa con trai: suốt cả ngày này nó cứ hiện ra trước mắt chị, nhìn chị với vẻ trách móc sự việc buổi sáng trong nghĩa trang; điều đáng ngạc nhiên là chị không bao giờ để cho một người đàn ông nào áp chế mình, chỉ riêng đứa con chẳng hiểu bằng cách nào lại có quyền sai khiến được ý chí của chị. Vả lại, sự việc ở nghĩa trang khiến chị lo lắng là vì chị cảm thấy có lỗi trước con, chị sợ nó trách móc. Từ lâu chị đã đoán rằng nếu đứa con trai theo dõi một cách ghen tuông xem chị tôn kính ký ức về người chồng thế nào (chính nó luôn bắt chị ngày giỗ hàng năm hai mẹ con không được quên đến nghĩa trang) thì nguyên nhân không hẳn là tình yêu đối với người bố quá cố, mà là ý muốn khủng bố chị, chỉ cho chị thấy những ranh giới đặt ra cho một bà góa; và dù tự nó không bao giờ nói ra điều đó, còn chị cố gắng (một cách thất bại) không nghĩ tới điều đó, nhưng mọi sự chính là như thế: nó bị giày vò bởi ý nghĩ là cuộc sống tình dục của người mẹ vẫn còn tiếp tục; nó ghê tởm việc chị vẫn còn (ít nhất như là khả năng và cơ hội) tình dục, mà vì khái niệm tình dục gắn với khái niệm tuổi trẻ, nên nó ghê tởm ở chị tất cả những cái gì còn giữ được vẻ trẻ trung; nó không còn là đứa trẻ, nên sự trẻ trung của người mẹ (kết hợp với sự chăm sóc quá mức của chị) cản trở nó cảm nhận một cách tự nhiên vẻ tươi trẻ của các cô gái mà nó thấy thích; nó muốn người mẹ phải già đi, chỉ như thế nó mới có thể chịu được tình yêu của mẹ, nó mới yêu được mẹ. Còn chị, đôi khi hiểu rằng như thế thực chất là nó đẩy chị xuống mồ, rốt cuộc đã chịu khuất phục nó, đầu hàng sự áp chế của nó và thậm chí còn lý tưởng hóa sự khuất phục của mình bằng cách tự an ủi rằng vẻ đẹp cuộc đời chị chính là ở sự biến mất lặng lẽ này để cho một cuộc đời khác tiếp tục. Và giờ đây để biện hộ cho sự lý tưởng hóa đó (thiếu nó mặt chị sẽ còn nhiều nếp nhăn hơn) chị đột nhiên sôi nổi trò chuyện với vị chủ nhà. Nhưng vị chủ nhà bất ngờ vươn mình qua chiếc bàn con phân cách họ, vuốt cánh tay chị và nói:
-Hãy bỏ quá cho những lời tôi vừa nói. Chị biết đấy, tôi bao giờ cũng là thằng ngốc mà.

7

Anh không lấy làm bực khi câu chuyện giữa hai người xoay ra tranh cãi, ngược lại, trong mắt anh vị khách lại hiện ra với dáng vẻ trước đây; cái cách chị phản đối những câu chuyện ảm đạm (chẳng lẽ đó lại không phải trước hết là chống lại sự lẩm cẩm và vô vị hay sao?) làm anh nhận ra chị như hồi nào đã biết, tâm trí anh càng lúc càng nhớ lại diện mạo thuở xưa của chị và cuộc tình ngày trước của hai người, bây giờ anh chỉ cầu mong sao không có một cái gì phá vỡ mất bầu không khí mơ màng, rất thuận tiện để trò chuyện này (chính vì thế anh đã vuốt tay chị và tự nhận mình là thằng ngốc), anh những muốn nói với chị chuyện lúc này anh thấy là quan trọng: chuyện cuộc tình của họ; bởi anh tin chắc là đã cùng chị trải qua một cái gì đó khác thường mà chị thậm chí là không ngờ tới, còn chính anh thì cũng rất khó tìm được lời chính xác để diễn tả. Chị chắc không còn nhớ họ quen nhau thế nào, có lẽ là trong một lần chị đi cùng nhóm bạn sinh viên của anh, nhưng cái quán cà phê nhỏ ở Praha, nơi lần đầu họ được ngồi riêng với nhau, thì chắc chị vẫn nhớ rõ: anh ngồi đối diện chị trong một buồng ngăn bằng nhung dáng u sầu và im lặng và đồng thời anh lại ngây ngất trước những lời bóng gió ý nhị chị bày tỏ cảm tình của mình với anh. Anh thử hình dung (dù không chút hy vọng là có lúc nào những cảnh đó lại thành hiện thực) chị trông ra sao nếu anh hôn chị, cởi quần áo chị và làm tình, nhưng trí tưởng tượng đã cưỡng lại anh. Phải, thật lạ lùng: đã hàng nghìn lần anh hình dung chị trong cảnh hấp hối của tình yêu nhục thể, nhưng thảy đều vô ích; khuôn mặt chị vẫn hướng về anh bằng nụ cười nhẹ nhàng và bình thản và anh không thể (ngay cả vận hết sức tưởng tượng) làm nó méo xệch đi vì cơn cực khoái tình yêu được. Chị hoàn toàn không chịu quy thuận sức mạnh tưởng tượng của anh. Và khi đó đã xảy ra một hiện tượng không bao giờ lặp lại lần thứ hai: anh đối mặt với cái phi tưởng tượng. Có lẽ anh đã trải qua thời kỳ (thiên đường) ngắn ngủi này khi trí tưởng tượng chưa được nạp nhiều kinh nghiệm, hãy còn hủ lậu, hiểu ít và biết ít, vì thế vẫn còn dư chỗ cho cái phi tưởng tượng; và nếu cái phi tưởng tượng phải biến thành hiện thực (thiếu sự trợ giúp của cái tưởng tượng, thiếu chiếc cầu của những sự hình dung), con người sẽ mất chân đứng và bắt đầu cảm thấy quay cuồng. Anh thật sự đã cảm thấy quay cuồng như vậy, khi sau vài cuộc gặp chưa đủ cho anh mạnh bạo quyết định, chị đã bắt đầu tò mò ráo riết hỏi cặn kẽ anh về căn phòng trong ký túc xá sinh viên, đến mức anh đã gần như mời chị về đấy.
Căn phòng nhỏ ở ký túc xá anh ở cùng một cậu bạn, (cậu ta nhận của anh một ly rum rồi hứa là sẽ chỉ trở về sau nửa đêm), ít giống với căn hộ hiện nay anh ở: hai chiếc giường sắt, hai cái ghế, một cái tủ, một cái đèn lóa mắt không có chụp, bừa bộn kinh khủng. Anh vừa kịp thu dọn xong đúng bảy giờ (đây là dấu hiệu nói lên tính quý phái của chị - chị bao giờ cũng đến đúng giờ) thì có tiếng gõ cửa. Trời tháng Chín đã bắt đầu tối. Họ ngồi trên mép giường và từ từ hôn nhau. Màn đêm buông dày hơn nhưng anh không muốn bật đèn để được thích thú giấu mình trong bóng đêm, che đi sự bối rối ngượng ngập mà anh không tránh khỏi khi bắt đầu cởi quần áo trước mặt chị. (Rồi sẽ có lúc anh còn biết cởi áo phụ nữ một cách quấy quá, còn bản thân thì tuột quần áo ngay trước mặt họ vội vã đến xấu hổ). Nhưng lần đó anh hồi lâu không dám cởi chiếc cúc đầu tiên cho chị (anh nghĩ là khi cởi áo quần phải có những động tác lịch sự, tinh tế mà chỉ những người đàn ông từng trải mới biết, anh sợ bộc lộ sự non nớt của mình); rốt cuộc tự chị phải đứng dậy và cười hỏi: "Đã đến lúc tôi quẳng bỏ bộ giáp trụ này được chưa?..." rồi bắt đầu cởi quần áo, nhưng vì phòng tối nên anh chỉ thấy cái bóng chuyển động của chị. Anh cũng cuống quít cởi quần áo, nhưng chỉ có được sự tự tin khi hai người làm tình (nhờ sự nhẫn nại của chị). Anh nhìn mặt chị nhưng trong cảnh lờ mờ chẳng thấy được nét mặt, ngay cả hình dáng khuôn mặt cũng không rõ. Anh lấy làm tiếc là đã để phòng tối, nhưng ngay lúc ấy anh thấy không thể nào tách ra khỏi chị để đi lại chỗ cửa bật công tắc đèn; anh cứ chăm chăm nhìn chị nhưng vẫn chẳng nhận thấy gì; dường như anh đang làm tình với một ai khác, với một người nào đó không thật hay với một người hoàn toàn không cụ thể, không có mặt.
Sau đó chị cưỡi lên anh (anh chỉ thấy cái bóng vươn cao của chị), rồi vừa vặn vẹo mông vừa nói gì đó bằng một giọng trầm trầm, thì thào, không rõ chị nói với anh hay với mình. Không nghe rõ lời, anh hỏi chị nói gì. Nhưng chị cứ tiếp tục thì thào gì đó mà dù đã kéo chị sát vào mình hơn anh vẫn không biết chị thì thào cái gì.

8

Chị nghe vị chủ nhà nói và mỗi lúc một đắm chìm vào những chi tiết đã quên từ lâu: chẳng hạn, hồi đó chị mặc bộ đồ xanh da trời may bằng thứ vải nhẹ mùa hè trông ngây thơ như thiên thần (phải, chị nhớ bộ đồ đó), tóc cài một chiếc lược sừng to làm cho chị giống một mệnh phụ cổ xưa, trong tiệm cà phê chị bao giờ cũng gọi món trà pha rum (tội lỗi về rượu duy nhất của chị), những hồi tưởng đó làm chị khuây khỏa nỗi ám ảnh về nghĩa trang, ngôi mộ bị phá, đôi chân sây sát, Nhà văn hóa và cặp mắt trách móc của cậu con. Một ý nghĩ thoáng qua, giá mà mình cứ vẫn được như thế, nhưng nếu một phần tuổi trẻ của mình tiếp tục sống trong con người này, thế có nghĩa mình đã sống không vô ích; tiếp đến lại thoảng qua một ý nghĩ, rằng đó là sự khẳng định mới các quan điểm của chị: con người đáng giá ở chỗ nó vượt lên trên mình, ở chỗ nó bước qua những ranh giới của bản thân, hơn là sống trong người khác và vì người khác.
Chị lắng nghe và không phản đối khi chốc chốc anh vuốt tay chị; sự ve vuốt này quyện với tâm trạng dịu dàng thanh thản của cuộc nói chuyện và chứa đựng một sự bất định bị tước khí giới (nó thuộc về ai? về người được nói tới hay về người nói); hơn nữa, người đàn ông đang vuốt ve chị là người chị thích; thậm chí chị còn nghĩ là bây giờ anh ta còn khiến chị thích hơn cái anh chàng mười lăm năm trước đây, hồi đó, nếu chị nhớ rõ, cái cung cách trẻ con của anh ta đã gây cho chị cảm tình. Đến lúc giữa chừng câu chuyện anh nói tới cái bóng của chị rướn lên trên người anh, tới việc anh không hiểu được những lời thì thào của chị, rồi đột nhiên anh lặng đi chốc lát, thì chị (một cách không nghĩ ngợi, cứ như anh đã biết những lời đó và muốn sau nhiều năm nhắc cho chị nhớ lại chúng như một điều bí mật bị quên lãng) khẽ hỏi:
-Khi đó tôi đã nói điều gì vậy?

9

-Tôi không biết, - anh đáp. Anh không biết thật, hồi đó chị chuồi khỏi không chỉ trí tưởng tượng, mà cả sự cảm nhận của anh, chuồi khỏi mắt và tai anh. Khi anh bật đèn trong phòng lên, chị đã mặc quần áo, trông chị lại phẳng phiu, nền nã, lộng lẫy và anh không tài nào tìm được mối liên hệ giữa khuôn mặt chiếu sáng lúc này của chị và khuôn mặt mới một phút trước anh vẽ ra trong bóng tối. Vào cái ngày ấy, khi họ chưa kịp chia tay, anh đã hồi tưởng về chị, cố hình dung khuôn mặt (vô hình) và cơ thể (vô hình) của chị trong những phút giây hai người yêu nhau. Nhưng thảy đều không thành: chị cứ luôn chuồi khỏi trí tưởng tượng của anh.
Anh quyết định lần sau sẽ yêu chị dưới ánh sáng rõ ràng. Nhưng cái lần sau đã không có. Kể từ cuộc gặp đó chị khéo léo và lịch sự lảng tránh anh, còn anh đầy hoài nghi và tuyệt vọng: mặc dù sự gần gũi yêu đương của họ rất tuyệt, phải, có lẽ thế, nhưng anh cũng biết rằng chắc là trước đó chị đã không chịu nổi anh rồi, và anh lấy làm xấu hổ; cuối cùng anh hiểu là chị cố ý tránh mặt anh và thôi không tìm cách gặp nữa.
-Chị nói xem, sao hồi đó chị lại lảng tránh tôi?
-Ôi, tôi xin anh, đừng nói chuyện đó nữa, - chị nói bằng giọng hết sức dịu dàng.- Chuyện đã lâu, tôi làm sao biết được... - Nhưng anh cứ khăng khăng nên chị nói thêm:
-Sao cứ mải lục lại chuyện cũ làm gì? Chúng ta được chia sẻ cùng nhau nhiều thời gian ngoài ý muốn thế này là đủ lắm rồi.
Chị nói thế chỉ để ngắt sự khẩn nài của anh (và có thể đó là câu nói sau cùng được nói ra nhẹ nhõm thuộc về cuộc đi thăm nghĩa trang buổi sáng), nhưng anh lại hiểu những lời của chị theo cách khác: chúng dường như là để mở toang ra cho anh thấy một điều hết sức hiển nhiên là không có hai người phụ nữ (trước đây và hiện nay), mà chỉ là một người phụ nữ ấy thôi và người phụ nữ mười lăm năm trước đã bỏ anh đi ấy bây giờ đang ở đây, bên cạnh anh, chỉ cần vươn tay là chạm tới được.
-Chị nói đúng, hiện tại mới là quan trọng hơn, - anh nói đầy ẩn ý và nhìn chằm chằm vào khuôn mặt đang cười của chị - giữa cặp môi hơi hé là hàng răng trắng bóng; hồi ức chợt hiện về: hồi ấy trong căn phòng sinh viên chị đã cầm những ngón tay anh cho vào miệng và cắn mạnh đến làm anh đau nhói; nhưng khi đó anh đã bất giác cảm thấy và đến giờ vẫn còn nhớ như in là hàng trên phía trong miệng chị không có răng (điều này lúc ấy không làm anh thấy ghê, ngược lại cái khiếm khuyết nhỏ ấy nói lên tuổi tác của chị, độ tuổi đang hấp dẫn và kích thích anh). Còn bây giờ trong khoảng giữa cặp môi và góc miệng tất cả các răng đều nguyên vẹn, mà chúng vẫn trắng lạ kỳ; điều đó khiến anh kinh ngạc: hai hình ảnh lại tách rời nhau, anh không muốn thế và nỗ lực nhập chúng lại làm một, anh nói:
-Thật chị không muốn cô nhắc sao?
Và khi chị mỉm cười quyến rũ, khẽ dướn mắt, lắc đầu, anh quay vào sau bức bình phong, cầm chai rượu đưa lên miệng dốc một tợp. Nhưng nghĩ chị có thể ngửi hơi thở mà đoán ra anh uống vụng rượu, anh cầm hai cái ly cùng chai rượu mang ra phòng ngoài. Chị lại lắc đầu.
-Uống một chút tượng trưng thôi, - anh nói và rót rượu vào hai cái ly. Nâng ly chạm với chị: - Chúc mừng việc tôi đã nói về chị chỉ ở thì hiện tại!
Anh dốc cạn ly, chị chỉ nhấp môi; anh đi lại bên mép ghế chị ngồi và cầm lấy tay chị.

10

Khi bước vào căn hộ của anh, chị không hề nghĩ là sự việc lại đi đến chỗ đụng chạm này, cho nên thoạt tiên chị sợ hãi (dường như sự đụng chạm đó xảy ra sớm trước khi chị kịp chuẩn bị đón nó; cái khả năng thường xuyên sẵn sàng rất quen thuộc đối với người phụ nữ trưởng thành, chị đã mất từ lâu); (trong nỗi sợ này, có lẽ, có thể tìm thấy cái gì đó chung với nỗi sợ của một cô gái trẻ lần đầu được hôn: nếu cô gái chưa được chuẩn bị, còn bản thân chị đã không được chuẩn bị, thì cái "chưa" và cái "đã" này giống nhau một cách bí ẩn, như những sự lạ lùng kỳ quặc của tuổi già và tuổi thơ giống nhau vậy). Sau đó anh chuyển chị từ ghế bành sang đi văng, ôm riết chị vào mình, rồi bắt đầu vuốt ve cơ thể chị, và chị thấy mình mềm nhũn trong vòng tay anh (phải, chính là mềm nhũn, bởi vì cơ thể chị lâu nay đã mất cảm giác sai khiến vốn được hào phóng ban tặng cho phụ nữ qua nhịp điệu siết và buông, cũng như qua năng lượng của vô số những cú mơn trớn). Nhưng những sự đụng chạm của anh nhanh chóng làm tan nỗi sợ thoáng qua ở chị, và đang từ một phụ nữ hoàn toàn không còn xuân sắc chín muồi, phút chốc chị trở thành là thế, lại có sự tự cảm, ý thức, niềm tin như trước đây của một phụ nữ giàu kinh nghiệm tình ái, và niềm tin này càng mạnh hơn vì đã lâu chị không cảm thấy nó; cơ thể chị phút trước còn co rúm, sợ hãi, thụ động, mềm nhũn, bỗng sống dậy hào hứng đáp lại vị chủ nhà bằng những sự đụng chạm của mình, chị cảm nhận được tính chính xác của chúng và thích thú tận hưởng chúng; những sự đụng chạm ấy, cái cách chị áp mặt vào cơ thể anh, những cử động nhẹ nhàng đáp lại vòng ôm của anh, - chị coi tất cả đó không phải như một cái gì đã thuộc sẵn, một cái gì chị đã biết và nay tái hiện lại một cách khoan khoái lạnh lùng, mà như một cái gì hữu cơ chị được hòa vào một cách hân hoan, say đắm, dường như đó là hành tinh thân thuộc của chị (ôi, hành tinh cái đẹp!), nơi chị đã từng ở và giờ đang vui mừng trở về. Đứa con của chị lúc này đang xa cách ngàn trùng; khi vị chủ nhà cầm lấy tay chị, thoáng trong óc chị hình ảnh đứa con như một sự nhắc nhở, ngăn chặn, nhưng nó tức khắc tan biến ngay, trong cả thế giới rộng lớn này giờ đây chỉ có mình chị và người đàn ông đang vuốt ve và ôm riết chị. Nhưng khi anh áp môi mình vào môi chị và muốn lấy lưỡi cạy miệng chị, tất cả đột nhiên đổ sụp: chị tỉnh lại. Chị nghiến chặt răng (cảm thấy vị khác lạ của hàm răng giả - nó chọc vào vòm miệng và hình như choán đầy miệng) không để anh lùa lưỡi vào, nhẹ nhàng đẩy anh ra, và nói:
-Không. Thật đấy, tôi xin anh, đừng làm thế.
Nhưng anh không chịu thua, thấy thế chị cầm lấy tay anh, nhắc đi nhắc lại mấy tiếng "không" và nói rằng (thật khó nói, nhưng chị biết là phải nói, nếu như muốn anh lắng nghe) làm trò yêu bây giờ với hai người là đã muộn màng; chị nhắc anh nhớ đến tuổi tác của mình; nếu họ làm tình, chị có thể sẽ làm anh chán ghét, mà điều đó sẽ khiến chị tuyệt vọng, bởi vì những điều anh nói với chị về chuyện hai người, chị thấy rất tuyệt vời và quan trọng; cơ thể của chị đã chết, nó đã già nua, nhưng bây giờ chị biết nó để lại một thứ phi vật chất giống như tia sáng của một ngôi sao đã tắt; có nên buồn chăng việc chị đã già, nếu như tuổi trẻ của chị được giữ lại trong cái chưa bị ai làm suy suyển.
-Anh đã dựng trong lòng mình một tấm bia cho tôi. Không nên để nó sụp đổ. Hãy hiểu cho tôi, - chị nói trong khi cố chống đỡ. - Đừng thế. Đừng, đừng nên thế.

11

Anh thuyết phục chị rằng chị hãy còn xinh đẹp, rằng thực chất không có gì thay đổi cả, rằng con người bao giờ cũng là chính mình, nhưng anh hiểu đấy là anh đang nói dối chị và sự thật ở về phía chị: anh vốn biết quá rõ cái tính nhạy cảm quá mức của mình đối với những khuyết tật bề ngoài của cơ thể phụ nữ, thậm chí cả sự ghê tởm mỗi năm một tăng đối với chúng, khiến anh thời gian gần đây ngày càng hay nhìn ngắm những phụ nữ trẻ hơn, do đó, (như anh đau khổ nhận xét) cũng ngốc ngếch và trống rỗng hơn; phải, không nghi ngờ gì nữa: sự chung đụng thể xác, nếu anh bắt ép được chị, sẽ gây cho anh ghê tởm, và sự ghê tởm đó sẽ xúc phạm tới không chỉ giờ phút hiện tại này, mà cả hình ảnh hồi nào của người phụ nữ đang yêu, hình ảnh được lưu giữ trong ký ức như một báu vật.
Tất cả những điều đó anh biết, chúng quẩn trong suy nghĩ của anh, nhưng những ý nghĩ đó có quan trọng lắm chăng so với nỗi khao khát đang chỉ nhằm tới một đích: người phụ nữ đã làm khổ anh suốt mười lăm năm vì không chạm tới được, không tưởng tượng được, người phụ nữ đó bây giờ đang ở đây; cuối cùng thì anh đã có thể trông rõ chị dưới ánh sáng; cuối cùng anh đã có thể lần theo cơ thể chị bây giờ mà đọc được cơ thể chị ngày trước, theo những đường nét hiện nay đoán ra những đường nét xưa. Cuối cùng anh đã có thể đọc được điệu mặt (không tưởng tượng ra nổi) và cơn co giật của chị trong lúc yêu đương. Anh ôm choàng vai chị và nhìn thẳng vào mắt:
-Đừng cự tuyệt. Cự tuyệt có nghĩa lý gì đâu!


12

Nhưng chị lại lắc đầu vì hiểu rằng sự cự tuyệt của chị không phải hoàn toàn vô nghĩa, chị vốn biết đàn ông và thái độ của họ đối với cơ thể phụ nữ, biết rằng ngay cả chủ nghĩa lý tưởng tình yêu bừng bừng nhất cũng không cứu được cơ thể khỏi sức tác động khủng khiếp; dù thân hình chị vẫn còn giữ được những tỷ lệ tự nhiên, và trong chiếc áo khoác trông chị hãy còn trẻ trung, nhưng chị không nhầm: chỉ cần chị cởi quần áo ra là thấy ngay những nếp nhăn trên cổ và hiện ra vết sẹo trên bụng sau ca mổ dạ dày mười năm trước. Trong khi chị đang tỉnh táo nhìn rõ lại diện mạo thể xác hiện thời của mình mà chị vừa thoát ra khỏi, thì từ dưới phố đã vọng lên tới cửa sổ căn phòng (mà nãy giờ chị vẫn nghĩ là vươn cao trên cuộc đời chị) những âu lo của buổi sáng nay, chúng dần choán ngập phòng, ngự lên những bức tranh phiên bản lồng kính, lên ghế bành, lên bàn, lên tách cà phê trống trơ, dẫn đầu cuộc diễu hành của chúng là khuôn mặt cậu con trai, thấy nó chị đỏ bừng mặt và vội thu mình lại: điên lên chị những muốn rẽ khỏi con đường đứa con đã sắp đặt sẵn mà từ trước đến nay chị vẫn tươi cười hân hoan bước đi, những muốn (dù chỉ thoáng chốc) rời khỏi nó, nhưng bây giờ chị đành phải nhân nhượng và thú nhận rằng đó là con đường duy nhất dành cho chị. Khuôn mặt đứa con có vẻ nhạo báng đến mức chị ngượng chín mặt, thấy mình mỗi lúc một bé lại trước mặt nó, bé đến chỉ còn như cái sẹo trên bụng mình.
Vị chủ nhà vẫn ôm vai chị, nhắc lại: "Cự tuyệt có nghĩa lý gì đâu!", còn chị cứ máy móc lắc đầu, vì lúc này chị không thấy vị chủ nhà, mà thấy đứa con thù nghịch của mình đang đầy tức giận vì mẹ nó không tự thấy mình nhục nhã. Chị như nghe nó đang trách móc chị về ngôi mộ bị phá, nhưng đột nhiên từ trong hỗn độn ký ức, chẳng hiểu ma xui quỷ khiến nào, bỗng hiện ra cái câu chị đã giận dữ nói vào mặt nó: "Con ơi, những người chết cũ phải nhường chỗ cho những người chết mới!".

13

Anh không mảy may nghi ngờ rằng tất cả chuyện này đúng là sẽ kết thúc bằng sự ghê tởm, bởi vì ngay giờ đây chỉ mới nhìn qua chị (cái nhìn tò mò và xuyên thấu) trong anh đã có sự ghê tởm, nhưng lạ sao, nó không cản trở anh, mà ngược lại, khêu gợi và kích thích, dường như anh mong muốn sự ghê tởm đó: cơn khát sở hữu trong anh xích gần với cơn khát ghê tởm, sự thèm muốn rốt cuộc đọc được trên cơ thể chị cái bao lâu nay anh không được biết trộn lẫn sự thèm khát nhanh chóng làm mất giá cái đọc được đó. Do đâu anh có cảm giác này? Dù anh ý thức được nó hay không, nhưng giờ đây anh đang đứng trước một trường hợp đặc biệt: vị khách có thể bù lại cho anh tất cả những cái anh đã bị tước đoạt, đã chuội khỏi tay anh, đã trôi qua anh, tất cả những cái mất đi đã làm tuổi tác anh trở nên không thể chịu nổi đánh dấu bằng đám tóc thưa dần và một bản tổng kết nghèo nàn đáng buồn; và anh, dù nhận rõ hay chỉ cảm thấy lờ mờ điều đó, bây giờ đã có thể làm cho tất cả những niềm vui sướng anh không được tận hưởng đó mất hết ý nghĩa và màu sắc (bởi vì chính cái màu sắc không hiển lộ của chúng đã biến cuộc đời anh thành xám xịt), đã có thể phát hiện ra rằng chúng là vụn vặt, chúng chỉ là ảo tưởng, là sự tắt ngấm, là bọt bèo trá hình, anh đã có thể báo thù, hạ nhục và hủy diệt chúng.
-Đừng cự tuyệt!, - anh nhắc lại khi cố kéo chị vào sát mình.

14

Chị nãy giờ vẫn thấy khuôn mặt nhạo báng của đứa con, và khi bị vị chủ nhà cố sức kéo riết, chị nói: "Tôi xin anh, để tôi yên một chút" và ngãng ra; chị không muốn đứt mạch suy nghĩ: những người chết cũ phải nhường chỗ cho những người chết mới, còn những tấm bia là thứ nhảm nhí, cả tấm bia của chị mà người đàn ông đứng bên chị đây dựng lên trong tâm hồn mình mười lăm năm trước - nhảm nhí, cả tấm bia của người chồng - nhảm nhí, phải, con trai ạ, tất cả những tấm bia đều nhảm nhí hết, chị nói với đứa con và đầy vẻ khoái cảm trả thù nhìn khuôn mặt nó cau có méo xệch hét lên: "Mẹ không bao giờ nói như thế, mẹ!". Tất nhiên, chị biết là mình không bao giờ nói thế, nhưng giây phút này tỏa một thứ ánh sáng làm biến đổi mọi vật. Thích các tấm bia hơn cuộc sống có nghĩa lý gì? Đối với chị, tấm bia riêng của mình chỉ có một ý nghĩa duy nhất: bây giờ chị có thể lật đổ nó cho cái cơ thể hèn mọn của mình; người đàn ông đang ngồi bên cạnh khiến chị thích, anh trẻ trung, và có lẽ (thậm chí là chắc chắn), anh là người đàn ông cuối cùng chị thấy thích và có thể làm tình; đó là điều quan trọng duy nhất lúc này; nếu về sau anh cảm thấy ghê tởm chị và tấm bia của chị trong lòng anh sụp đổ - chị chẳng quan tâm; bởi tấm bia tồn tại bên ngoài chị, cũng như tâm hồn và ký ức của anh là ở bên ngoài chị, mà tất cả những gì tồn tại ở bên ngoài chị thì chị dửng dưng. "Mẹ không bao giờ nói như thế, mẹ!" - chị lại nghe thấy tiếng hét của đứa con, nhưng bỏ ngoài tai. Chị mỉm cười.
-Anh nói đúng, cự tuyệt ích gì đâu, - chị nói khẽ và đứng lên. Sau đó chị bắt đầu chậm rãi cởi cúc áo choàng. Trời còn lâu mới tối. Căn phòng lần này ngập tràn ánh sáng.
Ngân Xuyên dịch theo bản tiếng Nga
 Tạp chí Innostrannaya Literatura (số 2/2001)

MILAN KUNDERA
(nguồn: TCSH số 148 - 06 - 2001)

Các bài mới
Những bàn tay (01/11/2024)
Bữa trưa (18/10/2024)
Sushi(1) (18/09/2024)
Con diệc trắng (22/08/2024)
Trở về (07/05/2024)
Các bài đã đăng
Của hồi môn (13/05/2008)