Truyện dịch
Boussole (La bàn)
14:40 | 03/08/2016

LTS: Giải thưởng danh giá Goncourt của văn chương Pháp năm 2015 với tác giả là nhà văn Mathias Enard do Nxb. Actes Sud (Pháp) xuất bản.

Boussole (La bàn)
Ảnh: internet

Đây là một câu chuyện dài xảy ra trong một đêm mất ngủ ở thành phố Vienne, thủ đô nước Áo. Frantz Ritter, nhà âm nhạc học không thể nào ngủ được, ông nằm ôn lại cuộc đời mình qua những giấc mơ, những hoài niệm, nhớ lại những nơi mình đã lưu trú ở các thành phố Trung cận Đông lúc đang xảy ra xung đột và chiến sự. Cũng là lúc ông tự vấn về mối tình vô vọng của mình với Sarah, một phụ nữ sống đầy lý tưởng, một chuyên gia rộng lớn về phương Tây cùng với những nhà mạo hiểm, bác học, nghệ sĩ và người lữ hành.
Là một cuốn tiểu thuyết đầy quyến rũ, La bàn là một cây cầu kết nối giữa phương Đông và phương Tây, giữa hôm qua và ngày mai, như một bàn tay đưa ra để mong hạ nhiệt cảnh máu lửa đang xảy ra ngày hôm nay.
Đoạn trích dưới đây của dịch giả Lê Trọng Sâm nằm ở chương 4 khi Frantz nhận được thư của Sarah.
   


Frantz Thương yêu

Em biết là em không viết được cho anh trong những ngày này, chưa cho anh biết những tin tức về em vì em đang bơi trong chuyến đi này. Em đang ở Việt Nam trong một thời gian ngắn, ở các xứ Bắc Kỳ, An Nam và Nam Kỳ. Này, em đang ở Hà Nội năm 1900 đấy. Em nhìn anh đang mở to đôi mắt: - Việt Nam à? Vâng, đây là một chương trình hướng về vùng thuộc địa trong tưởng tượng, anh cứ hình dung như vậy đi. Em không khổ sở lắm đâu khi phải rời Paris. Về câu chuyện thuốc phiện đó mà. Em đang đi sâu vào những câu chuyện của Jules Boissière
(1) khi đang bị đầu độc, cái cậu viên chức khổ sở nói thứ ngôn ngữ phía Nam này, 34 tuổi chết mê chết mệt với thuốc phiện sau khi đã hút nhiều thứ đó, hắn ta đã coi khinh vùng rừng rậm Bắc Kỳ cùng với cái giá buốt, những trận mưa, bạo lực và bệnh tật và với chỉ một vật đem theo là ánh sáng tối mù của ngọn đèn thuốc phiện, đó là hình ảnh thuốc phiện trong dòng văn học thời thực dân Pháp mà lại vô cùng thú vị.

Quá trình mở rộng thuốc phiện ở vùng Viễn Đông này như Boissière nói, đó là, “một loại thuốc uống tốt, êm ái” kết tụ cả những xu hướng thần bí với sự trong sáng tâm hồn giữa cảnh thô bạo thời thuộc địa. Với Boissière, thuốc phiện là cầu nối với người Việt Nam, người hút không chỉ chia nhau điếu thuốc và những sự coi khinh mà cả nỗi đau lớn về sự thiếu thốn các mặt và sự bạo ngược xảy ra thời gian đó. Người hút là một sinh vật nằm ngoài lề, một nhà thông thái nằm trong cộng đồng những người sáng suốt, tự cho mình là có thiên cảm và là một kẻ ăn xin yếu đuối. Thuốc phiện là một vết đen phát sáng chống lại sự hung dữ của thiên nhiên và sự tàn bạo của con người.
Người ta hút nó sau khi đã đánh nhau, sau khi đã chịu nhục hình, sau khi nhìn  những chiếc đầu bị lưỡi kiếm cắt phăng, những chiếc tai bị những chiếc rựa đang xẻo, những thân xác tàn hoại với các bệnh kiết lỵ và dịch tả. Thuốc phiện là một ngôn ngữ, một thế giới chung. Chỉ cần điếu thuốc và chiếc bàn đèn thôi là đã có đủ quyền lực, làm cho tâm hồn anh thấm sâu sắc vào “tâm hồn châu Á”. Món thuốc đó (một tai vạ thời tiền thuộc địa, do việc giao thương của các đế chế, là vũ khí khủng khiếp của sự xâm lược) đã trở thành chiếc chìa khóa của một vũ trụ ngoại lai cần phải thâm nhập vào và sau đó, nó là đại diện cái tốt đẹp nhất của thế giới này, hình ảnh chỉ ra cho đó là hoàn hảo nhất trước những đám đông phương Đông.

Ví dụ ở đây cho thấy đây là hai chiếc bưu ảnh gửi đi từ Sài Gòn những năm 20 tuổi trẻ. Ở mẫu người này cho ta cảm giác môn nghiện thuốc phiện ở đây là một sự thực hành rộng rãi, không chỉ được phổ biến một cách độc đáo mà nó cũng lại được chấp nhận, trở thành vĩnh viễn cho cả vùng nông thôn, tự nhiên lắm; chiếc hộp đen có khóa này dĩ nhiên chứa đựng tất cả những điều bí mật của vùng đất này rất xa lạ, nơi người ta đã mải mê trong sự say sưa từ thời còn bé. Hình ảnh một người bản xứ trong vai đứa trẻ đang hút thuốc phiện.

“Cần phải thường xuyên đầu độc: đất nước này với thuốc phiện, vùng đạo Hồi với loại nhựa hút vào sẽ bị phụ thuộc về tâm lý và phương Đông là đàn bà. Có thể tình yêu là phương cách tốt nhất mà phương Đông hay dùng để vượt lên thân phận làm người” như Malraux
(2) đã viết trong “Thân phận người đời”. Câu nói này đặt ra ít tò mò nhất đã chỉ rõ thuốc phiện đã trở thành của riêng vùng Viễn Đông và bằng cách nào mà đã có mặt những người đại diện của chúng ta ở đây. Chắc là không có chuyện đặt lại vấn đề của sự thực về những tồn tại của thuốc phiện ở Trung Hoa hoặc ở Việt Nam nhưng là để nhìn rõ vì sao lại có sự tạo ra thứ tưởng tượng đó và bằng cách nào nó sẽ phục vụ lại trong ngành tuyên truyền thuộc địa thời đó.

Em còn nhớ rõ Marc bị vùi sâu trong thuốc phiện ở Téhéran rồi em lại tự hỏi nếu cậu ta không cưỡng nổi được giấc mơ lớn đó, nếu toàn bộ những lời bào chữa khoa học của cậu không phải là những lời xin lỗi vô thức để như tất cả chúng ta biến vào những vùng đất đai mộng mị nơi người ta cố vượt ra khỏi chính mình.

Em nói với anh tất cả những điều đó nhưng trong thực tế, em rất muốn được duỗi thẳng thân mình trên một chiếc chiếu, đầu kê vào vali, lịm đi trong sự lãng quên nổi trôi mờ ảo, phó thác hồn em cho loại thuốc giải sầu thời Hy Lạp cổ và quên đi tất cả những đau thương của sự mất mát. Với em, thuốc phiện của em là những bản văn, những hình ảnh mỗi ngày em đi sục tìm trong các thư viện thành Paris, những con bướm múa nhảy của những từ ngữ mà em sưu tập được, mà em luôn quan sát khi không màng nghĩ tới một việc nào khác, là đại dương của những cuốn sách cổ đó mà em cố tìm ra để bị chiếm lĩnh, nhưng khốn thay, dù có vậy, em vẫn nghĩ đến người anh của em, em có cảm giác đang đi khập khiễng, luôn luôn khập khiễng và đôi lúc khi em đang bị rơi vào một tài liệu quá chi ư dữ dội hoặc quá đỗi xúc động, em không thể cầm được nước mắt, vậy rồi em chôn mình trong phòng nhỏ của em, em dùng một trong những viên thuốc thời nay ấy và tất nhiên, không có chút vẻ đẹp nào, ma lực nào của thuốc phiện và em ngủ suốt 24 tiếng liền
.

Bạn đang thương đau, đó là kho tàng bạn còn có.

Hãy hút đi. Anh đã có những vị thần cứu rỗi bảo trợ đến gần.

Đã phó mặc hạnh phúc mình cho một động tác tay chân.

Đó là bài văn bia mà Albert de Pouvourville(3) viết cho bạn Jules Boissière ở Hà Nội trong ngôi chùa cạnh hồ Gươm đấy. Em mong rằng mọi điều hạnh phúc đều phó mặc cho một động tác tay chân nào đó. Em biết rõ anh hay nhớ nghĩ về em; ngày nào em cũng đọc thư anh, em cố gắng trả lời mà chưa làm được. Em ngại là anh muốn như vậy ở em nhưng em lại bị trói chân tay vào những tìm tòi của em giống như một cô bé hay trốn mình trong tấm nệm lông của nó.

Dù vậy, anh cứ viết cho em nhé! Hôn anh.

Sarah.

Ảnh trên: Nam kỳ - Người nghiện thuốc phiện đang chuẩn bị ống điếu
Ảnh dưới: Nam kỳ - Người nghiện đang hút


*

Sarah đã tái dựng mình, cô đi xa hơn về phương Tây, tự thấy càng sâu sắc thêm trong lòng mình, vững bước tiến lên trong việc tìm kiếm tinh thần và khoa học cho phép mình thoát ra khỏi tai họa của riêng mình. Còn tôi, tôi lại ưa ở yên trong căn phòng của mình ở Vienne, tìm cách thoát khỏi sự đau đớn về chứng mất ngủ, tật bệnh và con chó nhà Gruber. Tôi không có sự can đảm của cô ấy. Chiến tranh chưa bao giờ là thời gian tốt đẹp nhất cho hội đoàn của chúng tôi. Những nhà khảo cổ học đã trở thành những tay gián điệp, nhà ngôn ngữ học trở thành thợ làm vàng cho công việc tuyên truyền, những nhà dân tộc học lại là những tên giám thị khắc nghiệt. Sarah đã làm tốt bằng cách tự lưu đày trong những vùng đất đai kỳ bí và xa xôi, nơi người ta quan tâm mua bán hạt tiêu và những khái niệm triết học, thua kém rất nhiều so với những người cắt cổ và những công nhân làm ra súng đạn. “Từ phương đông đến Đông Phương” như lời Pessoa(4) đã nói. Tôi sẽ tìm được gì nào ở nước Trung Hoa xa xôi, ở vương quốc Xiêm la, trong những dân tộc hy sinh ở Việt Nam và ở Campuchia hoặc ở Philippines, những hòn đảo già nua bị người Tây Ban Nha xâm chiếm mà trên bản đồ đang do dự giữa bên này và bên kia của thế giới, nghiêng nghiêng về Thái Bình Dương bao la, cái rào cản cuối cùng khép lại biển Đông hoặc ở những vùng đảo Xamoa, điểm tận cùng phía tây của ngôn ngữ Đức hoặc càng về phía đông, đất đai thuộc địa yên bình của đế chế Bismarck mua lại của những người Tây Ban Nha những vùng chiếm đóng phía Nam bằng những vụn bánh cuối cùng. Người ta sẽ tìm được gì từ phương Đông đến Đông phương, nơi đó khép lại vành đai hành tinh ta đang sống, nơi đó có một số nhà dân tộc học đang run rẩy và những nhà cai trị các đất đai thuộc địa đang vã mồ hôi, đang ghi dấu nỗi chán chường trong rượu mạnh và sự hung bạo dưới con mắt đau buồn của những người bản địa, những cơ sở kinh doanh xuất khẩu và nhập khẩu, các ngân hàng offshore ở hải ngoại, hoặc những nhà du lịch, hoặc những người ham hiểu biết, những người thích âm nhạc, thích chuyện yêu đương, những cuộc gặp gỡ, những sự trao đổi. Dấu vết sau cùng của chính sách thực dân Đức còn lại ở đây là loại bia Tsingtao - cái tên đúng như dự kiến - ở thủ đô thuộc chi nhánh Kiautschou nằm vào vùng tây bắc nước Trung Hoa bí ẩn; cùng bán với hơn mấy vạn người Đức đang trên mảnh đất thuộc địa của Thiên triều trong vòng 99 năm do các đội quân Nhật trợ giúp bằng một đội ngũ người Anh quốc, kết thúc bằng việc tấn công vào mùa thu năm 1914, có thể được hấp dẫn bởi sự có mặt của nhà máy bia xây bằng gạch đến nay vẫn còn tiếp tục xuất khẩu hàng nghìn chai ra toàn thế giới, một cái vòng kim cô khóa chặt hơn như loại bia mang nguyên liệu thực dân và đến lượt nó, vào một thế kỷ sau lại chiếm cứ toàn bộ hành tinh tư bản. Tôi hình dung được các máy móc và những ông chủ đó đến từ nước Đức năm 1900 và cho lên bờ trong cái vịnh biển tuyệt đẹp này giữa Thượng Hải và Bắc Kinh mà những pháo hạm nhỏ mới giành được của triều đình Mãn Châu đang bị các cường quốc phương tây đè nặng hệt như một vết thương có đủ các loài sâu bám vào: những người Nga tự cho phép mình chiếm cảng Arthur, những người Pháp chiếm Fort Bayard, người Đức chiếm Tsingtao, đó là chưa kể đến các nhượng địa trong các thành phố Thiên Tân hoặc Thượng Hải. Ngay cả quốc gia nghèo Autriche - Hongrie cũng nhận được một mẩu đất ở Thiên Tân mà theo người ta nói, họ tức tốc xây ở đây những ngôi nhà có phong cách thành Vienne, một nhà thờ, một vài tòa nhà, các cửa hàng. Thiên Tân chỉ cách Bắc Kinh 60km đã trở thành cái điều giống như ta thấy trong cuộc Triển lãm Thuộc địa cũng có đủ các khu vực Anh, Pháp, Đức, Nga, Áo, Bỉ, cả Ý nữa. Kéo dài chỉ độ vài cây số nhưng người ta cảm thấy như đã đi qua khắp châu Âu cao ngạo và sặc mùi thực dân, thứ châu Âu này của bọn ăn cướp và nhà phiêu lưu đã cướp giật và thiêu cháy cung điện Mùa hè ở Bắc Kinh vào năm 1860, ra sức vây hãm các lâu đài có các khu vườn, đồ sành sứ, đồ trang trí bằng vàng, các vòi nước và những hàng cây trong khi binh lính Anh và Pháp cướp trọn những của cải sang giàu trong các cung điện hệt như bọn phong hủi thô tục trước khi châm lửa. Và người ta lại tìm thấy các loại đĩa thượng hạng Trung Hoa, các bình chậu bằng đồng ngay ở các chợ búa vùng Luân Đôn hay Ba Lê, tất cả đều là sản phẩm của nạn cướp bóc và bạo hành. Peter Fleming(5), anh của nhà sáng tạo James Bond(6), bạn của Elsa Maillart ở châu Á trong cuốn sách của mình đã kể lại về 55 ngày tàn bạo ở Bắc Kinh mà ở đó, các đoàn đại diện 11 quốc gia châu Âu đỡ đầu cho hội nghị các đoàn đại biểu của những Boxers(7) và quân đội Hoàng Gia. Peter Fleming kể lại lúc ấy, một nhà Đông Phương học khóc to lên, không ai dỗ được, khi ngọn lửa đốt cháy bản văn duy nhất và trọn bộ Yung Lo La Tiên(8), bộ bách khoa đồ sộ của nhà Minh sưu tập được vào thế kỷ 15 bao quát toàn bộ tri thức nhân loại, 11 ngàn tập sách, 2300 chương, hàng triệu hàng triệu Hán tự viết tay bị thiêu cháy trong khói lửa giữa tiếng phập phù của ngọn lửa trong thư viện Hoàng Gia mà điều bất hạnh là nó lại được xây dựng bên cạnh phái đoàn Anh Cát Lợi. Một nhà nghiên cứu Trung Hoa than khóc to lên, đó là một sinh linh hiếm có đầy lương tâm trước sự sôi sục chết chóc khi tập Bách Khoa đang tiêu tan; ông ta đang ở đó, giữa vòng nguy nan và cái chết của chính mình, ông bỗng trở nên dửng dưng, ông thấy tri thức nhân loại bị chảy vào ngọn lửa, di sản của bao nhà thông thái cổ bị tan biến, lòng đầy oán hận, ông cầu nguyện một vị thần nơi xa xôi nào đó làm cho ngọn lửa đốt cháy luôn cả những người Anh lẫn người Trung Hoa, ông ngây dại đi bởi nỗi đau và điều nhục, ông cam lòng nhìn những tàn lửa và những con bướm giấy đang sục cháy xâm hại cả đêm hè, những cặp mắt che làn khói với những giọt nước mắt điên dại mà người ta không được biết gì ráo vì sao có chuyện này. Chỉ có một chuyện duy nhất đã trở thành sáng tỏ mà Sarah đã nói, đó là sự chiến thắng người Trung Hoa của bọn người ngoại quốc đã gây nên trận tàn sát và cướp bóc trong sự bạo hành chưa từng nghe nói, chính cả những nhà giáo sĩ, hình như họ đang thích thú nhấm nháp xem cảnh máu chảy này và cả sự vui sướng được trả thù bên cạnh binh sĩ của các quốc gia đồng minh chiến thắng. Ngoài nhà Trung Hoa học xa lạ, hình như không một ai than vãn trước bộ bách khoa bị thiêu cháy. Rồi người ta sẽ xếp nó vào loại nạn nhân chiến tranh, những nạn nhân của sự xâm lược kinh tế và của chủ nghĩa đế quốc đối mặt với một đế chế ngoan cố kiên quyết chối bỏ không chịu bị để xen chia ra từng mảnh nhỏ.

Từ phương đông đến Đông Phương, người ta cũng không tránh được sự xâm lược hung bạo của châu Âu, những lái buôn của họ, binh lính của họ, những nhà Đông Phương học hoặc những giáo sĩ của họ - Những nhà Đông Phương học đều là những người tường thuật lại, còn những giáo sĩ là đề tài, ở đó các nhà thông thái học diễn dịch và thu thập các kiến thức nước ngoài, những tín đồ đang xuất khẩu đức tin của mình, họ học tập ngôn ngữ bản địa để các bộ kinh Phúc âm trở thành dễ hiểu. Những từ điển đầu tiên của xứ Bắc Kỳ, của Trung Hoa hoặc Khmer đều được các nhà truyền giáo soạn thảo, họ thuộc dòng Jésuite hoặc dòng Dominicain. Những nhà truyền giáo ấy đã góp phần cống hiến đắt giá của mình cho công cuộc truyền bá Đức tin - phải để dành cho họ một cuốn sách trong tập công trình lớn của tôi sau này.

Lê Trọng Sâm dịch từ nguyên bản  
(TCSH329/07-2016)

-------------
(1) Jules Boissière (1863 - 1897), đến Đông Dương từ năm 1886, làm việc trong chính quyền và  quân đội Pháp. Ở cả Hà Nội, Huế, Sài Gòn, nói tiếng Việt Nam, học tiếng Trung Hoa. Viết và in sách  “Người hút thuốc phiện” năm 1896, tái bản năm 1909, được xem là một kiệt tác, một tác phẩm về Đông  Dương được tán thưởng thời đó.  

(2) André Malraux (1901 - 1976) Cựu Bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp, Nhà văn chính trị gia đã sáng  tác nhiều tiểu thuyết hay: xem “Con đường nhà vua” (1950) và “Thân phận người đời” (1953).

(3) Albert de Pouvourville (1861 - 1939). Gia nhập quân đội, làm một binh sĩ bình thường, đến Bắc  Kỳ năm 1887. Đã hai lần trở lại Bắc Kỳ, ở Sơn Tây. Nhiều tác phẩm lớn về Đông Dương: “Bên kia bức  tường” (1890) sau này lấy tên “An Nam chảy máu”, “Bậc thầy những châm ngôn”(1909), nhiều tập thơ  về châu Á (1904 - 1912). Bạn của Jules Boissière. Tiểu thuyết “An Nam chảy máu” là một trong những  kiệt tác của văn chương theo phong thái châu Á.

(4) Fernando Pessoa (1888 - 1935), nhà thơ Bồ Đào Nha sau khi chết đã có ảnh hưởng rất lớn trong  thơ trữ tình của đất nước với nhiều tập thơ như những Tập thơ Alvaro de Campos, Alberto Caero.

(5) Peter Fleming, bác sĩ người Anh (1881 - 1955) đã tìm ra thuốc Penicillin vào năm 1928, được  giải thưởng Nobel về Y học năm 1945.

(6) James Bond (1908 - 1964) người Anh, nhân vật chính các tiểu thuyết trinh thám, bắt đầu sáng  tạo từ 1953, sau đó được phổ cập qua phim ảnh.

(7) Boxer (hoặc Boxers): thành viên của một tổ chức bí mật Trung Hoa từ 1895 đã dấy lên một  phong trào bài ngoại. Năm 1900, cầm đầu cuộc tàn sát các phái đoàn ngoại quốc ở Trung Hoa.

(8) Yung Lo La Tiên, bộ bách khoa Trung Quốc đời nhà Minh thế kỷ 15 chứa đầy kiến thức nhân  loại bị thiêu cháy trong 55 ngày tàn bạo ở Bắc Kinh năm 1860 cùng với cung điện Mùa hè bởi các đội  quân các nước tư bản châu Âu.  






 

Các bài mới
Những bàn tay (01/11/2024)
Bữa trưa (18/10/2024)
Sushi(1) (18/09/2024)
Con diệc trắng (22/08/2024)
Trở về (07/05/2024)
Các bài đã đăng
Trang sổ bị xé (13/05/2016)
Cơn giông (24/02/2016)
Tiểu đội D (24/08/2015)
Bóng hình xưa (21/04/2015)
Đừng khóc (13/04/2015)
Pháo thủ (05/02/2015)