Truyện dịch
Món quà đúng nghĩa
09:01 | 25/04/2016

LGT: Alissa York sinh tại Australia và lớn lên tại tỉnh bang Edmonton, Canada, và là tác giả của năm tác phẩm, trong đó có nhiều tác phẩm bán chạy: The Naturalist, Fauna, Effigy, Mercy, Any Given Power. Cô nhận giải Bronwen Wallace Memorial Award vào năm 1999, và đã từng được đề cử giải văn chương danh giá Scotiabank Giller Prize.

Món quà đúng nghĩa
Ảnh: internet

ALISSA YORK

Món quà đúng nghĩa

Một cụ già ngồi phía đầu xe buýt, đang ngủ gà ngủ gật. Cụ ngồi cách tôi đến mấy hàng ghế nhưng tôi vẫn có thể ngửi được mùi rượu trong người ông, như thứ rượu bị thấm vào miếng giẻ trong bồn rửa chén, đang bốc một mùi chua rã rượi.

Tôi có thể ngửi được ông như thể ông đang rất gần tôi hòng kể cho tôi nghe một điều bí mật. Như thể tôi đang ngồi trong lòng ông.  

Roy Philipchuk đã đối xử với chúng tôi rất tử tế.

Ông ấy là người đầu tiên trong thị trấn thuộc tỉnh bang Alberta ấy đã đón chào chúng tôi khi chúng tôi băng đại dương đến đây, ba mẹ tôi với âm giọng kỳ dị, như giọng những người Anh nằm ngửa rồi ngáp dài. Những câu chuyện của ba mẹ về mặt trời, cá mập và chuột túi. Và hai đứa con thơ.

Roy vô cùng tử tế với chúng tôi, giúp chúng tôi tìm nhà, cho chúng tôi bàn ghế, nhượng lại cho ba mẹ tôi chiếc xe tải nhỏ hiệu Ford với giá quá hời, rồi bảo rằng giờ đây chúng tôi đã có xe thì nhớ ghé qua ngôi nhà gỗ nhỏ ven hồ của ông. Và chúng tôi đã ghé, em tôi và tôi ngồi đằng sau xe, chìa mũi ra ngoài hướng gió, hạnh phúc như những chú chó.

Roy đã đối xử với chúng tôi thật tử tế trong những buổi chiều ấy, cho chúng tôi ăn bánh mì trắng với mứt dâu và nước si rô Kool-Aid sắc hoa. Chúng tôi ăn uống no nê, em trai tôi và tôi, còn ba mẹ tôi thì uống bia với Roy, tuy ông uống ba lon thì ba mẹ tôi mới hết một lon, và chúng tôi nằm ngửa, chung quanh là những nhánh cây chót vót, mặt nước sẫm màu, và bầy ruồi mập như những trái dâu dại trong bụi rậm mà chúng tôi phải học tên của từng loại. Ở đây không có nhện độc, chỉ có một loại thường để lại những vết lằn trên da.

Ba tôi là người tiên phong thử trò chơi trượt nước, mặt bị dập xuống nước mấy mươi lần; ba muốn trở thành người Canada chính gốc, đậm chất Canada hơn cả Roy, và hai cậu con trai của Roy, hai anh biết lái tàu giỏi như thần, ngay trong lúc tay cầm lon bia dưới bầu trời ngập nắng. Tôi nhớ là mình đã phải lòng một trong hai người, mái tóc anh ta bồng bềnh trong gió đằng sau bánh lái, cùng với nụ cười tàn nhẫn của anh. Nhưng hình như điều này không thật, bởi lúc ấy tôi chỉ mới lên sáu.

Ba tôi rốt cuộc cũng trượt nước thành thạo. Ba và hai cậu con trai của Roy xé toạc tấm lưng mặt hồ như những kỵ mã vung roi trên lưng ngựa, trong lúc Roy ngồi trong bóng mát thưởng thức chai bia, tôi thì ngồi chơi với cậu em trai trong bóng râm trơn ướt dưới chiếc cầu tàu đậu. Mẹ ngồi ngắm chúng tôi từ phía bóng râm, những ngón tay mân mê đám rễ cây bu-lô ngập nước, mọc quá sát bờ hồ.

Sau đó, mấy người đàn ông nhóm ngọn lửa, Roy hay nhờ chúng tôi đi tìm nhánh cây, mà phải để ý chọn những cành còn tươi bởi không chúng sẽ xém lửa và bùng cháy. Chúng tôi hay tranh nhau xem ai nướng kẹo bông gòn dẻo vàng nhất mà không bị cháy đen, nhưng lần nào cây kẹo của tôi cũng bị cháy xém. Tôi không biết giữ cây kẹo xa tầm lửa.

Sau đó ít lâu bầy muỗi kéo tới, rồi bóng tối nối tiếp theo sau. Roy lấy giày đá lon bia, loại giày bốt rắn chắc dùng để làm ruộng mà ông vẫn mang dù trời có nóng đến đâu. Ông cứ đá tới cho đến khi nó lăn vào vũng tối, rồi bảo tôi đến ngồi vào lòng ông. Và ngay cả khi có ba mẹ tôi ngồi bên cạnh, tôi vẫn cảm thấy sờ sợ bàn tay ông, những ngón tay chai sạm trên da tôi rám vàng, những ngón tay như sinh vật lưỡng cư trên cạn cũng như dưới nước hồ, và hơi thở ông mang vị ngòn ngọt, buồn bã, lẫn mùi hoa bia và mùi cô đơn, phủ ngập đầy khuôn mặt tôi.

Xe buýt tròng trành, cụ già ngẩng đầu lên nhìn về phía tôi, nhưng ánh mắt tôi vụt trốn mất như những con cáo, rút vào những lỗ hở trên quần jeans tôi.

Tôi ước gì chuyến xe đã đến đích.

Lý do duy nhất mà tôi chịu lấy chuyến số 11 đến khu ngoại ô này, như thể đang đến tận cùng trái đất, là chỉ để đi gặp ba tôi. Và vợ ông. Trong căn nhà mới mà ba đang sửa sang lại cho vừa ý.

Dạo chúng tôi còn sống chung, gia đình bốn người trong thị trấn bé nhỏ ấy ở Alberta, ba tôi thường xuyên sửa sang cho đến khi ngôi nhà trở thành như mơ ước. Một giấc mơ mà bất cứ người đàn bà nào cũng chịu chết đi để được sống trong đó. Bất cứ người đàn bà nào ngoại trừ mẹ tôi.

Vài tháng trước, tôi và mẹ có lật lại những bức ảnh cũ vào khoảng thời gian đó, khoảng đời trước khi tôi lên mười, lúc gia đình mới dời đến sống tại vùng ven biển rồi tan rã. Mẹ và tôi tìm được rất nhiều khung hình của ngôi nhà đó, như xấp tư liệu về những gì tốt nhất một người đàn ông có thể đảm đang. Bên ngoài là những lớp ván lợp bằng gỗ tuyết tùng như những cọng lông chim, và tất cả những gì ấm cúng và hạnh phúc nhất nằm ở bên trong, như kính màu, gỗ và cây hoa. Ngoài vườn có hai con mèo, hai con chó, nhà trên cây có xích đu. Tất cả đều do ba tự tay làm lấy. Nhìn kìa, đẹp chưa kìa, mẹ tôi thốt lên, tay đưa cao tấm hình. Thật là một ngôi nhà hoàn mỹ.

Những khung ảnh của khoảng đời đó đã bị nhốt vào trong một cái rương, để lại hết cho mẹ vì ba tôi không thể chịu được nỗi đau đớn. Không ai dám nhìn lại những bức ảnh này hơn mấy chục năm qua, như thể bốn chúng tôi là đồng bọn trong một tội ác tày trời mà không ai dám nhắc lại và ai cũng muốn lãng quên. Tôi ngạc nhiên là mình đã nhớ thật nhiều điều: cấu trúc của ngôi nhà tuyết tùng đó, sân vườn nơi tôi ngồi vặt cỏ dại với em trai, hai con mèo đã chết vì bệnh sài sốt, hai con chó, một con ở với Roy bên bờ hồ bởi vì nó sủa nhiều quá, một con theo ba tôi sau cuộc ly hôn, một ký ức đỏ da thắm thịt về khoảng đời chung của gia đình tôi. Tôi nhớ chính xác mọi thứ, mẹ tôi như nàng tiên cá với hai bím tóc dài chấm tới nước hồ, dọc theo hai cánh tay vàng óng, ba tôi với bộ râu hoang dại hơn, cúi mình trước đốm lửa, khói trong mắt, một tay ôm vòng đứa con trai bé nhỏ. Tôi ngồi trên lòng già Roy, ánh mắt ông lim lim vì say, bàn tay ông nóng và cứng cỏi đặt trên đầu gối tôi.

Cụ già thì thầm với lồng ngực những bí mật u uất, như khơi gợi trong tôi về lần trước tôi đến nơi đây. Ba tôi uống cạn hết chai bia này đến chai bia khác, như thể mấy cái chai được buộc chung bằng một sợi chỉ dài vô hình. Lúc chúng tôi ăn gần hết ly kem là lúc ba sẵn sàng khóc lóc về mẹ tôi. Ba nhìn xuống đáy ly cạn rồi bảo rằng ông chưa yêu ai nhiều như thế, mẹ là người đã sinh con cho ông, mẹ là người biết con người thật của ông. Không, ông chưa bao giờ yêu ai bằng mẹ cả, trong lúc vợ ông cố tình gây tiếng động trong bếp, mấy cái đĩa va vào nhau loảng xoảng trong máy rửa chén, đập nồi niêu trong bồn rửa chén để không nghe thấy gì.

Hai cánh cửa xe buýt thở dài. Cụ già tập tễnh bước xuống những bậc thang, tôi dõi theo khuôn mặt bành, đầy vẻ hoang mang của ông xuyên qua lớp kính, như nét mặt của chú chó bị bỏ rơi bên lề đường. Tôi mường tượng ông đang đi thăm nhà con gái. Cô ấy sẽ giận dữ khi biết ông đang say xỉn, nhưng cô cũng sẽ cho ông ăn cái gì đó rồi dìu ông vào giường ngủ.

Tối nay là sinh nhật ba tôi, hy vọng tinh thần ông có phần phấn chấn hơn.

Hay có khi ông sẽ lợi dụng thời cơ này để uống nhiều hơn.

Dù gì thì đây là lần thứ nhất trong vòng sáu năm nay tôi mới mang cho ông một món quà đúng nghĩa. Một cái khung để được sáu tấm hình. Tôi đã trân trọng chọn và ghép vào khung sáu tấm ảnh, ba ảnh của tôi, hai ảnh của em trai, một ảnh của ba và tôi đứng trước bờ hồ nhà Roy. Tất cả được chụp sau cuộc ly hôn. Không có ảnh của mẹ, tuy rằng bà vẫn có mặt trong tất cả mọi bức ảnh, như một cái bóng. Cho dù ba say bí tỉ đến cỡ nào, tôi sẽ nói với ba, nhìn kìa, chúng ta từng ở đó. Và giờ chúng ta đang ở đây.

Lưu Diệu Vân chuyển ngữ
(TCSH326/04-2016)
 

Dịch giả Lưu Diệu Vân, sinh tháng Mười Hai, năm 1979, là nhà thơ, dịch giả, và biên tập viên tạp chí văn chương Da Màu. Cô nhận bằng thạc sĩ từ đại học Massachusetts vào năm 2009. Tác phẩm đã xuất bản: 7 giờ 47 phút, thơ, (Nxb. Văn Nghệ, 2010), Màu cỏ xanh trong suốt, truyện chớp, đồng tác giả, (Nxb. Trẻ, 2010), tập thơ Anh ngữ Poems of Lưu Diệu Vân, Lưu Mêlan, Nhã Thuyên, đồng tác giả, (Nxb. Vagabond Press, 2013), và tập thơ Anh ngữ M of December, Nxb. Vagabond Press (2106).


 




 

Các bài mới
Sushi(1) (18/09/2024)
Con diệc trắng (22/08/2024)
Trở về (07/05/2024)
Bóng tối (26/01/2024)
Tanoo (05/01/2024)
Cơn choáng (18/12/2023)
Các bài đã đăng
Cơn giông (24/02/2016)
Tiểu đội D (24/08/2015)
Bóng hình xưa (21/04/2015)
Đừng khóc (13/04/2015)
Pháo thủ (05/02/2015)
Đàn bà đêm (30/12/2014)