Truyện dịch
Sách Cát
09:43 | 05/10/2018

JORGE LUIS BORGES

Jorge Luis Borges (tên đầy đủ là Jorge Francisco Isidoro Luis Borges Acevedo) sinh ngày 24 tháng 8 năm 1899 tại Buenos Aires, Argentina.

Sách Cát
Nhà văn Jorge Luis Borges năm 1976 - Ảnh: wiki

Gia đình ông dời đến châu Âu năm 1914, rồi đến Tây Ban Nha năm 1918, ở đó Borges được tiếp xúc với nhiều nhà thơ trẻ thuộc phong trào tiên phong, đặc biệt là các nhà thơ thuộc nhóm cực đoan. Năm 1921 Borges trở lại Buenos Aires, được công nhận là một trong những nhà thơ hàng đầu thuộc phong trào tiên phong Argentina. Từ những năm ba mươi tuổi, ông ngày càng có khuynh hướng rời xa thơ ca để chuyển sang thể loại nghị luận và truyện ngắn. Sau khi xuất bản hai tập truyện, Ficciones và El Aleph, Borges nổi tiếng quốc tế. Năm 1961, ông cùng đoạt giải thưởng International des Editeurs với Samuel Beckett. Năm 1966 ông đoạt giải thưởng Văn chương Thường Niên của tổ chức Ingram Merrill Foundation do công đóng góp vượt mức cho văn chương. Năm 1971, ông đoạt giải thưởng “Jerusalem Prize”, năm năm trao một lần. Năm 1973, ông được giải thưởng văn hóa cao quý nhất của Mexico là “Premio International Alfonso Reyes”. Năm 1980, cùng với Gerado Diego nhận giải thưởng “Premio Cervantes” trao cho văn học tiếng Tây Ban Nha.
 

Borges được cho là nhà văn có sức ảnh hưởng nhất của châu Mỹ Latinh. Tập truyện ngắn tiếng Anh đầu tiên của ông là Labyrinths, tiếp theo là các tập khác gồm có Ficcions, The Aleph and Other Stories, A Personal Anthology, Dreamtigers, Dr.Brodie’s Report, và In Praise of Darkness. Ông còn có tập thơ Selected Poems.

Borges mất ngày 14 tháng 6 năm 1986 (thọ 86 tuổi).
  





 
 

Sách Cát
               “Sợi thừng cát của ngươi…” - George Herbert  

Đường vạch hình thành bởi vô số điểm, mặt phẳng hình thành bởi vô số đường, khối hình thành bởi vô số mặt phẳng, siêu khối hình thành bởi vô số khối… Không, thêm nhiều tính hình học hơn rõ ràng không phải là cách tốt nhất để bắt đầu truyện của tôi. Ngày nay yêu cầu truyện chân thật là quy định ngầm dành cho mỗi truyện được hình thành. Tuy nhiên truyện của tôi là thật.

Tôi sống một mình trong một căn hộ tầng bốn trên đường Belgrano, ở Buenos Aires(1). Xế một buổi chiều cách đây vài tháng, tôi nghe một tiếng gõ cửa. Tôi mở cửa và một người lạ đứng đó. Anh ta cao, không có đặc điểm gì đặc biệt - hay có thể vì tật cận thị của tôi mà trông ra như thế. Mặc vét xám và xách một cái vali màu xám, anh ta có vẻ nghèo. Tôi thấy ngay anh ta là người nước ngoài. Trước tiên, anh ta gây ra cho tôi cảm giác anh ta già, sau đó tôi mới nhận ra rằng tôi đã nhầm vì mái tóc vàng nhạt gần như trắng lưa thưa của anh, theo kiểu của người Scandinavia(2). Trong thời gian nói chuyện của chúng tôi, không hơn một giờ, tôi biết anh người ở Orkneys(3).

Tôi mời anh ta vào, chỉ một cái ghế. Anh ta im lặng một chút trước khi nói. Một vẻ buồn buồn toát ra từ anh - như bây giờ toát ra từ tôi.

“Tôi bán Kinh Thánh”, anh ta nói.

Làm ra vẻ thông thái, tôi đáp, “Trong nhà này có nhiều sách Kinh Thánh tiếng Anh, kể cả bản đầu tiên của John Wiclif. Tôi cũng có bản của Cipriano de Valera, Luther - những bản theo quan điểm văn chương, là tệ nhất - và một bản Latinh của Vulgate. Anh thấy đấy, Kinh Thánh thật không đúng là nhu cầu của tôi”.

Sau một chút im lặng, anh ta nói, “Tôi không chỉ bán Kinh Thánh. Tôi có thể đưa ông xem một quyển sách thiêng tôi tình cờ mua được ở ngọai vi thành phố Bikaner(4). Nó có thể làm ông quan tâm”.

Anh ta mở vali và đặt cuốn sách lên bàn. Đó là một cuốn sách in khổ tám, bọc trong vải. Rõ ràng là nó đã được chuyền qua nhiều tay. Xem xét cuốn sách, tôi ngạc nhiên vì sức nặng khác thường của nó. Ở gáy sách là dòng chữ “Holy Writ - Kinh Thánh” và, phía dưới dòng chữ, “Bombay”(5).

“Có thể thuộc thế kỷ mười chín”, tôi nhận xét.

“Tôi không biết”, anh ta nói, “Tôi không tìm hiểu”.

Minh họa: Nhím


Tôi mở cuốn sách một cách ngẫu nhiên. Bản sách đối với tôi là lạ. Các trang, đã sờn và chất lượng in thì kém, được trình bày hai cột, như trong một cuốn Kinh Thánh. Nội dung được in sát nhau, và được đặt thành những bài thơ ngắn. Ở hai góc trên của các trang sách đánh số A rập. Tôi thấy một trang ở phía tay trái mang số (ví dụ) 40.514 và ở trang phải số trang 999. Tôi lật trang, nó được đánh dãy số 8 con. Nó cũng có một minh họa nhỏ, như minh họa trong các cuốn tự điển - một mỏ neo được vẽ bằng bút mực, như thể do một bàn tay học trò vụng về.

Đúng lúc này chàng trai lạ nói, “Hãy nhìn kỹ minh họa. Ông sẽ không bao giờ thấy lại nó nữa”.

Tôi lưu ý chỗ đó và gấp sách lại. Rồi ngay lập tức tôi lại mở ra. Lần lượt lật trang này sang trang khác, tôi tìm minh họa hình mỏ neo, nhưng vô ích. “Có vẻ nó là một bản Kinh Thánh bằng tiếng Ấn Độ, đúng không?” Tôi nói để giấu sự mất hết can đảm của mình.

“Không”, anh ta đáp. Rồi, như thể giải bày một bí mật, anh ta hạ thấp giọng. “Tôi đổi được cuốn sách bằng một ít tiền rupi và cuốn Kinh Thánh tiếng Anh. Chủ cuốn sách này không biết cách đọc nó. Tôi ngờ rằng ông ta cho cuốn Sách của các Sách này là một thứ bùa chú. Ông ta thuộc tầng lớp hạ đẳng, những người thuộc tầng lớp không thể đụng đến không ai giẫm lên bóng của ông ta mà không cảm thấy bị ô uế. Ông ta bảo tôi quyển sách của ông là Sách Cát, bởi vì cả sách và cát đều không có bắt đầu và kết thúc.

Chàng trai lạ bảo tôi mở trang đầu tiên.

Tôi để bàn tay trái của tôi lên bìa sách và, để ngón cái của tôi lên trang sách đầu tiên, tôi mở quyển sách. Hành động đó vô ích. Mỗi lần tôi mở sách, một số trang sách xuất hiện giữa bìa sách và ngón cái của tôi. Cứ như thể chúng sinh ra từ cuốn sách.

“Bây giờ hãy tìm trang cuối cùng”.

Lại một lần nữa tôi thất bại. Bằng một giọng không phải của tôi, tôi không thể tránh khỏi lắp bắp, “Không thể như vậy được”.

Vẫn bằng một giọng trầm, chàng trai lạ nói, “Không thể như vậy được, nhưng đúng là vậy. Số của các trang trong sách này là vô hạn. Không có trang nào là trang đầu tiên, cũng không có trang cuối cùng. Tôi không biết tại sao chúng được đánh số theo cách tùy tiện này. Có lẽ để thể hiện rằng những số hạng trong một chuỗi số vô hạn thì bất kỳ con số nào cũng được chấp nhận”.

Thế rồi, như thể anh ta đang nghĩ rành rẽ, anh ta nói, “Nếu không gian là vô hạn, chúng ta có thể ở bất kỳ điểm nào trong không gian. Nếu thời gian là vô hạn, chúng ta có thể ở bất kỳ điểm nào trong thời gian”.

Quan điểm của anh ta làm tôi khó chịu. “Anh nhiều đức tin, đúng không?” Tôi hỏi.

“Phải, tôi là tín đồ của Giáo hội Trưởng lão. Lương tâm của tôi trong sạch. Tôi không lừa người bản xứ đó khi tôi đưa cho ông ta cuốn Lời của Thượng đế đổi lấy cuốn tà thư ”.

Tôi đảm bảo với anh ta rằng anh ta không có gì để tự trách cứ, và tôi hỏi anh ta có định đi hết đất nước này không. Anh ta đáp rằng anh định về quê trong vài ngày nữa. Khi ấy tôi biết rằng anh ta là một người Scotland quê ở Orkney. Tôi nói với anh ta rằng tôi có tình cảm sâu đậm với Scotland, thông qua tình yêu của tôi dành cho Stevensons và Hume.

“Ông muốn nói là Stevensons và Robbie Burns”, anh ta sửa lại.

Trong khi chúng tôi nói chuyện, tôi tiếp tục khám phá cuốn sách vô tận. Giả vờ không có gì xao động, tôi hỏi, “Anh có định chào cuốn sách kỳ lạ này cho Bảo tàng Anh hay không?”

“Không. Tôi chào nó với ông”, anh ta nói, và anh ta định ra một giá cao cho cuốn sách.

Tôi trả lời, với tất cả chân thành, rằng một cái giá như thế là ngoài tầm với của tôi, và tôi bắt đầu suy nghĩ. Sau vài phút, tôi nghĩ ra cách.

“Tôi đề nghị trao đổi”, tôi nói. “Anh có cuốn sách này với một số tiền rupi và một cuốn Kinh Thánh. Tôi sẽ đưa anh khoản lương hưu của tôi, mà tôi vừa nhận về, và bản Kinh Thánh Wiclif chữ Gô tích của tôi. Tôi thừa hưởng cuốn này từ tổ tiên đấy”.

“Một bản Wiclif chữ đen!”, anh ta thì thầm.

Tôi đi vào phòng ngủ mang tiền và cuốn sách ra cho anh ta. Anh ta lật các trang sách và xem tiêu đề trang với vẻ say sưa của một người mê sách thật sự.

“Đồng ý như vậy”, anh ta nói.

Tôi ngạc nhiên vì anh ta không mặc cả gì. Chỉ sau này tôi mới nhận ra rằng anh ta vào nhà tôi với ý định bán đi cuốn sách đó. Anh ta không đếm tiền, chỉ cất vào túi.

Chúng tôi trò chuyện về Ấn Độ, về Orkney, về những nhà quý tộc Na Uy từng cai trị nó. Trời đã tối khi anh ta rời đi. Tôi không gặp lại anh ta nữa, mà cũng không biết tên anh ta.

Tôi định để cuốn Sách Cát vào phía trái trên giá sách thay cho quyển Wiclif, nhưng sau đó tôi quyết định giấu nó vào phía sau các tập truyện “Một ngàn lẻ một đêm”. Tôi vào giường nhưng không ngủ được. Tầm ba hay bốn giờ sáng, tôi mở đèn lên. Tôi lấy cuốn sách lạ thường xuống và lật qua các trang của nó. Trên một trang sách, tôi thấy chạm một cái mặt nạ. Góc trên của cuốn sách có một con số, mà nay tôi không còn nhớ nổi, lên đến lũy thừa chín.

Tôi không cho ai thấy vật quý của mình. Cùng với sự may mắn có được nó là nỗi sợ hãi bị mất nó, rồi là nỗi âu lo cuốn sách có thể không thực sự là vô hạn. Hai mối ưu tư này làm gia tăng tư tưởng yếm thế cố cựu của tôi. Tôi chỉ còn một vài người bạn, bây giờ tôi cũng không muốn gặp họ nữa. Là tù nhân của cuốn sách, bây giờ tôi không còn đi đâu. Sau khi nghiên cứu gáy sách và bìa đã sờn của nó bằng một cái kính lúp, tôi loại bỏ khả năng đó là sản phẩm giả của bất kỳ thủ đoạn nào. Những hình minh họa nhỏ được tôi thẩm tra lại, qua hai ngàn trang riêng biệt. Tôi liệt kê chúng theo vần chữ cái trong một cuốn sổ, mà không lâu sau tôi đã ghi đầy. Không có một minh họa nào lập lại hai lần. Ban đêm, trong những cơn chợp mắt chập chờn vì chứng mất ngủ, tôi mơ thấy quyển sách.

Mùa hè đến rồi đi, tôi nhận ra quyển sách là quái dị. Điều tốt nào đã làm tôi nghĩ rằng tôi, người nhìn vào tập sách bằng mắt mình, người cầm nó trong tay mình, ít quái dị hơn? Tôi cảm thấy quyển sách là một cơn ác mộng, một vật ghê rợn tự nó sỉ nhục và làm ô uế hiện thực.

Tôi nghĩ đến lửa, nhưng tôi sợ rằng việc đốt một quyển sách vô hạn có thể cũng vô hạn và làm hành tinh này chết ngạt vì khói. Tôi nhớ đã đọc ở đâu đó rằng nơi tốt nhất để giấu một chiếc lá là ở trong rừng. Trước khi về hưu, tôi làm việc ở đường Mexico, tại thư viện quốc gia Argentine, chỗ chứa chín trăm ngàn quyển sách. Tôi biết ở bên phải lối vào có một cầu thang lượn dẫn xuống tầng hầm, ở đó sách, bản đồ và tạp chí định kỳ được lưu giữ. Một hôm tôi đến đó, tránh được nhân viên quản lý, tôi giấu quyển Sách Cát vào một trong các giá sách ẩm mốc ở tầng hầm, cố không lưu ý đến chỗ đó cách cửa bao xa và bao cao.

Võ Hoàng Minh dịch
(Từ “The book of sand”)
Nguồn: http://www.geocities.com/tidbits4you/BookOfSand.html
(TCSH355/09-2018)


-------------------
Chú thích của người dịch:


(1) Buenos Aires: Thủ đô của nước Argentina.  
(2)
Scandinavia: Vùng Scandinavia ở Bắc Âu, gồm các nước: Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển và  hàng ngàn đảo nhỏ. Đôi khi Phần Lan cũng được cho thuộc về vùng này.
(3) Orkneys: Một địa danh thuộc Scotland (Tô cách lan).  
(4)
Bikaner: Thành phố vùng tây bắc bang Rajasthan, Ấn Độ.  
(5)
Bombay: Thành phố thuộc Ấn Độ, từ 1995 đổi tên là Mumbai.   





 

 

Các bài mới
Máy lạnh (02/12/2024)
Những bàn tay (01/11/2024)
Bữa trưa (18/10/2024)
Sushi(1) (18/09/2024)
Con diệc trắng (22/08/2024)
Trở về (07/05/2024)
Các bài đã đăng
Kẻ dối trá (14/05/2018)
Không có Amêrica (09/06/2017)
Boussole (La bàn) (03/08/2016)
Trang sổ bị xé (13/05/2016)