Truyện dịch
Không có Amêrica
09:33 | 09/06/2017

Lời dẫn: Cách đây 475 năm, vào ngày 22 tháng 2, tại thành phố Xenvia đã qua đời một người Italia tên Amêrigô, một người đã từng giong buồm liền 7 năm trời trên những vịnh ở phía Bắc và Tây châu Nam Mỹ.

Không có Amêrica
Minh họa: Phạm Đại

Cách đây 480 năm, một người thợ vẽ bản đồ Đức tên là Vandêmuylơ đã phác ra một tấm bản đồ thế giới, trong đó ông đã gọi tên miền Nam của thế giới mới là Amêrica. Phải 31 năm sau cái tên này mới được các lái buôn dùng chính thức cho cả châu lục này.
Cách đây 495 năm, một người Italia tên là Côlumbus đã gặp những hòn đảo, mà cho đến khi chết ông ta vẫn đinh ninh rằng chúng thuộc vịnh Đông Ấn. Ông chưa hề đặt chân lên mảnh đất liền của châu lục mà ông đã tình cờ phát kiến ra này...



PETER BICHSEL
            (Đức)

Tôi đã được nghe câu chuyện sau đây từ miệng một người hay kể chuyện. Tôi đã nói đi nói lại rằng tôi không tin một chút nào ở câu chuyện của ông ta.

“Ông nói phét!”, tôi đã hét lên như vậy với ông ta, “Ông tưởng tượng, ông bịp bợm!...”

Ông bỏ ngoài tai mọi lời của tôi, và cứ thản nhiên kể chuyện tiếp.

Cho đến lúc tôi gào to: “Đồ bốc phét, đồ hoang tưởng, đồ bịp bợm!” - ông ta mới nhìn chằm chằm vào mặt tôi, lắc lắc đầu một cách buồn bã và nói khẽ vào tai tôi, khiến tôi cảm thấy xấu hổ: “Không có Amêrica đâu!”

Để an ủi, tôi hứa với ông ta là sẽ chép lại chuyện của ông: Chuyện xảy ra cách đây 500 năm, dưới triều một ông vua Tây Ban Nha. Cũng như mọi vương triều khác, vua cũng có một cung điện với rực rỡ những nhung lụa, vàng bạc, những mũ miện, đèn nến, những kẻ hầu người hạ cùng cung tần mỹ nữ... Trong cung cũng có những triều thần, tối tối lại ném găng xuống chân nhau đòi thách đấu, vì sáng hôm sau thì lăn xả vào nhau, bồi cho nhau những nhát gươm chí mạng. Rồi cũng có những lính gác trên chòi cao rúc tù và inh ỏi mỗi ngày. Những sứ giả hăm hở tung mình trên yên ngựa. Những bạn bè và những kẻ giả bạn bè của vua. Những phụ nữ đẹp xinh và nguy hiểm. Và rượu chảy tràn trề. Và thiên hạ đêm ngày xúm xít quanh cung điện, đó là những kẻ không biết làm gì ngoài việc tiêu tiền cho thỏa...

Cả vua cũng chẳng biết làm gì khác, ngoài việc ngày qua ngày cứ lặp đi lặp lại cuộc sống đó. Ngài chẳng cần biết thiên hạ sống ra sao, ồn ã huyên náo hay cực khổ bần hàn. Bởi vì ở Madrit, Bacxơlôna hay ở đâu đi nữa thì cuộc sống vẫn lặp đi lặp lại như vậy, khiến con người phát chán. Và người sống ở nơi khác thì cứ mơ tưởng rằng Bacxơlôna đẹp lắm, trong khi người ở Bacxơlôna lại chỉ mong được dời đi nơi khác...

Những thần dân khốn khổ tha hồ hình dung về cuộc sống sung sướng của đức vua, trong khi vẫn phải chịu đựng quan niệm của ngài, rằng với họ thì đói nghèo là đáng lắm...

Sáng sáng nhà vua cũng thức dậy, tối tối nhà vua cũng đi nằm. Suốt ngày ngài ngấy đến tận cổ bởi những chăm lo hầu hạ, bởi những bạc vàng nhung lụa, bởi những nến đèn. Giường của ngài vô cùng lộng lẫy, nhưng trên đó ngài còn biết làm gì khác ngoài việc ngủ?

Sáng sáng bọn hầu lại đến cúi rạp mình trước nhà vua, càng ngày chúng càng cúi thấp hơn, nhưng vua đã quá quen rồi, nên ngài cũng chẳng buồn nhìn. Kẻ dâng ngài chiếc dĩa, kẻ dâng ngài con dao, kẻ thì đẩy ghế hầu. Khi nói với vua, chúng luôn thưa: “Muôn tâu bệ hạ” và luôn dùng những lời vô cùng hoa mỹ, nhưng tất cả chỉ có thế.

Không ai dám nói với vua: “Mày là một thằng ngu”, và những lời họ nói với ngài hôm nay thì chính hôm qua họ đã dùng rồi.

Ngày tiếp ngày cứ thế...

Bởi vậy nhà vua phải có bọn hề. Chúng được phép làm những việc chúng muốn làm, được quyền nói những điều chúng thích nói, miễn là có thể khiến vua cười. Khi ngài không còn cười được với chúng, ngài sẽ hạ lệnh đem chúng đi giết hoặc đại loại như thế.

Rồi vua kiếm được một tên hề, tên này chuyên nói lái. Vua thấy rất khoái. Thay câu: “Muôn tâu bệ hạ”, gã nói: “Muôn hạ bệ tậu”, thay từ: “Hoàng cung”, gã nói: “Cùng hoang”, và thay cho: “Xin chào”, gã lại nói: “Chao xìn”.

Tôi cho đó chỉ là một trò ngớ ngẩn, nhưng nhà vua cứ thấy thích, ngài rất vui như thế suốt một nửa năm trời, cho đến tận ngày mồng bảy tháng bảy. Nhưng ngày mồng tám, khi ngài ngủ dậy thì tên hề đến chào: “Muôn hạ bệ tậu, chao xìn”, thì ngài thét: “Đem chém cổ thằng hề cho ta!”.

Một thằng hề khác, thằng Pêpê béo lùn thì chỉ làm vua vui được có bốn ngày. Thằng này đã gây cười cho vua bằng cách bôi mật ong lên ghế ngồi của tất cả các quan bà quan ông, đủ các tước công hầu bá tử... Ngày thứ tư gã bôi mật ong vào ghế của vua, lần này vua không cười và thế là Pêpê chẳng còn là thằng hề nữa.

Sau đó vua cho một thằng hề khủng khiếp nhất thế giới. Nó xấu xí, người mỏng dính nhưng lại to bè. Chân trái nó quặp lại hình chữ O. Không ai hiểu là nó biết nói nhưng cố tình không nói, hay nó câm thật. Ánh mắt của nó đến dữ tợn, bộ mặt của nó đến gớm ghiếc. Cái đáng yêu duy nhất ở nó chỉ là cái tên: Nó tên là Hanxơ bé bỏng.

Khủng khiếp nhất ở nó là cái cười. Thoạt tiên thì khe khẽ, khùng khục trong bụng, rồi cứ ùng ục ùng ục trào dần lên, khiến mặt nó đỏ nhừ. Cuối cùng thì tiếng cười bục vỡ, nó hét lên, nhảy nhót và cười tràn. Chỉ có đức vua là thích, còn mọi người thì tái mặt, kinh sợ đến phát run. Khi những người dân sống quanh cung nghe thấy tiếng cười, họ vội chốt kín tất cả cửa lớn cửa nhỏ, bế vội con cái vào giường và lấy sáp ong bịt tai chúng lại.

Như đã nói, tiếng cười của Hanxơ bé bỏng là cái khủng khiếp nhất mà nó có. Vua có thể nói bất cứ điều gì ngài muốn, và Hanxơ bé bỏng cười. Cho dù vua nói một điều chẳng khiến ai cười nổi thì Hanxơ bé bỏng vẫn cứ cười. Rồi đến một hôm vua bỗng bảo: “Hanxơ bé bỏng, ta sẽ treo cổ ngươi”, Hanxơ bé bỏng lại cười, cười rung lên hơn bất cứ bao giờ.

Vua quyết định ngày mai treo cổ Hanxơ bé bỏng. Ngài cho dựng giá treo cổ, và đây không phải là chuyện đùa: ngài còn muốn nghe Hanxơ bé bỏng cười trước giá treo cổ nữa. Ngài hạ lệnh cho dân chúng phải đến xem trò man rợ này. Nhưng dân khóa kín cửa nhà và trốn biệt hết, nên sáng đó chỉ có mặt vua, gã đao phủ, mấy tên hầu và Hanxơ bé bỏng thì cười suốt.

Vua quát bọn hầu: “Hãy đi lôi dân chúng đến đây!” Bọn hầu lục tìm khắp thành phố, nhưng chẳng kiếm được một ai. Vua tức điên người, còn Hanxơ bé bỏng càng cười to.

Cuối cùng bọn hầu bắt được một thằng bé con và lôi nó đến. Thằng bé gầy gò, xanh xao và sợ hãi. Vua chỉ lên giá treo cổ, bắt nó phải xem. Thằng bé nhìn lên chiếc giá rồi bật cười. Nó vỗ tay khoái trá và nói to:

“Ngài đúng thực là một ông vua, vì ngài đã làm chiếc ghế nhỏ kia cho lũ chim bồ câu. Ngài nhìn xem kia, hai con bồ câu đã đến đậu rồi.”

“Mày là thằng ngu”, vua nói, “tên mày là gì?”

“Tôi là thằng ngu, thưa đức vua, tên tôi là Côlômbô, nhưng mẹ tôi vẫn gọi là Côlômbin.”

“Thằng ngu”, vua nói tiếp, “ở đó sẽ treo cổ một người.”

“Người ấy tên là gì?”, Côlômbin hỏi. Khi nghe xong tên, nó nói: “ôi, Hanxơ bé bỏng, một cái tên đẹp biết bao. Sao người ta lại nỡ treo cổ một người có tên đẹp như thế?”

“Nhưng nó cười khủng khiếp lắm”, vua nói. Rồi ngài hạ lệnh cho Hanxơ bé bỏng cười, và Hanxơ bé bỏng lại cười, còn khủng khiếp gấp hai lần hôm qua.

Côlômbin ngạc nhiên: “Thưa đức vua, ngài thấy thế là khủng khiếp ư?” Vua còn chưa biết trả lời ra sao, thì Côlômbin lại tiếp: “Tuy tôi không thích tiếng cười này lắm, nhưng lũ chim bồ câu vẫn đậu trên giá kia kìa. Chúng không sợ, vì chúng không thấy tiếng cười là khủng khiếp. Bồ câu có tai nghe tuyệt vời. Phải thả Hanxơ bé bỏng thôi”.

Vua nghĩ một lát rồi nói: “Hanxơ bé bỏng, thôi thì quỷ tha ma bắt mày đi.”

Lần đầu tiên trong đời, Hanxơ bé bỏng nói một lời. Nó nói với Côlômbin: “Cảm ơn!”, và cười với một cái cười rất đẹp của con người rồi bỏ đi.

Từ bữa đó vua không còn thằng hề nào nữa.

“Hãy theo ta”, vua nói với Côlômbin.

Kẻ hầu người hạ, cung tần mỹ nữ và các hoàng thân quốc thích đều nghĩ Côlômbin là thằng hề mới. Nhưng Côlômbin đâu có vui tính. Nó cứ đứng trân trân, mắt trố nhìn, rất ít khi cất lời, còn cười to thì tuyệt đối không bao giờ. Nó chỉ mỉm cười, nhưng chẳng làm ai cười theo.

“Nó không phải là hề, nó là thằng ngu”, mọi người nói vậy. Côlômbin cũng nói: “Tôi không phải là hề, tôi là thằng ngu.”

Thiên hạ cười mũi nó.

Giá biết điều này, chắc chắn vua sẽ rất tức giận. Nhưng Côlômbin chẳng kể với vua một lời, vì biết rằng dù sao cũng không thoát bị thiên hạ cười nhạo.

Trong triều có đủ cả: người khỏe mạnh, kẻ yếu hèn. Vua thì vẫn là vua, các phu nhân vẫn đẹp mê hồn, các ông chồng vẫn quả cảm, các thầy tu vẫn ngoan đạo và các đầu bếp vẫn chăm chỉ. Riêng Côlômbin vẫn chẳng là cái quái gì hết.

Nếu có ai nói: “Ê, Côlômbin, lại đây đánh nhau với tao”, thì Côlômbin đáp: “Tôi yếu hơn ngài rồi”.

Nếu có ai nói: “Hai nhân bảy bằng bao nhiêu?”, thì Côlômbin đáp: “Tôi dốt hơn ngài.”

Nếu có ai lại hỏi: “Mày có tin là mày nhảy nổi qua cái rãnh này không?”, thì Côlômbin trả lời ngay: “Tôi không tin.”

Và khi vua hỏi: “Côlômbin, mày muốn trở thành gì?”, thì Côlômbin đáp: “Tôi chẳng muốn trở thành gì hết, tôi đã là và sẽ chỉ là Côlômbin”. Vua nói: “Nhưng mày vẫn phải trở thành một ai đó”, thế là Côlômbin hỏi lại: “Người ta có thể trở thành ai?”

Vua giải thích: “Có những người đàn ông có râu ria, mắt xạm nâu, đó là những thủy thủ. Họ muốn thành thủy thủ và họ đã trở thành thủy thủ. Họ giong buồm ngoài biển khơi và học tìm đất đai mới cho nhà vua của họ.”

“Thưa đức vua, nếu ngài muốn” Côlômbin nói, “tôi sẽ trở thành thủy thủ.” Cả triều đình đều cười rộ lên khi nghe thấy thế. Nhưng Côlômbin thì chạy đi luôn. Nó lao khỏi cung điện, miệng hét to: “Tôi sẽ tìm ra đất mới, tôi sẽ tìm ra đất mới...” Mọi người nhìn theo nó lắc đầu. Còn nó thì chạy khỏi lâu đài, lao qua thành phố, ra thẳng những cánh đồng. Nó hét to với những người nông dân đang đứng sững trên ruộng và ngạc nhiên nhìn theo nó: “Tôi sẽ tìm ra đất mới! Tôi sẽ tìm ra đất mới!”

Nó chạy vào rừng sâu và trốn biệt trong những bụi cây hàng mấy tuần lễ liền. Suốt mấy tuần đó, không ai nghe nói gì về Côlômbin hết. Vua đâm buồn và trở nên cáu bẳn. Các quan triều đều ngượng ngùng vì đã chót cười nhạo Côlômbin.

Nhưng rồi tất cả lại vui lên, vì sau mấy tuần lễ, trên chòi cao lại lảnh lói tiếng tù và, và Côlômbin bỗng từ những cánh đồng xa chạy về. Nó lao qua thành phố, băng khỏi cổng thành, tới thẳng trước mặt vua và tâu rằng: “Thưa đức vua, Côlômbin này đã tìm ra đất mới!”

Các quan triều không muốn cười nhạo Côlômbin nữa nên cố làm mặt nghiêm mà hỏi lại: “Đất ấy tên là gì? Nó nằm ở đâu?” “Nó chưa có tên, vì tôi mới tìm ra. Nó nằm xa tít ngoài biển khơi kia kìa!”, Côlômbin đáp.

Thế là một thủy thủ rậm râu đứng phắt ngay dậy nói: “Tốt lắm, Côlômbin, ta là Amêrigô Vespuxi, ta sẽ đi tìm đất ấy. Hãy nói cho ta hay, nó nằm ở đâu?”

“Ông cứ đi thẳng ra biển, và đi thẳng mãi cho đến khi tới đó. Miễn là ông không được phép nghi ngờ!”, Côlômbin đáp, nhưng nó rất sợ, vì biết rằng mình chỉ là một tên bịp, còn mảnh đất kia thì làm quái gì có... Nó lo lắng đến mất ăn mất ngủ.

Còn Amêrigô Vespuxi thì lập tức lên đường đi tìm.

Không ai biết ông ta đi đâu. Rất có thể ông ta cũng trốn biệt vào một rừng cây nào đó.

Nhưng rồi tù và lại rúc vang, và Amêrigô đã quay về.

Côlômbin đỏ chín mặt, không dám nhìn người thủy thủ. Còn Vespuxi thì ra mắt đức vua, nháy mắt nhìn Côlômbin, hít một hơi thật dài, lại nháy mắt nhìn Côlômbin một lần nữa, rồi nói thật to và rành rọt, khiến mọi người đều nghe rõ không sót một lời: “Thưa đức vua, đất ấy quả là có thật!”

Côlômbin sướng quá, vì thế là Vespuxi đã không hại mình. Nó lao ngay đến, ôm chầm lấy ông ta, miệng reo to: “Amêrigô, Amêrigô thân yêu của tôi!”

Còn thiên hạ thì cứ nghĩ rằng đó là tên của mảnh đất ấy. Và họ gọi luôn tên của mảnh đất không hề có ấy là “Amêrica”

“Bây giờ người đã xứng là một người đàn ông”, vua nói với Côlômbin, “từ nay tên người sẽ là Côlômbus.”

Vậy là Côlômbus trở nên nổi tiếng. Thiên hạ nhìn nó trầm trồ thán phục; “Người này đã phát kiến ra Amêrica”.

Ai cũng tin là có Amêrica, chỉ riêng Côlômbus là vẫn không dám chắc. Suốt đời nó cứ ôm mãi mối nghi hoặc ấy, nhưng không dám hỏi người thủy thủ kia về sự thật.

Rồi ngày càng nhiều người kéo nhau đi Amêrica, và khi về họ đều khẳng định: “Có Amêrica thật!”

“Còn riêng tôi”, người kể chuyện này cho tôi nói, “tôi chưa bao giờ tới Amêrica. Tôi không biết liệu có Amêrica thật không. Có thể mọi người chỉ nói vậy để cho Côlômbin khỏi thất vọng. Bởi vì cho đến tận ngày nay, nếu cứ hai người nào kể chuyện với nhau về Amêrica, thì họ đều luôn nháy mắt với nhau, và hầu như họ không hề nói Amêrica, mà chỉ nói mập mờ về "các xứ ấy", hoặc "bên ấy", hoặc "đại loại như thế.”

Có thể có những người muốn đi Amêrica, bằng tàu thủy hoặc máy bay, nhưng do được nghe kể về câu chuyện Côlômbin, nên đã trốn biệt đi đâu đó, rồi khi quay về cũng thao thao bất tuyệt về những gã cao bồi và những nhà cao chọc trời, về thác Niagara và sông Mixixipi, về Niuyooc và Săng Phrăngxixcô...

Bao giờ họ cũng chỉ kể đi kể lại những điều giống hệt nhau mà họ biết thừa từ trước khi đi. Rõ ràng đó là điều rất đáng nghi ngờ...

Và thiên hạ vẫn còn luôn tranh cãi với nhau rằng thực ra thì Côlômbus là ai. Nhưng tôi thì tôi biết thừa đi rồi!..."

NGUYỄN KHẮC KHOA dịch
(TCSH42/04&05-1990)




 

Các bài mới
Sushi(1) (18/09/2024)
Con diệc trắng (22/08/2024)
Trở về (07/05/2024)
Bóng tối (26/01/2024)
Tanoo (05/01/2024)
Cơn choáng (18/12/2023)
Các bài đã đăng
Boussole (La bàn) (03/08/2016)
Trang sổ bị xé (13/05/2016)
Cơn giông (24/02/2016)
Tiểu đội D (24/08/2015)
Bóng hình xưa (21/04/2015)