L. TOLSTOY
Chúng ta biết rằng chúng ta từ cõi chết bước qua cõi sống bởi chúng ta yêu thương anh em: kẻ không yêu thương anh em thì ở lại trong cõi chết. (Phúc Âm theo Joan 1, III, 14). |
L. TOLSTOY
I
Có một người thợ giày sống cùng vợ con trong căn hộ của một nông dân. Ông ta không có nhà, không có đất đai, và nuôi bản thân cùng gia đình bằng công việc đóng giày. Bánh mì thì đắt đỏ, mà công thì rẻ mạt, làm được bao nhiêu ăn hết bấy nhiêu. Ông thợ giày và vợ chỉ có một cái áo khoác lông, mặc đã sờn rách, và ông dành dụm tiền để mua một chiếc áo lông cừu mới đã hai năm nay.
Đến mùa thu thì người thợ giày gom đủ tiền: ba rúp tiền giấy bà vợ cất trong rương, còn thêm năm rúp hai mươi kopeck nữa còn ở chỗ các nông dân trong làng.
Một buổi sáng người thợ giày vào làng để mua áo lông. Ông mặc cái áo vải lót bông của bà vợ ra ngoài áo lót, khoác thêm cái áo kaftan, bỏ đồng ba rúp vào túi áo, bẻ cây gậy chống đi đường và ra đi sau bữa sáng. Ông nghĩ: “Mình sẽ lấy năm rúp chỗ mấy người nông dân, bỏ thêm ba rúp của mình vào nữa và mua một cái áo khoác lông cừu”.
Người thợ giày tới làng, ghé vào nhà một người nông dân, anh ta không có nhà, chị vợ hứa trong tuần sẽ sai chồng mình mang tiền đến, chứ không đích thân trả tiền. Ông ghé người thứ hai, anh ta thề có Chúa là đang không có tiền, chỉ trả được hai mươi kopeck tiền sửa giày. Người thợ giày tính mua chịu lông cừu, nhưng người bán lông cừu không tin tưởng cho mua chịu.
- Mang tiền tới đi, - ông ta nói - rồi muốn lấy gì thì lấy, còn mua chịu thì chúng tôi biết lấy lại tiền nợ như thế nào.
Thế là người thợ giày chẳng làm được gì ngoài việc nhận hai mươi kopeck tiền sửa giày và cầm một đôi ủng cũ của một nông dân về để lấy da.
Người thợ giày chán nản, tiêu hết hai mươi kopeck vào rượu vodka và trở về nhà không có cái áo khoác lông nào. Từ sáng ông đã thấy lạnh, nhưng uống rượu vào thì thấy ấm lên dù không có áo lông. Người thợ giày đi trên đường, một tay cầm gậy gõ lên mặt đất băng giá, tay kia vung vẩy đôi ủng cũ, tự nói với mình:
- Mình chẳng cần áo lông cũng ấm. Chỉ cần uống tí rượu, khắp huyết quản sẽ nóng rần rật. Chả cần áo lông nữa. Cứ đi và quên hết muộn phiền. Mình là người thế đấy! Thì sao nào? Không có áo lông mình vẫn sống được. Cả đời mình chẳng cần đến nó. Chỉ có điều bà nhà mình sẽ buồn. Tức thật chứ, mình làm cho hắn, mà hắn lại phỉnh mình. Đợi đấy, anh không mang tiền ra đây tôi sẽ lột da anh. Rồi cái gì thế này? Hắn đưa có hai mươi kopeck thì làm được cái gì? Chỉ có uống rượu thôi. Hắn bảo là khó khăn quá. Anh khó thế tôi không khó à? Anh có nhà, có gia súc, có tất cả, còn tôi chỉ có chừng này; anh có bánh mì của mình, còn tôi thì phải mua. Lấy ở đâu không biết, nhưng đưa ba rúp mua bánh mì cho cả tuần đây. Tôi về nhà, bánh mì hết là lại phải mất rúp rưỡi. Cho nên trả lại tiền tôi đây.
Người thợ giày cứ thế đi tới gần một ngôi nhà thờ nhỏ nằm ở chỗ đường rẽ, và trông thấy ngay sau nhà thờ một cái gì đó trăng trắng. Trời đã chạng vạng tối, người thợ giày nhìn chăm chú nhưng không nhận ra đó là cái gì. “Ở chỗ này làm gì có hòn đá nào như thế. - Ông nghĩ - Hay là con gì? Nhưng cũng không giống con gì. Nhìn phía đầu thì giống như một người, nhưng sao lại trắng thế kia. Mà nếu là người thì tại sao lại ở đây?”
Ông tiến lại gần hơn và nhìn thấy rõ ràng. Kỳ lạ làm sao, đúng là một người, không biết còn sống hay chết rồi, trần truồng ngồi bất động tựa vào nhà thờ. Ông thợ giày cảm thấy sợ, nghĩ: “Ai đó giết người, lột áo quần rồi vứt xác ở đây. Mình mà lại gần hẳn sau này sẽ gặp rắc rối”.
Ông thợ giày bỏ đi, lúc đi ngang hông nhà thờ thì không trông thấy người đó nữa. Nhưng đi qua khỏi nhà thờ, ông quay nhìn lại thì thấy người đó nghiêng ra khỏi nhà thờ, đụng đậy, chừng như ngó theo. Người thợ giày càng bối rối: “Có nên lại gần đó không hay là bỏ đi? Nếu lại gần lỡ có chuyện gì xấu xảy ra, ai biết được anh ta là ai? Anh ta ở đây chẳng phải vì chuyện tử tế gì. Nếu mình lại gần, anh ta nhảy ra bóp cổ thì mình không thoát được. Còn nếu không bóp cổ thì lại phải chăm lo cho anh ta. Biết làm gì với anh ta, với kẻ trần truồng này? Không thể lấy cái áo cuối cùng của mình cho anh ta được. Cứ để Chúa mang cho anh ta!”
Và người thợ giày bước tiếp. Đã đi qua ngôi nhà thờ, lương tâm ông cắn rứt.
Người thợ giày dừng lại giữa đường.
- Mày làm sao vậy hả Semion? - ông tự nói với mình - Người ta đang lâm nạn sắp chết, mà mày lại sợ hãi, bỏ qua người ta. Mày đã giàu có rồi sao? Sợ bị cướp mất tài sản sao? Ái chà Semion, không được đâu!
Semion quay lại và tiến tới chỗ người kia.
II
Semion đến gần người đàn ông, xem xét anh ta và thấy anh ta còn trẻ, khỏe, trên người không có dấu vết bị đánh, chỉ lạnh cóng và sợ hãi, ngồi cúi gục không nhìn Semion, dường như đã yếu lả, không ngước mắt lên nổi. Semion đến sát tận nơi, người đàn ông bỗng như sực tỉnh, quay đầu, mở mắt và nhìn Semion. Ánh nhìn khiến Semion cảm mến anh ta. Ông vứt đôi ủng xuống đất, tháo dây lưng đặt nó lên đôi ủng, cởi áo kaftan ra.
- Để nói chuyện sau - ông nói - Nào mặc vào đi!
Semion nắm khuỷu tay anh ta kéo lên. Người đàn ông đứng dậy, và Semion nhìn thấy một thân hình mảnh mai, sạch sẽ, tay chân không bị gãy và khuôn mặt dịu dàng. Semion choàng cái áo kaftan lên vai anh ta, nhưng anh ta không tìm ra tay áo. Semion giúp anh ta xỏ tay vào áo, vuốt thẳng và buộc chặt thắt lưng.
Semion đã tháo cả cái mũ trùm đã rách của mình định đội cho người đàn ông kia, nhưng thấy đầu lạnh quá nên nghĩ: “Mình thì hói cả đầu, còn anh ta tóc quăn dài phủ thái dương”. Bèn đội trở lại đầu mình. “Tốt hơn là cho anh ta đi ủng”.
Ông để người đàn ông ngồi xuống và đi đôi ủng cho anh ta.
Semion cho anh ta mặc xong rồi bảo:
- Nào vận động cho ấm lên đi người anh em. Mọi chuyện khác cứ để đó đã. Anh có bước đi được không?
Người đàn ông dịu dàng đứng nhìn Semion, nhưng không nói được gì cả.
- Sao anh không nói gì vậy? Không thể qua mùa đông ở đây được. Phải đi về nhà. Này đây là gậy của tôi, anh dựa vào nó nếu thấy người yếu quá. Vận động lên nào!
Thế là người đàn ông bước đi. Đi nhẹ nhàng, không bị tụt lại sau.
Họ đi trên đường, và Semion nói:
- Anh là người nhà ai?
- Tôi không phải người ở đây.
- Người ở đây thì tôi đã biết rồi. Nhưng sao lại đến chỗ nhà thờ này?
- Tôi không nói được?
- Chắc là bị người ta làm hại hả?
- Không ai làm hại tôi cả. Tôi bị Chúa phạt.
- Rõ là do Chúa rồi, nhưng cũng phải kiếm chỗ nào tá túc chứ. Anh muốn đi đâu?
- Tôi đi đâu cũng được.
Semion ngạc nhiên. Anh ta không giống kẻ càn quấy và nói năng nhẹ nhàng, nhưng không kể gì về bản thân cả. Semion nghĩ: “Thiếu gì những chuyện như vậy” - và nói với người kia:
- Thôi thì đi về nhà tôi, ít ra cũng có đôi chút gì đó.
Thế là Semion đi tiếp, người lạ đi bên cạnh, không tụt lại sau. Gió nổi lên, luồn vào dưới áo Semion khiến ông lảo đảo và rét run. Ông vừa đi vừa sỉ mũi, quấn chặt quanh mình cái áo của bà vợ và thầm nghĩ: “Đấy áo khoác lông đấy, đi mua áo lông, mà về lại chẳng còn lấy cái áo kaftan, lại còn dẫn theo cái gã trần trùng trục này nữa. Bà Matriona nhà mình chắc chẳng khen gì ta đâu!” Vừa nghĩ đến Matriona, Semion liền cảm thấy buồn nản vô cùng, Nhưng nhìn sang người lạ, nhớ ánh mắt anh ta nhìn mình lúc ở sau nhà thờ, thì tim ông lại rộn ràng lên.
III
Vợ Semion dọn dẹp sớm. Bà đã chẻ củi, lấy nước, cho bọn trẻ con ăn và bản thân cũng đã lót dạ, bèn ngồi nghĩ ngợi; bà nghĩ ngợi xem nên ủ bột bánh mì lúc nào: bây giờ hay là sáng mai? Vẫn còn thừa một miếng bánh lớn.
“Nếu như Semion đã ăn trưa ở đó và tối không ăn nữa, thì chỗ bánh này đủ cho sáng mai”.
Matriona lật đi lật lại miếng bánh, ngẫm nghĩ: “Mình sẽ không làm bánh bây giờ. Bột chỉ còn đủ cho một cái bánh. Còn phải kéo được đến thứ sáu”.
Matriona dọn bánh đi và ngồi xuống bàn vá cái áo lót của chồng. Bà khâu và nghĩ về chồng mình, rằng ông sẽ mua được cái áo khoác lông cừu.
“Miễn là lão bán lông cừu không lừa ông ấy. Ông nhà mình quá thật thà, chẳng lừa dối ai, nhưng trẻ con thì cũng lừa được ông ấy. Tám rúp không phải là ít. Có thể chọn được cái áo lông tốt. Dẫu không phải là áo da thuộc thì vẫn là áo khoác lông. Cả mùa đông năm ngoái đã chẳng có áo lông. Chẳng ra ngoài sông được, cũng chẳng đi đâu được. Nếu ông ấy đi khỏi nhà thì lại lấy tất cả áo mặc lên người, còn mình chẳng còn gì để mặc. Sáng nay ông ấy đi muộn, nhưng cũng đã đến lúc phải về rồi chứ. Hay lại bù khú ở đâu rồi chăng?
Matriona vừa nghĩ tới đó thì nghe tiếng bậc tam cấp ngoài hiên kêu cót két, ai đó bước vào. Matriona bỏ kim chỉ đi ra phòng ngoài. Bà nhìn thấy hai người bước vào: Semion và một người đàn ông nào đó không đội mũ, chân đi ủng.
Matriona lập tức ngửi thấy mùi rượu nơi ông chồng. Bà nghĩ: “Đấy, đúng là lại bù khú rồi”. Nhìn thấy ông không áo kaftan bên ngoài, mặc độc cái áo khoác ngắn của bà và không mang gì về, lại lặng lẽ, co ro, trái tim Matriona như ngừng đập. “Nốc hết sạch cả tiền rồi, rong chơi cùng với một thằng phóng đãng, lại còn mang hắn về nhà nữa chứ”.
Matriona cho họ vào nhà, rồi cũng vào, nhìn thấy người đàn ông lạ, trẻ trung, gầy gò, mặc cái áo kaftan của nhà bà. Không thấy có áo lót dưới áo khoác, không đội mũ. Vừa vào trong nhà, anh ta đứng như trời trồng và mắt không ngước lên. Matriona nghĩ: chắc người chẳng tử tế, nên mới sợ hãi.
Matriona cau mày, lại chỗ bếp lò và nhìn xem họ làm gì.
Semion bỏ mũ, ngồi xuống chiếc ghế dài, làm như mọi chuyện vẫn bình thường.
- Nào bà Matriona - ông nói - dọn ăn đi chứ nhỉ!
Matriona lầu bầu gì đó dưới mũi. Bà đứng yên bên bếp lò, hết nhìn người này đến người kia và lắc đầu. Semion thấy vợ không vui, nhưng chẳng biết làm gì: giả vờ không để ý, ông quay sang nắm tay người lạ.
- Ngồi xuống đi người anh em, chúng ta sẽ ăn tối.
Người đàn ông lạ ngồi xuống ghế.
- Sao vậy, bà không nấu gì à?
Matriona nổi khùng.
- Nấu rồi, nhưng không phải cho ông. Tôi thấy ông đã nốc mất cả trí khôn rồi. Đi mua áo lông, mà về thì không còn áo khoác, lại còn dẫn theo thằng lang thang trần trùng trục nào đó nữa. Không có bữa tối nào cho lũ say rượu các người cả.
- Matriona, đừng nói năng bậy bạ! Trước hết bà hãy hỏi người ta là ai đã…
- Ông nói đi, thế tiền đâu rồi?
Semion thò tay vào túi rút tờ ba rúp xòe ra.
- Tiền đây, còn nhà Trifonov chưa đưa, mai mới đem tới.
Matriona càng giận dữ hơn: áo lông thì không mua, cái áo kaftan cuối cùng thì cho thằng ở trần nào đó mặc, lại còn dẫn hắn về nhà.
Bà chộp lấy tờ tiền, giấu đi và nói:
- Không có bữa tối nào cả. Tôi không cho những thằng say không mảnh vải che thân ăn uống gì cả.
- Này bà Matriona, giữ mồm giữ miệng chứ. Trước tiên nghe người ta nói cái đã…
- Có điên mới nghe thằng ngốc say rượu. Chẳng phải vô cớ mà tôi không muốn lấy một gã rượu chè như ông làm chồng. Mẹ tôi cho tấm vải ông bán uống mất, đi mua áo lông cũng uống hết mất.
Semion muốn giải thích cho vợ rằng ông chỉ uống hết có hai mươi kopeck thôi, muốn kể ông tìm thấy người đàn ông này ở đâu, nhưng Matriona không cho ông mở lời: bà nói liên tục, cái gì từ đâu ra, chuyện gì từ mười năm trước cũng lôi ra hết.
Matriona cứ nói, nói, chồm tới bên Semion túm lấy tay áo.
- Trả lại cái áo khoác của tôi đây. Tôi chỉ còn lại mỗi cái áo này, ông cũng cướp lấy mặc. Trả lại đây, đồ chó ghẻ, cầu cho ông bị quỷ giết chết đi.
Semion cởi chiếc áo khoác ngắn ra khỏi người, lộn tay áo ra ngoài. Bà vợ giật lấy nó đến toạc cả chỉ may. Bà giật lấy cả chiếc áo kaftan, trùm nó lên đầu rồi đi ra phía cửa. Bà muốn bỏ đi, nhưng lại dừng lại: lòng bối rối, bà muốn ghìm cơn giận lại, muốn biết người kia là ai.
IV
Matriona dừng lại và nói:
- Nếu là người tử tế thì đã không phải trần trụi như thế, còn đây trên người anh ta đến áo lót cũng không có. Nếu như làm việc tử tế thì ông đã nói mình lôi anh chàng này từ đâu ra.
- Thì tôi đang kể với bà đây: tôi đang đi thì thấy anh ta ngồi chỗ nhà thờ chẳng quần chẳng áo, rét cóng. Nào phải đang mùa hè mà trần trụi như thế. Là Chúa gửi tôi đến chỗ anh ta, chứ nếu không anh đã chết cóng rồi. Biết làm sao giờ? Hiếm chi những chuyện như thế! Nên tôi đỡ anh ta dậy, mặc áo cho rồi dẫn về đây. Bớt giận đi, phải tội đấy Matriona. Chúng ta rồi đều sẽ phải chết mà.
Matriona lại muốn quát lên, nhưng nhìn sang người lạ và im lặng. Người lạ ngồi không đụng đậy ở tận mép chiếc ghế dài. Đôi tay anh ta đặt lên gối, đầu cúi gục xuống ngực, mắt không mở và mặt nhăn lại như có gì đau đớn lắm. Matriona im lặng. Semion lại nói:
- Matriona, Chúa có đang ở trong bà không đấy?
Nghe thấy từ đó, Matriona liếc nhìn người lạ, và bỗng nhiên thấy lòng dịu lại. Bà rời khung cửa, lại gần góc lò lấy bữa tối ra. Bà đặt cái tách lên bàn, rót nước kvas, bày ra miếng bánh mì cuối cùng, đưa dao và thìa.
- Nào ăn đi - bà nói.
Semion đẩy người lạ:
- Nào ngồi lại đây, anh bạn trẻ.
Semion cắt bánh mì, vương những mẩu vụn bánh, và họ bắt đầu ăn tối. Còn Matriona ngồi bên mép bàn, chống tay lên cằm và nhìn ngắm người lạ.
Matriona cảm thấy thương xót, và thấy yêu con người xa lạ này. Bỗng nhiên người lạ vui vẻ hẳn lên, ngừng nhăn nhó, ngước mắt nhìn Matriona và mỉm cười.
Họ ăn tối xong, bà vợ thu dọn và hỏi người lạ:
- Anh là người nhà ai?
- Tôi không phải người ở đây.
- Thế nghĩa là lạc đường đến đây à?
- Tôi không nói được.
- Thế ai ăn cướp của anh?
- Chúa trừng phạt tôi.
- Thế là nằm trần truồng thế à?
- Vâng nằm trần truồng thế, và rét cóng. Semion trông thấy tôi, thương xót, cởi áo kaftan mặc cho tôi và đưa tôi về đây. Ở đây bà cho tôi ăn, uống, thương xót tôi. Chúa sẽ cứu rỗi ông bà.
Matriona đứng dậy lấy cái áo lót cũ của Semion để bên cửa sổ, chính cái áo mà bà vá, đưa cho người lạ. Lại tìm thêm được cái quần đưa anh ta.
- Này cầm lấy, tôi thấy là anh chẳng có cả áo lót. Mặc vào đi rồi tiện chỗ nào thì nằm xuống đi, trên gác xép hoặc trên lò sưởi.
Người lạ cởi áo kaftan, mặc bộ quần áo lót và lên gác xép nằm. Matriona tắt nến, cầm lấy cái áo kaftan rồi nằm xuống cạnh chồng.
Matriona trùm vạt áo kaftan lên người, nằm nhưng không ngủ, không gạt được khỏi đầu ý nghĩ về người đàn ông lạ.
Bà chợt nhớ là anh ta đã ăn hết mẩu bánh còn lại và ngày mai sẽ không còn bánh mì, nhớ rằng đã đưa cho anh ta cái áo và cái quần, và bà thấy buồn nản; nhưng nhớ cách anh ta mỉm cười thì trong lòng thư thái trở lại.
Matriona mãi không ngủ được, và thấy Semion cũng không ngủ, kéo cái áo kaftan về phía mình.
- Ông Semion này!
- Gì vậy?
- Bánh mì mọi người ăn hết rồi, mà tôi lại chưa làm cái mới. Không biết mai thế nào. Chắc phải hỏi vay bà hàng xóm Malania.
- Sẽ sống được thôi, sẽ no thôi.
Bà vợ nằm im lặng.
- Anh chàng đó chắc là người tử tế, có điều chẳng kể gì về mình cả.
- Chắc là không được kể.
- Semion này!
- Gì?
- Mình cho đi như vậy, sao chẳng ai cho gì mình?
Semion chẳng biết trả lời sao. Ông bảo: “Rồi sẽ biết”. Rồi quay người ngủ thiếp đi.
V
Buổi sáng Semion thức dậy. Lũ trẻ còn ngủ, bà vợ đã sang hàng xóm vay bánh mì. Chỉ còn người lạ hôm qua mặc quần và áo lót cũ đang ngồi trên ghế dài nhìn lên phía trên. Khuôn mặt anh ta khác với hôm qua, tươi sáng hơn.
Semion bèn nói:
- Thế nào người anh em: bụng thì đòi ăn, thân thì cần áo quần. Phải kiếm sống thôi. Anh làm việc được chứ?
- Tôi chẳng biết làm gì cả.
Semion ngạc nhiên và nói:
- Chỉ cần muốn là được. Mọi thứ đều phải học cả.
- Người ta làm việc thì tôi cũng làm việc được.
- Tên anh là gì?
- Mikhail.
- Nào, Mikhail, anh không muốn kể về mình, nhưng việc của anh là phải tự kiếm ăn. Anh hãy làm việc cho tôi, tôi sẽ nuôi anh ăn.
- Chúa phù hộ ông, còn tôi sẽ học làm. Chỉ cho tôi xem phải làm gì.
Semion bắt đầu cầm sợi chỉ, quấn vào các ngón tay và thắt cái nút.
- Việc không khó đâu, nhìn này...
Mikhail nhìn, cũng lấy sợi chỉ quấn ngón tay, làm theo ngay và thắt được cái nút.
Semion chỉ anh ta cách gắn các mối chỉ, Mikhail nắm được tức thì. Ông chủ nhà chỉ cách nhồi lông và khâu lại, Mikhail cũng hiểu ngay.
Semion chỉ bảo bất cứ việc nào Mikhail đều nắm được ngay, nên đến ngày thứ ba đã làm việc thành thạo như từng khâu giày hàng thế kỷ rồi. Anh làm việc không ngơi tay, ăn ít, lúc rỗi việc thì im lặng nhìn lên trời suốt. Không đi ra ngoài đường, không nói câu gì thừa thãi, không đùa cợt, không cười.
Chỉ có một lần họ nhìn thấy anh mỉm cười, vào buổi tối khi bà chủ nhà dọn bữa tối cho anh.
VI
Ngày qua ngày, tuần qua tuần, và một năm trôi qua. Mikhail vẫn sống ở nhà Semion như trước, vẫn làm việc. Tiếng tăm về người làm công của Semion vang xa, rằng không ai khâu được ủng đẹp và chắc như anh Mikhail nhà Semion, và người khắp trong vùng bắt đầu tới nhà Semion đặt làm ủng, nhà Semion bắt đầu có của ăn của để.
Một lần vào mùa đông, Semion và Mikhail đang ngồi làm việc thì có một chiếc xe tam mã có treo lục lạc chạy tới. Hai người nhìn qua cửa sổ, cỗ xe dừng lại ngay trước cửa, một chàng trai trẻ nhảy ra mở cửa xe. Từ trong xe một ông quý tộc mặc áo choàng lông bước xuống. Ra khỏi xe, ông ta tiến lại nhà của Semion, bước lên hiên. Matriona chạy ra mở rộng cửa. Quý ông cúi mình chui vào nhà, vươn thẳng người, đầu suýt đụng trần, đứng che khuất cả góc nhà.
Semion đứng dậy nghiêng mình và ngạc nhiên nhìn ông quý tộc. Ông chưa từng gặp những người như vậy bao giờ. Bản thân Semion thì da bọc xương, Mikhail cũng gầy còm, còn Matriona thì hoàn toàn như que củi khô, trong khi con người kia thì như từ thế giới khác tới: mặt đỏ hồng, mỡ màng, cổ to như bò mộng, da thịt như được đúc bằng gang.
Quý ông thở phù phù, cởi áo lông, ngồi xuống ghế và nói:
- Ai là ông chủ đóng giày?
Semion bước ra:
- Bẩm ngài, tôi ạ.
Ông ta kêu cậu trai theo hầu của mình:
- Ê Fedka, mang hàng ra đây.
Cậu ta chạy vào, mang theo cái tay nải. Ông quý tộc đỡ lấy tay nải đặt lên bàn.
- Cởi ra đi, - ông ta nói. Chàng trai mở tay nải.
Ông quý tộc chỉ ngón tay vào chỗ nguyên liệu đóng giày của mình và bảo Semion:
- Ông thợ giày nghe này, ông thấy hàng của tôi chứ?
- Thấy ạ, thưa ngài.
- Ông có biết đó là da gì không?
Semion sờ sờ món hàng, nói:
- Da tốt ạ.
- Tốt quá ấy chứ! Ông ngốc ạ, ông chưa từng trông thấy hàng này bao giờ đâu. Da của Đức, giá hai mươi rúp đấy.
Semion bối rối nói:
- Làm sao chúng tôi thấy nó được.
- Thì thế đấy. Ông có thể may đôi ủng bằng hàng này cho tôi được không?
- Được ạ, thưa ngài.
Ngài quý tộc quát lên với Semion:
- Thế nào là “được”? Ông có biết sẽ may cho ai từ thứ da này không? May cho tôi mội đôi ủng để đi trong cả năm mà không bị hỏng, không bị bung ra. Nếu làm được thì nhận lấy hàng này mà cắt, không làm được thì đừng lấy, đừng cắt. Tôi nói trước với ông, nếu ủng bị bung, bị hỏng trước một năm, tôi sẽ bỏ tù ông. Nếu qua năm mà không hỏng, không bung, tôi sẽ trả ông mười rúp tiền công.
Semion bối rối không biết nói sao, bèn quay sang Mikhail, thúc khuỷu tay vào anh ta, thì thào:
- Có nhận được không?
Mikhail gật đầu: “Nhận đi”.
Semion nghe lời Mikhail, nhận may đôi ủng để đi cả năm không hỏng, không bung.
Ông quý tộc kêu cậu hầu cởi ủng ở chân trái ra, giơ chân cho Semion:
- Đo đi!
Semion lấy tờ giấy khoảng bốn chục phân, vuốt thẳng, và quỳ xuống, chùi tay vào tạp dề thật sạch để không làm bẩn tất của ông quý tộc, rồi bắt đầu lấy số đo. Semion đo lòng bàn chân, đo mu bàn chân và bắt đầu đo sang bắp chân, nhưng không đủ giấy. Bắp chân ông khách to như súc gỗ lớn.
- Coi chừng đừng làm chật chỗ ống chân quá.
Semion lấy thêm một tờ giấy nữa. Quý ông ngồi, ngọ ngoạy ngón chân trong tất, ngó nhìn mọi người trong nhà và để ý đến Mikhail.
- Anh ta là ai trong nhà anh? - ông ta hỏi.
- Anh ta là thợ của tôi, anh ta sẽ khâu ủng cho ông.
- Cậu chú ý đấy, - ông quý tộc nói với Mikhail - nhớ là may làm sao đi được cả năm không hỏng đấy.
Semion nhìn sang Mikhail, thấy anh ta không nhìn ông quý tộc, mà hướng vào trong góc phía sau ông ta như đang nhìn ai đang ở đó. Mikhail nhìn một lúc rồi bỗng mỉm cười, mặt tỏa sáng hẳn lên.
- Cậu làm sao thế hả đồ ngốc, làm gì mà nhe răng ra thế? Nhớ coi chừng, làm cho đúng hạn đấy.
Mikhail đáp:
- Đến lúc thì sẽ kịp.
- Ờ ờ.
Ông quý tộc đi ủng, mặc áo khoác lông, thắt dây lưng và đi ra cửa. Ông ta quên cúi đầu nên bị cộc vào cái đà ngang trên khung cửa.
Ông ta rủa xả, xoa xoa đầu, ngồi lên xe và đi mất.
Khi ông quý tộc đi khỏi, Semion mới nói:
- Ông ta đúng là khỏe như vâm. Búa bổ cũng không chết được. Đập đầu vào cạnh cửa như thế mà chẳng sao.
Còn Matriona thì bảo:
- Sống như ông ta thì sao không khỏe được. Người như vậy thần chết chẳng sờ tới đâu.
VII
Semion nói với Mikhail:
- Phải bắt tay vào làm đi thôi, để khỏi bị mang vạ. Hàng thì quý, ông chủ thì dữ tính. Đừng để bị lỗi. Nào, mắt anh sáng hơn, tay anh nhanh nhẹn hơn tay tôi, cầm lấy cái thước này. Cắt miếng da đi, rồi tôi sẽ khâu mũi ủng.
Mikhail chưa nghe hết đã cầm lấy tấm da của ông quý tộc, trải lên bàn, gấp đôi lại, cầm dao và bắt đầu cắt.
Matriona lại gần nhìn thấy Mikhail cắt thì ngạc nhiên không biết anh ta đang làm gì. Bởi bà cũng đã quen với công việc làm ủng, nhìn và biết Mikhail không cắt da theo kiểu để làm ủng, mà cắt thành vòng tròn.
Matriona muốn nhắc, nhưng rồi thầm nghĩ: “Có lẽ mình không biết cách làm ủng cho quý ông; có lẽ Mikhail biết rõ hơn, không nên làm phiền anh ta”.
Mikhail cắt xong một đôi, cầm lấy chỉ và bắt đầu khâu không theo kiểu khâu ủng là từ hai đầu, mà lại từ một đầu như người ta khâu dép.
Matriona cũng ngạc nhiên, nhưng cũng lại không can thiệp. Còn Mikhail thì vẫn tiếp tục khâu. Đến giữa trưa thì Semion đứng dậy, nhìn thấy Mikhail đã may chỗ da của ông quý tộc thành đôi dép.
Semion kêu ối lên một tiếng. “Làm sao mà anh ta cả năm qua không làm sai cái gì, mà bây giờ lại gây ra tai họa thế này? - ông nghĩ - Ông quý tộc đặt làm đôi ủng có đế cao, mà anh ta lại khâu đôi dép bẹt không đế, làm hỏng mất chỗ da rồi. Mình làm sao với ông chủ đó đây? Hàng da đó không cách nào tìm mua được”.
Ông bèn nói với Mikhail:
- Anh làm cái gì vậy hả anh bạn? Anh giết tôi mất thôi! Ông quý tộc đặt làm đôi ủng, mà anh khâu ra cái gì đấy?
Ông vừa bắt đầu quở trách Mikhail, thì bỗng có tiếng lốc cốc ngoài cửa. Họ ngó nhìn qua cửa sổ: một người vừa phi ngựa tới, đang cột ngựa. Cửa mở và cậu người hầu của ông quý tộc bước vào.
- Xin chào!
- Xin chào! Cậu cần gì?
- Bà chủ bảo tôi đến về việc đôi ủng.
- Chuyện gì về đôi ủng?
- Vâng về đôi ủng ấy! Ông chủ tôi không cần ủng nữa. Ông ấy chết rồi.
- Sao thế được!
- Ông ấy từ đây về chưa kịp tới nhà, mất luôn trong xe ngựa. Xe vừa tới cửa, mọi người chạy ra đón, thì ông ấy đã nằm như một cái bao, lạnh ngắt, chết cứng rồi, phải ra sức mới lôi được ra khỏi xe. Bà chủ sai tôi tới đây, bảo: “Mày tới nói với ông thợ giày, rằng ông chủ đặt làm đôi ủng và để da lại chỗ các ông, bảo các ông rằng không cần ủng nữa, mà cần làm gấp đôi dép bằng chỗ da đó cho người quá cố. Ngồi đó chờ họ khâu xong rồi mang đôi dép về”. Vậy nên tôi tới đây.
Mikhail lấy khúc da thừa để trên bàn, cuốn lại thành hình ống, lấy đôi dép đã làm xong đập đập vào nhau, dùng tạp dề lau sạch chúng rồi đưa cho cậu trai. Cậu người hầu cầm lấy đôi dép.
- Tạm biệt các bác! Chúc một ngày tốt lành!
VIII
Thêm một năm, rồi hai năm nữa trôi qua, và Mikhail đã sống ở nhà Semion đến năm thứ sáu. Anh vẫn sống như trước. Không đi đâu cả, không nói điều thừa thãi, và từ đầu đến giờ chỉ cười đúng hai lần: một lần khi bà chủ nhà dọn bữa tối cho anh, lần thứ hai là với ông quý tộc. Semion nở mày nở mặt vì người làm công của mình, không còn hỏi anh ta từ đâu tới nữa; chỉ lo lắng một điều là anh đừng rời bỏ nhà ông.
Một lần họ ngồi ở nhà. Bà chủ nhà đặt chiếc nồi gang lên lò, còn bọn trẻ chạy quanh chiếc ghế dài, mắt nhìn ra cửa sổ. Semion ngồi khâu cạnh một ô cửa sổ, còn cạnh ô cửa sổ bên kia Mikhail đang đóng gót giày.
Thằng con Semion chạy quanh chiếc ghế về phía Mikhail, tựa vào vai anh và ngó ra ngoài cửa sổ.
- Chú Mikhail nhìn kìa, có bà thương gia cùng mấy đứa con gái đến nhà mình kìa. Có một đứa bị què kìa.
Chú bé vừa nói thế, Mikhail liền dừng công việc quay đầu về phía cửa sổ nhìn ra đường.
Semion ngạc nhiên, bởi Mikhail chưa bao giờ nhìn ra đường, mà bây giờ lại dán mắt vào cửa sổ nhìn cái gì đó. Semion cũng nhìn theo và trông thấy đúng là có một phụ nữ đang lại gần nhà ông, ăn mặc sạch sẽ, tay dắt hai đứa bé gái mặc áo lông, trùm khăn len. Hai bé gái trông giống hệt nhau, chỉ có một đứa bị tật chân trái, đi khập khiễng.
Người phụ nữ bước lên hiên nhà, vào phòng đệm, mò tìm cái móc cửa và mở ra. Bà ta để hai bé gái qua trước rồi bước vào nhà.
- Xin chào các ông bà chủ nhà!
- Không dám, xin chào. Bà cần gì ạ?
Người phụ nữ ngồi xuống cạnh bàn. Hai bé gái ngồi trên đùi, lạ lẫm nhìn mọi người.
- Tôi muốn đặt làm đôi giày da cho hai đứa con gái đi vào mùa xuân.
- Dĩ nhiên là được thôi. Chúng tôi chưa từng làm giày cho trẻ con, nhưng vẫn được thôi. Có thể có viền đế, có thể bằng da lộn và vải lanh. Anh Mikhail đây là thợ của chúng tôi.
Và Semion lại ngạc nhiên với Mikhail. Đúng là hai bé gái rất xinh, ông nghĩ, mắt đen láy, mũm mĩm, hồng hào, áo khoác và khăn trên mình rất đẹp, nhưng Semion vẫn không hiểu, tại sao Mikhail nhìn chúng như thế, giống như chúng là người quen của anh ta.
Semion ngạc nhiên, rồi quay sang trò chuyện với người phụ nữ, thỏa thuận giá cả. Giá cả xong xuôi, ông bắt đầu lấy số đo. Người phụ nữ nhấc đứa bé bị què chân lên gối và nói:
- Ông đo giúp hai số; số của chân bị tật thì khâu một chiếc giày, còn số của cái chân lành thì khâu ba chiếc. Hai đứa chân bằng nhau, có cùng số đo, chúng là chị em sinh đôi mà.
Semion lấy số đo và hỏi về bé gái bị tật:
- Sao nó bị như thế? Con bé xinh như thế. Bẩm sinh đã bị thế hay sao?
- Không, mẹ nó đè lên nó đấy.
Matriona chen vào, bà muốn biết người phụ nữ là ai và lũ trẻ là con nhà ai, bèn hỏi:
- Chả nhẽ bà không phải là mẹ của chúng à?
- Tôi không phải là mẹ đẻ của chúng, bà chủ nhà ạ, chúng là con người khác, là con nuôi của tôi.
- Không phải là con bà, mà bà yêu thương chúng thế!
- Làm sao tôi không yêu thương chúng được. Tôi cho chúng bú mớm bằng sữa của mình. Tôi có con của mình nhưng Chúa mang đi mất, tôi không thương nó bằng thương mấy đứa trẻ này.
- Thế chúng là con ai?
IX
Người phụ nữ bắt đầu kể chuyện.
- Chuyện xảy ra sáu năm trước, trong vòng một tuần mà hai đứa bé này thành mồ côi: bố chúng được chôn vào hôm thứ ba, thì thứ sáu mẹ chúng chết. Chúng ra đời ba ngày sau khi bố chết, còn bà mẹ thì không sống được một ngày sau khi sinh. Khi đó tôi cùng chồng đang làm nông, là hàng xóm sát cạnh nhà họ. Ông bố vốn một thân một mình, làm việc trong rừng. Người ta đốn cây, cái cây đổ thẳng vào người ông ấy, lòi cả ruột gan ra ngoài. Mang về được đến nhà thì ông ấy đã về chầu Chúa, còn bà vợ trong tuần đó đẻ sinh đôi, là hai đứa con gái này. Nghèo khổ, cô đơn, không mẹ già, không chị em gái. Bà ấy sinh con một mình, chết một mình.
Buổi sáng tôi qua thăm bà hàng xóm, bước vào nhà thì bà ấy, con người đáng thương ấy, đã lạnh ngắt rồi. Chết như thế và nằm đè lên con, đè lên con bé này này, làm gẫy chân nó. Mọi người xúm tới tắm rửa, quấn vải, đóng hòm, chôn cất bà mẹ. Toàn những người tốt bụng. Còn lại một mình hai đứa bé con, biết gửi chúng đi đâu? Tôi thì đang nuôi con nhỏ, thằng bé đầu lòng được tám tuần tuổi. Tôi định tạm thời mang chúng về nhà. Bọn đàn ông họp lại, nghĩ mãi nghĩ mãi xem gửi chúng đi đâu, rồi họ bảo tôi: “Bà Maria ạ, tạm thời giữ mấy con bé này bên nhà bà, cho chúng tôi ít thời gian để nghĩ cách”. Đầu tiên tôi chỉ cho con bé chân lành bú, còn không cho con bé què này: không hy vọng là nó sống được. Nhưng rồi nghĩ: tại sao cái linh hồn bé bỏng như thiên thần này phải chịu khổ thế? Thấy thương xót nó, nên mới cho nó bú. Thế là vừa nuôi con mình vừa nuôi hai đứa bé này - cho cả ba đứa bú! Được cái tôi còn trẻ, khỏe mạnh, lại được ăn tốt. Nên Chúa cho sữa của tôi nhiều tràn trề cả ra. Cho hai đứa bú, còn đứa thứ ba đợi. Một đứa nhả ra thì đến đứa thứ ba. Chúa cho tôi nuôi chúng như thế đấy, đến năm thứ hai thì tôi chôn thằng bé con của mình. Rồi Chúa không cho tôi thêm đứa con nào nữa. Trong khi của cải thì dư dả. Nên giờ chúng tôi sống ở đây chỗ cối xay lúa của ông thương gia. Tiền lương cao, sống thoải mái, mà con cái lại không có. Làm sao tôi sống nổi một mình, nếu không có mấy con bé này! Làm sao mà tôi không yêu thương chúng được! Chúng là những người thân thiết yêu quý của tôi!
Người phụ nữ một tay ôm chặt bé gái què chân, còn tay kia lau nước mắt trên má.
Matriona thở dài nói:
- Rõ là tục ngữ chẳng nói sai: không cha không mẹ vẫn sống được, còn không có Chúa thì không sống nổi.
Họ trò chuyện với nhau như thế, rồi người phụ nữ đứng dậy ra về, bà chủ nhà ra tiễn. Họ quay lại nhìn Mikhail. Anh ngồi, tay để lên gối, mắt hướng lên cao, mỉm cười.
X
Semion lại gần anh nói: “Nào Mikhail!” Mikhail đứng dậy khỏi ghế, bỏ công việc đang làm dở xuống, cởi tạp dề, cúi mình trước ông bà chủ nhà và nói:
- Ông bà chủ, xin thứ lỗi cho tôi. Chúa đã tha thứ cho tôi rồi. Xin ông bà cũng tha thứ cho tôi.
Hai vợ chồng nhìn thấy ánh sáng tỏa ra từ Mikhail. Semion đứng dậy cúi mình trước Mikhail và nói với anh:
- Mikhail ạ, tôi biết anh không phải là người thường, và tôi không thể giữ anh ở lại được, không thể hỏi gì anh. Chỉ xin nói cho tôi một điều: tại sao khi tôi tìm thấy anh và đưa anh về nhà, trông anh ủ rũ u buồn, và khi vợ tôi cho anh ăn, anh mỉm cười với bà ấy và từ đó trở nên tươi tắn hơn? Sau đó, khi ông quý tộc đặt làm ủng, anh lại cười với ông ta lần nữa và từ đó lại tươi hơn nữa? Còn bây giờ, khi người phụ nữ kia mang hai đứa bé tới, anh mỉm cười lần thứ ba và cả người sáng rực lên. Hãy nói cho tôi biết, Mikhail, tại sao có ánh sáng như thế ở anh và tại sao anh mỉm cười ba lần?
Và Mikhail nói:
- Ánh sáng nơi tôi là bởi vì tôi bị trừng phạt và giờ đây Chúa tha tội cho tôi. Còn tôi mỉm cười ba lần, là bởi vì tôi phải biết được ba lời của Chúa. Tôi đã biết được ba lời đó: một lời tôi biết được khi vợ ông thương xót tôi, vì thế tôi mỉm cười lần đầu tiên. Lời thứ hai tôi biết được khi ông nhà giàu kia đặt làm ủng, và tôi cười lần hai. Còn bây giờ khi tôi thấy các cô bé, tôi nhận ra lời cuối cùng, lời thứ ba, và tôi mỉm cười lần thứ ba.
Semion bèn nói:
- Hãy cho tôi được biết, Mikhail, Chúa trừng phạt anh vì tội gì và những lời của Chúa là gì?
Và Mikhail đáp:
- Tôi bị Chúa trừng phạt vì tôi không vâng lời Người. Tôi vốn là thiên thần ở trên trời và đã không vâng lời Chúa. Tôi là thiên thần và Chúa sai tôi đi lấy linh hồn của một người phụ nữ. Tôi bay xuống mặt đất, nhìn thấy một người phụ nữ đang nằm, ốm đau, sinh đôi hai bé gái. Chúng ngọ ngoạy bên cạnh mẹ và mẹ chúng không thể kéo chúng lại bầu ngực của mình. Người phụ nữ trông thấy tôi, hiểu rằng Chúa sai tôi đến lấy linh hồn bà ta, bèn khóc và nói: “Thiên thần của Chúa ơi! Người ta vừa chôn chồng tôi, ông ấy bị cây trong rừng đè chết. Tôi không có em gái, không có cô dì, không có mẹ, không ai nuôi những đứa con mồ côi của tôi. Đừng lấy linh hồn tôi, để tôi cho con mình ăn, uống, đứng được lên đôi chân đã! Trẻ con không thể sống thiếu cả cha cả mẹ được!” Nghe người mẹ nói thế, tôi đặt một bé gái lên ngực bà, đặt đứa thứ hai vào tay bà, rồi bay lên trời với Chúa. Bay tới nơi, tôi thưa với Chúa: “Con không thể lấy hồn của bà mẹ vừa sinh con được. Người cha đã bị cây đè chết, người mẹ đẻ sinh đôi và cầu xin con đừng lấy đi linh hồn của bà ta, bà ấy bảo: “Hãy để tôi cho con mình ăn, uống, đứng được lên đôi chân đã! Trẻ con không thể sống thiếu cả cha cả mẹ được!” Và con đã không lấy linh hồn của bà mẹ ấy”. Chúa bèn nói với tôi: “Hãy đi lấy linh hồn của bà mẹ sinh con đó và ngươi sẽ biết được ba lời: ngươi sẽ biết được cái gì ở trong con người, điều gì con người không được ban cho, và con người sống bằng gì. Khi nào ngươi biết được rồi thì quay trở lại lên trời”. Tôi bay lại xuống đất và lấy linh hồn của người mẹ mới sinh.
Những đứa bé rơi khỏi ngực người mẹ. Cái xác chết lăn ra giường, đè lên một đứa bé làm gãy chân nó. Tôi bay lên cao phía trên ngôi làng, định mang linh hồn người mẹ cho Chúa, thì bỗng gió nổi quật vào tôi, bứt đôi cánh khỏi người tôi cuốn đi mất, thế là chỉ một mình linh hồn người đàn bà bay lên với Chúa, còn tôi thì ngã xuống đất bên vệ đường.
Minh họa: NGÔ LAN HƯƠNG |
XI
Thế là Semion và Matriona hiểu rằng họ đã cho áo ấm và nuôi ăn ai, và ai đã sống cùng họ. Họ òa khóc vì sợ hãi và vì sung sướng.
Thiên thần nói:
- Tôi còn lại một mình trên cánh đồng và trần truồng. Tôi trước kia vốn không biết đến sự nghèo khổ của con người, không biết đến cái lạnh, cái đói, và khi trở thành người, tôi bị đói, bị rét cóng và không biết phải làm sao. Tôi trông thấy trên cánh đồng có ngôi nhà thờ Chúa, bèn tới đó định tá túc. Nhà thờ khóa cửa, không vào được. Thế là tôi ngồi ở sau nhà thờ để tránh gió. Đến chiều tối thì đói và lạnh run cả người. Bỗng tôi nghe thấy có tiếng người đi trên đường, tay cầm đôi ủng, vừa đi vừa nói chuyện một mình. Tôi nhìn thấy khuôn mặt của một người trần lần đầu tiên từ khi tôi trở thành người, và tôi thấy sợ khuôn mặt đó nên quay đi. Tôi nghe ông ta tự nói với mình rằng phải làm sao để giữ ấm qua mùa đông và làm sao nuôi được vợ con. Tôi mới nghĩ: “Mình thì sắp chết rét và chết đói, còn cái con người đang đi kia chỉ nghĩ đến việc làm sao ông ta và vợ có được áo lông để khoác và bánh mì để ăn. Ông ta hẳn sẽ không giúp đỡ mình đâu”. Người đó nhìn thấy tôi, cau có, trông còn đáng sợ hơn và đi ngang qua tôi. Tôi đã thất vọng. Bỗng tôi nghe thấy tiếng người đi ngược lại. Tôi nhìn và không nhận ra con người trước đó: khuôn mặt trước như cái chết, còn giờ bỗng sống động, qua gương mặt ông ta tôi nhận ra Chúa. Ông ta lại gần tôi, cho tôi áo mặc, dắt tôi theo đưa về nhà mình. Khi tôi vào nhà, một người phụ nữ bước ra và bắt đầu nói. Người phụ nữ đó còn đáng sợ hơn người đàn ông, thần chết từ miệng bà ta bay ra. Bà ta muốn đuổi tôi đi. Bỗng ông chồng nhắc bà nhớ đến Chúa, và bà ấy đột nhiên thay đổi. Rồi khi bà ấy cho chúng tôi ăn tối, còn bản thân bà nhìn tôi, tôi nhìn lại bà và thấy thần chết không còn ở đó nữa, bà ấy trở nên sống động, và tôi đã nhận ra Chúa ở nơi bà.
Và tôi nhớ tới lời đầu của Chúa: “Ngươi sẽ biết điều gì ở trong con người”. Tôi nhận ra rằng nơi con người có tình yêu thương. Tôi vui mừng vì Chúa đã bắt đầu khải thị cho tôi điều Người đã hứa, và tôi mỉm cười lần đầu tiên. Nhưng tôi chưa biết hết tất cả. Tôi còn chưa hiểu được con người không được ban cho cái gì và con người sống bằng gì.
Tôi đến sống với ông bà được một năm. Rồi một người đến đặt làm đôi ủng để có thể đi cả năm mà không bị bung ra, không bị hỏng. Tôi nhìn ông ta và bỗng thấy sau lưng ông ta người bạn của mình là thần Chết. Không ai ngoài tôi nhìn thấy vị thần đó, nhưng tôi nhìn thấy và biết rằng mặt trời chưa lặn thì linh hồn của ông nhà giàu đó sẽ bị lấy đi. Nên tôi nghĩ: “Con người này để dành của cho cả năm, mà không biết rằng không sống được đến tối”. Rồi tôi chợt nhớ tới lời thứ hai của Chúa: “Ngươi sẽ biết con người không được ban cho điều gì”.
Tôi đã biết điều gì có trong con người. Giờ đây tôi biết được điều gì con người không được ban cho. Con người không được cho biết ông ta cần gì cho thân thể của mình. Và tôi mỉm cười lần thứ hai. Tôi vui sướng vì nhìn thấy thần Chết bạn mình, và vì Chúa đã khai mở cho tôi lời thứ hai.
Nhưng tôi vẫn còn chưa thể hiểu hết. Tôi còn chưa biết con người sống bằng gì. Vì thế tiếp tục sống và đợi khi nào Chúa khải thị cho tôi lời cuối cùng. Đến năm thứ sáu thì hai bé gái sinh đôi cùng người phụ nữ đến, và tôi nhận ra hai đứa bé đó. Tôi nhận ra và nghĩ rằng: “Người mẹ đã cầu xin cho những đứa con, và tôi đã tin người mẹ, rằng không có cha mẹ thì bọn trẻ không sống được. Nhưng người phụ nữ xa lạ đã nuôi nấng chúng lớn lên”. Khi người phụ nữ thương yêu những đứa trẻ con người khác và khóc vì chúng, tôi nhìn thấy trong bà ấy Chúa sống động, và hiểu rằng con người sống bằng gì. Tôi nhận ra rằng Chúa đã khải thị cho tôi lời cuối cùng và đã tha thứ cho tôi, nên tôi mỉm cười lần thứ ba.
XII
Thân hình thiên thần lại trở nên trần trụi, bao quanh toàn ánh sáng chói lòa khiến mắt không thể nhìn vào được; và thiên thần nói to hơn, tiếng nói dường như không phải từ chỗ thần, mà là từ trên trời vọng xuống. Thiên thần nói:
- Tôi nhận ra rằng mọi người đều sống được không phải bằng sự quan tâm đến bản thân mình, mà là bằng tình yêu thương.
Người mẹ không được biết các con của bà cần gì để sống. Ông nhà giàu không được biết bản thân ông cần gì. Không một người nào được biết cần đôi ủng cho người sống hay đôi dép cho người chết vào trước lúc trời tối.
Tôi sống được khi trở thành con người không phải bởi tôi lo nghĩ cho bản thân mình, mà là bởi có tình yêu trong một người qua đường và vợ ông ta, họ đã thương xót và yêu mến tôi. Những đứa trẻ mồ côi sống được không phải do những cân nhắc lo toan của người mẹ, mà bởi tình yêu trong trái tim người phụ nữ xa lạ, bà ấy đã thương xót và yêu mến chúng. Và con người sống được không phải bởi họ tự lo nghĩ cho bản thân mình, mà bởi cái gọi là tình yêu trong con người.
Trước kia tôi biết rằng Chúa ban cho con người sự sống và muốn con người được sống; giờ đây tôi hiểu thêm được cả điều khác nữa.
Tôi hiểu rằng Chúa không muốn con người sống cô lẻ, vì thế không khải thị cho họ điều mà mỗi người cần cho mình, mà muốn họ sống cùng nhau, rồi sau đó khải thị cho họ điều gì cần cho tất cả, cho bản thân và cho mọi người.
Bây giờ tôi đã hiểu rằng mọi người chỉ tưởng rằng họ sống nhờ biết quan tâm đến bản thân, mà thực ra họ sống được chỉ nhờ vào tình yêu thương. Người ở cùng tình yêu thương là người ở trong Chúa, và Chúa ở cùng anh ta, bởi Chúa là tình yêu thương.
Và thiên thần hát ca ngợi Chúa, giọng thần làm rung chuyển ngôi nhà. Trần nhà tách ra, một cây cột lửa mọc từ đất vươn lên tới trời. Semion và vợ con phủ phục xuống đất. Một đôi cánh mọc ra trên lưng thiên thần, và thần bay lên trời.
Khi Semion tỉnh ra, ngôi nhà lại trở về như cũ, trong nhà, ngoài những người trong gia đình, không còn ai khác.
Trần Thị Phương Phương
dịch từ nguyên bản tiếng Nga
(Чем люди живы // Л.Н. Толстой. Собрание сочинений в 22 тт. М.: Художественная литература, 1982. Т. 10. С. 234-253.)
(TCSH361/03-2019)